Liệu nước Mỹ có lâm vào nội chiến lần hai?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Peter Turchin, “I predicted 2020 would be a mess for the U.S. Could that help prevent a second civil war?”, The Globe and Mail, 03/07/2020.

Người dịch: Huỳnh Mỹ Xuyên

Cách đây 10 năm, tôi đã dự báo rằng năm 2020 sẽ đánh dấu “một đỉnh cao mới của bạo lực” tại Mỹ và Tây Âu. Vào thời đó, dự báo này xem ra có vẻ không bình thường; các nước Tây Âu trên thực tế vẫn đang ổn định từ trước năm 2010. Nhưng thậm chí tôi vẫn không thể tưởng tượng được sự thể lại có thể tệ đến mức như những gì đã và đang xảy ra.

Sự phân cực về chính trị  thành hai xu hướng đối kháng nhau, những vụ “giết chóc tràn lan” – nay được gọi là “khủng bố nội đia” – đã gia tăng mạnh mẽ. Biến đổi khí hậu đang tăng tốc đã làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng về người tị nạn, an toàn thực phẩm, nhà ở và nhiều thứ nữa. Đại dịch Covid-19 đã khiến nửa triệu người thiệt mạng và làm điêu đứng nhiều nền kinh tế. Những cuộc biểu tình chống chính quyền, bạo loạn, được châm ngòi bởi việc một viên cảnh sát ở Minneapolis dùng đầu gối chẹn cổ làm chết George Floyd, đã lan rộng khắp nước Mỹ. Tất cả cuối cùng đã dẫn đến sự bùng nổ bất ổn xã hội tệ hại nhất tính từ những năm 1960.

Các nhà sử học hay nói rằng việc không hiểu được lịch sử sẽ khiến chúng ta lặp lại lịch sử. Có một phần sự thật trong nhận định này, nhưng phán đoán này có xu hướng giả định rằng các chu kỳ trong lịch sử cứ xảy ra mà không phân tích những nguyên nhân của chúng bằng các phương pháp khoa học nghiêm ngặt. Vì vậy, nếu như chúng ta không biết những mảng nào trong lịch sử đúng là lặp lại và tại sao– nghĩa là những lý thuyết về các nguyên nhân dẫn tới sự lặp lại đó là đúng hay sai – thì chúng ta vẫn sẽ lặp lại lịch sử.

Đó là lý do tại sao những nhà khoa học như tôi đưa ra những dự báo có cơ sở khoa học dựa trên những lý thuyết, để trắc nghiệm xem những dự báo nào là đúng. Lý thuyết mang lại dự báo chính xác thì có khả năng đúng hơn lý thuyết mang lại những dự báo không chính xác. Đây là lĩnh vực của một ngành nghiên cứu gọi là cliodynamics. Đây là cơ sở mà dựa vào đó tôi đưa ra các dự báo. Đó là cuộc kiểm tra một lý thuyết  mà các đồng nghiệp của tôi và tôi đã đề xướng bằng cách nghiên cứu những xã hội trong quá khứ nhằm xác định những yếu tố nào là nguyên nhân khiến các quốc gia trong lịch sử rơi vào các cuộc khủng hoảng, như  cách mạng hay nội chiến.

Qua nghiên cứu, chúng tôi đã có một câu hỏi cần lời đáp: Phải chăng sự bất bình đẳng là mầm mống sinh ra sự bất ổn?

Chúng ta chấp nhận rằng sự bất bình đẳng ở một mức độ nào đó có lẽ là điều không thể tránh khỏi và thậm chí không phải là điều xấu. Thí dụ: phần lớn chúng ta đồng ý rằng những ai làm việc cần cù, chăm chỉ hơn thì nên được tưởng thưởng cho những nỗ lực, cố gắng trong lao động của họ. Tuy nhiên, lý thuyết của chúng tôi cho rằng sự bất bình đẳng trở thành một vấn đề khi nó vượt qua một mức độ mà ở đó đa số chúng ta cho là không công bằng.

Theo phương pháp của các nhà khoa học, chúng tôi dùng lý thuyết của mình để đưa ra những dự đoán về các xã hội khác nhau, và những dự báo này đã đúng khi chúng tôi xem xét xã hội La Mã cổ đại và nước Pháp thời Trung cổ. Tuy nhiên, những dự báo về tương lai khó thực hiện vì những thời đại đã qua trong quá khứ không phải lúc nào cũng diễn tiến có tính chất song song so với thời hiện đại.

Trong vòng bốn thập niên qua, trong khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, thu nhập của phần lớn người Mỹ vẫn dậm chân tại chỗ và thậm chí còn đi xuống. Nếu chúng ta lấy mức thu nhập trung bình (median wage) – tức khoản tiền mà một công nhân điển hình kiếm được – và chia nó cho thu nhập quốc dân tính trên đầu người (GDP per capita), chúng ta thấy con số này giảm dần qua mấy thập niên, và hiện nay nó đã rơi xuống mức thấp trong lịch sử. Điều này có nghĩa là tăng trưởng kinh tế không mang lại lợi ích cho đa số người dân Mỹ. Và không chỉ sự khá giả kinh tế giảm xuống mà còn cả những chuyện khác: tuổi thọ của nhiều thành phần dân chúng Mỹ cũng đã bắt đầu giảm. Vậy thì có đáng ngạc nhiên hay không khi một tâm trạng bi quan hiện đang lan tỏa trong xã hội của chúng ta?

Quả là nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ trong bốn thập niên qua, nhưng một kết quả của nó là đã sản sinh số triệu phú, tỉ phú nhiều gấp ba đến năm lần so với trước đây. Nhiều người, kể cả những triệu phú mới nổi, đương nhiên không coi đó là một vấn đề. Họ có thể có lý, nếu như sự giàu có, sung túc của một phần trăm dân số ở tầng lớp trên cũng đi kèm với sự tăng trưởng về tài sản của người có thu nhập trung bình. Nhưng trên thực tế, điều này đã không xảy ra.

Khi có quá nhiều triệu phú thì có một vấn đề khác tế nhị hơn và thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Lý thuyết của chúng tôi cho rằng một bộ phận dân chúng có tài sản lớn đến một lúc nào đó sẽ quyết định biến sức mạnh kinh tài của họ thành quyền lực chính trị. Nói cách khác, chính bản thân họ sẽ tìm kiếm chức quyền hoặc đầu tư vào những ứng cử viên mà họ chọn lựa. So với thời điểm cách đây 40 năm, số lượng triệu phú tăng lên gấp 4 lần, có nghĩa là hiện nay số lượng người tham gia vào các hoạt động chính trị tăng lên gấp 4 lần. Có nhiều ứng viên hơn trước, nhưng số lượng chức vụ có quyền lực không thay đổi. Lâu nay, ở Hạ viện Mỹ  có 435 ghế; Thượng viện cũng chỉ có 100 ghế, và chỉ có một ghế dành cho tổng thống. Một khi cuộc chạy đua giữa các cá nhân quyền thế ở tầng lớp trên đạt đến mức độ gay gắt, nó sẽ tạo ra nhiều người thua cuộc hơn trước. Sự cạnh tranh quyết liệt bào mòn sự hợp tác vốn là nền tảng cho xã hội, trong khi đó những chuẩn mực xã hội cần thiết cho sự vận hành trơn tru của một nền dân chủ bắt đầu rệu rã, trục trặc. Cuối cùng, số lượng ngày càng tăng những phần tử không thể “vượt lên” được bằng những phương tiện hợp pháp, chính đáng sẽ cảm thấy bị “bỏ rơi” bởi  các thể chế và thường trở thành những kẻ cấp tiến (radicals) hoặc những thành phần muốn làm cách mạng (revolutionaries) nhắm đến mục tiêu lật đổ chế độ “bất công”, theo như cách nghĩ của họ, bằng bất cứ phương tiện nào cần thiết.

Đây là lý thuyết của chúng tôi để giải thích các cuộc cách mạng ở La Mã cổ đại, nước Pháp thời trung cổ, và bây giờ, nước Mỹ thời hiện đại. Theo đó, cần phải có sự bất mãn cao độ của quần chúng cũng như phải có những người lãnh đạo. Hiện có rất nhiều những người như vậy do có nhiều cạnh tranh, xung đột giữa các phần tử quyền thế, có lẽ ví dụ rõ ràng nhất là tổng thống Donald Trump, người đã dùng tài sản cá nhân của mình để giành được một chức tổng thống gây nhiều chia rẽ.

Hiện nay, tại Mỹ, chúng ta đang tiến đến rất gần thời điểm mà một cuộc nội chiến hay một cuộc cách mạng có thể xảy ra. Tuy nhiên, những “tình huống cách mạng” không phải lúc nào cũng kết thúc bằng một cuộc cách mạng thật sự. Theo phân tích lịch sử của chúng tôi, trong một vài trường hợp, những nhà lãnh đạo khôn khéo và thành phần tỉnh táo trong tầng lớp trên được ủng hộ bởi những phong trào xã hội có thể thành công khi đề xuất những cải cách phù hợp nhằm lèo lái xã hội đến những bến bờ an toàn. Một thí dụ quen thuộc trong lịch sử Mỹ là kế hoạch New Deal của tổng thống Franklin Roosevelt. Một thí dụ khác là loạt cải cách chính trị mà nước Anh đã áp dụng dưới áp lực của phong trào công nhân, tạo điều kiện giúp nước Anh thoát khỏi những cuộc cách mạng vốn càn quét khắp lục địa châu Âu những năm 1848 – 1849.

Còn về khả năng đưa ra những biện pháp nhằm tránh đẩy xã hội vào một cuộc nội chiến lần hai thì sao? Chuyện này vượt quá phạm vi nghiên cứu của tôi. Hơn nữa, qua nghiên cứu những tình huống lịch sử trong quá khứ, tôi thấy rằng ngay cả những giải pháp thành công cho những cuộc khủng hoảng trước đây cũng là kết quả của những tiến trình chính trị không lường được, hỗn độn và rối loạn liên quan tới vô số những thỏa hiệp của con người, trong khi những thành phần hưởng lợi từ sự bất bình đẳng cao độ đấu tranh kịch liệt nhằm bảo vệ những đặc quyền, đặc lợi của họ.

Dẫu vậy, xã hội Mỹ hiện nay có lẽ là nơi đầu tiên có cơ hội để nhận biết những yếu tố tiềm ẩn nằm bên dưới cuộc khủng hoảng hiện nay. Những hệ thống xã hội phức tạp như nước Mỹ không chấp nhận những giải pháp tuyến tính, giản đơn vốn thường hay làm cho tình thế trở nên tệ hại hơn với những hậu quả không lường trước. Chúng ta cần sử dụng những phương pháp mới dựa trên khoa học phức tạp, biến những hiểu biết có được qua nghiên cứu các cuộc khủng hoảng trong quá khứ và hiện tại thành những mô hình khoa học trên máy tính về xác suất dựa trên bằng chứng mà các nhà lãnh đạo và công chúng có thể sử dụng.

Nếu muốn, hãy thử tưởng tượng bạn đang lái một con tàu vượt đại dương. Bạn dự tính và vẽ ra hành trình, xem xét các yếu tố phức tạp như chuyển động của các dòng hải lưu, đá ngầm và đường bờ biển, và qua đó, bạn phát hiện ra rằng nếu như mình đi theo lộ trình đã lên kế hoạch thì tàu sẽ gặp sự cố và mắc cạn. Thế là bạn quyết định thay đổi hướng đi để tránh hậu quả này. Một dự đoán như vậy được gọi là “dự báo tự khắc phục” (self-defeating prophecy). Niềm hy vọng là một khi càng có nhiều lý thuyết hơn được khẳng định, thì những dự báo về các giai đoạn tương lai đầy phức tạp, rắc rối của xã hội cũng sẽ trở thành những “dự báo tự khắc phục”.

Thực vậy, ngành khoa học mà tôi vẫn đang nghiên cứu đã dự báo thành công giai đoạn bất ổn hiện nay của chúng ta. Nhưng việc một lý thuyết khoa học được minh chứng là đúng có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với bản thân dự báo mà nó đưa ra. Bởi, thay vì chỉ biết về tương lai, chúng ta sẽ có thể chọn được một tương lai tốt hơn trong số những viễn cảnh có thể xảy ra. Nghĩa là, chúng ta có thể lèo lái xã hội tránh xa những bãi đá ngầm nguy hiểm.

Peter Turchin là tác giả cuốn Ages of Discord: A Structural-Demographic Analysis of American History, và là giáo sư tại Khoa sinh thái học và sinh vật tiến hóa tại Đại học Connecticut, Hoa Kỳ.