Tại sao đừng quá kỳ vọng vào Hiệp định RCEP?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Salvatore Babones, “Cutting Through the Hype on Asia’s New Trade Deal”, Foreign Policy, 02/12/2020.

Người dịch: Nguyễn Thanh Hải

RCEP thực chất là một hiệp định thương mại mang đậm phong cách Trung Quốc: sáo rỗng và kém hiệu quả.

Tháng trước, 15 quốc gia đã ký Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại đáng chú ý ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ “tạo ra các cơ hội việc làm mới, nâng cao mức sống, và cải thiện phúc lợi chung cho người dân”. RCEP được khởi xướng bởi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bên đóng góp 10 nước trong số các quốc gia tham gia hiệp định. Tuy vậy, chỉ hai quốc gia là Trung Quốc và Nhật Bản đã chiếm khoảng 80% trên tổng GDP 25 nghìn tỷ USD của khối. Các nước ASEAN đóng góp 3 nghìn tỷ USD và phần còn lại đến từ Hàn Quốc, Úc và New Zealand.

RCEP có lớn không? Câu trả lời là ‘có’. Nhưng nó có ý nghĩa lớn không? Câu trả lời là ‘không’. Những người theo chủ nghĩa quốc tế tự do (liberal internationalism) có thể ủng hộ việc ký kết bất kỳ một thỏa thuận thương mại mới nào trong bối cảnh toàn cầu hiện nay. Nhưng RCEP là một hiệp định cắt giảm hàng rào thuế quan trong lúc mức thuế cơ bản đã ở mức thấp và các quốc gia thành viên sẽ không ngần ngại áp đặt thuế quan trừng phạt nếu việc đó phù hợp với mục tiêu chính sách đối ngoại của họ. RCEP hầu như không đề cập gì đến vấn đề quản lý kinh tế (economic governance), ngay cả các điều khoản về thương mại cũng khó thực thi. Hiệp định này né tránh những vấn đề ‘gai góc’ như trợ cấp chính phủ, mua sắm công, trộm cắp tài sản trí tuệ, và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với nhà đầu tư. Các tiêu chuẩn về lao động thậm chí còn không được đề cập đến. Hàng hóa là nông sản phần lớn được miễn trừ khỏi phạm vi áp dụng của các cam kết. RCEP chính xác là một hiệp định thương mại mang đậm “phong cách Trung Quốc”: sáo rỗng và kém hiệu quả.

Bất chấp những điều đó, RCEP lại được ca ngợi là “hiệp định thương mại lớn nhất thế giới”, có thể dẫn đến sự hình thành một khối thương mại tương tự như mô hình của Liên minh Châu Âu (EU) trong đó “một bộ quy tắc thương mại thống nhất theo kiểu EU” sẽ được áp dụng cho các nền kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hiệp định này “được cho là sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch thương mại toàn cầu từ phương Tây sang khu vực Đông Á”. Với việc không tham gia hiệp định, Hoa Kỳ rõ ràng đã thiệt hại “cả về ảnh hưởng quốc tế cũng như sự thịnh vượng về kinh tế”. Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) ước tính RCEP sẽ thúc đẩy GDP toàn cầu tăng thêm 186 tỷ USD mỗi năm, trong đó Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc được hưởng lợi lần lượt 85 tỷ, 48 tỷ và 23 tỷ.

Tất cả chỉ là sự cường điệu và thực tế là thế giới sẽ phải đợi 10 năm nữa để chứng kiến những mức tăng GDP đó: ước tính của PIIE là dự báo cho đến năm 2030. Dựa trên xu hướng tăng trưởng dài hạn trong quá khứ (và bỏ qua những tác động của đại dịch Covid-19), nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 40% trong cả giai đoạn này. RCEP có thể đóng góp 0,2 điểm phần trăm vào con số đó sau khi đã được làm tròn. Về vấn đề hội nhập theo mô hình Liên minh châu Âu, sẽ không có một thị trường chung, quyền tự do đi lại; thậm chí một cơ chế trọng tài mang tính ràng buộc để giải quyết tranh chấp cũng không có. Và mặc dù có đến 469 trang đề cập đến tự do hoá thương mại trong lĩnh vực dịch vụ, môi trường Internet của Trung Quốc vẫn sẽ đóng cửa.

Ngay cả những điều khoản cắt giảm thuế trong hiệp định cũng nên được nhìn nhận một cách thận trọng. Phần tóm tắt có đề cập đến việc sẽ tiến đến giảm thuế quan về 0, điều này nghe có vẻ rất ấn tượng. Nhưng khi đi vào chi tiết thì ấn tượng đó sẽ không còn là bao. Ví dụ, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản sang Trung Quốc là máy móc, với hơn 10 tỷ USD một năm. Mức thuế cao nhất của Trung Quốc đối với hàng hóa Nhật Bản trong danh mục này hiện chỉ là 10%, dự kiến sẽ giảm xuống 0% vào năm 2030 hoặc 2035. Vấn đề là các loại máy móc quan trọng nhất trong danh mục này, là robot công nghiệp và máy móc dùng để sản xuất các bảng mạch tích hợp thì thuế suất hiện tại đã là 0%.

Tương tự, xuất khẩu chính của Úc sang Trung Quốc là quặng sắt đã được miễn thuế từ trước. Tuy nhiên, RCEP sẽ loại bỏ thuế quan 3% của Trung Quốc đối với than đá vào năm tới. Điều này sẽ có lợi cho Úc nếu như Bắc Kinh cho phép nhập khẩu than đá. Hiện 82 tàu chở than mang theo 8,8 triệu tấn than cùng 1.500 thủy thủ của Úc đang bị mắc kẹt bên ngoài các cảng của Trung Quốc trong lúc chờ thông quan để có thể cập cảng và dỡ hàng, đây là hành động cấm vận không chính thức của chính quyền Trung Quốc. Theo RCEP, mức thuế 14% của Trung Quốc đối với mặt hàng rượu vang nhập khẩu cũng sẽ được dỡ bỏ vào năm tới, nhưng từ nay đến lúc đó, Trung Quốc đã đánh thuế 200% đối với rượu vang của Úc. Nhìn bề ngoài thì đây có vẻ là một biện pháp chống bán phá giá, nhưng trên thực tế nó là cách gây áp lực buộc Úc từ bỏ nỗ lực ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc tại nước này.

Việc RCEP không có những phương thức nhằm kiềm chế các hành vi “xấu” của Trung Quốc có thể là lý do Ấn Độ rút khỏi hiệp định. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bị chỉ trích vì bảo hộ nền nông nghiệp Ấn Độ nhưng cũng được ca ngợi vì đã bảo vệ ngành chế tạo. Những lời chỉ trích là vô căn cứ khi RCEP thậm chí còn không áp dụng đối với ngành nông nghiệp. Những lời khen ngợi thì có lý hơn khi việc gia nhập RCEP sẽ khiến Ấn Độ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi hàng nhập khẩu giá rẻ của các nhà sản xuất nhỏ từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, nhưng việc bảo vệ nền sản xuất kém hiệu quả của nước mình chỉ là một phần của câu chuyện. Theo lời giải thích của Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, lý do nước này rút khỏi hiệp định là vì những hàng rào phi thuế quan, vấn đề trợ cấp của chính phủ và sự thiếu minh bạch. Dường như không có lý do gì để nghi ngờ lời giải thích của chính ngài Ngoại trưởng nhưng có một lý do nữa mà ông ấy không đề cập đến, đó chính là Trung Quốc.

Ngay từ trước khi Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016, các hiệp định thương mại đã được xem là lá bùa hộ mệnh của chủ nghĩa quốc tế, sự hợp tác toàn cầu và là biểu hiện rõ nét của một trật tự thế giới tự do. Kể từ khi ông Trump đắc cử, những người theo chủ nghĩa quốc tế tự do càng ủng hộ chúng mạnh mẽ hơn, xem những hiệp định này như bức tường thành chống lại chủ nghĩa dân tộc dân túy kiểu Trump, họ ca ngợi RCEP là cột mốc đánh dấu sự cáo chung của những phản ứng chống lại tự do thương mại. Tuy nhiên, ông Trump, với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”, không phải là người duy nhất lên án tiến trình toàn cầu hóa. Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Bernie Sanders với quan điểm cấp tiến và dân túy cũng đưa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do chính quyền Bush và Obama đàm phán trở thành mục tiêu chỉ trích trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của mình. Ngay cả ứng cử viên tổng thống Hillary Clinton của Đảng Dân chủ sau cùng cũng đã phản đối TPP. Sau bốn năm, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã cam kết sẽ viết lại các quy tắc thương mại toàn cầu, trong đó ưu tiên các nhà cung cấp Hoa Kỳ trong hoạt động mua sắm của chính phủ cũng như sẽ dựng lên những rào cản mới đối với hàng nhập khẩu, chẳng hạn như thuế carbon.

Nhà lãnh đạo lớn tiếng tuyên bố ủng hộ tiến trình quốc tế hóa, một nền kinh tế toàn cầu mở, miễn giảm thuế quan, “tự do hóa thương mại và đầu tư” và “các hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao” không ai khác chính là…Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Điều này khiến cho những người theo chủ nghĩa quốc tế tự do rơi vào thế khó xử. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng 1 năm 2017, họ tung hô ông Tập là người chống lại Trump, một người theo chủ nghĩa toàn cầu với cam kết duy trì và mở rộng một hệ thống quốc tế mở. Bốn năm sau, mọi ảo tưởng mà thế giới từng có về tư tưởng tự do đầy triển vọng của ông Tập và Trung Quốc đã tan biến. Do đó, họ chuyển hướng sang tung hô các nước ASEAN qua thành tựu là RCEP hoặc đơn giản là cổ vũ cho tương lai của châu Á nói chung và cố gắng phớt lờ đi sự hiện diện của “con gấu trúc khổng lồ”.

Thực tế là các quốc gia ở châu Á hay những khu vực khác trên thế giới đều không mấy mặn mà với một hệ thống quản trị toàn cầu sâu rộng. Chỉ khu vực Bắc Mỹ là có hiệp định NAFTA, nay là Hiệp định Hoa Kỳ – Mexico – Canada (USMCA) và châu Âu có Liên minh châu Âu (EU). Cả hai mới chính là những thỏa thuận quản trị kinh tế thực sự, trong đó EU tiến xa hơn nhiều so với USMCA. Kể từ khi TPP thất bại, ở châu Á không có bất kỳ một hiệp định nào có thể sánh được với nó. 11 quốc gia còn lại trong TPP sau khi Mỹ rút lui đã ký hiệp định của riêng họ vào năm 2018 với tên gọi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên nó không hề toàn diện (vì loại bỏ hầu hết các điều khoản ban đầu về nông nghiệp, đầu tư và giải quyết tranh chấp của TPP) cũng như không hề tiến bộ (khi thiếu vắng áp lực chính trị từ Hoa Kỳ đối với quyền của người lao động, và 11 quốc gia còn lại đơn giản chỉ đưa ra một tuyên bố nhạt nhòa tái khẳng định “nghĩa vụ của họ với tư cách là thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế”). CPTPP cũng giống như RCEP chỉ là những hiệp định cắt giảm trực tiếp thuế quan tập trung vào các lĩnh vực mà mức thuế vốn dĩ đã thấp từ trước hoặc khối lượng hàng hóa trao đổi không đáng kể.

Những người theo chủ nghĩa quốc tế tự do có thể phản bác rằng “RCEP và CPTPP là những ví dụ mạnh mẽ chống lại quan điểm cho rằng thương mại dựa trên luật lệ đang thoái trào trên toàn cầu”, nhưng đó chỉ là những ảo tưởng và đồng thời cũng là sự bi quan thiếu cơ sở. Các hiệp định cắt giảm thuế quan như RCEP và CPTPP phần lớn là vô hại, nhưng thiếu tác dụng tạo ra những chuyển biến theo hướng tích cực. Tuy nhiên, mạng lưới sản xuất toàn cầu đã chứng tỏ là một hệ thống vô cùng vững vàng khi vượt qua được những thách thức của đại dịch COVID-19. Các chuỗi cung ứng quốc tế đã nhanh chóng chuyển hướng rời khỏi Trung Quốc sang các quốc gia tuân thủ luật lệ hơn như Việt Nam, Bangladesh và Ấn Độ. Với tuyên bố sẽ gia nhập CPTPP cũng như những lời ca ngợi của ông Tập về thương mại tự do ở Davos, Trung Quốc có thể ghi điểm về mặt tuyên truyền bằng cách tỏ ra là quốc gia bảo vệ hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, nhưng bản thân hệ thống này đang ngày càng xa rời Trung Quốc. Đó có thể là tin xấu đối với các nhà đàm phán thương mại quốc tế, nhưng lại là tin tốt cho thương mại toàn cầu.

Salvatore Babone là nhà bình luận của tạp chí Foreign Policy và là học giả thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Độc lập (CIS) có trụ sở ở Sydney.