45 đời tổng thống Hoa Kỳ: Barack Obama – Tổng thống thứ 44

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: William A. Degregorio

HỌ VÀ TÊN:

Barack Hussein Obama. Ông được đặt tên theo tên cha, Barack Obama, người Kenya, lúc nhỏ làm nghề chăn cừu.

NGOẠI HÌNH:

Obama cao khoảng 1,85m, tuy nhiên khi chụp ảnh cạnh Bill Clinton cao khoảng 1,88m thì Obama lại trông cao hơn. Sự khác biệt của Obama với các ứng viên tổng thống khác là ông có vẻ như giảm cân trong chiến dịch tranh cử. Có lẽ lần ông mô tả bản thân hay nhất là tại một cuộc mít tinh lớn ở Denver khi nhắc đến thị trưởng thành phố này, John Hickenlooper. Obama đã nói rằng, thật tuyệt vời khi được đứng trên bục cùng với một người đàn ông khác cũng cao lớn, gầy guộc và có cái họ rất buồn cười. Giống như George Herbert Walker Bush (Tổng thống thứ 41, như các nhà báo thường gọi để phân biệt với con trai của ông là George W. Bush, Tổng thống thứ 43) và Bill Clinton, Obama là người thuận tay trái. Bác sĩ của Obama tuyên bố ông có sức khỏe “tuyệt vời” mặc dù có lưu ý về tiền sử hút thuốc lá không thường xuyên.

TÍNH CÁCH:

Bất cứ ai, dù bạn hay thù của Barack Obama, đều công nhận tính cách mạnh mẽ, lôi cuốn, uy quyền ở ông. Có nhiều điều toát ra từ vẻ điềm tĩnh nhẹ nhàng của Obama – đây không phải là người dễ mất bình tĩnh, đây là người luôn tập trung vào những gì ông cho là quan trọng. Có nhiều người giục giã ông thay đổi sắc thái của chiến dịch tranh cử – để đương đầu với Hillary Clinton khi bà trở nên tiêu cực và với đối thủ của Đảng Cộng hòa là John McCain khi những đợt công kích Obama từ ứng viên phó tổng thổng của McCain, Sarah Palin, trở nên đặc biệt gay gắt. (Đáng khen cho McCain, ông bênh vực Obama) Obama đã quyết định không thay đổi màu sắc tích cực trong chiến dịch tranh cử của mình.

Những tính từ thường dùng để mô tả Obama là “điềm tĩnh”, “thực tế”, “uyên bác”, “quả quyết”, “tự tin”. “Thực tế” là từ được một nhà văn ghi lại sau khi Michelle và Barack Obama được phỏng vấn trong chương trình 60 Minutes trên truyền hình. Khi được hỏi liệu vị tổng thống đắc cử có làm nghĩa vụ “bát đĩa” ở Nhà Trắng không, Michelle lắc đầu kinh hãi, “Không”. “Barack, đủ tự tin về nam tính của mình, đã cất tiếng mà không hề bị bất ngờ hay bối rối. ‘Tôi thích rửa bát’. Theo thành viên Đảng Dân chủ gầy gò nhưng  mạnh mẽ này, rửa bát là công việc ‘dễ chịu’.”

TỔ TIÊN:

Obama có nguồn gốc Kenya, Anh, Scotland, Ireland, Pháp, Đức và Hà Lan. Các nhà phả hệ học từ những nước khác đã tiến hành tìm kiếm lai lịch tổ tiên của Obama. Có người nói rằng, Obama có họ hàng với một người nhập cư Thụy Sĩ có thể đã sống ở Pháp trước khi chuyển sang Mỹ. Và các nhà phả hệ học đã kiểm tra kỹ lưỡng qua nhiều thế hệ để tìm mối liên hệ của ông với những người nổi tiếng khác. Trong số nhiều người nổi tiếng được tìm ra liên quan tới Obama có Phó Tổng thống Dick Cheney (anh em họ đời thứ chín, có lần bị loại ra), George W. Bush (anh em họ đời thứ chín), và diễn viên Brad Pitt (anh em họ đời thứ chín). Pitt ít nhất cũng tỏ ra hài lòng. “Nếu điều đó đúng”, anh nói, “tôi coi đó là điều tuyệt vời”.

CHA:

Barack Obama (1936-1982), nhà kinh tế học, thành viên của bộ tộc Luo, sinh ra trong một ngôi làng bên hồ Victoria, Kenya. Được mô tả là một người đàn ông quyến rũ, ông tới Hawaii năm 1960 trong một chiến dịch không vận giáo dục châu Phi do Harry Belafonte, Sidney Poitier, Jackie Robinson và những người khác tài trợ. Ông Barack có một người vợ ở Kenya. Điều đó không ngăn ông cưới Ann Dunham. Cuộc kết hôn đó đã sinh ra vị tổng thống của nước Mỹ, Barack Obama. Ông Barack rời xa gia đình Hawaii của mình sau khi nhận được một khoản trợ cấp học sau đại học từ trường Đại học Harvard mặc dù khoản trợ cấp không đủ nuôi ông và vợ con; và ông từ chối học bổng của trường Nghiên cứu Xã hội Mới ở New York mặc dù học bổng đủ để nuôi sống gia đình ông. Ở Harvard, ông Barack nổi tiếng với biệt danh “Quý ông Đúp Đúp” vì sở thích gọi ly đúp rượu mạnh Scotch [whisky] nhãn hiệu Johnnie Walker Black.

Ở Harvard, ông Obama gặp Ruth Nidesand, một người phụ nữ có chút vốn liếng. Ly dị Ann Dunham năm 1964, ông cưới Nidesand, và họ chuyển tới Kenya, nơi tương lai chính trị của ông trở nên có vị thế vững chắc. Người tư vấn cho ông là người cùng bộ lạc Luo Tom Mboya, một lãnh tụ chính trị đầy sức lôi cuốn mà sau này đã bị bắn hạ ngay trước mặt ông. Ông Obama nói rằng ông đã đưa ra lời khai chống lại kẻ nổ súng, vì điều đó mà đảng cầm quyền phải gánh chịu hậu quả. Ông rơi vào vòng xoáy rượu chè dẫn tới cái chết do lái xe khi say rượu năm 1982. Ông Obama có ít nhất năm người con với ba người phụ nữ, mang lại cho Tổng thống Obama một đại gia đình chưa từng thấy ở Nhà Trắng.

MẸ:

Stanley Ann Dunham Soetoro (1942-1995), tên bà là Stanley vì cha bà, Stanley Dunham, muốn có con trai. Sau này, bà đổi họ Indonesia thành Soetoro cho hiện đại và dùng tên Ann. Chào đời ở Leavenworth, Kansas, cha bà là một người bán đồ nội thất và mẹ bà, Madelyn Lee Dunham, trở thành một quản lý cấp cao của ngân hàng. Sau Thế chiến II, gia đình chuyển chỗ ở nhiều nơi trước khi định cư ở Hawaii. Ở đó, Ann Dunham đăng ký vào Đại học Hawaii nơi bà gặp sinh viên da màu đầu tiên của trường, ông Barack Obama. Họ cưới nhau năm 1961, lúc bà mang bầu Obama. Người ta tin rằng bà không biết chồng mình còn một người vợ khác ở châu Phi, người mà theo phong tục bộ lạc cho phép chồng mình được cưới vợ hai. Ann Dunham nhận bằng cử nhân từ Đại học Hawaii năm 1967. Cùng khoảng thời gian đó, bà kết hôn với Lolo Soetoro, người Indonesia, cũng là một sinh viên của trường. Cặp đôi mới cưới, cùng với đứa con trai sáu tuổi của bà, chuyển tới Jakarta nơi Soetoro làm việc cho Mobil Corp.

Người em gái cùng mẹ khác cha của Obama, Maya Kassandra Soetoro, sinh năm 1970. Cuộc hôn nhân này kéo dài tới tận năm 1980 mặc dù vợ chồng không sống cùng nhau từ sau năm 1972. Năm đó, Ann Soetoro trở về Hawaii để học lấy bằng thạc sĩ nhân chủng học tại Đại học Hawaii. Trở về Indonesia,  bà làm việc cho Quỹ Ford về các vấn đề phụ nữ và việc làm. Từ năm 1988 đến năm 1992, bà tập trung vào chương trình tài chính vi mô của Indonesia theo đó các doanh nhân khởi nghiệp quy mô nhỏ thiếu vốn được cho vay. Những nỗ lực của bà được ca ngợi vì đã mang lại thành công rực rỡ cho chương trình.

Năm 1992, Ann Dunham nhận bằng tiến sĩ nhân chủng học từ Đại học Hawaii sau khi nộp bản luận văn dài 1.000 trang với tiêu đề “Sự trui rèn của người nông dân ở Indonesia: Vượt qua mọi khó khăn để sinh tồn và phát triển” (Peasant blacksmithing in Indonesia: Surviving and thriving againstall odds). Hai năm sau, bà được chẩn đoán ung thư buồng trứng và ung thư cổ tử cung; bà qua đời năm 1995. Obama, lúc này đang bắt đầu chiến dịch chính trị đầu tiên của mình, không có mặt bên bà lúc bà qua đời, là điều khiến ông vô cùng hối tiếc. Ông và người em gái cùng mẹ khác cha của mình rải tro của bà trên Thái Bình Dương về phía Indonesia. Trong một bài viết tháng 4/2008, tạp chí Time viết rằng, “Trong hầu hết các cuộc bầu cử, người mẹ đã qua đời của một ứng cử viên trong những vòng bầu cử sơ bộ không phải là đề tài cho một bài viết trên tạp chí. Nhưng Ann Soetoro không giống hầu hết các bà mẹ khác.”  Và quả thật, bà không giống họ.

ANH CHỊ EM:

Obama có bảy anh chị em, bao gồm anh chị em cùng cha khác mẹ và cùng mẹ khác cha. Maya Soetoro-Ng là giáo viên có bằng tiến sĩ về giáo dục. Những người anh chị em còn lại, từ phía cha, là Malik Abongo (Roy), Auma, Abo, Bernard (không chắc chắn đây có phải con ruột của ông Obama không), George, và Mark. Đó là chưa kể đến một người nữa tên là David Obama đã chết trong một vụ tai nạn xe mô tô.

CON CÁI:

Obama có hai con gái: Malia Ann, sinh năm 1998, và Natasha “Sasha”, sinh năm 2001. Hai cô từng là học sinh tại trường Thực nghiệm của Đại học Chicago. Tháng 1/2009, hai cô bắt đầu học tại trường Sidwell Friends ở Thủ đô Washington, trường của Chelsea Clinton khi cha cô bé – Bill Clinton – đang tại vị ở Nhà Trắng.

CHÀO ĐỜI:

Obama chào đời lúc 7 giờ 24 phút tối ngày 4/8/1961 tại Trung tâm Y tế Phụ nữ và Trẻ em Kapi’olani ở Honolulu, Hawaii. Bệnh viện được Nữ hoàng Kapi’olani khai trương năm 1890. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Obama, một số blogger và nhà bình luận cánh hữu cho rằng Obama sinh ra ở Kenya, nên không đủ tư cách làm tổng thống. Sau khi giấy khai sinh từ bang Hawaii được đưa ra, một số đối thủ của Obama cho rằng đó là giấy giả mạo.

THỜI THƠ ẤU:

Obama sống ở Hawaii tới năm 1967, lúc người chồng thứ hai của Ann Dunham được gọi trở lại Indonesia sau khi Suharto lên nắm quyền. Ban đầu, họ sống ngoài Jakarta, trong một ngôi nhà không có điện. Vườn phía sau nhà có gà, chim thiên đường và cá sấu con.

Obama là một đứa trẻ bụ bẫm, nhưng điều đó không ngăn cậu chơi bóng đá với những đứa trẻ khác. Cuối cùng, Lolo Soetoro được thăng chức, và gia đình chuyển tới một khu đất đẹp ở Jakarta.

Năm lên 10, Obama trở về Hawaii để sống với ông bà ngoại và đi học trường tư. Cậu ở đó cho tới khi tốt nghiệp trung học phổ thông và chuyển tới Los Angeles để học đại học. Trong cuốn sách xuất bản năm 1995 của mình, Những  giấc mơ từ cha tôi, ông thú nhận đã từng sử dụng cocain, cần sa và uống rượu khi còn ở tuổi thiếu niên, hành vi mà ông gọi là “thất bại đạo đức lớn nhất”.

HỌC VẤN:

Obama bắt đầu theo học tại các trường địa phương ở Jakarta từ năm lên sáu tuổi. Một trường là St. Francis of Assisi, trường Công giáo; một trường khác là trường công Besuki, trường có tỷ lệ học sinh Hồi giáo cao. Một vị hiệu phó Trường Besuki nói tại thời điểm bầu cử của Obama rằng: “Tuy [Obama] không theo đạo Hồi, song ít nhất ông biết về đạo Hồi ở Indonesia”.

Ann Durham sợ rằng Obama không được giáo dục đầy đủ. Mỗi ngày bà thường đánh thức ông dậy lúc 4 giờ sáng để phụ đạo cậu môn tiếng Anh từ một khóa học từ xa. Khi Obama phản đối, bà trả lời, “Mẹ cũng chẳng sung sướng gì đâu, chấy con ạ.” Để đảm bảo Obama hiểu về di sản màu da của mình, bà cho con nghe nhạc của Mahalia Jackson và băng ghi bài phát biểu của Martin Luther King Con.

Sau khi trở về Hawaii năm 1971, Obama đăng ký vào học trường Punahou ưu tú và đắt đỏ, đây là nơi cậu được trao học bổng. Ông bà cậu trợ cấp cho cậu học ở đó. Mẹ và người em gái cùng mẹ khác cha của cậu sống ở Hawaii trong ba năm bà học lấy bằng thạc sĩ. Khi Ann quyết định trở lại Indonesia, Obama xin được ở lại Hawaii và học hết trung học ở đó. Mặc dù bạn bè của Ann nói rằng quyết định để Obama ở lại Hawaii khiến bà rất đau buồn song bà vẫn chấp nhận.

Sau này, theo tạp chí Time, bà “nói đùa với bạn bè rằng, con trai bà dường như chỉ thích bóng rổ”. Tuy vậy, Obama đã tốt nghiệp và đăng ký học Đại học Occidental năm 1971. Đại học Occidental, hay còn được gọi là “Oxy”, là trường khoa học xã hội nhân văn ở Los Angeles được thành lập năm 1887 và ngày càng có danh tiếng trên khắp nước Mỹ. Tại Oxy, Obama có nhận thức tốt hơn về xã hội, ông đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống apartheid.

Năm 1981, Obama chuyển sang Đại học Columbia nơi ông theo học môn khoa học chính trị, tập trung vào chuyên ngành quan hệ quốc tế. Ông tiếp tục các hoạt động chống apartheid của mình, nhưng theo lời ông, “Những năm ở Columbia của tôi là một giai đoạn học tập căng thẳng. Khi chuyển trường, tôi đã quyết định học hành nghiêm túc. Tôi dành rất nhiều thời gian trong thư viện. Tôi không giao du nhiều cho lắm. Tôi cứ giống như nhà tu hành vậy.” Ông nhận bằng cử nhân năm 1983.

Năm năm sau, năm 1988, Obama vào trường Luật Harvard. Ông được chọn làm chủ tịch Tạp chí Luật sau khi vượt qua 18 ứng viên khác. Một trong những người bạn da màu cùng lớp và là cố vấn của ông, Cassandra Butts, nói với chương trình Tiền tuyến của đài PBS, “Ông ấy là chủ tịch người Mỹ gốc Phi đầu tiên của Tạp chí Luật… lên vị trí cao nhất, được ao ước nhất đối với một sinh viên trường luật… Tôi thân thiết với Barack. Trước đó, ông ấy chưa bao giờ bày tỏ sự quan tâm đến việc làm chủ tịch Tạp chí Luật. Đó không phải là cái gì đó mà ông ấy thường nói đến. Nói thẳng, ông ấy bị các đồng  nghiệp  ở Tạp chí Luật bắt phải nhận chức đó.”

Obama nhận bằng tiến sĩ luật năm 1991, tốt nghiệp loại giỏi.

TÔN GIÁO:

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, người ta nói rất nhiều về tôn giáo của Obama. Ông có phải người Hồi giáo? Người Thiên Chúa giáo? Hay bất cứ tôn giáo nào? Như nhiều điểm khác trong lai lịch Barack Obama, không có câu trả lời dễ dàng, đơn giản nào. Thứ nhất, hãy xem xét cha mẹ ông. Cha của Obama hồi nhỏ được nuôi dạy như người Hồi giáo, nhưng lại là người vô thần vào thời điểm ông gặp Ann Dunham. Mẹ Ann Dunham là người theo phong trào Giám Lý, cha bà là người Baptist. Theo một số tin đồn thì họ không hành đạo, và Obama tin rằng họ tham gia một nhà thờ Phổ độ ở Hawaii.

Về phần Ann Dunham, bà trở thành người theo thuyết bất khả tri, nhưng theo con trai bà, bà là một “người tâm linh sâu sắc”, người mà “dành rất nhiều  thời gian nói về các giá trị và cho tôi những cuốn sách về các tôn giáo của thế giới cũng như nói chuyện với tôi về những cuốn sách đó”. Tuy nhiên, ông nói thêm, bà không hề là một “quý bà nhà thờ”.

Obama tiếp xúc với những lời răn của đạo Hồi khi theo học trường công ở Indonesia, nhưng ông không phải người Hồi giáo. Mãi cho tới những ngày tháng một thân một mình theo học Đại học Columbia, ông mới bắt đầu nghiêm túc xem xét vấn đề tâm linh. Việc đọc sách đã dẫn ông từ St. Augustine qua Friedrich Nietzsche tới nhà văn Cơ Đốc La Mã thời hiện đại, Graham Greene. Ông cũng nghe giảng đạo tại các nhà thờ của người Mỹ gốc Phi ở Harlem.

Obama không chính thức tham gia giáo phái nào cho tới năm 1991, Nhà thờ Chúa Ba Ngôi Chicago. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông nói với tạp chí Newsweek rằng, tuy ông “tìm thấy Giê-su” song ông vẫn đặt ra các câu hỏi. “Tôi đang đi trên hành trình đức tin của mình, và tôi đang tìm kiếm. Tôi để ngỏ khả năng mình có thể hoàn toàn sai.”

Sau khi Obama được bầu làm tổng thống, các nhà thờ ở thủ đô Washington mời gia đình ông đến dự lễ. Nhà thờ Metropolitan AME, nơi người theo chủ nghĩa bãi nô Frederick Douglass và sau này là Bill Clinton thường đến cầu nguyện, là một trong số các nhà thờ đó. Những người tiền nhiệm của Obama có các mức độ ủng hộ nhà thờ khác nhau. Jimmy Carter là giáo viên trường Chúa Nhật ở Virginia. Ronald Reagan từ chối đi bất kỳ nhà thờ địa phương nào, lấy lý do những người đi lễ nhà thờ sẽ bị bất tiện vì các biện pháp an ninh. Nhà Clinton đi nhà thờ Giám lý Thống nhất Foundry các ngày Chủ nhật. (Cô con gái Chelsea hát trong dàn đồng ca nhà thờ.) George W. Bush né tránh các nhà thờ ở Thủ đô Washington, thay vào đó ông nói mình cầu nguyện ở Trại David. (Hàng xóm ông ở Crawford, Texas, nói họ chỉ thấy ông đi lễ nhà thờ vài lần kể từ khi họ mua trại nuôi gia súc ở đó năm 1999.)

SỞ THÍCH:

Có một điều ai cũng biết trong chiến dịch tranh cử tổng thống: Barack Obama không phải là người chơi bowling giỏi. Khi đi vận động tranh cử các nơi năm 2008, trước đợt bầu cử sơ bộ ở Pennsylvania, Obama dừng lại ở một đường băng bowling tại Altoona. Ông nói hai tiếng đồng hồ về tầm nhìn của ông đối với sự thay đổi và phương hướng đưa đất nước đi lên nếu ông được bầu. Cũng trong chuyến vận động đó, ông đã chơi vài lượt bowling mà điểm đáng nhớ nhất là một quả bóng lăn vào rãnh cùng phong độ tệ hại. Obama nhanh trí nói với những người đứng xem rằng, kế hoạch kinh tế của ông tốt hơn kỹ năng chơi bowling.

Môn thể thao Obama chơi tốt là bóng rổ. Ông ở trong đội bóng rổ của trường trung học và thường chơi ngẫu hứng với bạn bè. Vào ngày bầu cử năm 2008, ông ra sân chơi trong hai tiếng đồng hồ, thậm chí còn thực hiện một đường chuyền sau lưng.

Nấu ăn, viết lách, đọc sách và “chơi với trẻ con” là những sở thích được Obama liệt kê trên Facebook. Ông và vợ thường xuyên có “cuộc hẹn tối thứ Sáu”, đó là khi họ ra ngoài đi ăn cùng nhau.

Khi Obama đi nghỉ ở Hawaii, ông lướt sóng không ván. Thế còn golf – môn thể thao mà Dwight Eishenhower và Gerald Ford rất yêu thích thì sao? À, ông có chơi golf, và một cây bút của tờ Sports Illustrated sau khi xem ông chơi lúc đi nghỉ ở Hawaii đã kết luận rằng “Obama không nhất thiết phải chào thua  bộ môn  golf. Lời phỏng đoán ở đây là ông vừa là vận động viên vừa là tay lớ ngớ và là bạn chơi rất vui”.

HÔN NHÂN:

Michelle Robinson Obama sinh ngày 17/1/1964 là một người phụ nữ cao ráo (tầm 1,8m) với nụ cười sáng chói và năng khiếu chọn đồ hợp với mình. Nhưng bà chứng tỏ mình không chỉ có ngoại hình và cách ăn mặc đẹp. Lý lịch của bà cho thấy bà là người rất có năng lực và nhiều thành tích, không phụ thuộc vào chồng.

Trong khi Obama đến từ một gia đình khác thường, sống nay đây mai đó, thì gia đình Michelle giống với “Giấc mơ Mỹ” hơn, nơi các bậc cha mẹ tầng lớp lao động sống kham khổ để con cái mình được ăn học đến nơi đến chốn. Cha bà, Fraser Robinson III, làm việc cho nhà máy nước Chicago. Ông bị bệnh đa xơ cứng, nhưng chưa bao giờ nghỉ một ngày làm. Mẹ bà, Marian, là thư ký. Bà có một người anh trai, Craig, hơn bà hai tuổi. Gia đình bà sống trong một căn nhà một phòng ngủ ở khu phía Nam Chicago đầy bạo lực.

Michelle học trường trung học Whitney Young, một ngôi trường dành cho học sinh có năng khiếu, nơi bà có tên trong danh sách học sinh được khen thưởng trong suốt bốn năm học. Khi tốt nghiệp, bà quyết định theo Craig đến Đại học Princeton. Craig, một cầu thủ bóng rổ trường trung học xuất sắc, được trao học bổng toàn phần của Đại học Washington và một suất học ở Princeton (các trường trong nhóm Ivy League không cấp học bổng thể thao) Khi Craig nói với cha là mình sẽ học Đại học Washington vì không mất học phí, Fraser Robinson nói ông sẽ rất thất vọng nếu con chọn một trường dựa trên mức phí mà gia đình sẽ phải trả. Craig thay đổi ý định.

Michelle vào học Princeton năm 1981. Trong lớp học năm thứ nhất của cô có hơn 1.000 sinh viên, chỉ có 94 người là người da màu. Bốn năm sau, cô tốt nghiệp loại khá và nhận tấm bằng cử nhân, môn chính là xã hội học và môn phụ là nghiên cứu người Mỹ gốc Phi. Từ đó, Michelle đăng ký trường Luật Harvard và được trao bằng tiến sĩ luật năm 1988. Bà mang tấm bằng đó tới Chicago và làm việc cho một công ty luật có uy tín, Sidley Austin. Một mùa hè nọ, bà được giao nhiệm vụ hướng dẫn cho một nhân viên thực tập, Barack Obama.

Ban đầu, Michelle không hẹn hò với Obama vì họ là đồng nghiệp. Nhưng rồi Obama khiến bà mệt mỏi, và họ bắt đầu đi ra ngoài cùng nhau. Như lời kể của Craig Robinson, em gái ông yêu cầu ông chơi bóng rổ với Obama và đưa ra đánh giá từ phía ông. Obama được duyệt, và họ kết hôn năm 1992. Michelle nghỉ làm ở Sidley Austin để làm trong khu vực công cùng năm đó trên cương vị trợ lý ủy viên phụ trách kế hoạch hóa và phát triển trong chính quyền Richard M. Daley. Sau đó, bà trở thành giám đốc điều hành đầu tiên chi nhánh thành phố của Public Allies, một chương trình của AmeriCorps đào tạo người trẻ cho khu vực dịch vụ công.

Năm 1996, Michelle chuyển tới Đại học Chicago đảm đương vị trí phó khoa dịch vụ sinh viên. Bà lên chức phó chủ tịch phụ trách các vấn đề cộng đồng và đối ngoại của Trung tâm Y tế Đại học Chicago. Trong số các thành tích của bà có việc tăng số lượng hợp đồng cho các cộng đồng thiểu số và thu hút tình nguyện viên. Tháng 1/2009, bà từ chức để dành toàn tâm toàn ý cho vai trò đệ nhất phu nhân.

PHỤC VỤ TRONG QUÂN ĐỘI:

Không. Gần 1/4 các cựu tổng thống không phục vụ trong quân đội.

NGHỀ NGHIỆP TRƯỚC KHI LÀM TỔNG THỐNG:

Sau khi tốt nghiệp Đại học Columbia năm 1985, Obama quyết định trở thành nhà tổ chức cộng đồng. Khao khát đó đưa ông tới Chicago, nơi bất chấp tuổi đời còn trẻ và thiếu kinh nghiệm, ông được tuyển vào làm cho Dự án Các cộng đồng đang phát triển, một tổ chức mới ra đời do các nhà thờ phía nam tài trợ. Ông được trả 13.000 đô-la một năm và làm việc ở các khu của người da màu bị thiệt hại nặng nề do các nhà máy thép bị đóng cửa. Obama được mô tả là “tận tụy, chăm chỉ, đáng tin cậy, thông minh, truyền cảm hứng, biết lắng nghe, tự tin”, người mà “đào tạo ra những nhà lãnh đạo cộng đồng mạnh mẽ trong khi bản thân đứng lui phía sau và là một nhà chiến lược có thể biến các vấn đề chung chung thành các vấn đề cụ thể, có thể đạt được”. Trong các thành tích của ông có việc buộc thành phố phải loại bỏ amiăng ra khỏi một dự án xây nhà; cải cách trường học; tạo ra các dự án ngoài giờ học và xây dựng sân chơi.

Năm 1988, Obama vào học trường Luật Harvard. Trong thời gian nghỉ hè, ông đến thực tập ở công ty luật Sydley Austin. Khi tốt nghiệp, ông trở lại Chicago, nơi ông đi đầu trong một cuộc vận động đăng ký giúp thêm 150.000 người trong danh sách cử tri. Ông cũng dạy luật Hiến pháp tại Đại học Chicago; là thành viên rồi thành luật sư của Miner, Barnhill & Galland, một công ty luật quyền dân sự; và làm việc ở nhiều ủy ban trong đó có Ủy ban Luật sư vì Quyền Dân sự theo Pháp luật Chicago.

Năm 1996, Obama được bầu vào Thượng nghị viện bang Illinois với 53% số phiếu bầu, một năm sau khi cuốn sách của ông, Những giấc mơ từ cha tôi, được xuất bản. Ở Thượng nghị viện, ông được nhìn nhận như một người xây dựng đồng thuận, người sẵn sàng lắng nghe tất cả các khía cạnh của một vấn đề. Ông cải cách hệ thống án tử hình của bang, chấm dứt nạn phân biệt đối xử người đồng tính, và góp một tay vào việc soạn thảo bộ quy tắc đạo đức. Ông bị Hiệp hội Súng trường Quốc gia tức giận vì ủng hộ việc kiểm soát súng. Tuy nhiên, ông bỏ phiếu cho phép cựu cảnh sát và cảnh sát quân sự được mang theo vũ khí bí mật. Hội đồng Kiểm soát Sinh sản Illinois hoàn toàn ủng hộ Obama vì ông ủng hộ quyền phá thai và kế hoạch hóa gia đình.

Trong lĩnh vực kinh tế, Obama bỏ phiếu tăng lương tối thiểu và gạt bỏ 300 triệu đô-la tiền miễn giảm thuế kinh doanh. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc thông qua một khoản giảm thuế cho các gia đình có thu nhập thấp.

Năm 2004, Obama được Đảng Dân chủ đề cử một ghế vào Thượng nghị viện Mỹ sau khi Blair Hull, người dẫn đầu một cách dễ dàng trong các cuộc thăm dò ý kiến, bị vướng vào một vụ bạo hành bạn đời gây tranh cãi. Cuộc chạy đua vào Thượng nghị viện Mỹ của Obama tăng tốc khi đối thủ Đảng Cộng hòa của ông, Jack Ryan, rút khỏi cuộc chạy đua vào tháng 6/2004, khốn khổ với các cáo buộc tình dục của người vợ cũ, Jeri Ryan, nữ diễn viên đóng vai chính trong bộ phim truyền hình Star Trek: Voyager (Du hành giữa các vì sao). Đảng Cộng hòa cuống quýt tìm một ứng cử viên khác và bị từ chối từ hai cựu thống đốc: Jim Edgar, James Thompson và một cựu huấn luyện viên bóng bầu dục Mike Ditka của đội Những con gấu Chicago. Cuối cùng, họ quay sang người theo đường lối bảo thủ Alan Keyes, người sống ở Maryland nhưng đã đổi chỗ ở vừa kịp thời gian để ra tranh cử. Khi Alan Keyes tới nơi, tờ Chicago Tribune viết, “Ông Keyes có thể đã nhận ra một vùng nước lớn khi bay vào phi trường O’Hare. Đó là hồ Michigan.” Rõ ràng, không có nhiều cử tri bị thuyết phục khi Keyes tuyên bố Giê-su sẽ không bỏ phiếu cho Obama. Obama đánh bại Keyes với tỷ lệ chênh lệch 70%-27%. Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy Obama được 40% số người theo Đảng Cộng hòa và 75% số cử tri độc lập ủng hộ. Thắng lợi đưa Obama trở thành người da màu thứ năm được bầu vào Thượng nghị viện. (Bốn người kia là Hiram Revels và Blanche Bruce – cả hai phục vụ trong thời kỳ Tái thiết, Edward Brooke và Carol Moseley Braun).

Ông được cả nước biết đến với bài phát biểu dẫn đề của Obama tại Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ năm 2004. Người ta kể rằng Michelle đã nói với chồng khi ông bước lên sân khấu phát biểu ở Boston, “Đừng làm hỏng nhé, anh bạn!” Trong bài phát biểu, ông kể về xuất xứ của mình rồi nói, “Đêm nay, chúng ta tề tựu để khẳng định sự vĩ đại của đất nước chúng ta không phải vì chiều  cao của các tòa nhà chọc trời, hay sức mạnh quân sự, hay quy mô nền kinh tế của chúng ta. Niềm tự hào của chúng ta được dựa trên một tiền đề rất đơn giản, được tóm tắt trong một tuyên ngôn cách đây hơn 200 năm: Chúng ta công nhận những chân lý này là hiển nhiên, rằng mọi con người sinh ra đều bình đẳng. Rằng Tạo hóa đã ban cho họ những quyền bất khả xâm phạm nhất định. Rằng trong các quyền đó có quyền sống, quyền được tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là khả năng đặc biệt đích thực của nước Mỹ một niềm tin vào những giấc mơ giản dị, nhất mực mang đến những điều kỳ diệu nhỏ bé.”

ỨNG CỬ VIÊN TỔNG THỐNG CỦA ĐẢNG DÂN CHỦ, 2008:

Khi chiến dịch đề cử của Đảng Dân chủ 2008 diễn ra, suy nghĩ phổ biến nhất là Hillary Rodham Clinton sẽ dễ dàng giành chiến thắng, bà là ứng viên đã được xức dầu thánh rồi. Từ năm 2002, bà đã đánh tiếng có thể sẽ ra tranh cử sáu năm sau đó. Joe Biden, Thượng nghị sĩ bang Delaware, ra tay trước bà bằng cách công bố vào tháng 3/2006 rằng mình sẽ ra tranh cử. Theo sau ông là cựu Thượng nghị sĩ bang Alaska Mike Gravel và Thượng nghị sĩ bang Connecticut Christopher Dodd. Tháng 10 năm đó, Barack Obama nói, tuy ông từng nói “rất rõ ràng và chắc chắn” rằng mình sẽ không ra tranh cử song giờ ông đang cân nhắc lại. Tham gia cuộc đua tháng sau đó là cựu Thống đốc bang Iowa Tom Vilsack, người đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Bầu cử Quốc gia tháng 11.

Cũng lập ra các ủy ban thăm dò tổng thống là Tommy Thompson, từng là thống đốc bang Wisconsin và thành viên của nội các Clinton, và Thượng nghị sĩ bang Indiana Evan Bayh. Lập các ủy ban thăm dò là cách để kiểm tra nguồn gây quỹ mà không phải xác định nhân thân người quyên góp.

Có nhiều cái tên được nhắc tới về quyết định không tham gia cuộc đua, trong đó có Thượng nghị sĩ bang Indiana Evan Bayh (ông rút lui 15 ngày sau tuyên bố của ủy ban); tướng về hưu Wesley Clark; người bang Nam Dakota Tom Daschle, lãnh đạo đa số Thượng nghị viện từ tháng 6/2001 đến tháng 1/2003; Howard Dean, cựu Thống đốc bang Vermont; Thượng nghị sĩ bang Wisconsin Russ Feingold; người dẫn đầu năm 2004 John Kerry; Al Sharpton, nhà hoạt động quyền dân sự da màu; và Mark Warner, từng là thống đốc bang Virginia.

Trong cuộc đua có Clinton, lúc này đang trong nhiệm kỳ thượng nghị sĩ thứ hai, bà đến từ New York và là cựu đệ nhất phu nhân; Biden, Thượng nghị sĩ sáu nhiệm kỳ từ bang Delaware và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng nghị viện; John Edwards, cựu Thượng nghị sĩ bang Bắc Carolina và đối tác tranh cử 2004 của Kerry; Bill Richardson, Thống đốc bang New Mexico; Vilsack, Thống đốc bang Iowa từ năm 1999 đến năm 2007; Gravel và Hạ nghĩ sĩ bang Ohio Dennis Kucinich, người cũng ra tranh cử tổng thống năm 2004.

Và rồi có Obama. Tháng 1/2007, ông nói với những người ủng hộ mình trên trang web của ông rằng mình đang thành lập một ủy ban thăm dò. Ở Springfield, Illinois, ngày 10/2, ông tuyên bố ra tranh cử tổng thống. Khi ông đứng trên các bậc thềm của tòa nhà Quốc hội nơi Abraham Lincoln đưa ra tuyên bố tương tự và nói về một quốc gia bị chia rẽ, tính biểu tượng không bị mất đi trước 15.000 người ủng hộ đang reo hò và cánh báo chí.

Obama nói: “Tôi nhận thấy có một sự tự phụ nhất định một sự cả gan nhất định trong tuyên bố này. Tôi biết mình chưa dành nhiều thời gian học cách cư xử Washington.  Nhưng  tôi đã ở đó đủ lâu để biết rằng cách cư xử Washington phải thay đổi”. “Vâng, Chúng ta có thể” trở thành câu hô vang của đoàn mít tinh.

“Thay đổi” là chủ đề chính – “Thay đổi. Chúng ta có thể. Chúng ta tin tưởng vào” và rồi “Thay đổi: Chúng ta cần” – trong chiến dịch của Obama. Từ này không có gì đặc biệt mới mẻ vì nhiều ứng cử viên khác cũng hứa thay đổi. Trong số những ứng viên gần đây hơn có Jimmy Carter và Walter Mondale năm 1976, những người tự gọi mình là “Lãnh đạo vì Thay đổi”. Năm 1984, một khẩu hiệu của Mondale là “Nước Mỹ cần Thay đổi”. Bill Clinton sử dụng nghĩa kép với khẩu hiệu “Cho mọi người, cho một sự Thay đổi” năm 1992.

Obama gần như ngay lập tức bắt đầu sử dụng internet một cách quyết liệt và chưa từng có tiền lệ, mà nhờ đó, chiến dịch đề cử và tranh cử tổng thống của ông được hoàn thành. Tháng 3/2007, ông đặt câu hỏi trên Yahoo! Answers, “Làm thế nào chúng ta thu hút nhiều người hơn vào quá trình dân chủ?” Ông nhận được 17.000 câu trả lời như hãy tỏ ra tích cực, hãy rút ngắn nhiệm kỳ thượng nghĩ sĩ, hãy cho phép sinh viên thực tập chính trị để họ có thể hiểu rõ hơn về quá trình chính trị, hãy trao cho người dân những chính trị gia “quan tâm đầy đủ về tính chính trực của đất nước này, đất nước mà họ cai quản bằng lòng chính trực tuyệt đối”.

Howard Dean đã tận dụng internet trong cuộc chạy đua thất bại năm 2004. Người quản lý chiến dịch của ông sau này mô tả việc sử dụng mạng toàn cầu của Dean giống như anh em nhà Wright còn Obama là Apollo 11.

Một cuộc bỏ phiếu không chính thức được tổ chức ở hạt York, bang Nam Carolina. Dodd dẫn đầu với 28%, Obama về nhì với 24%, Clinton 18%, Edwards 11%, và Biden bị bỏ lại khá xa với 5,5%. Một cuộc thăm dò dư luận của tạp chí Time cùng tháng cho kết quả Clinton 31%; Obama 24%; Edwards 16% và Kuchinich 0%. Trong hạng mục vô cùng quan trọng, gây quỹ, Clinton kiếm được 36 triệu đô-la trong ba tháng đầu năm 2007; Obama 25 triệu đô-la; Dodd 16,5 triệu đô-la và Edwards 14 triệu đô-la. Một lần nữa, hầu hết vẫn nghĩ rằng sức mạnh ngôi sao của Clinton sẽ cho phép bà trở thành người quyên góp tiền nhiều nhất trong cuộc đua. Bà đã từ chối tài trợ công mà không có nguồn tài trợ này sẽ không có giới hạn nào đối với việc chi tiêu. Có một khoản 16 triệu đô-la để lại từ cuộc đua thượng nghị sĩ năm 2006 nên đã giúp bà vượt trước các đối thủ của mình ngay từ vạch xuất phát.

Cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra ngày 26/4/2007 tại Đại học Nam Carolina trong lịch sử là của người da màu. Một cuộc thăm dò dư luận cho thấy Obama vượt qua Clinton, 31% so với 24%. Tuy nhiên, một số nhà quan sát chính trị cảm thấy Clinton tạo ấn tượng “tổng thống” hơn so với các ứng cử viên khác trên sân khấu, ngoài Obama, là Edwards, Biden, Richardson, Kucinich, Dodd, và Gravel.

Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ cho phép có sáu cuộc tranh luận, và năm trong số đó đã diễn ra. Vị trí “người thắng cuộc” cứ trao qua đổi lại giữa Clinton và Obama, tuy một số nhà quan sát cảm thấy Obama trên sân khấu tranh luận không năng động như khi ông ở những nơi khác.

Một cuộc thăm dò dư luận của CNN vào tháng 11 cho thấy Clinton nhiều hơn Obama 30 điểm, 51% so với 21%, với 2/3 số người trả lời cảm thấy thượng nghĩ sĩ New York sẽ là ứng cử viên Đảng Dân chủ tiếp theo.

Nên hẳn là bất ngờ khi Obama quyên được 23,5 triệu đô-la so với 27,3 triệu đô-la của Clinton trong quý cuối cùng năm 2007, theo Ủy ban Bầu cử Liên bang. Đáng lo ngại hơn cho Clinton là tiết lộ tháng 1/2007 rằng tiền của Obama đến từ 600.000 người thông qua 800.000 khoản quyên góp. Và sốc hơn là kết quả gây quỹ cho tháng 1. Obama nhận được 32 triệu đô-la (một phần trong đó đến từ 170.000 người quyên góp mới) so với 13,5 triệu đô-la của Clinton. Khi tin tức lan ra là Clinton lấy 5 triệu đô-la tiền cá nhân cho chiến dịch của bà vay, những người ủng hộ Obama quyên góp nhiều gấp đôi số tiền đó trên mạng trong 24 giờ.

Cuộc chiến gây quỹ tiếp tục với chiến dịch Clinton tuyên bố họ kỳ vọng quyên được 35 triệu đô-la trong tháng 2, và họ đã làm được. Không may cho phe Clinton, Obama đạt 55 triệu đô-la, một kỷ lục cho bất kỳ tháng riêng lẻ nào trong lịch sử bầu cử sơ bộ.

Trong khi tất cả những điều này là điềm gở với Clinton, thành công trong các cuộc bầu cử sơ bộ thường biến thành thành công trong công tác gây quỹ. Mùa bầu cử sơ bộ bắt đầu bằng các cuộc họp đề cử ở Iowa ngày 3/1/2008. Tuy Iowa chỉ chiếm khoảng 1% số đại biểu ở mỗi đảng, kết quả cuộc họp đề cử ở bang này được ghi nhận như một điềm báo, tạo rất nhiều đà và bài viết trên báo chí cho người thắng cuộc. Obama về nhất với 38% số phiếu; Edwards 30% và Clinton 29%.

Cuộc đua lớn tiếp theo diễn ra ở New Hampshire. Không còn là người “được xức dầu thánh” – chắc chắn chiến thắng nữa, Clinton thể hiện cảm xúc hiếm hoi vào đêm trước ngày bỏ phiếu. Bà được hỏi làm thế nào bà giữ được vẻ lạc quan đến vậy trên chặng đường chiến dịch. Mắt ngấn lệ, bà nói, “Không dễ dàng gì, và tôi không thể làm được điều đó nếu tôi không tin tưởng nhiệt thành đó là điều đúng đắn để làm.” Clinton thừa nhận câu trả lời đó có thể đã dẫn bà tới chiến thắng 3% trước Obama. Phụ nữ bỏ phiếu cho bà 47% so với 32% dành cho Obama.

Clinton thắng cuộc bầu cử sơ bộ Michigan ngày 15/1. Obama và những người còn lại của các ứng cử viên Đảng Dân chủ, ngoại trừ Dodd, không vận động hay có tên trên lá phiếu ở đó. Michigan đã thách thức Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ bằng cách đề ra một ngày bầu cử sơ bộ sớm hơn so với trước kia. Chiến thắng của Clinton không có giá trị thực sự khi đó vì các đại biểu không được phép bỏ phiếu ở đại hội. (Ủy ban Toàn quốc Đảng Dân chủ cuối cùng hủy bỏ quyết định đó và đi đến một thỏa hiệp.)

Bốn ngày sau, Clinton thắng các cuộc họp đề cử Nevada (5.407- 4.805), một lần nữa, đây là một chiến thắng không có giá trị thực sự vì Obama giành được nhiều đại biểu hơn do cách phân bổ đại biểu. Hai tháng trước đó, Clinton đã dẫn trước Obama 25 điểm, kết quả này được coi là một khó khăn nữa trong cuộc đua vào Nhà Trắng của cựu đệ nhất phu nhân.

Obama sau đó thắng ở Nam Carolina với 56% số phiếu bầu. Ngày hôm sau, 27/1, Obama nhận được hai lời ủng hộ đầy ảnh hưởng của Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Edward Kennedy và Caroline  Kennedy, con gái của John F. Kennedy.

Tháng 1 dường như là tháng đen tối của các ứng cử viên Đảng Dân chủ khi chiến dịch của hết người này đến người khác bị thất bại do kết quả kém và do việc gây quỹ ngày một tệ hơn. Bill Richardson ra đi đầu tiên, tiếp theo là Dennis Kucinich và John Edwards. Edwards được nhiều người tin là đã làm cho các ứng viên Dân chủ kia giải quyết các vấn đề như đói nghèo, chăm sóc sức khỏe, tài trợ cho cuộc xung đột ở Iraq, và áp chế được các nhà vận động hành lang Washington. (Một số người Dân chủ cảm thấy nhẹ nhõm khi Edwards không ở lại cuộc đua khi ông thừa nhận vào tháng 8/2008 đã ngoại tình với một nhà làm phim trẻ. Một phụ tá của Clinton cho rằng nếu tin về vụ ngoại tình lan ra trước các cuộc họp đề cử ở Iowa thì Clinton sẽ thắng ở bang đó, và theo đà đó bà sẽ được đề cử.)

Mùa bầu cử sơ bộ của Đảng Dân chủ có cảm giác như một trận đấu quyền anh được ăn cả ngã về không. Một cú thọi ở đây, một cú đấm, một cú đấm phản đòn, một cú lừa, một kết hợp đòn. Siêu thứ Ba (còn được gọi là Thứ Ba trọng đại) rơi vào ngày 5/2, được đặt tên như vậy vì 22 bang bỏ phiếu chọn ra các ứng viên Đảng Dân chủ và 24 bang bỏ phiếu chọn ra các ứng viên Đảng Cộng hòa. Rất nhiều đại biểu đang ở vào tình trạng phân vân, nhưng sẽ không có một cú đấm nốc ao nào đối với Obama hay Clinton. Năm 2007, Clinton cho rằng cuộc đua giành vị trí đề cử sẽ kết thúc vào tháng 2, ngụ ý bà sẽ là người kết thúc cuộc đua này. Trên thực tế không đúng như vậy. Obama thắng ở Alabama, Minnesota, Missouri, Bắc Dakota và Utah. Những bang lựa chọn Clinton là Arizona, Arkansas, California, Massachusetts, New Jersey, New Mexico, New York, Oklahoma và Tennessee. (Samoa thuộc Mỹ cũng bỏ phiếu và Clinton giành chiến thắng ở đó.) Vào cuối ngày, Obama đi tiếp với 837 phiếu đại biểu so với 834 của Clinton. Chiến lược của Obama là chạy theo phiếu đại biểu, chứ không nhất thiết phải thắng ở các bang đại chiến trường. Chiến dịch của ông cũng tập trung vào các bang mà Đảng Dân chủ thường không thắng và sẽ bị Clinton bỏ qua. Đó là chiến lược năm-mươi-bang  của Howard Dean.

Điều này để lại cho Hillary Clinton một số vòng bầu cử sơ bộ mà bà buộc phải thắng – Texas, Ohio và Pennsylvania là những bang lớn nhất. Clinton thắng ở cả ba bang này nhưng chỉ hơn Obama 21 phiếu đại biểu. Với những vòng bầu cử sơ bộ này, Clinton trở thành ứng cử viên của tầng lớp lao động, uống rượu và bia trong một quán bar trong khi chồng mình đang nói trước một đám đông cử tọa chủ yếu là người da trắng rằng vợ ông đang làm việc cho “những người như các bạn”. Về phần mình, Obama tìm cách tỏ ra ít “tinh hoa” hơn, như cách phe Clinton gọi ông, bằng cách thể hiện kỹ năng chơi bowling vụng về. Tuy ông thua với tỷ lệ 45% so với 55% của Clinton, song sức thu hút của ông là rõ ràng vào thời điểm một vài ngày trước ngày bầu cử sơ bộ, khi mà 50.000 người ủng hộ có mặt hò reo để nghe ông nói chuyện ở Philadelphia. (James Carville, chiến lược gia của Bill Clinton, từng mô tả Pennsylvania là “Philadelphia và Pittsburg với Alabama ở giữa”).

Trên mặt trận gây quỹ, Obama là người chiến thắng rõ ràng. Chiến dịch internet của ông liên tục thu hút ngày càng nhiều người quyên góp, những người được khuyến khích sử dụng các trang mạng xã hội như Twitter và Facebook, để tạo ra nhiều nhiệt huyết và nhiều người ủng hộ hơn cho Obama. Đến tháng 2, ông đã có một triệu người quyên góp, một con số chưa từng đạt được trong lịch sử bầu cử sơ bộ. Đến cuối tháng 3, theo Ủy ban Bầu cử Liên bang, Obama đã quyên được hơn 235 triệu đô-la.

Clinton đã tung đòn tấn công trước các cuộc bầu cử sơ bộ ngày 4/3, đặt câu hỏi về kinh nghiệm chính sách đối ngoại của Obama và ví von nó với kinh nghiệm của George W. Bush. Bà chỉ trích Obama vì ông nói rằng ông sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các quốc gia không thân thiện mà không có điều kiện tiên quyết nào cả. Những người ủng hộ bà nói rằng bà là ứng cử viên duy nhất có “gan mật” để làm tổng thống.

Obama cũng bị công kích vì những lời phát biểu của vị mục sư của ông, Jeremiah Wright tại Nhà thờ Chúa Ba Ngôi, trong đó có câu các vụ tấn công ngày 11/9 là “quả báo” mà nước Mỹ phải gánh chịu bởi đã gây ra vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki trong Thế chiến II. Lời chỉ trích này khiến Obama đọc bài phát biểu về quan hệ chủng tộc có tiêu đề “Một liên minh hoàn hảo hơn”. Ông bắt đầu bài phát biểu bằng việc nói về “thử nghiệm bất thành của nước Mỹ trong dân chủ” và Hiến pháp đã bị “hoen ố do ‘tội tổ tông’ của chế độ nô lệ” như thế nào, đàn ông và đàn bà phải tuần hành và đấu tranh cho bình đẳng ra sao. “Đây là một trong những nhiệm vụ mà chúng tôi đặt ra từ đầu chiến dịch này”, ông nói, “để tiếp bước cuộc trường chinh  của những  người đến trước chúng  ta, một cuộc trường chinh vì một nước Mỹ công bằng hơn, bình đẳng hơn, tự do hơn, quan tâm hơn và thịnh vượng hơn”.

Obama cũng cố gắng đưa vào ngữ cảnh bài hùng biện rực lửa của các mục sư da màu như Wright. Obama đã không “từ mặt” vị mục sư của mình mặc dù “lên án” một số lời phát biểu của mục sư, coi đó là “một quan điểm bị bóp méo nghiêm trọng của đất nước này”. “Một trong những bài phát biểu tuyệt vời trong lịch sử nước Mỹ”, như một nhà bình luận chính trị đánh giá, có trên hai triệu lượt xem trên YouTube, một trang web chia sẻ video. Sau này khi Wright đọc các bài phát biểu đổ thêm dầu vào lửa, Obama đã bỏ nhà thờ dù Wright không còn là mục sư nữa.

Về phần mình, Hillary Clinton có những mối lo ngại về những khẩu đại bác lên nòng. Geraldine Ferraro, đối tác tranh cử của Walter Mondale, đang làm việc với ủy ban tài chính của Clinton. Tháng 3, bà nói, “Nếu Obama là người da trắng, thì ông ấy sẽ không  ở vị trí này. Và nếu ông ấy là phụ nữ thuộc bất cứ màu da nào, thì ông ấy sẽ không   ở vị trí này”. Sau khi những lời nói này lan ra, Ferraro từ chức.

Nhưng Clinton có một vấn đề đau đầu lớn hơn với ông chồng Bill của mình. Trong khi Bill Clinton được cho là người vận động hoàn hảo, các nhà quan sát lại cảm thấy ông đang bày trò. Ông được coi là đảm nhiệm “vai trò sôi sục của nhà tổng phê bình đối thủ Dân chủ chính của Hillary Clinton, Obama”. Việc này khiến Obama nói trong một cuộc tranh luận rằng “Đôi lúc tôi không thể biết mình đang chạy đua với ai nữa”. Một nhà báo của tờ New York Times viết rằng “sự chuyển tiếp từ một vị chính khách cao tuổi, nhà lãnh đạo của đảng mình và ngài đại sứ lưỡng đảng sang một tay đâm thuê chém mướn diễn ra thật mượt mà và tởm lợm”.

Tiếp theo chiến thắng New Hampshire, Bill đăng đàn, quyết chí đưa Nam Carolina vào danh sách thắng cử của vợ mình. Khi điều đó không xảy ra, ông so sánh Obama với Jesse Jackson, nhà lãnh đạo da màu gây tranh cãi, người từng gọi thành phố New York là thành phố Do Thái. Jackson từng chạy đua để được Đảng Dân chủ đề cử năm 1984 và 1988. Sự so sánh này được nhìn nhận như việc Clinton nói Obama thắng Nam Carolina chỉ vì ông là người da màu, do đó không đáng để nói về ông. Việc Clinton gọi đối thủ của vợ mình là “trẻ ranh” không giúp được gì. Phản ứng giận dữ, mặt đỏ tía tai của ông thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trên YouTube.

Việc Hillary Clinton mô tả lần hạ cánh xuống Bosnia-Herzegovina với con gái Chelsea dưới làn đạn bắn tỉa dày đặc cũng không giúp ích gì. Bà sử dụng sự kiện này như một ví dụ về việc mình dạn dày chinh chiến như thế nào và sẵn sàng nghe điện thoại đỏ lúc 3 giờ sáng, một hình ảnh được sử dụng trong một đoạn quảng cáo trên truyền hình của bà. Đài CBS tìm được đoạn băng quay cảnh Đệ nhất Phu nhân được một em bé gái ra chào đón với hoa trên tay, chứ không phải đạn. (Một đoạn video trên YouTube chế giễu việc bà Clinton bị tấn công thậm chí có cả cảnh bà bắn một tên khủng bố nấp dưới một chiếc xe tăng được xem hơn hai triệu lần.) Ngoài ra, Sinbad, diễn viên hài kịch trên chuyến đi USO, nói, “Tôi nghĩ khoảnh khắc điện thoại đỏ’ duy nhất là: ‘Chúng ta ăn ở đây  hay  ở nơi tiếp theo?’” Bill  Clinton cố gắng biện bạch cho sự hớ hênh này bằng cách nói rằng bà chỉ nói về chuyến đi Bosnia duy nhất có một lần khi bà đang rất mệt, mà thực ra không phải vậy. Hillary phải yêu cầu ông không nói nữa.

Và Bill Clinton, đôi khi, quên ai mới là ứng cử viên. Một siêu đại biểu Pennsylvania chỉ ra rằng Bush đã thắng ở quận của ông hai lần. Nhưng Clinton chưa thắng ở quận hai lần hay sao? Cựu Tổng thống hỏi. “Cho dù rất tôn trọng”, vị nghị sĩ Quốc hội nói, “nhưng ông không  có tên trên lá phiếu năm nay.” Rồi có vấn đề Obama nói rằng trách nhiệm cuộc khủng hoảng tài chính của đất nước không thể chỉ đặt lên chính quyền Bush, rằng việc thả nổi và dung túng các lợi ích đặc biệt có quá nhiều ảnh hưởng xảy ra dưới thời Bill Clinton. Có báo cáo cho rằng Bill Clinton rất không ưa Obama, nhất là do cái mà ông coi là một sự công kích nhằm vào di sản tổng thống của mình.

Còn rất ít cuộc bầu cử sơ bộ để Hillary Clinton cải thiện số phiếu đại biểu, Bắc Carolina và Indiana là những phần thưởng lớn nhất. Clinton thắng ở Indiana, 51% so với 49%, nhưng chỉ kiếm được hơn Obama bốn phiếu đại biểu. Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, Obama là người chiến thắng ở bang Bắc Carolina, giành được 56% so với 42%, và điều quan trọng hơn, giành được nhiều hơn 15 phiếu đại biểu so với Clinton.

Các nhà phân tích nói rằng cuộc đua đã kết thúc. Tuy nhiên Clinton vẫn hy vọng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các siêu đại biểu. Bà đang thua một cách đều đặn. Một số trường hợp trở mặt vô cùng đau đớn. Bill Richardson, người đã phục vụ trong nội các của chồng bà, quay sang ủng hộ Obama vào tháng 3. Robert Reich, Bộ trưởng Lao động của chồng bà, người bà từng hẹn hò thời đại học. Robert Byrd, người bà coi là cố vấn khi bà bước chân vào Thượng nghị viện. Thượng nghị sĩ Sam Bunn của bang Georgia. Và một trong những sự ủng hộ được khao khát nhất, John Edwards, cũng đã quay sang Obama.

Khi được hỏi tại sao bà không rời khỏi cuộc đua, Clinton nói, “Tất cả chúng ta đều nhớ Bobby Kennedy bị ám sát hồi tháng Sáu ở California”. Bà bị lên án rộng khắp vì lời nói đó và bà xin lỗi. Cuối cùng, khi ngày càng nhiều siêu đại biểu chuyển sang ủng hộ Obama, rõ ràng bà đã thua cuộc. Ngày 5 tháng 6, Clinton thừa nhận trong một bài phát biểu, nhã nhặn kêu gọi những người ủng hộ bà hãy hậu thuẫn Obama.

Obama không đợi Clinton tung khăn hàng mới đàng hoàng đảm nhiệm vị trí và trách nhiệm của ứng cử viên Đảng Dân chủ. Hai ngày trước, ông đọc bài phát biểu chiến thắng ở St. Paul, bang Minnesota, nơi Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa sẽ diễn ra vào tháng 9. John McCain đã được Đảng Cộng hòa đề cử hồi đầu tháng 3.

Con số đại biểu cam kết ủng hộ tính đến ngày 10/6 là 1.661 cho Obama và 1.592 cho Clinton. Tuy nhiên, ước tính tỷ lệ siêu đại biểu là 438-256 nghiêng về Obama, ước tính tổng số là 2.201 cho Obama và 1.896 cho Clinton, với 2.118 là con số kỳ diệu để được đề cử.

Như trong suốt cuộc chạy đua đề cử, Obama sử dụng “truyền thông mới” để đưa ra thông điệp và thông tin của mình. Ngày 23/8, thông qua tin nhắn điện thoại, trang web và thư điện tử, ông công bố chọn Joe Biden là đối tác tranh cử cùng mình. Người ta nói rằng, các vị tướng lớn mới là người khơi mào cuộc chiến cuối cùng. Chiến dịch Clinton lùi vào quá khứ với cách quyên tiền và thu hút người tình nguyện của nó. Joe Trippi, quản lý chiến dịch của Howard Dean năm 2004, rất ngạc nhiên khi thấy người của Clinton kém thức thời đến vậy. “Họ ngủ suốt cả chu kỳ bầu cử 2003-2004 hay sao vậy?” ông hỏi. Trippi được ghi nhận là một người rất dân dã trên internet.

Vẫn thường như vậy, Obama đã làm một điều phi truyền thống khi chấp nhận đề cử ở Denver ngày 28/8. Những lá phiếu cuối cùng, những bài phát biểu, lời chấp nhận của Biden đi vào trong trung tâm Pepsi, sân vận động nơi đội bóng rổ Denver Nuggets và đội khúc côn cầu Colorado Avalanche chơi. Obama đưa bài phát biểu chấp nhận đề cử của mình ra bên ngoài tới sân INVESCO, sân nhà của đội bóng bầu dục Denver Broncos. Hơn 80.000 người lấp kín sân vận động, nhiều người trong số đó đợi hàng tiếng đồng hồ xếp hàng dài tới sáu dặm để qua kiểm tra an ninh.

Bài phát biểu dài 50 phút của ông trình bày một số vấn đề ông sẽ nỗ lực giải quyết trong cuộc đua với John McCain, những vấn đề mà Obama nói là đối thủ của mình không hiểu. Obama quay trở lại với chủ đề của chiến dịch. “Thay đổi diễn ra vì người dân Mỹ cần thay đổi vì họ đứng lên và đòi hỏi những ý tưởng mới và ban lãnh đạo mới, một nền chính trị mới cho một thời đại mới. Hỡi nước Mỹ, đây là một trong những khoảnh khắc đó. Tôi tin rằng dù khó khăn song sự thay đổi mà chúng ta cần đang đến.”

ĐỐI THỦ:

John Sidney McCain III sinh năm 1936, bang Arizona, đảng viên Đảng Cộng hòa. Sinh ở căn cứ không quân Coco Solo ở vùng kênh đào Panama. Cha và ông của McCain đều là những đô đốc hải quân Mỹ bốn sao. Vì sự nghiệp hải quân của cha ông, cả gia đình chuyển chỗ ở thường xuyên trong quá trình McCain lớn lên. McCain theo học gần 20 trường. Ông tốt nghiệp Học viện Hải quân Hoa Kỳ tại Annapolis năm 1958, đứng thứ 894 trên tổng số 899 học viên trong lớp. Sau đó ông được tuyển vào làm thiếu úy và dành hơn hai năm tham gia đào tạo phi công. Kết hôn năm 1965, ông đề nghị đi chiến đấu ở Việt Nam hai năm sau đó. Máy bay của McCain bị bắn hạ trong phi vụ thả bom thứ 23 của mình vào tháng 10/1967 và năm năm rưỡi tiếp theo ông bị giam giữ trong Hỏa Lò.

Khi được thả, ông biết tin vợ mình đã gặp một tai nạn xe hơi khủng khiếp trong lúc ông ngồi tù và sau nhiều cuộc phẫu thuật, bà đã mất đi gần 0,1m chiều cao. Họ ly dị sau khi McCain gặp Cindy Lou Hensley có cha là chủ sở hữu một hãng phân phối rượu phát đạt ở Arizona. Vợ và cha vợ ông cấp tài chính cho ông chạy đua thành công vào Quốc hội năm 1982. Hai năm sau, ông mắc một lỗi chính trị ngớ ngẩn ám ảnh ông trong nhiều năm – ông phản đối đưa ngày sinh của Martin Luther King thành ngày nghỉ Liên bang. (Ngày sinh của Martin Luther King mãi tới năm 1990 mới trở thành ngày lễ ở bang Arizona.)

McCain chuyển tới Thượng nghị viện năm 1987 và tham gia Ủy ban Các Lực lượng Vũ trang, trong số các ủy ban khác. Trong những năm 1980, McCain vướng vào một vụ bê bối mà gần như lấy đi sự nghiệp chính trị của ông. McCain và bốn thượng nghị sĩ khác bị kết tội sử dụng ảnh hưởng của mình để giúp cho Hiệp hội Tiết kiệm và Cho vay Lincoln của Charles Keating không bị chính quyền Liên bang tiếp quản. Thất bại cuối cùng của Lincoln lấy đi của chính phủ 3 tỷ đô-la, và nhiều người trong số 23.000 khách hàng của Lincoln bị mất trắng. Ủy ban Đạo đức Thượng nghị viện phán quyết rằng McCain ra quyết định kém, nhưng họ chỉ giơ cao đánh khẽ.

Trong những năm 1990, McCain trở thành một “con ngựa bất kham” tự phong vì ông không phải lúc nào cũng tuân thủ đường lối của đảng. Ông thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, điều đã được thực hiện năm 1995. Ông chọc giận những người bảo thủ bằng cách bỏ phiếu cho quyết định của Tổng thống Bill Clinton bổ nhiệm các vị trí trong Tòa án Tối cao, Stephen Breyer và Ruth Bader Ginsburg. (Ông cũng bỏ phiếu cho lựa chọn của George H. W. Bush, Clarence Thomas.) Trong những năm 1990, McCain bắt đầu một cách nghiêm túc chiến dịch chống lại việc dùng tiền của chính phủ cho các dự án ở địa phương nhằm kiếm phiếu bầu.

McCain, vào nhiệm kỳ thượng nghị sĩ thứ ba của mình, chạy đua để được Đảng Cộng hòa đề cử vào vị trí ứng cử viên tổng thống năm 2000 và thua George W. Bush. Chiến dịch vô cùng bẩn thỉu với những lời nói dối được phát tán nói rằng McCain có một đứa con trai da đen ngoài giá thú, McCain là kẻ phản bội khi bị bắt làm tù binh chiến tranh, vợ McCain nghiện ma túy. (Cindy McCain có thời điểm nghiện thuốc giảm đau.) Trước khi John Kerry chọn John Edwards làm đối tác tranh cử năm 2004, McCain nổi lên là ứng cử viên phó tổng thống. Ông thừa nhận mình chưa bao giờ được mời vào vị trí đó.

Khi ông bước chân lên sân đấu để trở thành người cầm cờ cho Đảng Cộng hòa năm 2008, ông gia nhập một đám đông trong đó có Mitt Romney (cựu Thống đốc bang Massachusetts  và con trai của George Romney, Thống đốc bang Michigan từ năm 1963 đến năm 1969), Rudy Giuliani (được đặt tên là Thị trưởng của nước Mỹ sau sự kiện ngày 11/9 vì phản ứng khi đó của ông trên cương vị thị trưởng thành phố New York), Mike Huckabee của bang Arkansas, Nghị sĩ Quốc hội Texas Ron Paul, Fred Thompson (người phải bỏ vai diễn của mình trong bộ phim truyền hình Luật pháp và Trật tự để chạy đua), Tommy Thompson (Thống đốc bang Wisconsin khi đó là bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh dưới thời George W. Bush), Nghị sĩ Quốc hội California Duncan Hunter và Tom Tancredo (Nghị sĩ Quốc hội đến từ bang Colorado, người mà vấn đề lớn và gần như duy nhất của ông là nhập cư trái phép).

George Allen, Thượng nghị sĩ đến từ bang Virginia, được coi là một đối thủ nặng ký trong việc đề cử cho tới khi ông đánh mất ghế của mình vì sử dụng một từ khiếm nhã để mô tả ai đó có nguồn gốc Đông Ấn. Khi ông bị loại, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy Giuliani dẫn đầu. Có cảm giác rằng McCain quá tả trong phe bảo thủ Cộng hòa để chiến thắng. Romney có một số chiến thắng bầu cử sơ bộ lớn, nhưng vào cuối ngày Siêu thứ Ba, số phiếu đại biểu là 602 cho McCain và 201 cho Romney. Romney bị loại.

Thế thượng phong của McCain gây ngạc nhiên cho các chuyên gia giống như vị thế của Obama. Nhận được ủng hộ của Thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger trước ngày Siêu thứ Ba tạo đà quý giá cho McCain.

Dành được rất nhiều hậu thuẫn độc lập, từ cựu binh và đáng ngạc nhiên từ phái Phúc Âm, John McCain được Đảng Cộng hòa đề cử làm ứng cử viên tổng thống ngày 4/3/2008.

CHIẾN DỊCH VẬN ĐỘNG TRANH CỬ, 2008:

Sau khi Obama được giới truyền thông ca ngợi về bài phát biểu chấp nhận đề cử, có đồn đoán cho rằng liệu McCain có thể làm được gì để vượt qua bài phát biểu đó.

Trên thực tế, tin tức quan trọng của McCain thu hút sự chú ý của báo giới và công chúng là việc ông lựa chọn đối tác tranh cử cho vị trí phó tổng thống. Có người nói rằng Romney và Huckabee, một người kiên định chủ trương chống phá thai, có cơ hội được chọn. Rồi trước sự ngạc nhiên của các nhà phân tích chính trị, McCain công bố một ngày sau bài phát biểu chấp nhận đề cử của Obama rằng mình đã chọn Sarah Palin, vị thống đốc 44 tuổi của bang Alaska.

Đó là một lựa chọn gây bối rối, có vẻ không được kiểm tra kỹ lưỡng. Có báo cáo cho rằng người đứng đầu đội kiểm tra của McCain chỉ tới Alaska duy nhất một lần – ngày trước khi Sarah Palin được chọn – đội kiểm tra không hề nói với các phóng viên và chủ bút địa phương, và điều đáng ngạc nhiên nhất, thậm chí họ còn không nói với các quan chức Đảng Cộng hòa của bang.

Gần như ngay lập tức, người ta đặt ra các câu hỏi về Palin, thành chuyện bàn tán của chiến dịch. Bà dính dáng đến một cuộc điều tra đạo đức về lạm quyền liên quan đến người anh rể trước đây của bà, một nhân viên cảnh sát bang có cuộc ly hôn tai tiếng với chị gái bà. Vị thống đốc còn bị cáo buộc tìm cách cho người rút sách ra khỏi giá sách thư viện vì bà không đồng ý với nội dung các cuốn sách đó. Và rồi có một sự kiện bất ngờ diễn ra vào thứ Hai sau đó. Phe Palin công bố việc người con gái 17 tuổi, chưa lập gia đình của bà, Bristol, có bầu. Palin từng là người dõng dạc ủng hộ việc dạy học sinh phổ thông trung học lối sống đạo đức tiết chế. Phe McCain nói, họ đã biết về vụ việc mang bầu này trước khi chọn Palin.

Nhưng những người như Newt Gingrich cho rằng việc chọn Palin là một động thái thông minh, rằng bà sẽ thu hút những người ủng hộ Clinton, những người thất vọng vì Obama không chọn bà hay một người phụ nữ nào khác đồng hành tranh cử với ông. Cách lý giải đó hoàn toàn sai lầm vì những người ủng hộ Hillary không được biết đến Palin với các việc mà bà đã làm: khoan dầu ở khu Bảo tồn Quốc gia của Động vật hoang dã Bắc Cực, dạy Thuyết Sáng thế ở trường công, bất đồng với khoa học về hiện tượng nóng lên toàn cầu, phản đối nghiên cứu tế bào gốc và chống phá thai. Mặt khác, Palin có thể bắn và làm thịt một con nai sừng tấm.

Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa ở St. Paul cũng phải đối phó với cơn bão Gustav. Rõ ràng, những người Cộng hòa không muốn chịu phản ứng như bão Katrina. Tuy các buổi tiệc chính thức bị hủy, song có báo cáo cho rằng nhiều buổi tiệc khác dành cho các nhà vận động hành lang và các nhà tài trợ giàu có vẫn diễn ra. Cơn bão Gustav cho Tổng thống Bush, vốn rất không được lòng dân, và Phó Tổng thống Cheney lấy đó làm một cái cớ để không tham dự đại hội. Thay vào đó, vào ngày đầu tiên của đại hội, Laura Bush và Cindy McCain kêu gọi mọi người quyên góp và giúp đỡ các nạn nhân của cơn bão. Có nhiều điều phải nghĩ về bộ trang phục của bà McCain, các chuyên gia thời trang ước tính bộ trang phục đó có giá hơn 300.000 đô-la.

Các bài phát biểu trong tuần nhằm tấn công vào người của Đảng Dân chủ. Joe Lieberman nói rằng tài ăn nói trôi chảy của Obama không thay thế được một cái đĩa hát và gọi McCain và Palin là những nhà cải cách. Fred Thompson cáo buộc người Dân chủ là theo chủ nghĩa tinh hoa. Mike Huckabee bám lấy sự thiếu kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại của Obama. Rudy Giuliani, trong bài phát biểu khai mạc, cho rằng Obama đang ở trong “trạng thái phủ nhận” đối với các mối đe dọa khủng bố. Ông cũng nói rằng McCain sẽ “dẫn chúng ta tới sự độc lập năng lượng để chúng ta có thể thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu của nước ngoài”. Và McCain sẽ làm việc đó như thế nào? Bằng cách khoan ngoài khơi, đó là điều khiến đám đông người da trắng hò reo “Khoan đi, khoan đi” làm Giuliani rất hưng phấn. Trong bài phát biểu chấp nhận đề cử, Sarah Palin tuyên bố bà đã từ chối tiền Liên bang cho dự án “Cây cầu chẳng dẫn tới đâu” trị giá 223 triệu đô-la nối với một hòn đảo thưa thớt dân cư. Chuyện sau này được tiết lộ là bà sẵn sàng chấp nhận số tiền Liên bang đó – được coi là ví dụ hoàn hảo về việc dùng tiền của chính phủ cho các dự án ở địa phương nhằm kiếm phiếu bầu  – chỉ sau khi cây cầu này bị người ta cười nhạo và chỉ trích gay gắt.

Năm 2007, người ta cho rằng vấn đề chính của chiến dịch tranh cử tổng thống 2008 sẽ là cuộc xung đột ở Iraq. McCain ủng hộ cuộc xung đột này. Obama phản đối nó. McCain nói hớ một câu trong các cuộc bầu cử sơ bộ khi ông nói rằng có thể cần có sự hiện diện của Mỹ ở Iraq trong 100 năm và “điều đó với tôi không  vấn  đề gì”. Ông còn bổ sung thêm “chừng nào người Mỹ không bị thương hay tổn hại hay bị chết”. Cho dù đã nói bổ sung, nhưng câu nói 100 năm trở thành đối tượng công kích của phe Dân chủ. Nhưng khi mọi chuyện diễn ra, kinh tế chiếm vị trí ở trung tâm sân khấu.

Chính quyền Bush đã sao nhãng trong một năm khiến đất nước lâm vào tình trạng suy thoái. Trên mặt báo, hết tin tức này đến tin tức khác liệt kê các vụ ngân hàng lấy nhà, ngân hàng đóng cửa, Lehman Brothers và các công ty tài chính khác phá sản. Đây được coi là tình hình kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái.

Vào giữa tháng 9, McCain tuyên bố “những yếu tố căn bản của nền kinh tế đang vững mạnh” sau khi không thể nói được mình và vợ sở hữu bao nhiêu ngôi nhà, mặc dù về mặt pháp lý, tất cả những căn nhà đó thuộc sở hữu của Cindy McCain.

Các sự kiện trở nên kỳ quặc khi McCain nói ông sẽ không vận động và xuất hiện trong một cuộc tranh luận. Thay vào đó, ông vội đi Washington để xử lý một gói cứu trợ từ ngân sách khổng lồ. Không may cho McCain, ông vội vàng đi thủ đô như một câu trả lời cho lý do tại sao ông không xuất hiện trong chương trình nói chuyện đêm khuya của David Letterman. Letterman chỉ trích mạnh mẽ ứng cử viên Cộng hòa hết đêm này qua đêm khác vì McCain ở lại New York đủ lâu để trả lời phỏng vấn của Katie Couric kênh CBS News. Các đoạn video McCain được trang điểm trước phỏng vấn tràn ngập internet.

Tuy McCain cố gắng giữ khoảng cách với George W. Bush, người vốn không được lòng dân và tỷ lệ ủng hộ đã giảm đột ngột xuống khoảng 20%, song ông không thể làm được. Câu thần chú ngựa bất kham của McCain bị các quảng cáo của Obama phản bác. Các quảng cáo này nói rằng thượng nghị sĩ đến từ bang Arizona đã bỏ phiếu ủng hộ chính quyền trên 90% thời gian, một luận điểm được Hồ sơ Quốc hội hậu thuẫn.

Chiến dịch đề cập đến vấn đề chăm sóc sức khỏe. Obama cho rằng cắt giảm chi phí sẽ có lợi cho nền kinh tế. McCain cũng vận động cắt giảm chi phí chăm sóc sức khỏe và kêu gọi giảm thuế cho cá nhân và gia đình tối đa 5.000 đô-la.

Các cuộc tranh luận có một bước ngoặt lạ lùng trong cuộc tranh luận thứ hai. Phe McCain tin rằng người của họ hiệu quả nhất trong môi trường tòa thị chính nơi cử tọa trao đổi ý kiến sôi nổi. Thế nên đó là thể thức ở Nashville. Chuyện trở nên khá kỳ quặc khi McCain thơ thẩn đi ngang sân khấu trước ống kính máy quay như thể ông là nhân vật không- còn-là-người-nữa trong phim Chúa tể của những chiếc nhẫn. “Bạn gần như cho rằng ông sẽ bắt đầu lẩm  bẩm:  ‘Chúng  ta muốn nó. Chúng ta cần nó. Phải có cái quý’”, như một nhà báo mô tả.

Đối tác tranh cử cùng ông đang phải chịu đựng những chương trình truyền hình thành công khi Trực tiếp đêm thứ Bảy gọi lại cựu tác giả kịch bản Tina Fey, người giống Palin một cách thú vị, để đóng vai thống đốc Alaska trong các vở hài kịch ngắn. Những màn đóng giả này thành công đến nỗi nhiều người tin rằng Palin đã nói bà có thể nhìn thấy nước Nga từ hiên trước nhà khi, trên thực tế, bà chỉ nói đến khoảng cách địa lý gần gũi từ Alaska đến nước Nga. Đó là lời thoại của Tina Fey.

Khi chiến dịch tiếp diễn, bên Cộng hòa trở nên tiêu cực hơn. Người ta thúc giục Obama đáp trả kiểu ăn miếng trả miếng, như họ đã thúc giục ông khi Hillary Clinton trở nên tiêu cực. Ngoại trừ một hai lần, còn nhìn chung ứng cử viên Đảng Dân chủ luôn giữ vững lập trường và không phản ứng lại với lời tự mô tả bản thân của Palin là “một con chó pitbull tô môi son”.

Có lẽ một trong những yếu tố khiến John McCain khốn đốn là vì chiến dịch của Obama sử dụng internet để tạo ra một phong trào bình dân, nhất là các cử tri trẻ tuổi tiềm năng. Mỗi bức thư điện tử đều chứa một lời kêu gọi đóng góp. Quan trọng hơn, mỗi bức thư điện tử đều chứa tin tức và thông tin về chiến dịch của Obama, gợi ý cho các buổi họp chiến lược tại- nhà-bạn, và rất nhiều điều khác nữa. Những người nhận được những bức thư điện tử này cảm thấy mình là một phần trong hành trình của Obama đến Nhà Trắng. Việc Obama sử dụng internet được ví như John Kennedy sử dụng truyền hình khi đó còn tương đối mới để phát đi thông điệp cũng như lan truyền nhận thức Tin Lành về hình ảnh ba bị – công giáo của mình.

Cuối tháng 10, Obama tạm dời chiến dịch để đến thăm người bà sắp qua đời, người mà ông gọi là Tutu. (Buồn thay, Madelyn Lee Dunham không sống đến ngày cháu trai mình được bầu làm tổng thống, bà qua đời hai ngày trước ngày bầu cử.) Một cuộc mít tinh phút chót được tổ chức ở Denver khi Obama trở về. Tin tức phát đi qua thư điện tử. Với địa điểm mít tinh là Công viên Civic Center, người ta ước tính sẽ có 32.000 người tham gia. Con số ước tính được tăng lên 50.000 người. Cuối cùng, hơn 100.000 người đứng kín 1/3 dặm từ sân khấu phía trước tòa Thị chính Thành phố và hạt Denver tới nhà Quốc hội Bang.

Ngạc nhiên hơn là con số gây quỹ. Đến cuối tháng 9, Obama đã quyên được 659.697.828 đô-la, đa phần đến từ những khoản đóng góp nhỏ. Ngược lại, McCain tụt lại phía sau với hơn 400 triệu đô-la. Khoảng cách chênh lệch tiếp diễn suốt cuộc đua.

ĐẮC CỬ TỔNG THỐNG, NHIỆM KỲ THỨ NHẤT, 2008:

Phổ thông đầu phiếu: Obama (Đảng Dân chủ): 69.456.897 phiếu (52,92%); McCain (Đảng Cộng hòa): 59.934.814 phiếu (45,66%).

Số phiếu đại cử tri: Obama: 365 phiếu, McCain: 173 phiếu.

Số phiếu theo bang: Obama giành đa số phiếu đại cử tri của Đặc khu Columbia và 28 bang – California, Colorado, Connecticut, Delaware, Florida, Hawaii, Illinois, Indiana, Iowa, Maine, Maryland, Massachusetts, Michigan, Minnesota, Nevada, New Hampshire, New Jersey, New Mexico, New York,  Bắc Carolina, Ohio,  Oregon, Pennsylvania,  Rhode Island, Vermont, Virginia, Washington và Wisconsin.  McCain giành đa số phiếu đại cử tri của 18 bang – Alabama, Alaska, Arizona,  Arkansas, Georgia, Idaho, Kansas, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, Nebraska, Nam Dakota, Tennessee, Texas, Utah và Wyoming.

ỨNG CỬ VIÊN ĐẢNG DÂN CHỦ TÁI TRANH CỬ TỔNG THỐNG, 2012:

Tuy đương kim Tổng thống Obama phải đối mặt với các ứng cử viên khác để được Đảng Dân chủ đề cử, nhưng những ứng cử viên này đều không đáng gờm. Người được báo chí chú ý nhiều nhất là Keith Russell Judd, người giành được 41% số phiếu bầu cử sơ bộ ở Tây Virginia. Judd đã từng là một phạm nhân trong một nhà tù ở bang Texas thụ án 17 năm. John Wolfe (con) của bang Tennessee đứng thứ hai sau Obama về số phiếu đại biểu với 23 phiếu so với 3.166 của Tổng thống. Wolfe giành được 116.613 phiếu phổ thông so với 6.158.064 của Obama.

ĐỐI THỦ:

Willard “Mitt” Romney sinh năm 1947, đảng viên Đảng Cộng hòa. Romney là thống đốc bang Massachusetts trong một nhiệm kỳ. Sinh ở Michigan, ông là con trai của George Romney, Thống đốc bang Michigan, ứng cử viên tổng thống và doanh nhân có công cứu hãng ô tô American những năm 1960. Năm 1969, Mitt đến Pháp trong một chuyến đi truyền đạo của giáo phái Mormon. Ông bị tai nạn xe hơi nặng đến mức đội cứu hộ chuẩn bị tuyên bố ông đã chết. Trở về Mỹ và cưới Ann Davies, Romney nhận bằng cử nhân từ Đại học Brigham Young và một bằng luật và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh từ trường Harvard. Sau khi gia nhập Bain & Co., ông lập ra Bain Capital, một công ty đầu tư góp vốn tư nhân khởi nghiệp với số vốn 37 triệu đô-la. Năm 1994, Romney tham gia cuộc đua chính trị giành chiếc ghế trong Thượng nghị viện của Ted Kennedy. Năm 2002, ông tiếp quản vai trò chủ tịch và CEO của Thế vận hội mùa Đông tại thành phố Salt Lake bị chỉ trích rất nhiều. Sau thành công đó, ông chạy đua tranh cử chức thống đốc bang Massachusetts và giành chiến thắng. Ông thường bất đồng sâu sắc với đa số người lập pháp của Đảng Dân chủ, sử dụng quyền phủ quyết của mình 800 lần, phần lớn trong số đó bị bác bỏ.

Romney được coi là người dẫn đầu trong cuộc đua ứng cử viên của Đảng Cộng hòa năm 2012, nhưng vấp phải sự chống cự quyết liệt từ phe cực hữu. Có thời điểm, có tới 11 người tham gia cuộc đua ứng cử. Một số là người đứng bên rìa – Michele Bachmann, người khởi xướng Hội nghị đề cử Đảng Trà ở Hạ nghị viện và thành viên Đảng Trà Herman Cain, một doanh nhân người Mỹ gốc Phi đề xuất kế hoạch 9-9-9 tức 9% thuế giao dịch kinh doanh, 9% thuế thu nhập cá nhân và 9% thuế doanh thu Liên bang, mà theo phân tích phi đảng phái, kế hoạch này sẽ tăng thuế đối với 83,8% người nộp thuế. (Đảng Trà tự gọi mình là một phong trào bình dân và được đặt tên theo cuộc phản kháng năm 1773 ở Boston. Tuy không phải là một đảng chính trị thực thụ, nhưng Đảng Trà ủng hộ giảm thuế và cắt giảm chi tiêu chính phủ. Mặc dù chỉ có khoảng 50 ghế trong Hạ nghị viện 435 ghế và một số nhỏ ở Thượng nghị viện, song phong trào này có ảnh hưởng đáng kể dựa vào cơ sở Đảng Cộng hòa.) Romney phải chi nhiều từ ngân sách của mình để chiến đấu với Rick Santorum, người thua trong cuộc đua vào Thượng nghị viện năm 2006 bang Pennsylvania – ông lần đầu bước chân vào bộ máy chính quyền năm 1995 – với 41% số phiếu so với 58,6% của đối thủ, và Newt Gingrich, cựu phát ngôn viên Nhà Trắng, người bị khiển trách vì vi phạm quy tắc đạo đức. Gingrich, được hậu thuẫn tiền bạc từ chủ sòng bạc tỷ phú Sheldon Adelson, tung những đòn tấn công sắc bén vào Romney. Gingrich là người nêu ra sự việc về hồ sơ sa thải người và đóng cửa công ty của Bain Capital, nhằm đáp trả sự ám ảnh của Romney về tài nhạy bén kinh doanh của mình. Những đòn tấn công này về sau đã trở thành miếng mồi ngon cho chiến dịch quảng cáo kéo dài của Obama.

Khi các cuộc bầu cử sơ bộ tiếp diễn, đề cử sẽ thuộc về người cuối cùng ở lại tranh cử. Tháng 4, Santorum tuyên bố tạm ngừng chiến dịch của mình và Gingrich nối gót vào tháng 5. Trong các cuộc tranh luận, Romney mô tả mình gần như là một người bảo thủ của Đảng Trà. Ông sẽ chấm dứt mọi trợ cấp Liên bang cho Chương trình Kiểm soát sinh sản. Ông công khai phản đối phá thai, nói rằng mình ủng hộ đảo ngược phán quyết vụ Roe và Wade “vì đó là thứ luật tồi tệ và thứ y tế tồi tệ”. Về chương trình Romneycare, ông nói rõ mình tự hào về nó và phân biệt nó với chương trình Obamacare, Romneycare là chương trình của tiểu bang chứ không phải của Liên bang kiểu “một cỡ vừa tất”. “Nếu tôi được bầu làm tổng thống, tôi sẽ bãi bỏ Obamacare”, ông nói. Và nữa, ngày đầu tiên đến văn phòng… tôi sẽ cho tất cả 50 bang ngừng thực hiện Obamacare.”

Romney chọn Paul Ryan, Nghị sĩ Quốc hội bang Wisconsin, làm đối tác tranh cử cùng mình. Ryan là người theo đường lối bảo thủ tài chính, đưa ra những đề xuất như cải tổ hệ thống Medicare qua đó người cao tuổi sẽ chọn bảo hiểm tư nhân, và chính quyền Liên bang sẽ hoàn tiền cho các nhà bảo hiểm. Các kế hoạch của ông là cắt giảm thuế đối với người giàu, tăng thuế đối với tầng lớp trung lưu và tầng lớp lao động. Ryan nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Đảng Trà.

CHIẾN DỊCH VẬN ĐỘNG TRANH CỬ, 2012:

Kinh tế chắc chắn là vấn đề lớn nhất. Với tình trạng thất nghiệp, tịch biên tài sản, thuế má, khoản nợ 16 nghìn tỷ đô-la, và sự sụp đổ của khối ngân hàng, Obama đã đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy Thoái. Mitt Romney nói rằng mình là người có kinh nghiệm kinh doanh có thể đưa đất nước trở lại đúng hướng. Sau đó Newt Gingrich mở cánh cửa chất vấn nhiệm kỳ của Romney với Bain Capital để chiến dịch Obama bước qua. Quá khứ thuê ngoài và mua lại của công ty này, dẫn đến tình trạng mất việc làm và phá sản, trở thành miếng mồi béo bở cho quảng cáo truyền hình. Rồi điều gì đó đã xảy ra gây tổn hại cho thành công tháng 11 của ứng viên Cộng hòa nhiều hơn. Nền kinh tế tiếp tục cải thiện. Số người thất nghiệp giảm trong tháng 9 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2009 khi Obama nhậm chức. Romney trả lời rằng sự phục hồi đó diễn ra quá chậm và rằng ông sẽ đẩy nhanh tốc độ phục hồi. Một điểm bất đồng nữa là mở rộng phạm vi cắt giảm thuế của Bush. Obama muốn giảm thuế cho những người kiếm được dưới 250.000 đô-la trong khi chấm dứt việc cắt giảm cho người giàu. Romney cương quyết không cho phép bất cứ một sự tăng thuế mạnh nào đối với bất cứ ai.

Tài sản cá nhân của Romney bị soi dưới kính hiển vi. Thông thường các ứng cử viên tổng thống công bố một vài năm tiền thuế, thấp nhất là Michael Dukakis với 5 năm và Bob Dole lập kỷ lục với 29 năm. Cha của Mitt Romney, George, công bố 12 năm tiền thuế, nói “một năm có thể là điều may mắn, có lẽ là làm trò”. Con trai ông quyết định làm theo chuẩn hai năm của John McCain và nói ông sẽ công bố con số năm 2010 và 2011 mặc dù ông đợi tới tận cuối tháng 9 mới tiết lộ con số năm 2011. Mức 13,9% năm 2010 của ông bị chỉ trích dữ dội. Trong năm đó, người nào kiếm được 50.000 đô-la thì phải đóng ở mức 25%. Tỷ phủ Warren Buffett, phản đối mạnh mẽ đạo luật cho phép Romney đóng thuế mức thấp hơn thư ký của mình. Về phần mình, Romney nói vào tháng 7/2012 rằng ông sẽ chỉ đóng khoản nào “pháp luật yêu cầu. Và, nói thật, nếu tôi đóng nhiều hơn mức pháp luật yêu cầu, thì tôi không cho rằng mình đủ tư cách trở thành tổng thống”. Rồi con số năm 2011 của ông được công bố.

Thuế suất năm đó của ông là 14,1%, nhưng chỉ vì ông không tính hết những khoản khấu trừ dành cho hoạt động từ thiện đáng kể của mình. Nhà Obama đóng 162.074 đô-la cho cơ quan thuế, với thuế suất thu nhập Liên bang thực tế là 20,5%.

Các vấn đề xã hội cũng đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch. Phe cực hữu kiên quyết phản đối quyền phá thai, cung cấp phương tiện tránh thai, dưới Đạo luật Chăm sóc giá cả phải chăng và hôn nhân đồng giới. Chiến dịch của Obama tiếp tục lời kêu ca rằng người Cộng hòa đang khiêu chiến với phụ nữ. Khi tranh cử tổng thống, Romney nói mình “cương quyết phản đối phá thai”. Khi chạy đua chức thống đốc bang Massachusetts, ông nói rằng tuy cá nhân ông phản đối phá thai nhưng ông sẽ đứng sau quyền được lựa chọn của phụ nữ. Trong khi lập trường ôn hòa hơn trước đây của Romney quay trở lại phản bác ông thì Obama cũng gặp vấn đề liên quan đến hôn nhân đồng giới. Ông tuyên bố phản đối hôn nhân đồng giới năm 2008. Năm 2004, ông nói, “Hôn nhân là cái gì đó rất thiêng liêng giữa một người nam và một người nữ” trong khi ủng hộ kết hợp dân sự. Sau khi trở thành tổng thống, ông bị cộng đồng người đồng tính nam và đồng tính nữ chỉ trích vì bênh vực Đạo luật Bảo vệ hôn nhân thời Clinton, vốn cho phép các bang quyết định liệu có công nhận hôn nhân đồng giới được thực hiện ở các bang khác hay không. Tháng 12/2010, Obama tuyên bố rằng “nhận thức của tôi về vấn đề này đang liên tục tiến triển”. Rồi đến tháng 5/2012, ông nói: “Với riêng cá nhân tôi, điều quan trọng là tiến tới và khẳng định rằng tôi nghĩ các cặp đôi đồng giới nên được phép kết hôn.”

Về chương trình bảo hiểm xã hội quốc gia Medicare và An sinh xã hội, phe Romney bám theo Obama về điều mà họ cho là Medicare sẽ bị cắt giảm vì chương trình Obamacare. Ban Ngân sách Quốc hội phi đảng phái nhanh chóng xử lý dữ liệu và phát hiện ra tiền dành cho Medicare ít đi là do cắt giảm trợ cấp cho các công ty bảo hiểm tư nhân. Sẽ không có chuyện giảm phúc lợi. Romney ủng hộ lời kêu gọi của đối tác tranh cử của mình chấm dứt dần hệ thống hiện tại vào năm 2022 và thay bằng một hệ thống cấp phiếu cho người cao tuổi để họ mua bảo hiểm tư nhân. Về An sinh xã hội, Obama muốn gắn việc tăng An sinh xã hội với lạm phát. Obama cam kết không tư nhân hóa An sinh xã hội, “Kế hoạch đó là sai trái với người cao tuổi, sai trái với nước Mỹ, và tôi sẽ không để điều đó diễn ra.” Romney kêu gọi tuổi nghỉ hưu cao hơn, lập tài khoản đầu tư nghỉ hưu cho công nhân trẻ, và gắn phúc lợi với giá cả chứ không phải tiền lương. Và ông hứa rằng với những ai khi họ 55 tuổi hoặc hơn, An sinh xã hội sẽ không thay đổi.

Về đối ngoại, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy cử tri thích Obama hơn Romney. Trong nỗ lực nhằm chống lại điều đó, người Cộng hòa vẽ ra hình ảnh tổng thống như một nhà “lãnh đạo từ phía sau” đối với các vấn đề Israel và Palestine, việc Iran gia tăng vũ khí hạt nhân, và Syria. Tuy nhiên, khi thống đốc đi vào chi tiết chính sách của mình thì thấy nó tương tự như chính sách của Obama – chẳng hạn như trừng phạt và xây dựng liên minh. Romney muốn trang bị vũ khí cho phiến quân Syria, nhưng không sẵn lòng gửi lực lượng Mỹ tới đó. Tuy nhiên, việc xử lý hậu quả vụ tấn công tháng 9 năm 2012 vào lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi của Obama bị cánh hữu chỉ trích gay gắt. Romney liên tục nhắc đi nhắc lại rằng Obama mất ba tuần để thừa nhận khủng bố đứng đằng sau vụ tấn công và nhắc lại điều đó trong cuộc tranh luận thứ hai.

Các cuộc tranh luận không còn dừng ở việc nhắc lại những điều được chuẩn bị trước. Mọi người đều đồng ý là Romney dễ dàng thắng cuộc tranh luận đầu tiên. Trong các cuộc bầu cử sơ bộ toàn cãi lộn của Đảng Cộng hòa, một cố vấn của Romney nói về sự chuyển hướng quyết liệt sang hữu của ứng cử viên Romney, “Anh nhấn nút cài đặt lại cho chiến dịch mùa thu. Mọi thứ thay đổi. Nó gần giống như cái bảng vẽ Etch-a-Sketch.  Bạn đại loại có thể xóa nó, rồi chúng ta lại bắt đầu lại từ đầu.” Điều đó có vẻ như đúng trong cuộc tranh luận đầu tiên khi ứng cử viên Đảng Cộng hòa ngả về bên trung dung. Điều đó có thể không làm hài lòng những người ủng hộ Đảng Trà, nhưng một cuộc thăm dò ý kiến của CNN cho thấy 60% người tham gia trả lời rằng họ có cảm giác Romney thắng, và điểm số dành cho Romney bám sát nút điểm số dành cho Obama. Đến cuộc tranh luận thứ hai. Cả hai người bước qua bước lại trên sân khấu, còn người điều phối cuộc tranh luận ngồi về một bên. Có thời điểm, Romney đi về phía người điều phối để nói rằng phải mất ba tuần Obama mới tuyên bố khủng bố tấn công đại sứ quán ở Lybia. Người điều phối đã nhắc ông. Obama gọi đó là hành động khủng bố ngày hôm sau trong một bài phát biểu ở Vườn Hồng. Về phần mình, Tổng thống hăng hái tranh luận và hoạt bát hơn nhiều. Lần này, cuộc thăm dò ý kiến của CNN cho thấy Tổng thống giành 46% so với 39% của đối thủ. Obama thậm chí còn làm tốt hơn sau cuộc tranh luận thứ ba, về chính sách đối ngoại. Một cuộc thăm dò ý kiến dành cho những cử tri chưa quyết định cho thấy 53% ủng hộ Tổng thống so với 24% dành cho Romney.

Một khía cạnh của chiến dịch không thể bỏ qua đó là một món quà rơi vào phe Obama. Tại một sự kiện gây quỹ 500-đô-la-một-người ở Florida, Romney được quay phim khi nói rằng, “Có 47% sẽ bầu cho Tổng thống mà không quan trọng rằng… những  người lệ thuộc  vào chính phủ, những người tin rằng mình là nạn nhân… Đó là những người không đóng thuế thu nhập… và vì vậy công việc của tôi là không lo lắng về những người đó. Tôi sẽ không bao giờ thuyết phục họ nên chịu trách nhiệm  cá nhân và tự lo liệu cho cuộc sống của mình”. Đoạn phim đó được tung ra bốn tháng sau, vào tháng 9. Các nhà phân tích chú ý về lời phát biểu là Romney, trên thực tế, đã công kích nhóm người ủng hộ Đảng Cộng hòa mạnh mẽ – những người về hưu. Hơn nữa, có nhiều gia đình trung lưu không đóng thuế Liên bang vì được miễn, nhưng hầu hết mọi người đóng các loại thuế khác – tiểu bang, thành phố, doanh thu.

Tới đầu tháng 11, các cuộc thăm dò ý kiến đẩy cuộc đua về mức ngang bằng. Nhưng chiến lược của chiến dịch Obama tỏ ra quá mạnh để người khác có thể đánh bại. Sử dụng truyền thông xã hội và mạng internet, phía Dân chủ tập trung vào việc có được phiếu bầu. Obama hạ gục Romney xét về đại cử tri đoàn, với tỷ lệ 332 so với 206. Ông thắng ở các bang ủng hộ cả hai đảng chủ chốt là Colorado, Iowa, Nevada, New Hampshire, Ohio, Virginia, Florida và Wisconsin. Chiến thắng của Tổng thống là do một vài yếu tố – một con mồi thượng thặng ở các bang chủ chốt; phụ nữ chiếm 53% số cử tri, mang lại cho Obama lợi thế 11 điểm; và cử tri trong độ tuổi 18 đến 29 ủng hộ Tổng thống 24 điểm.

ĐẮC CỬ TỔNG THỐNG NHIỆM KỲ THỨ HAI, 2012:

Phổ thông đầu phiếu: Barack Obama (Đảng Dân chủ): 62.611.250 phiếu (50,6%); Mitt Romney (Đảng Cộng hòa): 59.134.475 phiếu (47,8%).

Số phiếu đại cử tri: Barack Obama: 332 phiếu; Mitt Romney: 206 phiếu. Số phiếu theo bang: Obama giành đa số phiếu đại cử tri ở Đặc khu Columbia và các bang – California, Colorado, Connecticut, Delaware, Florida, Hawaii, Illinois, Iowa, Maine, Maryland, Massachusetts, Michigan, Minnesota, Nevada, New Hampshire, New Jersey, New Mexico, New York, Ohio, Oregon, Pennsylvania, Rhode Island. Mitt Romney giành đa số phiếu đại cử tri ở các bang – Alabama, Alaska, Arizona, Arkansas, Georgia, Idaho, Indiana, Kansas, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, Nebraska, Bắc Carolina, Bắc Dakota, Oklahoma, Nam Carolina, Nam Dakota, Tennessee, Texas, Utah.

DIỄN VĂN NHẬM CHỨC, LẦN THỨ NHẤT:

“Lời tuyên thệ nhậm  chức đã được đưa ra trong những đợt triều dâng của thịnh vượng và những vùng nước lặng của hòa bình. Mặc dù vậy, thi thoảng lời tuyên thệ được đưa ra giữa những đám mây đang tụ lại và những cơn bão đang gầm gào. Vào những thời khắc này, nước Mỹ đã bám trụ không chỉ vì kỹ năng và tầm nhìn của những người quyền cao chức trọng mà vì chúng ta người dân đã trung thành với lý tưởng của cha ông chúng ta, và trung thành với Hiến pháp lập nước của chúng ta… Ngày hôm nay, chúng ta tề tựu ở đây vì chúng ta đã chọn hy vọng thay cho  sợ hãi, thống nhất mục đích thay cho xung đột và bất đồng.”

“… Ngày hôm nay, chúng ta đến để tuyên bố chấm dứt những kêu ca vặt vãnh và những hứa hẹn giả tạo, những lời buộc tội và giáo điều cũ rích đã bóp nghẹt nền chính trị của chúng ta quá lâu rồi.”

“… Chúng ta vẫn là một quốc gia trẻ, nhưng theo lời Kinh Thánh, đã đến lúc gạt sang một bên mấy thứ con nít. Đã đến lúc tái khẳng định tinh thần ngoan cường của chúng ta; chọn một lịch sử tốt hơn cho chúng ta; giữ lấy món quà quý giá đó, ý tưởng cao quý đó, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: lời hứa của Chúa rằng tất cả đều bình đẳng, tất cả đều tự do, và tất cả xứng đáng  có cơ hội mưu cầu hạnh phúc trọn vẹn.”

“… Đã nhiều lần những người đàn ông và phụ nữ này đấu tranh, hy sinh và làm việc cho tới khi đôi bàn tay họ phồng rộp để chúng ta có thể sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ nhìn nước Mỹ lớn hơn số cộng các tham vọng đơn lẻ của chúng ta; lớn hơn tất cả những khác biệt về nguồn gốc hay gia sản hay phe phái. Đây là hành trình mà chúng ta tiếp tục ngày hôm nay.”

… Chúng ta là quốc gia của người Công giáo và người Hồi giáo, người Do Thái và người Hindu, và những người không theo một đức tin nào. Chúng ta được định hình từ mọi ngôn ngữ và văn hóa, đến từ mọi nơi trên Trái đất này.”

“… Và bởi vì chúng ta đã nếm trải vị đắng của Nội chiến và phân biệt chủng tộc và vươn lên từ cái chương đen tối đó một cách mạnh  mẽ hơn và đoàn kết hơn, nên chúng ta không thể không tin rằng những mối hận thù xa xưa sẽ một ngày nào đó qua đi; rằng những  đường ranh  giới sắc tộc sẽ nhanh chóng biến mất; rằng khi thế giới trở nên nhỏ bé hơn, tính người chung của chúng ta sẽ lộ ra; và rằng nước Mỹ phải đóng vai trò trong việc mang lại một kỷ nguyên hòa bình mới.”

“… Thách thức của chúng ta có thể mới, các công cụ chúng ta dùng để đương đầu với thách thức có thể mới, nhưng những giá trị mà nhờ vào đó chúng ta thành công, sự trung thực và chăm chỉ làm việc, lòng dũng cảm và tinh thần tuân thủ luật chơi, sự dung thứ và óc tò mò, sự trung thành và lòng yêu nước – những thứ này là cũ.”

“… Những thứ này là đúng. Là lực lượng tiến bộ thầm lặng trong suốt lịch sử của chúng ta.”

“… Thế thì đòi hỏi là phải quay trở lại với những chân lý này. Cái chúng ta cần có bây giờ là một kỷ nguyên trách nhiệm mới – một sự công nhận, về phần mọi người Mỹ, rằng chúng ta có nghĩa vụ với bản thân, với đất nước, với thế giới, những nghĩa vụ mà chúng ta không miễn cưỡng chấp nhận mà vui mừng nắm lấy, với hiểu biết chắc chắn rằng không có gì thỏa mãn tinh thần hơn, định nghĩa bản chất của chúng ta hơn việc chúng ta hết mình với một nhiệm vụ khó.”

DIỄN VĂN NHẬM CHỨC, LẦN THỨ HAI:

“Chúng ta, người dân, vẫn tin rằng mọi công dân xứng đáng được hưởng một mức độ an ninh và phẩm giá cơ bản. Chúng ta phải đưa ra những lựa chọn khó khăn để cắt giảm chi phí chăm  sóc sức khỏe và mức độ thâm hụt. Nhưng chúng ta phản đối niềm tin cho rằng nước Mỹ phải chọn giữa việc chăm  sóc thế hệ đã xây dựng  nên  đất  nước này với việc đầu tư cho thế hệ sẽ xây dựng tương lai…”

“Chúng ta sẽ ứng  phó với mối đe dọa biến đổi khí hậu, biết rằng nếu không làm được việc đó thì chúng ta sẽ phản  bội con cái chúng  ta và các thế hệ tương lai. Một số người có thể vẫn phủ nhận quan điểm áp đảo của khoa học, nhưng không ai có thể tránh  được tác động ghê gớm của những vụ cháy rừng dữ dội, hạn hán tàn khốc và các trận bão ngày càng mạnh.”

“Chúng ta, người dân, ngày hôm nay tuyên bố rằng chân lý hiển nhiên nhất – tất cả chúng ta sinh ra bình đẳng – là ngôi sao dẫn đường cho chúng ta. Giống như nó đã dẫn đường cho cha ông chúng ta qua Seneca Falls, Selma và Stonewall. Giống như nó đã dẫn đường cho tất cả những người đàn ông và phụ nữ, được ca ngợi hay không, những người đã để lại dấu chân dọc theo công viên vĩ đại này… để nghe một vị vua tuyên bố rằng tự do cá nhân của chúng ta gắn bó mật thiết với tự do của mọi con người trên Trái đất…”

“Nhiệm vụ của thế hệ chúng ta là tiếp tục làm điều mà những người tiên phong đã bắt đầu. Vì hành trình của chúng ta không trọn vẹn cho tới khi vợ chúng ta, mẹ chúng ta, con gái chúng ta có thể kiếm sống tương ứng với nỗ lực của họ. Hành trình của chúng ta không trọn vẹn cho tới khi những người anh, người chị đồng tính của chúng ta được đối xử như bất cứ ai khác theo pháp luật – vì nếu chúng ta thực sự sinh ra bình  đẳng, thì chắc chắc tình yêu chúng ta dành cho nhau cũng phải bình đẳng. Hành trình của chúng ta không trọn vẹn cho tới khi không có công dân nào bị buộc phải đợi hàng tiếng đồng hồ để thực hiện quyền bầu cử.

Hành trình của chúng ta không trọn vẹn cho tới khi chúng ta tìm ra một cách tốt hơn để chào đón những người nhập cư đầy nỗ lực, đầy hy vọng, những người vẫn coi nước Mỹ là mảnh đất của cơ hội.  Cho  tới khi những sinh viên và kỹ sư trẻ sáng láng được tuyển vào lực lượng lao động của chúng ta thay vì bị trục xuất khỏi đất nước chúng ta. Hành trình của chúng ta không trọn vẹn cho tới khi tất cả con cái chúng ta, từ những  con phố ở Detroit cho tới những ngọn đồi ở Appalachia cho tới những ngõ vắng của Newtown [nơi 20 học sinh bị giết] biết rằng chúng được quan tâm, yêu thương và luôn an toàn trước mọi hiểm nguy…”

PHÓ TỔNG THỐNG:

Joseph Robinette “Joe” Biden (con) sinh năm 1942, đến từ bang Delaware, giữ chức từ năm 2009. Sinh ở Scranton, Pennsylvania, ông là một trong bốn người con của Joseph R. Biden. Gia đình ông chuyển tới Delaware năm 1953 khi cha ông, làm nghề kinh doanh xe hơi cũ. Biden là ngôi sao trong đội bóng bầu duc trường trung học của mình trước khi vào Đại học Delaware. Năm 1965, ông tốt nghiệp trong top cuối của lớp. Ba năm sau, ông nhận bằng luật từ Đại học Syracuse.

Biden ra tranh cử Thượng nghị viện Mỹ năm 1972 với tư cách người lót đường ba-mươi-điểm trước ứng cử viên Đảng Cộng hòa J. Caleb Boggs. Với ngân sách chiến dịch gần như trống rỗng, Biden với sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè đã đưa các vấn đề của mình tới từng gia đình, một trong số đó là sự phản đối của ông đối với cuộc chiến ở Việt Nam. Ông chiến thắng, giành nhiều hơn 3.000 phiếu so với đối thủ, đưa ông trở thành thượng nghị sĩ trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông 29 tuổi khi được bầu, 30 khi vào Thượng nghị viện – 30 là tuổi tối thiểu được vào Thượng nghị viện. Vài tuần sau, vợ ông, Neilia, và con gái một tuổi, Naomi, qua đời trong một vụ tai nạn ô tô. Hai cậu con trai Beau ba tuổi và Hunter hai tuổi bị thương nặng. Biden, người theo đạo Cơ Đốc La Mã, nói thảm kịch đó khiến ông cảm thấy “Chúa đã chơi khăm tôi một vố kinh khủng”.

Ông cân nhắc không nhận chiếc ghế Thượng nghị viện của mình, nhưng lãnh tụ đa số Thượng nghị viện Mike Mansfield đã thuyết phục ông. Để sống với hai cậu con trai, Biden bắt đầu một thói quen mà ông không bỏ cho tới khi trở thành phó tổng thống – gần như hằng ngày, ông đi tàu hỏa Amtrak từ Wilmington tới Washington, Delaware, một tiếng rưỡi mỗi buổi chiều, nên ông có biệt danh “Joe Amtrak”. Biden bị trêu vì thường hỏi liệu bỏ phiếu ở Thượng nghị viện có xong vào lúc 7 giờ 45 phút tối không để ông còn kịp chạy ra ga. Năm 1977, với sự giục giã của hai cậu con trai, ông cưới Jill Tracy Jacobs, một giáo viên phổ thông trung học sau này trở thành giáo sư đại học. Năm 1981, nhà Biden có thêm một cô con gái, Ashley Blazer.

Biden là thượng nghị sĩ của bang Delaware gần 30 năm cho tới khi thành viên Đảng Cộng hòa William V. Roth bị Tom Carper đánh bại năm 2000. Biden là chủ tịch Ủy ban Thẩm phán trong các phiên điều trần hai ứng cử viên cho Tòa án Tối cao là Robert Bork và Clarence Thomas. Ông bị chỉ trích vì việc xử lý Clarence Thomas khi ông không cho phép một người phụ nữ khác, người nói rằng Thomas đã quấy rối tình dục cô, được ủng hộ lời khai của Anita Hill. Ông nổi tiếng là người dài dòng, các câu hỏi của Biden dài đến nỗi khi ông hỏi xong thì Thomas không tài nào nhớ được mình vừa được hỏi cái gì. Biden là một động lực đằng sau Đạo luật Kiểm soát tội phạm và bạo lực năm 1994 và Đạo luật Chống lạo lực đối với phụ nữ năm 1994 (VAWA). Ông gọi VAWA là “đạo luật quan trọng nhất mà tôi từng lập ra trong suốt 30 năm tôi ở Thượng nghị viện”.

Biden cũng là thành viên Ủy ban Đối ngoại và là chủ tịch của ủy ban từ tháng 6/2001 đến tháng 1/2003 và từ tháng 1/2007 đến tháng 1/2009. Kiến thức của ông về các vấn đề đối ngoại và việc tiếp xúc trực tiếp với nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới được cho là giúp cân bằng lại sự thiếu kinh nghiệm của Obama. Khi Quốc hội không phê chuẩn thỏa thuận SALT II (Đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược) với Liên Xô, Biden gặp Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Andrey Gromyko và đàm phán các thay đổi làm cho SALT II trở nên dễ chịu hơn với Quốc hội. Biden đi rất nhiều tới khu vực Ban-căng với nỗ lực mang lại ổn định cho khu vực này. Ông thúc giục chấm dứt cấm vận vũ khí đối với Bosnia, kêu gọi điều tra các tội ác chiến tranh – gọi Slobodan Milosevic, nhà lãnh đạo Serbia, là “tội phạm chiến tranh” – và điều tra các vi phạm quyền dân sự.

Biden bỏ phiếu chống lại Chiến tranh Vùng Vịnh 1991, ngoại trừ cuộc đột kích lần thứ hai vào Iraq sau khi không thông qua được nghị quyết không cho phép can thiệp quân sự cho tới khi các nỗ lực ngoại giao thất bại. “Joe Amtrak” ra tranh cử tổng thống năm 1987 với thất bại thảm hại.

Tranh luận tại hội chợ bang Iowa, ông bị phát hiện sử dụng lời của lãnh đạo Công Đảng Anh, Neil Kinnock. Băng video cuộc tranh luận được phe Michael Dukakis gửi tới các phóng viên, và thế là các tít báo xuất hiện. Mặc dù Biden đã thừa nhận trong các bài phát biểu khác, nhưng ông ngay lập tức bị gọi là “Joe đạo văn”. Ông rút khỏi cuộc đua vào tháng 9.

Tháng 2 sau đó, Biden bất tỉnh trong một phòng khách sạn ở Rochester, New York. Được đưa tới Trung tâm Y tế Walter Reed ở Washington, người ta phát hiện ra ông bị phình động mạch não. Tuy được phẫu thuật song tình trạng của Thượng nghị sĩ rất nghiêm trọng đến mức ông được làm nghi lễ cuối cùng dành cho người hấp hối. Một cuộc phẫu thuật khác được thực hiện cho một chỗ phình động mạch não thứ hai. Bảy tháng sau Biden mới có thể quay trở lại Thượng nghị viện. Sau đó, tình trạng sức khỏe của ông đã tốt hơn.

Trong cuộc tranh cử tổng thống thứ hai, Biden có một trong những câu nói hay nhất trong chiến dịch – mà không bị buộc tội đạo văn. Khi nhắc tới Rudy Giuliani, người vẫn đang ở trong cuộc đua, Biden nói, “Chỉ có ba thứ ông ta nói tới trong một câu: một danh từ, một động từ và 11 tháng 9”.

Biden viết rằng mình sống bằng triết lý “đứng dậy”. “Nghệ thuật sống chỉ đơn giản là đứng dậy sau khi bị hạ gục… Sau cuộc phẫu thuật, thưa ngài thượng nghị sĩ, ngài có thể mất khả năng nói? Đứng dậy! Báo chí đang gọi ngài là kẻ đạo văn, Biden? Đứng dậy! Vợ và con gái ngài – Tôi xin lỗi, Joe, chúng ta chẳng thể làm gì để cứu họ? Đứng  dậy! Trượt một lớp ở trường luật? Đứng dậy! Trẻ con trêu chọc ngài vì ngài nói lắp, Bi-bi-bi-bi-bi-Bi-den?  Đứng dậy!”

NỘI CÁC :

Bộ trưởng Ngoại giao: (1) Hillary Rodham Clinton sinh năm 1947 đến từ New York. Sau khi chồng mãn nhiệm năm 2000, Hillary Clinton chuyển tới New York và chạy đua vào Thượng nghị viện Mỹ khi Daniel Patrick Moynihan từ chối tái tranh cử. Người ta tin rằng Đảng Cộng hòa sẽ đề cử Rudy Giuliani. Ông rút lui sau khi biết mình bị ung thư tuyến tiền liệt. Đối thủ của bà Clinton là Nghị sĩ Quốc hội Rick Lazio, người bà dễ dàng đánh bại với hai cái “đầu tiên” của bà – Đệ nhất phu nhân đầu tiên được bầu vào chức vụ công và thượng nghị sĩ nữ đầu tiên đến từ New York. Năm 2006 bà thắng nhiệm kỳ hai. Clinton là thành viên các ủy ban về môi trường và công trình công cộng; quân sự; y tế, giáo dục, lao động và lương hưu; ngân sách và Ủy ban Đặc biệt về Già hóa. Bà cũng làm ở Ủy ban An ninh và Hợp tác Châu Âu. Trong nhiệm kỳ bốn năm, bà tới thăm 112 nước, trong đó có Togo và quần đảo Cook, và đi quãng đường gần một triệu dặm. Một trong những thành tựu của bà là thúc đẩy mở rộng việc sử dụng truyền thông xã hội thành một công cụ ngoại giao để giúp người dân đang xung đột với những người cai trị họ, nhưng bà là một người có niềm tin mạnh mẽ vào các cuộc gặp gỡ mặt đối mặt. Khi được hỏi tại sao bà là bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên đến thăm Togo, bà đáp, “Togo tình cờ có mặt trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tới đó, đầu tư cá nhân, những việc đó có một mục đích chiến lược thực sự”. Một thành tựu khác là thuyết phục Nhà Trắng thiết lập quan hệ với Myanmar, nơi chế độ quân sự đàn áp tiếp quản năm 1962. Bà cũng gây sự chú ý của báo giới và dư luận đối với vấn đề bạo lực giới. Bà ra đi với tỷ lệ ủng hộ 69%. (2) John Kerry sinh năm 1943 đến từ bang Massachusetts. (Về thông tin gia đình, xem: George W. Bush, Tổng thống thứ bốn mươi ba, mục: Đối thủ) Kerry có thể không phải là lựa chọn số một của Obama cho vị trí chính thức. Người ta đồn Tổng thống nhắm Susan Rice, đại sứ tại Liên Hợp Quốc, hơn. Rice bị chỉ trích rất nhiều vì những phát biểu của bà về sự cố đại sứ quán Lybia khiến đại sứ Mỹ chết. Mặc dù Rice nhận được sự bênh vực từ CIA khi cơ quan tình báo này nói rằng họ không sẵn sàng cung cấp thông tin họ biết về sự kiện đó để không đánh động bọn khủng bố, song bà vẫn bị chỉ trích dữ dội. John McCain đi xa tới mức nói rằng bà “lẽ ra nên biết rõ hơn” và không nên nhắc lại đánh giá của CIA về chuyện đó. Rice rút tên ra khỏi danh sách xem xét đề cử, để ngỏ vị trí cho Kerry. Sau khi đề cử Kerry được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua, ủy ban mà Kerry đã làm chủ tịch từ năm 2009, Kerry được chính thức xác nhận sau cuộc bỏ phiếu ở Thượng nghị viện với tỷ lệ 94 ủng hộ, 3 phản đối.

Bộ trưởng Tài chính: (1) Timothy Geithner sinh năm 1961, đến từ New York. Sinh ở Brooklyn, Geithner lớn lên ở vài nước trong đó có Nam Rhodesia (nay là Zimbabwe), Ấn Độ và Thái Lan. Ông nhận bằng cử nhân về nghiên cứu Chính phủ và châu Á từ Đại học Dartmouth, và bằng thạc sĩ về nghiên cứu Đông Á và kinh tế quốc tế từ Đại học John Hopkins. Công việc đầu tiên của Geithner sau khi tốt nghiệp đại học là làm cho Kissinger Associates, một công ty tư vấn quốc tế do cựu Bộ trưởng Ngoại giao Henry Kissinger thành lập. Geithner chuyển tới Bộ Tài chính Mỹ năm 1988 nơi ông làm ở Ban Các vấn đề Quốc tế. Trong 10 năm, ông nắm giữ các chức vụ khác nhau trong Bộ Tài chính, lên tới chức thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế qua hai đời bộ trưởng Robert Rubin và Lawrence Summers. Sau đó ông là chuyên viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và giám đốc Phòng Phát triển và Phê bình Chính sách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Năm 2003, Geithner trở thành chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, ông nắm giữ vị trí này cho tới khi tham gia nội các của Obama. Trong khi một số người ca ngợi ông vì đã chặn đứng cuộc khủng hoảng tài chính, một số người khác cảm thấy ông làm  quá ít để giúp thị trường bất động sản và quá dễ dãi với các ngân hàng “quá lớn để thất bại”. Tuy nhiên, rốt cuộc, tiền sau khi được ném vào các ngân hàng lớn và AIG, một tổ chức bảo hiểm và dịch vụ tài chính đã quay trở lại chính phủ và sinh lời. (2) Jack Lew sinh năm 1955, đến từ New York. Lew nhận bằng cử nhân từ Harvard và bằng luật từ Đại học Georgetown. Công việc đầu tiên của ông sau khi ra trường là trợ lý của một cố vấn chính sách cao cấp cho phát ngôn Hạ nghị viện Tip O’Neill. Năm 1993, ông tham gia chính quyền Clinton với vai trò trợ lý đặc biệt cho Tổng thống. Từ năm 1998 đến năm 2001, Lew là giám đốc Phòng Quản lý và Ngân sách. Ông là giám đốc điều hành của Citigroup từ năm 2006 đến năm 2008, sau đó tham gia chính quyền Obama với vị trí trong Phòng Quản lý và Nguồn lực của Bộ Ngoại giao. Từ năm 2012 đến năm 2013, ông là tham mưu trưởng của Obama. Việc chính thức xác nhận chức vụ cho Lew bị một số thành viên Đảng Cộng hòa chỉ trích, cáo buộc ông không đáp ứng những lời cảnh báo về ngân quỹ Medicare của họ. Quãng thời gian của Lew ở Citigroup, thời gian mang lại cho ông khoản tiền thưởng 950.000 đô-la, cũng bị đặt câu hỏi. Cuối cùng Ông được chính thức xác nhận chức vụ với tỷ lệ 71 phiếu thuận 26 phiếu chống.

Bộ trưởng Quốc phòng: (1) Robert Michael Gates sinh năm 1943 đến từ bang Texas, giữ chức từ năm 2006 đến năm 2011. (Về thông tin gia đình, xem: George W. Bush, Tổng thống thứ bốn mươi ba, mục: Bộ trưởng Quốc phòng) Việc Obama chọn bộ trưởng Quốc phòng của G. W. Bush tiếp tục ở vị trí đó là một điều gây ngạc nhiên. Lý lẽ của Obama là hai cuộc xung đột ở Afghanistan và Iraq vẫn đang tiếp diễn, bộ này cần có sự lãnh đạo liên tục. Gates tỏ ra là một người ôn hòa ủng hộ việc rút quân ra khỏi Iraq, mặc dù vẫn chậm hơn so với ý muốn của nhiều người chống lại cuộc chiến đó. Gates nghỉ hưu tháng 4/2011. (2) Leon Panetta sinh năm 1938, đến từ California. Ông có cha mẹ là người Ý nhập cư; ông tốt nghiệp Đại học Santa Clara, nhận bằng luật từ Santa Clara năm 1963. Sau đó ông gia nhập quân đội. Panetta đại diện cho hạt bầu cử thứ 16 của California từ năm 1977 đến năm 1993. Năm đó, ông tham gia chính quyền Clinton với cương vị giám đốc Phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ. Một năm sau, ông được bổ nhiệm làm tham mưu trưởng của Tổng thống. Vị trí đầu tiên của Panette trong chính quyền Obama là giám đốc CIA. Ông làm ở đó hai năm cho tới khi được chọn thay thế Robert Gates làm bộ trưởng Quốc phòng. Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Panetta thông báo với giới chóp bu quân sự rằng chính sách “Không hỏi, Không nói” về xu hướng tình dục của một người đang được bãi bỏ. Ông phản đối cắt giảm thêm ngân sách Lầu Năm Góc vì cho rằng việc cắt giảm sẽ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh. Tháng 2/2013, ông tuyên bố phụ nữ không còn bị cấm tham chiến. Ngay sau cuộc bầu cử năm 2012, Panetta nói với Tổng thống mình sẽ về hưu. (3) Charles Timothy “Chuck” Hagel sinh năm 1946 đến từ Nebraska. Hagel, đảng viên Đảng Cộng hòa, là một cựu chiến binh Việt Nam được trao huy chương. Sau khi trở về Mỹ, ông lấy bằng cử nhân từ Đại học Nebraska ở Omaha năm 1971. Trong bốn năm sau đó, ông làm việc cho Nghị sĩ Quốc hội John Y. McCollister.  Ông là nhà vận động hành lang cho tới khi tham gia chiến dịch của Ronald Reagan năm 1980. Hagel giành được ghế ở Thượng nghị viện Mỹ năm 1996 và giữ cương vị này tới năm 2009. Việc đề cử ông có nhiều ý kiến bất đồng. Là thượng nghị sĩ, Hagel từng nói cuộc chiến ở Iraq tương tự với cuộc chiến ở Việt Nam. Khi lập trường và lòng yêu nước của ông bị công kích, ông phản bác lại rằng: “Chất vấn chính phủ của bạn không phải là không yêu nước – không chất vấn chính phủ mới là không yêu nước”, một biến thể của câu nói của Thomas Jefferson. Sau khi được bổ nhiệm, ông bị buộc tội bài Do Thái và sai trái khi phản đối cuộc chiến tranh Iraq. Tỷ lệ bỏ phiếu chính thức xác nhận chức vụ của ông là 58 phiếu thuận 41 phiếu chống.

Bộ trưởng Tư pháp: Eric Holder sinh năm 1951 đến từ Thủ đô Washington. Sinh ở Bronx, cha mẹ là người gốc Barbados, Holder lớn lên ở Elmhurst, Queens và học trường phổ thông trung học Stuyvesant, trường chuyên dành cho học sinh nam. Ông chơi bóng rổ ở trường trung học và trong đội sinh viên năm thứ nhất của Đại học Columbia, nơi ông nhận bằng cử nhân chuyên ngành lịch sử nước Mỹ. Năm 1976, ông tốt nghiệp ngành luật của Đại học Columbia. Từ năm 1976 đến năm 1988, Holder làm việc ở Phòng Liêm chính Công của Bộ Tư pháp nơi ông ở trong đội truy tố Nghị sĩ Quốc hội John Jenrette, người bị túm trong vụ tham nhũng Abscam. Năm 1988, Holder làm thẩm phán ở Tòa án Tối cao Đặc khu Columbia, do Ronald Reagan bổ nhiệm. Năm 1993, ông trở thành ủy viên công tố Đặc khu Columbia, do Bill Clinton bổ nhiệm. Holder được thăng chức lên phó tổng chưởng lý năm 1997 và phục vụ đến năm 2001. Ông bị chỉ trích vì không gây sức ép lên Clinton để đưa nhà buôn hàng hóa đang đào tẩu Marc Rich ra khỏi danh sách tha bổng của Tổng thống. Sau khi George W. Bush nhậm chức năm 2001, Holder ra làm cho Công ty Covington & Burling ở Thủ đô Washington, cho tới khi trở thành tổng chưởng lý Mỹ gốc Phi đầu tiên của đất nước. Nhiệm kỳ đầu tiên của Holder đầy những tranh cãi. Ông bị một số người ở cả bên hữu lẫn bên tả ghét. Nỗ lực của ông nhằm truy tố những người bị cho là khủng bố trong hệ thống dân sự bị chỉ trích kịch liệt nhất khi liên quan đến người nhận trách nhiệm lên kế hoạch các vụ tấn công 11/9 và vụ chặt đầu nhà báo Daniel Pearl. Vụ đó kết thúc bằng một phiên xét xử tại tòa án quân sự. Những người theo đường lối tự do đã hy vọng Holder sẽ buộc những người sử dụng biện pháp thẩm vấn tàn bạo như dìm đầu nạn nhân xuống nước, được sử dụng trong thời chính quyền Bush, phải chịu trách nhiệm. Thay vào đó, năm 2012, Holder đã không truy tố bất cứ ai trong vụ việc cái chết của hai tù nhân, một ở Afghanistan, một ở Iraq.

Sự chỉ trích Holder lớn nhất xảy ra sau “Chiến dịch Nhanh và Mạnh”. Đây là dự án của Cục Quản lý Rượu, Thuốc lá, Súng đạn và Chất nổ để hơn 2.000 vũ khí lọt vào Mexico một cách bất hợp pháp. Mục đích là để truy tìm dấu vết người mua những vũ khí đó. Một hậu quả không ngờ đến đã xảy ra khi một nhân viên bảo vệ biên giới Mỹ bị giết bằng một trong những khẩu súng đó. Khi tổng chưởng lý từ chối cung cấp tài liệu nhất định về Chiến dịch Nhanh và Mạnh, Holder trở thành thành viên nội các đương chức đầu tiên bị ra tòa vì tội xúc xiểm Quốc hội. Lệnh này không có ý nghĩa nhiều vì Bộ Tư pháp, nơi Holder điều hành, từ chối truy tố.

Những người theo đường lối tự do cảm thấy khó chịu vì Bộ Tư pháp không đưa ra cáo buộc chống lại lãnh đạo các thể chế tài chính vì những hành vi phi pháp. Họ đã thấy ví dụ vô cùng tồi tệ của việc đó trong trường hợp HSBC Anh bị phát hiện đã rửa tiền cho các trùm ma túy Mexico và cho phép Iran né các lệnh trừng phạt của Mỹ. Người ta tin rằng Holder sẽ ra đi sau nhiệm kỳ đầu tiên của Obama. Thay vào đó, ông ta vẫn ở lại, để giúp Phó Tổng thống Biden kiểm soát súng.

Bộ trưởng Nội vụ: (1) Ken Salazar sinh năm 1955, đến từ Colorado, giữ chức từ năm 2009 đến năm 2012. Là người Colorado thế hệ thứ năm có nguồn gốc Tây Ban Nha, Salazar lớn lên ở Manassa, một thị trấn nhỏ ở Colorado. Ông học trường tiểu học Công giáo ở Cincinnati trước khi trở về trường trung học Centauri ở La Jara, Colorado. Ông tốt nghiệp Đại học Colorado năm 1977 với tấm bằng cử nhân khoa học chính trị. Ông lấy bằng tiến sĩ luật từ trường luật của Đại học Michigan năm 1981.

Ông trở lại Colorado và hành nghề luật tư nhân. Năm 1986, Thống đốc Roy Romer – người của Đảng Dân chủ – chọn Salazar là cố vấn pháp lý trưởng của mình, sau này đưa ông vào nội các với cương vị giám đốc Sở Tài nguyên Colorado. Năm 1998, Salazar ra tranh cử chức tổng chưởng lý bang và trúng cử trong hai nhiệm kỳ. Sáu năm sau, ông đánh bại Pete Coors, chắt của Adolph Coors, nhà sáng lập Công ty Bia Coors, để giành chiếc ghế trong Thượng nghị viện. Salazar, thường đội mũ cao bồi, nhanh chóng dùng ảnh hưởng để trở thành bộ trưởng Nội vụ trong chính quyền Obama với mục đích sửa lại một số hoạt động của chính quyền Bush. Bộ Nội vụ rút lại việc bán 103.000 mẫu Anh cho thuê để khai thác dầu khí ở Utah, gần các vườn quốc gia, và Cục Kiểm lâm Mỹ lấy đi 67.000 mẫu Anh ở tây nam Colorado gần các khu vực hoang dã trước kia được mở để cho thuê khoan dầu khí.

Nhiệm kỳ của Salazar tại Bộ Nội vụ được đánh dấu bằng một vài cuộc đụng độ với ngành công nghiệp dầu khí. Salazar là quan chức hàng đầu của chính quyền Obama giải quyết vụ vỡ giếng dầu tại dự án thăm dò nước sâu Macondo của British Petroleum năm 2010 khiến 210 triệu ga lông dầu phun vào vịnh Mexico. Salazar tuyên bố ông sẽ “đứng trên cổ” ngành công nghiệp dầu khí cho tới khi giếng dầu được bịt kín và vịnh Mexico được làm sạch. Cùng năm đó, Salazar thực thi các cải cách đối với việc cho thuê đất công cho việc khoan dầu khí để quá trình này trở nên minh bạch hơn. Tuy nhiên, Salazar cũng ủng hộ việc khoan thăm dò của Royal Dutch Shell ở Bắc Băng Dương bất chấp phản đối của các nhóm môi trường và người bản địa Inupiat. (2) Sally Jewell sinh năm 1955 tại Anh. Jewell là tổng giám đốc REI, hãng bán lẻ trang thiết bị cho hoạt động ngoài trời, là nhà hoạt động môi trường. Gia đình bà chuyển tới bang Washington năm bà lên bốn tuổi. Bà có bằng kỹ sư cơ khí ở Đại học Washington. Bà có kinh nghiệm làm việc trong Mobil Oil và các ngân hàng Rainier, Security Pacific và Washington Mutual. Bà trở thành CEO của REI năm 2005.

Bộ trưởng Nông nghiệp: Thomas James “Tom”  Vilsack sinh năm 1950, đến từ Iowa. Tom Vilsack là đứa trẻ bị bỏ rơi ở Pittsburgh, Pennsylvania, được đưa vào một trại trẻ mồ côi Công giáo, và được vợ chồng nhà kinh doanh bảo hiểm, đại lý bất động sản nhận nuôi. Vilsack tốt nghiệp Đại học Hamilton ở phía bắc New York. Ông nhận bằng tiến sĩ luật từ trường Luật Albany. Ông chuyển tới Mount Pleasant, Iowa, để gia nhập công ty luật của bố vợ. Vilsack được bầu làm thị trưởng Mount Pleasant năm 1987 và tham gia Thượng nghị viện bang năm 1992. Sáu năm sau, ông được bầu làm thống đốc Iowa và giữ chức trong hai nhiệm kỳ. Do Iowa là bang nông nghiệp, nên vị thống đốc phải giải quyết các vấn đề như tăng lợi nhuận trang trại, cải tạo gia súc, và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế. Tờ New York Times đưa ông vào danh sách các ứng viên có thể làm đối tác tranh cử của John Kerry năm 2004. Khi rời văn phòng thống đốc, ông làm việc trong văn phòng ở Des Moines của một công ty luật Minneapolis.

Bộ trưởng Thương mại: (1) Gary F. Locke sinh năm 1950, đến từ bang Washington, giữ chức từ năm 2009 đến năm 2011. Sinh ở Seattle trong một gia đình người Trung Quốc thế hệ thứ hai, Locke là sinh viên xuất sắc tại trường Franklin của thành phố và giành Giải thưởng Hướng đạo sinh xuất sắc. Ông nhận bằng cử nhân khoa học chính trị từ Yale năm 1972, tiến sĩ luật ở Đại học Boston năm 1982 và trở thành thống đốc Mỹ gốc Trung Quốc đầu tiên của Mỹ vào năm 1996. Ông không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. Một nhà báo của tờ Seattle cho rằng quyết định đó của ông là kết quả của hàng trăm bức thư điện tử đe dọa gia đình ông sau phản ứng của ông đối với bài phát biểu hằng năm trước Quốc hội năm 2003. Locke tham gia một công ty luật làm việc với Trung Quốc. Với tất cả kinh nghiệm của mình, ông không phải là lựa chọn số một cho cương vị bộ trưởng Thương mại. Ông thậm chí còn không phải là lựa chọn số hai. Bill Richardson, lựa chọn số một, bị vướng vào một cuộc điều tra Liên bang trả-tiền-để-chơi. Câu hỏi là liệu những người quyên góp cho chiến dịch thống đốc của ông có được đối xử thiên vị trong các hợp đồng ở bang hay không. Người tiếp theo được chọn cho vị trí bộ trưởng Thương mại là Thượng nghị sĩ bang New Hampshire Judd Gregg, thành viên Đảng Cộng hòa. Ông nói “đồng ý”, rồi nhanh chóng nói “không” vì “những xung đột không thể giải quyết” với Obama, và Locke được nhận. Tháng 8/2011, Locke rời Bộ Thương mại để làm đại sứ Mỹ tại Trung Quốc. (2) John Bryson sinh năm 1943, đến từ New York. Bryson tốt nghiệp Đại học Stanford và học tiếp để lấy bằng của trường Luật Yale năm 1969. Ông giúp thành lập Hội đồng  Bảo vệ Tài nguyên thiên nhiên và từ năm 1979 đến năm 1982 là chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Công cộng California. Ông gia nhập Edison International (công ty mẹ của Nam California Edison) năm 1984 và là chủ tịch hội đồng quản trị, CEO công ty này cho tới khi nghỉ hưu năm 2008. Sau khi Locke rời Bộ Thương mại, Rebecca Blank sinh năm 1955, người bang Missouri làm bộ trưởng trong một thời gian ngắn cho tới khi Bryson tiếp quản vào tháng 10 /2011. Bryson tuyên bố từ chức tháng 6 sau đó, sau khi dính vào hai vụ tai nạn xe hơi. Bộ trưởng được tìm thấy bất tỉnh trong vụ tai nạn thứ hai. Có tin đồn rằng rượu là nguyên nhân của vụ tai nạn này. Tuy nhiên, phát ngôn Bộ Thương mại nói Bryson bị đột quỵ. Không có lời buộc tội gây-tai-nạn-rồi-bỏ-chạy nào được đưa ra. Hai tuần sau vụ tai nạn, Bryson từ nhiệm, và Blank một lần nữa lại làm bộ trưởng. (3) Penny Sue Pritzker sinh năm 1959, đến từ Illinois. Sinh ra trong một gia đình giàu có ở Chicago, chủ sở hữu chuỗi khách sạn Hyatt, Pritzker có bằng cử nhân kinh tế của Đại học Harvard và một bằng luật, là thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Stanford. Chủ tịch hội đồng quản trị và CEO của PSP Capital Partners và Pritzker Realty Group, tạp chí Forbes ước tính bà có tài sản giá trị 1,7 tỷ đô-la năm 2011, đưa bà trở thành người giàu thứ 263 ở Mỹ. Bà không phải là thành viên nội các giàu có nhất. Vinh dự đó thuộc về Andrew W. Mellon, Bộ trưởng Tài chính từ năm 1921 đến năm 1932. Tính theo giá đô-la năm 2013, ông có tài sản giá trị từ 41 đến 54 tỷ đô-la. Tuy Pritzker đóng góp chính trị cho cả hai đảng từ George W. Bush đến Hillary Clinton, song bà luôn là một người bạn ủng hộ Barack Obama kể từ những năm 1990. Bà gặp vị tổng thống tương lai khi anh trai của Michelle Obama, Craig, dạy các con trai bà chơi bóng rổ.

Pritzker được cân nhắc làm bộ trưởng Thương mại năm 2009 nhưng rút tên ra khỏi danh sách. Lúc đó, gia đình bà vướng vào một vụ tranh chấp tài sản khi hai người anh em họ kiện cha họ và những người họ hàng khác biển thủ hàng tỷ đô-la. Vụ kiện được giải quyết năm 2011. Pritzker bị điều tra về những tài khoản ở nước ngoài. Bà nói với tờ New York Times, “Tôi là người được hưởng một số tài khoản tín thác bên ngoài nước Mỹ được lập cách đây 50 năm (khi tôi còn nhỏ) và được một thể chế tài chính không có trụ sở ở Mỹ điều hành, như người được ủy thác. Tôi không kiểm soát việc những tài sản ủy thác đó được quản lý như thế nào.” Bà cũng bị chỉ trích vì việc can dự trước kia vào Ngân hàng Superior đã không còn tồn tại, ngân hàng này chuyên cung cấp các khoản vay mạo hiểm để đầu tư vào chứng khoán, góp phần gây ra sự sụp đổ tài chính những năm 2000. Phiên điều trần của bà trước Ủy ban Thương mại Thượng nghị viện được mô tả là “quý phái”, và nhiều người tin bà sẽ được Thượng nghị viện xác nhận chức vụ chính thức.

Bộ trưởng  Lao động: (1) Hilda L. Solis sinh năm 1957, đến từ California. Sinh ở Los Angeles, cha bà là người Mexico nhập cư và mẹ bà từ Nicaragua. Họ gặp nhau ở lớp học quốc tịch. Không ai trong gia đình Solis học đại học trước khi bà vào Đại học Bách khoa bang California. Bà tốt nghiệp trường này năm 1979 với tấm bằng khoa học chính trị. Năm 1981, Đại học Nam California trao cho bà bằng thạc sĩ quản trị công. Sự nghiệp đưa bà từ Thượng nghị viện California tới chiếc ghế trong Quốc hội Mỹ, bà giữ vị trí đó cho tới khi tiếp quản Bộ Lao động. Trên cương vị bộ trưởng, Solis đấu tranh cho việc thực thi các quy định nơi làm việc. Vì việc làm này, bà được các liên đoàn lao động ca ngợi. Bà dẫn đầu một cuộc trấn áp các trang trại sử dụng lao động trẻ em và lao động bị trả lương thấp. Bà đấu tranh chống lại tình trạng làm quá giờ và vi phạm mức lương tối thiểu. Solis bị chỉ trích vì không thân thiện với giới kinh doanh. (2) Thomas Perez sinh năm 1961, đến từ New York. Sinh ở Buffalo, New York trong một gia đình người nhập cư Dominica, ông học Đại học Brown để lấy bằng cử nhân quan hệ quốc tế và khoa học chính trị năm 1983. Ông nhận bằng luật từ Harvard và bằng thạc sĩ chính sách công từ trường Quản lý John F. Kennedy. Điều thú vị là, đảng viên Đảng Dân chủ này làm thư ký cho Edwin Meese, Bộ trưởng Tư pháp thời Reagan. Perez được bổ nhiệm cương vị trợ lý bộ trưởng Tư pháp phụ trách Vụ Quyền Dân sự năm 2009. Trong chính phủ, ông từng làm viên chức cao cấp trong Sở Lao động, Cấp phép và Điều hành bang Maryland, cố vấn của Thượng nghị sĩ Ted Kennedy  về quyền dân sự và giám đốc Vụ Quyền dân sự thời Bill Clinton. Một số thành viên Đảng Cộng hòa phản đối việc đề cử Perez vào chức bộ trưởng Lao động vì cho rằng ông quá quan tâm đến chính trị khi còn ở Bộ Tư pháp.

Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh: Kathleen Sebelius sinh năm 1948, đến từ Kansas. Sinh ở Cincinnati, Sibelius học trường Công giáo trước khi vào học Đại học Trinity Washington ở Thủ đô Washington. Bà có bằng thạc sĩ quản trị công từ Đại học Kansas. Sibelius xuất thân trong một một gia đình có truyền thống làm chính trị. Cha bà, John J. Gilligan, từng là thống đốc bang Ohio. Sibelius bắt đầu sự nghiệp chính trị ở Hạ nghị viện Kansas trước khi gây ngạc nhiên cho các nhà dự báo bằng cách giành được vị trí ủy viên bảo hiểm bang thông qua bầu cử, một điều mà không thành viên Đảng Dân chủ nào làm được trong mười năm. Sibelius trở thành thống đốc bang Iowa năm 2002 và được bầu lại với đa số phiếu áp đảo năm 2006. Bà không phải là lựa chọn đầu tiên của Obama cho cương vị này. Tuy nhiên, các vấn đề nổi lên với Tom Daschle, cựu thượng nghị sĩ được nhiều người của cả hai đảng ngưỡng mộ, và với bảng thuế thu nhập của ông đã khiến Obama thay đổi quyết định. Mặc dù bản thân Sebelius cương quyết ủng hộ quyền phá thai, nhưng bà phản đối quyết định của FDA cho phép bán thuốc tránh thai khẩn cấp, Plan B One-Step, cho tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Sebelius lập luận rằng chưa có nghiên cứu đầy đủ về tác dụng của thuốc đối với nữ giới dưới 16 tuổi. Bà thắng. Bà còn liên quan đến một vụ việc gây tranh cãi nữa. Bà giục giã rằng, theo chương trình Obamacare, các tổ chức từ thiện và đại học tôn giáo phải cung cấp phương tiện tránh thai cho nhân viên.

Bộ trưởng Gia cư và Phát triển Đô thị: Shaun L. S. Donovan sinh năm 1966, đến từ New York. Donovan sinh ở thành phố New York và học Đại học Harvard, nhận bằng cử nhân và bằng thạc sĩ quản trị công và kiến trúc. Trong chính quyền Clinton, ông làm phó trợ lý bộ trưởng Gia cư và Phát triển Đô thị phụ trách vấn đề gia cư và là ủy viên Cục Nhà ở Liên bang. Năm 2004, Donovan tham gia chính quyền Michael Bloomberg của thành phố New York trên cương vị ủy viên Cục Quản lý Nhà ở. Ông có trách nhiệm phân phối kinh phí của Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị theo Đạo luật Tái đầu tư và Phục hồi nước Mỹ. Ông cũng phụ trách điều phối các hoạt động khôi phục sau cơn bão Sandy năm 2012.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải: (1) Raymond L. LaHood sinh năm 1945, đến từ Illinois. Ông có nguồn gốc Mỹ-Ả Rập, mẹ ông là người Jordan và cha ông là người Liban, ông sinh ở Peoria và có bằng giáo dục từ Đại học Bradley Peoria. LaHood làm ở Hạ nghị viện Illinois từ năm 1995 cho tới khi nhận chức vụ bộ trưởng Giao thông Vận tải năm 2009. Sự thẳng thắn của ông đôi khi khiến ông gặp rắc rối. Sau khi Toyota phải thu hồi hơn hai triệu xe năm 2010, ông bảo những người sở hữu xe Toyota ngừng sử dụng xe. Ông nhanh chóng nói rằng ý ông là “những người  sở hữu bất cứ mẫu xe Toyota bị thu hồi nên liên lạc với người bán ở địa phương và mang xe đi sửa càng sớm càng tốt”. Ông nhận được sự ủng hộ từ những hành khách máy bay khi ủng hộ quyền hành khách – được cung cấp đồ ăn, nước uống và dịch vụ vệ sinh khi chuyến bay bị trì hoãn kéo dài. Một số người từng phải ngồi trong máy bay hàng giờ đồng hồ trong lúc nhà vệ sinh bị nghẽn còn đồ ăn thì hết sạch. Tháng 1/2013, LaHood gia nhập làn sóng ra khỏi nội các khi ông tuyên bố mình sẽ từ nhiệm. (2) Anthony R. Foxx sinh năm 1971, đến từ Bắc Carolina.  Được mẹ và ông bà nuôi dạy, Foxx là người Mỹ gốc Phi đầu tiên giành được chức chủ tịch Hội Sinh viên tại Đại học Davidson, nơi ông nhận bằng lịch sử năm 1993. Ông tốt nghiệp trường Luật của Đại học New York ba năm sau đó. Năm 2005, Foxx được bầu vào Hội đồng Thành phố Charlotte và vào năm 2009, ông trở thành thị trưởng trẻ nhất của Charlotte ở tuổi 38. Dưới sự lãnh đạo của ông, thành phố tổ chức Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ năm 2012 nơi Obama được đề cử lần thứ hai. Tuy Foxx không có kinh nghiệm trực tiếp trong lĩnh vực giao thông vận tải, song với tư cách thị trưởng, ông cho xây thêm một đường băng mới tại sân bay của thành phố, mở rộng một tuyến đường sắt nhẹ, cho tàu điện hoạt động trở lại, và cải tạo một cây cầu.

Bộ trưởng  Năng lượng:  (1) Steven Chu  sinh năm 1948, đến từ California, giữ chức từ năm 2009 đến năm 2012. Sinh ở St. Louis trong một gia đình Mỹ gốc Trung Quốc, Chu nhận bằng cử nhân từ Đại học Rochester. Ông nhận bằng tiến sĩ từ Đại học California-Berkeley năm 1976. Chu đoạt giải Nobel Vật lý và ủng hộ mạnh mẽ năng lượng thay thế. Ông đóng vai trò chủ chốt trong việc xử lý vụ tràn dầu BP ở vịnh Mexico. Ông gặp khó khăn khi quản lý số tiền 39 tỷ đô-la của Bộ Năng lượng nhận từ dự Luật Kích thích. Một số người cảm thấy ông hành động quá chậm, số khác cảm thấy quá nhanh. Khi Solyndra, nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời nhận tiền Liên bang, tuyên bố phá sản, Chu và chính quyền bị chỉ trích dữ dội mặc dù hầu hết các dự án dùng tiền Liên bang đang hoạt động tốt. (2) Ernest J. Moniz sinh năm 1944 đến từ Massachusetts. Moniz đang là giáo sư Học viện Công nghệ Massachusetts và giám đốc Sáng kiến Năng lượng MIT và Phòng Thí nghiệm Năng lượng & Môi trường khi Obama bổ nhiệm ông làm bộ trưởng Năng lượng. Việc bổ nhiệm ông được coi là dấu hiệu cho thấy Tổng thống sẽ tập trung vào biến đổi khí hậu trong nhiệm kỳ thứ hai. Moniz, người có bằng cử nhân vật lý từ Đại học Boston và bằng tiến sĩ vật lý từ Stanford, là thứ trưởng năng lượng dưới thời Clinton. Ông được Ủy ban Năng lượng Thượng nghị viện thông qua với tỷ lệ 20 phiếu ủng hộ và một phiếu chống.

Bộ trưởng Giáo dục: Arne Duncan sinh năm 1964, đến từ Chicago. Được sinh ở khu Hyde Park của Đại học Chicago; cha ông, Starkey Duncan, là giáo sư tâm lý học của Đại học Chicago. Duncan học trường Thực nghiệm Đại học Chicago, do nhà giáo dục huyền thoại John Dewey thành lập. Ông tốt nghiệp ngành xã hội học ở Harvard với tấm bằng loại giỏi. Ông là CEO các trường công ở Chicago từ năm 2001 đến năm 2009. Duncan thừa hưởng Đạo luật không một trẻ em nào bị bỏ rơi của chính quyền Bush, đạo luật yêu cầu tất cả học sinh vượt qua các bài kiểm tra toán và đọc vào năm 2014. Năm 2011, ông nói 82% các trường sẽ không đạt được mục tiêu đó. Ông mô tả điều luật này là một vụ “đâm tàu quay chậm” và kêu gọi sửa đổi luật này. Các bang sẽ được miễn áp dụng một số điều khoản trong Đạo luật không một trẻ em nào bị bỏ rơi nếu họ có những thay đổi nhất định đối với luật giáo dục của mình bao gồm áp dụng các tiêu chuẩn giúp học sinh chuẩn bị tốt hơn cho việc học đại học và sự nghiệp sau này. Để khuyến khích thêm, ông khởi động Cuộc đua lên đỉnh. Các bang thắng cuộc sẽ được tài trợ 4 tỷ đô-la. Thị trường cho sinh viên vay tiền Liên bang được thay đổi, loại các ngân hàng thương mại ra, dẫn đến tiết kiệm được hàng tỷ đô-la.

Bộ trưởng Cựu chiến binh: Eric Ken Shinseki sinh năm 1942. Sinh ở Hawaii khi nó vẫn còn là một vùng lãnh thổ của Mỹ, Shinseki là người Mỹ gốc Nhật. Ông theo học Học viện Quân sự Hoa Kỳ để nhận bằng cử nhân khoa học và lên hàm thiếu úy năm 1965. Ông nhận bằng thạc sĩ văn học Anh từ Đại học Duke. Shinseki tham gia chiến đấu ở Việt Nam và mất một phần bàn chân do giẫm phải mìn. Trong sự nghiệp trở thành tướng bốn sao, ông giữ rất nhiều chức vụ trong ban chỉ huy, trong đó có lực lượng ổn định NATO ở châu Âu. Trong khi phục vụ trong Hội đồng Tham mưu trưởng, Shinseki đối đầu với Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld khi cho rằng lúc chiến tranh quân sự kết thúc, sẽ cần “khoảng vài trăm ngàn lính” để giữ gìn trật tự ở Iraq. Rumsfeld thì cho rằng chỉ cần con số ít hơn thế nhiều, và Shinseki thắng. Khi các sự kiện xảy ra, rõ ràng Rumsfeld sai. Khi Shinseki nghỉ hưu năm 2003 sau 38 năm trong quân đội, George Bush và Donald Rumsfeld không tham dự buổi lễ. Sau khi rời quân đội, Shinseki làm giám đốc các công ty như Honeywell và Ngân hàng First Hawaiian.

Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi sinh: (1) Lisa Perez Jackson sinh năm 1962, đến từ New Jersey, giữ chức từ năm 2009 đến năm 2012. Sinh ở Philadelphia, Jackson được cha mẹ nuôi đưa tới New Orleans sống thời thơ ấu của mình. Bà nhận bằng cử nhân từ trường Kỹ thuật Hóa học của Đại học Tulane và bằng thạc sĩ kỹ thuật hóa học từ Princeton.  Bà gia nhập Cơ quan Bảo vệ Môi sinh giữa những năm 1980 và, trong 16 năm, bà làm cán bộ môi trường giám sát việc làm sạch chất độc hại. Năm 2002, bà chuyển tới Cơ quan Bảo vệ Môi sinh New Jersey và trở thành người đứng đầu vụ này năm 2006. Jackson là người Mỹ gốc Phi đầu tiên đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Liên bang.

Thời gian bà làm ở Cơ quan Bảo vệ Môi sinh đầy chông gai. Lời kêu gọi của bà áp dụng các tiêu chuẩn thải ozone chặt chẽ hơn vấp phải phản đối từ các cố vấn của Obama. Tổng thống nói rằng tuân thủ các tiêu chuẩn đó sẽ gây tốn kém cho các bang và chính quyền địa phương trong thời suy thoái. Các quy định bà đưa ra nhằm kiểm soát việc phát thải của các nhà máy xi măng và lò hơi công nghiệp xuống nước phải bị trì hoãn. Bà bị chỉ trích vì cho phép sử dụng chất phân tán gây tranh cãi trong vụ tràn dầu BP. Sau khi những người Cộng hòa giành được Hạ nghị viện trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, bà rơi vào tâm điểm chú ý của họ. Bà thậm chí còn bị buộc tội phát động “thánh chiến quản lý”. Tuy nhiên, bà cũng đạt được một số thành tựu nổi bật, quan trọng nhất là các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu mới yêu cầu phương tiện phải đi được 54,5 dặm với 1 gallon vào năm 2025. Có một số chuyên gia tin rằng điều này sẽ gần như giải quyết được sự phụ thuộc của nước Mỹ vào dầu nước ngoài. Jackson tuyên bố từ nhiệm. Theo tờ The New York Post, bà quyết định từ nhiệm vì phản đối đường ống dẫn dầu Keystone chạy từ Canada tới vịnh Mexico. Bà nghĩ chính phủ sẽ ủng hộ dự án này, và bà không muốn thấy nó trên bảng thành tích của mình. (2) Gina McCarthy sinh năn 1954, đến từ Massachusetts. McCarthy làm về các vấn đề môi trường và y tế trong 25 năm ở Massachusetts. (Bà là cố vấn cho Mitt Romney.) Sau năm năm làm ủy viên Cơ quan Bảo vệ Môi sinh của bang Connecticut, bà được bổ nhiệm trợ lý cục trưởng Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Liên bang.

Bộ trưởng An ninh Nội địa: Janet A. Napolitano sinh năm 1957, đến từ Arizona. Napolitano sinh ở thành phố New York. Ban đầu gia đình bà chuyển tới Pittsburg rồi Albuquerque, nơi cha bà, Leonard Michael Napolitano, là hiệu trưởng trường Y của Đại học New Mexico. Sau khi tốt nghiệp Đại học Santa Clara, Napolitano nhận bằng luật từ Đại học Virginia. Công việc thư ký cho Mary M. Schroeder, Thẩm phán Tòa Phúc thẩm Lưu động số 9, dẫn bà đến công việc tại công ty cũ của vị thẩm phán ở Phoenix. Napolitano được toàn quốc chú ý trên cương vị luật sư của Anita Hill trong phiên điều trần của Tòa án Tối cao xác nhận chức vụ chính thức đối với Clarence Thomas năm 1991. Từ năm 1993 đến năm 1998, bà được Bill Clinton bổ nhiệm làm công tố viên quận Arizona. Trong nhiệm kỳ của mình, bà xử lý nhiều vụ nhập cư bất hợp pháp. Năm 1998, Napolitano được bầu làm tổng chưởng lý của bang Arizona. Tiếp theo là hai nhiệm kỳ thống đốc bang Arizona. Bà được ca ngợi vì đã biến một khoản thâm hụt một tỷ đô-la thành 1 khoản thặng dư 300 triệu đô- la. Napolitano bị chỉ trích dữ dội vì nói rằng một vụ đánh bom máy bay tiềm tàng chứng tỏ rằng an ninh sân bay đang hoạt động. Tuy nhiên, con số trục xuất người nhập cư trái phép kỷ lục thời bà làm bộ trưởng An ninh Nội địa là nguyên nhân khiến bà bị chỉ trích nhiều hơn.

HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH QUYỀN: 1/2009

Nhiệm kỳ đầu tiên của Barack Obama bắt đầu với hy vọng tràn trề và nỗ lực thỏa hiệp với những người Cộng hòa. Nhiều người trong đảng của ông cảm thấy ông phung phí cơ hội để kế hoạch chính trị của mình được thông qua. Thực tế cho thấy, trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, những người Cộng hòa giành được Hạ nghị viện, điều này khiến một người Cộng hòa Thượng nghị viện cấp cao hàng đầu nói: “Điều quan trọng nhất chúng ta muốn đạt được là Tổng thống Obama là tổng thống một nhiệm  kỳ”. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Obama, có một con số chưa từng có tiền lệ là các bài phát biểu dài lê thê ở Quốc hội nhằm trì hoãn việc bỏ phiếu, với hai năm cuối nhiệm kỳ đến Quốc hội thứ 112 gần như không làm gì. Tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với Quốc hội tụt xuống 10%, còn thấp hơn cả tỷ lệ của BP khi xảy ra vụ tràn dầu ở vịnh Mexico. Tuy nhiên, đi cùng với thất vọng và thất bại cũng có một số thành tựu nổi bật.

Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá cả phải  chăng: Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người Mỹ thông qua chính phủ Liên bang có từ năm 1854 khi nhà hoạt động sức khỏe tinh thần Dorothea Dix có một dự luật xây dựng bệnh viện cho người tâm thần nghèo khổ, người mù, điếc và câm được thông qua ở Quốc hội. Tuy nhiên, Tổng thống Franklin Pierce phủ quyết dự luật này. Franklin Roosevelt muốn đưa các chương trình chăm sóc sức khỏe do chính phủ tài trợ vào An sinh xã hội, nhưng bị hoãn lại sau khi gặp phải sự phản đối quyết liệt từ Hiệp hội Y tế Mỹ. Trong bài phát biểu hàng năm trước Quốc hội năm 1974, Richard Nixon ủng hộ mạnh mẽ Kế hoạch Bảo hiểm y tế toàn diện (CHIP) bất chấp sự phản đối từ nội các. “Các anh làm cho xong cái này đi”, ông bảo họ. Họ không làm, một phần vì người ủng hộ hệ thống một-bên-chi-trả Thượng nghị sĩ Ted Kennedy không còn ủng hộ, và vụ Watergate chấm dứt nhiệm kỳ của Nixon.

Một báo cáo năm 2000 của Tổ chức Y tế Thế giới xếp Mỹ ở vị trí 37 trong bảng xếp hạng toàn cầu các hệ thống y tế – sau Maroc và Dominica. Obama đã đưa cải cách y tế thành một trong những ưu tiên trong chiến dịch của mình. Một ban Thượng nghị viện gồm ba người Dân chủ và ba người Cộng hòa được triệu tập và tổ chức hơn 60 giờ họp công. Cuối cùng, Đạo luật Chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng được Hạ nghị viện thông qua ngày 7/11/2009, còn Thượng nghị viện thông qua sau đó ít ngày. Nhiều điều khoản của đạo luật không được thi hành cho tới năm 2014. Hai điều khoản có hiệu lực là cho phép các công ty bảo hiểm từ chối bất cứ ai có bệnh tật từ trước. Những người gièm pha cho rằng đạo luật này không hợp hiến, nhất là điều khoản nghĩa vụ cá nhân quy định người không có bảo hiểm phải mua bảo hiểm nếu không sẽ phải chịu án phạt. Đó là gợi ý của Đảng Cộng hòa trong lúc Clinton đang nỗ lực tiến hành cải cách. Vấn đề này kết thúc trước Tòa án Tối cao, tòa ủng hộ hầu hết các điều khoản của đạo luật. Tỷ lệ bỏ phiếu là 5-4 với Chánh án theo đường lối bảo thủ John Roberts về phe với những người theo chủ nghĩa tự do. Ông lý giải nghĩa vụ cá nhân là một loại thuế chứ không phải một án phạt.

Đạo luật Tái đầu tư và Phục hồi nước Mỹ năm 2009: Còn được biết đến với tên gọi Đạo luật Kích thích hay Khôi phục, đạo luật này gần như đã hoàn thành khi Obama nhậm chức. Ông ký nó vào ngày 17/2/2009. Đó là một dự luật có nhiều tác động với mục đích đưa nền kinh tế phát triển trở lại. Đạo luật khởi đầu với 787 tỷ đô-la và tăng lên 831 tỷ đô-la từ năm 2009 đến năm 2010. Số tiền này được dành cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng (29 tỷ đô-la cho hiện đại hóa đường sá và cầu), giáo dục và phát triển thơ ấu (trong đó có 40,6 tỷ đô-la cho các quận trường địa phương nhằm giữ việc làm cho giáo viên), đổi mới năng lượng (giảm thuế khi mua lò sưởi, cửa sổ tiết kiệm năng lượng, v.v.. và 30 tỷ đô-la cho lưới điện thông minh và các biện pháp khác để tăng hiệu suất năng lượng), khoa học và nghiên cứu (8,5 tỷ đô-la cho các viện y tế quốc gia để nghiên cứu các căn bệnh Alzheimer, Parkinson, ung thư và các bệnh khác), giảm thuế cho cá nhân và doanh nghiệp, mở rộng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ cho các cựu binh bị tàn phế và người cao tuổi.

Liệu gói kích thích có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc bạn nói chuyện với ai. Một số người bảo thủ cho rằng chẳng có việc làm nào được tạo ra. Những người khác cho rằng vấn đề không chỉ là về việc làm mới, mà cảnh sát, lính cứu hỏa và giáo viên giữ được việc làm cũ của họ. Năm 2012, Đại học Chicago tiến hành một cuộc khảo sát với các nhà kinh tế hàng đầu. Họ nhất trí một cách áp đảo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào tình thế tồi tệ nhất nếu không có Đạo luật Kích thích. Tất nhiên có những người gièm pha. Khi công ty năng lượng Solyndra phá sản sau khi nhận tiền từ gói kích thích, những người bảo thủ nói rằng điều này cho thấy đạo luật là một sự thất bại. Ở phía bên kia của cuộc tranh luận, các nhà kinh tế theo trường phái Keynes cho rằng không có đủ tiền rót vào gói kích thích.

Cứu trợ ô tô: Ngành công nghiệp ô tô Mỹ gặp rắc rối nghiêm trọng trước khi Obama lên nắm quyền. Sau khi ném cả đống tiền vào những chiếc xe SUV và xe bán tải ngốn xăng, ngành công nghiệp ô tô Mỹ không có những chiếc xe tiết kiệm nhiên liệu mà khách hàng muốn khi cuộc khủng hoảng năng lượng 2003-2008 nổ ra. Bộ ba ông lớn tới Washington tìm kiếm hỗ trợ vì thị trường tiền tệ không có khả năng giúp đỡ. Các công ty xe hơi này bày tỏ rằng nếu họ không được nhận tiền cứu trợ, họ buộc phải đóng cửa. Chính quyền George Bush ước tính 1 triệu việc làm trong ngành ô tô sẽ bị mất. Người ta cho rằng điều này sẽ là một tổn thất quá nặng nề đối với nền kinh tế vốn đang quay cuồng. Cuối năm 2008, Bush né tránh sự phản đối của Quốc hội và rút 13,4 tỷ đô-la từ TARP (Chương trình mua lại tài sản có mức độ rủi ro cao để cứu các thể chế tài chính) để giúp GM và Chrysler. (Ban đầu Ford cũng yêu cầu cứu trợ 34 tỷ đô-la, nhưng sau đó họ đã dựa vào khoản tín dụng 23,5 tỷ đô-la năm 2006.) Trách nhiệm của Obama là cho vay phần còn lại của khoản 64 tỷ đô-la, với một khoản 18,7 tỷ đô-la nữa dành cho các chi nhánh cho vay của các nhà sản xuất ô tô này.

Gói cứu trợ không được lòng dân. Một cuộc thăm dò dư luận năm 2009 cho thấy tỷ lệ phản đối là 59%.

Thay vì cho các công ty này vay trực tiếp và họ sẽ phải trả lãi suất (Phó Chủ tịch GM ước tính số tiền phải trả hằng năm là 6 tỷ đô-la), chính phủ mua cổ phần với dự đoán là cổ phần sẽ được mua lại muộn nhất vào năm 2017. Đến năm 2012, phần lớn số tiền đã được trả. GM và Chrysler đã có tiền và bắt đầu tuyển người.

Cải cách Phố Wall: Dự luật cải cách Dodd-Frank là một nỗ lực đại tu ngành tài chính sau cuộc Đại Suy thoái. Bộ luật quy định lớn nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái, dự luật dài 2.300 trang giải quyết các vấn đề như ngân hàng và các thể chế tài chính khác phải duy trì bao nhiêu vốn, sử dụng tiền của khách hàng cho hoạt động kinh doanh của họ, và buộc phải tạo ra “di chúc sống” để tránh các vụ phá sản ngân hàng gây hỗn loạn. Dự luật cũng lập ra Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng để bảo vệ người vay khỏi các vụ thế chấp tồi tệ và các công ty cho vay. Dodd-Frank thường bị coi là yếu ớt và dễ luồn lách.

Không hỏi, Không nói: Năm 1950, Tổng thống Harry Truman ký Bộ luật Thống nhất về công lý quân đội cấm người đồng tính phục vụ trong quân đội. Lệnh này có hiệu lực tới tận năm 1993 khi Bill Clinton thực hiện chính sách Không hỏi, Không nói. Chính sách này hướng dẫn quân đội không biến giới tính của một người thành vấn đề chừng nào người đó chưa công khai nó. Mặc dù chính sách này tốt hơn lệnh cấm triệt để, nhưng các nhà hoạt động vì quyền của người đồng tính gọi đó là phân biệt đối xử. Trong một cuộc tranh luận ở chiến dịch tranh cử năm 2007, Obama, cùng với Hillary Rodham Clinton và John Kerry, hứa sẽ chấm dứt chính sách Không hỏi, Không nói. Khi Obama tuyên thệ nhậm chức, các nhà vận động vì quyền của người đồng tính kỳ vọng có hành động mau lẹ đã bị thất vọng. Cuối cùng, vào tháng 12/2010, Obama ký lệnh hủy chính sách Không hỏi, Không nói.

Môi trường: Mặc dù một số người ủng hộ Obama thất vọng với các chính sách môi trường của ông, nhưng Cơ quan Bảo vệ Môi sinh đặt ra các giới hạn nghiêm ngặt hơn đối với các nhà máy điện thải ra thủy ngân và các chất gây ô nhiễm độc hại; bảo vệ thiên nhiên hoang dã và các lưu vực sông nhiều hơn; và đổ tiền vào năng lượng tái tạo.

Phản ứng của chính phủ bị chỉ trích khắp nơi trước vụ vỡ giếng dầu nước sâu BP khiến 11 người chết, phun 7 triệu gallon dầu thô trong một tháng ra vịnh Mexico. Cuối cùng, chính phủ bắt công ty dầu này nộp phạt 4,5 tỷ đô-la.

Chính sách đối ngoại: Obama có một kế hoạch đầy tham vọng cho chính sách đối ngoại của mình khi ông nhậm chức. Ông nâng cao vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế. Làm việc với Nga để giảm vũ khí hạt nhân. Xây dựng một mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc. Chấm dứt các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Và làm trung gian hòa bình ở Trung Đông. Từ đầu nhiệm kỳ bộ trưởng Ngoại giao, Hillary Clinton cố gắng cải thiện hình ảnh nước Mỹ trên toàn cầu. Trong nhiệm kỳ của mình, bà lập kỷ lục về số nước viếng thăm và tận dụng quan hệ với các lãnh đạo nước ngoài mà bà dày công gây dựng trên cương vị đệ nhất phu nhân. Về các điểm nóng cụ thể, Obama quyết định để cho đồng minh đặt chân lên Lybia trong khi đề nghị hỗ trợ trên không ở một vùng cấm bay.

Hiệp ước START (Giảm vũ khí chiến lược) được Mỹ và Nga ký vào tháng 4/2007. Theo các điều khoản của hiệp ước, giới hạn được đặt ra cho các tên lửa và máy bay ném bom được triển khai, đầu đạn và hệ thống phóng. Đây là hiệp ước cuối cùng trong một loạt các hiệp ước được triển khai từ thời chính quyền Ronald Reagan.

Trung Quốc tỏ ra là một con dốc trơn trượt là điều có thể dự đoán được. Mặc dù muốn cải thiện thương mại với đất nước lớn mạnh này, nhưng Obama vẫn phải giải quyết các vi phạm quyền dân sự và thương mại. Ông khởi động Đối thoại chiến lược và kinh tế Trung-Mỹ – tương tự như George W. Bush đã áp dụng – với Trung Quốc để mang các vấn đề song phương, khu vực và các vấn đề ngắn hạn và dài hạn toàn cầu lên bàn đàm phán. Tuy không buộc tội Trung Quốc thao túng đồng tiền của mình, song Obama nói rõ Washington không hài lòng với các chính sách tiền tệ của nước này.

Về Iraq, Obama giữ lời hứa lúc ra tranh cử của mình. Những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Iraq ngày 18/12/2011. Afghanistan là một câu chuyện khác. Theo lời khuyên của tướng David Petraeus, chỉ huy các lực lượng Mỹ ở đó, thay vì rút quân, Mỹ tiến hành một đợt tăng quân, triển khai thêm 33.000 lính vào cuối năm 2009. Tháng 9/2012, đợt chi viện quân chấm dứt, và 33.000 lính đó được rút ra. Tháng 11/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta tuyên bố Mỹ sẽ rút hết lực lượng chiến đấu vào năm 2014 và 68.000 lính còn lại sẽ được rút ra dần dần. Không rõ lúc đó có bao nhiêu lực lượng và chuyên gia huấn luyện Chiến dịch Đặc biệt ở lại để giúp đỡ quân đội và cảnh sát Afghanistan.

Hòa bình ở Trung Đông? Không có nhiều tin tốt để báo cáo. Israel vẫn ngoan cố chống lại người Palestine bằng cách cho phép xây dựng nhiều hơn các khu định cư Do Thái. Người Palestine bắn tên lửa vào Israel. Israel đánh tiếng về việc đơn phương tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran. Làm tình hình Trung Đông trở nên vô cùng phức tạp, nội chiến ở Syria nổ ra vào tháng 3/2011 với quân nổi dậy đòi hỏi lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, gia đình ông đã cai trị đất nước 40 năm. Tháng 12/2012, Obama công nhận liên minh các lực lượng đối lập nhưng việc đó không bao gồm vũ trang cho quân nổi dậy, các cuộc không kích và các vùng cấm bay. Đáng buồn thay, đến tháng 1/2013 đã có 60.000 người chết, theo Liên Hợp Quốc, ước tính một nửa số đó là dân thường.

Một điểm sáng của Obama trên trường quốc tế vào ngày 2/5/2011. Sau khi Tổng thống đồng ý, một đội Navy Seals đột kích vào nơi ở của Osama bin Laden ở Pakistan, giết chết thủ lĩnh của al-Qaeda. Sau đám tang theo nghi thức Hồi giáo, thi thể Osama bin Laden được thả trên biển. Cuộc truy tìm người đứng sau vụ tấn công ngày 11/9 đã chấm dứt.

Giáo dục: Obama tăng gấp đôi ngân sách trợ cấp Pell Grants và lập ra một khoản giảm thuế đại học. Ông bắt đầu cắt gọt các điều khoản của Đạo luật không một trẻ em nào bị bỏ rơi vốn làm cho các bang và các nhà giáo dục lo lắng nhất. Điều quan trọng hơn là Obama chấm dứt việc các ngân hàng trung gian cung cấp các khoản vay sinh viên Liên bang. Việc này tiết kiệm hàng tỷ đô-la mỗi năm từ tiền phí người cho vay.

Trả lương bình đẳng cho phụ nữ: Đạo luật đầu tiên Obama ký là Đạo luật Trả lương bình đẳng Lilly Ledbetter năm 2009. Phụ nữ vốn bị trả thấp hơn nam giới cho cùng một công việc nay có quyền kiện chủ sử dụng lao động kể cả sự phân biệt đối xử đó diễn ra từ nhiều năm trước.

BỔ NHIỆM THẨM PHÁN TÒA ÁN TỐI CAO:

(1)    Sonia Maria Sotomayor sinh năm 1954, đến từ New York, làm thẩm phán Tòa Phúc thẩm Mỹ Lưu động số 2 (1998-2009). Bà kế vị Thẩm phán David Souter khi ông về hưu.

(2)    Elena Kagan sinh năm 1960, đến từ New York, làm Tổng biện lý sự vụ Mỹ (2009-2010). Bà kế vị Thẩm phán John Paul Stevens.

CA NGỢI:

“Câu hỏi chúng ta phải hỏi là ai đã làm nhiều nhất trong năm vừa qua để tăng cường hòa bình trên thế giới. Và ai đã làm nhiều hơn Barack Obama?” – Thorbjorn Jagland, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Nobel Hòa bình, 2009

Tôi ngưỡng mộ sự dũng cảm của Tổng thống – Rudolph W. Giuliani, cựu Thị trưởng New York

Tổng thống đã giữ từng lời mình hứa. Tôi nghĩ ông đã làm rất tốt.” – Chris Christie, Thống đốc bang New Jersey nói về phản ứng của Obama trước cơn bão Sandy.

CHỈ TRÍCH:

“Obama ghét phải thuyết phục. Ông nghĩ mọi người nên chấp nhận điều đúng mà làm.” – Maureen Dowd (The New York Times, 2013)

Tổng thống là lãnh đạo của quốc gia. Tổng thống đưa mọi người lại với nhau, ký kết thỏa thuận, giao dịch thương mại, gõ đầu một số người; tổng thống lãnh đạo. Và tôi không thấy kiểu lãnh đạo đó diễn ra ngay lúc này.” – Mitt Romney, 2013

“… kể cả những người trung thành với ông Obama  cũng nói rằng cuộc tìm kiếm sự xuất sắc của ông có thể biến thành ngạo mạn và rằng ông có xu hướng đánh giá quá cao năng lực của mình. Bản chất được bảo bọc của Nhà Trắng làm cho những xu hướng này gia tăng.” – Matthew Dowd, cựu cố vấn của George W. Bush.

TÁC PHẨM CỦA OBAMA:

Dreams from My Father (Những giấc mơ từ cha tôi), New York: Times Books, 1995. (Tái phát hành New York: Three Rivers Press, 2004 và New York: Crown Publishers, 2007).

The Audacity of Hope: Thoughts on Reclaiming the American Dream (Hy vọng táo bạo: Suy nghĩ về việc tìm lại giấc mơ Mỹ), New York: Crown Publishers, 2006.

Change We  Can Belive  In: Barack  Obama’s  Plan to Renew American’s Promise (Thay đổi chúng ta có thể tin: Kế hoạch của Barack Obama  tiếp tục lời hứa của nước Mỹ) (viết cùng với đội chiến dịch của ông), New York: Random House, 2008.

TÁC PHẨM VỀ OBAMA:

Các chủ bút của tạp chí Life. The American Dream Journey of Barack Obama (Hành trình nước  Mỹ của Barack  Obama), New York: Little Brown and Company, 2008.

Grimes, Nikki và Collier, Bryan (người vẽ minh họa). Barack Obama: Son of Promise (Barack Obama: Đứa con của lời hứa), New York: Simon & Schuster, 2008.

Edwards, Roberta và Call, Ken. Barack Obama: An American Story (Barack Obama: Một câu chuyện nước Mỹ), New York: Penguin Group, 2009.

Winter, Jonah và Ford, AG (người vẽ minh họa). Barack, New York: HarperCollins, 2008.

Souza, Pete. The Rise of Barack Obama (Sự trỗi dậy của Barack Obama), Chicago: Triumph Books, 2008.

Washington  Post. Tạp chí ảnh: The Inauguration of Barack Obama (Lễ nhậm chức của Barack Obama),  Chicago: Triumph Books, 2009.

Krut, Avery. Barack Obama Presidential Vault (Hầm tổng thống Barack Obama), Atlanta: Whitman Publishing, 2009.

Freddoso, David. The Case Against  Barack  Obama (Lập luận chống lại Barack Obama), Washington  D.C.: Regnery Publishing, 2008.

Thomas, Garen. Yes We  Can: A Biography of President Barack Obama (Vâng chúng ta có thể: Tiểu sử Tổng thống Barack Obama) New York: Macmillan, 2008.

Dougherty, Steve. Hopes and Dreams: The Story of Barack Obama (Hy vọng và giấc mơ: Câu chuyện về Barack Obama)  (chỉnh sửa và cập nhật), New York: Black Dog & Leventhal Publishers, 2008.

Bài viết trích từ cuốn “45 đời Tổng thống Hoa Kỳ” do Omega+ dịch và xuất bản. Trong ấn bản mới nhất của cuốn sách, tác giả William A. Degregorio đã bổ sung nội dung về Tổng thống Donald Trump ở chương 45 và cập nhật thêm các số liệu mới ở phần mục lục giúp độc giả có cái nhìn toàn diện và chuyên sâu hơn bất kỳ tài liệu đơn lẻ nào khác về các tổng thống của Hoa Kỳ, từ George Washington đến người chiến thắng trong chiến dịch bầu cử năm 2016. Qua đó, tác phẩm cho người đọc thấy bối cảnh rộng hơn của lịch sử nước Mỹ qua từng thời kỳ.