Không dễ hóa giải sự thống trị của Trung Quốc ở Campuchia?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Heimkhemra Suy, “No simple solution to China’s dominance in Cambodia”, East Asia Forum, 26/12/2020.

Người dịch: Trần Hùng

Quan hệ Campuchia – Trung Quốc bắt nguồn từ thế kỷ 13 khi một sứ giả Trung Quốc đến thăm Angkor Wat, nhưng chỉ trong thập niên qua mối quan hệ này mới được củng cố một cách mạnh mẽ. Cuộc “hôn nhân vị lợi” này giữa Trung Quốc và Campuchia mang lại cả cơ hội lẫn thách thức cho Campuchia.

Campuchia đã thu hút 3,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2019, trong đó 43% đến từ Trung Quốc. Năm đó, thương mại song phương giữa hai nước đạt 9 tỷ USD. Trung Quốc đã tài trợ cho khoảng 70% các dự án xây đường và cầu rất cần thiết đối với Campuchia – và tới năm 2017, Campuchia đã nhận 4,2 tỷ đô la Mỹ từ các khoản viện trợ và cho vay của Trung Quốc. Trung Quốc cũng hứa sẽ cung cấp viện trợ 4 tỷ RMB (588 triệu USD) cho Campuchia trong giai đoạn 2019–2021.

Các nhà đầu tư Trung Quốc là nền tảng cho ngành công nghiệp may mặc của Campuchia, vốn chiếm 15% GDP năm 2019 thông qua thu nhập từ xuất khẩu và tạo ra 750.000 việc làm. Ngoài ra, trong chính sách ngoại giao Covid-19, Trung Quốc đã hỗ trợ Campuchia bằng cách tặng vật tư y tế, đi kèm với đó là việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mô tả quan hệ Trung Quốc – Campuchia là ‘không thể phá vỡ’.

Các lựa chọn trong việc can dự với nước ngoài của Campuchia bị hạn chế bởi quyền lực mềm và quyền lực cứng hạn chế, cũng như nhu cầu cấp bách của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) trong việc thu hút sự ủng hộ chính trị quốc tế. Campuchia tìm kiếm sự hậu thuẫn chính trị từ Trung Quốc một phần để đối trọng lại Thái Lan và Việt Nam. Trong khi đó, sự ủng hộ từ Trung Quốc ngày càng quan trọng đối với Đảng CPP cầm quyền trong bối cảnh phương Tây ngày càng chỉ trích Đảng này.

Phụ thuộc vào Trung Quốc đang đặt ra những thách thức ngoại giao cho Campuchia. Ví dụ, vào năm 2009, theo yêu cầu của Trung Quốc, Campuchia đã trục xuất 20 người Duy Ngô Nhĩ xin tị nạn sang Trung Quốc bất chấp sự phản đối kịch liệt của quốc tế. Năm 2012, Campuchia đã ngăn ASEAN ra thông cáo chung về hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Những động thái này đã gây áp lực lên quan hệ của Campuchia với các nước thành viên ASEAN và làm tổn hại uy tín ngoại giao của Campuchia. Gần đây, một nhà ngoại giao Singapore thậm chí còn kêu gọi ASEAN thu hồi tư cách thành viên của Campuchia.

Sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc có thể đẩy Campuchia vào vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh, làm thay đổi động lực an ninh quốc gia Campuchia. Tờ Wall Street Journal đưa tin một thỏa thuận bí mật được cho là cho phép Trung Quốc đóng quân tại Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia, điều có khả năng đặt Campuchia vào một mối quan hệ không thoải mái với các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam.

Trong khi đó, việc phụ thuộc quá mức vào nguồn vốn Trung Quốc đồng nghĩa với việc Campuchia phải chịu rủi ro tập trung cũng như nguy cơ mắc bẫy nợ. Đến năm 2018, nợ công nước ngoài của Campuchia đã lên tới 7 tỷ đô la Mỹ, trong đó một nửa là nợ Trung Quốc. Khoản nợ này có thể cho phép Bắc Kinh gây áp lực buộc Campuchia phải cho thuê các cơ sở chiến lược, chẳng hạn như cảng nước sâu Sihanoukville. Vị trí này là một “viên ngọc trai” quý giá trong “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc, nằm ở trung tâm lục địa Đông Nam Á. Nó tạo cơ sở cho Trung Quốc triển khai sức mạnh biển trong khu vực Vịnh Thái Lan và eo biển Malacca nhằm đối trọng với Hoa Kỳ và các nước khác.

Campuchia cung cấp thực phẩm, dầu thô và các tài nguyên khoáng sản khác cho Trung Quốc. Và trong khi các công ty Trung Quốc ở Campuchia tạo ra một số việc làm, sự tương tác hạn chế với các công ty trong nước có nghĩa là có rất ít cơ hội phát triển kỹ năng cho công nhân Campuchia. Điều này khiến các ngành do Trung Quốc thống trị ở Campuchia như sản xuất hàng may mặc trở nên mong manh và không bền vững. Các khoản đầu tư đáng kể của Trung Quốc cũng đổ vào sòng bạc và bất động sản, nơi lợi ích chủ yếu chảy vào túi một vài tầng lớp có đặc quyền trong xã hội Campuchia.

Đáng tiếc là viện trợ và đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia lại thiếu tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, điều có thể góp phần gây ra nạn tham nhũng, các cách làm không đúng chuẩn và suy thoái môi trường trên diện rộng. Tập đoàn Ưu Liên (Union Development Group) của Trung Quốc được cho là đã phá 36.000 ha rừng trong công viên quốc gia lớn nhất Campuchia, Botum Sakor, để phát triển các dự án. Và một nửa trong số 4,6 triệu ha đất đang cho thuê của Campuchia là dành cho các công ty Trung Quốc.

Đầu tư của Trung Quốc nên được hoan nghênh. Hỗ trợ kinh tế từ Trung Quốc là nhanh chóng, ổn định và dồi dào, cho phép Campuchia nhanh chóng bắt tay tiến hành các cải cách cơ cấu rất cần thiết nhằm giảm chi phí năng lượng và tăng cường cơ sở hạ tầng. Chi phí điện cao làm giảm khả năng cạnh tranh của Campuchia và gây gánh nặng tài chính cho các gia đình có thu nhập thấp – chỉ 19% số hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng điện. Hiện cung cấp 47% nguồn năng lượng nội địa của Campuchia, các nhà máy thủy điện do Trung Quốc tài trợ không chỉ giúp giải quyết vấn đề thiếu điện kinh niên của Campuchia mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Nhưng để tận dụng tốt hơn các cơ hội mà Trung Quốc mang lại, Campuchia nên nỗ lực hơn nữa để hướng các khoản đầu tư đó vào phát triển kỹ năng trong sản xuất điện tử, lĩnh vực ô tô và chế biến thực phẩm. Thay vào đó, 85% trong số 10 tỷ USD mà Trung Quốc đầu tư vào Campuchia tính đến năm 2018 tập trung vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, bất động sản và năng lượng.

Campuchia nên làm mới mối quan hệ với ASEAN và nỗ lực đa dạng hóa các mối quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt là với các đối tác có sự hiện diện trong khu vực như Hoa Kỳ, Nhật Bản và thậm chí là cả Hàn Quốc. Nếu sự o bế của Trung Quốc là khó cưỡng lại trên thực tế, tốt hơn hết là Campuchia nên chấp nhận việc vay nợ dựa trên các quy tắc phù hợp với thông lệ và kỳ vọng quốc tế.

Không có giải pháp đơn giản nào nhằm hóa giải sự thống trị của Trung Quốc ở Campuchia. Campuchia cần cố gắng giảm thiểu các thách thức bằng cách đa dạng hóa các mối quan hệ chính trị và kinh tế. Thúc đẩy quản trị tốt, bao gồm quản trị doanh nghiệp, cũng như trách nhiệm xã hội và môi trường, sẽ rất hữu ích cho sự phát triển về lâu dài của Campuchia.

Heimkhemra Suy là một nhà tư vấn phát triển sống tại Phnom Penh.