Bên trong cuộc chiến chống đói nghèo của Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:The fruits of growth”, The Economist, 02/01/2021.

Người dịch: Phan Nguyên

Đầu tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc thông báo rằng họ đã xóa bỏ được tình trạng nghèo cùng cực trên cả nước. Thành tích này có quy mô thật ngoạn mục. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, khoảng 800 triệu người Trung Quốc đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực trong bốn thập niên qua. Đó cũng là một chiến công của thời đại, như các phương tiện truyền thông nhà nước ghi nhận. Chưa bao giờ trong lịch sử của nước này tình trạng nghèo đói gần như bị xóa sổ như vậy.

Một trong những nơi cuối cùng được tuyên bố không còn đói nghèo nữa là Ziyun, một hạt ở tỉnh Quý Châu ở tây nam. Liang Yong, một dân làng phàn nàn: “Nói thẳng ra, đó là một lời nói dối”. Theo anh, cuộc điều tra chính thức về tình hình kinh tế của Ziyun chỉ làm lấy lệ. Các nhà lãnh đạo tỉnh đã đến làng của anh, đưa ra phán quyết rằng làng đã thoát nghèo và sau đó rời đi nhanh chóng. “Đó chỉ một show diễn. Trong thâm tâm chúng ta đều biết sự thật,” anh càu nhàu.

Nhưng nếu quan sát kỹ lưỡng người ta sẽ đứng về phía chính phủ. Chắc chắn là mọi thứ rất khó khăn đối với Liang. Thịt lợn những ngày này đắt đỏ, vì vậy anh chỉ ăn thịt vài lần một tuần. Sau khi đóng học phí cho hai đứa con, anh còn lại rất ít tiền. Để đối phó với mùa đông, anh dùng bếp than. Anh vẫn nghèo hơn nhiều người khác ở Trung Quốc, đặc biệt là ở các thành phố. Anh không thích nhìn cảnh người ta ăn mừng chiến thắng đói nghèo khi bản thân anh không đủ tiền để giúp cha mình, người gần đây được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi, được chăm sóc y tế phù hợp. Nhưng việc anh kiếm đủ tiền mua thịt, trả học phí cho con và có thể sưởi ấm đánh dấu việc anh Liang là một người trên thực tế đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực — một tình trạng mà ở đó các nhu cầu cơ bản không được đáp ứng.

Những người hoài nghi đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có thao túng các con số của mình để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo hay không. Tất nhiên vẫn có những trường hợp nghèo cùng cực cá biệt. Tuy nhiên, Trung Quốc tự đặt cho mình một chuẩn nghèo khá cao. Họ đã thường xuyên nâng chuẩn nghèo chính thức, hiện tính theo chi phí sinh hoạt là khoảng 2,3 đô la một ngày theo giá thị trường năm 2011. (Để so sánh, Ngân hàng Thế giới định nghĩa những người nghèo cùng cực là những người kiếm được ít hơn 1,9 đô la một ngày, và hiện tại 10% dân số thế dưới sống dưới ngưỡng này. Chuẩn nghèo ở các nước giàu cao hơn nhiều: mức tương đương ở Mỹ là khoảng 72 đô la một ngày cho một hộ gia đình 4 người với mức giá năm 2020.) Năm 1978, ngay sau khi Mao qua đời, gần 98% người dân ở các vùng nông thôn sống trong cảnh nghèo cùng cực nếu tính theo tiêu chuẩn hiện tại của Trung Quốc. Đến năm 2016, con số này giảm xuống dưới 5% (xem biểu đồ).

Đóng góp lớn nhất của chính phủ là rút khỏi kế hoạch hóa tập trung và để mọi người kiếm tiền. Họ chấm dứt tập thể hóa nông nghiệp, tạo động lực cho nông dân sản xuất nhiều hơn. Họ cho phép mọi người di chuyển khắp đất nước để tìm việc làm. Họ mang lại nhiều tự do hơn cho các doanh nhân. Chính phủ cũng hỗ trợ bằng cách xây dựng đường sá, đầu tư vào giáo dục và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Mục tiêu của chính phủ là thúc đẩy nền kinh tế; xóa đói giảm nghèo là một tác dụng phụ đáng hoan nghênh diễn ra trong quá trình đó.

Cách tiếp cận của chính phủ đã thay đổi vào năm 2015 khi Tập Cận Bình tuyên bố sẽ xóa bỏ những dấu tích cuối cùng của nghèo đói cùng cực vào cuối năm 2020. Các quan chức đã tìm mọi cách để thực hiện mục tiêu này. Họ đã cố gắng khuyến khích các sáng kiến ​​cá nhân bằng cách thưởng cho những người nghèo tìm ra cách cải thiện thu nhập của mình (xem hình). Họ đã tăng chi tiêu công quy mô lớn. Vào năm 2015, nguồn ngân sách của chính phủ trung ương dành cho xóa đói giảm nghèo trung bình là 500 nhân dân tệ (77 đô la) cho một người nghèo cùng cực. Năm 2020, mức chi trên đầu người là hơn 26.000 nhân dân tệ (xem biểu đồ).

Dấu ấn của chiến dịch chống đói nghèo hiện rõ khắp nơi ở Ziyun. Các bức tường của các cơ quan nhà nước được bao phủ trong các bức tranh tường. Một bức mô tả một loại cây, được gọi là “gốc rễ của nghèo đói”, đang bị nhổ khỏi mặt đất. Khẩu hiệu nằm rải rác trên các con đường chính — một số nghe rất đơn giản (“Hãy để nông dân kiếm nhiều tiền hơn”), cũng có những khẩu hiệu khác nghe đao to búa lớn hơn (“Để giúp mọi người thoát nghèo, trước hết hãy giúp họ trở nên thông thái”).

Một trong những thách thức lớn nhất là địa hình nơi người nghèo sinh sống. 832 hạt — chiếm khoảng 30% trong tổng số cả nước — được coi là vẫn còn nghèo khi ông Tập bắt đầu chiến dịch chống đói nghèo đều chủ yếu ở vùng nông thôn. Hầu hết là ở vùng núi hoặc trên các vùng đất khắc nghiệt. Các quan chức đã sử dụng hai cách tiếp cận cơ bản để giúp các địa phương này. Cả hai đều có thể nhìn thấy ở Ziyun.

Đầu tiên là phát triển công nghiệp – chủ yếu là ngành nông nghiệp hiện đại. Ở Luomai, một ngôi làng ở Ziyun, chính phủ đã tạo ra một khu đất rộng 25 ha để trồng và chế biến nấm hương. Khoảng 70 người dân địa phương làm việc ở đó. Trong quá khứ, lựa chọn duy nhất của họ là di cư đi nơi khác hoặc kiếm sống bằng nghề trồng ngô ít ỏi. Nhưng nấm hương là một loại sản phẩm hái ra tiền, giúp họ kiếm được khoảng 80 tệ một ngày, một mức lương khá.

Có một điều trớ trêu trong việc này. Vào những năm 1980, Trung Quốc đã phá bỏ các nông trường tập thể để người dân tự trồng trọt. Bây giờ chính phủ lại muốn họ gộp các nguồn lực của mình lại. Các quan chức thường mô tả việc này giống như biến nông dân thành “cổ đông”. Người dân nhận cổ phần trong các doanh nghiệp nông thôn mới, mà tất cả đều suôn sẻ, sẽ chia cổ tức cho cổ đông. Các công ty lớn bên ngoài thường được giao phụ trách các dự án. Trang trại nấm hương Luomai được điều hành bởi Công ty Lưới điện Phương Nam, một công ty nhà nước. Nhưng có một rủi ro là khi chiến dịch chống đói nghèo suy yếu dần, một số dự án sẽ thất bại.

Cách tiếp cận thứ hai mang tính triệt để hơn: di chuyển dân cư đến các khu vực kết nối tốt hơn. Từ năm 2016 đến năm 2020, các quan chức đã di dời khoảng 10 triệu người. Từ lâu, Trung Quốc đã tái định cư trên quy mô lớn để thúc đẩy phát triển — ví dụ như di dời nhà cửa để xây đập. Nhưng trong trường hợp này, bản thân việc tái định cư đã là một dự án phát triển. Chính phủ kết luận rằng sẽ quá tốn kém để cung cấp các dịch vụ cần thiết, từ đường sá đến chăm sóc sức khỏe cho những ngôi làng xa xôi hẻo lánh. Họ cho rằng việc di chuyển cư dân đến gần các thị trấn sẽ hiệu quả hơn.

Một số khu chung cư màu vàng ngăn nắp nằm ở trung tâm hạt Ziyun. Đó là nơi định cư của những cư dân cũ của một ngôi làng nghèo nằm cách đó rất xa. Một vấn đề thường xuyên xảy ra sau khi chuyển người dân đến các khu nhà ở như vậy là tìm việc làm cho họ. Trong trường hợp này, chính quyền đã kêu gọi quan chức địa phương sắp xếp công việc cho ít nhất một thành viên trong mỗi hộ gia đình. Tại cổng khu nhà mới ở Ziyun, các phụ nữ ngồi khom mình bên những chiếc máy khâu trong các xưởng nhỏ. Một người phụ nữ trung niên nói rằng cô không thể đảm đương công việc đó, vì vậy các quan chức đã cho cô làm việc trong một đội vệ sinh. Cô hài lòng với môi trường sống mới của mình. Có một trường học tốt ngay bên kia đường, một điều rất tốt cho con của cô.

Một thách thức lớn hơn là tình trạng thiếu thốn tương đối, một vấn đề có thể nhận thấy rõ ràng đối với bất kỳ ai đã đi lại giữa các thành phố ven biển hào nhoáng và các thị trấn buồn tẻ vùng nội địa. Người dân có thể có thu nhập cao hơn chuẩn nghèo chính thức, nhưng họ vẫn có thể cảm thấy nghèo. Một nghiên cứu gần đây của các nhà kinh tế Trung Quốc đã kết luận rằng “chuẩn nghèo chủ quan” ở các vùng nông thôn là khoảng 23 nhân dân tệ mỗi ngày, gần gấp đôi so với mức mà một người được chính thức phân loại là nghèo. Điều này phù hợp với một tiêu chuẩn được nhiều nhà kinh tế sử dụng, đó là đặt chuẩn nghèo tương đối bằng một nửa mức thu nhập trung bình. Số liệu cho thấy khoảng một phần ba nông thôn Trung Quốc vẫn tự thấy mình là người nghèo.

Nếu tính theo cách này thì hầu như không thể loại bỏ được đói nghèo, vì chuẩn nghèo sẽ tăng dần khi đất nước giàu lên. Nhưng ưu điểm của việc sử dụng một định nghĩa tương đối là nó phù hợp hơn với cách mọi người cảm nhận. Trung Quốc không xác định bất kỳ trường hợp người nghèo nào ở các thành phố của mình là vì các biện pháp phúc lợi được cho là giúp cho những người không có tiền. Nhưng những người lao động chuyển đến từ nông thôn không có đủ giấy tờ phù hợp để được tiếp cận phúc lợi tại thành phố. Và đối với bất kỳ người dân thành phố nào, sự hỗ trợ cũng rất ít ỏi. Theo một bài nghiên cứu gần đây của Chen Shaohua và Martin Ravallion, khoảng một phần năm cư dân thành thị Trung Quốc có thể được phân loại là nghèo.

Để giảm nghèo tương đối, Trung Quốc cần có những chiến thuật khác với những chiến thuật được sử dụng trong chiến dịch chống lại tình trạng nghèo cùng cực. Họ sẽ phải phân phối lại thu nhập, ví dụ như bằng cách đánh thuế nặng hơn đối với người giàu và giúp người di cư dễ dàng nhận được các dịch vụ công ở các thành phố hơn – các chính sách mà chính phủ cho thấy họ không mặn mà.

Trên đường phố Quý Dương, thủ phủ Quý Châu vốn đang phát triển bùng nổ, tình trạng nghèo khó vẫn là cảnh thường thấy. Những người đàn ông đi bộ với giỏ rơm buộc trên lưng, tìm kiếm công việc bốc vác. Zhou Weifu, một cửu vạn ở độ tuổi 50, chế giễu tuyên bố rằng đã hết tình trạng nghèo đói. “Đây là loại công việc gì? Tôi hầu như không thể kiếm được tiền,” anh nói. Trung Quốc có quyền tự hào về chiến thắng của mình trước tình trạng nghèo cùng cực. Nhưng các quan chức nên ăn mừng một cách âm thầm thì sẽ hợp lý hơn. ■