Mâu thuẫn đối nội và đối ngoại trong cách cai trị của Tập Cận Bình

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Communists are fascinated by contradictions. China faces a big one”, The Economist, 31/10/2019.

Biên dịch: Phan Nguyên

Nếu dựa vào kinh nghiệm quá khứ, sự cởi mở của Trung Quốc với thế giới sẽ được ca tụng rất nhiều trong bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ hai tại Thượng Hải vào ngày 5 tháng 11. Phát biểu khai mạc tại hội chợ lần đầu tiên hồi năm ngoái, ông Tập đã mô tả Trung Quốc như là người ủng hộ thương mại tự do và hợp tác cùng có lợi. Sự cởi mở mang lại tiến bộ trong khi đóng cửa dẫn đến sự lạc hậu, ông tuyên bố. Thành thạo khi nói thứ ngôn ngữ toàn cầu hóa, những từ bóng bẩy khoa trương thường được sử dụng tại các cuộc hội nghị của các nhà lãnh đạo thế giới, các tỷ phú và giám đốc điều hành, ông Tập tuyên bố rằng chia sẻ những thành quả của sự đổi mới “trong ngôi làng toàn cầu kết nối của chúng ta” là một điều tự nhiên.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc có mọi lý do để đưa ra những lời bay bổng như vậy tại sự kiện sắp tới. Dù đất nước của ông ta ngày càng giàu có và hùng mạnh hơn, nó vẫn phụ thuộc vào thế giới theo những cách mà nó không thể kiểm soát được. Trung Quốc có tham vọng trở thành một siêu cường công nghệ có khả năng thiết lập tiêu chuẩn. Bất chấp những luận điệu về sự tự lực, Trung Quốc vẫn cần các bí quyết công nghệ nước ngoài để đạt được điều đó. Trong ngắn hạn, Trung Quốc nóng lòng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Họ muốn các quốc gia khác thấy rằng Trung Quốc là một thành viên của một đội ngũ chung, không giống như kẻ bắt nạt và phá vỡ quy tắc ở Washington. Nhìn xa hơn, nền kinh tế Trung Quốc vẫn cần thêm không gian phát triển. Trung Quốc đang cạn kiệt những địa điểm hữu ích để xây dựng các sân bay bóng lộn và các tuyến đường sắt tốc độ cao ở trong nước, và muốn các thương hiệu toàn cầu của mình cạnh tranh được với Boeing hoặc Apple. Điều đó sẽ đòi hỏi các thị trường mới ở nước ngoài.

Tuy nhiên, trước khi bước tới giảng đường của mình tại Thượng Hải, ông Tập phải chủ trì một cuộc họp khác, phiên họp kéo dài bốn ngày của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản, kết thúc vào ngày 31 tháng 10. Những cuộc họp như vậy của gần 400 quan chức hàng đầu thường được tổ chức khoảng hàng năm tại một khách sạn an ninh cao do Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc quản lý ở phía tây Bắc Kinh. Ngôn ngữ làm việc không phải là thứ ngôn ngữ toàn cầu. Các thông cáo phát ra từ các cuộc họp bí mật này được viết bằng biệt ngữ của đảng. Truyền thông nhà nước tuyên bố rằng Hội nghị Trung ương sẽ xem xét “các vấn đề quan trọng liên quan đến cách thức duy trì và cải thiện hệ thống xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc và đạt được tiến bộ trong việc hiện đại hóa hệ thống và năng lực quản trị đất nước”. Nghe có vẻ buồn tẻ, nhưng ý nghĩa của những lời lẽ đó là rất nghiêm trọng. Sự kiểm soát thậm chí còn chặt chẽ hơn sắp sửa xảy ra. Các manh mối đã được thể hiện trong tháng này bởi một tạp chí có ảnh hưởng của đảng, tờ Qiushi (Cầu Thị), trong các đoạn trích từ một bài phát biểu từng mang dấu mật mà trong đó ông Tập nhắc lại các bài học lịch sử. Ông kết luận rằng “bất cứ khi nào các cường quốc sụp đổ hoặc suy tàn, một nguyên nhân phổ biến là sự mất kiểm soát của chính quyền trung ương”.

Các cơ quan tuyên truyền giả vờ như không có mâu thuẫn nào giữa hai nhân cách này, một vị chủ tịch đang mỉm cười nói chuyện với người nước ngoài về ngôi làng toàn cầu, và một ông tổng bí thư đòi hỏi kỷ luật đảng và cảnh giác cao trước các thế lực thù địch bên ngoài và các mối đe dọa bên trong. Vào ngày khai mạc Hội nghị Trung ương, Tân Hoa Xã, một hãng thông tấn nhà nước, đã khẳng định rằng thế giới chưa bao giờ thấy một hệ thống quản trị nào có lợi thế như vậy, kết hợp giữa “một phép màu phát triển kinh tế” với “một phép màu về ổn định chính trị”.

Ở trong nước, sẽ công bằng khi thừa nhận rằng nhiều người Trung Quốc chấp nhận khế ước xã hội ngầm mà bình luận của Tân Hoa Xã nhắc tới, rằng các quyền tự do cá nhân nên được hi sinh để đổi lấy thịnh vượng và trật tự. Tuy nhiên, đối với người ngoài, hai phép lạ mà Trung Quốc tự xưng đang ngày càng mâu thuẫn. Trong một thời gian dài, nhiều người hâm mộ Trung Quốc ở nước ngoài coi sự cai trị của đảng như một câu chuyện đùa. Họ nói rằng nơi này chỉ có một ý thức hệ: chủ nghĩa kim tiền. Thật không may cho những người đó, ngay cả khi Trung Quốc nới lỏng một số quy tắc về tiếp cận thị trường hoặc đầu tư nước ngoài, đảng không chỉ không muốn biến mất mà còn trở nên ngày càng hiện hữu và can thiệp nhiều hơn bao giờ hết. Rất có thể hệ tư tưởng chỉ đạo là mong muốn giữ quyền lực tuyệt đối hơn là các lý tưởng Mác-xít. Trong một chế độ chuyên chế bí mật, không thể biết được niềm tin thực sự của ông Tập là gì. Tương tự như vậy, những người ngoài cuộc chỉ có thể suy đoán về ý nghĩa của vô vàn lời tán tụng được dành cho ông Tập trước thềm hội nghị, chẳng hạn như của một đảng bộ khu vực nói rằng các quan chức, từ sâu thẳm trái tim mình, nên “củng cố niềm tin và tình cảm đối với Tổng Bí thư Tập Cận Bình, trong vai trò hạt nhân của Đảng, lãnh đạo của nhân dân và tổng tư lệnh của quân đội”. Điều này có thể phản ánh sự vĩ đại của ông Tập, hoặc sự yếu đuối và bất an của ông. Nhưng nếu đánh giá hành động, ông Tập đã áp đặt hoàn toàn sự quản lý của đảng lên hệ thống tư bản nhà nước Trung Quốc, từ các tòa án đến các công ty tư nhân lẫn các doanh nghiệp nhà nước. Và nỗ lực giành quyền lực này thường dẫn tới những nỗ lực khác. Khi các quan chức được trả lương khiêm tốn có ảnh hưởng chi phối lên các tài sản trị giá hàng tỷ đô la cùng lúc với việc các tờ báo dám nói thẳng bị bịt miệng và các luật sư độc lập bị cho vào tù, không có gì ngạc nhiên khi đảng phải phát động các chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt đến mức một số quan chức lo sợ không dám đưa ra các quyết định trong xử lý công việc.

Điều hành nền kinh tế thế kỷ 21 bằng ý tưởng từ những năm 1950

Sự phức tạp của xã hội Trung Quốc hiện đại, với sự cơ động và tự do cá nhân ngày càng tăng đối với ngay cả những người dân sống trong các ranh giới do đảng xác định, dường như thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng họ phải thắt chặt và giữ vững sự kiểm soát. Điều này ngày càng được thực hiện thông qua các hệ thống kiểm soát công nghệ cao, từ các thuật toán kiểm duyệt phương tiện truyền thông xã hội, đến các hệ thống nhận diện khuôn mặt ngăn chặn các công dân hạnh kiểm kém đi tàu cao tốc. Đối với các quan chức, chủ nghĩa chuyên chế kỹ thuật số là một vị cứu tinh. Với dữ liệu lớn và không có nơi nào mà những người vi phạm có thể lẩn trốn, có lẽ sự cai trị từ trên xuống cuối cùng cũng đã hiệu quả. Ở nước ngoài, sự đánh đổi trông rất khác. Cách đây không lâu, các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon có thể đã ngất ngây với hệ thống thanh toán di động được xây dựng xung quanh công nghệ nhận diện khuôn mặt của Trung Quốc. Nhưng bây giờ, các nhà quản lý quỹ sắc sảo – lẫn những người tiêu dùng trẻ tuổi tiềm năng ở phương Tây – có thể hỏi liệu chính những chiếc camera đó có được sử dụng để đàn áp người Hồi giáo ở Tân Cương hay không.

Việc Trung Quốc đang trở nên ngày càng chuyên chế nhằm duy trì sự cầm quyền của đảng khó có thể tương thích với mục tiêu đạt được sự tăng cưởng kinh tế dựa trên toàn cầu hóa. Các ông chủ nước ngoài khi nói chuyện riêng đã thừa nhận họ cũng băn khoăn tự hỏi nếu một đối tác kinh doanh người Trung Quốc là đảng viên thì ý nghĩa của điều đó là gì. Ông Tập dường như muốn một Trung Quốc cởi mở với các nhà đầu tư và phát minh nước ngoài nhưng đóng cửa với những tư tưởng nguy hiểm (có nghĩa là các tư tưởng tự do, phương Tây). Những người cộng sản luôn ưa thích sự mâu thuẫn. Nhưng mâu thuẫn này là một điều khó có thể được giải quyết.