Thế giới hôm nay: 17/02/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Quân đội Myanmar đưa ra một lời buộc tối mới đối với bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo chính phủ dân cử của nước này, và là người bị lật đổ trong một cuộc đảo chính hai tuần trước, tại một phiên tòa trực tuyến được tổ chức bí mật. Bà bị cho là đã vi phạm luật phòng chống thiên tai của đất nước. Cáo buộc trước đó liên quan đến tội danh nhập khẩu trái phép máy bộ đàm.

Hai nhà hoạt động ủng hộ dân chủ Hồng Kông nhận tội liên quan đến các cuộc biểu tình chống việc chính phủ Trung Quốc gia tăng kiểm soát lãnh thổ này hồi tháng 8 năm 2019. Bảy người khác, bao gồm nhà tài phiệt truyền thông Jimmy Lai, không nhận tội. Tất cả chín người đều đối mặt tội danh tổ chức và cố ý tham gia tụ tập trái phép. Mỗi tội danh có mức án tù tối đa năm năm.

Một tòa án Hà Lan đã bãi bỏ lệnh giới nghiêm toàn quốc được áp dụng từ tháng 1 để ngăn chặn covid-19, phán quyết rằng tình hình hiện tại không thể biện minh cho những hạn chế như vậy đối với quyền tự do đi lại. Thủ tướng Mark Rutte khuyến khích mọi người vẫn tuân thủ các hạn chế, mô tả chúng “đơn giản là cần thiết”. Lệnh giới nghiêm đã dẫn đến các cuộc biểu tình hàng loạt trên khắp Hà Lan vào cuối tháng 1.

Các công ty khai thác mỏ đang chọn trả lại tiền mặt cho các cổ đông thay vì đánh cược chúng vào các dự án đầu tư mới để tăng sản lượng. BHP, hãng khai thác mỏ lớn nhất thế giới, đã công bố mức cổ tức tạm thời là 5,1 tỷ đô la, sau khi lợi nhuận đạt mức cao nhất trong bảy năm nhờ giá quặng sắt tăng vọt. Trong khi đó, Glencore, một công ty khai thác khác, cho biết họ sẽ trả cổ tức trị giá 1,6 tỷ USD.

Ý đã thu hút được hơn 110 tỷ euro (133 tỷ USD) đặt hàng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm. Đây là đợt chào bán đầu tiên kể từ khi Mario Draghi trở thành thủ tướng, làm dấy lên hy vọng của các nhà đầu tư rằng vị sếp cũ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu có thể khắc phục nền kinh tế đang bị thiệt hại nặng vì covid của Ý. Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp kỷ lục sau khi ông Draghi nhận được đề nghị thành lập chính phủ vào tuần trước.

Tổng thống Emmanuel Macron thông báo ông không có kế hoạch ngay lập tức rút binh sĩ Pháp khỏi khu vực Sahel, sau khi gặp gỡ hầu hết các nhà lãnh đạo từ 5 quốc gia trong vùng. Pháp hiện có hơn 5.000 quân được triển khai chống lại các phần tử thánh chiến. Tổng thống Pháp kỳ vọng có thêm nhiều nước châu Âu tham gia vào nỗ lực này và nâng cao năng lực quân sự ở khu vực.

Một Hạ nghị sĩ Dân chủ cáo buộc Donald Trump, luật sư cá nhân cũ của ông, và hai nhóm cực hữu âm mưu tước quyền bầu cử của hàng triệu cử tri da đen khi ngăn Quốc hội chứng nhận kết quả bầu cử vào ngày 6/1. Vụ kiện dân sự này, do NAACP đưa ra thay mặt Bennie Thompson, cáo buộc những người này vi phạm Đạo luật Ku Klux Klan năm 1871. Hôm thứ Bảy, Thượng viện đã tha bổng ông Trump khỏi tội danh kích động bạo lực tại Điện Capitol. Chỉ có bảy đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu kết tội.

TIÊU ĐIỂM

Người dân Myanmar tiếp tục biểu tình

Hôm nay, hàng trăm nghìn người Myanmar sẽ tràn xuống đường phố, như vẫn làm mỗi ngày suốt một tuần rưỡi qua, để phản đối cuộc đảo chính quân sự hôm 1 tháng 2. Họ muốn các tướng lĩnh thả Aung San Suu Kyi, vị lãnh đạo dân sự hiện vẫn bị quản thúc tại gia, với cáo buộc nhập khẩu máy bộ đàm trái phép và vi phạm quy định covid-19. Bà đã làm gì sai? Đảng của bà, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái.

Sau đó, quân đội tuyên bố có gian lận trên diện rộng, và hứa hẹn sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới sau một năm trong tình trạng khẩn cấp. Nhưng người dân không tin họ. Các cuộc đình công của công chức tới nay đã khiến một số cơ quan chính phủ bị đình trệ. Quân đội đã bắt giữ hơn 400 người và tự trao quyền giam giữ nghi phạm và lục soát tài sản riêng. Hiện tại xe bọc thép và quân đội vẫn đang tuần tra trên đường phố, với vòi rồng, hơi cay và đạn cao su. Những chiến thuật đe dọa như vậy xem ra không thể ngăn được những người biểu tình.

Ebola quay lại ở Guinea và Congo

Cả Guinea và Cộng hòa Dân chủ Congo đều không xa lạ gì với Ebola. Đợt bùng dịch ebola tồi tệ nhất thế giới khởi đầu ở Guinea vào năm 2013 và giết chết 11.000 người ở Tây Phi trong vòng 3 năm. Chỉ hai năm sau, Congo trải qua vụ bùng dịch lớn thứ hai. Hiện virus này đã quay trở lại cả hai nước. Guinea tuyên bố dịch vào ngày 14 tháng 2, sau khi một y tá qua đời và 6 người đến dự đám tang của cô báo cáo các triệu chứng giống Ebola. Các loại vắc-xin đang được triển khai, song có những lo ngại về lây nhiễm — thị trấn nơi y tá này được chôn cất rất gần với biên giới Liberia và Bờ Biển Ngà.

Ở Congo, bốn ca nhiễm đã được xác nhận trong tháng này. Các nhân viên y tế đang gấp rút cấp 8.000 liều vắc-xin còn sót lại sau đợt bùng dịch gần đây nhất hồi tháng 11 năm ngoái. Cả hai quốc gia đều có nhiều kinh nghiệm về căn bệnh này. Nếu may mắn, họ có thể tiến hành đủ nhanh để ngăn chặn virus.

Fed và cuộc tranh luận sôi nổi về nền kinh tế Mỹ

Biên bản cuộc họp tháng 1 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ được công bố hôm nay trong bối cảnh tranh luận sôi nổi về nền kinh tế Mỹ. Nhiều nhà dự báo lạc quan rằng vắc-xin và kích thích tài khóa sẽ sớm tạo ra bùng nổ. Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán GDP tăng trưởng ở mức 7,7% trong năm tính đến quý cuối cùng 2021. Dù vậy, một số nhà kinh tế nổi tiếng lại đang cảnh báo về tình trạng quá nóng. Fed đã thận trọng hơn.

Tuần trước, chủ tịch Jerome Powell lưu ý rằng trong nhóm 25% số nhân công được trả lương thấp nhất, việc làm đã giảm 17% so với mức trước đại dịch. Fed từng hứa sẽ không tăng lãi suất cho đến khi thị trường lao động phục hồi hoàn toàn và lạm phát ít nhất đạt mục tiêu 2%, với một kỳ vọng hợp lý rằng nó sẽ ở mức vừa phải trên mục tiêu đó một lúc. Ý tưởng là để cho phép giá cả tăng bù đắp lại những gì đã mất. Nhưng người ta không thống nhất được về con số chính xác đó.

Chính phủ mới của Ý đối mặt nhiều thách thức

Hôm nay Mario Draghi lần đầu tiên bước vào đấu trường quốc hội Ý với tư cách một chiến binh. Thủ tướng mới của Ý đã mời gọi được tất cả trừ chỉ một trong các đảng chính tham gia chính phủ của ông, do đó không có nguy cơ ông bị bỏ phiếu bất tín nhiệm trong các cuộc bỏ phiếu được dự kiến diễn ra tại Thượng viện vào hôm nay và hạ viện vào ngày mai. Người ta sẽ tập trung vào các chương trình mà ông đề ra trong các bài phát biểu trước lưỡng viện.

Chúng dự kiến là rất dày đặc. Chính phủ ông phải đối phó với đại dịch và đệ trình một kế hoạch phục hồi nước Ý có thể chấp nhận được lên EU. Ông Draghi cũng đã báo hiệu rằng ông kỳ vọng khởi động các cải cách giúp chi tiêu hiệu quả phần 200 tỷ euro (242 tỷ đô la) của Ý trong quỹ phục hồi chung của khối. Câu hỏi lớn nhất luôn đeo bám vị cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu là liệu ông có thể giữ vững một liên minh đa dạng các đảng phái trái ngược nhau hay không.

EU rà soát chính sách thương mại chung

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu nhấn mạnh rằng mục tiêu của họ là “quyền tự chủ chiến lược mở” – mặc kệ nó có nghĩa là gì. Nó chắc chắn chứa đựng tham vọng, nhưng không giải thích được EU sẽ làm gì khi sự cởi mở và sự tự chủ xung đột với nhau. Hôm nay Valdis Dombrovskis, ủy viên thương mại của EU, sẽ cố gắng làm rõ vấn đề này khi ông công bố kết quả rà soát chính sách thương mại của EU, được bắt đầu từ tháng 6. Về mặt cởi mở, EU gần đây đã thông qua một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc có bao gồm các cam kết mở cửa thị trường.

Trong khi đó, việc thúc đẩy quyền tự chủ nhiều hơn của khối bao gồm các chính sách mới nhằm chống lại tác động của các khoản trợ cấp nước ngoài (như của Trung Quốc) và thực thi cứng rắn hơn đối với các chính sách hiện có. EU cũng sẽ phát triển các quy tắc để loại bỏ tình trạng vi phạm nhân quyền dọc theo chuỗi cung ứng quốc tế bằng cách yêu cầu trách nhiệm giải trình bắt buộc đối với các công ty. Một dự thảo của bản rà soát thậm chí còn đi xa hơn khi đề xuất cấm hàng nhập khẩu sản xuất bởi lao động cưỡng bức (người Duy Ngô Nhĩ).