Thế giới hôm nay: 08/05/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Trung Quốc tuyên bố ủng hộ cuộc điều tra truy tìm nguồn gốc covid-19 của WHO và đáp trả các quan chức Mỹ trong cuộc tranh cãi đang leo thang giữa hai nước. Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tuyên bố rằng virus có thể đã lọt ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. WHO, cơ quan bị ông Trump chỉ trích vì cách xử lý đại dịch, đã gọi những bình luận như vậy là “đoán mò”.

Ngân hàng Trung ương châu Âu bác bỏ phán quyết của Tòa án Hiến pháp Đức cho rằng ECB vượt quá thẩm quyền của mình bằng cách mua trái phiếu trị giá hàng nghìn tỷ euro trong khuôn khổ chương trình nới lỏng định lượng (QE). Ngân hàng lập luận rằng họ chỉ chịu trách nhiệm trước các thiết chế châu Âu và hứa sẽ tiếp tục nới lỏng định lượng để đưa khu vực đồng euro vượt qua cuộc khủng hoảng coronavirus.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ đã hủy việc vụ án hình sự đối với Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia đầu tiên của Donald Trump. Ông Flynn đã nhận tội nói dối các đặc vụ FBI về các cuộc gặp gỡ của ông với một nhà ngoại giao Nga. Trong một động thái bất thường, Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã chỉ định một luật sư bên ngoài để xem xét vụ án. Chỉ vài phút trước thông báo của bộ, luật sư dẫn đầu việc truy tố ông Flynn đã rút khỏi vụ án.

Tin xấu bao trùm các chỉ số kinh tế của Trung Quốc. Chỉ số Caixin/Markit, dùng để đo lường niềm tin của các nhà quản lý mua hàng tại các công ty dịch vụ, tiếp tục âm trong tháng 4, tháng thứ ba liên tiếp. Caixin/Markit cũng nhận thấy rằng việc làm trong các ngành dịch vụ giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ 2005. Trong khi đó, dữ liệu hải quan cho thấy nhập khẩu trong tháng 4 giảm 14,2% so với năm ngoái. Còn xuất khẩu lại bất ngờ tăng.

Ít nhất 13 người chết và khoảng 800 người nhập viện sau vụ rò rỉ khí gas tại một nhà máy hóa chất ở bang Andhra Pradesh, miền nam Ấn Độ. Khu vực xung quanh nhà máy nhựa, thuộc sở hữu của LG Chem của Hàn Quốc, đã được sơ tán. Thủ tướng Narendra Modi đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp bàn về thảm họa.

Liberty Global và Telefónica, chủ sở hữu của Virgin MediaO2, đạt thỏa thuận hợp nhất 31 tỷ bảng (38,3 tỷ đô la), một thỏa thuận sẽ thay đổi đáng kể ngành công nghiệp giải trí và viễn thông Anh và tạo ra một đối thủ cho BT. Cái bắt tay này kết hợp băng thông rộng và các dịch vụ giải trí của Virgin với mạng điện thoại 34 triệu người dùng của O2, lớn nhất cả nước. Các thủ tục dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào giữa năm 2021.

Một ủy ban hoàng gia Úc phát hiện Hồng y George Pell đã biết từ đầu những năm 1970 rằng các linh mục đang lạm dụng tình dục trẻ em. Ủy ban báo cáo những kết luận này vào năm 2017 nhưng một tòa án đã rút bớt những phát hiện này, những điều mãi mới được tiết lộ vào hôm thứ Năm. Vị Hồng y phủ nhận những phát hiện trên; bản thân ông đã bị kết án về tội tấn công tình dục trẻ em, song được tòa tối cao tha bổng hồi tháng trước.

TIÊU ĐIỂM

Hồng Kông gỡ phong tỏa

Người Hồng Kông chưa từng bị phong tỏa như người Roma hay người Vũ Hán. Các trường học đóng cửa vào tháng 1 để chống coronavirus, mọi người được khuyến khích ở và làm việc tại nhà, song ăn uống trong nhà hàng và ghé thăm các tiệm làm tóc lại được cho phép. Bây giờ, 18 ngày kể từ ca nhiễm cuối cùng tại địa phương, các địa điểm xã hội bao gồm các cửa hàng mạt chược và quán rượu đã mở cửa trở lại. Số người được cho phép tụ tập ở nơi công cộng cũng tăng gấp đôi, lên tám người, và trẻ em sẽ sớm quay lại trường học.

Xét nghiệm, nhập viện sớm, theo dõi tiếp xúc, đóng cửa biên giới và cách ly giúp số ca nhiễm trong dân số 7,5 triệu người chỉ là 1.044 ca, và với bốn trường hợp tử vong. Nhưng người Hồng Kông cho rằng kết quả này là nhờ vào sự cảnh giác và thái độ nhiệt tình đeo khẩu trang của họ, chứ không phải là nhờ chính phủ không được lòng dân của họ. Tuy nhiên, lãnh thổ hiện phải đối mặt với suy thoái kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay và mọi người đang lo lắng về lập trường cứng rắn của Trung Quốc đối với phe đối lập. Cuộc khủng hoảng y tế công có thể kết thúc, nhưng một cuộc khủng hoảng chính trị mới đang dần xuất hiện.

Thị trường lao động Mỹ gần như đã chạm đáy

Mọi người đều biết rằng thất nghiệp trên toàn thế giới đang tăng lên. Song không ai biết chắc chắn mọi sư sẽ tồi tệ đến đâu. Số liệu việc làm chính thức của Mỹ cho tháng 4, được công bố hôm nay, có thể đưa ra một chỉ dấu đáng xem. Nền kinh tế có lẽ đã mất khoảng 20 triệu việc làm kể từ khi phong tỏa bắt đầu; một cuộc khảo sát ở khu vực tư nhân công bố hôm 6 tháng 5 cho thấy việc làm đã giảm 20,2 triệu.

Báo cáo chính thức có thể sẽ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã lên đến khoảng 16%. Điều kỳ lạ là những con số về tăng trưởng tiền lương có thể không quá tệ – đó là bởi vì những người lao động có thu nhập thấp rất có khả năng mất việc, giúp kéo mức lương trung bình lên cao. Cũng có một niềm an ủi: thị trường lao động Mỹ khó có thể tồi tệ hơn từ đây. Dù sao đi nữa, đây cũng chỉ là thời điểm tệ nhất của khoảng thời gian tốt nhất trong thế kỷ này.

Dân công sở Anh đi làm lại

Khi giới làm công ăn lương trở lại làm việc, họ có thể bước vào một môi trường khác. Giãn cách xã hội và cuộc sống văn phòng rất khó để cùng tồn tại. Khó có thể giữ nhân viên đứng cách nhau ở lối vào, và thậm chí còn khó hơn nữa trong thang máy. Nếu các bàn cách nhau gần hai mét, công ty kiến trúc Arup ước tính các văn phòng ở trung tâm London sẽ chỉ có thể chứa tối đa 35% số nhân viên trước đó.

Cần phải vệ sinh thường xuyên để ngăn ngừa lây nhiễm chéo, bao gồm mọi thứ từ tay nắm cửa đến nút bấm photocopy. Về lâu dài sẽ có những giải pháp mới: công ty dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield có một văn phòng ở Amsterdam được trải thảm với các vùng màu khác nhau để giữ nhân viên đứng cách nhau hai mét, và cả mũi tên trên sàn hướng dẫn nhân viên đi theo chiều kim đồng hồ. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu các công ty có muốn đầu tư vào các giải pháp công nghệ cao – hay chỉ chờ một loại vắc-xin.

Siemens lạc quan giữa khủng hoảng

Thu nhập quý của Siemens công bố hôm nay sẽ cho thấy tác động của nhu cầu giảm – đặc biệt là từ các khách hàng sản xuất máy móc và xe hơi. Mặc dù vậy, CEO Joe Kaeser của gã khổng lồ kỹ thuật người Đức vẫn lạc quan giữa cuộc khủng hoảng coronavirus; vào đầu tháng Tư, ông cho biết thanh khoản lành mạnh của công ty sẽ cho phép họ vượt qua đại dịch mà không cần cắt giảm việc làm hoặc nhận cứu trợ chính phủ.

Ông đang bám sát kế hoạch đưa bộ phận kinh doanh năng lượng của hãng lên sàn vào tháng 9 và đang lên kế hoạch tổ chức một bữa tiệc lớn cho 387.000 nhân viên của Siemens khi khủng hoảng kết thúc. Song một Kaeser lạc quan sắp phải rời đi: phó của ông, Roland Busch, sẽ kế nghiệm vào tháng 2 tới. Ông Kaeser không phủ nhận tin rằng Siemens đang tìm kiếm khoản tín dụng trị giá 3 tỷ euro (3,2 tỷ đô la) từ các ngân hàng quốc tế. Nhưng nó không tương thích với thông điệp lạc quan của ông lắm.

Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ gặp khó khăn

Hôm nay, Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ (USPS) thuộc sở hữu nhà nước sẽ công bố kết quả quý. Ngay cả trước đại dịch, họ đã gặp rắc rối lớn, với lỗ ròng dự báo lên đến gần 8 tỷ đô la trong năm nay. Giờ đây họ dự đoán thâm hụt 13 tỷ đô. Số lượng thư đã giảm mạnh, giảm gần một phần ba so với năm trước. Thương mại điện tử gia tăng nhờ người mua hàng ở nhà đã không bù đắp được quảng cáo và thư từ kinh doanh. USPS dự đoán dịch vụ sẽ bị gián đoạn vào tháng 9 nếu không có cứu trợ; giữa lúc họ đang đàm phán khoản vay liên bang trị giá 10 tỷ đô la.

Tổng thống Donald Trump từ lâu đã nhắm vào USPS, cáo buộc hãng đưa ra mức giá vận chuyển quá mềm cho Amazon (một trong những công ty ông ghét cay ghét đắng) và muốn họ tăng giá. (Hãng nói phí bưu kiện là cạnh tranh.) Louis DeJoy, một nhà tài trợ cho tổng thống, vừa được bổ nhiệm làm sếp của USPS. Bảo trợ cho USPS cần phải có quyết định của Quốc hội, cơ quan có thể cho phép họ tự xác định giá dịch vụ và không buộc họ phải chi trả trước các lợi ích y tế cho người nghỉ hưu. Đó có thể là những tin tốt cho USPS.