Thế giới hôm nay: 11/03/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Luiz Inácio Lula da Silva, cựu tổng thống cánh tả của Brazil mới được tuyên bỏ án tham nhũng trong tuần này, đã có một bài phát biểu gay gắt công kích tổng thống cánh hữu đương nhiệm, Jair Bolsonaro, bao gồm cách ông này xử lý vấn đề đại dịch đang ngày càng tồi tệ hơn ở Brazil. Mặc dù bỏ ngỏ khả năng quay lại chính trường, bài phát biểu của ông Lula đã khiến giới quan sát Brazil bàn tán về khả năng ông ra tranh cử đối mặt Bolsonaro vào năm tới.

Lạm phát của Mỹ tăng với tốc độ nhanh nhất trong sáu tháng qua, khi giá cả tăng 0,4% trong tháng 2. Song phần lớn là vì giá năng lượng tăng; trong khi lạm phát cơ bản, tức không tính thực phẩm và nhiên liệu, chỉ tăng 0,1%. Cục Dự trữ Liên bang đã ra dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng tạm thời chấp nhận lạm phát trên mức mục tiêu 2% khi nền kinh tế phục hồi.

Quốc hội Libya thông qua một chính phủ thống nhất lâm thời lãnh đạo đất nước cho đến cuộc bầu cử vào tháng 12 tới. Libya bị tàn phá bởi nội chiến trong nhiều năm qua, vì các cường quốc nước ngoài thay phiên nhau ủng hộ hai chính phủ đối địch vốn nổi lên sau khi phương Tây lật đổ Muammar Qaddafi hồi năm 2011. Abdelhamid Dbeibah sẽ làm thủ tướng lâm thời.

Nation, một tờ báo của Kenya, đưa tin rằng một nhà lãnh đạo châu Phi đang mắc các triệu chứng covid-19 và đang thở máy tại một trong những bệnh viện tư nhân của Kenya. Các báo cáo suy đoán người này chính là John Magufuli, tổng thống Tanzania, người xuất hiện lần cuối trước công chúng từ tháng trước. Trước đây ông Magufuli từng phủ nhận virus không tồn tại ở nước ông, và còn tuyên bố chỉ cần cầu nguyện là đủ chống virus.

Loujain al-Hathloul, một nhà hoạt động nữ quyền Ả Rập Saudi, đã thua vụ kiện phúc thẩm nhằm lật lại các tội danh chống lại cô. Vào tháng 12, cô bị kết án gần sáu năm tù vì các cáo buộc liên quan khủng bố, nhưng được thả vào tháng trước với án treo. Chiến dịch đòi trao quyền lái xe cho phụ nữ của cô thành công khi chính phủ dỡ lệnh cấm vào năm 2018, vài tuần sau khi cô bị bắt.

Inditex, một tập đoàn bán lẻ sở hữu các thương hiệu như Zara và Massimo Dutti, đã công bố lợi nhuận 1,1 tỷ euro (1,3 tỷ USD), giảm gần 70% trong năm tính đến ngày 31/1. Việc phải đóng cửa các cửa hàng đã khiến số giờ giao dịch giảm khoảng một phần tư, trong khi mức tăng doanh số bán hàng trực tuyến 77% chỉ đủ bù đắp một phần.

Theo một báo cáo mới của chính phủ, hệ thống xét nghiệm và truy vết “đánh bại thế giới” của Anh là không hiệu quả. Chương trình truy vết tiếp xúc, vốn được triển khai vào năm 2020, đã thất bại với các mục tiêu chính như thực hiện xét nghiệm tại các cơ sở trực tiếp trong vòng 24 giờ. Ban đầu nó được cấp ngân sách 22 tỷ bảng Anh – tương đương với ngân sách năm của Bộ Giao thông – và vừa mới nhận thêm 15 tỷ bảng.

TIÊU ĐIỂM

10 năm tròn sau vụ khủng hoảng hạt nhân Fukushima

Vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, một trận động đất lớn ở ngoài khơi bờ biển phía đông Nhật Bản đã kích hoạt một trận sóng thần giết chết đến gần 20.000 người và phá hủy hơn 100.000 ngôi nhà. Nó cũng gây ra một cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi, khiến nhà máy bị mất điện và làm ngập các máy phát điện. Vì không thể làm mát các lõi của lò phản ứng, nhiên liệu hạt nhân bắt đầu tan chảy.

Sự kiện này có tác động rất sâu sắc. Chẳng hạn, thủ tướng Đức Angela Merkel đã ra lệnh loại bỏ dần các lò phản ứng hạt nhân ở nước bà. Năng lượng hạt nhân không còn được coi là tối quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho thấy việc đóng cửa và ngừng hoạt động các lò hạt nhân cũ đồng nghĩa các nền kinh tế tiên tiến có thể mất 2/3 công suất hạt nhân vào năm 2040. Song năng lượng hạt nhân nếu được quản lý tốt sẽ an toàn và có thể cung cấp một lượng lớn điện năng không phát thải đáng tin cậy mà thế giới đang cần. Bài học Fukushima là sử dụng năng lượng hạt nhân một cách khôn ngoan, chứ không phải trốn tránh nó.

Châu Âu cứng rắn hơn trong vấn đề nguồn cung vắc-xin

Hôm nay Cơ quan Dược phẩm Châu Âu sẽ quyết định xem có nên phê duyệt loại vắc-xin covid-19 thứ tư hay không.  Loại thuốc này được phát triển bởi Janssen, một công ty con của hãng dược Mỹ Johnson & Johnson. Trong khi Mỹ và Anh khởi động một cách thành công chiến dịch tiêm chủng của họ từ tháng 12, thì châu Âu chỉ đứng bên lề theo dõi. Khối này đã rất chậm trễ trong việc phê duyệt vắc-xin, và rồi tình trạng thiếu hàng còn gây ra chậm trễ hơn nữa.

Giờ thì họ đang mạnh tay hơn. Tuần trước, Ý chặn một lô hàng 250.000 liều vắc-xin được sản xuất trong nước xuất đi Úc. Ngay cả chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng ngụ ý các nước khác có thể làm tương tự. Nguồn cung vắc-xin AstraZeneca-Oxford vốn đã ít thậm chí sẽ còn khan hiếm hơn khi nhiều nước thành viên bắt đầu cấp phép tiêm nó cho những người trên 65 tuổi. Một mối lo lớn là các nước khác có thể trả đũa lệnh cấm của Ý bằng cách hạn chế xuất khẩu các thành phần cần thiết để sản xuất vắc-xin. Mạnh tay sẽ được hoan nghênh ở quê nhà, nhưng châu Âu cũng cần bạn bè và đối tác ở nước ngoài.

Trung Quốc sắp thông qua luật đại tu hệ thống lập pháp Hồng Kông

Quốc hội Trung Quốc dự kiến sẽ thông qua những thay đổi sâu rộng đối với hệ thống bầu cử của Hồng Kông vào hôm nay. Cuộc đại tu sẽ chính thức ngăn các nhà dân chủ ra ứng cử và giật lùi nhiều thập niên phát triển dân chủ ở thành phố tự do nhất trên đất Trung Quốc. Các đề xuất bao gồm việc thành lập một cơ quan kiểm tra lý lịch các ứng viên tranh cử (ở mọi cấp, xuống tận bầu cử khu phố) để đảm bảo họ là “những người yêu nước”, tức những người trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đề xuất cũng bao gồm mở rộng cả hội đồng lập pháp Hồng Kông và ủy ban có nhiệm vụ bầu trưởng đặc khu, nhằm trao nhiều ghế hơn cho các nhóm thân Bắc Kinh. Cả hai cơ quan này đến giờ đều đã gồm toàn những người trung thành với đại lục. Đây là nỗ lực mới nhất của ĐCSTQ nhằm siết Hồng Kông chặt hơn sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ hồi năm 2019. Năm 2020, quốc hội Trung Quốc đã bỏ qua các quan chức địa phương ở Hồng Kông để áp đặt luật an ninh hà khắc lên thành phố này.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu họp bàn về lãi suất

Sẽ có một cuộc tranh luận sôi nổi tại cuộc họp chính sách tiền tệ vào hôm nay. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong khu vực đồng euro, mặc dù vẫn thấp ở nhiều nước, đã nhích lên và vượt qua Mỹ. Vậy Ngân hàng Trung ương Châu Âu nên làm gì? Phe bồ câu lập luận rằng việc tăng lãi suất dài hạn như thế, vốn có thể dẫn đến chi phí tài chính cao hơn cho nền kinh tế nói chung, sẽ gây bất lợi cho sự phục hồi của khu vực đồng euro. Điều này xảy đến đúng vào thời điểm nhiều nơi vẫn đang phong tỏa, trong khi tốc độ tiêm phòng còn chậm.

Trong khi đó, phe diều hâu thoải mái hơn, với một số người coi chúng như một dấu hiệu thể hiện triển vọng tăng trưởng tốt. Do đó, gần như không có nhà bình luận nào dự đoán ngân hàng trung ương sẽ quyết liệt kìm giữ cho lợi suất không tăng.  Song chủ tịch Christine Lagarde có thể sẽ hành động nếu lợi suất tăng quá nhanh, chẳng hạn như nhanh hơn cả tốc độ chương trình mua trái phiếu của ECB. Câu hỏi đặt ra là liệu chỉ lời nói đơn thuần có làm các nhà đầu tư yên lòng hay không.

Rupert Murdoch đã 90 tuổi: câu chuyện thừa kế

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi Rupert Murdoch biến Sun, một tờ báo buồn tẻ, thành một tờ báo lá cải đầy các tin scandal, giật gân và có lợi nhuận. Hôm nay, khi ông đón sinh nhật thứ 90, các công ty của ông, Fox và News Corp, giờ trị giá gần 40 tỷ đô la. Sức nặng kinh tế của chúng chỉ thua mỗi ảnh hưởng chính trị. Fox News, kênh kiếm tiền chính, là kênh truyền hình cáp yêu thích của Mỹ và là la bàn chính trị của phe bảo thủ, những người đã nghe theo lời khuyên của họ là bỏ phiếu cho Donald Trump và coi Covid-19 như bệnh cúm.

Ai sẽ kế thừa cỗ máy đáng sợ này? Con trai cả của Murdoch, Lachlan, đã là giám đốc điều hành của Fox và là đồng chủ tịch, cùng với cha, của News Corp. Nhưng khi Murdoch qua đời, quyền kiểm soát quỹ tín thác gia đình vốn có cổ phần chi phối trong cả hai công ty sẽ được chia cho bốn người con cả của ông. Và không phải tất cả bọn họ đều hòa thuận với nhau. Sẽ có một tấn kịch đáng xem.