Thế giới hôm nay: 01/12/2020

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Iran đã tổ chức tang lễ cho Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân bị ám sát hôm thứ Sáu. Trong buổi lễ được chiếu trên truyền hình, Tướng Amir Hatami, Bộ trưởng Quốc phòng Iran, đã thề sẽ trả thù cho cái chết của ông Fakhrizadeh mà Iran đổ lỗi cho Israel và Hội đồng Kháng chiến Quốc gia Iran, một nhóm đối lập lưu vong. Israel chưa bình luận gì về các tuyên bố này.

General MotorsNikola công bố một thỏa thuận đối tác pin nhiên liệu. Đây là phiên bản chỉnh sửa lại của một thỏa thuận trước đó đã sụp đổ sau khi một người bán khống nêu nghi ngờ về Nikola. Theo thỏa thuận mới, GM sẽ cung cấp hệ thống pin nhiên liệu cho xe bán tải chạy điện của Nikola, nhưng không mua cổ phần của công ty khởi nghiệp này như kế hoạch ban đầu. Cổ phiếu của cả hai công ty đều giảm sau thông báo.

S&P Global đồng ý mua IHS Markit với giá 44 tỷ USD, bao gồm 4,8 tỷ USD nợ. Cái bắt tay giữa hai công ty thông tin tài chính sẽ là thương vụ lớn nhất nước Mỹ trong năm nay. S&P Global nổi tiếng nhất với mảng xếp hạng; trong khi IHS Markit, sản phẩm của vụ sáp nhập hai nhà cung cấp dữ liệu tài chính và thị trường hồi năm 2016, hiện có 50.000 khách hàng.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng chế tạo của Trung Quốc đã tăng từ 51,4 trong tháng 10 lên 52,1 vào tháng 11, tháng thứ chín liên tiếp trên 50, cho thấy tăng trưởng. Kết quả này là mức cao nhất trong hơn ba năm qua, và là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang vươn lên sau phong tỏa vì covid-19. Các chương trình khuyến mãi thương mại điện tử đã giúp thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng.

Việc khai tử LIBOR, chỉ số lãi suất chuẩn làm cơ sở cho các hợp đồng tài chính trị giá hơn 200 nghìn tỷ đô la, đã bị trì hoãn. ICE Benchmark Administration cho biết họ dự định tiếp tục duy trì chỉ số này cho đến ngày 30 tháng 6 năm 2023, muộn hơn 18 tháng so với kế hoạch ban đầu. Cục Dự trữ Liên bang và các cơ quan quản lý khác kêu gọi các ngân hàng rời bỏ LIBOR “càng sớm càng tốt”.

Theo một nghiên cứu của Đại học Imperial và Ipsos MORI, số ca nhiễm Covid-19 đã giảm 30% trong giai đoạn phong tỏa tháng rồi ở Anh. Từ ngày 13 đến ngày 24 tháng 11, có 96 ca nhiễm trên 10.000 dân, so với 130 ca hai tuần trước phong tỏa. Nghiên cứu ước tính hệ số lây nhiễm là 0,88, đồng nghĩa tổng ca nhiễm đang giảm dần.

Hãng công nghệ sinh học Moderna đã xin phép khẩn cấp ở Mỹ và Châu Âu để phân phối vắc-xin covid-19 của mình. Là một trong những ứng viên đầu tiên đạt hiệu quả cao trong các thử nghiệm lâm sàng, vắc-xin của Moderna không cần phải được giữ ở nhiệt độ cực lạnh như Pfizer. Song nó bị coi là tương đối đắt và khó sản xuất với số lượng lớn.

TIÊU ĐIỂM

Triển vọng kinh tế thế giới vẫn ảm đạm

Các dự báo kinh tế hôm nay từ OECD, một tổ chức nghiên cứu liên chính phủ, có cả tin tốt và tin xấu. Tin tốt là thành công trong thử nghiệm nhiều loại vắc-xin covid-19 đã mang lại hy vọng nền kinh tế thế giới có thể phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch trong năm 2021. Tin xấu là giờ đây bắc bán cầu phải vượt qua làn sóng virus mùa đông, điều có thể tạo ra lần suy thoái kinh tế thứ hai ở Mỹ và khu vực đồng euro.

Các chính phủ đã đặt ra các hạn chế mới trong khi người tiêu dùng âu lo. OECD có thể đưa ra lời khuyên về cách thu hẹp khoảng cách bằng nhiều kích thích hơn nữa. Tuy nhiên ở Mỹ, khó có thể có hỗ trợ kinh tế nhiều hơn trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào cuối tháng 1. Ngay cả ngành chế tạo ở châu Á, vốn đã phục hồi mạnh kể từ khi đại dịch bùng phát, giờ cũng bắt đầu có dấu hiệu suy yếu.

Salesforce có thể mua Slack

Kết quả kinh doanh quý ba của Salesforce công bố hôm nay có thể đi kèm thông báo một thương vụ lớn. Người khổng lồ phần mềm kinh doanh được cho là đang đàm phán mua Slack, một nhà sản xuất phần mềm nhắn tin tức thời chuyên nghiệp, với giá hơn 17 tỷ đô la. Sức hấp dẫn của thỏa thuận là rõ ràng. Slack, được các lập trình viên và công ty khởi nghiệp ưa chuộng, đã không đầu tư đủ vào gọi video và bỏ lỡ dịp bùng nổ họp trực tuyến vì đại dịch. Giờ đây, Slack cần nhiều cơ bắp hơn để cạnh tranh với Zoom và Microsoft Teams.

Nhà sáng lập Salesforce Marc Benioff có thể mang lại điều họ cần. Việc mua Slack sẽ tiếp tục mở rộng công ty của ông vượt xa ra khỏi sản phẩm cốt lõi là phần mềm quản lý quan hệ khách hàng. Salesforce cung cấp cho khách hàng mọi thứ, từ phân tích kinh doanh, các công cụ trí tuệ nhân tạo, cho đến AppExchange, một phiên bản dành cho phần mềm kinh doanh thành công tương tự như App Store đối với Apple. Sự kết hợp này thậm chí có thể khiến Microsoft lo lắng. Cả hai công ty đều gây khó khăn cho gã khổng lồ công nghệ; Slack đã nộp đơn khiếu nại độc quyền nhắm vào Teams. Nếu thành công, thỏa thuận sẽ giúp đưa Salesforce, một hãng quy mô trung bình, vào hàng ngũ các công ty lớn nhất trong ngành công nghệ.

Úc gỡ phong tỏa biên giới bang

Ba bang đông dân nhất nước Úc đã mở cửa trở lại. Queensland, New South Wales và Victoria, tạo nên bờ biển phía đông của Úc, vốn áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới với nhau sau khi Melbourne, thành phố lớn nhất Victoria, trải qua đợt gia tăng ca nhiễm covid-19 đột biến trong mùa hè. Sau nhiều tuần ít ca nhiễm, ba bang đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế đối với nhau từ tháng trước. Hôm nay Queensland sẽ gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát cuối cùng khi mở lại biên giới cho người đến từ Victoria và khu vực Đại Sydney, ở bang New South Wales.

Các hạn chế biên giới nội bộ của Úc gây nhiều tranh cãi, nhưng đã giúp giữ các đợt bùng dịch covid-19 ở phạm vi địa phương. Theo số liệu của chính phủ, đang có ít hơn 70 ca đang được điều trị trên toàn quốc, hầu hết là nhiễm từ nước ngoài. Tất cả những điều này đã giúp tỉ lệ ủng hộ của Thủ tướng Scott Morrison lên cao hơn bao giờ hết: 2/3 người Úc tán thành ông, từ mức dưới 40% vào tháng 2 năm ngoái.

Nestlé USA và Cargill bị kiện lạm dụng lao động trẻ em

Sáu người từng là nô lệ trẻ em từ Mali sẽ yêu cầu Tòa án tối cao Mỹ cho phép họ kiện hai gã khổng lồ kinh doanh nông sản vì những hành vi lạm dụng mà họ phải chịu tại các trang trại ca cao ở Bờ Biển Ngà hai thập niên trước. Các nguyên đơn, thời điểm đó từ 12 đến 14 tuổi, nói Nestlé USA và Cargill đã hỗ trợ và tiếp tay cho tình trạng suy dinh dưỡng và bị tra tấn của họ. Các nguyên đơn khẳng định các công ty biết các đồn điền sử dụng “lao động nô lệ trẻ em”, nhưng vẫn tiếp tục tìm nguồn ca cao “giá rẻ” từ họ.

Các công ty nói họ không làm gì sai. Vào năm 2018, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết 5-4 rằng các công ty nước ngoài không thể chịu trách nhiệm pháp lý theo Đạo luật Làm hại Người nước ngoài, một đạo luật năm 1789 cho phép những người không phải công dân Mỹ tìm kiếm bồi thường tại các tòa án Hoa Kỳ về các vi phạm luật quốc tế ở nước ngoài. Nestlé và Cargill cho rằng các công ty Mỹ cũng không phải chịu trách nhiệm. Đa số bảo thủ được củng cố gần đây của Tòa án Tối cao được cho là sẽ đồng ý với họ. Trong khi đó ở Ghana và Bờ Biển Ngà, ước tính có khoảng 1,6 triệu trẻ em đang thu hoạch ca cao trong tình trạng bị lạm dụng.