23/03/1983: Reagan kêu gọi sử dụng công nghệ chống tên lửa mới

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: President Reagan calls for new antimissile technology, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1983, trong một bài phát biểu trước cả nước, Tổng thống Ronald Reagan đề xuất Mỹ nên bắt tay vào chương trình phát triển công nghệ chống tên lửa có thể khiến nước này gần như không thể bị tấn công bằng tên lửa hạt nhân. Bài phát biểu của Reagan đánh dấu sự khởi đầu của cái được gọi là “Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược” (Strategic Defense Initiative – SDI) đầy tranh cãi.

Bất chấp việc ông có luận điệu chống cộng mạnh mẽ, Reagan đã coi việc kiểm soát vũ khí hạt nhân là một trong những điểm mấu chốt trong chính quyền của mình. Tuy nhiên, đến năm 1983, các cuộc đàm phán với Liên Xô đã bị đình trệ do các vấn đề như: loại vũ khí nào nên được kiểm soát, loại biện pháp kiểm soát nào nên được thiết lập và làm thế nào để đánh giá mức độ tuân thủ các biện pháp kiểm soát đó. Đây cũng là thời điểm Reagan trở nên đặc biệt quan tâm đến ý tưởng được đề xuất bởi một số cố vấn quân sự và khoa học của mình, bao gồm cả Tiến sĩ Edward Teller, “cha đẻ của bom hydrogen.”

Cụ thể, đề xuất này là một chương trình khổng lồ, liên quan đến việc xây dựng hệ thống vệ tinh chống tên lửa sở hữu chùm tia laze hoặc các phương tiện khác để đánh bật tên lửa hạt nhân của Liên Xô khỏi bầu trời trước khi chúng có cơ hội tác động đến nước Mỹ. Reagan kêu gọi các nhà khoa học trên khắp đất nước “đóng góp tài năng tuyệt vời của mình” cho “tầm nhìn tương lai mang lại hy vọng.” Ông thừa nhận rằng một chương trình phức tạp như thế có thể “không được hoàn thành trước cuối thế kỷ này.”

Bài phát biểu của Reagan đã đặt nền tảng cho cái được gọi là Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược, dù giới chuyên gia ngay lập tức gọi nó là “Sáng kiến Chiến tranh Giữa Các Vì sao” (Star Wars Initiative). Một số nhà khoa học chỉ ra rằng ngay cả khi SDI có thể phá hủy đến 95% tên lửa của Liên Xô, thì 5% còn lại cũng đủ để phá hủy toàn bộ hành tinh. Tuy nhiên, Quốc Hội vẫn quyết định bắt đầu tài trợ cho chương trình, mà đến năm 1993 đã tiêu tốn hơn 30 tỷ đô la (nhưng gần như không thể hiện thành quả nào).

Liên Xô kiên quyết phản đối SDI và cuộc họp thượng đỉnh năm 1986 giữa Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã kết thúc trong thất bại khi Gorbachev kiên quyết rằng việc nối lại đàm phán kiểm soát vũ khí sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ có chấm dứt SDI hay không.

Đến tháng 12/1987, Gorbachev – tuyệt vọng mong mỏi một thành tựu về chính sách đối ngoại, đồng thời muốn giảm bớt gánh nặng ngân sách quốc phòng – đành phải từ bỏ hành động phản đối chương trình SDI, và Hiệp ước Cắt giảm Tên lửa Hạt nhân Tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces, INF) cuối cùng đã được ký kết. Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược chưa bao giờ thực sự thành công. Vào giữa những năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ, và trong bối cảnh chi phí tăng vọt, SDI đã âm thầm bị gác lại.