20/04/2010: BP gặp sự cố tràn dầu tại Vịnh Mexico

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Massive oil spill begins in Gulf of Mexico, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2010, một vụ nổ và theo sau là hỏa hoạn trên giàn khoan dầu Deepwater Horizon ở Vịnh Mexico, khoảng 50 dặm ngoài khơi bờ biển Louisiana, giết chết 11 người và gây ra sự cố tràn dầu ngoài khơi lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Giàn khoan này đang trong giai đoạn cuối cùng của việc khoan giếng thăm dò cho BP, tập đoàn dầu khí khổng lồ của Anh. Vào thời điểm giếng dầu được đóng lại ba tháng sau đó, ước tính có khoảng 4,9 triệu thùng (tương đương khoảng 206 triệu gallon) dầu thô đã tràn ra Vịnh.

Thảm họa bắt đầu khi một luồng khí tự nhiên từ giếng bất ngờ trào lên khỏi một đường ống dẫn khí tới bệ giàn khoan, nơi nó gây ra một loạt vụ nổ và một đám cháy lớn. Trong số 126 người đang có mặt trên Deepwater Horizon dài gần 400m, 11 công nhân đã thiệt mạng và 17 người khác bị thương nặng. Ngọn lửa cháy suốt hơn một ngày trước khi giàn khoan, được xây dựng với giá 350 triệu đô la vào năm 2001, chìm sâu 1.524m dưới mặt nước vào ngày 22/04.

Trước khi sơ tán Deepwater Horizon, các công nhân đã cố gắng kích hoạt một thiết bị an toàn gọi là thiết bị chống phun dầu (blowout preventer, BOP) nhằm ngăn chặn dầu chảy ra khỏi giếng trong trường hợp khẩn cấp nhưng không thành công. Trong ba tháng tiếp theo, người ta đã thử rất nhiều kỹ thuật khác nhau nhằm cố gắng bịt miệng giếng, nơi đang phun hàng nghìn thùng dầu ra Vịnh Mexico mỗi ngày. Cuối cùng, vào ngày 15/07, BP thông báo giếng đã được đóng nắp tạm thời và vào ngày 19/09, sau khi xi măng được bơm vào giếng để vĩnh viễn chặn đứng dòng chảy, chính phủ liên bang tuyên bố giếng dầu đã bị đóng. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, dầu đã tràn đến tận vùng ven biển Louisiana, Mississippi, Alabama và Florida, gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của các khu vực này, đặc biệt là ngành đánh bắt cá, du lịch, và đời sống của động vật hoang dã. Các nhà khoa học cho biết có thể phải mất hàng chục năm để đánh giá toàn diện mức độ tàn phá môi trường của vụ việc.

Tháng 01/2011, một ủy ban điều tra quốc gia đã công bố một báo cáo kết luận thảm họa Deepwater Horizon là “có thể biết trước và có thể phòng ngừa” và nó là kết quả của “lỗi do con người, sai lầm kỹ thuật và lỗi của quản lý,” cùng với các quy định không hiệu quả của chính phủ. Tháng 11/2012, tập đoàn BP đã đồng ý nhận tội đối với 14 cáo buộc hình sự do Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra và nộp 4,5 tỷ đô la tiền phạt. Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã kết tội hai nhà quản lý của BP, những người đã giám sát việc kiểm tra trên giếng, với tội danh ngộ sát, trong khi một giám đốc điều hành khác của tập đoàn bị kết án vì đưa ra những tuyên bố sai lệch về quy mô của vụ tràn dầu. Tháng 07/2015, BP đã đồng ý trả tổng cộng 18,7 tỷ USD tiền phạt.