15/12/2011: Mỹ tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Iraq

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: U.S. declares an end to the War in Iraq, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2011, trong một buổi lễ được tổ chức tại Baghdad, cuộc chiến bắt đầu vào năm 2003 bằng cuộc xâm lăng Iraq do người Mỹ lãnh đạo đã chính thức chấm dứt. Mặc dù ngày 15/12/2011 được coi là ngày kết thúc chính thức của Chiến tranh Iraq, bạo lực vẫn tiếp tục và trên thực tế còn trở nên tồi tệ hơn trong những năm sau đó. Việc rút quân là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Barack Obama, nhưng khi ông rời nhiệm sở, Mỹ lại tiếp tục tiến hành các chiến dịch quân sự ở Iraq.

Năm ngày sau vụ tấn công ngày 11/9, Tổng thống George W. Bush tuyên bố bắt đầu Cuộc chiến chống khủng bố (War on Terror), thuật ngữ chung dùng để chỉ một loạt các cuộc tấn công quân sự phủ đầu nhằm giảm bớt mối đe dọa khủng bố nhắm vào Mỹ. Đợt tấn công đầu tiên theo kiểu này là cuộc xâm lược Afghanistan vào tháng 10/2001, khởi đầu cho một cuộc chiến kéo dài đến tận ngày nay.

Trong suốt năm 2002, Chính quyền Bush lập luận rằng Tổng thống Iraq Saddam Hussein đã liên minh với những kẻ khủng bố và phát triển “vũ khí hủy diệt hàng loạt.” Quả thật, Hussein phải chịu trách nhiệm về nhiều tội ác, nhưng hiếm có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy ông ta đang phát triển vũ khí hạt nhân hoặc hóa học. Đằng sau những cánh cửa đóng kín, các quan chức tình báo đã cảnh báo về việc tiến hành chiến tranh dựa trên sự phỏng đoán, một cuộc điều tra của Anh sau đó đã tiết lộ rằng một báo cáo mô tả về vũ khí hóa học của Iraq thực chất đến từ bộ phim hành động The Rock do Michael Bay đạo diễn. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ và Anh vẫn kiên quyết tuyên bố công khai rằng Hussein đặt ra một mối đe dọa cho lãnh thổ của họ, và tiếp tục tiến hành cuộc xâm lược.

Cuộc xâm lược đã thành công ngay lập tức khi liên quân lật đổ chính phủ Hussein, và chiếm đóng hầu hết Iraq vào giữa tháng 04. Tuy nhiên, sau đó là tám năm nổi dậy và bạo lực giữa các phe phái. Kỳ vọng của lính Mỹ rằng người Iraq sẽ chào đón họ với tư cách là những người giải phóng, và nhanh chóng hình thành một nền dân chủ đa nguyên, ổn định, đã sớm trở thành điều phi thực tế. Mặc dù liên quân đã thành lập một chính phủ mới nhậm chức vào năm 2006, nhưng họ chưa bao giờ tiến gần đến việc bình định đất nước. Các cuộc tấn công của du kích, đánh bom tự sát và các vụ nổ với thiết bị tự chế tiếp tục cướp đi sinh mạng của hàng nghìn binh lính và thường dân; ngoài ra, dân quân hai phái Sunni và Shia còn tổ chức nhiều đợt thanh lọc sắc tộc lẫn nhau.

Công chúng Mỹ vẫn hoài nghi về cuộc chiến, và nhiều người đã kinh hoàng trước các báo cáo về sự tàn bạo của quân đội và CIA. Những bức ảnh bị rò rỉ đã chứng minh rằng người Mỹ đã vi phạm nhân quyền tại nhà tù Abu Ghraib, và vào năm 2007, các nhà thầu quân sự Mỹ đã giết chết 17 thường dân tại Quảng trường Nisour của Baghdad. Phản đối chiến tranh đã trở thành một luận điểm quan trọng trong nỗ lực tranh cử tổng thống của ông Obama.

Vào ngày đầu năm mới 2009, ngay trước khi ông Obama nhậm chức, Mỹ đã trao quyền kiểm soát Vùng Xanh (Green Zone) – khu vực ở Baghdad nơi đóng trụ sở của liên quân – cho Chính phủ Iraq. Quốc Hội chính thức chấm dứt việc uỷ quyền tiến hành chiến tranh vào tháng 11, và các binh sĩ cuối cùng đã rút quân trong tháng tiếp theo. Ngay cả theo ước tính thấp nhất, Chiến tranh Iraq đã cướp đi hơn 100.000 sinh mạng; còn các ước tính khác cho rằng con số này lớn hơn nhiều, với ít nhất 205.000 dân thường thiệt mạng.

Trong ba năm tiếp theo, bạo lực phe phái liên tục đã phát triển thành một cuộc nội chiến toàn diện. Nhiều nhóm dân quân được thành lập trong Chiến tranh Iraq đã sáp nhập hoặc hợp tác với các nhóm cực đoan ở nước láng giềng Syria, cũng vừa trải qua một cuộc nội chiến đẫm máu. Tính đến năm 2014, Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Cận Đông (ISIL), vốn sáp nhập nhiều nhóm như vậy, đã kiểm soát phần lớn Syria và Iraq. Sự trỗi dậy gây sốc của ISIL khiến Obama phát động các chiến dịch quân sự mới trong khu vực, kể từ tháng 06/2014. Mặc dù ISIL hiện đã bị đẩy ra khỏi Iraq và dường như bị suy yếu đi rất nhiều, quân đội Mỹ vẫn đang tích cực hoạt động ở Iraq, 16 năm sau cuộc xâm lược đầu tiên và tám năm sau khi Chiến tranh Iraq chính thức kết thúc.