27/05/1905: Trận Eo biển Tsushima

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Battle of Tsushima Strait, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1905, trong Chiến tranh Nga-Nhật, Hạm đội Baltic của Nga đã gần như bị tiêu diệt hoàn toàn trong trận Eo biển Tsushima (Eo biển Đối Mã). Trận đánh mang tính quyết định này, với chỉ 10 trong số 45 tàu chiến Nga trốn thoát đến nơi an toàn, đã thuyết phục các nhà lãnh đạo Nga rằng việc tiếp tục chống lại mưu đồ ở Đông Á của Đế quốc Nhật Bản là vô vọng.

Ngày 08/02/1904, sau khi bị Nga bác bỏ kế hoạch nhằm phân chia Mãn Châu và Triều Tiên thành các vùng ảnh hưởng, người Nhật đã phát động một cuộc tấn công hải quân bất ngờ nhắm vào Cảng Arthur, một căn cứ hải quân của Nga ở Trung Quốc. Đây là trận đánh lớn đầu tiên của thế kỷ 20, và hạm đội Nga đã bị phá hủy nặng nề. Sau khi chiến tranh nổ ra, Nhật đã giành được một loạt chiến thắng quyết định trước Nga, những người đánh giá thấp tiềm lực quân sự của đối thủ ‘không phải phương Tây’ này.

Tháng 01/1905, căn cứ hải quân chiến lược tại Cảng Arthur đã rơi vào tay lực lượng hải quân và bộ binh Nhật Bản dưới quyền Đô đốc Heihachiro Togo. Sang tháng 3, lính Nga lại bị Thống chế Iwao Oyama đánh bại tại Thẩm Dương, Trung Quốc.

Sa hoàng Nicholas II hy vọng rằng hạm đội Baltic của Nga dưới sự chỉ huy của Đô đốc Zinovy Rozhestvensky có thể thách thức uy thế trên biển của Đô đốc Togo, nhưng trong trận đánh kéo dài hai ngày tại Eo biển Tsushima, bắt đầu vào ngày 27/05, hơn 30 tàu Nga đã bị đánh chìm hoặc bị chiếm bởi các tàu chiến với sức mạnh vượt trội của Nhật. Tháng 8, chiến thắng liên hoàn của Nhật đã thuyết phục Nga phải chấp nhận hiệp ước hòa bình do Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt làm trung gian tại Portsmouth, New Hampshire. (Roosevelt sau đó đã được trao giải Nobel Hòa bình cho thành tựu này.) Trong Hiệp ước Portsmouth, Nga công nhận Nhật là cường quốc thống trị ở Triều Tiên và nhường Cảng Arthur, cùng nửa phía nam của đảo Sakhalin (người Nhật gọi là đảo Karafuto) và bán đảo Liêu Đông cho Nhật Bản.

Sau cuộc xung đột này, Nhật đã nổi lên với tư cách là cường quốc hiện đại đầu tiên không thuộc phương Tây và đặt mục tiêu ngày càng mở rộng đế quốc của mình. Còn đối với Nga, màn thể hiện thảm hại của quân đội nước này là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến Cách mạng Nga 1905.