Nguồn: “China’s Communist Party at 100: the secret of its longevity”, The Economist, 26/06/2021.
Biên dịch: Phan Nguyên
Vào ngày 1 tháng 7, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của mình. Đảng luôn tự gọi mình là “vĩ đại, vinh quang và đúng đắn”. Và khi bắt đầu thế kỷ thứ hai, đảng có lý do chính đáng để tự hào. Đảng không chỉ tồn tại lâu hơn nhiều so với dự đoán của nhiều nhà phê bình; mà thậm chí còn tỏ ra ngày càng mạnh hơn. Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, nhiều chuyên gia đã nghĩ rằng Trung Quốc cũng sẽ sụp đổ theo. Để biết họ đã nhận định sai như thế nào, hãy xem việc Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố tại một hội nghị thượng đỉnh vào ngày 13 tháng 6 vừa qua rằng không chỉ Mỹ mâu thuẫn với Trung Quốc, mà phần lớn thế giới nghi ngờ “liệu các nền dân chủ có thể cạnh tranh [được với Trung Quốc] hay không ”.
Một đảng đã cai trị Trung Quốc trong 72 năm mà không có sự trao quyền của cử tri. Đó không phải là một kỷ lục thế giới. Lenin và những người thừa kế đã nắm giữ quyền lực ở Moskva lâu hơn một chút, tương tự là Đảng Lao động ở Triều Tiên. Nhưng không có chế độ độc tài nào khác có thể chuyển mình từ một chế độ đói kém như Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với công nghệ và cơ sở hạ tầng tiên tiến khiến những con đường và hệ thống đường sắt sắt ọp ẹp của Mỹ phải xấu hổ. Những người cộng sản Trung Quốc đã trở thành những nhà độc tài thành công nhất thế giới.
Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể duy trì quyền lực của mình vì ba lý do. Đầu tiên, đảng rất tàn nhẫn. Đúng vậy, họ từng do dự trước khi đè bẹp các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Nhưng cuối cùng đảng đã đáp trả người biểu tình bằng súng đạn, khiến đất nước phải khuất phục.
Các nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc không có dấu hiệu gì cảm thấy hối tiếc về vụ thảm sát. Ngược lại, Chủ tịch Tập Cận Bình than thở rằng Liên Xô sụp đổ vì các nhà lãnh đạo của họ không đủ “sức mạnh để đứng lên và kháng cự” tại thời điểm quan trọng. Điều đó hàm ý rằng: không giống như chúng tôi, họ không có gan để tàn sát những người biểu tình không vũ trang bằng súng máy.
Lý do thứ hai lý giải khả năng cầm quyền lâu dài của đảng là sự linh hoạt về ý thức hệ. Chỉ vài năm sau khi Mao qua đời vào năm 1976, một nhà lãnh đạo mới, Đặng Tiểu Bình, bắt đầu loại bỏ các “công xã nhân dân” vốn kiềm chế năng suất lao động của vị cố chủ tịch và thiết lập các lực lượng thị trường hoạt động hiệu quả ở nông thôn. Những người theo chủ nghĩa Mao đã không hài lòng, nhưng sản lượng đã tăng vọt. Sau biến cố Thiên An Môn và sự sụp đổ của Liên Xô, Đặng đã chiến đấu chống lại các thành phần Mao-ít bảo thủ và đón nhận chủ nghĩa tư bản với lòng nhiệt thành lớn hơn. Điều này dẫn đến việc đóng cửa nhiều công ty quốc doanh và tư nhân hóa nhà ở. Hàng triệu người mất việc làm, nhưng Trung Quốc đã phát triển vượt bậc.
Dưới thời ông Tập, đảng đã thay đổi một lần nữa, để tập trung vào ý thức hệ chính thống. Những người tiền nhiệm gần đây của ông đã cho phép một mức độ bất đồng chính kiến nhất định; nhưng ông Tập đã chấm dứt điều đó. Mao một lần nữa được ca ngợi. Các cán bộ của Đảng thấm nhuần “tư tưởng Tập Cận Bình”. Bộ máy hành chính, quân đội và cảnh sát đã thanh trừng những quan chức lệch lạc và tham nhũng. Các doanh nghiệp lớn đang được chấn chỉnh. Ông Tập đã xây dựng lại đảng từ cơ sở, tạo ra một mạng lưới theo dõi ở địa phương và đưa cán bộ vào các công ty tư nhân để giám sát họ. Xã hội chưa bao giờ bị kiểm soát chặt chẽ như vậy kể từ thời Mao.
Nguyên nhân thứ ba dẫn đến thành công của đảng là Trung Quốc đã không biến mình thành một chế độ “đạo tặc” hoàn toàn, trong đó của cải chỉ dành cho những người có quan hệ tốt. Tham nhũng đúng là đã trở nên tràn lan, và những gia đình quyền lực nhất thực sự là những người siêu giàu. Nhưng nhiều người cảm thấy cuộc sống của họ cũng đang được cải thiện và đảng đủ tinh để nhận ra những mong muốn của họ. Đảng đã bãi bỏ thuế nông thôn và tạo ra một hệ thống phúc lợi cung cấp lương hưu và trợ cấp chăm sóc y tế cho tất cả mọi người. Các lợi ích không phải là nhiều, nhưng chúng được đánh giá cao.
Trong những năm qua, các nhà quan sát phương Tây đã tìm ra rất nhiều lý do để dự đoán sự sụp đổ của đảng. Có chắc chắn là sự kiểm soát của một nhà nước độc đảng sẽ không thể tương thích với sự tự do mà một nền kinh tế hiện đại yêu cầu hay không? Một ngày nào đó, chắc chắn đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ cạn kiệt, dẫn đến sự vỡ mộng và các cuộc biểu tình. Hoặc nếu không, tầng lớp trung lưu rộng lớn mà tăng trưởng kinh tế tạo ra chắc chắn sẽ đòi hỏi nhiều quyền tự do hơn – đặc biệt là vì rất nhiều con cái của họ đã được tự mình trải nghiệm dân chủ khi họ theo học ở phương Tây.
Những dự đoán này đã bị “việt vị” trước sự ủng hộ kéo dài mà người dân dành cho Đảng Cộng sản. Nhiều người Trung Quốc đánh giá cao Đảng vì giúp cải thiện sinh kế cho họ. Đúng là lực lượng lao động của Trung Quốc đang già đi, thu hẹp lại và quen với việc được nghỉ hưu sớm một cách quá mức, nhưng đó là những khó khăn mà chính phủ nào cũng gặp phải, dù có độc tài hay không. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ dường như vẫn sẽ tiếp tục trong một thời gian nữa.
Nhiều người Trung Quốc cũng ủng hộ các biện pháp mạnh tay của đảng. Họ nói hãy xem Trung Quốc đã nghiền nát Covid-19 và vực dậy nền kinh tế của mình nhanh chóng như thế nào, trong khi các nước phương Tây vẫn đang vấp ngã. Họ thích thú với ý tưởng về việc khôi phục niềm tự hào và sức mạnh của Trung Quốc trên vũ đài thế giới. Điều này phù hợp với thứ chủ nghĩa dân tộc mà đảng đang muốn thúc đẩy. Truyền thông nhà nước gắn đảng với quốc gia và văn hóa dân tộc, trong khi đả kích Mỹ là vùng đất của bạo loạn chủng tộc và các vụ thảm sát bằng súng. Họ cho rằng lựa chọn khác ngoài chế độ độc đảng chính là sự hỗn loạn.
Khi bất đồng chính kiến nổi lên, ông Tập sử dụng công nghệ để giải quyết trước khi nó tích tụ. Đường phố Trung Quốc tràn ngập camera, được tăng cường bởi các phần mềm nhận dạng khuôn mặt. Các phương tiện truyền thông xã hội bị giám sát và kiểm duyệt. Các quan chức có thể giải quyết vấn đề từ sớm hoặc bắt giam những công dân dám nêu các vấn đề này lên. Những người có suy nghĩ “lệch lạc” có thể bị mất việc làm và mất cả tự do. Cái giá cho sự thành công của đảng, thông qua đàn áp tàn bạo, quả thật khủng khiếp.
Không đảng nào tồn tại mãi mãi
Mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với ông Tập không đến từ quần chúng, mà từ chính nội bộ đảng. Bất chấp mọi nỗ lực của Tập, đảng vẫn hứng chịu chủ nghĩa bè phái, sự thiếu trung thành và sự buông thả về ý thức hệ. Các đối thủ bị cáo buộc âm mưu tiếm quyền đã bị bỏ tù. Chính trị Trung Quốc ngày càng trở nên thiếu minh bạch hơn trong những thập niên qua, nhưng những cuộc thanh trừng không ngừng của ông Tập cho thấy ông nhận ra vẫn còn nhiều kẻ thù giấu mặt.
Thời điểm bất ổn lớn nhất có thể sẽ là thời điểm diễn ra sự chuyển giao quyền lực. Không ai biết ai sẽ thay thế ông Tập, hoặc thậm chí đâu là những quy tắc điều chỉnh quá trình chuyển giao đó. Khi loại bỏ các giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước vào năm 2018, Tập đã báo hiệu rằng ông muốn nắm giữ quyền lực vô thời hạn. Nhưng điều đó có thể làm cho việc chuyển giao quyền lực sau này thêm bất ổn. Mặc dù nguy cơ đối với đảng không nhất thiết sẽ dẫn đến một nền cai trị văn minh hơn mà những người yêu tự do mong muốn, nhưng đến một lúc nào đó, ngay cả triều đại này của Trung Quốc cũng sẽ cáo chung.