Nhật ký Bắc Kinh (05/02/21): Phản ứng của TQ trước đảo chính ở Myanmar

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asia, 02/2021.

Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Chiều thứ Năm (04/02/2021) vừa qua an ninh được thắt chặt ở Đại sứ quán Myanmar tại Bắc Kinh.

Bốn lính vũ cảnh đứng gác, bình thường chỉ có hai người. Ngoài ra còn có hai cảnh sát trong một chiếc xe đậu trước cổng.

Không nghi ngờ gì: đại sứ quán đang được bảo vệ nghiêm ngặt hơn so với các đại sứ quán Indonesia và Afghanistan liền kề.

Hôm thứ Hai (01/02/2021), quân đội Myanmar đã tổ chức đảo chính, bắt giữ cố vấn nhà nước và nhà lãnh đạo trên thực tế của đất nước, Aung San Suu Kyi.

Đây là một nỗ lực dùng vũ lực lật đổ chính phủ dân cử. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu người biểu tình kéo đến đại sứ quán Myanmar ở Bắc Kinh. Trung Quốc có lẽ muốn thắt chặt an ninh để ngăn chặn bất kỳ tình huống bất ngờ nào ở thủ đô.

Nhưng còn quá sớm để nói liệu chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình có đang đơn phương ủng hộ quân đội Myanmar hay không.

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đưa tin rộng rãi về việc người dân Myanmar đập xoong nồi để phản đối đảo chính. Ít nhất thì tới nay Trung Quốc vẫn chưa cấm đưa các tin này.

Có vẻ nó phản ánh nỗ lực của nhóm ông Tập nhằm duy trì quan hệ với cả các lực lượng ủng hộ dân chủ, bao gồm bà Suu Kyi, lẫn quân đội Myanmar.

Ông Tập đã đến thăm Myanmar vào giữa tháng 1 năm ngoái, ngay trước khi coronavirus bùng phát ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Đó là chuyến thăm đầu tiên tới quốc gia Đông Nam Á này của một chủ tịch Trung Quốc trong 19 năm qua.

Chuyến đi của ông Tập tới Myanmar diễn ra vào thời điểm bà Suu Kyi bị cộng đồng quốc tế chỉ trích mạnh mẽ vì đàn áp người thiểu số Hồi giáo Rohingya. Lúc ấy ông Tập hứa với bà Suu Kyi là Trung Quốc sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Myanmar.

Dường như bà Suu Kyi đã cảm thấy cần phải đáp lễ. Trong một tuyên bố chung, Myanmar ủng hộ “nỗ lực giải quyết các vấn đề Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương” của Trung Quốc – cho thấy bà Suu Kyi hiểu rõ chính sách của Trung Quốc trên các vấn đề này, mặc dù nhận thức được nó sẽ càng làm leo thang căng thẳng với các nước phương Tây về vấn đề nhân quyền.

Vào thời điểm đó, chắc chắn ông Tập đã coi bà Suu Kyi là một “người bạn” đáng tin cậy. Khi Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11 năm ngoái, ông Tập cũng gửi điện mừng tới bà Suu Kyi, người giữ chức chủ tịch đảng. Trong thư, ông Tập bày tỏ hy vọng làm việc với bà Suu Kyi để “làm sâu sắc hơn sự trao đổi và học hỏi lẫn nhau” giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và NLD.

Khó có thể nói ông Tập lại dễ dàng phản bội bà Suu Kyi, khi mà ông đã từng cam kết duy trì tình bạn với bà. Ban lãnh đạo của ông dường như đang tìm cách duy trì khoảng cách cân bằng với cả lực lượng vũ trang và lực lượng ủng hộ dân chủ.

Vẫn chưa thể khẳng định quân đội Myanmar đã kiểm soát hoàn toàn nền chính trị quốc gia. Vẫn có khả năng lực lượng dân chủ sẽ giành lại quyền lực với sự hậu thuẫn của dư luận và áp lực quốc tế.

Nhóm ông Tập có lẽ đang muốn chờ đợi để không bị thiệt khi gió trở chiều.

Vào chiều thứ Năm, ông Tập đã đến Quý Dương, tỉnh Quý Châu, cách biên giới với Myanmar khoảng 1.000 km.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc sẽ bắt đầu từ ngày 11 tháng 2. Vì vậy ông Tập đã đến thăm một siêu thị ở Quý Dương để xem có đủ hàng hóa cho người dân địa phương đón Tết hay không.

Phải chăng ông Tập đang nhận thấy Trung Quốc có một vị trí thuận lợi trong cuộc chiến “kéo co” quốc tế về tình hình Myanmar? Ông xuất hiện với điệu bộ khá thoải mái trên sóng Truyền hình Trung ương./.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.