Nhật ký Bắc Kinh (25/12/20): Dấu hỏi về số phận của Alibaba

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asia, 12/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tin tức sáng thứ Năm (24/12/2020) là một cú sốc với nhiều người ở Bắc Kinh: chính quyền Trung Quốc mở cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group Holding.

Tổng cục Quản lý Thị trường Quốc gia cho biết họ đang điều tra các hoạt động kinh doanh bị cáo buộc của Alibaba – chẳng hạn như yêu cầu nhà cung cấp niêm yết độc quyền sản phẩm trên nền tảng của Alibaba – điều bị coi là vi phạm luật chống độc quyền.

Alibaba thống trị hơn một nửa thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc. Thật ra đã có tin đồn nói công ty này buộc người bán phải lựa chọn Alibaba hoặc các nền tảng khác, dựa trên ưu thế vượt trội của mình.

Cũng trong ngày thứ Năm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc – ngân hàng trung ương của nước này – thông báo sẽ cùng với Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc bắt đầu giám sát công ty tài chính Ant Group của Alibaba. Hồi tháng 11, Ant bị hoãn IPO ở Thượng Hải và Hồng Kông. Khi ấy nhà chức trách vào phút chót đã cho dừng vụ niêm yết 35 tỷ USD, vốn được coi là lớn nhất thế giới từ trước đến nay.

Vụ ngừng niêm yết được nhiều người coi là một lời răn đe nghiêm khắc đối với nhận xét của Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, tại một diễn đàn tài chính ở Thượng Hải hồi giữa tháng 10: “Đổi mới tốt không sợ giám sát, mà sợ giám sát lỗi thời.”

Nó bị coi là một lời thách thức quyền lực của Đảng Cộng sản, khiến chính phủ Chủ tịch Tập Cận Bình phải nhanh chóng chặn IPO. Kể từ đó, ông Ma không xuất hiện trước công chúng, làm dấy lên tin đồn chính bản thân ông cũng đang bị điều tra.

Một nhà nghiên cứu tại một tổ chức tư vấn thuộc chính phủ Trung Quốc đã giải thích việc siết chặt Alibaba như sau: “Ant giống như một kẻ cho vay nặng lãi. Nếu nhà chức trách không làm gì với Ma, người lãnh đạo Ant, công chúng có thể nổi dậy chống lại chính phủ.”

Ông Ma, một doanh nhân có sức hút, người được xem là hiện thân của giấc mơ Trung Hoa, thực sự rất nổi tiếng. Nhưng đế chế của ông đã phát triển lớn đến mức một số nhà quan sát cho rằng người dân Trung Quốc đã bắt đầu chán ghét ông và khối tài sản khổng lồ của ông. Chính phủ, có lẽ muốn làm hài lòng dư luận, đang siết chặt Alibaba.

Chiều thứ Năm, tôi ghé qua trụ sở chính tại Bắc Kinh của Alibaba, nằm trên đường đến Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh. Dường như cuộc điều tra của Tổng cục Quản lý Thị trường Quốc gia chủ yếu nhắm đến trụ sở chính của hãng ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Tôi thấy có một vài người vào ra nơi này.

Alibaba có kế hoạch chuyển trụ sở chính ở Bắc Kinh đến tòa nhà Citic sắp xây xong ở khu thương mại Guomao. Cao 528 mét và do tập đoàn nhà nước Citic xây dựng, đây là tòa nhà cao nhất thành phố.

Tối hôm ấy, tôi đi qua Guomao, ngắm những món đồ trang trí Giáng sinh rực rỡ. Tôi đến gần tòa nhà Citic, khi đó tối om vì vẫn chưa xong nội thất. Liệu Alibaba có còn giữ nguyên vị thế khi chuyển lên tòa nhà cao nhất thủ đô? Đế chế của ông Ma đang ở một nút giao sinh tử.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.