07/08/1998: Hai đại sứ quán Mỹ ở Đông Phi bị đánh bom

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: U.S. embassies in East Africa bombed, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1998, vào lúc 10:30 sáng giờ địa phương, một quả bom xe tải lớn đã phát nổ bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Nairobi, Kenya. Vài phút sau, một quả bom xe tải khác phát nổ bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở Dar es Salaam, thủ đô nước láng giềng Tanzania. Vụ khủng bố kép đã giết chết 224 người, trong đó có 12 người Mỹ, và làm hơn 4.500 người khác bị thương. Mỹ cáo buộc Osama bin Laden – một người Ả Rập Saudi lưu vong, kẻ ủng hộ chủ nghĩa khủng bố quốc tế chống lại Mỹ – là chủ mưu các vụ đánh bom. Ngày 20/08, Tổng thống Bill Clinton đã ra lệnh phóng tên lửa hành trình nhắm vào các trại huấn luyện khủng bố của bin Laden ở Afghanistan và một nhà máy dược phẩm ở Sudan, được cho là nơi ông trùm khủng bố chế tạo hoặc phân phối vũ khí hóa học.

Osama bin Laden sinh năm 1957, trong một trong những gia đình giàu có và nổi tiếng nhất Ả Rập Saudi. Cha ông, một người nhập cư từ Nam Yemen, đã thành công trong việc biến một doanh nghiệp xây dựng nhỏ thành một công ty trị giá hàng tỷ đô la. Khi cha ông qua đời vào năm 1968, bin Laden được thừa kế số tài sản ước tính khoảng 30 triệu USD, nhưng trong suốt một thập niên tiếp theo, ông ta đã không chịu an cư mà liên tục di chuyển khắp nơi. Vào năm 1979, mọi chuyện đã thay đổi khi Liên Xô xâm lược Afghanistan. Giống như hàng chục nghìn người Ả Rập khác, bin Laden tình nguyện hỗ trợ Afghanistan trong việc đẩy lùi những người mà ông ta gọi là “bọn xâm lược cộng sản vô thần” khỏi đất nước Hồi giáo.

Trong vài năm đầu của Chiến tranh Afghanistan, ông đã đi vòng quanh Ả Rập Saudi và Vịnh Ba Tư để quyên góp tiền cho các chiến binh Afghanistan chống lại Liên Xô. Năm 1982 là lần đầu tiên bin Laden đến tiền tuyến, nơi ông đã quyên góp các thiết bị xây dựng cho nỗ lực thánh chiến. Bin Laden đã trực tiếp tham gia một số trận đánh, nhưng vai trò chính của ông ta trong cuộc chiến chống Liên Xô là về tài chính. Trong chiến tranh, ông đã tiếp xúc với nhiều chiến binh Hồi giáo, nhiều người trong số này chủ trương chống cả phương Tây lẫn Liên Xô.

Năm 1989, Liên Xô rút khỏi Afghanistan, và bin Laden trở về Ả Rập Saudi. Ông ngày càng chỉ trích dòng họ cầm quyền tại Ả Rập Saudi, đặc biệt là sau khi hàng trăm nghìn binh sĩ Mỹ được chào đón đến nước này trong Chiến tranh Vùng Vịnh. Bất chấp việc hộ chiếu cá nhân đã bị tịch thu, bin Laden vẫn tìm được cách rời khỏi Ả Rập Saudi vào năm 1991 và đến định cư ở Sudan. Tại đây, ông ta lên tiếng phản đối chính phủ Ả Rập Saudi cũng như sự hiện diện quân sự thường trực của Mỹ ở nước này, điều mà ông ví như hành động chiếm đóng Afghanistan của Liên Xô.

Sau vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York năm 1993, Mỹ bắt đầu nghi ngờ rằng bin Laden có liên quan đến khủng bố quốc tế chống lại mình. Tổ chức quân sự mà ông ta xây dựng trong Chiến tranh Afghanistan – al Qaeda, nghĩa là “Căn cứ” (the Base) – vẫn tồn tại, và tình báo Mỹ tin rằng ông ta đang biến nó thành một mạng lưới khủng bố chống Mỹ. Năm 1995, bin Laden kêu gọi các cuộc tấn công du kích chống lại lực lượng Mỹ ở Ả Rập Saudi, và ba tháng sau một cuộc tấn công khủng bố nhằm vào một cơ sở quân sự của Mỹ đã giết chết 5 người Mỹ. Dưới áp lực của Mỹ và Ả Rập Saudi, bin Laden bị trục xuất khỏi Sudan vào tháng 5/1996. Chỉ một tháng sau, một vụ đánh bom xe tải đã xảy ra, giết chết 19 quân nhân Mỹ ở Ả Rập Saudi. Việc bin Laden có can dự vào các cuộc tấn công này hay không hiện vẫn chưa được xác định.

Với 200 tín đồ, bin Laden quay trở về Afghanistan, khi đó đang nằm dưới sự kiểm soát của Taliban, một phe theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Bin Laden cung cấp tài chính cho chiến dịch quân sự của Taliban nhằm giành lại thành phố Kabul, nơi đã rơi vào tay lực lượng dân quân vào tháng 09/1996. Ngay sau khi đến Afghanistan, bin Laden đã ban hành một sắc lệnh tôn giáo, kêu gọi phát động chiến tranh với người Mỹ ở Vịnh Ba Tư và lật đổ chính phủ Ả Rập Saudi. Tháng 02/1998, ông đưa ra một sắc lệnh khác nói rằng người Hồi giáo hãy tiêu diệt người Mỹ, kể cả dân thường, ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Ngày 07/08/1998, đúng dịp kỷ niệm tám năm quân Mỹ triển khai đến Ả Rập Saudi, hai tòa đại sứ quán Mỹ ở khu vực Đông Phi đã bị đánh bom gần như cùng lúc. Cuộc tấn công vào Đại sứ quán ở Nairobi, nằm trong khu vực trung tâm thành phố sầm uất, đã gây thiệt hại rất lớn về tài sản và nhân mạng. Tại đó, một chiếc xe tải chở 2.000 cân Anh thuốc nổ TNT đã lao thẳng vào cửa sau của đại sứ quán và phát nổ, phá hủy không chỉ tòa nhà đại sứ quán, mà còn cả Tòa nhà Ufundi Coop House gần đó, đồng thời gây thiệt hại cho công trình 17 tầng Cooperative Bank. Tính đến thời điểm hoạt động cứu hộ kết thúc, 213 người đã thiệt mạng, trong đó có 12 người Mỹ. Hàng nghìn người khác bị thương, cùng hàng trăm người bị mất tay chân hoặc bị mù. Trong khi đó, cuộc tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Dar es Saalam khiến 11 người thiệt mạng và 85 người bị thương.

Đến năm 1997, các sĩ quan tình báo Mỹ đã nắm được rằng phiến quân bin Laden đang hoạt động ở Đông Phi, nhưng họ lại không thể phá được hang ổ khủng bố trước khi các đại sứ quán bị tấn công. Họ thậm chí còn biết về khả năng có một âm mưu đánh bom đại sứ quán Mỹ ở Nairobi nhưng lại không khuyến nghị tăng cường an ninh trước cuộc tấn công. Trong khi đó, cá nhân ông Prudence Bushnell, Đại sứ Mỹ tại Kenya, đã đích thân yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ thay đổi vị trí của đại sứ quán Nairobi vì vị trí lúc đó của nó quá rủi ro, nhưng yêu cầu này đã không được chấp thuận. Việc tiết lộ các vấn đề an ninh trước vụ đánh bom đã gây ra nhiều tranh cãi và lo ngại về tính dễ bị tổn thương của Mỹ ở nước ngoài. Tuy nhiên, ít có ai lên tiếng cảnh báo rằng sự gia tăng các nhóm khủng bố sẵn sàng tự sát và giết dân thường vô tội để giáng đòn vào Mỹ sẽ sớm làm mất đi cảm giác bất khả xâm phạm của Mỹ ngay chính tại quê nhà.

Trong vòng vài ngày sau vụ đánh bom ngày 7 tháng 8, hai cộng sự của bin Laden đã bị bắt và bị buộc tội thực hiện các vụ tấn công. Tuy nhiên, do bin Laden và các nghi phạm chủ chốt khác vẫn còn tự do, Tổng thống Clinton đã ra lệnh tấn công quân sự trả đũa vào ngày 20/08. Tại Afghanistan, khoảng 70 tên lửa hành trình của Mỹ đã bắn trúng ba trại huấn luyện được cho là của bin Laden. Ước tính có khoảng 24 người thiệt mạng, nhưng ông trùm không có trong số đó. 13 tên lửa hành trình đã bắn trúng một nhà máy dược phẩm ở Sudan, và người bảo vệ gác đêm đó đã thiệt mạng. Mỹ sau đó rút ý kiến cho rằng nhà máy dược phẩm này đang sản xuất hoặc phân phối vũ khí hóa học cho al Qaeda.

Tháng 11/1998, Mỹ truy tố bin Laden và 21 người khác, buộc tội họ đánh bom hai đại sứ quán Mỹ và âm mưu thực hiện các hành động khủng bố khác chống lại người Mỹ ở nước ngoài. Cho đến nay, 9 trong số các thành viên al Qaeda có tên trong bản cáo trạng đã bị bắt; 6 người ở Mỹ, và 3 người ở Anh, những người đang cố gắng chống lại việc bị dẫn độ về Mỹ.

Tháng 2/2001, bốn trong số các nghi phạm đã bị đưa ra xét xử ở New York với 302 tội danh bắt nguồn từ các cuộc tấn công đại sứ quán. Ngày 29/05, cả bốn người đều bị tuyên có tội trước mọi cáo buộc. Công dân Ả Rập Saudi, Mohamed Rashed Daoud al-‘Owhali và công dân Tanzania Khalfan Khamis Mohamed thừa nhận trực tiếp tham gia vụ khủng bố, nhưng khẳng định họ không cố ý tham gia vào một âm mưu chống lại Mỹ. Công dân Mỹ gốc Li-băng, Wadih El-Hage và Mohammed Saddiq Odeh người Jordan thừa nhận có quan hệ với bin Laden, nhưng phủ nhận liên quan đến bất kỳ hành động khủng bố nào. Cả bốn người đều bị kết án tù chung thân mà không được ân xá.

Ngày 11/09/2001, thế giới đã nhận ra rằng các cuộc tấn công vào các tòa nhà đại sứ quán chỉ là màn dạo đầu cho một cuộc tấn công còn tàn khốc hơn nhiều nhắm vào nước Mỹ. Ngày hôm đó, 19 tên khủng bố al Qaeda đã khéo léo khai thác các điểm yếu trong an ninh nội địa của Mỹ và cướp được bốn máy bay, sau đó đâm chúng vào các tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York; Lầu Năm Góc ở Arlington, Virginia; và một cánh đồng ở phía tây Pennsylvania. Bốn nghìn người thiệt mạng và 10 nghìn người khác bị thương trong những cuộc tấn công xảy ra gần như đồng thời này. Ngày 7/10, người Mỹ đáp trả bằng Chiến dịch Enduring Freedom, một nỗ lực quốc tế do Mỹ dẫn đầu nhằm lật đổ chế độ Taliban ở Afghanistan, tiêu diệt mạng lưới al Qaeda ở đây và bắt sống bin Laden.

Ngày 02/05/2011, bin Laden bị lực lượng đặc nhiệm của Hải quân Mỹ giết chết. Xác ông trùm khủng bố được cho là đã được hải táng ở biển.