Việt Nam Mật Chiến (Phần 8)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Tiền Giang | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Hồi ức của một vài cố vấn quân sự Trung Quốc

Trong Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc sang Việt Nam công tác có chừng trên 100 cán bộ chỉ huy cấp sư đoàn, trung đoàn, tiểu đoàn. Mấy chục năm sau, khi ôn lại quãng thời gian công tác tại đất nước có chút xa lạ ấy, nhiều người đã không thể nhớ rõ những gì mình từng trải qua.

Triệu Thụ Lai, nguyên là thành viên Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc, nhớ lại: “Năm 1950, tôi đang làm công tác tiễu phỉ tại vùng Điền Tây Nam thì lính thông tin đem lại cho tôi thư của Phó Sư trưởng Vương Kiện Tuyến. Thư viết: ‘… Đây là lần đầu tiên Trung Quốc cử cố vấn quân sự ra nước ngoài, hy vọng đồng chí sẽ phát huy được những kinh nghiệm quý báu thu được từ cuộc chiến tranh cách mạng trong nước…’ Bức thư này tôi giữ được hơn ba chục năm, nhưng trong lần cuối cùng dọn nhà lại đem đốt mất. Thưa các nhà sử học, các vị đến muộn rồi.”

Dưới đây chúng tôi ghi lại hồi ức của vài thành viên Đoàn cố vấn năm ấy.

Trương Anh (nguyên Chánh Văn phòng Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc đi Việt Nam, sau làm Đại sứ tại Fiji, Vụ trưởng Vụ Lãnh sự Bộ Ngoại giao):

Năm 1946, tôi theo Tung đội Đông Giang, Quảng Đông, rút lên Sơn Đông, biên chế vào Dã Chiến Quân số 3. Sau 3 năm chiến đấu, chúng tôi giải phóng được Nam Kinh. Tôi làm Trưởng phòng tổ chức Tổng đội 3, Đại học Quân chính Hoa Đông, về sau làm Phó Chính uỷ Tổng đội 3.

Hồi ấy bà vợ tôi xin nghỉ phép về Quảng Đông tìm con. Thời trước Kháng chiến chống Nhật, khi còn ở Tung đội Đông Giang, vợ chồng tôi sinh một cháu gái, đặt tên là Kiến Phương, nhưng vì hoàn cảnh chiến đấu, không nuôi được con nhỏ, đành phải nhờ một gia đình nông dân nuôi hộ. Đúng hôm nhận thư bà xã gửi về báo tin đã tìm được con thì tôi nhận lệnh tham gia Đoàn Cố vấn quân sự đi Việt Nam. Thế là tôi vội xin phép về Quảng Đông thăm con gái. Tại đây, cả nhà đoàn tụ được 3 ngày rồi tôi phải lập tức đi Nam Ninh, nơi tập kết Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc chuẩn bị đi Việt Nam.

Đậu Kim Ba (Cố vấn pháo binh nhiệm kỳ đầu trong Đoàn Cố vấn, sau làm Tư lệnh bộ đội pháo binh Quân khu Lan Châu):

Hạ tuần tháng 4/1950, tôi đang là trung đoàn trưởng Trung đoàn pháo binh, chúng tôi vừa chuyển quân đến Phúc Kiến chuẩn bị tham gia chiến dịch giải phóng đảo Kim Môn rồi tiến tới giải phóng Đài Loan. Đang phấn khởi thì bỗng được tin báo đến Nam Kinh gặp Quân đoàn bộ nhận lệnh. Tại Nam Kinh, tôi được giới thiệu gặp Mai Gia Sinh là người đang làm công tác tổ chức Đoàn Cố vấn đi Việt Nam. Mai Gia Sinh cho biết gia đình các cán bộ được cử vào Đoàn Cố vấn này đều được tập trung về Nam Kinh và được bố trí công tác. Như vậy, vợ tôi đang có thai và đang ở Thanh Đảo sẽ được chuyển xuống Nam Kinh ở và được nhận công tác. Mai Gia Sinh nói: khi nào lập xong Đoàn Cố vấn thì cả đoàn sẽ đi Bắc Kinh nhận nhiệm vụ Trung ương giao.

Ngày 20/6, Mai Gia Sinh đưa ngót hai chục cán bộ cố vấn cấp trung đoàn trở lên đáp tàu đi Bắc Kinh. Vừa may hôm ấy Phó tư lệnh Quân khu Hoa Đông là Túc Dụ cũng đi Bắc Kinh, cho nên đoàn tàu được móc thêm một toa xe đặc biệt dành riêng cho vị cán bộ cấp cao này, và đoàn chúng tôi được phép đi trên toa ấy. Về sau mới biết, hồi đó tình hình Triều Tiên vô cùng căng thẳng, sắp nổ ra một cuộc chiến tranh quy mô lớn, Trung Quốc đang xem xét vấn đề đồng thời giải phóng Đài Loan, vì thế đã triệu tập các tướng lĩnh cấp cao lên Bắc Kinh bàn đối sách. Trên tàu, tôi thấy tướng Túc Dụ thường hay ngồi thừ người suy nghĩ. Bất giác tôi nghĩ đi Việt Nam nhất định cũng là quyết tâm mà Trung ương đã thận trọng cân nhắc, dĩ nhiên đó là nhiệm vụ quang vinh. Sau khi từ Bắc Kinh trở về Nam Kinh, vợ tôi đã sinh cháu thứ hai, cũng cháu gái. Tôi đặt tên cháu là “Việt Hoa”.

Điền Đại Bang (Cố vấn Trung đoàn 102 của bộ đội chủ lực Việt Nam, thành viên Đoàn cố vấn):

Mùa xuân năm 1950 tôi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 119, Quân đoàn 14, đang diệt phỉ tại vùng Điền Tây Bắc, sau đó tiến vào vùng Tây Sương. Tháng 5 tôi nhận lệnh về Côn Minh. Đến Đại Lý gặp Phó Sư trưởng Vương Nghiễn Tuyền cũng về Côn Minh. Thì ra hai chúng tôi cùng được Quân đoàn bộ gọi về để bố trí làm Cố vấn đi Việt Nam công tác. Chúng tôi học một thời gian ở Côn Minh, chủ yếu học tinh thần chủ nghĩa quốc tế, đường lối chính sách. Sau đó Phó Sư trưởng Sư đoàn 37 là Ngô Hiệu Mẫn dẫn cả bọn đáp tàu đi Khai Viễn, rồi đến huyện Nghiên Sơn. Hai trung đoàn 88 và 102 của Sư đoàn 308 bộ đội chủ lực Việt Nam đã đến đây rồi. Tôi làm cố vấn cho Trung đoàn 102. Chiến hữu Châu Diệu Hoa của tôi làm cố vấn cho trung đoàn 88. Trung đoàn trưởng trung đoàn 102 bộ đội Việt Nam là Vũ Yên [nguyên văn Vũ An], chính uỷ là Hoàng Thế Dũng. Vũ Yên khoảng 30 tuổi, vốn là công nhân ở Hà Nội, tác chiến dũng cảm, quan hệ rất hoà hợp với tôi. Phương thức công tác ban đầu của cố vấn cấp trung đoàn chủ yếu là nghe phía Việt Nam trình bày cách huấn luyện bộ đội, sau đó chúng tôi góp ý kiến. Sau khi xem các đơn vị bộ đội Việt Nam, tôi có ấn tượng là họ trung thành với tổ quốc, chịu đựng gian khổ, nếu qua huấn luyện thì có thể tác chiến được.

Trương Tường (Thành viên Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc, sau làm Phó Tư lệnh Quân phân khu Văn Sơn Vân Nam):

Đầu năm 1950, tôi làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 trung đoàn 110, Sư đoàn 37 thuộc Quân đoàn 13. Đánh xong chiến dịch Điền Nam, chúng tôi về đóng quân ở sân bay Côn Minh. Đầu tháng 5, bỗng nhận lệnh về Sư đoàn bộ. Đến nơi, Sư trưởng Châu Học Nghĩa cho biết tôi được phái sang Việt Nam làm cố vấn quân sự, phải đến ngay Quân đoàn bộ. Ông dặn tôi: “Việc này phải tuyệt đối giữ bí mật!”

Đến Quân đoàn bộ ở Khai Viễn, tôi gặp một số cố vấn được điều từ các đơn vị đến. Chúng tôi cùng nhau học tập Điều lệ Đảng, tinh thần chủ nghĩa quốc tế và học quân sự. Chừng một tháng sau chúng tôi đi Nghiên Sơn. Khi ấy, Sư đoàn 308 bộ đội Việt Nam vừa đến đây, được quân đội Trung Quốc tiến hành chỉnh huấn. Trước khi đi khỏi Khai Viễn, Quân đoàn bộ tổ chức tiễn đưa rất long trọng. Sau đó Quân đoàn trưởng Châu Hi Hán dẫn chúng tôi đến Sư đoàn 308 Việt Nam, tôi được phân công làm cố vấn cho một tiểu đoàn của sư đoàn này. Vừa mới tới đây làm nhiệm vụ, tôi đã được biết là sau đây, khi nào chỉnh huấn xong và trở về Việt Nam, tiểu đoàn này sẽ đánh trận đầu tiên.

Lý Tăng Phúc (thành viên Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc, sau làm Tư lệnh Bảo vệ Côn Minh):

Hồi ấy tôi còn trẻ, mới 23 tuổi. Tôi quê ở Giang Tô, năm 1940, khi mới 13 tuổi, tôi tham gia đội du kích chống Nhật. Sau sự biến Hoãn Nam, tôi trở thành chiến sĩ Tân Tứ Quân. Kháng chiến thắng lợi, tôi theo Sư đoàn trưởng Hoàng Khắc Thành tiến quân lên Đông Bắc, rồi từ đấy đánh xuống phía Nam, đến Quảng Đông, Quảng Tây, truy kích quân địch. Cuối năm 1949, quân ta vào Quảng Tây, một bộ phận tàn quân Quốc Dân Đảng chạy sang Việt Nam, bộ đội Quân đoàn 39 của ta đuổi theo. Khi đến cách Trấn Nam Quan [sau đổi tên là Hữu Nghị Quan] chừng 6 km thì bỗng nhận được lệnh từ Bộ Tổng Tư lệnh: Dừng truy kích, không đơn vị nào được vượt qua cửa khẩu biên giới.

Mùa hè năm 1950, Quân đoàn 39 của ta tập kết chỉnh huấn tại Loa Hà thuộc tỉnh Hà Nam. Hồi ấy tôi là Tiểu đoàn trưởng. Một hôm, Trung đoàn trưởng gọi điện bảo tôi mang theo một cảnh vệ và một cấp dưỡng kèm đầy đủ vũ khí đến ngay Trung đoàn bộ. Ba chúng tôi phóng ngựa đi. Đến nơi mới biết Trung đoàn trưởng cũng chỉ biết phải đưa tôi đi Sư đoàn bộ. Tại đây Sư trưởng Trương Kiệt Thành nói: “Quân đoàn có điện báo điều động đồng chí đến Quân khu Trung Nam nhận nhiệm vụ mới. Nhiệm vụ gì, tôi cũng không biết. Có lẽ là phái đồng chí đến một nơi gian khổ đấy.” Xe ngựa chở chúng tôi đến cổng trụ sở Quân đoàn thì gặp một cán bộ nhân sự chờ sẵn bảo chúng tôi ra ngay ga xe lửa, tại đấy sẽ có người đưa vé tàu và giấy giới thiệu tôi đi thẳng Vũ Hán.

Tại Vũ Hán, tôi được đưa vào khách sạn Trung Nam, các cán bộ thuộc Dã Chiến Quân số 4 được điều động đã có mặt ở đây, tôi là người đến sau cùng. Mỗi người được phát ngay quân trang gồm quần áo thường phục, áo mưa, giày da, lại còn một đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Enicar [một loại đồng hồ Thuỵ Sĩ hạng sang] và một bút máy Parker. Hai thứ cuối cùng này hồi ấy rất đắt tiền, khiến chúng tôi trở thành nhà giàu. Tôi nghĩ, chắc là lần này mình được cử đi làm một nhiệm vụ đặc biệt gì đây.

Lĩnh xong quân trang, mọi người kéo nhau đi chụp ảnh. Lúc ấy mới biết ngày mai sẽ đi Nam Ninh. Một cán bộ lãnh đạo Quân khu tuyên bố: “Các đồng chí được cử đi làm việc trong ‘Đoàn công tác Việt Nam’. Nhiệm vụ cụ thể sẽ được Thủ trưởng Đoàn bố trí sau khi các đồng chí đến Nam Ninh.” Bấy giờ tôi mới biết rõ là mình sẽ sang Việt Nam chiến đấu.

Ngô Dũng Quân (thành viên Đoàn Cố vấn quân sự, sau làm Chính uỷ căn cứ Hải quân Phúc Kiến):

Mùa hè năm 1949, tôi là cán bộ tiểu đoàn thuộc Quân đoàn 20, Dã Chiến Quân số 3, tham gia chiến dịch Thượng Hải. Tại quê nhà Thượng Hải, tôi tìm thấy mẹ tôi đã mất liên lạc 12 năm nay. Sau đó ít lâu, tôi đến Nam Kinh học Đại học Quân chính Hoa Đông. Học được chừng nửa năm, Chủ nhiệm Chính trị gọi tôi đến và thông báo: Theo chỉ thị từ Trung ương Đảng, cấp trên cử tôi làm cố vấn quân sự đi Việt Nam công tác, giúp nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp.

Tôi đến nhà khách Dã Chiến Quân. Các đồng chí Đặng Thanh Hà, Đậu Kim Ba, v.v… đã đến đây trước. Chúng tôi xúm lại bàn tán chuyện đi Việt Nam. Lần đầu tiên mình được ra nước ngoài đây – tôi suy nghĩ mông lung suốt đêm. Những cảm giác mới lạ, xúc động, lo lắng xáo trộn lẫn nhau, chẳng biết nói như thế nào. Xuất thân con nhà nghèo, tham gia Tân Tứ Quân chiến đấu đã chục năm, từng đánh giặc Nhật rồi đánh quân Quốc Dân Đảng, nhưng tôi chưa hề đánh nhau với người Pháp. Chẳng rõ chúng tôi sẽ chiến đấu theo cách nào. Rốt cục, tôi chưa biết chút gì về cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam láng giềng. Nói thật lòng, tôi vô cùng lưu luyến đất nước mình. Chiến đấu đã chục năm, nay thắng lợi rồi sao tôi lại chẳng được hưởng thụ niềm vui chiến thắng nhỉ? Đi Việt Nam có nghĩa là lại gửi thân nơi chiến trường, trận đánh ấy bao giờ mới kết thúc?

Còn nữa: giờ đây ta chiến thắng rồi, tôi đã 28 tuổi, cũng nên lấy vợ lập gia đình thôi, tôi phải được sống sung sướng trên đất nước mình đã chiến đấu giành lại chứ. Còn nữa: tôi còn có cha ở quê nhà Giang Tô và mẹ ở Thượng Hải. Giờ đây tôi cần phải làm tròn nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ mà mình chưa làm được.

Tôi lại nhớ đến em gái mình, đứa em có tình cảm rất tốt với tôi. Năm nó lên 6 tuổi, vì túng tiền, gia đình phải bán em cho người ta làm con dâu tương lai. Từ ấy tôi chưa bao giờ gặp lại nó. Bây giờ tôi phải về, đi tìm em mình chứ.

Trong đoàn có anh Đặng Thanh Hà là Chính uỷ một sư đoàn, khi trò chuyện với tôi, anh cũng hé lộ ý nghĩ muốn ở lại. Nhưng anh vẫn nói cuối cùng chúng mình đều phải phục tùng quyết định của cấp trên, đi Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, phải tạm gác lại chuyện riêng của mình. Tôi cũng nghĩ như anh. Nhớ tới bao nhiêu đồng chí đã hy sinh trong chiến đấu, mình được sống đến ngày thấy thắng lợi là hạnh phúc lắm, sao lại còn có thể kỳ kèo chuyện đi hay ở nhỉ?

Sau khi tập kết ở Nam Ninh, cấp trên cho phép mọi người được nghỉ vài ngày đi giải quyết việc riêng. Tôi quyết tâm đi tìm em gái. Trước tiên tôi đến Vô Tích tìm ông anh ruột đã 5 năm chưa gặp nhau, anh ấy làm Đội trưởng trong Đội Tập huấn tham mưu Quân khu Tô Nam. Anh đã đi tìm em gái nhưng không may em đã ốm chết không còn trên đời nữa. Tôi vô cùng đau buồn tạm biệt sau khi dặn anh trông nom cha mẹ thay, em quyết tâm toàn tâm toàn ý đi Việt Nam chiến đấu.

Hạ tuần tháng 7, tôi cùng Đoàn Cố vấn đến Nam Ninh. Trưởng đoàn Vi Quốc Thanh cũng từ Bắc Kinh đến đây. Mọi người cùng nhau soạn “Nội quy xuất ngoại”, trong đó có một điều tôi nhớ mãi không quên. Đó là chỉ thị của Trung ương đối với Đoàn Cố vấn: “Coi sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam như sự nghiệp của chính mình.”

(còn nữa)