29/08/2005: Bão Katrina đổ bộ vào Bờ biển Vịnh Mexico

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Hurricane Katrina slams into Gulf Coast, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2005, bão Katrina – một cơn bão cấp 4 – đã đổ bộ gần New Orleans, Louisiana, Mỹ. Mặc dù chỉ là cơn bão mạnh thứ ba trong mùa bão năm 2005, Katrina là một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sau cơn bão, đã có hơn 50 con đê và tường chắn lũ bao quanh New Orleans cũng như các vùng ngoại ô của thành phố bị hư hỏng, từ đó dẫn đến lũ lụt trên diện rộng.

Một thời gian ngắn sau khi đổ bộ vào miền nam Florida vào ngày 25/08, lúc đó vẫn là một cơn bão cấp 1, Katrina đã mạnh dần lên trước khi đổ bộ vào Vịnh Mexico vào ngày 29/08. Không chỉ tàn phá New Orleans, cơn bão còn gây ra thiệt hại dọc theo bờ biển Mississippi và Alabama, cũng như các vùng khác của Louisiana.

Thị trưởng New Orleans Ray Nagin đã ra lệnh sơ tán bắt buộc trên toàn bộ thành phố vào ngày 28/08, khi Katrina trở thành bão cấp 5 chỉ trong thời gian ngắn và Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia đã đưa ra dự đoán thiệt hại “khủng khiếp” đối với khu vực. Tuy nhiên, ước tính có khoảng 150.000 người, những người không muốn hoặc không đủ khả năng và điều kiện để rời đi, đã phớt lờ mệnh lệnh và ở lại. Cơn bão với sức gió khoảng 233 km/giờ đã cắt đứt đường dây điện và phá hủy nhiều nhà cửa, thậm chí biến những chiếc xe hơi thành tên lửa đạn đạo. Katrina đã gây ra các đợt nước dâng do bão (storm surges) cao kỷ lục dọc theo Bờ biển Vịnh Mississippi.

Nước dâng đã nhấn chìm các con đê bảo vệ New Orleans, nằm ở độ cao 1,8m dưới mực nước biển, từ Hồ Pontchartrain đến sông Mississippi. Chẳng bao lâu, 80% thành phố chứng kiến cảnh nước ngập đến nóc của nhiều ngôi nhà, thậm chí của cả các tòa nhà nhỏ.

Hàng chục nghìn người đã phải đến trú ẩn tại Trung tâm Hội nghị New Orleans và Louisiana Superdome. Nhưng tình hình ở cả hai nơi đều nhanh chóng xấu đi, vì thức ăn và nước uống cạn kiệt dần, còn chỗ ở lại trở nên mất vệ sinh. Thất vọng càng dâng cao vì phải mất đến hai ngày thì nỗ lực cứu trợ toàn diện mới bắt đầu. Trong khi đó, những cư dân mắc kẹt trong nhà đã phải chịu đựng cảnh nắng nóng, đói khát và thiếu thốn chăm sóc y tế.

Các báo cáo về cướp bóc, hãm hiếp, và thậm chí giết người bắt đầu xuất hiện. Khi các đài truyền hình cho phát sóng những cảnh quay từ New Orleans bị tàn phá ra toàn thế giới, có thể thấy rõ rằng phần lớn nạn nhân là người Mỹ gốc Phi và người nghèo, buộc công chúng đặt ra câu hỏi về tình trạng bình đẳng chủng tộc ở nước Mỹ. Chính phủ liên bang và Tổng thống George W. Bush đã bị chỉ trích nặng nề vì phản ứng chậm chạp trước thảm họa. Người đứng đầu Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (Federal Emergency Management Agency, FEMA), Michael Brown, đã từ chức trong bối cảnh nhiều tranh cãi.

Cuối cùng, vào ngày 01/09, hàng chục nghìn người đang ở trong Superdome và Trung tâm Hội nghị bị hư hại bắt đầu được chuyển đến Astrodome ở Houston, Texas, và một lệnh sơ tán bắt buộc khác đã được ban hành tại thành phố. Ngày hôm sau, các đoàn xe quân sự mang theo nhu yếu phẩm đã đến nơi, và Vệ binh Quốc gia được triển khai để ngăn chặn tình trạng hỗn loạn, vô pháp. Người ta cũng bắt đầu tìm kiếm và định danh những người thiệt mạng. Ngày 06/09, tám ngày sau cơn bão, Công binh Lục quân cuối cùng đã hoàn thành việc sửa chữa tạm thời ba lỗ hổng lớn trên hệ thống đê bao của New Orleans và có thể bắt đầu bơm nước ra khỏi thành phố.

Katrina được cho là đã gây ra cái chết cho khoảng 1.300 người và gây thiệt hại lên tới 150 tỷ đô la về cả tài sản tư nhân lẫn cơ sở hạ tầng công cộng. Ước tính rằng chỉ có khoảng 40 tỷ USD tài sản trong số này được chi trả bởi bảo hiểm. Một triệu người đã phải di dời do thảm họa, một hiện tượng chưa từng thấy ở Mỹ kể từ cuộc Đại suy thoái. Bốn trăm nghìn người mất việc làm do hậu quả của thảm họa. Các khoản viện trợ quốc tế đổ về từ khắp nơi trên thế giới, thậm chí từ các nước nghèo như Bangladesh và Sri Lanka. Riêng các khoản quyên góp từ các công dân Mỹ đã lên tới 600 triệu đô la.

Cơn bão cũng gây ra 36 trận lốc xoáy ở Mississippi, Alabama, Georgia, Pennsylvania và Virginia, khiến một người thiệt mạng. Sau đó, Tổng thống Bush tuyên bố ngày 16/09 là ngày quốc gia tưởng nhớ các nạn nhân của cơn bão Katrina.

Trong một báo cáo liên bang năm 2006, Công binh Lục quân Mỹ đã thừa nhận rằng cơ sở hạ tầng kiểm soát lũ lụt xung quanh New Orleans chưa được hoàn thiện, không đủ khả năng, và không được bảo trì đúng cách. “Hệ thống phòng chống bão ở New Orleans và đông nam Louisiana chỉ là một hệ thống trên giấy tờ,” báo cáo cho biết.