Vai trò lính thuộc địa Phi trong Chiến tranh Đông Dương

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: RFI phỏng vấn Michel Bodin

Gần một nửa triệu lính Pháp đã điều sang Đông Dương trong thời gian 1945-1954 và đến cuối cuộc chiến, 16% Lực Lượng Viễn Chinh là những người lính châu Phi. Những người lính Đông Dương tới nay vẫn là “một ẩn số”. Những bài viết về đóng góp của những người lính từ thuộc địa châu Phi trong Lực Lượng Viễn Chinh Pháp ở Đông Dương lại càng hiếm hoi hơn.

Một phần lớn các công trình nghiên cứu của nhà sử học Michel Bodin* tập trung vào các thành phần tham gia Lực Lượng Viễn Chinh trong Lục Quân Pháp tại Đông Dương. Ông là tác giả của nhiều tập sách nói về những người lính Pháp, những người lính châu Phi, cho dù Lực Lượng Viễn Chinh còn bao gồm luôn cả binh đoàn Lê Dương với những chiến binh là người nước ngoài tình nguyện và lính bản xứ.

Huy động châu Phi để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân sự

Động lực nào khiến Paris điều động nguồn nhân lực từ vùng thuộc địa châu Phi sang mãi tận Đông Dương? Những người lính châu Phi đó là ai và cuộc chiến 1945-1954 đó có tác động nào đối với các phong trào đấu tranh giành độc lập từ ở Algeri đến Maroc hay Tunisia và ở khu vực châu Phi hạ Sahara?

Trong phần mở đầu cuốn Les Africains dans la guerre d’Indochine 1947-1954 – Những người lính Phi châu trong chiến tranh Đông Dương 1947-1954, NXB L’Harmattan, Michel Bodin đã phân biệt các quân nhân ở vùng Bắc Phi – Maghreb (Maroc, Algeri, Tunisia) với khu vực phía nam Sahara (Senegal, Mauritanie, Guinée, Côte d’Ivoire..) và ông nhắc lại: ”Ngày 01/02/1954 lính châu Phi trong hàng ngũ Lực Lượng Viễn Chinh Pháp chiếm 43,5% lục quân, không kể những người lính bản địa (…) Từ năm 1947 trở đi, châu Phi lại đóng vai trò là một nguồn cung cấp nhân sự cho quân đội Pháp trong chiến tranh (…) trong giai đoạn 1947-1954, 122.900 lính Bắc Phi và 60.340 quân nhân thuộc ở phía nam sa mạc Sahara đã đổ bộ lên Đông Dương” (tr. 5 -6).

Thành lập một lực lượng bảo vệ một vùng thuộc địa xa xôi đặt ra rất nhiều vấn đề, mà đứng đầu là về mặt nhân sự

Năm 1945, kinh tế Pháp kiệt quệ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Toàn cảnh địa chính trị thế giới lại buộc Paris tăng cường khả năng phòng thủ tại Châu Âu trong bối cảnh chiến tranh lạnh, Paris muốn bảo vệ quyền lợi của Pháp tại các vùng thuộc địa châu Phi và chinh phục lại Đông Dương. Trong hoàn cảnh đó thành lập một lực lượng bảo vệ một vùng thuộc địa xa xôi đặt ra rất nhiều vấn đề, mà đứng đầu là về mặt nhân sự. Huy động nhân lực từ các vùng thuộc địa châu Phi là một giải pháp hiển nhiên, nhưng không dễ thực hiện. Sử gia Michel Bodin giải thích:

Michel Bodin: “Ý tưởng huy động lính Phi châu sang Đông Dương đã nhen nhúm từ năm 1868 nhưng rồi đã nhanh chóng bị lãng quên. Phải đợi đến đầu thế kỷ 20 mới được nhắc đến trở lại do Pháp thiếu người. Trong những kế hoạch đầu tiên thành lập Lực Lượng Viễn Chinh giải phóng Đông Dương khỏi gọng kềm của Nhật, Paris đã tính đến khả năng tuyển mộ từ 20.000 đến 25.000 lính Phi châu nhưng rồi năm 1945 tướng Leclerc, cố vấn của De Gaulle, đã từ bỏ kế hoạch này, tránh để gây hiềm khích với Mỹ bởi vì Washington vốn chống đối chính sách thuộc địa của Pháp.

Năm 1946, quân đội Pháp thực sự không đủ nguồn nhân lực và nhiều tướng lĩnh ý thức được là cần phải huy động lính châu Phi. Họ nghĩ rằng người Phi châu dễ thích nghi với khí hậu nóng của Đông Dương và đó cũng là thời điểm Pháp quyết định điều lính Phi châu sang Đông Dương, sau rất nhiều tranh cãi gay gắt trên chính trường (…). Chung cuộc, năm 1947, lính châu Phi bắt đầu hiện diện ở Đông Dương và số này khi đó chiếm 0,7% Lực Lượng Viễn Chinh. Đến năm 1954 tỷ lệ đó được nâng lên thành 16%”.  

Một công đôi việc

Dù thận trọng ban đầu nhưng chính phủ Pháp rốt cuộc đã chóng nhận thấy rằng ngoài việc giải tỏa áp lực về mặt nhân sự, huy động lính châu Phi sang Đông Dương có thêm hai ưu điểm khác. Một là công luận Pháp ”có mấy ai quan tâm đến những người lính châu Phi (…) tử trận hay bị thương? Lợi thế thứ hai là lương, tiền thưởng hay phụ cấp trả cho lính châu Phi thấp hơn” so với những khoản phải chi cho lính Pháp (tr. 231).

Về phần những người lính châu Phi, Đông Dương là một ẩn số trên nhiều phương diện, nhất là đối với những người lính bộ binh, mà trong ngôn ngữ hàng ngày họ được gọi là “lính Senegal” nhưng thực sự bao hàm cả các chiến binh tại các vùng thuộc địa của Pháp ở phía nam sa mạc Sahara, nhà sử học Michel Bodin ghi nhận những va chạm về văn hóa, những xa lạ về điều kiện thổ nhưỡng của họ với Đông Dương:

Michel Bodin: “Chủ yếu những người lính châu Phi từ vùng hạ Sahara là các vùng có khí hậu nóng và khô. Họ hoàn toàn bỡ ngỡ với khí hậu nóng và ẩm, với các vùng đầm lầy, với nhiều sông ngòi ở Đông Dương. Nhiều người lính bị chết đuối. Họ cũng rất sợ những vùng rừng thiêng nước độc. Nói cách khác, lính châu Phi ở phía nam sa mạc Sahara không dễ thích nghi với môi trường Đông Dương. Về tiếp xúc với người dân bản xứ, đương nhiên ban đầu người Việt rất sợ lính Tây đen rạch mặt. Thêm vào đó là cả chiến dịch tuyên truyền của Việt Minh về sự hung dữ, tàn bạo của những người lính châu Phi, về những vụ hãm hiếp …

Dù vậy tùy thời kỳ và tùy nơi, đôi khi quan hệ không đến nỗi tệ: trong mắt những người lính châu Phi đây là nơi dễ tìm được gái đẹp, còn người dân bản xứ thì cho rằng lính Tây đen có phần ngờ nghệch, dễ đánh lừa. Trên thực tế, có nhiều va chạm, khi thì vì tình, lúc thì do xung khắc với dân buôn bán ngoài đường, ngoài chợ. Những va chạm đó có khi dẫn đến bạo lực, đổ máu. Tuy nhiên quan hệ giữa lính châu Phi với dân bản địa thay đổi tùy theo diễn biến của chiến tranh, tùy theo từng vùng miền. Tại những vùng yên ắng mọi việc êm thắm hơn. Ngược lại tại những điểm có giao tranh, quan hệ giữa những người lính và dân cư địa phương gay gắt hơn nhiều”.  

Vẫn theo tác giả cuốn Những người lính Phi châu trong chiến tranh Đông Dương 1947-1954, tương tự như đối với những người lính Pháp được điều sang Đông Dương, do thời gian đào tạo quá hạn hẹp cả về khả năng chiến đấu đến cách đối phó với “chiến tranh cách mạng” của Việt Minh cho nên đôi khi hiệu quả của những người lính da đen này không được như cấp chỉ huy của họ mong đợi:

Michel Bodin: “Đó là cả một vấn đề: những người lính này – cũng như phần lớn các quân nhân trong Lực Lượng Viễn Chinh, thường không được huấn luyện trước, không được chuẩn bị để đương đầu với chiến tranh cách mạng. Lính Phi châu thường vụng về trong việc tháo gỡ mìn, thường bất cẩn trong việc dò mìn và khi có giao tranh họ tàn nhẫn với đối phương, với dân bản xứ. Nhưng khi được trang bị đầy đủ vũ khí, với sự yểm trợ của pháo binh, thì những người lính châu Phi hạ Sahara chiến đấu rất tốt (…) Trong trận Điện Biên Phủ lính châu Phi chiến đấu đến cùng, bất chấp tất cả những khó khăn như đã biết.»

Vừa thiếu người, thiếu phương tiện tài chính nhưng Pháp vẫn muốn chinh phục lại Đông Dương.

Phương tiện “nghèo nàn”

Vấn đề cốt lõi là cho đến tận trước năm 1950 là “khó khăn kinh tế của Pháp giải thích (…) cho những phương tiện nghèo nàn của Lực Lượng Viễn Chinh” (tr. 232). Vừa thiếu người, thiếu phương tiện tài chính nhưng Pháp vẫn muốn chinh phục lại Đông Dương. Trong hoàn cảnh đó những người lính Đông Dương đã phải ”đối mặt với những chiến dịch đầy gian nan và trong những hoàn cảnh tệ hại nhất”. (M. Bodin, La France et ses soldats, Indochine, 1945-1954 – Pháp và những người lính, Đông Dương, 1945-1954 – NXB L’Harmattan, tr. 277-278).

Dù vậy trái với chờ đợi, tài liệu lưu trữ của bên Quân đội cho thấy, những người lính thuộc địa châu Phi – nhất là trong khu vực hạ Sahara – đã luôn trung thành với quân đội Pháp. 90% lính châu Phi là nông dân và có đến 85% không biết đọc biết viết tiếng Pháp có thể là giải thích phần nào thất bại trong chính sách tuyên truyền của Việt Minh:

Michel Bodin: “Chiến dịch tuyên truyền của Việt Minh khơi dậy tinh thần chống Pháp, chống chủ nghĩa đế quốc… phần lớn nằm ngoài những suy nghĩ của những người lính Bắc Phi cũng như ở phía nam sa mạc Sahara. Tác dụng của chúng rất thấp. Thậm chí những tù binh từng bị nhồi sọ trong nhiều tháng và có khi là cả nhiều năm trong những trại của Việt Minh, khi được trả tự do họ chỉ có một ý tưởng trong đầu: lại cầm súng chiến đấu để phục thù, bởi vì họ bị chiêu dụ, rồi bị ngược đãi.

Trong công tác tư tưởng, cán bộ Việt Minh không có thói quen thuyết phục các đối tượng Phi châu và cũng không có thông dịch viên từ tiếng Việt sang tiếng Bambara (phổ thông tại Tây Phi) hay tiếng Wolof (thông dụng tại Senegal và Mauritanie) thành thử có truyền khẩu hay rải truyền đơn tuyên truyền cũng vô ích nhất là gần như hầu hết lính châu Phi mù chữ và lại càng không biết đọc tiếng Pháp.

Chiến dịch tuyên truyền của Việt Minh với mục đích vừa chiêu dụ quân thù đào ngũ, vừa làm khuynh đảo chính sách thực dân của Pháp ở châu Phi không có hiệu quả. Cuối cùng thì những lính châu Phi vẫn trung thành với phía Pháp”.  

Ở chương cuối cùng, phần thứ ba cuốn Châu Phi trong chiến tranh Đông Dương 1947-1954, tác giả nêu lên câu hỏi ”chiến tranh dù muốn hay không cũng làm thay đổi con người, thay đổi lối suy nghĩ hay cách tiếp cận của họ với môi trường chung quanh và đôi khi làm nảy sinh những ý tưởng mới. Đông Dương (…) liệu có góp phần biến đổi các chiến binh hay không? Đây là một câu hỏi quan trọng” (tr. 229) khi nhìn vào phong trào phi thực dân hóa tại châu Phi sau này.

Michel Bodin thận trọng đưa ra nhiều dẫn chứng trước khi kết luận: Trong trường hợp cụ thể tại Algeri, “chiến tranh (Đông Dương) làm suy yếu quân đội Pháp và hình ảnh của nước Pháp”  chứ đấy ”không hẳn là do tác động của chiến dịch tuyên truyền Việt Minh”.

*****

Sách và tài liệu tham khảo:

– La France et ses soldats, Indochine, 1945-1954 – Pháp và những người lính, Đông Dương, 1945-1954 – NXB L’Harmattan (1996).

– Soldats d’Indochine 1945-1954 – Lính Đông Dương 1945-1954 – NXB L’Harmattan (1997).

– Les Combattants français face à la guerre d’Indochine 1945-1954 – Các chiến binh Pháp đối mặt với chiến tranh Đông Dương -1945-1954, NXB L’Harmattan (1998).

– Les Africains dans la guerre d’Indochine 1947-1954 – Lính châu Phi trong chiến tranh Đông Dương 1947-1954, NXB L’Harmattan (2000).

– Le Corps Expéditionnaire Français en Indochine, 1945-1954, le soldat des forces terrestres – Lực Lượng Viễn Chinh Pháp tại Đông Dương, 1945-1954, lính bộ binh (Luận án tiến sĩ đại học Paris I-Panthéon-Sorbonne, 1991).

Nguồn: RFI