Tại sao chiến tranh Mỹ – Trung vẫn có thể xảy ra?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Joseph Nye, “The China Sleepwalking Syndrome”, Project Syndicate, 04/10/2021.

Biên dịch: Trần Hùng

Khi chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thực hiện chiến lược cạnh tranh quyền lực với Trung Quốc, các nhà phân tích tìm các so sánh trong lịch sử để giải thích cho sự đối đầu ngày càng sâu sắc này. Nhưng trong khi nhiều người nhắc tới sự khởi đầu của Chiến tranh Lạnh, thì một so sánh lịch sử đáng lo ngại hơn là sự bắt đầu của Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Năm 1914, tất cả các cường quốc đều mong đợi một cuộc Chiến tranh Balkan lần thứ ba ngắn ngủi. Thay vào đó, như nhà sử học người Anh Christopher Clark đã chỉ ra, họ như bị mộng du bước vào một trận đại chiến kéo dài bốn năm, phá hủy bốn đế chế và giết chết hàng triệu người.

Hồi đó, các nhà lãnh đạo không quan tâm đúng mức đến những thay đổi trong trật tự quốc tế vốn từng được gọi là “hòa hợp quyền lực châu Âu”. Một thay đổi quan trọng là sức mạnh ngày càng tăng của chủ nghĩa dân tộc. Ở Đông Âu, chủ nghĩa Liên-Slavơ đã đe dọa cả đế chế Ottoman lẫn đế chế Áo-Hung, những đế chế có dân số Slavơ lớn. Các tác giả người Đức đã viết về khả năng không thể tránh khỏi của các trận chiến giữa người Đức và người Slavơ, và các sách giáo khoa đã thổi bùng ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa. Chủ nghĩa dân tộc được chứng minh là mối ràng buộc bền chặt hơn cả chủ nghĩa xã hội đối với các tầng lớp lao động, và mạnh mẽ hơn cả chủ nghĩa tư bản đối với các chủ ngân hàng Châu Âu.

Hơn nữa, có một sự tự mãn ngày càng lớn về hòa bình. Các cường quốc đã không tham gia vào một cuộc chiến tranh nào ở châu Âu trong 40 năm trước đó. Tất nhiên, đã có những cuộc khủng hoảng, như ở Maroc năm 1905-1906, ở Bosnia năm 1908, ở Maroc một lần nữa vào năm 1911, và các cuộc chiến tranh Balkan năm 1912-1913, nhưng tất cả đều có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, các thỏa hiệp ngoại giao giải quyết những xung đột này đã gây ra sự thất vọng, và dẫn tới sự ủng hộ ngày càng tăng đối với chủ nghĩa xét lại. Nhiều nhà lãnh đạo tin rằng một cuộc chiến ngắn mang tính quyết định, mà trong đó kẻ mạnh giành chiến thắng, sẽ là một sự thay đổi đáng được hoan nghênh.

Nguyên nhân thứ ba dẫn đến sự mất linh hoạt trong trật tự quốc tế đầu thế kỷ 20 là chính sách của Đức, vốn đầy tham vọng nhưng mơ hồ và khó hiểu. Có một sự vụng về khủng khiếp trong việc theo đuổi quyền lực lớn hơn của hoàng đế Đức Wilhelm II. Có thể thấy điều gì đó tương tự như “Giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình, cùng với việc từ bỏ cách tiếp cận kiên nhẫn của Đặng Tiểu Bình và sự thái quá trong chính sách ngoại giao “chiến lang” đẫm mùi dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc.

Các nhà hoạch định chính sách ngày nay phải cảnh giác trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc cũng như chủ nghĩa sô vanh dân túy ở Hoa Kỳ. Kết hợp với chính sách đối ngoại hiếu chiến của Trung Quốc, lịch sử của những lần bế tắc và các thỏa hiệp gây thất vọng đối với vấn đề Đài Loan, triển vọng leo thang chiến tranh một cách vô tình giữa hai cường quốc vẫn tồn tại. Như Clark đã nói, một khi những thảm họa như Thế chiến I xảy ra, “chúng áp đặt (hoặc dường như áp đặt) lên chúng ta một cảm giác về sự cần thiết phải theo đuổi chiến tranh như vậy.” Nhưng vào năm 1914, Clark kết luận, “tương lai vẫn còn khá rộng mở. Bên cạnh sự củng cố các mặt trận ở cả hai nhóm vũ trang của châu Âu, cũng có những dấu hiệu cho thấy thời điểm dẫn tới một cuộc đối đầu lớn có thể sắp sửa trôi qua.”

Một chiến lược thành công phải ngăn chặn hội chứng mộng du. Năm 1914, Áo chán ngấy chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao của Serbia. Việc một tên khủng bố người Serbia ám sát một vị thái tử người Áo là một cái cớ hoàn hảo để đưa ra một tối hậu thư. Trước khi đi nghỉ, hoàng đế Đức đã quyết định răn đe một nước Nga đang trỗi dậy và ủng hộ đồng minh Áo của mình bằng cách cấp cho Áo một tấm “séc trắng” ngoại giao. Khi quay về và biết được Áo đã hành động như thế nào, ông đã cố gắng rút lại tấm séc, nhưng đã quá muộn.

Mỹ hy vọng sẽ ngăn chặn được việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc và giữ nguyên sự mơ hồ về địa vị pháp lý của Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc coi là một tỉnh nổi loạn. Trong nhiều năm, chính sách của Hoa Kỳ đã được thiết kế nhằm ngăn Đài Loan tuyên bố độc lập về mặt pháp lý, cũng như ngăn Trung Quốc sử dụng vũ lực chống lại hòn đảo này. Ngày nay, một số nhà phân tích cảnh báo rằng chính sách răn đe kép này đã lỗi thời, vì sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc có thể khuyến khích các nhà lãnh đạo của họ hành động.

Những người khác tin rằng một sự đảm bảo an ninh rõ ràng đối với Đài Loan, hoặc ám chỉ rằng Mỹ đang đi theo hướng đó, sẽ kích động Trung Quốc hành động. Nhưng ngay cả khi Trung Quốc né tránh một cuộc xâm lược quy mô toàn diện và chỉ cố gắng ép Đài Loan bằng cách phong tỏa, hoặc bằng cách chiếm một trong những hòn đảo ngoài khơi của họ, nguy cơ chiến tranh vẫn sẽ bùng nổ nếu một sự cố liên quan đến tàu hoặc máy bay dẫn đến thiệt hại về nhân mạng. Nếu Mỹ phản ứng bằng cách đóng băng tài sản hoặc viện dẫn Đạo luật Giao thương với Kẻ thù, cuộc chiến ẩn dụ của hai nước có thể nhanh chóng trở thành một cuộc chiến thực thụ. Bài học của năm 1914 là phải cảnh giác với chứng mộng du, nhưng bài học đó không đưa ra giải pháp để quản lý vấn đề Đài Loan.

Một chiến lược thành công của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc phải được bắt đầu từ trong nước. Nó đòi hỏi phải duy trì các thể chế dân chủ thu hút thay vì ép buộc đồng minh, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để duy trì lợi thế công nghệ của Mỹ, đồng thời duy trì sự cởi mở của Mỹ với thế giới. Đối với bên ngoài, Mỹ nên tái cấu trúc các lực lượng quân sự đã có từ thời Chiến tranh Lạnh để thích ứng với sự thay đổi công nghệ; củng cố các cấu trúc liên minh, bao gồm NATO và các thỏa thuận với Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc; tăng cường quan hệ với Ấn Độ; củng cố và bổ sung các thể chế quốc tế mà Mỹ đã giúp tạo ra sau Thế chiến II, để thiết lập các tiêu chuẩn và quản lý sự phụ thuộc lẫn nhau; đồng thời hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề xuyên quốc gia nếu có thể. Cho đến nay, chính quyền Biden đang theo đuổi một chiến lược như vậy, nhưng bài học năm 1914 là một lời nhắc nhở thường xuyên về sự thận trọng.

Trong tương lai gần, với các chính sách quyết đoán của ông Tập, Hoa Kỳ có thể sẽ phải dành nhiều thời gian hơn cho khía cạnh cạnh tranh trong quan hệ song phương. Tuy nhiên, một chiến lược như vậy chỉ có thể thành công nếu Mỹ tránh được việc ác quỷ hóa Trung Quốc về ý thức hệ và những so sánh sai lầm với thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cũng như duy trì được các liên minh của mình. Năm 1946, George Kennan đã tiên đoán chính xác về một cuộc đối đầu kéo dài hàng thập kỷ với Liên Xô. Mỹ không thể kiềm chế Trung Quốc, nhưng có thể hạn chế các lựa chọn của Trung Quốc bằng cách định hình môi trường mà nước này trỗi dậy.

Nếu quan hệ Trung – Mỹ là một ván bài, người Mỹ sẽ nhận ra rằng họ đã được chia những quân bài tốt và tránh khuất phục trước nỗi sợ hoặc niềm tin vào sự xuống dốc của nước Mỹ. Nhưng ngay cả khi có những quân bài tốt, người ta vẫn có thể thua nếu cách chơi không khôn khéo.