#40 – Đế chế có thời hạn

empire_main

Nguồn: Niall Ferguson[1] (2006). “Empires with Expiration Dates”,  Foreign Policy (September/October), pp. 46-52.

Biên dịch: Nguyễn Hồng Ngọc | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Sự tồn vong của các đế chế đóng vai trò thúc đẩy lịch sử phát triển. Tuy nhiên, những đế chế ra đời trong suốt 100 năm qua đều chịu chung số phận “đoản mệnh”; không một đế chế nào tồn tại đủ lâu để chứng kiến buổi bình minh của thế kỷ mới. Ngày nay, trên thế giới không còn tồn tại đế chế nào nữa, ít nhất là một cách chính thức. Nhưng điều đó có thể sớm thay đổi nếu nước Mỹ – hay thậm chí là Trung Quốc – nắm bắt được vận mệnh đế chế của mình. Làm thế nào để những cường quốc này không đi vào vết xe đổ của những đế chế đã sụp đổ?

Các đế chế, chứ không phải các quốc gia-dân tộc, mới là những tác nhân chính trong các sự kiện của lịch sử thế giới. Phần lớn cái mà chúng ta gọi là lịch sử được cấu thành bởi những hành động của 50 – 70 đế chế đã từng thống trị nhiều dân tộc trên khắp địa cầu. Tuy nhiên, cùng với thời gian, quãng đời của các đế chế có xu hướng ngắn đi. So với những đế chế thời cổ đại và cận đại, các đế chế ra đời trong thế kỷ vừa qua có quãng đời ngắn hơn một cách đáng kể. Hiện tượng này đã tạo ra những tác động sâu sắc tới thời đại chúng ta đang sống.

Hiện tại, ngoài hơn 190 quốc gia-dân tộc, trên thế giới không tồn tại một đế chế “danh chính ngôn thuận” nào. Thế nhưng, những bóng ma đế chế vẫn tiếp tục lẩn khuất đâu đó trên khắp hành tinh này. Những cuộc xung đột khu vực từ Trung Phi tới Trung Đông, từ Trung Mỹ tới vùng Viễn Đông có thể được lý giải một cách dễ dàng và trơn tru bằng những tội ác đế chế trước đây: thiết lập biên giới tùy tiện ở chỗ này, hay thực thi chiến lược “chia để trị” ở chỗ kia.

Hơn nữa, phần lớn các quốc gia lớn mạnh nhất ngày nay đều là hậu duệ của các đế chế, chẳng hạn như Liên bang Nga, quốc gia có chưa đến 80% dân số là người Nga, hay Vương quốc Anh ngày nay từng là đế chế Anh. Nước Ý hay nước Đức đương đại không phải là sản phẩm của chủ nghĩa dân tộc mà là kết quả của quá trình bành trướng của người Piedmont và người Phổ. Bên ngoài lãnh thổ châu Âu, tàn dư đế chế càng thể hiện rõ nét hơn. Ấn Độ ngày nay là “người thừa kế” của đế chế Mughal và dễ thấy hơn là một thuộc địa trước đây của Anh (British Raj). (Một sĩ quan quân đội Ấn Độ từng nói với tôi rằng, “Quân đội Ấn Độ ngày nay đặc sệt chất Anh hơn cả quân đội Anh.” Lái xe cùng ông qua những doanh trại quân đội lớn ở Madras, tôi hiểu ra điều ông nói khi nhìn thấy hàng trăm lính bộ binh trong trang phục ka ki đứng nghiêm và giơ tay chào theo kiểu nhà binh.) Trung Quốc ngày nay là hậu duệ của Đế chế Trung Hoa. Ở châu Mỹ, chúng ta có thể thấy rõ tàn dư đế chế từ các quốc gia phía Bắc như Canada đến Argentina ở phía Nam. Người đứng đầu Canada là Nữ hoàng Anh; quần đảo Falkland hiện cũng thuộc quyền sở hữu của Anh Quốc.

Nói tóm lại, thế giới ngày nay vừa là một thế giới của các cựu đế chế và cựu thuộc địa, vừa là  một thế giới các quốc gia – dân tộc. Ngay cả những thể chế chính trị được cho là tổ chức lại trật tự thế giới sau năm 1945 cũng mang các khuynh hướng đế chế rõ nét. Năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc còn là gì khác nếu không phải một nhóm thân thiết các đế chế từng tồn tại trong quá khứ? Và cái gọi là “can thiệp nhân đạo” còn mang ý nghĩa gì khác nếu không phải là phiên bản được hợp lý hóa về chính trị của “sứ mệnh khai hóa” bởi các đế chế phương Tây xưa kia?

Xác định quãng đời các đế chế

Chúng ta có xu hướng giả định rằng vòng đời của các đế chế, cường quốc và nền văn minh đều tuân theo quy luật có thể dự đoán trước. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất về các đế chế từng tồn tại trong lịch sử chính là sự đa dạng rất lớn về niên đại cũng như sự bành trướng về mặt lãnh thổ. Điểm đặc biệt nổi bật chính là việc các đế chế thời hiện đại ra đời gần đây nhất có vòng đời ngắn hơn một cách đáng kể so với những đế chế thời cổ đại và tiền hiện đại.

Hãy lấy trường hợp đế chế La Mã làm ví dụ. Đế chế Tây La Mã ra đời từ năm 27 trước Công nguyên khi Octavian lấy tên Caesar Augustus và trở thành hoàng đế trên mọi phương diện trừ tên gọi. Đế chế này tồn tại trong 422 năm và sụp đổ khi Constantinople được lập nên ở phía Đông làm kinh đô đối địch và Hoàng đế Theodosius băng hà vào năm 395. Đế chế Đông La Mã tồn tại kể từ đó đến năm 1453 khi Byzantium bị cướp phá bởi người Thổ của đế chế Ottoman, tổng cộng 1.058 năm. Đế chế La Mã Thần thánh – đế chế kế vị của Đế chế Tây La Mã – tồn tại từ năm 800 khi Charlemagne được phong làm Hoàng đế La Mã, cho tới khi Napoleon tiêu diệt đế chế này năm 1806. Như vậy, trung bình mỗi đế chế La Mã tồn tại trong vòng 829 năm.

Những phép tính dù thô sơ như vậy cũng đã cho phép chúng ta so sánh quãng đời của các đế chế. Ba đế chế La Mã kể trên có thời gian tồn tại khá dài. Trong khi đó, chúng ta có thể thấy tuổi thọ trung bình của các đế chế ở Cận Đông (bao gồm các đế chế Assyria, Abassid và Ottoman) vào khoảng hơn 400 năm một chút, còn con số này đối với các đế chế ở Ai Cập và Đông Âu là khoảng 350 năm. Trung bình mỗi đế chế ở Trung Quốc (chia nhỏ thành các triều đại) cai trị trong hơn 3 thế kỷ. Các đế chế khác nhau ở Ấn Độ, Ba Tư và Tây Âu tồn tại trong khoảng từ 200 đến 300 năm.

Empire1

Tuổi đời trung bình của các đế chế và triều đại (năm)

Sau sự kiện Constantinople bị cướp phá, đế chế tồn tại lâu nhất chính là đế chế Ottoman với 469 năm. Các đế chế ở Đông Âu của vương triều Habsburg và Romanov đều tồn tại trong hơn 3 thế kỷ. Dòng họ Mughal thống trị phần lớn lãnh thổ nay là Ấn Độ trong 235 năm. Nhà Safavid cũng thống trị Ba Tư trong khoảng thời gian tương tự.

Xác định chính xác thời gian tồn tại của các đế chế hải dương ở Tây Âu không phải là việc dễ dàng bởi tồn tại nhiều thời điểm khác nhau có thể được dùng để tính nguồn gốc ra đời và thời gian tồn tại của các đế chế này. Tuy nhiên, chúng ta có thể khẳng định các đế chế Anh, Hà Lan, Pháp và Tây Ban Nha đều tồn tại trong khoảng thời gian 300 năm. Quãng đời của đế chế Bồ Đào Nha dài hơn, gần 500 năm.

Những đế chế ra đời trong thế kỷ 20 lại có vòng đời tương đối ngắn. Liên Xô (1922-91) của những người Bolshevik chỉ tồn tại chưa đầy 70 năm, một khoảng thời gian thực sự khiêm tốn dù vẫn còn dài hơn so với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa [cho tới bây giờ]. Đế chế thuộc địa của Nhật Bản ra đời từ sau khi Nhật chiếm đóng Đài Loan vào năm 1895 và tồn tại trong khoảng 50 năm. Đế chế có thời gian tồn tại ngắn nhất thời hiện đại chính là Đệ tam đế chế của Adolf Hitler, vốn chỉ mở rộng lãnh thổ ra khỏi biên giới nước Đức trước đây từ năm 1938 và phải rút lui từ đầu năm 1945. Nếu tính toán trên phương diện kỹ thuật, Đệ tam đế chế tồn tại trong 12 năm, nhưng thời gian tồn tại như một đế chế thực sự theo đúng nghĩa của từ này, tức là thực thi quyền cai trị đối với các quốc gia khác, thì nó chỉ tồn tại trong khoảng nửa thời gian đó. Hitler chỉ hơn được mỗi trùm phát xít Ý Benito Mussolini trong vai trò lãnh đạo đế chế.

Empire2

Thời gian tồn tại ước tính của các đế chế thời cận đại và hiện đại (năm)

Tại sao các đế chế mới ra đời trong thế kỷ 20 lại chỉ tồn tại trong thời gian ngắn như vậy? Câu trả lời phần nào nằm ở mức độ tập quyền, kiểm soát kinh tế và sự đồng nhất về xã hội mà những đế chế này nuôi tham vọng có được.

Những đế chế mới xuất hiện sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất không bằng lòng với các dàn xếp quản lý thành công nhưng thiếu quy củ đã trở thành nét đặc trưng của các đế chế kiểu cũ, trong đó có sự pha trộn hỗn tạp giữa luật pháp của đế chế mẹ với luật pháp bản địa cũng như sự ủy quyền về mặt quyền lực và địa vị cho một số nhóm người bản địa. Những đế chế mới này thừa hưởng từ các nhà lập quốc của thế kỷ 19 tham vọng tột cùng muốn có được sự đồng nhất trong lòng đế chế; những thể chế chính trị này có thiên hướng giống như các “nhà nước đế chế” hơn là các đế chế kiểu cũ. Các đế chế mới không chấp nhận các ràng buộc về mặt tôn giáo và luật pháp truyền thống đối với việc sử dụng vũ lực. Các đế chế này một mực muốn tạo dựng hệ thống thứ bậc mới thay cho các kết cấu xã hội hiện thời. Họ hả hê đánh đổ các thể chế chính trị xưa cũ một cách không thương tiếc. Để theo đuổi các mục tiêu đề ra, họ sẵn sàng gây chiến với tất cả các tầng lớp xã hội, kể cả trong nước và ở nước ngoài, thay vì chỉ khiêu chiến với một nhóm đại diện có vũ trang và tinh nhuệ của một chính quyền đối địch. Việc Hitler buộc tội các nhà cầm quyền Anh quá nhẹ tay trong việc xử lý những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ấn Độ là một biểu hiện tiêu biểu của một thế hệ những hoàng đế tương lai lúc bấy giờ.

Những đế chế ra đời từ giữa thế kỷ 20 ở một mức độ đáng kể nào đó đều tự đào mồ chôn mình. Đặc biệt, người Đức và người Nhật đã áp đặt quyền cai trị lên các dân tộc khác một cách tàn bạo đến mức làm phá hủy sự hợp tác của người bản địa với chính quyền cai trị và tạo điều kiện cho các cuộc nổi dậy của người dân bản địa. Đó quả là một cách làm ngu ngốc, bởi những dân tộc được các cường quốc phe Trục “giải phóng” khỏi những kẻ thống trị trước đây (Stalin ở Đông Âu, hay các đế chế châu Âu ở châu Á) ban đầu đều chào đón những kẻ thống trị mới. Cùng lúc đó, các đế chế này luôn nung nấu lòng tham vô đáy trong việc mở rộng lãnh thổ – trong khi việc phối hợp đại chiến lược lại phi thực tế. Điều này nhanh chóng kích thích sự ra đời của một liên minh bất khả chiến bại gồm những đế chế đối địch như Anh, Liên Xô và Mỹ.

Vì sao chiến tranh nổ ra

Các đế chế không thể tồn tại lâu dài nếu không thiết lập và duy trì được sự đồng tình của người dân ở nước bản địa, hay nếu họ cho phép những liên minh của các đế chế mạnh hơn đoàn kết chống lại họ. Một câu hỏi quan trọng cần đặt ra, đó là liệu các cường quốc ngày nay có hành xử theo một cách khác biệt so với các đế quốc trước đây hay không?

Một cách công khai mà nói, các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đều bác bỏ cáo buộc rằng họ đang nuôi dưỡng khát vọng trở thành đế chế. Cả hai cường quốc này đều là sản phẩm của các cuộc cách mạng và có truyền thống lâu đời trong việc chống chủ nghĩa đế quốc. Thế nhưng, dù có diễn tốt thế nào thì cũng có lúc chiếc mặt nạ hoàn hảo rơi xuống. Trong tấm thiệp chúc mừng Giáng sinh năm 2003, Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney từng đặt ra câu hỏi, “Nếu không có một con chim sẻ nào có thể rơi xuống đất mà Chúa Trời lại không biết, thì liệu có một đế chế nào có thể vươn lên mà không cần sự trợ giúp của Người hay không?” Năm 2004, một cố vấn cấp cao cho Tổng thống Bush tiết lộ với nhà báo Ron Suskind rằng “Nước Mỹ hiện là một đế chế và khi chúng ta hành động, chúng ta tạo nên hiện thực của riêng mình… Chúng ta là những diễn viên chính của lịch sử.” Những quan niệm tương tự có lẽ cũng đã manh nha trong suy nghĩ của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Thậm chí nếu họ chưa từng nghĩ như vậy, thì một nền cộng hòa vẫn rất có thể hành xử như một đế chế trên thực tế, trong khi tiếp tục bác bỏ việc đánh mất bản chất cộng hòa của mình.

Nếu xét theo tiêu chuẩn lịch sử đặt ra, đế chế Mỹ vẫn còn quá non trẻ. Quá trình bành trướng lục địa của Mỹ vào thế kỷ 19 đã mang khuynh hướng đế chế rõ ràng. Thế nhưng, sự sáp nhập các vùng lãnh thổ ít cư dân sinh sống vào cấu trúc liên bang ban đầu một cách tương đối dễ dàng đã ngăn cản sự phát triển của một trạng thái tâm lý đế chế thực thụ và hầu như không gây áp lực nào đối với những thể chế chính trị của nền cộng hòa. Trong khi đó, kỷ nguyên mở rộng lãnh thổ sang các nước khác của Mỹ bắt đầu từ cuộc chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ năm 1898 lại khó khăn hơn nhiều, và cũng chính vì lý do này, đã thường xuyên làm gợi lên hình ảnh của các vị tổng thống Mỹ mang bản chất đế quốc. Ngoài trường hợp American Samoa, Guam, quần đảo Bắc Mariana, Puerto Rico và quần đảo Virgin, vốn vẫn đang là những lãnh thổ phụ thuộc của Mỹ, các vụ can thiệp của Mỹ ở nước ngoài thường diễn ra chóng vánh.

Trong suốt thế kỷ 20, Mỹ đã chiếm đóng Panama trong suốt 74 năm, Philippines trong 48 năm, Palau trong 47 năm, Micronesia và quần đảo Marshall trong 39 năm, Haiti trong 19 năm và Cộng hòa Dominica trong 8 năm. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mỹ chiếm đóng chính thức Tây Đức trong 10 năm và Nhật Bản trong 7 năm, mặc dù quân đội Mỹ vẫn tiếp tục hiện diện ở các quốc gia nói trên và cả ở Hàn Quốc. Lính Mỹ cũng được triển khai ồ ạt vào miền Nam Việt Nam từ năm 1965, nhưng đến năm 1973, Mỹ đã cho rút hết quân về nước.

….

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: De che co thoi han.pdf


[1] Nial Ferguson là Giáo sư sử học tại trường Đại học Havard và là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Hoover thuộc trường Đại học Stanford. Cuốn sách mới nhất của ông mang tựa đề The War of The World: Twentieth Century Conflict and The Descent of the West (NXB Penguin Press, 2006).