#66 – Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Thomas Plant & Ben Rhode (2013). “China, North Korea and the Spread of Nuclear Weapons”, Survival: Global Politics and Strategy, Vol. 55, No. 2, pp. 61-80.

Biên dịch: Lê Thị Thu Hiền | Hiệu đính: Lâm Vũ

Từng được cho là thân thiết gắn bó “như tay với chân” nhưng trong những năm gần đây, mối quan hệ Trung-Triều đã trở nên căng thẳng hơn. Bắc Kinh có những động cơ mâu thuẫn với nhau trong chính sách đối với Bình Nhưỡng và không bằng lòng với việc Bình Nhưỡng khiêu khích gây bất ổn tại khu vực Đông Bắc Á. Một số nhà quan sát cho rằng chính sách Bắc Triều Tiên của Bắc Kinh là phi lý vì nó khiến tinh thần bài Trung bị đẩy lên cao và tạo điều kiện cho quân đội Mỹ hiện diện tại châu Á.1(Sự bảo hộ ngoại giao mà Trung Quốc dành cho Bắc Triều Tiên sau vụ lực lượng Bắc Triều Tiên đánh chìm tàu hộ tống Cheonan Hàn Quốc và nã súng vào đảo Yeonpyeong năm 2010 đã làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc và thúc đẩy Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ tăng cường hợp tác). Việc Trung Quốc mập mờ bảo vệ cho kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên có thể sẽ châm ngòi cho việc Seoul và Tokyo một ngày nào đó sẽ tìm kiếm biện pháp răn đe hạt nhân cho riêng mình, mặc dù điều này khó có khả năng xảy ra chừng nào quân đội Mỹ vẫn còn duy trì sự hiện diện một cách đáng kể ở Đông Á.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã tính toán cẩn thận rằng nguy cơ chế độ chính trị Bắc Triều Tiên sụp đổ còn gây tổn thất nặng nề hơn nhiều vì điều này sẽ kéo theo một lượng lớn người tị nạn thâm nhập vào lãnh thổ phía bắc Trung Quốc và hai miền Triều Tiên có khả năng sẽ tái hợp nhất dưới sự kiểm soát của Seoul cùng đồng minh Mỹ. Viễn cảnh về một đồng minh quân sự của Mỹ làm láng giềng của Trung Quốc, và có thể là cả quân đội Mỹ dọc biên giới, đang khiến Bắc Kinh hết sức lo lắng. Cuộc xâm lược Trung Quốc của Nhật Bản thông qua bán đảo Triều Tiên vẫn là bài học không thể quên đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, và mối lo về vấn đề bị xâm phạm lãnh thổ lấn át mọi vấn đề khác.2Chính sách của Trung Quốc hiện nay dường như tập trung vào thương mại và đầu tư ở Bắc Triều Tiên với hi vọng rằng điều này sẽ thúc đẩy chế độ chính trị Bắc Triều Tiên phát triển thịnh vượng và ổn định, giảm thiểu động cơ tống tiền viện trợ thông qua hành động khiêu khích quân sự, khuyến khích Bình Nhưỡng đi theo con đường cải cách kinh tế của Trung Quốc sau năm 1979 và phát huy tối đa lợi thế chiến lược của Trung Quốc. Theo lời của Victor Cha, cựu giám đốc phụ trách các vấn đề về châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia thì Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đang bị “vướng vào mối quan hệ “con tin lẫn nhau”— Bắc Triều Tiên cần Trung Quốc giúp đỡ để có thể tồn tại còn Trung Quốc mong muốn chế độ chính trị Bắc Triều Tiên không sụp đổ”3. Viễn cảnh này đủ để khiến Trung Quốc không thể khai thác triệt để lợi thế về kinh tế và ngoại giao đối với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, tình thế cân bằng này có thể không duy trì được khi nguyên liệu hạt nhân của Bắc Triều Tiên bị rò rỉ. Trung Quốc có lợi ích thiết thực trong việc giảm thiểu nguy cơ hạt nhân Bắc Triều Tiên,và cụ thể là ngăn chặn việc buôn bán vũ khí hay nguyên liệu hạt nhân cho các chủ thể phi quốc gia, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một nước khác, cũng như việc rò rỉ vũ khí hay nguyên liệu hạt nhân trong trường hợp chế độ họ Kim sụp đổ hoặc phân chia. Hơn nữa, Trung Quốc có thể làm được điều đó mà không hề gây ảnh hưởng nghiêm trọng nào đến mối quan hệ với Bắc Triều Tiên (một điều đáng giá trong mọi tình huống). Nếu vũ khí hay nguyên liệu hạt nhân rơi vào tay các chủ thể phi quốc gia thì tổn thất đối với Trung Quốc về căn bản sẽ nặng nề hơn nhiều so với thiệt hại gây ra bởi sự sụp đổ của chế độ chính trị Bắc Triều Tiên.

Bắc Kinh đã có ít nhiều cố gắng trong việc thể hiện mức độ đáng tin cậy của mình trong lĩnh vực an ninh hạt nhân.4 Nguyên chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã chỉ rõ rằng “Là một quốc gia có trách nhiệm, Trung Quốc theo đuổi an ninh hạt nhân và nhất định phản đối việc phổ biến vũ khí hạt nhân và khủng bố hạt nhân… Mối hiểm họa khủng bố hạt nhân là không thể coi nhẹ, và việc chuyển đổi và buôn lậu nguyên liệu hạt nhân đang trên đà gia tăng”5. Trung Quốc đã ký và phê chuẩn nhiều bản hiệp ước, hiệp định quan trọng tạo dựng nên khung pháp lý hiện có về an ninh hạt nhân. Trung Quốc đã tổ chức đào tạo an ninh hạt nhân ở khu vực, thành lập một trung tâm nghiên cứu về an ninh hạt nhân tiếp theo sau thỏa thuận song phương với Mỹ năm 2011, và tham gia vào cả hai Hội nghị thượng đỉnh về An ninh hạt nhân. Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Seoul năm 2012, Hồ Cẩm Đào đã tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ tiến hành thêm nhiều biện pháp an ninh hạt nhân khác nữa nhằm bảo đảm an ninh về nguyên liệu và các cơ sở hạt nhân của chính nước này cũng như tăng cường an ninh hạt nhân chung.6

Có lẽ biện pháp quan trọng nhất để Trung Quốc có thể giảm thiểu nguy cơ vũ khí hay nguyên liệu hạt nhân rơi vào tay các chủ thể phi quốc gia là gián tiếp thông qua mối quan hệ với Bắc Triều Tiên – láng giềng đồng thời cũng là quốc gia phụ thuộc của Trung Quốc.7Có lẽ trong thâm tâm các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc không sẵn lòng sử dụng sức ảnh hưởng của mình, cho rằng tổn thất đối với lợi ích rộng lớn hơn của Trung Quốc sẽ không thể bù đắp được bằng việc giảm thiểu một cách không đáng kể nguy cơ của một mối đe dọa vốn đã khá xa xôi, và mối đe dọa này gần như chỉ nhắm trực tiếp đến Mỹ và các nước phương Tây.8

Trong vòng bí mật, giới quan chức và giới phân tích Trung Quốc có thể chỉ trích hành vi của Bắc Triều Tiên,9 nhưng phần lớn cho rằng lợi thế chiến lược của Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng đã bị phóng đại quá mức. Một điệp khúc quen thuộc nữa là mối quan hệ Trung–Triều cũng giống như mối quan hệ giữa Israel với Mỹ. Ngụ ý là lợi ích của Mỹ cũng thường bị đe dọa do việc hỗ trợ cho một nước đồng minh nhỏ bé mà hiếu chiến, nhưng Trung Quốc sẽ không cắt giảm hỗ trợ cho Bình Nhưỡng cũng như Washington vẫn sẽ không chấm dứt quan hệ với Jerusalem.10Trung Quốc cũng từ chối tham gia vào kế hoạch ứng phó khẩn cấp trong trường hợp Bắc Triều Tiên sụp đổ (bao gồm việc đảm bảo an toàn cho các tài sản hạt nhân), tin rằng điều này sẽ chỉ chọc giận Bình Nhưỡng và thu hẹp tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.11

Những lập luận như thế đã hoàn toàn đánh giá thấp mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc của Bắc Triều Tiên cả về mặt kinh tế lẫn ngoại giao. Cho dù chế độ họ Kim có thể không công nhận công lao của nước đồng minh danh nghĩa duy nhất này, nhưng với một nước có hệ tư tưởng gắn chặt với tinh thần tự chủ như Bắc Triều Tiên, sự tồn vong của nó lại quá phụ thuộc vào thiện chí của Trung Quốc. Suốt gần một thập kỉ qua, Trung Quốc đã hấp thu xấp xỉ 20-30% ngoại thương của Bắc Triều Tiên và con số này tăng đáng kể trong những năm gần đây, lên tới 50% vào năm 2011.12 Mỗi năm, Bắc Triều Tiên phải nhập khẩu của Trung Quốc khoảng 500 nghìn tấn dầu, tương ứng với gần 100% nhu cầu của cả nước này.

Trung Quốc đã lợi dụng điểm yếu này của Bắc Triều Tiên, ít nhất là một lần vào năm 2003. Trong khoảng thời gian Bắc Triều Tiên không chịu khoan nhượng, tiếp theo sau một vụ phóng thử tên lửa tầm ngắn, Bắc Kinh được cho là đã tạm ngừng việc cung cấp dầu cho nước này. Bình Nhưỡng đã phải áp dụng cách tiếp cận có tính hòa giải hơn, và sau đó đồng ý tham gia cuộc Hội đàm sáu bên.13Theo nhiều bài viết chưa được kiểm chứng gần đây, Trung Quốc đang gây áp lực buộc Bắc Triều Tiên không tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3, điều mà nhiều nhà phân tích cho rằng chắc chắn sẽ diễn ra sau vụ phóng vệ tinh thất bại vào tháng 4 năm 2012.14Nếu thông tin này được xác thực, hành động của Trung Quốc là đáng khích lệ, nhưng đó vẫn là một yếu tố cá biệt trong chính sách chung của Bắc Kinh đối với Bắc Triều Tiên. Dù sao thì Bình Nhưỡng vẫn đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 3 vào tháng 2 năm 2013. Bất chấp việc các nhà phân tích hàng đầu Trung Quốc tuyên bố Bắc Triều Tiên đã tự chứng tỏ mình là một “món nợ”  chiến lược và Trung Quốc nên cắt giảm hỗ trợ cho nước này để trả đũa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn khẳng định rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục “tiến hành trao đổi kinh tế thương mại bình thường với Bắc Triều Tiên.”15

Chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên

Cơ sở hạt nhân lớn nhất được biết đến ở Bắc Triều Tiên được đặt tại trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon. Tại đây trong khoảng thời gian hơn 20 năm, các công nhân đã phân tách thành công đủ Plutonium cấp độ vũ khí để sản xuất một số loại vũ khí hạt nhân. Theo hầu hết đánh giá, Bắc Triều Tiên có khoảng 30-50kg Plutonium đã phân tách. Chính nước này cũng tuyên bố rằng lượng Plutonium phân tách nằm trong khoảng đó nhưng có vẻ như là đã đạt gần mức 50kg.16Lượng dự trữ không tăng lên kể từ năm 2009, sau khi Bắc Triều Tiên tháo dỡ một phần lò phản ứng sản xuất hạt nhân năm 2008 và hoàn tất việc tái xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng.17 Cơ sở sản xuất Plutonium tại Yongbyon hiện không thể vận hành được và tình trạng này còn tiếp diễn ít nhất là đến khi lò phản ứng nước nhẹ đầu tiên của Bắc Triều Tiên (cũng tại Yongbyon) hoàn thành và đi vào hoạt động. Lò phản ứng nước nhẹ nhìn chung được xem là kém hơn so với lò phản ứng nước nặng trong việc sản xuất ra Plutonium cấp độ vũ khí.

Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên cũng đã phát triển năng lực làm giàu Uranium của mình. Ba vị khách người Mỹ Robert Carlin, Siegfried Hecker và John W. Lewis đã phát hiện ra một phần cơ sở làm giàu Uranium của nước này vào tháng 11 năm 2010. Cơ sở này là một bộ phận của cơ sở sản xuất nhiên liệu hạt nhân ở Yongbyon được xây dựng sau tháng 4 năm 2009 (là lần cuối cùng thanh tra cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đến khu vực này). Nó được cho là có có khoảng 2.000 máy li tâm và có công suất thiết kế đủ để sản xuất 40kg Uranium có độ giàu cao (HEU) mỗi năm – đủ để sản xuất 2 vũ khí hạt nhân lắp ráp theo kiểu nổ kín.18Việc các kĩ sư Bắc Triều Tiên, cho dù có lành nghề đến đâu, có thể xây dựng một nhà máy làm giàu Uranium trong thời gian ngắn như vậy mà không xây dựng ít nhất một cơ sở thử nghiệm ở nơi khác là một điều không khả thi.

Mục tiêu theo đuổi công nghệ làm giàu Uranium ở qui mô công nghiệp của Bắc Triều Tiên ít nhất là đã xuất hiện từ đầu thế kỷ 21 nhưng chứng cứ về năng lực làm giàu Uranium của nước này cho thấy mục tiêu này đã có trước đó rất lâu.19 Trước năm 2001, Bắc Triều Tiên gần như đã phát triển công nghệ làm giàu Uranium đến mức đủ để cho phép nước này cung cấp 1,7 tấn Uranium Hexafluoride có độ làm giàu thấp cho Lybia thông qua mạng lưới chợ đen của A.Q Khan.20Đến năm 2008, nếu không phải là trước đó nữa, Bắc Triều Tiên gần như đã phát triển công nghệ làm giàu đến mức cho phép sản phẩm có độ làm giàu cao của nước này gây nhiễm xạ tài liệu mà nước này chuyển qua cho Mỹ như là một phần của hoạt động thẩm tra đã được thông qua tại cuộc đàm phán sáu bên.21(Phân tích đồng vị cho thấy rằng nguyên liệu được tìm thấy trong các tài liệu này có thể chỉ đến từ phía Pakistan hoặc Bắc Triều Tiên, nhưng có những dấu hiệu chứng tỏ nguyên liệu này được sản xuất sau khi mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và A.Q Khan chấm dứt.)22 Có một vài kịch bản khả thi về việc Bắc Triều Tiên có thể đã sản xuất Uranium cấp độ vũ khí từ năm 2005.23

Ngoài lần tình cờ bị các khách tham quan Mỹ phát hiện năm 2010 thì chương trình làm giàu Uranium của Bắc Triều Tiên chưa bao giờ phải chịu sự kiểm soát hay sự giám sát công khai từ bên ngoài nào, nhưng có vẻ chương trình này đã vận hành được hơn 10 năm. Sự không rõ ràng này khiến việc ước tính trữ lượng HEU trở nên khó khăn. Ở một thái cực, có thể hình dung là Bắc Triều Tiên đã vận hành một nhà máy ở qui mô thử nghiệm từ cuối những năm 90 của thế kỉ 20.24 Một hoặc nhiều cơ sở qui mô lớn hơn có lẽ đã được bổ sung thêm trong suốt những năm 2000. (Một quan chức Hàn Quốc nhận xét là có thể có đến 4 cơ sở sản xuất nữa.)25 Ở thái cực kia, có thể hình dung là trong suốt 10 năm đầu thế kỷ 21 chỉ có một cơ sở được xây dựng, và nó đã bị tháo dỡ và lắp ráp lại để cung cấp các hợp phần cho nhà máy ở Yongbyon.

Căn cứ vào các giả định trên, Bắc Triều Tiên có thể có trữ lượng HEU cấp độ vũ khí lên tới 0,25 tấn hoặc hơn thế, mà cũng có thể không có gì cả.26Cán cân xác suất nghiêng về phía tối thiểu phải có một lượng HEU nào đó được sản xuất, nhất là khi động cơ của Bắc Triều Tiên đã quá rõ ràng mà lại không phải chịu sự giám sát nào của quốc tế, và khả năng có thể xảy ra nhất là lượng HEU ở mức 0,25 tấn. Có thể nói, Bắc Triều Tiên có khả năng bí mật xây dựng các cơ sở làm giàu Uranium một cách nhanh chóng, và sản xuất ra đủ nguyên liệu cung cấp cho việc chế tạo 2 vũ khí một năm (nếu cơ sở ở Yongbyon hoạt động hiệu quả như tuyên bố). Vị trí của các kho dự trữ HEU cũng như nơi chứa cái mà Bình Nhưỡng gọi là Plutonium đã được ‘vũ khí hóa’ hiện vẫn còn là một ẩn số.27

Nếu Bắc Triều Tiên thực sự đã sản xuất được vũ khí hạt nhân như quốc gia này hay tuyên bố, thì tất cả những vũ khí này có thể đã được chuyển giao toàn bộ cho các khách hàng quan tâm và việc Bình Nhưỡng sử dụng Uranium hay Plutonium cũng không còn là vấn đề.28Tuy nhiên ở góc độ các quan ngại về việc chuyển giao nguyên liệu phân hạch, năng lực HEU của Bắc Triều Tiên tiềm ẩn nguy cơ đặc biệt. Về mặt kĩ thuật thì việc chế tạo vũ khí hạt nhân từ HEU dễ hơn so với sử dụng Plutonium. Loại vũ khí hạt nhân đơn giản nhất — vũ khí dạng súng giống như loại đã được sử dụng trong vụ ném bom Hiroshima­­— có thể dễ dàng sản xuất được từ HEU. Loại vũ khí này sử dụng một khối lượng hạt nhân tới hạn được tập trung lại bằng việc bắn một khối lượng chưa tới hạn vào một khối lượng khác. Việc tránh bị phát hiện trong quá trình vận chuyển HEU cũng tương đối dễ dàng.

Tính toán của Bình Nhưỡng

Các công ty thương mại quốc doanh của Bắc Triều Tiên có lịch sử lâu đời trong việc buôn bán mọi mặt hàng mà họ có thể bán được cho bất cứ ai có khả năng thanh toán.29Các mặt hàng đó gồm vũ khí quy ước, thuốc giả, ma túy, tiền giả, tên lửa đạn đạo và hàng loạt những mặt hàng trái phép khác.30Bình Nhưỡng cũng đã bán cả công nghệ phát triển hạt nhân ít nhất là 2 lần: công nghệ làm giàu Uranium hexaflouride ở mức độ thấp cho Lybia (cùng với nguyên liệu Uranium hexaflouride chưa được làm giàu), công nghệ lò phản ứng và có thể cả các nguyên liệu và cơ sở hạ tầng khác cho Syria.31 Trong cả hai vụ Bắc Triều Tiên đều không bị xử phạt cũng như không phải chịu bất cứ trách nhiệm pháp lý nào. Do đó các nhà hoạch định chính sách Bắc Triều Tiên nhận thấy công nghệ và năng lực chuyên môn về hạt nhân của nước này có thể phát triển thành hàng hóa thương mại. Tính chất bí mật của những vụ giao dịch này cho thấy Bắc Triều Tiên cũng biết được nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến chúng. Các báo cáo về việc Bắc Triều Tiên buôn bán các loại vũ khí quy ước và phát triển tên lửa đạn đạo đã lan truyền hàng nhiều thập kỉ trước khi nhà lãnh đạo của Libya, Muammar Gadhafi, ra quyết định từ bỏ chương trình hạt nhân bí mật vào năm 2003.32 Ba hộp kim loại đựng Uranium làm giàu (EU), trong đó có một hộp chứa Uranium làm giàu nhẹ, được chuyển tới phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge tại Mỹ để phân tích kĩ thuật là một phần trong tiết lộ của Lybia về hoạt động chưa được công bố trước đây. Phân tích này cho thấy các hộp này có nguồn gốc từ Bắc Triều Tiên và nguồn Uranium làm giàu này không thể tìm thấy được ở nơi nào khác ngoài Bắc Triều Tiên. Rõ ràng A.Q Khan đã tìm được một đối tác hỗ trợ nữa cho mạng lưới của ông ta.33 Quan trọng là đối tác này tỏ ra sẵn sàng cung cấp nguyên liệu hạt nhân trong khả năng có thể của mình tại thời điểm đó. Vụ giao dịch này rất nguy hại cho lợi ích của Bắc Triều Tiên nếu bị phát hiện, nhưng lại hứa hẹn sẽ mang lại khoản lợi nhuận kếch xù cho nước này nếu trót lọt. Chi phí 2 triệu USD mà Lybia phải trả cho gói hàng uranium hexafluoride là xấp xỉ gấp 40 lần so với giá thị trường lúc bấy giờ, và Lybia thì đang tìm kiếm tổng số khoảng 20 tấn uranium hexafluoride để phục vụ mục đích nghiên cứu và phát triển.34 Từ đó suy ra chi phí để Lybia có được nguồn cung về nguyên liệu hạt nhân vào khoảng 20-30 triệu đô la.

Một đánh giá của Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Mỹ năm 1991 cho thấy quan hệ giao dịch quân sự của Bắc Triều Tiên với Libya là một trong những mối quan hệ đáng kể nhất của nước này vào những năm 1980. Trong đó, một hiệp định hợp tác về khoa học công nghệ vào năm 1977 đã báo hiệu một mối quan hệ mở rộng và đôi bên cùng có lợi, nếu không phải là một mối quan hệ nồng ấm.35 Một chủ thể chính trong mối quan hệ này là Changgwang Sinyong, một tổ chức buôn bán vũ khí trọng yếu của Bắc Triều Tiên, được thành lập với nhiệm vụ thu về ngoại tệ và có lẽ cũng là để hỗ trợ chương trình phát triển vũ khí của chính nước này.36 Changgwang Sinyong đã nhiều lần đổi tên nhưng có lẽ tổ chức này được biết đến nhiều nhất khi hoạt động dưới cái tên KOMID, Tập đoàn Phát triển Công nghiệp và Khai khoáng Bắc Triều Tiên, và hiện đã bị bài trừ theo các Nghị quyết 1718 và 1784 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc37.

Đại lý của các tổ chức buôn bán vũ khí Bắc Triều Tiên cũng đã phát triển quan hệ với bạn hàng Syria được một thời gian trước khi công khai hỗ trợ hạt nhân cho nước này. Ở mức độ nào đó có thể truy ra mối quan hệ này thông qua việc quan sát sự tiến triển trong mối quan hệ về vũ khí đạn đạo giữa Bắc Triều Tiên và Syria. Việc buôn bán tên lửa Scud B những năm 1990 và ngay sau đó là Scud C dường như đã chuyển biến thành một hình thức chuyển giao năng lực sản xuất Scud D vào đầu thế kỷ 21.38 Một lần nữa, Changgwang Singyong, sau này gọi là KOMID, được xem là có vai trò chủ đạo của trong việc tiến hành các hoạt động phát triển kinh doanh với đối tác quan trọng này.39

Năm 2007, máy bay Israel đã tấn công và phá hủy nơi bị nghi là lò phản ứng hạt nhân không hoạt động tại Deir ez-Zor, Syria. Theo nguồn tin được tiết lộ sau đó trong một chỉ thị công khai của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thì thiết kế của lò phản ứng này gần giống với lò phản ứng sản xuất Plutonium của Bắc Triều Tiên ở Yongbyon, mặc dù hai lò phản ứng không giống nhau. Một bức ảnh có vẻ như được chụp ở Syria, trong bức ảnh đó chủ tịch Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Syria, Ibrahim Othman, đứng cạnh chuyên gia hạt nhân cao cấp của Bắc Triều Tiên Chon Chi Pu, càng chứng tỏ mối liên hệ giữa Syria và Bắc Triều Tiên.40 Năm 2011, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhận định “rất có khả năng” cơ sở đó là một lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng. Kể từ khi IAEA tiến hành kiểm tra năm 2008, chính quyền Syria từ chối cho phép tiếp cận 3 địa điểm khác được cho là “liên quan về mặt chức năng” với lò phản ứng ở Deir ez-Zor.41

Điểm chung trong cả hai trường hợp của Lybia và Syria là trước khi diễn ra các giao dịch liên quan đến hạt nhân thì hai nước này đều đã thiết lập quan hệ với các hãng vũ khí Bắc Triều Tiên được một thời gian khá lâu. Mối quan hệ này có giá trị cao, đã hình thành trong nhiều năm, và thường được giữ kín ngay từ trước khi tiến hành các vụ buôn bán hạt nhân. Ở Lybia, người môi giới A.Q Khan đã giành được lòng tin của cả khách hàng lẫn nhà cung cấp thông qua lịch sử các vụ môi giới thành công của ông ta trước đây. Rõ ràng trong cả hai trường hợp, việc buôn bán các mặt hàng nhạy cảm như hệ thống tên lửa đạn đạo đòi hỏi phải có những biện pháp đánh lừa để tránh bị phát hiện chừng nào tốt chừng nấy.42 Điều này có lí do chính đáng của nó: trong khi Lybia được hưởng lợi từ các cơ sở Uranium đang phát triển của Bắc Triều Tiên thì Bình Nhưỡng cũng tìm kiếm được lợi ích tối đa từ chương trình khung kí năm 1994 với Mỹ. Nỗ lực dài hạn liên quan đến việc cung cấp lò phản ứng hạt nhân cho Syria chồng chéo với khung thời gian của chương trình khung đã thông qua và cuộc hội đàm sáu bên.43

….

Những nguy cơ đối với Trung Quốc

Trung Quốc có thể làm gì?

Chú thích

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: TQ, BTT va van de pho bien vu khi hat nhan.pdf

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]