#69 – Cấu trúc vô chính phủ và cân bằng quyền lực

european_union2

Nguồn: Kenneth N. Waltz (1979). “Anarchic Orders and Balances of Power” (Chapter 6) in K. N. Waltz,Theory of International Politics (Reading, Mass.: Addison-Wesley Pub. Co.), pp. 102-128.

Biên dịch: Phạm Trang Nhung | Hiệu đính: Nguyễn Hoàng Như Thanh

Chúng ta còn hai việc phải làm: một là nghiên cứu các đặc tính của vô chính phủ và các dự tính về kết cục của những thể chế vô chính phủ; hai là nghiên cứu xem những dự tính này thay đổi như thế nào khi cấu trúc của một hệ thống vô chính phủ thay đổi thông qua những thay đổi trong cán cân sức mạnh giữa các quốc gia. Nhiệm vụ thứ hai, mà tôi giải quyết ở chương 7, 8 và 9, đòi hỏi việc so sánh nhiều hệ thống quốc tế khác nhau. Nhiệm vụ thứ nhất, sẽ được tôi tập trung giải quyết ngay bây giờ, được thực hiện tốt nhất bằng cách so sánh giữa hành vi và kết quả trong các môi trường vô chính phủ và có thứ bậc.

I

1. Bạo lực trong và ngoài nước

Người ta vẫn thường nói, một quốc gia giải quyết công việc cùng với các quốc gia khác trong sự ám ảnh về bạo lực. Bởi vì có một vài quốc gia nào đó có thể sử dụng vũ lực bất kì lúc nào, nên mọi quốc gia đều phải chuẩn bị sử dụng bạo lực – hoặc là phải phó mặc số phận của mình cho những người láng giềng ngày càng mạnh hơn về mặt quân sự. Giữa các quốc gia, tình trạng tự nhiên là tình trạng chiến tranh. Người ta có thể thấy rõ điều này không chỉ từ việc chiến tranh xảy ra liên miên mà còn từ thực tế là nếu mỗi quốc gia có thể tự quyết định việc có sử dụng vũ lực hay không thì hệ quả là chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Dù là trong khuôn khổ gia đình, cộng đồng, hay trên toàn thế giới nói chung, tương tác mà không thi thoảng xảy ra xung đột là chuyện không tưởng, và niềm hi vọng rằng khi thiếu vắng một cơ quan để kiểm soát hay điều khiển các bên xung đột, người ta sẽ luôn luôn tránh việc sử dụng vũ lực trên thực tế là một ý kiến không thể chấp nhận. Giữa con người với nhau cũng như giữa các quốc gia, tình trạng vô chính phủ luôn đi kèm với sự hiện diện của bạo lực.

Mối đe dọa bạo lực và việc sử dụng bạo lực thường xuyên được coi là đặc điểm để phân biệt quan hệ quốc tế với chính trị nội bộ. Nhưng trong lịch sử thế giới chắc chắn là phần lớn các nhà cầm quyền đã phải ghi nhớ rằng công dân của mình cũng có thể sử dụng vũ lực để chống lại hay lật đổ họ. Nếu tình trạng không có chính phủ đi kèm với mối đe dọa bạo lực, thì sự tồn tại của chính phủ cũng vậy. Một danh sách ngẫu nhiên những thảm kịch ở các quốc gia cũng có thể minh họa rõ nét điểm này. Những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong hàng trăm năm sau khi Napoleon bị đánh bại không diễn ra giữa các quốc gia mà lại ở trong lòng chúng. Ước tính số người chết trong cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Quốc, bắt đầu năm 1851 và kéo dài trong 13 năm, là khoảng 20 triệu người. Trong nội chiến Mỹ khoảng 600 ngàn người đã mất mạng. Trong lịch sử hiện đại, quá trình tập thể hóa và thanh trừng của Stalin đã xóa sổ 5 triệu người Nga, và Hitler đã giết hại 6 triệu người Do Thái. Ở một số quốc gia Mỹ Latinh, các cuộc đảo chính và nổi dậy đã trở thành đặc trưng trong đời sống đất nước. Ví dụ, từ năm 1948 đến 1957, 200 ngàn người Colombia đã bị giết hại trong nội chiến. Vào giữa những năm 1970, phần lớn người Idi Amin ở Uganda hẳn là phải cảm thấy cuộc đời họ trở nên xấu xa, tàn bạo và ngắn ngủi giống như tình trạng tự nhiên mà Thomas Hobbes mô tả. Nếu những ví dụ trên chỉ là ngoại lệ, thì đó chính là những ngoại lệ phổ biến đến mức khó chịu. Chúng ta có thể dễ dàng quên mất sự thật rằng đấu tranh để giành và giữ quyền lực, để thiết lập trật tự, và để thực thi một kiểu công lý trong các quốc gia, có lẽ còn đẫm máu hơn chiến tranh giữa chúng với nhau.

Nếu vô chính phủ được định nghĩa là hỗn loạn, phá hủy, và chết chóc, thì sự phân biệt vô chính phủ với có chính phủ gần như chẳng nói lên điều gì. Cái nào bất ổn định hơn: đời sống của một quốc gia giữa các quốc gia khác, hay của một chính phủ trong quan hệ với các công dân của mình? Câu trả lời thay đổi tùy vào thời gian và không gian. Đôi khi, khả năng có bạo lực tiềm tàng hay trên thực tế giữa một vài quốc gia tại một vài thời điểm là khá thấp. Nhưng có lúc, khả năng này ở bên trong một vài quốc gia lại khá cao. Việc sử dụng vũ lực, hay nỗi sợ thường trực đối với việc này, không phải là nền tảng hiệu quả để phân biệt các mối quan hệ quốc tế với công việc quốc gia. Nếu việc sử dụng vũ lực tiềm tàng và trên thực tế tác động lên cả trật tự quốc gia và quốc tế, thì người ta sẽ chẳng rút ra được sự khác biệt đáng kể nào giữa hai địa hạt này trên phương diện sử dụng hay không sử dụng bạo lực. Không có trật tự nào của con người miễn nhiễm với bạo lực.

Để khám phá ra những khác biệt về bản chất giữa chính trị quốc tế và chính trị nội địa người ta phải tìm kiếm một tiêu chí khác ngoài sự tồn tại của bạo lực. Sự khác biệt giữa các thể chế chính trị quốc gia và quốc tế không nằm ở chỗ sử dụng hay không sử dụng vũ lực mà ở khác biệt về cấu trúc. Nhưng nếu giả dụ như việc đi dạo đêm khuya trong trung tâm Detroit có nguy cơ bị tấn công bằng vũ lực lớn hơn so với việc đi picnic dọc biên giới Pháp – Đức, thì những khác biệt về cấu trúc thực sự tạo ra khác biệt gì trên thực tế? Dù là ở phạm vi quốc gia hay quốc tế, các mối tương tác cũng sản sinh ra mâu thuẫn, và thường phát sinh bạo lực. Sự khác biệt của chính trị quốc gia và quốc tế không nằm ở việc sử dụng vũ lực mà nằm ở sự khác biệt của các mô hình tổ chức liên quan đến nó. Một chính phủ, cai trị dựa trên một vài tiêu chuẩn về tính chính danh, tự cho mình quyền sử dụng vũ lực – để áp dụng một loạt các hình phạt nhằm kiểm soát việc sử dụng vũ lực của các công dân. Nếu một vài người sử dụng vũ lực với tư cách cá nhân, một số khác có thể tố cáo với chính phủ. Một điều quá rõ ràng là chính phủ không có độc quyền trong việc sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, một chính phủ hiệu quả thì phải có độc quyền trong việc sử dụng vũ lực một cách hợp pháp, và hợp pháp ở đây có nghĩa là các cơ quan công quyền được tổ chức để ngăn chặn và chống lại việc cá nhân sử dụng vũ lực. Công dân không cần phải chuẩn bị bảo vệ mình, đó là việc của các cơ quan công quyền. Hệ thống quốc gia không phải là một hệ thống tự cứu. Hệ thống quốc tế mới có dạng như vậy.

2. Phụ thuộc lẫn nhau và thống nhất

Ý nghĩa chính trị của sự phụ thuộc lẫn nhau thay đổi tùy thuộc vào việc một hệ thống có được tổ chức với các mối quan hệ quyền lực cụ thể và chắc chắn, hay vẫn chưa được tổ chức chính thức. Đến khi nào hệ thống được tổ chức một cách chính thức thì các đơn vị của nó mới có thể tự do chuyên biệt hóa để theo đuổi các lợi ích của mình mà không phải lo lắng về việc phát triển các phương thức để duy trì bản sắc cũng như bảo tồn an ninh khi có sự tồn tại của các đối tượng khác. Chúng có thể tự do chuyên biệt hóa bởi vì chúng chẳng có lý do gì để sợ hãi sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng đi cùng với sự chuyên biệt hóa đó. Nếu những đơn vị chuyên biệt hóa nhiều nhất hưởng lợi nhiều nhất, thì sẽ xuất hiện cạnh tranh trong việc chuyên biệt hóa. Hàng hóa được sản xuất, lương thực được thu hoạch, luật lệ và trật tự được duy trì, thương mại được đảm bảo, và các dịch vụ tài chính được cung cấp bởi những người ngày càng chuyên biệt hóa sâu sắc hơn. Nói đơn giản về mặt kinh tế, người thợ đóng giày phụ thuộc vào thợ may để có cái quần, và thợ may phụ thuộc vào anh ta để có đôi giày, mỗi người sẽ không đủ phục trang nếu không có dịch vụ của người khác. Nói đơn giản về mặt chính trị, Kansas phụ thuộc vào sự bảo vệ và điều hành của Washington, và Washington phụ thuộc vào thịt bò và bột mì của Kansas. Khi nói rằng trong những tình huống như trên sự phụ thuộc lẫn nhau là rất sâu sắc, ta không cần phải nhắc lại rằng một bên sẽ không thể tồn tại được nếu không có bên kia. Ta chỉ phải nhấn mạnh rằng cái giá của việc phá vỡ thế phụ thuộc lẫn nhau sẽ khá cao. Con người và các tổ chức phụ thuộc nặng nề vào nhau chính bởi họ đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau và sản xuất cũng như trao đổi các loại hàng hóa khác nhau. Các thành phần của một chính thể tự ràng buộc với nhau bởi chính sự khác biệt của chúng (cf. Durkheim 1893, trang 212).

Sự khác biệt giữa cấu trúc quốc gia và quốc tế được phản ảnh trong cách mà các đơn vị của mỗi hệ thống xác định mục tiêu và tiến hành các biện pháp để đạt được chúng. Trong thể chế vô chính phủ, các đơn vị giống nhau cùng hoạt động với nhau. Ở các thể chế có thứ bậc, các bộ phận không giống nhau tương tác với nhau. Trong một thể chế vô chính phủ, các bộ phận giống nhau về chức năng và có xu hướng duy trì điều này. Các đơn vị tương tự nhau cố gắng duy trì một mức độ độc lập nhất định và thậm chí nỗ lực để có được sự tự chủ. Trong một thể chế phân cấp, các bộ phận khác biệt nhau, và có xu hướng tăng mức độ chuyên biệt hóa. Các phần khác biệt trở nên phụ thuộc lẫn nhau càng chặt chẽ hơn khi quá trình chuyên biệt hóa ngày càng sâu sắc. Bởi sự khác biệt cấu trúc, sự phụ thuộc lẫn nhau bên trong quốc gia và giữa các quốc gia là hai khái niệm khác nhau. Theo lời khuyên của các nhà logic học rằng chỉ nên dùng một nội hàm duy nhất cho một khái niệm trong suốt cả luận đề, tôi sẽ sử dụng từ “thống nhất” để miêu tả tình trạng bên trong các quốc gia và “phụ thuộc lẫn nhau” dành cho tình trạng giữa chúng.

Mặc dù các quốc gia là các đơn vị giống nhau về mặt chức năng, song chúng lại rất khác biệt về năng lực. Chính vì sự khác biệt năng lực trên mà xuất hiện một dạng phân chia lao động giữa các quốc gia (xem chương 9). Tuy nhiên, sự phân chia lao động xuyên quốc gia này chẳng thể so sánh được với sự phân chia lao động cực kì nhịp nhàng trong lòng mỗi quốc gia. Sự thống nhất kéo các phần của một quốc gia lại gần nhau. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia chỉ có thể khiến chúng liên kết với nhau một cách lỏng lẻo. Mặc dù người ta hay bàn tới sự thống nhất của các quốc gia nhưng chuyện đó rất hiếm khi xảy ra trên thực tế. Các quốc gia có thể cùng nhau thịnh vượng bằng cách phân công sâu sắc hơn, không chỉ trong khâu sản xuất hàng hóa, mà còn trong cả một số nhiệm vụ khác, như là quản lý chính trị và phòng vệ quân sự chẳng hạn. Vậy tại sao sự thống nhất giữa chúng không xảy ra? Cấu trúc của chính trị quốc tế giới hạn sự hợp tác của các quốc gia theo hai cách.

Trong một hệ thống tự cứu, mỗi đơn vị dành ra một phần nỗ lực, không phải để tăng cường sự thịnh vượng của mình, mà để chuẩn bị công cụ bảo vệ bản thân chống lại các đơn vị khác. Sự chuyên biệt hóa trong một hệ thống phân công lao động có lợi cho tất cả mọi người, mặc dù lợi ích phân phối không hoàn toàn bình đẳng. Sự thiếu công bằng trong phân phối các sản phẩm tăng thêm sẽ tác động cực kì tiêu cực đối với việc mở rộng phân công lao động quốc tế. Trước khả năng hợp tác vì lợi ích chung, các quốc gia cảm thấy mất an ninh sẽ phải tìm hiểu xem thành quả sẽ được phân chia ra sao. Họ bị thôi thúc không phải bởi câu hỏi “liệu có phải chúng ta cùng có lợi?” mà sẽ bởi câu hỏi “Ai sẽ có lợi hơn?” Ví dụ, nếu thành quả dự kiến được chia theo tỉ lệ 2:1, thì quốc gia lợi hơn có thể sử dụng thành quả được phân chia không cân đối này để thực thi một chính sách nhằm gây tổn thương hay phá hủy nước kia. Thậm chí cả triển vọng thu được lợi ích tuyệt đối lớn đối với cả hai bên cũng không khơi gợi được sự hợp tác của họ nếu như mỗi bên vẫn còn lo sợ không biết bên kia sẽ sử dụng nguồn lực tăng thêm vào việc gì. Cần nhớ rằng những trở ngại đối với hợp tác có lẽ không nằm ở đặc tính và ý định tức thời của cả hai bên. Thay vào đó, tình trạng mất an ninh – mà ở mức độ thấp nhất là việc mỗi bên không chắc chắn về ý định và hành động của bên kia trong tương lai – chống lại sự hợp tác của chúng.

Trong bất kì hệ thống tự cứu nào, các đơn vị cũng đều lo lắng cho sự tồn tại của mình, và sự lo lắng này quy định hành vi của chúng. Thị trường độc quyền nhóm bán hạn chế sự hợp tác của các công ty rất giống với cách cấu trúc chính trị quốc tế hạn chế sự hợp tác giữa các quốc gia. Trong phạm vi luật lệ do chính phủ đặt ra, việc các hãng có tồn tại và phát triển hay không phụ thuộc vào nỗ lực tự thân của chúng. Các hãng không cần bảo vệ bản thân khỏi sự tấn công vật lý từ các hãng khác. Họ có thể hoàn toàn tự do tập trung vào lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, là một thực thể kinh tế, họ cũng sống trong một thế giới tự cứu. Mọi hãng đều muốn tăng lợi nhuận. Nếu họ mạo hiểm quá mức vì điều này, họ phải lường trước hậu quả phải chịu. Như William Fellner đã nói: “không thể tối đa hóa lợi nhuận chung nếu không cùng nhau xử lý các biến số liên quan.” Và điều này lại chỉ có thể được thực hiện bằng cách “triệt để dỡ bỏ mọi vũ khí của các công ty trong quan hệ giữa chúng với nhau.” Nhưng các hãng không thể giải giáp một cách đáng kể ngay cả khi điều này giúp gia tăng lợi nhuận. Nhận định này phù hợp, chứ không mâu thuẫn, với giả định rằng các công ty có mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Để tối đa hóa lợi nhuận trong tương lai cũng như hiện tại, công ty trước hết phải tồn tại đã. Dùng hết mọi nguồn lực, lại cũng như Fellner đã nói, đồng nghĩa với “hạn chế các cơ hội trong tương lai của tất cả các hãng trên thị trường” (1949, p35). Nhưng tương lai không thể bị phớt lờ. Sức mạnh tương đối của các hãng thay đổi theo thời gian theo những cách mà người ta không thể dự đoán trước được. Các hãng buộc phải tìm được điểm cân bằng giữa mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và yêu cầu tối thiểu hóa nguy cơ sụp đổ. Một trong hai hãng có lẽ sẽ có lợi hơn hãng kia nếu một trong hai chấp nhận đền bù từ hãng kia để từ bỏ một phần nào đó của thị trường. Nhưng một hãng chấp nhận thị trường nhỏ hơn để thu lợi lớn hơn chắc chắn sẽ gặp bất lợi lớn nếu, giả dụ, cuộc chiến giá cả có thể bùng phát trong khuôn khổ một cuộc cạnh tranh thị trường mới. Nếu có thể, một công ty phải cố tránh việc chấp nhận thị phần nhỏ hơn để đổi lấy lợi nhuận lớn hơn (pp, 132, 217-18). Fellner nhấn mạnh rằng “thật là không khôn ngoan khi buông vũ khí trong mối quan hệ với đối thủ” (p.199). Tại sao lại không? Bởi vì “luôn có khả năng xảy ra một cuộc chiến mới” (p.177). Lập luận của Fellner cũng giống lý do khiến Lênin tin rằng các nước tư bản chủ nghĩa sẽ không bao giờ có thể hợp tác để cùng thịnh vượng trong thế giới đế quốc rộng lớn. Cũng giống như quốc gia, các hãng trong thị trường độc quyền nhóm bán phải lưu tâm tới sức mạnh tương đối nhiều hơn là lợi thế tuyệt đối.

Các quốc gia sẽ lo lắng về sự phân chia lợi nhuận khả dĩ nào vốn có thể làm lợi cho các nước khác nhiều hơn cho mình. Đó chính là cách đầu tiên mà hệ thống chính trị quốc tế hạn chế sự hợp tác giữa các quốc gia. Một quốc gia cũng lo sợ khả năng nó trở nên phụ thuộc vào các nước khác thông qua các nỗ lực hợp tác cũng như việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Đó là cách thứ hai mà hệ thống chính trị quốc tế hạn chế sự hợp tác giữa các quốc gia. Một quốc gia càng chuyên biệt hóa, thì nó càng phụ thuộc vào nguyên liệu và hàng hóa từ các nước ngoài mà bản thân nó không sản xuất được. Một quốc gia xuất nhập khẩu càng nhiều thì càng phụ thuộc vào các nước khác. Sự thịnh vượng của thế giới sẽ tăng lên nếu có sự phân chia lao động sâu sắc hơn, nhưng các quốc gia vì thế cũng sẽ đặt bản thân mình vào tình trạng phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn. Một vài quốc gia có lẽ sẽ không phản đối điều này. Đối với những quốc gia nhỏ và yếu cái giá của việc làm vậy [chống lại toàn phân chia lao động quốc tế] cực kì cao. Nhưng các quốc gia có thể chống lại việc ngày càng bị trói buộc nhiều hơn vào các quốc gia khác bằng một hoặc cả hai cách sau. Các quốc gia phụ thuộc nặng nề, hay phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ, lo lắng cho sự an toàn của cái mà họ phụ thuộc vào. Sự phụ thuộc lẫn nhau cao độ giữa các quốc gia có nghĩa là các quốc gia này đang trải nghiệm, hay phải đối mặt với, tình trạng dễ bị tổn thương chung mà sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc mang lại. Như những tổ chức khác, nhà nước tìm cách kiểm soát cái mà chúng phụ thuộc vào hoặc tìm cách giảm bớt mức độ phụ thuộc. Suy nghĩ đơn thuần này lý giải khá nhiều về hành vi của các quốc gia: những cuộc tấn công mang tính đế quốc nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng và nỗ lực tự thân của họ để đạt được mức tự cung tự cấp.

Cấu trúc hệ thống khuyến khích một số hành vi nhất định và trừng phạt những nhân tố không phản ứng theo hướng được khuyến khích. Ở khía cạnh quốc gia, nhiều người phê phán sự phát triển tột bậc của phân công lao động, một sự phát triển dẫn đến việc phân công những nhiệm vụ ngày càng cụ thể cho mỗi cá nhân. Nhưng quá trình chuyên biệt hóa vẫn tiếp diễn, và mức độ của nó là một thước đo sự phát triển của xã hội. Trong một thể chế được tổ chức một cách chính thống, phần thưởng được trao cho đơn vị có khả năng chuyên biệt hóa sao cho gia tăng giá trị của mình đối với những đơn vị khác trong hệ thống phân công lao động. Khẩu hiệu trong nước là “chuyên biệt hóa”! Về mặt quốc tế, nhiều người phê phán việc các quốc gia sử dụng nguồn lực một cách phi sản xuất để  bảo vệ bản thân và bỏ lỡ các cơ hội tăng thêm lợi ích cho nhân dân thông qua hợp tác với những quốc gia khác. Nhưng hành vi của các quốc gia vẫn thay đổi rất ít. Trong một thể chế không được tổ chức, lợi ích của mỗi đơn vị là phải tự đặt mình vào vị trí đủ để tự lo cho mình bởi vì không có ai khác có thể đảm nhiệm việc này. Khẩu hiệu quốc tế là “hãy tự chăm sóc mình”! Một vài lãnh đạo quốc gia có thể hiểu rằng sự thịnh vượng của tất cả sẽ tăng lên thông qua việc tham gia đầy đủ hơn vào phân công lao động. Nhưng làm theo ý này chính là hành động theo mô hình nội địa, một mẫu hình không phù hợp trên trường quốc tế. Cái mà người ta muốn làm khi không có những ràng buộc về cấu trúc khác với cái mà người ta được khuyến khích nên làm khi tồn tại những ràng buộc này. Các quốc gia không sẵn lòng đặt bản thân mình vào tình trạng ngày càng phụ thuộc. Trong một hệ thống tự cứu, các tính toán về an ninh đã làm giảm vai trò của lợi ích kinh tế so với lợi ích chính trị.

Những gì mỗi quốc gia làm cho bản thân mình rất giống với cái mà mọi quốc gia khác đều làm. Chúng không được nhận những lợi ích mà việc phân công lao động toàn diện, về chính trị cũng như kinh tế, có thể mang lại. Hơn nữa, chi tiêu quốc phòng hoàn toàn mang tính phi sản xuất nhưng cũng gần như là không thể tránh khỏi. Thay vì gia tăng thịnh vượng, cái mà chi tiêu quốc phòng đem lại là duy trì sự tự chủ. Các quốc gia cạnh tranh không phải bằng cách nỗ lực cùng sản xuất hàng hóa vì lợi ích chung. Đây chính là sự khác biệt lớn thứ hai giữa hệ thống kinh tế và chính trị quốc tế, vốn được trình bày ở phần 1, mục 4, của chương tiếp theo.

3. Cấu trúc và chiến lược

Hiện giờ ta có thể dễ dàng nhìn thấy rằng động lực và kết quả có thể hoàn toàn tách biệt nhau. Cấu trúc khiến nhiều hành vi có những kết quả không mong muốn. Chắc chắn phần lớn các chủ thể sẽ nhận thấy điều này, và ít nhất một vài trong số họ sẽ có khả năng hiểu tại sao. Họ có thể hiểu tương đối rõ  cấu trúc tạo ra những tác động như thế bằng cách nào. Thế thì liệu có khả năng họ vẫn không đạt được mục tiêu ban đầu cho dù điều chỉnh các chiến lược một cách phù hợp không? Thật không may, họ lại thường phải chấp nhận chuyện này. Để giải thích điều này tôi sẽ chỉ đưa ra một vài ví dụ; một khi luận điểm đã sáng tỏ, độc giả sẽ dễ dàng tìm được những ví dụ khác.

Nếu dự tính sẽ có tình trạng thiếu hụt một loại hàng hóa, mọi người đều cùng có lợi nếu họ mua ít hàng hóa đó hơn nhằm giảm việc tăng giá và chia đều sự thiếu thốn loại hàng hóa này. Nhưng bởi vì có một số người sẽ có lợi hơn nếu họ nhanh chóng tích trữ nguồn hàng, nên mọi người đều có động lực lớn để làm vậy. Nếu một người cho rằng những người khác sẽ đột ngột rút tiền gửi khỏi ngân hàng, hành vi khôn ngoan của người đó sẽ là rút nhanh hơn những người kia kể cả khi biết rằng nếu có một ít người rút tiền thì ngân hàng vẫn còn khả năng thanh khoản, song nếu nhiều người rút, ngân hàng sẽ sụp đổ. Trong những trường hợp này, theo đuổi lợi ích cá nhân đưa lại kết quả tập thể mà chẳng ai mong muốn, song cá nhân bằng cách hành xử khác sẽ tổn thương chính bản thân mình mà không thay đổi được kết quả. Hai ví dụ quá quen thuộc này đã nói lên vấn đề chính. Có một số hành động tôi không thể làm theo trừ khi bạn cũng làm thế, và bạn cùng với tôi cũng không thể hoàn toàn yên tâm làm điều đó nếu chúng ta không chắc chắn rằng nhiều người khác cũng sẽ làm như thế. Hãy đi sâu hơn vào vấn đề bằng cách nhìn nhận kĩ lưỡng hai ví dụ nữa.

Mỗi người có thể chọn lái xe riêng hơn là đi xe lửa. Xe riêng có sự linh hoạt trong kế hoạch đi lại cũng như lựa chọn điểm đến; nhưng có nhiều khi, ví dụ như, trong lúc thời tiết xấu, dịch vụ vận chuyển hành khách của xe lửa lại tiện lợi hơn nhiều. Mỗi người có thể mua hàng ở siêu thị hơn là tại cửa hàng thực phẩm nhỏ ở góc phố. Hàng hóa ở siêu thị nhiều hơn, và rẻ hơn; nhưng có lúc dịch vụ thanh toán và vận chuyển của cửa hàng thực phẩm lại tiện lợi hơn nhiều. Kết quả là phần lớn mọi người lái xe riêng và mua hàng trong siêu thị làm giảm lượng hành khách đi xe lửa và số lượng cửa hàng thực phẩm. Kết quả này có lẽ không phải là cái nhiều người muốn. Họ có thể sẵn sàng trả tiền để những dịch vụ này không biến mất. Nhưng các cá nhân lại chẳng thể làm gì để thay đổi kết quả. Gia tăng lượng khách hàng [cho các dịch vụ trên] có thể thay đổi hiện trạng, tuy nhiên chỉ cố gắng của tôi và của một số ít người tôi có thể thuyết phục được thì không đủ.

Chúng ta đều có thể nhận thấy rằng các hành vi của chúng ta tạo ra những kết quả không mong đợi, song chúng ta cũng có thể nhìn thấy rằng những ví dụ như trên là các ví dụ mà Alfred E. Kahn mô tả là những thay đổi “lớn” được mang lại bởi tập hợp những quyết định “nhỏ”. Trong những tình huống như vậy con người là nạn nhân của “sự chuyên chế của các quyết định nhỏ”, một cụm từ thể hiện rằng “nếu một trăm khách hàng chọn phương án x, và điều này khiến cho thị trường đưa ra quyết định X (trong đó X bằng 100x), thì không nhất thiết là chính những khách hàng này sẽ đều lựa chọn kết quả này nếu quyết định X đã từng được đưa ra rõ ràng để họ cân nhắc từ trước” (Kahn 1966, p. 523). Nếu thị trường không đưa ra câu hỏi lớn để các cá nhân ra quyết định, thì các cá nhân bị buộc phải đưa ra quyết định hợp lý dựa trên bối cảnh hạn hẹp của họ mặc dù họ biết rõ rằng khi đưa ra các quyết định này họ đang mang lại một kết quả mà phần lớn họ không mong muốn. Hoặc là vậy hoặc là họ tổ chức để vượt qua một số ảnh hưởng của thị trường bằng cách thay đổi cấu trúc của nó – ví dụ, bằng cách đoàn kết thành một đơn vị tiêu dùng lớn có sức nặng ngang với các đơn vị sản xuất. Đây chính là điểm mấu chốt: khi cấu trúc không bị tác động thì không thể thay đổi ý định và hành động của các chủ thể cụ thể hướng tới kết quả mong đợi hay tránh những kết quả không mong muốn. Cấu trúc có thể bị thay đổi, như vừa nói, bằng cách thay đổi sự phân phối khả năng giữa các đơn vị. Cấu trúc cũng có thể bị thay đổi bằng cách thiết lập quy định chung tại các lĩnh vực mà trước đấy mỗi người phải tự quyết định lấy. Nếu một vài người bán lẻ làm việc ngày chủ nhật, những người khác có lẽ cũng sẽ phải làm vậy để duy trì cạnh tranh kể cả khi hầu hết mọi người thích làm việc chỉ 6 ngày một tuần thôi. Phần lớn có thể làm như họ mong muốn chỉ khi tất cả được yêu cầu làm việc với số giờ tương đương nhau. Biện pháp duy nhất để khắc phục các tác động mạnh mẽ do cấu trúc gây ra chính là thay đổi cấu trúc đó.

Nhưng chẳng thể tự huyễn hoặc rằng các hạn chế do cấu trúc gây ra có thể bị xóa bỏ dễ dàng, mặc dầu nhiều người có thể không hiểu điều này. Ở mọi nơi, vào mọi lúc, các đơn vị của hệ thống tự cứu – quốc gia, tập đoàn, hay bất cứ cái gì – được thuyết phục rằng lợi ích lớn hơn, bao gồm cả phần của riêng họ, đòi hỏi họ hành động vì hệ thống đó mà không phải vì lợi ích hạn hẹp của họ. Vào những năm 1950, khi nỗi sợ hãi thế giới có thể bị hủy diệt trong chiến tranh hạt nhân tăng lên, một số người kết luận rằng biện pháp để không bị phá hủy là giải trừ quân bị trên toàn thế giới. Vào những năm 1970, cùng với sự bùng nổ dân số, nghèo đói, và ô nhiễm, một số người lại kết luận, như các nhà khoa học chính trị đã nói, rằng “các quốc gia phải đáp ứng nhu cầu của hệ sinh thái chính trị dưới góc độ toàn cầu hoặc là đi đến diệt vong” (Sterling 1974, p.336). Lợi ích quốc tế phải được đáp ứng; và nếu điều này có một ý nghĩa gì đó, thì nó có nghĩa là lợi ích quốc gia chỉ là thứ yếu so với lợi ích quốc tế. Vấn đề xuất hiện ở cấp độ toàn cầu. Các giải pháp cho những vấn đề này tiếp tục phụ thuộc vào chính sách quốc gia. Đâu là điều kiện khiến cho các quốc gia sẵn sàng không nhiều thì ít tuân thủ các nghĩa vụ thường được áp đặt lên họ? Làm thế nào họ có thể giải quyết mâu thuẫn giữa việc theo đuổi lợi ích bản thân và hành động vì cả hệ thống? Chưa có ai từng chỉ ra phải làm thế như thế nào, mặc dù nhiều người đã hô hào kêu gọi những hành động duy lý. Tuy nhiên, vấn đề chính là cái hành vi duy lý đó, đặt trong các ràng buộc cấu trúc, không dẫn tới những kết quả mong đợi. Với mỗi quốc gia bị trói buộc bởi việc phải tự lo cho mình, không ai có thể quan tâm tới hệ thống.[1]

Ý thức về các nguy cơ và đe dọa có thể đưa đến sự xác định rõ ràng các mục đích cần phải đạt được. Tuy nhiên việc đạt được các mục tiêu này là không khả thi. Khả năng hành động hiệu quả phụ thuộc vào khả năng cung cấp các phương tiện cần thiết. Điều này còn phụ thuộc nhiều hơn vào sự tồn tại của các điều kiện cho phép quốc gia và các tổ chức khác theo đuổi các chính sách và chiến lược phù hợp. Các vấn đề có tác động tới toàn thế giới đòi hỏi các giải pháp mang tính toàn cầu, nhưng không có cơ quan toàn cầu nào cung cấp các giải pháp này. Nhu cầu không tạo ra khả năng. Mong ước rằng mục đích cao cả giúp quy tụ được các phương tiện cần thiết trên thực tế lại không đúng.

Các nhiệm vụ lớn chỉ có thể được thực hiện bởi các tác nhân có năng lực lớn. Đó là lý do tại sao các quốc gia, và đặc biệt là các nước lớn, được kêu gọi làm điều gì đó cần thiết cho sự tồn tại của thế giới. Nhưng các quốc gia cần phải làm bất cứ điều gì mà họ thấy cần thiết cho sự tồn vong của mình, bởi vì họ chẳng thể trông chờ vào các nước khác. Tại sao lời khuyên đặt lợi ích quốc tế lên trên lợi ích quốc gia là vô nghĩa có thể được lý giải chính xác bằng sự khác biệt giữa các lý thuyết vi mô và vĩ mô. Các nhà kinh tế hiểu rất rõ sự khác biệt này. Các nhà chính trị thì lại không. Như tôi vừa giải thích, lý thuyết kinh tế vi mô là lý thuyết về thị trường xây dựng trên giả định về hành vi của các cá nhân. Lý thuyết này chỉ ra các hành động và tương tác của các đơn vị tạo dựng và ảnh hưởng đến thị trường như thế nào và làm thế nào mà thị trường ảnh hưởng lại họ. Một lý thuyết vĩ mô là một lý thuyết về nền kinh tế quốc gia xây dựng trên cung, cầu và thu nhập như là các thông số hệ thống. Lý thuyết này chỉ ra cách mà những thông số trên cùng các thông số khác liên kết với nhau và làm thế nào mà những thay đổi ở một hay một số có thể ảnh hưởng tới các thông số khác và tới cả nền kinh tế. Trong kinh tế học, cả lý thuyết vi mô và vĩ mô đều nghiên cứu các mẫu hình rộng lớn. Sự khác biệt giữa chúng không phải là ở quy mô của đối tượng nghiên cứu, mà ở cách tiếp cận các đối tượng nghiên cứu và xây dựng lý thuyết để giải thích chúng. Một lý thuyết vĩ mô về chính trị quốc tế cần chỉ ra được hệ thống quốc tế bị tác động bởi các thông số hệ thống như thế nào. Người ta có thể hình dung ra đâu là những thông số này – ví dụ như tổng lượng GNP toàn cầu, tổng lượng xuất nhập khẩu của thế giới, con số tử vong trong chiến tranh, tổng ngân sách quốc phòng của các quốc gia, và số lượng di cư chẳng hạn. Lý thuyết này quan niệm mọi thứ theo cách của một lý thuyết kinh tế vĩ mô kiểu John Maynard Keynes, mặc dù khó có thể nắm bắt được làm thế nào mà những thông số trên có thể có một ý nghĩa nào đó, và làm sao mà những thay đổi trong một hay một số thông số lại có thể tạo ra thay đổi ở phần còn lại. Tôi không nói rằng không thể xây dựng được những lý thuyết như thế, chỉ là tôi không thể nhìn thấy cách làm được điều đó theo bất cứ phương pháp nào có vẻ có hiệu quả. Dù sao thì điều quan trọng là một lý thuyết vĩ mô về chính trị quốc tế sẽ không có các ứng dụng thực tiễn như của lý thuyết kinh tế vĩ mô. Các chính quyền quốc gia có thể điều chỉnh các biến số kinh tế hệ thống (trong nước). Không một cơ quan nào có khả năng tương xứng tồn tại ở phạm vi quốc tế. Ai có thể hành động theo những khả năng biến đổi được một lý thuyết vĩ mô về chính trị quốc tế chỉ ra? Ngay cả khi một lý thuyết như thế có thực, chúng ta vẫn sẽ bị vướng mắc ở chỗ quốc gia là đơn vị duy nhất có khả năng hành động để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Chúng ta vẫn sẽ phải quay về với cách tiếp cận chính trị vi mô nhằm kiểm nghiệm các điều kiện làm cho các hành động đơn lẻ hay tập thể của các quốc gia có ích và hiệu quả.

Có người đã hi vọng rằng những thay đổi trong nhận thức và mục đích, trong hình thái tổ chức và ý thức hệ của quốc gia sẽ thay đổi chất lượng đời sống quốc tế. Qua hàng thế kỉ các quốc gia đã thay đổi rất nhiều, nhưng chất lượng của đời sống quốc tế vẫn như vậy. Các quốc gia có thể theo đuổi các lợi ích hợp lý và đáng giá, nhưng họ không thể hiểu làm sao để đạt được chúng. Vấn đề không phải do họ ngu dốt hay có mục đích xấu, mặc dù người ta không muốn thừa nhận rằng những phẩm chất đó đang thiếu. Người ta sẽ không hiểu được mức độ khó khăn của việc này cho đến khi nhận ra rằng sự thông thái và mục đích tốt không thể có được và đi theo những quy trình hợp lý. Đầu thế kỉ này [thế kỉ 20] Winston Churchill đã nhận định rằng cuộc chạy đua hải quân Anh – Đức báo trước thảm họa và rằng Anh không có lựa chọn thực tế nào ngoài việc tham gia cuộc đua này. Các quốc gia khi đối mặt với các vấn đề toàn cầu cũng giống những người mua hàng đơn lẻ bị trói buộc trong “sự chuyên chế của các quyết định nhỏ.” Các quốc gia, cũng giống như người mua hàng, chỉ có thể ra khỏi cái bẫy này bằng cách thay đổi cấu trúc của lĩnh vực hoạt động của họ. Thông điệp lại được lặp lại: cứu cánh duy nhất để khắc phục hiệu ứng cấu trúc mạnh chính là một sự thay đổi về cấu trúc.

4. Công dụng của tình trạng vô chính phủ

Để thực hiện được các mục tiêu và bảo đảm an ninh của mình, các đơn vị trong điều kiện vô chính phủ – dù là con người, các công ty, quốc gia, hay bất cứ cái gì – phải phụ thuộc vào các biện pháp mà họ có thể tiến hành và những thỏa thuận của riêng mình. Tự cứu là nguyên tắc hành động cần thiết trong một trật tự vô chính phủ. Một tình thế tự cứu là một tình thế có nguy cơ cao – phá sản trong lĩnh vực kinh tế và chiến tranh trong thế giới của các quốc gia tự do. Đó cũng là tình huống mà chi phí tổ chức thấp. Trong nền kinh tế hay trong trật tự quốc tế, người ta có thể tránh hay giảm thiểu nguy cơ bằng cách chuyển từ tình trạng hợp tác sang một tình trạng quan hệ có thứ bậc, có nghĩa là, bằng cách thành lập những cơ quan có thẩm quyền thực tế và thiết lập một hệ thống luật lệ. Chính phủ xuất hiện khi mà bản thân các chức năng điều hành và quản lý trở thành các nhiệm vụ độc lập và chuyên biệt. Những người chỉ trích sự thiếu vắng của một trật tự thứ bậc thường phớt lờ cái giá của việc duy trì trật tự này. Các thiết chế có ít nhất hai mục tiêu: thực hiện một mục tiêu nào đó và tiếp tục tồn tại với tư cách là một tổ chức. Nhiều trong số các hoạt động của chúng trực tiếp hướng tới mục tiêu thứ hai. Các nhà lãnh đạo của tổ chức, đặc biệt là các lãnh đạo chính trị, không phải là bậc thầy trong các vấn đề mà tổ chức của họ phải giải quyết. Họ trở thành lãnh đạo không phải vì họ là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó mà do họ tỏ ra vượt trội trong nghệ thuật tổ chức – trong việc duy trì quyền kiểm soát với thành viên của một nhóm, trong việc phát huy các nỗ lực có thể dự đoán và đáng hài lòng từ phía thành viên, trong việc duy trì đoàn kết. Khi đưa ra các quyết định chính trị, mối quan tâm đầu tiên và quan trọng nhất không phải là đạt được mục đích của các thành viên mà là bảo vệ sự tồn tại và sức khỏe của tổ chức (cf. Diesing 1962, pp 198-204, Downs 1967, pp 262-70).

Các lợi thế của trật tự có thứ bậc luôn đi kèm với một cái giá nhất định. Hơn nữa, trong trật tự thứ bậc, các phương tiện kiểm soát trở thành mục tiêu tranh chấp. Các vấn đề thực chất lẫn lộn với các nỗ lực gây ảnh hưởng lên hay kiểm soát phương tiện kiểm soát. Việc sắp xếp trật tự phân cấp trong chính trị bổ sung thêm một đối tượng vào số đối tượng vốn đã rất nhiều của cuộc tranh chấp, đối tượng thêm vào đó lại được sắp xếp theo một trật tự dựa trên tầm quan trọng mới.

Nếu nguy cơ chiến tranh cao đến không kham nổi, liệu có thể giảm thiểu được nguy cơ này bằng cách tổ chức quản lý quan hệ giữa các quốc gia? Ít nhất, quản lý đòi hỏi kiểm soát các lực lượng quân sự mà các quốc gia có trong tay. Bên trong các quốc gia, các tổ chức phải tự duy trì bản thân mình. Giống như các tổ chức, các quốc gia, trong quá trình tự duy trì, đôi khi cũng phải dùng vũ lực chống lại các nhân tố và khu vực ly khai. Với tư cách là một hệ thống phân cấp, chính phủ một nước sẽ bị sụp đổ cả trên bình diện quốc gia lẫn toàn cầu khi bị ly khai bởi các bộ phận lớn cấu thành chính nó. Trong một xã hội bao gồm các quốc gia có mức độ liên kết kém, nỗ lực thiết lập chính phủ thế giới thất bại bởi vì một chính quyền trung ương như vậy không có khả năng huy động các nguồn lực cần thiết để tạo ra và duy trì sự thống nhất của hệ thống thông qua việc điều chỉnh và quản lý các bộ phận cấu thành. Triển vọng về chính phủ thế giới sẽ là lời kêu gọi chuẩn bị nội chiến thế giới. Điều này gợi nhớ đến những kí ức của Milovan Djilas về Thế chiến thứ 2. Theo ông, ông và nhiều người lính Nga khác trong những cuộc thảo luận thời chiến đã tin rằng chiến tranh của loài người sẽ đạt đến mức độ khốc liệt nhất nếu mọi người đều là bộ phận của một hệ thống xã hội chung, “bởi vì không thể duy trì một hệ thống như thế và các phe phái sẽ hủy diệt nhân loại để theo đuổi “hạnh phúc” lớn nhất của chính mình” (1962, p50). Các quốc gia không thể trao quyền lực quản lý cho một cơ quan trung ương trừ phi cơ quan này có khả năng bảo vệ những quốc gia này. Các quốc gia càng có nhiều quyền lực và sức mạnh mà có vẻ sẽ tạo ra đe dọa đối với những nước khác bao nhiêu, thì sức mạnh của trung ương phải càng lớn bấy nhiêu. Quyền lực của trung ương càng lớn thì các quốc gia lại càng có động lực dấn thân vào cuộc tranh đấu để kiểm soát quyền lực này.

Các quốc gia, cũng giống như con người, bị mất an ninh tương ứng với mức độ tự do có được. Nếu người ta muốn tự do, thì người ta phải chấp nhận không an toàn. Các tổ chức thiết lập những quan hệ quyền lực và kiểm soát có thể tăng cường an ninh bằng việc giảm mức độ tự do. Nếu sức mạnh không tạo ra quyền lực, dù là giữa con người hay giữa các quốc gia, thì tức là một vài thể chế hay cơ quan đã can thiệp để đưa con người hay quốc gia ra khỏi tình trạng tự nhiên. Cơ quan đó càng có ảnh hưởng lớn thì tham vọng kiểm soát nó càng lớn. Ngược lại, các đơn vị trong trật tự vô chính phủ hành động vì bản thân và không nhằm duy trì một tổ chức và đặt tương lai của mình trong tay tổ chức đó. Vũ lực được sử dụng vì lợi ích cá nhân. Khi không có một tổ chức, con người hay quốc gia tự do bỏ mặc chủ thể khác. Ngay cả khi họ không làm thế, do thiếu các chính sách của một tổ chức trung ương, họ hoàn toàn có thể tập trung vào các chính sách để giải quyết một vấn đề cụ thể và chỉ chấp thuận một thỏa thuận tối thiểu cho phép các chủ thể tồn tại độc lập thay vì một thỏa hiệp tối đa vì mục tiêu duy trì sự thống nhất. Nếu sức mạnh định đoạt mọi thứ sẽ dễ dàng tránh được những cuộc tranh đấu đẫm máu vì quyền lực hơn.

Ở phạm vi quốc gia, vũ lực của chính phủ được sử dụng dưới danh nghĩa quyền và công lý. Ở phạm vi quốc tế, vũ lực của một quốc gia được thực thi vì quyền lợi và an ninh của bản thân nó. Các nhóm nổi dậy thách thức quyền lãnh đạo của một chính phủ: họ nghi ngờ tính hợp pháp của quyền lực chính phủ hiện hành. Chiến tranh giữa các quốc gia không thể giải quyết vấn đề về quyền và chính quyền; chúng chỉ có thể xác định xem các đối thủ được hay mất và trả lời câu hỏi ai là kẻ mạnh hơn cho một thời kỳ nhất định. Ở phạm vi quốc gia, quan hệ giữa chính quyền và người dân được thiết lập. Ở phạm vi quốc tế, chỉ có quan hệ giữa kẻ mạnh và kẻ yếu tồn tại. Ở phạm vi quốc gia, vũ lực cá nhân được sử dụng chống lại chính quyền sẽ đe dọa hệ thống chính trị. Từ góc độ quốc tế, vũ lực sử dụng bởi một quốc gia – một thực thể công quyền – tương tự với vũ lực cá nhân; nhưng chẳng có chính phủ nào để lật đổ và cũng không có bộ máy chính phủ nào để kiểm soát. Khi không có tham vọng đối với bá quyền thế giới, việc sử dụng vũ lực cá nhân không đe dọa hệ thống chính trị quốc tế, mà chỉ đe dọa một vài thành viên trong số đó. Chiến tranh đẩy một số quốc gia đối đầu với một số khác trong một cuộc chiến giữa những chủ thể tương tự nhau. Quyền lực của kẻ mạnh có thể ngăn kẻ yếu theo đuổi tham vọng của mình, không phải bởi vì kẻ yếu thừa nhận tính hợp pháp của quyền lực kẻ mạnh, mà đơn giản bởi vì đối đấu với họ là thiếu khôn ngoan. Ngược lại, kẻ yếu có thể có hành động tương đối tự do nếu kẻ yếu tránh xa kẻ mạnh nhất có thể được sao cho kẻ mạnh không bận tâm lắm tới hành động của kẻ yếu hay không quan tâm lắm tới việc khả năng của họ tăng lên chút đỉnh.

Chính trị quốc gia là lĩnh vực của thẩm quyền, quản lý, và của luật pháp. Chính trị quốc tế là lĩnh vực của quyền lực, tranh đấu và thỏa hiệp. Lãnh địa quốc tế trước hết là một lãnh địa chính trị. Lãnh địa quốc gia thường được nhiều người mô tả là có thứ bậc, cấu trúc theo chiều dọc, tập trung hóa, hỗn tạp, có chỉ đạo và có trù tính trước; trong khi lãnh địa quốc tế là vô chính phủ, cấu trúc theo chiều ngang, phi tập trung, đồng nhất, không có chỉ đạo và tự điều chỉnh lẫn nhau. Trật tự càng tập trung, thì quyền quyết định càng tập trung trên cao. Ở phạm vi quốc tế, các quyết định được đưa ra ở tầng đáy, hiếm khi ở những vị trí khác. Khi phân biệt hai chiều dọc – ngang, cấu trúc quốc tế có cấu trúc theo chiều dọc hướng xuống dưới. Các điều chỉnh được thực hiện trên phạm vi quốc tế, nhưng chúng được thực hiện mà không có một cơ quan điều chỉnh có thẩm quyền hay chính thức đứng trên. Thỏa hiệp và điều chỉnh được tiến hành thông qua quá trình thích ứng lẫn nhau (cf Barnard 1948, pp 148-52; Polanyi 1941, pp 428-56). Các hành động và phản ứng, rồi phản ứng lại phản ứng, được tiến hành bởi một quá trình tiệm tiến. Các bên tìm hiểu suy nghĩ của nhau, có thể nói như vậy, và xác định một tình huống ngay khi tình huống đó vẫn đang phát triển.  Giữa các đơn vị tương đương nhau, hai bên đạt được sự điều chỉnh và thỏa thuận bằng sự trao đổi các “tính toán”, trong một điều kiện, như Chester Barnard đã mô tả, “mà ở đó nghĩa vụ chỉ huy và nhu cầu nghe lời gần như thiếu vắng hoàn toàn” (pp 150-51). Khi tranh chấp đã vượt ra ngoài tính toán, các bên tìm cách duy trì hay cải thiện vị trí của mình bằng vận động, bằng mặc cả, hay bằng chiến đấu. Cách thức và mật độ của xung đột được xác định bởi mong muốn và khả năng của các bên vốn vừa độc lập vừa tương tác với nhau.

Dù có sử dụng vũ lực hay không, mỗi quốc gia đều định ra con đường mà nó cho rằng phục vụ tốt nhất cho lợi ích của mình. Nếu vũ lực được sử dụng hoặc có khả năng được sử dụng bởi một quốc gia, phản ứng của các quốc gia khác cũng là dùng vũ lực hoặc chuẩn bị sử dụng vũ lực một cách đơn lẻ hoặc theo nhóm. Không thể trông chờ vào một chính quyền cao hơn có quyền lực  và khả năng hành động theo mong muốn của riêng nó. Trong những điều kiện như vậy khả năng vũ lực được sử dụng bởi một trong các bên luôn luôn là một nguy cơ thường trực. Trong chính trị, vũ lực được gọi là ultima ratio (cứu cánh cuối cùng). Trong chính trị quốc tế, vũ lực không chỉ là cứu cánh cuối cùng, mà trên thực tế còn là biện pháp đầu tiên và thường dùng. Để vũ lực chỉ là cứu cánh cuối cùng của chính trị thì, như lời Ortega y Gasset nói, cần có “sự đầu hàng của vũ lực trước các biện pháp lý trí” (trích dẫn trong Johnson, p13). Khả năng thường trực rằng vũ lực sẽ được sử dụng làm hạn chế các mưu đồ, giảm bớt yêu sách, và đóng vai trò động lực giải quyết tranh chấp. Người nào biết rằng gây áp lực quá lớn có thể dẫn đến chiến tranh có lý do chắc chắn để cân nhắc liệu những lợi ích tiềm tàng có tương xứng các nguy cơ kèm theo hay không. Đe dọa vũ lực trên bình diện quốc tế được so sánh với vai trò của đình công trong lao động và mặc cả trong quản lý. Như Livernash đã nói “những cuộc đình công hiếm hoi đã diễn ra trên thực tế, theo một ý nghĩa nào đó, chính là chi phí của lựa chọn đình công vốn tạo ra các thỏa hiệp trong đàm phán rộng rãi.” (1963, p 430). Ngay cả khi công nhân hiếm khi đình công thì luôn có khả năng họ sẽ làm như vậy. Khả năng tranh chấp công nghiệp dẫn tới các cuộc đình công dài và tốn kém khuyến khích người lao động và giới quản lý đối mặt với những vấn đề khó khăn, cố gắng để hiểu vấn đề của mỗi bên, và cố gắng tìm kiếm thỏa hiệp. Khả năng mà xung đột giữa các quốc gia có thể dẫn tới chiến tranh lâu dài và tốn kém cũng có tác động điều hòa tương tự.

5. Vô chính phủ và có trật tự

Tôi đã từng mô tả vô chính phủ và có trật tự như thể mỗi một trật tự chính trị đều là ở dạng này hay dạng kia. Nhưng tôi cho rằng nhiều, nếu không nói là phần lớn các nhà khoa học chính trị viết về cấu trúc đều cho rằng có nhiều loại hơn, nếu không phải là rất nhiều. Vô chính phủ được xem là một đầu của chuỗi quang phổ các thể chế mà đầu còn lại được đánh dấu bằng sự tồn tại của chính quyền hợp pháp và có năng lực. Chính trị quốc tế do đó được mô tả là bao gồm các phần của chính phủ và bị hòa trộn với các yếu tố của cộng đồng – các tổ chức xuyên quốc gia toàn cầu hoặc khu vực, các liên minh, các công ty đa quốc gia, các mạng lưới thương mại, và nhiều thứ khác. Hệ thống chính trị quốc tế được cho là vô chính phủ dù nhiều dù ít.

Nhiều người cho thế giới là một thể vô chính phủ đã được điều chỉnh vì hai lý do. Đầu tiên, vô chính phủ có nghĩa không chỉ là thiếu vắng chính quyền mà còn tồn tại sự bất ổn và hỗn loạn. Bởi vì chính trị thế giới, mặc dù không phải hòa bình đáng tin cậy, lại cũng không phải hỗn loạn đến mức không tin được, nên mỗi lần có hòa bình thì người ta lại có xu hướng nhìn nhận rằng tính vô chính phủ đang giảm bớt. Bởi vì chính trị quốc tế, mặc dù không được tổ chức một cách chính thức, cũng không phải hoàn toàn không có các thể chế và quy trình có trật tự, nên nhiều nhà nghiên cứu có xu hướng nhìn nhận rằng tính vô chính phủ lại giảm đi mỗi khi có các liên minh được thành lập, khi những giao dịch xuyên biên giới tăng lên, và khi các tổ chức quốc tế nở rộ. Những quan điểm này lầm lẫn cấu trúc với tiến trình, và tôi cũng để ý thấy rằng lỗi này thường lặp lại.

Thứ hai, hai dạng cơ bản vô chính phủ và có trật tự có vẻ phản ánh sự đa dạng vô tận về hình thái xã hội mà chúng ta có thể cảm thấy. Tại sao cứ khăng khăng quy về chỉ có hai dạng cấu trúc đó thay vì nhiều dạng hơn? Vô chính phủ bao gồm các đơn vị tương tự nhau, nhưng những đơn vị này không hoàn toàn giống nhau. Giữa chúng vẫn có một sự chuyên biệt hóa về chức năng. Hệ thống thứ bậc được sắp xếp bởi sự phân công lao động xã hội giữa các đơn vị chuyên biệt có nhiệm vụ khác nhau, nhưng sự tương tự giữa chúng không hoàn toàn biến mất. Các nỗ lực vẫn lặp lại nhiều lần. Mọi xã hội được tổ chức một cách rời rạc hay có trật tự ở những cấp độ khác nhau. Thế thì tại sao lại không xác định thêm các dạng xã hội ngoài hai cấu trúc kể trên theo các nguyên tắc tổ chức của chúng? Ta có thể nhận thấy một vài xã hội gần với cấu trúc vô chính phủ thuần túy, một vài xã hội  khác lại gần với hệ thống trật tự thuần túy, và những cái khác nữa là các dạng kết hợp của hai loại hình tổ chức trên. Trong các thể chế vô chính phủ sự giống nhau hoàn toàn của các đơn vị và việc xác định quan hệ chỉ dựa trên năng lực (quyền lực) minh họa cho một lĩnh vực hoàn toàn mang thuộc tính chính trị và quyền lực mà trong đó tương tác giữa các thành viên không được điều chỉnh bởi một chính quyền hay định đoạt bởi một thẩm quyền cao hơn. Trong các cấu trúc có thứ bậc, sự khác biệt hoàn toàn giữa các thành tố và sự chuyên biệt hóa hoàn toàn chức năng của chúng sẽ sản sinh ra một lĩnh vực hoàn toàn thuộc lĩnh vực quản lý và thẩm quyền mà trong đó sự tương tác giữa các đơn vị không bị ảnh hưởng bởi chính trị và quyền lực. Mặc dù các dạng trật tự ”thuần khiết” như thế không tồn tại, nhưng việc phân biệt các địa hạt dựa trên nguyên tắc tổ chức của chúng vẫn hợp lý và quan trọng.

Gia tăng số lượng các phạm trù sẽ giúp việc phân loại các xã hội trở nên gần với thực tế hơn. Nhưng việc này sẽ làm giảm khả năng giải thích và tăng thuộc tính mô tả của hệ thống lý thuyết. Người ta muốn giải thích thay vì mô tả nên cần hạn chế việc chuyển dịch theo hướng này nếu có thể. Điều này có làm được không? Người ta sẽ đạt được gì khi cứ cố duy trì hai dạng trong khi thừa nhận có ba hay bốn dạng chắc chắn sẽ đơn giản hơn? Làm như vậy ta đạt được sự rõ ràng và hạn chế số lượng khái niệm. Một khái niệm mới chỉ nên được đưa ra để giải quyết các vấn đề mà những khái niệm hiện có không có khả năng xử lý được. Nếu một vài xã hội không phải là vô chính phủ hay có trật tự, nếu cấu trúc của chúng được xác định bởi một nguyên tắc sắp xếp thứ ba, thì chúng ta buộc phải có một định nghĩa hệ thống thứ ba.[2] Mọi xã hội đều ở dạng hỗn hợp. Chúng bao gồm các yếu tố đại diện cho cả hai nguyên tắc sắp xếp. Điều này không có nghĩa là một vài xã hội được sắp xếp theo một nguyên tắc thứ ba. Thường thì người ta dễ dàng xác định nguyên tắc tổ chức một xã hội. Sự xuất hiện của các nhân tố vô chính phủ trong hệ thống phân cấp không thay đổi và không thể che mờ nguyên tắc tổ chức của cả hệ thống lớn, bởi vì các nhân tố đó chỉ mang tính vô chính phủ trong những giới hạn nhất định. Hơn nữa, thuộc tính và hành vi của các đơn vị trong những nhân tố vô chính phủ này ở trong hệ thống lớn hơn rất khác với các thuộc tính và biểu hiện mà chúng sẽ có nếu ở bên ngoài hệ thống. Các công ty trong thị trường độc quyền nhóm bán lại lần nữa là ví dụ hoàn hảo cho trường hợp này. Chúng đấu tranh chống lại nhau, nhưng bởi vì chúng không cần chuẩn bị bảo vệ mình về mặt vật lý, chúng có thể chuyên biệt hóa và tham gia đầy đủ hơn vào việc phân công lao động kinh tế so với các quốc gia. Một quốc gia mà ở trong một thế giới vô chính phủ cũng không phải không thể làm việc với các nước khác, đạt được các thỏa thuận hạn chế vũ khí, và hợp tác nhằm xây dựng các thể chế. Các yếu tố phân cấp trong cấu trúc quốc tế hạn chế và kiềm chế việc thực thi chủ quyền nhưng chỉ trong các điều kiện được hệ thống vô chính phủ cho phép. Sự vô chính phủ theo kiểu đó ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng hợp tác, phạm vi của các thỏa thuận về vũ khí, và quyền tài phán của các tổ chức quốc tế.

Nhưng còn các trường hợp trung gian thì sao, các xã hội mà không rõ ràng là vô chính phủ hay có trật tự? Có phải là chúng không đại diện cho loại thứ ba? Nói rằng có những trường hợp trung gian không có nghĩa là khi đó có dạng hệ thống thứ ba xuất hiện. Mỗi loại hình đều có giới hạn, và nếu chúng ta có bất cứ loại hình nào thì chúng ta đều có các trường hợp ở ranh giới. Sự rõ ràng của các khái niệm không giảm bớt những khó khăn trong việc phân loại. Trung Quốc trong khoảng từ những năm 1920s đến 1940s là một thể chế có trật tự hay vô chính phủ? Với danh nghĩa một quốc gia, Trung Quốc trông có vẻ giống tập hợp nhiều nhà nước đơn lẻ khác nhau cùng tồn tại. Năm 1930, Mao Trạch Đông, cũng như các lãnh đạo Bolshevik trước đó, đã cho rằng nhóm lên một ngọn lửa cách mạng sẽ “khởi nguồn cả một trận hỏa hoạn trên diện rộng.” Ngọn lửa cách mạng sẽ lan ra khắp các tỉnh của Trung Quốc, nếu không muốn nói là cả thế giới. Do sự phụ thuộc lẫn nhau của các tỉnh này, như sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia, không đủ sâu sắc, ngọn lửa này đã không lan ra. Các tỉnh của Trung Quốc chỉ mới có quyền tự trị nên chiến tranh ở một vùng trong đất nước chỉ ảnh hưởng yếu ớt lên các vùng khác. Chiến trận ở các đồi núi tại Hồ Nam, còn xa mới khơi mào được một cuộc cách mạng quốc gia, và cũng chẳng được các tỉnh lân cận biết tới. Sự tương tác giữa các tỉnh có tính độc lập và tự cung tự cấp cao khá ít và hiếm. Vì chẳng phụ thuộc vào nhau về mặt kinh tế hay vào trung tâm quốc gia về mặt chính trị, các tỉnh này không sở hữu đặc điểm phụ thuộc lẫn nhau chặt chẽ của thể chế có tổ chức và thống nhất.

Trên thực tế, các nhà quan sát có thể không đồng quan điểm trong những vấn đề như khi nào Trung Quốc rơi vào tình trạng vô chính phủ, hay là liệu các nước Tây Âu có đang dần trở thành một quốc gia hay sẽ tiếp tục duy trì là chín nước độc lập. Vấn đề quan trọng về mặt lý thuyết là kì vọng của chúng ta về số phận của các khu vực này rất khác nhau tùy thuộc vào việc đâu là câu trả lời đúng cho các câu hỏi về cấu trúc. Cấu trúc được xác định thông qua hai nguyên tắc tổ chức giúp giải thích các khía cạnh quan trọng của các hành vi chính trị và xã hội. Điều này được thể hiện rõ hơn trong các trang sau. Phần này đã giải thích tại sao lại cần phải có hai, và chỉ hai thôi, loại cấu trúc để mô tả mọi dạng xã hội.

II.

III.

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Cau truc vo chinh phu & can bang quyen luc.pdf


[1] Nói cách khác, các quốc gia phải đối mặt với thế lưỡng nan của người tù. Nếu mỗi người đi theo lợi ích của bản thân, cả hai sẽ có kết quả tệ hơn so với nếu họ hành động nhằm đạt lợi ích chung. Đối với việc nghiên cứu kĩ lưỡng logic của tình huống này, xem Snyder và Diesing 1977; để tóm tắt và gợi ý áp dụng vào thực tiễn quốc tế, xem Jervis, January 1978.

[2] Mô tả về các xã hội cố kết và rời rạc của Emile Durkheim vẫn là lời giải thích tốt nhất cho hai nguyên tắc sắp xếp và logic của ông trong việc giới hạn các loại hình xã hội chỉ ở con số hai vẫn có sức thuyết phục bất chấp các nỗ lực của những nhà phê bình ông nhằm tìm cách lật đổ nó ( xem esp 1893). Tôi sẽ thảo luận về vấn đề này kĩ hơn trong một nghiên cứu sau này.