#117 – Chính trị cấp cao của Trung Quốc và việc Trung – Mỹ xích lại gần nhau, 1/1969- 2/1972

Nguồn: Yafeng Xia (2006). “China’s Elite Politics and Sino-American Rapprochement, January 1969–February 1972”, Journal of Cold War Studies, Vol. 8, No. 4, Fall 2006, pp. 3–28

Biên dịch và Hiệu đính: Vũ Thị Hương Giang

Bài liên quan: 94 – Nhân tố Mỹ: Trung – Mỹ xích lại gần nhau và thái độ của TQ đối với Chiến tranh Việt Nam, 1968-72 

Các học giả phương Tây từ lâu cho rằng có sự phản đối ở các cấp cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chống lại các nỗ lực của Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970 nhằm tiếp cận Hoa Kỳ.[1] Các văn bản và tư liệu của những người tham gia trực tiếp được xuất bản ở Trung Quốc suốt hai thập niên qua khiến lập luận này trở nên đáng ngờ.  Các nguồn mới bằng tiếng Hoa trái ngược với tin đồn cho rằng lãnh đạo Trung Quốc bị chia rẽ trong vấn đề xích lại gần với Hoa Kỳ – những tin đồn chủ yếu bắt nguồn từ lý giải của Henry Kissinger đối với cách Mao miêu tả Lâm Bưu trong một lần gặp Richard Nixon vào tháng 2-1972.

Bài viết này nhìn lại quá trình hoạch định chính sách của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ trong giai đoạn then chốt từ tháng 1-1969 tới tháng 2-1971. Bài viết lần theo quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc (đặc biệt là Mao, Lâm và Chu) đối với các sự kiện lớn trong quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc, trong đó có “Nhóm nghiên cứu của bốn nguyên soái”; các chỉ thị cho Lôi Dương (Lei Yang) liên quan tới hai cuộc thương lượng cấp đại sứ Trung-Mỹ cuối cùng; việc tiến tới sự kiện “ngoại giao bóng bàn”; cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCSTQ vào tháng 5-1971 về chuyến thăm bí mật của Kissinger vào tháng 7; sự đối xử thô bạo đối với nhóm tiền trạm của Alexander Haig ở Trung Quốc tháng 1-1972; và những tranh cãi xung quanh các bản thảo của bản thông cáo chung trong chuyến thăm Trung Quốc của Nixon.

Cơ cấu hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thời Mao: 1949-1976

Chính trị trong nước là “bối cảnh nội bộ” của chính sách đối ngoại.[2] Ở một xã hội dân chủ, áp lực trong nước đối với chính sách đối ngoại gồm có công luận, cơ quan lập pháp, báo chí và các nhóm lợi ích hùng mạnh. Tuy vậy, dưới sự kiểm soát toàn trị của Mao, việc hoạch định chính sách đối ngoại ở Trung Quốc nằm trong tay một nhóm nhỏ giới tinh hoa chính trị. Một số học giả phương Tây đã cho rằng “các nhóm quan điểm” ở Trung Quốc đã có thể gây ảnh hưởng với Bộ Chính trị (BCT) ĐCSTQ và nội bộ giới lãnh đạo Trung Quốc bị chia bè chia phái.[3] Bài viết này thách thức “mô hình chủ nghĩa bè phái” bằng cách tập trung vào việc hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970.

Từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) ra đời năm 1949, Mao – với tư cách là Chủ tịch ĐCSTQ – đã có đủ quyền lực để một tay ấn định chương trình nghị sự và đường lối chính sách đối ngoại. Ông đã giao cho Thủ tướng Chu Ân Lai, lúc đó cũng là Ngoại trưởng, giữ vai trò một nhà quản lý giám sát các khía cạnh thường nhật của công tác đối ngoại. Vai trò của Ban Bí thư ĐCSTQ gồm năm người, và sau này là Ban thường vụ của BCT, chỉ là nhằm hợp pháp hóa các quyết định chính sách lớn của Mao. Các cuộc họp của BCT giúp ông ta cân nhắc hơn thiệt các quyết định chính sách đối ngoại chủ yếu và để vượt qua đối lập, xây dựng sự đồng thuận sau khi ông ta ra quyết định.[4] Cho tới Cách mạng Văn hóa năm 1966, “một mình Mao đã nhận các tờ trình phương án của Bộ Ngoại giao từ Chu Ân Lai để ra quyết định, với các bản sao nhằm mục đích thông báo được gửi cho Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình và Bành Chân (Peng Zhen)”.[5] Quy trình này bị gián đoạn tạm thời vào giai đoạn đầu của Cách mạng Văn hóa, nhất là từ tháng 5 tới tháng 8-1967.[6] Tuy vậy, Mao đã lấy lại được quyền kiểm soát đầy đủ đối với quá trình hoạch định chính sách đối ngoại từ sau tháng 8-1967.

Bởi vì các nhóm lợi ích, báo chí và công luận ở Trung Quốc không có ảnh hưởng độc lập lên chính sách đối ngoại thời kỳ Mao (1949-1976) nên rất cần phân tích nền chính trị tinh hoa của Trung Quốc để hiểu được chính sách đã được hoạch định như thế nào vào thời gian đó. Giới tinh hoa là một tập thể “có bản sắc riêng, có cấu trúc nội bộ và vị thế cao nhờ vào vai trò đặc biệt của họ trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách”.[7] Trong những thập niên dưới thời Mao, giới tinh hoa chính trị của Trung Quốc bao gồm các nhà lãnh đạo chủ chốt của ĐCS, nhà nước và quân đội; và giới tinh hoa chính trị về chính sách đối ngoại của Trung Quốc gồm có Mao, Lưu, Chu và các thành viên khác của BCT.[8] Bài viết này phân tích quan điểm và tương tác giữa các nhân vật then chốt này trong việc xây dựng chính sách của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ từ năm 1969 tới 1972.

Nhóm nghiên cứu của bốn nguyên soái

Từ năm 1965, Trung Quốc và Liên Xô đã liên tục mở rộng lực lượng quân sự của mình dọc theo đường biên giới chung. Căng thẳng giữa hai nước gia tăng trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa; đến năm 1968-69, mỗi bên đã bố trí vài trăm ngàn quân dọc biên giới. Đầu năm 1968, mâu thuẫn Trung-Xô bùng nổ quanh cù lao Qilixin, ở phía Trung Quốc của dòng chính sông Ussuri, mở màn cho những xung đột vũ trang diện rộng trong năm sau đó.[9] Việc Liên Xô đưa quân vào Tiệp Khắc vào tháng 8-1968 đã làm gia tăng quan ngại của lãnh đạo Trung Quốc về các ý đồ của Liên Xô.

Khi những xung đột vũ trang căng thẳng giữa các lực lượng biên phòng Trung Quốc và Liên Xô bùng nổ vào tháng 3-1969 trên cù lao Trân Bảo (Liên Xô gọi là Damansky) gần bờ sông Ussuri, tình hình an ninh của Trung Quốc xấu đi thấy rõ. Chẳng mấy chốc, xung đột biên giới lan ra các khu vực khác khi căng thẳng gia tăng dọc theo chiều dài biên giới. Những vụ việc đó đẩy Trung Quốc và Liên Xô tới bờ vực đối đầu quân sự nghiêm trọng. Kissinger nói rằng các nhà lãnh đạo Xô Viết thậm chí còn cân nhắc việc tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào nước cựu đồng minh Cộng sản của mình.[10] Bởi vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi Mao và đồng nghiệp của mình cảm thấy buộc phải đáp trả Liên Xô bằng cách bắt tay vào việc thay đổi chiến lược an ninh và đối ngoại của Trung Quốc.

Sau Đại hội ĐCSTQ lần thứ 9 vào tháng 4-1969, giai đoạn căn bản nhất của Cách mạng Văn hóa chấm dứt. Các đại sứ Trung Quốc, những người bị triệu hồi ở thời kỳ đầu Cách mạng Văn hóa, lần lượt quay trở lại vị trí, và ngoại giao Trung Quốc dần trở lại bình thường.[11] Việc ổn định chính trị Trung Quốc có lợi cho việc cải thiện quan hệ Trung-Mỹ. Thậm chí trước Đại hội Đảng lần thứ 9, Chu Ân Lai vẫn đưa cho Mao những bài báo về những diễn biến nổi bật trong tình hình quốc tế, các bài xã luận quan trọng và những phản ứng Trung Quốc có thể có. Đây là thủ thuật thường được Chu sử dụng khi có những chính sách quan trọng cần xem xét, vì nó đã giúp ông kín đáo gây ảnh hưởng lên việc hoạch định chính sách của Mao.[12]

Vào giữa tháng 5, Chu Ân Lai theo chỉ thị của Mao đã yêu cầu bốn vị nguyên soái lão làng gồm Trần Nghị, Diệp Kiếm Anh, Từ Hướng Tiền và Nhiếp Vinh Trăn “chú ý tới” tình hình quốc tế. Ông hối thúc họ gặp gỡ “hai đến ba lần hàng tháng” để thảo luận “các vấn đề quan trọng” về an ninh quốc tế và để nêu đề xuất của họ lên Ủy ban Trung ương ĐCSTQ.[13] Chu nói các vị nguyên soái không cần phải “bị giới hạn bởi bất cứ khuôn khổ tham chiếu có sẵn nào.” Họ phải giúp Mao “hiểu được những diễn biến chiến lược mới” trên thế giới. Chu nhấn mạnh là Mao đã giao cho họ nhiệm vụ ấy vì họ là những nguyên soái dày dặn kinh nghiệm quân sự và có tầm nhìn chiến lược rõ ràng. Có thể cho là họ sẽ hiểu hơn về vị trí của Trung Quốc trong bối cảnh thế giới đang thay đổi. Chỉ có Mao, Chu, bốn vị nguyên soái cùng hai trợ tá của họ là Xiong Xianghui – một nhân viên ngoại giao và tình báo cấp cao, cùng Yao Guang – Vụ trưởng Vụ Châu Âu và châu Mỹ Bộ Ngoại giao – là biết về nhóm nghiên cứu này.[14]

Một cuộc đụng độ biên giới khác, lớn hơn nhiều so với hai vụ ở cù lao Trân Bảo hồi tháng Ba, đã nổ ra giữa các đơn vị đồn trú của Trung Quốc và Liên Xô ở Tân Cương ngày 13-8.[15] Lãnh đạo Trung Quốc cảnh báo là Matxcơva đang chuẩn bị phát động một cuộc chiến tranh lớn. Những tuần tiếp theo, tình hình xấu đi nhanh chóng. Ngày 27-8, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và Quân ủy trung ương đã ra chỉ thị khẩn cấp để thành lập “Nhóm Chỉ đạo Quốc gia về Phòng không Nhân dân”  do Chu Ân Lai cầm đầu, giao nhiệm vụ cho nhóm này phải ngay lập tức sơ tán trên diện rộng dân chúng và các cơ sở công nghiệp chính ra khỏi các thành phố lớn.[16] Ngày 28-8, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ ra lệnh huy động quân sự ở các tỉnh, vùng giáp biên giới Liên Xô và Mông Cổ.[17]

Mặc dù Nhóm Nghiên cứu của bốn nguyên soái tin rằng Liên Xô có khả năng sẽ không tiến hành chiến tranh tổng lực với Trung Quốc nhưng họ nhấn mạnh việc Bắc Kinh phải sẵn sàng cho kịch bản trong trường hợp tệ nhất. Trần Nghị và Diệp Kiếm Anh cho rằng để Trung Quốc sẵn sàng đối đầu với Liên Xô, phải dùng đến “con bài Hoa Kỳ”. Trong một văn bản báo cáo – “Quan điểm của chúng ta về tình hình hiện nay” được hoàn thành ngày 17-9, họ chỉ ra rằng mặc dù Matxcơva đang định “tiến hành chiến tranh chống Trung Quốc” và đã thật sự triển khai lực lượng để làm điều đó nhưng BCT Liên Xô đã không thể “đạt được quyết định cuối cùng” vì những cân nhắc về mặt chính trị. Các nguyên soái đề xuất là để tiến hành “một cuộc đấu tranh ăn miếng trả miếng với cả Liên Xô và Hoa Kỳ”, Trung Quốc nên sử dụng “thương lượng làm phương thức đấu tranh với họ”. Có lẽ các cuộc thương lượng cấp đại sứ Trung-Mỹ cần được nối lại “vào thời điểm phù hợp”.[18]

Báo cáo của Nhóm Nghiên cứu của bốn nguyên soái đã giúp lãnh đạo Trung Quốc có đánh giá chiến lược trong đó nhấn mạnh lợi ích từ việc cải thiện quan hệ Trung-Mỹ. Như các diễn biến sau đó cho thấy, các báo cáo của bốn nguyên soái cho Mao và Chu là chất xúc tác cho các quyết định quan trọng liên quan đến Hoa Kỳ, dọn đường cho sự xích lại gần nhau của Trung-Mỹ. Trong thời đỉnh cao của Cách mạng Văn hóa, không ai thách thức được quyền lực của Mao nhưng ông đã phải cân nhắc những sự đối kháng tiềm tàng từ “những người cực tả” mà nhiều người trong số đó hẳn đã không hiểu nổi thay đổi đột ngột trong chính sách với Hoa Kỳ.[19] Tuy vậy, không có bằng chứng nào cho thấy Lâm Bưu – cánh tay thứ hai của Mao – được thông báo hay biết về nhiệm vụ của các nguyên soái. Trong hồi ký hay tiểu sử của mình, bản thân các nguyên soái này cũng không hề có ý gì cho thấy họ đã từng tham vấn Lâm Bưu bằng bất cứ hình thức gì trong các vấn đề liên quan tới quan hệ Trung-Mỹ.[20]

Nỗi sợ hãi chiến tranh khiến lãnh đạo Trung Quốc có đủ động lực cả về chiến lược lẫn tâm lý để cân nhắc lại sự đối đầu kéo dài đã lâu với Hoa Kỳ. Cảm nhận về sự đe dọa vô cùng nghiêm trọng từ Liên Xô khiến Mao Trạch Đông phá vỡ khuôn khổ khái niệm sẵn có của chính sách Trung Quốc.[21] Cái khó là làm thế nào để thiết lập được một kênh liên lạc.

Nối lại Kênh Vácsava

Vào tháng 9-1969, lãnh đạo Liên Xô định tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh với những người đồng nhiệm Trung Quốc nhằm nới lỏng căng thẳng từ hồi tháng Ba. Sau một vài rắc rối, Thủ tướng Liên Xô Aleksei Kosygin đã có thể gặp gỡ người đồng nhiệm Trung Quốc Chu Ân Lai tại sân bay Bắc Kinh vào ngày 11-9.[22] Mao có vài lý do dẫn đến việc đồng ý nói chuyện. Ông ta quan tâm tới việc giảm căng thẳng với Liên Xô sau hai vụ đụng độ biên giới nhiều thiệt hại và đang tìm cách tránh một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận (với cả Liên Xô và Hoa Kỳ). Ông ta cũng muốn giảm khả năng xảy ra bất cứ sự câu kết Xô-Mỹ nào. Chu tìm cách dùng dịp này để kích thích Mỹ quan tâm tới khả năng có thể nối lại quan hệ Trung-Mỹ. Để đạt được mục đích, Chu đã rất nỗ lực nhằm tránh “thân thiết” và “hữu nghị” với Kosygin để không gửi sai thông điệp tới Washington. Những thương lượng biên giới Trung-Mỹ ở cấp thứ trưởng ngoại giao diễn ra sau đó đã khiến Hoa Kỳ có thêm động lực để cải thiện với nước CHNDTH.[23]

Chiến lược của Trung Quốc có vẻ như đã phát huy hiệu quả. Các quan chức Mỹ bắt đầu tính lại chính sách của họ với Trung Quốc. Cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, chính quyền Nixon đã vài lần gắng thiết lập các cuộc hội đàm trực tiếp với Trung Quốc. Trong suốt mùa hè, các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đã bí mật liên hệ với quan chức Trung Quốc thông qua phía Pakistan và Rumani.[24] Để thực hiện qua các kênh gián tiếp này, Nixon và Kissinger quyết định mở lại các cuộc thảo luận cấp đại sứ bị đình trệ từ lâu giữa Mỹ và Trung Quốc.[25] Tháng 9-1969, họ yêu cầu Walter Stoeseel – đại sứ Mỹ tại Ba Lan – liên hệ với đại sứ Trung Quốc để dàn xếp một cuộc gặp mới. Trước sự bực bội của Kissinger, phải mất gần ba tháng thì Stoessel mới có thể tiếp cận được các nhà ngoại giao Trung Quốc ở Vácsava. Trong khi Kissinger tìm hiểu những phương án khả thi để thu xếp một cuộc gặp sớm thì tình báo Mỹ nắm được chuyện Chu Ân Lai ra chỉ thị bí mật cho các đại sứ quán Trung Quốc vào tháng 11 với nội dung kêu gọi phải linh hoạt hơn về ngoại giao nhằm bảo vệ Trung Quốc trước Liên Xô. Chu tuyên bố là “các chiến thuật linh hoạt” của CHNDTH bao gồm cả việc nối lại thảo luận với Washington là nhằm hất Matxcơva khỏi thế cân bằng và khoét sâu vào căng thẳng Mỹ-Xô. Trong lúc ấy, để phục vụ các nhu cầu chính trị trong nước, Chu nói rằng Bắc Kinh sẽ không từ bỏ “các nguyên tắc cách mạng” – đây cũng là lần đầu lãnh đạo Trung Quốc đưa ra lời hứa này và lặp lại rất nhiều lần trong vài năm sau đó.[26]

Stoessel đã hành động một cách bất thường vào ngày 3-12 khi ông nhìn thấy các nhà ngoại giao Trung Quốc tại một buổi trình diễn thời trang của Nam Tư ở Cung Văn hóa Vácsava và sau đó đi theo họ ra ngoài tòa nhà. Đột nhiên, các nhà ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng rời đi. Stoessel chạy theo họ và đuổi kịp phiên dịch viên người Trung Quốc, nói với anh ta bằng “tiếng Ba Lan bồi” rằng ông có một tin nhắn quan trọng cho đại sứ quán Trung Quốc.[27]

Đại sứ quán Trung Quốc gửi báo cáo về Bắc Kinh về “hành vi bất thường” của đại sứ Mỹ, và báo cáo được chuyển tới Chu Ân Lai. Đến thời điểm ấy, Mao và Chu coi việc tiếp cận Nixon chỉ mang tính thăm dò. Nhưng khi biết sự việc trên, các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như tin rằng người Mỹ nghiêm túc, và họ phản ứng một cách mau lẹ. Chu nói với Mao rằng “cơ hội đang đến; chúng ta đang có gạch trong tay để đi gõ cửa rồi”.[28]  Theo hướng dẫn của Mao, Chu hành động ngay lập tức để Washington biết ý định của Bắc Kinh trong việc mở lại liên lạc với Washington. Ngày 4-12, được Mao phê duyệt, Chu đã ra một nghĩa cử thiện chí bằng cách ra lệnh thả hai người Mỹ vốn bị giam giữ ở Trung Quốc từ giữa tháng 2-1969 khi du thuyền của họ dạt vào lãnh hải của họ ở ngoài khơi Quảng Đông.[29]

Sự chạm trán của Stoessel với các nhà ngoại giao Trung Quốc ở buổi trình diễn thời trang Nam Tư là bước ngoặt trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc. Nó khiến Mao và Chu tin rằng Hoa Kỳ thật sự quan tâm tới việc cải thiện quan hệ với CHNDTH, và nó xảy ra đúng lúc lãnh đạo Trung Quốc lo xảy ra chiến tranh với Liên Xô. Họ đang tìm cơ hội cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ để cân bằng lại Liên Xô. Hơn nữa, bối cảnh của vụ Stossel lại có ích cho Mao và Chu: họ có thể kể lại với các đồng nghiệp Trung Quốc theo kiểu “người Mỹ mới đang cần chúng ta chứ không phải chúng ta cần họ”. Hai nhà lãnh đạo này đã kể đi kể lại chuyện ấy và nhắc đi nhắc lại chủ đề đó.[30]

Trên thực tế, việc CHNDTH tìm cách nối lại các cuộc thảo luận cấp đại sứ đã diễn ra được một thời gian. Khi nhóm các đại sứ Trung Quốc đầu tiên quay trở lại vị trí của mình sau Đại hội Đảng lần thứ 9, Lôi Dương được bổ nhiệm là đại biện ở Ba Lan vào tháng 6-1969. Mặc dù Lôi Dương không có hàm đại sứ nhưng ông là nhà ngoại giao cấp cao, từng làm vụ trưởng Vụ Đào tạo của Bộ Ngoại giao trong nhiều năm. Trước khi Lôi đi Ba Lan, Chu Ân Lai thúc ông nghiên cứu hồ sơ các cuộc tiếp xúc đại sứ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, và để ý đến các dấu hiệu thay đổi trong chính sách để có thể báo cáo bất cứ điều gì quan trọng về nước. Chu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì “kênh Vácsava”. Theo hướng dẫn, Lôi  xem xét lại các hồ sơ thảo luận cấp đại sứ Xô-Mỹ và các tài liệu văn bản khác về quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc một cách cẩn thận trước khi lên đường đi Vácsava.[31]

Ngày 20-1-1970, Trung Quốc và Hoa Kỳ đồng ý nối lại các cuộc họp cấp đại sứ theo cách tổ chức luân phiên tại đại sứ quán của từng nước.[32] Để chuẩn bị cho buổi họp, Bộ Ngoại giao đã thảo ra các hướng dẫn và bài phát biểu khai mạc cho Lôi Dương, và nộp bản thảo cho Chu Ân Lai sửa. Chu đã bổ sung các hướng dẫn sau:

Sau bài phát biểu của anh, nếu Hoa Kỳ nhắc lại là Hoa Kỳ và Đài Loan có quan hệ dựa trên một hiệp ước, anh phải trả lời bằng những ngôn từ như “Hiệp ước Hoa Kỳ-Cộng hòa Trung Hoa không được người dân Trung Quốc công nhận”; nếu phía Hoa Kỳ hỏi những cuộc họp cấp cao hơn hay những kênh khác nghĩa là gì, anh phải trả lời là nếu chính phủ Hoa Kỳ quan tâm, họ nên đề xuất hoặc đề ra một giải pháp được hai bên nhất trí tại các cuộc trao đổi cấp đại sứ.[33]

Các lãnh đạo Trung Quốc tin rằng bởi vì “Nixon khi đó tỏ ra có chút mềm mỏng hơn so với Brezhnev…nên chính sách can dự là cần thiết”.[34]

Trong lúc ấy, Chu phải dành khá nhiều thời gian và sức lực để khắc phục trở ngại do những người cực tả ở trong nước gây ra. Vì Trung Quốc vẫn ở giữa cuộc Cách mạng Văn hóa nên việc nói đến chuyện cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ – đế quốc số một – là điều không thể hiểu nổi. Đến cả Ngoại trưởng của CHNDTH thuộc sự giám sát trực tiếp của Chu cũng không miễn nhiễm với ảnh hưởng cánh tả. Ngoài ra, vào năm 1960, chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố là sẽ không có tiến triển gì trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc nếu chưa giải quyết được vấn đề Đài Loan. Việc các nhân viên ở Bộ Ngoại giao phản ứng chậm với bất cứ thay đổi nào là điều có thể hiểu được. Chu lo lắng và thuật lại vấn đề với Mao, người ủng hộ ông [giải quyết vấn đề – ND]. Sau đó, Chu chuyển chỉ thị của Mao cho các cấp dưới, đảm bảo với họ là việc cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ là chấp nhận được về mặt ý thức hệ.[35] Không có bằng chứng nào từ các nguồn của Trung Quốc cho thấy Lâm Bưu hay các quan chức cấp cao nào phản đối việc nối lại các cuộc đối thoại Vácsava.

Ngoại giao bóng bàn

Phiên họp thứ 136 cấp đại sứ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ (và rốt cục đây lại là phiên cuối) diễn ra ngày 20-2-1970. Cuối tháng Tư, khi Nixon đưa quân vào Nam Việt Nam để tiến hành một chiến dịch xuyên biên giới quy mô lớn nhằm phá hủy các căn cứ của Việt Cộng ở Campuchia thì phía Trung Quốc dừng các cuộc đối thoại ở Vácsava.[36] Sự sụp đổ của kênh Vácsava làm dịch chuyển địa điểm giao tiếp với phía Trung Quốc sang Nhà Trắng, nơi bí mật liên hệ với Trung Quốc thông qua người Pakistan từ mùa hè năm trước.

Đến mùa thu 1970, lãnh đạo Trung Quốc nâng cấp thảo luận với Washington khi các lực lượng Hoa Kỳ rút khỏi Campuchia và căng thẳng dịu bớt.[37] Cả ở hậu trường và trước công luận, Mao và Nixon đều cho thấy cá nhân họ khuyến khích sự cải thiện trong quan hệ Trung-Mỹ. Ngày 1-10, nhà báo cánh tả người Mỹ Edgar Snow cùng vợ được mời tới dự lễ duyệt binh ngày Quốc khánh hàng năm từ khán đài của Tử Cấm Thành nhìn ra quảng trường Thiên An Môn. Họ được Chu Ân Lai đưa đến gặp Mao và đứng bên cạnh ghế chủ tịch trong suốt buổi lễ, những người Mỹ đầu tiên được có vinh dự đó. Một bức ảnh chụp Snow và Mao cùng nhau xuất hiện ở trang nhất các báo lớn của Trung Quốc vào ngày 25-12.[38] Một nhà sử học Trung Quốc quan sát: “Mao đang gửi đi một thông điệp không chỉ dành cho người Mỹ mà cho tất cả mọi người ở khắp Trung Quốc.” Mao đang cố dùng màn công khai này làm bước đi đầu tiên để chuẩn bị tâm lý cho người Trung Quốc nhằm đón nhận những thay đổi lớn lao trong quan hệ Trung-Mỹ.[39]

Trong một bài phỏng vấn dài lê thê với Snow ngày 18-12, Mao nói ông ta đang cân nhắc việc cho phép người Mỹ thuộc mọi trường phái chính trị – tả, hữu, trung dung – tới Trung Quốc.[40]  Ông nhấn mạnh là ông ta muốn chào đón Nixon đến Bắc Kinh bởi vì Tổng thống Mỹ là người mà ông ta có thể “thảo luận và giải quyết vấn đề giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.” Mao nói rõ rằng ông ta “sẽ vui lòng được gặp Nixon, dù là trên cương vị tổng thống hay một vị khách du lịch”.[41]

Chính quyền Nixon cũng ra tín hiệu chứng tỏ sự quan tâm tới một mối quan hệ mới. Trong một bài phỏng vấn với tạp chí Time vào tháng 10-1970, Nixon tuyên bố rằng ông coi Trung Quốc là một cường quốc trên thế giới. Ông nói,

Có thể vai trò đó sẽ không xảy ra trong 5 năm tới, thậm chí không phải trong 10 năm tới. Nhưng trong 20 năm nữa thì nên là như vậy, nếu không thì thế giới sẽ lâm nguy. Nếu có điều gì tôi muốn làm trước khi chết, đó chính là đến Trung Quốc. Nếu tôi không làm được, tôi muốn con cái mình sẽ làm điều đó.[42]

Tuyên bố này không hề bị Bắc Kinh bỏ qua. Sau này Chu Ân Lai nhớ lại rằng những lãnh đạo Trung Quốc khởi động đối thoại bình thường hóa đã rất phấn khởi khi biết Nixon sẵn sàng giao tiếp với họ ở mức độ cá nhân và coi Trung Quốc là ngang bằng: “Từ đầu, ông ấy [Nixon] đã có thái độ là ông ta sẵn lòng đến Bắc Kinh để gặp chúng tôi.”[43]

Những tiếp xúc ban đầu và gián tiếp này giữa Washington và Bắc Kinh bao gồm những trao đổi tế nhị liên quan tới nghị trình thảo luận trực tiếp giữa các lãnh đạo hàng đầu của hai bên. Trong những lần giao tiếp mang tính thăm dò này, phía Trung Quốc thử hướng các cuộc trao đổi dự kiến vào việc rút các lực lượng Hoa Kỳ khỏi Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ-Trung Quốc. Phía Hoa Kỳ lại muốn xác định một nghị trình rộng hơn và mở hơn, trong đó có việc thảo luận các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu. Thông qua kênh Pakistan, người Mỹ và người Trung Quốc đôi co với nhau về điều kiện cho các cuộc gặp gỡ cấp cao. Chu đã nói rằng mục đích duy nhất của các cuộc trao đổi phải là thảo luận về Đài Loan – một giới hạn mà chính quyền Nixon không thể chấp nhận. Khi Kissinger gửi cho Nixon biên bản cuộc nói chuyện với đại sứ Rumani Bogdan, Nixon đã viết lên phía trên: “Tôi tin là chúng ta đã tỏ ra quá hồ hởi. Hãy giãn ra. Đợi họ hồi đáp sáng kiến của chúng ta.”[44]

Mặc dù các quan chức Mỹ tiếp tục mặc cả rất cứng rắn, họ vẫn sẵn sàng có thêm những đề nghị thiện chí. Ngày 25-2-1971, chính quyền Nixon xuất bản “Báo cáo Chính sách Đối ngoại” thứ hai, trong đó nhắc lại mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, và đây là văn bản đầu tiên của chính phủ Hoa Kỳ nhắc tới CHNDTH bằng tên chính thức của nước này.[45] Chính quyền [Hoa Kỳ] cũng nới lỏng hạn chế thương mại với Trung Quốc. Ngày 15-3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo họ sẽ chấm dứt mọi hạn chế đối với những ai dùng hộ chiếu Hoa Kỳ để tới CHNDTH.[46]

Việc hình thành ngoại giao bóng bàn diễn ra trong bối cảnh của tất cả những bước đi ấy. Việc Mao quyết định mời đội tuyển bóng bàn Hoa Kỳ tới Trung Quốc có một phần chủ ý là chuẩn bị cho người Trung Quốc đón nhận những chuyển hóa sắp diễn ra trong quan hệ Trung-Mỹ. Trung Quốc cử đội tuyển bóng bàn của mình đi Nhật Bản tháng Tư 1971 để tham dự Giải Bóng bàn quốc tế lần thứ 31 ở Nagoya, khi một đội của Mỹ cũng đang tham dự. Bằng cách đưa đội bóng bàn Trung Quốc đến Nhật Bản, Mao và Chu đã bác bỏ những quan điểm phản đối từ Bộ Ngoại giao và Ủy ban Thể dục Thể thao Nhà nước. Khi các quan chức từ hai cơ quan này đề nghị không cử đội bóng đi Nhật Bản, Chu đã liên hệ Mao vào ngày 13-3 để thúc giục ông ủng hộ sự tham gia của đội tuyển Trung Quốc. Mao tán thành và chỉ thị: “Hãy hành động như vậy. Đội tuyển của chúng ta phải đi và sẵn sàng cho việc bị ám sát. Tất nhiên, tốt hơn là không để bị giết. Đừng sợ hãi sự vất vả hay cái chết”.[47]

Trước khi đội Trung Quốc rời đi Nhật, Chu đã gặp các cầu thủ Trung Quốc và nói với họ rằng sự tham gia của Trung Quốc tại giải đấu quốc tế này là “một cuộc đấu tranh chính trị” và họ phải tuân thủ nguyên tắc “tình hữu nghị trên hết, cạnh tranh là thứ hai”.[48] Rõ ràng với sự khuyến khích của Chu, hai đội Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đối xử với nhau một cách thân ái. Kết quả của các lần gặp gỡ đó là lời mời “chính thức” đội Hoa Kỳ tới thăm Trung Quốc.[49] Mặc dù vào ngày 3-4 Bộ Ngoại giao đề xuất là phía Trung Quốc sẽ không có lợi lắm khi mời đội Hoa Kỳ tới Trung Quốc, Chu không hài lòng với khuyến nghị này và đề nghị Mao quyết định. Một lần nữa Mao lại bác ý kiến của Bộ Ngoại giao và quyết định mời đội Hoa Kỳ.[50]

Không phải tình cờ mà Trung Quốc tìm cách cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ đầu những năm 1970 thông qua ngoại giao bóng bàn. Người Trung Quốc rất giỏi bóng bàn, và kỹ năng vượt trội của họ sẽ được nhìn nhận một cách tích cực. Ngày 7-4, sau khi Mao ủng hộ việc mời đội Hoa Kỳ, Chu tín nhiệm giao nhiệm vụ cho các trợ tá lâu năm của mình là Hoàng Hoa và Zhang Wenjin. “[Chuyến thăm] này tạo cơ hội rất tốt để mở ra quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong khi xử lý vấn đề này, chúng ta phải coi đó là một sự kiện quan trọng và hiểu rằng tầm quan trọng của nó về mặt chính trị lớn hơn về mặt thể thao.”[51] Richard Solomon lưu ý là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã “tận dụng về mặt chính trị môn thể thao mà Trung Quốc là vô địch thế giới và do đó [người Trung Quốc – ND] là ‘số một’”.[52]

Chuyến thăm của đội bóng bàn Hoa Kỳ tới Trung Quốc được báo chí Trung Quốc đưa tin rộng rãi. Các trận đấu giữa các cầu thủ Trung Quốc và Hoa Kỳ được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình và phát thanh.[53] Điểm nhấn của chuyến thăm là cuộc gặp của Chu với đội Trung Quốc và Hoa Kỳ cũng như với các đội từ bốn nước khác tại Đại Lễ đường Nhân dân ngày 14-4. Thủ tướng Trung Quốc tuyên bố: “Chuyến thăm của các bạn đã mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ giữa nhân dân Trung Quốc và Hoa Kỳ”.[54]  Vài giờ đồng hồ sau buổi gặp, Washington tuyên bố năm biện pháp mới liên quan đến Trung Quốc, bao gồm chấm dứt cấm vận thương mại sau 22 năm, cho phép buôn bán những mặt hàng tương đương với những hàng hóa buôn bán với Liên Xô, chấm dứt việc kiểm soát tiền tệ của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, và tiến hành quy trình cấp visa cho bất cứ người Trung Quốc nào muốn thăm Hoa Kỳ.[55] Trong vài ngày ngắn ngủi, ngoại giao bóng bàn đã thay đổi không khí chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Như Kissinger đã nói, sự hòa giải dần dần Trung-Mỹ đã trở thành “cơn chấn động quốc tế” khiến “cả thế giới phấn khích”.[56]

Sau chuyến thăm của đội tuyển Hoa Kỳ, Bắc Kinh và Washington bắt đầu lên kế hoạch cho các cuộc gặp cấp cao đã được thảo luận từ đầu năm 1970. Kênh Pakistan tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện giao tiếp giữa hai bên. Ngày 27-4, Washington nhận được lá thư dài hai trang viết tay (khác với những tuyên bố gián tiếp hay bằng miệng) từ Chu Ân Lai nhằm hồi đáp thông điệp của Nixon ngày 16-12-1970. Chu chính thức mời Nixon thăm Trung Quốc. Hai bên nhanh chóng nhất trí là Kissinger sẽ bí mật thăm Bắc Kinh nhằm thảo ra chương trình nghị sự cho chuyến thăm của tổng thống. Mọi bằng chứng đều cho thấy Lâm Bưu không hay biết về việc lên kế hoạch lúc đầu và không có vai trò gì trong sự kiện ngoại giao bóng bàn ấy.

Cuộc họp Bộ Chính trị tháng 5-1971 về chuyến thăm bí mật của Kissinger

Sự cố Lâm Bưu

Chuyến thăm Trung Quốc của Haig

Tranh cãi xung quanh Thông cáo chung

Kết luận

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Chinh tri cap cao TQ va Trung My xich lai gan nhau.pdf

 


[1] Suốt cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Mỹ tháng 2-1972, Mao đã cố tình tạo ra ấn tượng này, [ông ta] nói với Nixon: “Ở đất nước chúng tôi cũng có một nhóm đối lập phản đối việc chúng tôi tiếp xúc với ông. Kết quả là họ lên máy bay và chạy ra nước ngoài.” Xem thêm “Memorandum of Conversation [Mao and Nixon], 21-2-1971”, Box 91, National Security Files (NSCF), Nixon Presidential Materials Project (NPMP), National Archive II (NARA).  Trong hồi ký của mình, Henry Kissinger viết rằng Lâm Bưu, khi đó còn là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và là người kế nhiệm được chọn của Mao, đã phản đối việc Trung Quốc nối lại quan hệ với Hoa Kỳ. Xem Henry Kissinger, White House Years (Boston: Little, Brown, 1979), tr. 696-697. Lời buộc tội này đã liên tục được phát tán trong giới học giả phương Tây. Ví dụ, xem Kenneth Lieberthal, “Domestic Politics and Foreign Policy,” trong Harry Harding, China’s Foreign Relations in the 1980s (New Haven: Yale University Press, 1984), tr. 52; John Garver, China’s Decision for Rapprochement with the United States, 1969–1971 (Boulder, CO: Westview Press, 1982), tr. 134–137; Robert S. Ross, “From Lin Biao to Deng Xiaoping: Elite Instability and China’s U.S. Policy,” China Quarterly, Số 118 (tháng 6-1989), tr. 267–268; Rosemary Foot, The Practice of Power: U.S. Relations with China since 1949 (Oxford, UK: Clarendon Press, 1995), p. 105; Robert Ross, Negotiating Cooperation: The United States and China, 1969–1989 (Stanford, CA: Stanford University Press, 1995), tr. 27; và William Bundy, A Tangled Web: The Making of Foreign Policy in the Nixon Presidency (New York: Hill and Wang, 1998), tr. 109, 165. Gần đây nhất: James Mann, About Face: A History of America’s Curious Relationship with China (New York: Alfred A. Knopf, 1999), tr. 26; và Jeffrey Kimball, Nixon’s Vietnam War (Lawrence: University of Kansas Press, 1998), tr. 261. Robert Garson cho rằng vợ của Mao – Giang Thanh, người dẫn đầu nhóm cấp tiến – đã phản đối việc nối lại quan hệ với Hoa Kỳ. Xem Robert Garson, The United States and China since 1949 (Teaneck, NJ: Fairleigh Dickinson University Press, 1994), tr. 123. Trong tiểu sử gần đây và gây tranh cãi về Mao Trạch Đông, Jung Chang và Jon Halliday không nói gì về vai trò của Lâm Bưu trong việc nối lại quan hệ Trung-Mỹ. Xem Jung Chang và Jon Halliday, Mao: The Unknown Story (New York: Alfred A. Knopf, 2005).

[2] Richard C. Snyder, H.W. Bruck, và Burton Sapin, “The Decision-Making Approach to the Study of International Politics,” trong James N. Rosenau, ed., International Politics and Foreign Policy: A Reader in Research and Theory (New York: Free Press, 1969), tr. 203.

[3] Andrew Nathan, “A Factionalism Model for CCP Politics,” China Quarterly, Số 53 (Tháng 1-3/1973), tr. 34. Đáp lại “mô hình bè phái” của Nathan, Tang Tsou cho rằng “mô hình của Nathan chỉ giải thích một phần nhỏ trong nền chính trị tinh hoa của Trung Quốc” và có một trọng tâm hẹp. Xem Tsou, “Chinese Politics at the Top: Factionalism or Informal Politics? Balance-of-Power Politics or a Game to Win All?” China Journal, Số 34 (Tháng 7-1995), tr. 122.

[4] Lu Ning, The Dynamics of Foreign-Policy Decision-Making in China, bản in lần hai, (Boulder, CO: Westview Press, 2000), tr. 161–162.

[5] Carol Lee Hamrin, “Elite Politics and Foreign Relations,” trong Thomas W. Robinson và David Shambaugh, eds., Chinese Foreign Policy: Theory and Practice (Oxford, UK: Clarendon Press, 1994), tr. 83.

[6] Từ tháng 5 tới tháng 8-1967, Bộ Ngoại giao không hoạt động bình thường vì cuộc tấn công từ “phái phản loạn”. Tất cả các cán bộ lãnh đạo, trong đó có Ngoại trưởng Trần Nghị, bị tấn công và không được phép đi làm.  Quan hệ của Trung Quốc với nhiều nước xấu đi. Văn phòng đại biện lâm thời Anh quốc ở Bắc Kinh bị “phái phản loạn” đốt ngày 22-8-1967. Sau sự cố này, được sự ủng hộ của Mao, Chu Ân Lai đã giành lại kiểm soát đối với công tác đối ngoại.  Để đọc bản tiếng Trung về giai đoạn này, xem Jin Ge, “Zai waijiaobu ‘duoquan’ qianhou” [The Beginning and End of “Seizing Power” in the Foreign Ministry], in An Jianshe, ed., Zhou Enlai de zuihou suiyue, 1966–1976 [Zhou Enlai’s Final Years, 1966–1976] (Beijing: Zhongyang Wenxian Chubanshe, 1995), tr. 207–243.

[7] Robert A. Scalapino, “Introduction,” in Robert A. Scalapino, ed., Elites in the People’s Republic of China (Seattle: University of Washington Press, 1972), tr. vi.

[8] Avery Goldstein, “Trends in the Study of Political Elites and Institutions in the PRC,” China Quarterly, Số 139 (Tháng 9-1994), tr. 714.

[9] Yang Kuisong, “Cong Zhenbaodao Zhizhan dao Huanhe Zhong Mei Guanxi” [From the Battle at the Zhenbao Island to Sino-American Rapprochement], Dangshi yanjiu ziliao [Materials on Party History Research], Số 12 (1997), tr. 7–8; và Xu Yan, “1969 Nian Zhong Su bianjie chongtu” [The Sino-Soviet Border Conflict of 1969], Dangshi yanjiu ziliao, Số 5 (1994), tr. 6–10.

[10] Kissinger viết trong hồi ký là vào tháng 8-1969, một nhà ngoại giao Liên Xô ở Washington đã hỏi là “Hoa Kỳ sẽ phản ứng thế nào với một cuộc tấn công của Liên Xô vào các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc”. Xem Kissinger, White House Years, tr. 183; và thảo luận trong Yang, “Cong Zhenbaodao Zhizhan dao Huanhe Zhong Mei Guanxi,” tr. 12. Cuối năm đó, báo chí phương Tây cũng viết về những lời đồn đại về các kế hoạch của Liên Xô nhằm tấn công các cơ sở hạt nhât của Trung Quốc. Liệu những điều này có phản ánh kế hoạch thật sự hay chỉ là một phần của chiến dịch xuyên tạc thông tin nhằm gây áp lực tâm lý lên lãnh đạo Trung Quốc vẫn là điều chưa rõ ràng.

[11] Tất cả các đại sứ Trung Quốc trừ Hoàng Hoa ở Ai Cập đã bị triệu tập về nước để tham gia Cách mạng Văn hóa.

[12] GaoWenqian,Wannian Zhou Enlai [Zhou Enlai’s Later Years] (Hong Kong:Mirror Books, 2003), tr. 407.

[13] Xiong Xianghui, Wo de qingbao yu waijiao shengya [My Career in Intelligence and Diplomacy] (Beijing: Zhongyang Dangxiao Chubanshe, 1999), tr. 166. Vì Xiong là trợ lý cho Nhóm nghiên cứu của bốn nguyên soái nên lời thuật của ông ta đáng tin cậy hơn so với các nguồn Trung Quốc khác. Cuộc họp đầu tiên của các vị tướng diễn ra ngày 7-6-1969. Theo học giả Trung Quốc Wang Yongqin, Mao vào ngày 19-2 đã lần đầu chỉ thị cho bốn vị tướng nghiên cứu tình hình quốc tế. Sau đó vào các ngày 22-3 và 19-4, ông ta lại yêu cầu họ tìm hiểu bối cảnh quốc tế. Xem Wang Yongqin, “1966–1976 Nian Zhong Mei Su guanxi jishi, lianzai 1” [Chronicle of Sino-American-Soviet Relations, 1966–1976, Part I], Dangdai Zhongguoshi yanjiu [Contemporary China History Studies], Số 4 (1997), tr. 118–119, 121.

[14] Xiong, Wo de qingbao yu waijiao shengya, tr. 166–167.

[15] Xu, “1969 Nian Zhong Su bianjie chongtu,” tr. 10; và Yang, “Cong Zhenbaodao Zhizhan dao Huanhe Zhong Mei Guanxi,” tr. 11–19.

[16] Ủy ban Trung ương ĐCS và Nhóm hành chính của Quân ủy trung ương, “Báo cáo về các biện pháp cần thực hiện để tăng cường phòng không”, 27-8-1969, Cục Lưu trữ Trung ương Trung Quốc: trích dẫn trong Yang Kuisong, “The Sino-Soviet Border Clash of 1969: From Zhenbao Island to Sino-American Rapprochement,” Cold War History, Quyển 1, Số 1 (tháng 8-2000), tr. 36–37.

[17] Xem “The CCP Central Committee’s Order for General Mobilization in Border Provinces and Regions,” 28-8-1969, Cold War International History Project Bulletin, Số 11 (Mùa đông 1998), tr. 168–169.

[18] Xiong, Wo de qingbao yu waijiao shengya, tr. 184–186.

[19] Gao, Wannian Zhou Enlai, tr. 408.

[20] Xu Xiangqian, Lishi de huigu [Reflections on History], 3 quyển (Beijing: Jiefangjun Chubanshe, 1987), 3: tr. 848; and “Dangdai Zhongguo Renwu Zhuanji” Congshu Bianjibu [Editorial Board of Biographical Series of Contemporary Chinese Figures], Chen Yi zhuan [Biography of Chen Yi] (Beijing: Dangdai Zhongguo Chubanshe, 1991), tr. 614–615

[21] Sử gia Chen Jian lập luận rằng việc giải thích chỉ tập trung vào địa chính trị không cho thấy đầy đủ các lý do phức tạp cho quyết định cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ của Mao. Để có thể hiểu rõ sự việc hơn, ông đặt việc Trung-Mỹ xích lại gần nhau trong bối cảnh địa vị đang suy yếu của cuộc cách mạng đang diễn ra lúc ấy của Mao. Chen chỉ ra rằng việc Trung-Mỹ xích lại gần nhau diễn ra tại thời điểm Cách mạng Văn hóa cùng những bộ phận chung của cuộc cách mạng đang diễn tiến của Mao đã đang yếu đi. Xem Chen Jian, Mao’s China and the Cold War (Chapel Hill: The University of North Carolina Press, 2001), tr. 239. Quan điểm của tôi là rất nhiều yếu tố, trong đó có các cuộc thương lượng cấp đại sứ kéo dài một thập niên giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mục tiêu hạt nhân của Trung Quốc, sự sa lầy ở Việt Nam, cùng tính cách của Nixon đã tạo ra việc hai nước xích lại gần nhau.

[22] Các nhà báo phương Tây nghi ngờ là Kossygin đã định gặp Chu Ân Lai tại đám tang của Hồ Chí Minh vào đầu tháng 9-1969. Chu dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc dự đám tang, đến ngày 4-9 và về trong ngày. Các phát ngôn viên của Trung Quốc phủ nhận là Chu đã cố tình tránh một cuộc họp với Kosygin mặc dù rõ ràng có việc làm bẽ mặt nhau ở đây. Sau khi tới Hà Nội ngày 6-9, Kosygin với sự giúp đỡ của đại sứ quán Trung Quốc đã đề xuất gặp Chu Ân Lai ở Bắc Kinh trên chặng đường trở lại Matxcơva. Tuy nhiên, mãi đến 11-9 Kosygin mới nhận được phản hồi, khi đó ông đã đang ở Dushanbe, thủ đô của Tajikistan. Xem Jin Chongji, ed., Zhou Enlai zhuan, 1949–1976 [A Biography of Zhou Enlai, 1949–1976], 2 vols. (Beijing: Zhongyang Wenxian Chubanshe, 1998), pp. 1083–1084; and Wang Taiping, ed., Zhonghua renmin gongheguo waijiaoshi, 1957–1969 [A Diplomatic History of the People’s Republic of China, 1957–1969] (Beijing: Shijie Zhishi Chubanshe, 1998), tr. 274–276.

[23] Gao, Wannian Zhou Enlai, tr. 411. Các cuộc đàm phán biên giới Trung-Xô, bắt đầu ngày 20-10-1969, đã tiếp tục – với vài lần bị gián đoạn – cho tới cuối những năm 1980. Lãnh đạo Trung Quốc cố gắng tạo ấn tượng là nếu Hoa Kỳ vẫn tỏ ra không hứa hẹn trong thương lượng với CHNDTH thì có thể sẽ xảy ra đột phá trong quan hệ Trung-Xô. Xem Alexei Elizavetin, “Kosygin-Zhou Talks at Beijing Airport,” Far Eastern Affairs, Các số 1–3 (1993), tr. 52–54.

[24] Trong chuyến đi vòng quanh thế giới tháng 8-1969, Nixon đã thông báo cho các lãnh đạo Rumani và Pakistan là ông ta quan tâm tới việc cải thiện quan  hệ với CHNDTH. Cuối hè, đầu thu năm đó, Tổng thống Pakistan Yahya Khan đề nghị đóng vai trò tích cực trong cuộc tìm kiếm ấy. Kênh Pakistan đã giúp Nixon và Kissinger có được cách giao tiếp bí mật mà không cần qua Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Vào tháng 12, đại sứ Pakistan tại Hoa Kỳ Agha Hilaly đã gửi bức điện trực tiếp đầu tiên từ phía CHNDTH. Hilaly báo cáo rằng lãnh đạo Trung Quốc đã thả hai người Mỹ bị giam giữ và sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán Vacsava mà không có điều kiện tiên quyết nào. Kissinger trả lời là Hoa Kỳ quan tâm tới việc cải thiện quan hệ. Xem Steven Phillips, “Nixon’s China Initiative, 1969–1972,” trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Documenting Diplomacy in the 21st Century (Washington D.C.: U.S. Government Printing Office, 2001), tr. 135.

[25] Trung Quốc và Hoa Kỳ ban đầu đã đồng ý tổ chức phiên đàm phán cấp đại sứ lần thứ 135 vào ngày 20-3-1969.

[26] Cơ quan tình báo Trung ương Hoa Kỳ, Biên bản tình báo, “Signs of Life in Chinese Foreign Policy,” 11-4-1970, bản sao tại Cục Lưu trữ An ninh quốc gia: được trích dẫn trong William Burr, “Sino-American Relations, 1969: Sino-Soviet Border Conflict and Steps toward Rapprochement,” Cold War History, Quyển 1, Số 3 (Tháng 4-2001), tr. 97.

[27] Xue Mouhong, ed., Dangdai Zhongguo waijiao [Contemporary Chinese Diplomacy] (Beijing: Zhongguo Shehui Kexue Chubanshe, 1990), tr. 219. Xem thêm Stoessel to Secretary of State, 3-12-1969, tr. 23–28, POL-US, Subject-Numeric Files, 1967–1969, Record Group (RG) 59, NARA. Trong bức điện tín, Stoessel nói nhầm là nhà ngoại giao mà ông ta cố tiếp cận là Lôi Dương, đại biện lâm thời của Trung Quốc tại Ba Lan. Thật ra đó là Li Juqing, bí thư thứ hai của đại sứ quán Trung Quốc và người phiên dịch là Jing Zhicheng. Xem Luo Yisu, “Zai Bolan de suiyue” [My Years in Poland], trong Wang Taiping, ed., Dangdai Zhongguo shijie waijiao shengya [Diplomatic Careers of Contemporary Chinese Envoys] (Beijing: Shijie Zhishi Chubanshe, 1996), tr. 179–180; và Zong Daoyi, “Xin Zhongguo waijiaoshi ruogan shishi kaoding” [Textual Research into Some Facts of Chinese Diplomatic History], Dangdai Zhongguoshi yanjiu, No. 6, (1997), tr. 103–109. Kissinger không hài lòng với việc Stoessel chậm thiết lập đầu mối liên lạc và đã gửi ba bức điện cảnh cáo ông ta rằng “hoặc là anh làm việc đó đi hoặc là chúng tôi sẽ lấy ai đó làm được việc”. Stoessel nói rằng ông đã không thể tiếp cận riêng các quan chức Trung Quốc tại bất cứ bữa tiệc hay buổi tiếp tân ngoại giao nào vào mùa thu và đông năm đó. Xem Seymour M. Hersh, The Price of Power: Kissinger in the White House (New York: Summit Books, 1983), tr. 359. Không rõ lý do tại sao Hoa Kỳ không liên lạc với Bắc Kinh thông qua kênh sẵn có giữa các bí thư thứ hai của Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Vacsava. Một khả năng là liên lạc ở cấp-bí-thư-thứ-hai chỉ dành cho các sự vụ hàng ngày, và phía Trung Quốc không coi trọng kênh đó.

[28] Jin, ed., Zhou Enlai zhuan, Tập 2, tr. 1087.

[29] Zhongyang wenxian yanjiushi [Division of CCP Central Archives andManuscripts], Zhou Enlai nianpu: 1949–1976 [Chronicle of Zhou Enlai], Tập 3 (Beijing: Zhongyang Wenxian và Renmin Chubanshe, 1997), tr. 336; Jin, ed., Zhou Enlai zhuan, Tập 2, tr. 1088; và Kissinger, White House Years, tr. 188.

[30] Phỏng vấn với các sử gia của ĐCSTQ, những người yêu cầu được giữ kín danh tính, tại Bắc Kinh, tháng 1-2002.

[31] Qian Jiang, “Huifu ZhongMei Huasha Huitan de Qibu” [The Beginning of the Renewal of Sino-American Warsaw Talks], Bainianchao [Hundred-Year Tide], Số 3 (2000), tr. 20–21

[32] Luo, “Zai Bolan de suiyue,” tr. 181; Stoessel to the Secretary of State, 8-1-1970, POL Chicom, Subject-Numeric Files, 1970–1973, RG 59, NARA. Có hai điểm cần lưu ý ở đây. Thứ nhất, trong quá khứ, các cuộc đàm phán cấp đại sứ Trung-Mỹ ở Vácsava được tổ chức tại một địa điểm do chính phủ Ba Lan thu xếp. Lần này, ngược lại, phía Mỹ tìm cách giữ bí mật bằng cách chuyển địa điểm sang đại sứ quán của hai nước – đề xuất này được phía Trung Quốc chấp nhận ngay. Các cuộc họp không chính thức được tổ chức lần lượt tại đại sứ quán mỗi bên ở Vácsava vào ngày 11-12-1969 và 8-1-1970. Stoessel được mời tới dùng trà ở đại sứ quán Trung Quốc ngày 11-12 và được hướng dẫn đến cổng tước để gửi tín hiệu cho Matxcơva. Thứ hai, bởi vì khi đó Trung Quốc không có đại sứ ở Ba Lan nên hai vòng thương lượng cuối cùng được tổ chức giữa đại biện lâm thời Trung Quốc là Lôi Dương và đại sứ Hoa Kỳ Stoessel. Đại sứ Trung Quốc tại Ba Lan, Wang Guoquan, trước đó đã bị triệu hội về Trung Quốc vào tháng 7-1969 để tham gia Cách mạng văn hóa. Phiên họp thứ 134 của đàm phán cấp đại sứ đã diễn ra ở Vácsava ngày 8-1-1968 giữa đại biện lâm thời Trung Quốc Chen Dong và đại sứ Hoa Kỳ John Gronouski như “một biện pháp tạm thời”. Về các cuộc thương lượng cấp đại sứ Trung-Mỹ những năm 1960, xem Yafeng Xia, “Negotiating at Cross-Purposes: Sino-American Ambassadorial Talks, 1961–1968,” Diplomacy and Statecraft, Tập 16, Số 2 (Tháng 6-2005), tr. 297–329

[33] Zhongyang wenxian yanjiushi, Zhou Enlai nianpu , tr. 344.

[34] “Zhou Enlai’s Talk with Khwaja Mohammad Kaiser, Pakistan’s Ambassador to China, 22 January 1970,” được trích dẫn trong Robert Ross và Jiang Changbin, eds., Re-examining the Cold War: U.S.-China Diplomacy, 1954–1973 (Cambridge, MA: Harvard University Asia Center, 2001), tr. 337.

[35] Gao, Wannian Zhou Enlai, tr. 415.

[36] Kissinger, White House Years, tr. 692

[37] Hoa Kỳ rút khỏi Campuchia ngày 30-6-1970. Xem cùng sách, tr. 516

[38] Một nguồn Trung Quốc cho rằng Chu Ân Lai đã thấy trước tất cả điều này, thậm chí còn xác định được kích cỡ bức ảnh xuất bản trên Nhân dân Nhật Báo, tờ báo đóng vai trò là mô hình cho mọi tờ báo lớn của Trung Quốc đi theo. Xem Yang Mingwei và Chen Yangyong, Zhou Enlai waijiao fengyun [Diplomatic Winds and Clouds of Zhou Enlai] (Beijing: JiefangjunWenyi Chubanshe, 1995), tr. 243. Các sử gia khác không đồng ý cách miêu tả này. Zong Daoyi cho rằng không có bằng chững nào cho thấy đích thân Chu đã nói rõ kích cỡ bức ảnh. Xem Zong, “Xin Zhongguo waijiaoshi ruogan shishi kaoding,” tr. 103–114. Không may, Nixon và Kissinger bỏ qua tầm quan trọng của cử chỉ này của phía Trung Quốc. Xem Henry Kissinger, White House Years, tr. 698; Pang Xianzhi và Jin Chongji, eds., Mao Zedong zhuan, 1949–1976 [A Biography of Mao Zedong, 1949–1976], Tập 2 (Beijing: Zhongyang Wenxian Chubanshe, 2003), tr. 1628. Snow là bạn và người hâm mộ Mao và ĐCS từ giữa những năm 1930, khi ông thăm các khu vực căn cứ Cộng sản ở tỉnh Sơn Tây ở phía bắc và phỏng vấn Mao cùng nhiều lãnh đạo khác của ĐCS. Cuốn sách được ca ngợi của ông, Red Star over China, được xuất bản lần đầu năm 1938, đã góp phần tạo ra hình ảnh tích cực về phong trào cộng sản Trung Quốc cả ở trong và ngoài Trung Quốc. Xem Edgar Snow, Red Star over China, bản đã sửa (New York: Grove Press, Inc., 1968).

[39] Chen, Mao’s China and the Cold War, tr. 256.

[40] Snow đã đợi phỏng vấn Mao từ đầu tháng 10. Ngày 5-11, ông đã có cuộc phỏng vấn dài dòng với Chu Ân Lai về các vấn đề quốc tế. Nhưng cuộc gặp của ông với Mao bị trì hoãn nhiều lần.

[41] “Minutes, Interview with Edgar Snow, 18 December 1970,” trong Jianguo yilai Mao Zedong wengao [Mao Zedong’s Manuscripts since the Founding of the PRC], 15 tập (Beijing: Zhongyang Wenxian Chubanshe, 1987–1999), Tập 1, tr. 166–168

[42] “‘I Did Not Want the Hot Words of TV’ and Other Presidential Reflections in a Crisis Week,” Time, Tập 96, Số 14 (5-10-1970), tr. 12

[43] Biên bản ghi nhớ cuộc hội thoại [Kissinger và Zhou Enlai], 9-7-1971, Box 1032, NSCF, NPMP, NARA.

[44] Henry Kissinger gửi Tổng thống, “Conversation with Ambassador Bogdan,” 11-1-1971, Hồ sơ 2, Box 1031, NSCF, NPMP, NARA

[45] “Foreign Policy Report,” Hồ sơ 1, Box 86, NSCF (HAK Ofªce ªles), NPMP, NARA.

[46] “U.S. China Policy 1969–72,” tr. 3, Hồ sơ 1, Box 86, NSCF (HAK Ofªce Files), NPMP, NARA. Trước đó, vào ngày 21-7-1969, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố họ sẽ nới lỏng các hạn chế về đi lại với Trung Quốc. Du khách Hoa Kỳ được phép mang về hàng hóa Trung Quốc trị giá $100.

[47] “Mao Zedong dui Zhou Enlai xin de pishi” [Written Instructions to Zhou Enlai’s Letter from Mao Zedong], 15-3-1971: được trích dẫn trong Gao, Wannian Zhou Enlai, tr. 430; và Qian Jiang, Xiaoqiu zhuandong daqiu: Pingpang waijiao muhou [Little Ball Moves Big Ball: Behind the Ping-Pong Diplomacy] (Beijing: Dongfang Chubanshe, 1997), tr. 140.

[48] Zhongyang wenxian yanjiushi, Zhou Enlai nianpu, tr. 435

[49] Xue, ed., Dangdai Zhongguo waijiao, tr. 220.

[50] Qian, Xiaoqiu zhuandong daqiu, tr. 214–216; và Gao, Wannian Zhou Enlai, tr. 430–432

[51] Qian, Xiaoqiu zhuandong daqiu, tr. 236; và Xu Dashen, ed., Zhonghua renmin gongheguo shilu [A Factual Record of the People’s Republic of China] (Changchun, China: Jilin Renmin Chubanshe, 1994), tr. 698–699. Hoàng Hoa là người thân cận lâu năm của Chu Ân Lai và vào năm 1971 là đại sứ Trung Quốc tại Canada. Zhang Wenjin là Vụ trưởng vụ Tây Âu và châu Mỹ của Bộ Ngoại giao, và là trợ lý thân cận của Chu từ chuyến thăm của tướng Marshall tới Trung Quốc (nhằm thuyết phục Đảng Cộng sản và Quốc Dân Đảng tham gia một chính phủ thống nhất – NBT) năm 1946.

[52] Richard Solomon, Chinese Negotiating Behavior: Pursuing Interests through “Old Friends” (Washington D. C.: United States Institute of Peace Press, 1999), tr. 30

[53] Những lời nói mở đầu các trận đấu của bình luận viên truyền hình Trung Quốc, nhấn mạnh rằng “từ lâu, tình hữu nghị đã tồn tại giữa nhân dân Mỹ và Trung Quốc”, và rằng “chuyến thăm của đội tuyển bóng bàn Mỹ sẽ tăng cường tình hữu nghị đó”, đã được chính Chu Ân Lai cẩn thận kiểm tra và chỉnh sửa. Xem Qian Jiang, Pingpang waijiao shimo [The Ping-Pong Diplomacy: The Beginning and the End] (Beijing: Dongfang Chubanshe, 1987), tr. 268–271.

[54] “Minutes, Zhou Enlai’s Conversations with the American Table Tennis Delegation,” 14-3-1971, trong Zhou Enlai waijiao wenxuan [Selected Diplomatic Papers of Zhou Enlai] (Beijing: Zhongyang Wenxian Chubanshe, 1990), tr. 469–475. Báo chí Trung Quốc đưa tin đậm đặc về cuộc gặp. Ví dụ, xem Nhân dân Nhật Báo (Bắc Kinh) số ra ngày 15-4-1971, tr. 1.

[55] “U.S. China Policy 1969–72,” Bảng 23.

[56] Kissinger, White House Years, tr. 710.