#128 – Quyền lực cứng, quyền lực mềm, quyền lực thông minh

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Ernest J. Wilson III (2008). “Hard Power, Soft Power, Smart Power”, The ANNALS of the American Academy of Political and Social Science 2008, pp. 110-124.>>PDF

Biên dịch: Phạm Hương Trà | Hiệu đính: Phạm Thủy Tiên

Bài viết này mở rộng khái niệm quyền lực cứng và quyền lực mềm nhằm giới thiệu khái niệm quyền lực thông minh, được định nghĩa là khả năng một chủ thể kết hợp các thành tố của quyền lực cứng và quyền lực mềm thông qua các phương thức tác động qua lại nhằm đạt được mục đích mình mong muốn một cách hiệu quả. Bài viết lập luận rằng việc phát huy quyền lực thông minh đã trở thành vấn đề cấp thiết đối với an ninh của các quốc gia do tác động của những thay đổi cấu trúc mang tính dài hạn trong các điều kiện quốc tế và những thất bại trong ngắn hạn của chính quyền hiện tại. Những tranh luận hiện nay về ngoại giao công chúng và quyền lực mềm chịu tác động từ những thất bại trong việc xử lý các khía cạnh khái niệm, thể chế và chính trị của thách thức nêu trên. Đây cũng là ba khía cạnh được tác giả phân tích trong bài viết này.

Nhiều ý kiến trong và ngoài nước Mỹ cho rằng nội dung và cách triển khai hiện tại của chính sách đối ngoại Mỹ còn nhiều khiếm khuyết và cần được sửa chữa. Thật không may là bản thân cuộc tranh luận này cũng có khiếm khuyết: những người ủng hộ quyền lực mềm lẫn những người cổ vũ quyền lực cứng đều không tích hợp đầy đủ các lập trường của họ vào một khuôn khổ hợp nhất để thúc đẩy lợi ích quốc gia. Những người ủng hộ quyền lực mềm và ngoại giao công chúng có khuynh hướng trình bày lập luận một cách thiếu thuyết phục, các lập trường của họ thường thể hiện sự ngây thơ về mặt chính trị và yếu kém về mặt thể chế. Trong khi đó, những người ủng hộ quyền lực cứng, vốn nắm giữ sức mạnh về chính trị và thể chế, lại thường đưa ra các lập luận không thỏa đáng. Họ dường như tin rằng có thể yên tâm bỏ qua các yếu tố của sức mạnh quốc gia nằm ngoài phạm vi quan điểm truyền thống hoặc chỉ đơn giản cộng thêm các yếu tố này vào quan điểm vốn có của mình. Kết quả là lợi ích quốc gia đã không được đáp ứng thỏa đáng bởi cuộc tranh luận giữa hai chiều hướng kém hoàn hảo.

Vào giai đoạn chuyển tiếp sang một chính phủ mới, thông thường các cuộc đối thoại quan trọng sẽ diễn ra trong các chiến dịch tranh cử, trong các cuộc họp kín của các đảng, và trong các viện nghiên cứu tư vấn chính sách ở Washington về các ưu tiên chính sách ngoại giao của chính quyền mới. Trong quá khứ, các cuộc đối thoại như vậy sẽ chủ yếu được định hình bởi các mối quan tâm về quyền lực cứng truyền thống. Nhưng khi nhìn về tương lai, các tính toán quyền lực mềm sẽ có dấu ấn mạnh mẽ hơn nhiều trong nội dung các chính sách an ninh quốc gia và đối ngoại của Mỹ.

Bài viết này nhằm mục đích cung cấp một khung lý thuyết về quyền lực thông minh và đóng góp vào cuộc thảo luận các quan điểm đối nghịch nhau như vừa đề cập, để cải thiện hiệu quả của chính sách đối ngoại. Trước tiên bài viết giải thích tại sao các điều kiện chuyển tiếp và cấu trúc mới lại đòi hỏi phải có quyền lực thông minh, sau đó phân tích các thách thức về mặt khái niệm, thể chế và chính trị cần phải giải quyết nhằm thúc đẩy việc đạt được quyền lực thông minh của nước Mỹ. Đây là kết quả của một dự án kéo dài cả năm trời[1] bao gồm một cuộc đối thoại quốc tế trên blog (www.smartpowerblog.org), một chuyên đề nghiên cứu đang tiến hành và một chuỗi hội thảo đang tranh luận sôi nổi về khái niệm này. Bài viết cũng được thực hiện đồng thời với một công trình khác được thực hiện bởi Ủy ban về Quyền lực Thông minh mới thành lập gần đây, do Joseph Nye và Richard Armitage thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế  và Chiến lược (CSIS) điều hành.

Tại sao bây giờ phải quan tâm đến quyền lực thông minh?

Sự quan tâm ngày càng gia tăng đối với quyền lực thông minh phản ánh hai khuynh hướng đương đại, một mang tính cấu trúc và dài hạn, một mang tính ngắn hạn và tình thế, chủ yếu được thúc đẩy bởi các chính sách của chính quyền đương nhiệm. Lý do rõ ràng nhất cần suy xét nghiêm túc về quyền lực thông minh là do các thiếu sót chính sách đã được thừa nhận rộng rãi của chính quyền Mỹ trong 7 năm qua. Có một niềm tin rộng khắp ở Mỹ và trên thế giới rằng chính sách an ninh quốc gia và đối ngoại của chính quyền Bush đã không thông minh, ngay cả khi xét theo tiêu chí của riêng chúng, và kết quả là các chính sách này đã thỏa hiệp (hay phương hại) các lợi ích ngoại giao và an ninh của Mỹ, gây ra sự giận dữ chưa từng có trên toàn cầu, và làm giảm đáng kể vị thế của Mỹ trên thế giới (Kohut and Stokes 2006; Pew Global Attitudes Project 2006; Halper and Clarke 2004).

Trái lại, lãnh đạo của các quốc gia khác lại sử dụng công cụ quyền lực của họ một cách tinh vi hơn. Lấy một ví dụ, các lãnh đạo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) đã triển khai các nguồn lực của nước này một cách rất có chiến lược, mặc dù không có nhiều thể hiện nổi bật. Những lựa chọn chính sách riêng biệt của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và các cố vấn đã phản ánh sự phân tích công phu về tình hình thế giới, và họ đã triển khai một loạt các công cụ cân bằng và có phối hợp nhằm đạt được những mục tiêu chính trị chuyên biệt của mình, cũng như thúc đẩy các mục tiêu quốc gia. Quyết định của Hồ Cẩm Đào về việc phát triển và nhất quán theo đuổi học thuyết “Trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc” rõ ràng là đối trọng với cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ George W. Bush vốn tập trung chủ yếu vào nhu cầu duy trì ưu thế quân sự. Tuy nhiên cả hai cách tiếp cận này đều là ví dụ rõ ràng về những tính toán chính sách do lãnh đạo của các cường quốc đưa ra, có tính tương đối độc lập và không bị gò ép bới các yếu tố cấu trúc. Các lãnh đạo của Trung Quốc đã đưa ra những quyết định hết sức tỉnh táo khi theo đuổi đường lối khéo léo hơn. Lẽ ra họ đã có thể theo đuổi chiến lược “Trỗi dậy cứng rắn của Trung Quốc”. Họ đã có thể có những xáo trộn về mặt ngoại giao trong cách ứng xử với các quốc gia châu Phi, và vụng về trong cách theo đuổi các nguồn tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản; nhưng thay vào đó, họ đã tạo ra điều mà Josh Kurlantzick (2007) gọi là “chiến dịch quyến rũ” đa diện thông qua việc cung cấp viện trợ nước ngoài và dành sự chú ý đặc biệt cho các lãnh đạo châu Phi. Tương tự như vậy, họ đã có thể phớt lờ châu Âu và dựa chủ yếu vào quyền lực cứng trên khắp eo biển Đài Loan. Dù rằng các chiêu thức hấp dẫn của Trung Quốc đã và đang mang lại những kết quả trái ngược nhau, nhưng nó đã được tiến hành dựa trên một quá trình xem xét công phu với hàng loạt các công cụ quyền lực quốc gia.

Tuy nhiên, hiện nay sự khao khát quyền lực thông minh không chỉ đến từ những lựa chọn hay hoặc dở của cá nhân các nhà lãnh đạo. Ngay cả khi chính quyền Mỹ không để lộ quá nhiều điểm yếu, thì các xu hướng thế tục mang tính lâu dài vẫn sẽ khơi dậy những nhu cầu về một cách thức mới trong việc lên ý tưởng và thực thi quyền lực nhà nước. Nói tóm lại, các nước G8 đang tăng tốc quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế hậu công nghiệp, nơi mà quyền lực ngày càng phụ thuộc vào năng lực của quốc gia trong việc tạo ra và vận hành tri thức và thông tin. Khả năng sáng tạo và đổi mới của một quốc gia có thể ưu trội hơn việc sở hữu các sư đoàn thiết giáp hoặc tàu sân bay, và những công cụ công nghệ cao đời mới có thể giúp tăng cường đáng kể tầm ảnh hưởng quân sự và phi quân sự. Các lực lượng quân đội và vũ trang vẫn rất quan trọng, nhưng vai trò tương đối của họ đã thay đổi hoàn toàn, cả về cách thức quân đội tiến hành chiến tranh cũng như sự kết hợp giữa các nguồn lực quân sự và phi quân sự. Thế giới của những cuộc chiến đã được số hóa nhiều hơn, mang tính liên kết và linh động hơn, và các nguồn lực phi quân sự như truyền thông đã nổi lên giữa hàng loạt các công cụ quyền lực nhà nước (Arguilla and Ronfeldt 1999).

Các nước phát triển đang có mọi thứ, từ bom thông minh, điện thoại thông minh đến blog thông minh. Và khi các quốc gia trở nên thông minh hơn trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông trên nhiều nền tảng khác nhau, thì các lực lượng phi quốc gia như Al Qaeda cũng vậy (Brachman 2006; Thomas 2003). Bất kỳ chủ thể nào có tham vọng củng cố vị thế trên trường quốc tế đều phải xây dựng chiến lược xoay quanh những nguyên tắc cơ bản mới về “sự thông minh” này.

Các chiến lược thông minh cũng cần phải tính đến tầm ảnh hưởng đang thay đổi giữa các quốc gia truyền thống, với sự trỗi dậy của Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, và các chủ thể khác trên trường quốc tế kể từ khi hai phe đối địch trong Chiến tranh Lạnh sụp đổ. Sức mạnh mới của các nước này đã tạo nên những trở ngại mới đối với các hành động đơn phương của các quốc gia vốn đã có vị thế của nhóm G8, trong đó có Hoa Kỳ. Việc xây dựng chính sách đối ngoại tập trung vào các tiềm năng mới của công nghệ và các lực lượng mới trên thế giới đòi hỏi mức độ tinh vi hơn so với trước đây.

Nguyên nhân cuối cùng của cuộc săn tìm quyền lực thông minh ngày nay là việc đối tượng dân chúng cũng trở nên “thông minh hơn”. Với sự phổ biến của giáo dục trung học và đại học, cũng như tính khả dụng của các phương tiện thông tin đại chúng, người dân ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh ngày càng trở nên giàu có, sành sỏi và hiểu biết hơn về bản thân và xã hội, và ít bị ảnh hưởng dễ dàng bởi việc thực thi quyền lực mềm hoặc cứng. Tầng lớp người dân có học thức mới này đòi hỏi phải được đối xử khác so với trước đây; khi thế giới quanh họ ngày càng trở nên đô thị hóa và tầng lớp trung lưu ngày càng đông, thì các cá nhân ngày càng có lập trường quyết đoán hơn. Sự lan rộng của các thực tiễn dân chủ này đồng nghĩa với việc các nhà lãnh đạo nước ngoài cũng ít có khả năng hơn so với trong quá khứ trong việc thay mặt Mỹ, đại diện từ xa cho người Mỹ và cho các quyền lực của Mỹ. Chế độ dân chủ đặt ra nhiều khó khăn rõ rệt trong việc xây dựng và thực hiện chính sách đối ngoại của Mỹ tương tự như những cơ hội mà nó đem lại.

Nói tóm lại, thế giới đã và đang trở nên thông minh hơn, và các giới chức ngoại giao cấp cao của Mỹ vẫn chưa thể bắt kịp nhịp độ. Mãi cho đến gần đây, các quan chức chính quyền tổng thống Bush mới thể hiện sự miễn cưỡng hoặc bất lực trong việc hình thành và thực thi quyền lực một cách sáng tạo, phù hợp với thời đại, và tổng hợp sức mạnh của các công cụ quyền lực khác nhau của nhà nước. Điều này đã chứng tỏ vấn đề của cả hai đảng, khi chính quyền đảng Dân Chủ trước đây cũng không phải là hình mẫu về quyền lực thông minh, với nhiều sai lầm nghiêm trọng trong những nỗ lực ban đầu nhằm kết hợp sức mạnh quân sự, kinh tế và các ảnh hưởng ngoại giao.

Đi tìm Quyền lực thông minh

Không có gì ngạc nhiên khi cách sử dụng quyền lực không thông minh đã dẫn đến xu hướng trái ngược là quyền lực thông minh. Tại Mỹ cũng như trên thế giới, người ta liên tục nghe thấy những lời kêu gọi cải cách rộng rãi từ tất cả các nơi trên bản đồ chính trị, xuyên suốt cộng đồng những người ủng hộ quyền lực cứng và mềm, từ những người theo chủ nghĩa tân tự do đến những người theo chủ nghĩa tân bảo thủ cải cách (Korb, Boorstin, and Center for American Progress 2005; Chomsky 2002; Haas 2005; Halper and Clarke 2004; Nossel 2004; Princeton Project on National Security 2006). Không có gì ngạc nhiên khi những lời chỉ trích gay gắt nhất lại đến từ những người ủng hộ chính sách ngoại giao, cả ngoại giao truyền thống và ngoại giao công chúng, và từ những người ủng hộ những hình thức khác của quyền lực mềm. Tuy nhiên lý lẽ của họ có rất nhiều thiếu sót, cho thấy nhu cầu phải có các yếu tố sau:

  1. định nghĩa và khái niệm hoàn chỉnh hơn về ý nghĩa của quyền lực cứng và quyền lực mềm;
  2. chú trọng nhiều hơn đến những bối cảnh thực tế về thể chế – nhấn mạnh đến những phương thức mà các khái niệm này được thực thi;
  3. nỗ lực có tính hệ thống hơn để hợp nhất các động lực chính trị thực tiễn – gắn liền với những chuyển dịch hướng tới học thuyết quyền lực thông minh, cũng như nỗ lực mạnh mẽ hơn nhằm can dự về mặt chính trị với các vấn đề một cách nhất quán và hiệu quả.

Nhằm nâng cao tính hiệu quả của việc triển khai quyền lực cứng và mềm một cách riêng lẻ, và kết hợp chúng thành quyền lực thông minh, chúng ta phải khắc phục được ba vấn đề như sau: cung cấp các định nghĩa chính xác và chi tiết hơn, phân tích cẩn thận các thể chế của quyền lực cứng và mềm, và nhìn nhận rõ ràng hơn nữa về những động lực chính trị cần thiết để hỗ trợ kết hợp quyền lực cứng và mềm trong việc tạo ra quyền lực thông minh.

Những thách thức về định nghĩa và khái niệm

Trong chính trị quốc tế, có “quyền lực” nghĩa là có khả năng khiến một chủ thể, không còn cách nào khác, phải hành động theo những cách thức mà mình mong muốn. Quyền lực cứng là khả năng ép buộc họ phải làm như vậy. Các chiến lược của quyền lực cứng tập trung vào can thiệp quân sự, ngoại giao cưỡng bức và trừng phạt kinh tế để gia tăng lợi ích quốc gia (Art 1996; Campbell and O’Hanlon 2006; Cooper 2004; Wagner 2005). Theo các bài viết học thuật, cách tiếp cận theo chủ nghĩa tân hiện thực có xu hướng nhấn mạnh vào quyền lực cứng, đặc biệt là quyền lực cứng của các quốc gia, trong khi đó các học giả theo chủ nghĩa tự do lại nhấn mạnh vào quyền lực mềm như là nguồn lực chính trong nghệ thuật quản lý đất nước (cùng với sức mạnh thiết lập luật chơi – yếu tố thường bị bỏ qua một cách kỳ lạ trong những cuộc đối thoại hiện nay về quyền lực cứng và mềm).

Trái với quyền lực cưỡng bức, quyền lực mềm là khả năng thuyết phục người khác làm theo những gì mình muốn. Là khái niệm có ảnh hưởng to lớn được Joseph Nye giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1990 và mở rộng hơn trong những nghiên cứu sau này của ông, thuật ngữ  quyền lực mềm đã trở thành trọng tâm phân tích trong các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại. Nye định nghĩa quyền lực mềm là khả năng đạt được những gì mình muốn thông qua thuyết phục hoặc hấp dẫn thay vì cưỡng bức (Nye 1900). Nó tạo ra sự hấp dẫn và bao gồm hầu hết mọi yếu tố ngoài sức mạnh kinh tế và quân sự (Cooper 2004). Nye (2004) cho rằng: “Xét về mặt các nguồn lực, thì nguồn lực của quyền lực mềm là những thứ tạo nên sức hấp dẫn này”[2]. Thuật ngữ này không phải là chưa từng bị chỉ trích, cũng như gây sự bất mãn về khái niệm hoặc tính ứng dụng của nó. Ví dụ, một tác giả người Canada đã cho rằng khái niệm thông thường về quyền lực cứng và mềm là không phù hợp với Canada; dẫn đến kết quả thất bại khi các nhà phân tích “cố gắng ghép một khái niệm có nguồn gốc từ Mỹ vào bối cảnh chính trị của Canada” (Smith-Windsor 2005). Như đã thấy trong công trình hợp tác giữa Nye và Ủy ban CSIS, ông cũng đã cố gắng tiếp cận ý tưởng về quyền lực thông minh.

Tái định hình vấn đề

Bài viết này định nghĩa quyền lực thông minh là khả năng một chủ thể kết hợp các thành tố quyền lực cứng và quyền lực mềm thông qua các phương thức tác động qua lại nhằm đạt được mục đích mình mong muốn một cách hiệu quả.

Một khuôn khổ cho quyền lực thông minh vững chắc về mặt khái niệm và liên quan chặt chẽ với chính sách cần được xây dựng dựa trên một số xem xét bổ sung mang tính cốt lõi như sau:[3]

  • Mục tiêu mà chủ thể hướng tới khi thực hiện quyền lực – bản chất bên trong và bối cảnh toàn cầu rộng hơn của nó. Quyền lực không thể gọi là thông minh khi những người sử dụng nó không biết gì về nhóm đối tượng và các khu vực mục tiêu.
  • Nhận thức về bản thân của chủ thể, cũng như hiểu biết về những mục đích và khả năng của họ. Quyền lực thông minh đòi hỏi người sử dụng nó phải biết rõ đất nước hoặc cộng đồng của họ đang tìm kiếm điều gì, cũng như ý chí và khả năng đạt được mục tiêu của họ.
  • Bối cảnh khu vực và quốc tế, trong đó hành động sẽ được thực hiện
  • Những công cụ được sử dụng, cũng như khi nào cần tách biệt hoặc kết hợp chúng và bằng cách nào.

Mỗi yếu tố trong số này đều xứng đáng nhận được sự chú ý nhiều hơn là chỉ trong một bài viết, nhưng cũng cần phải thảo luận thêm về vấn đề “công cụ” vì đây là trọng tâm của những cuộc thảo luận hiện nay về quyền lực cứng và mềm – những công cụ nào thích hợp nhất trong những trường hợp nào. Một chủ thể đòi hỏi phải có hiểu biết vững chắc về kho công cụ quản lý nhà nước. Quyền lực thông minh đồng nghĩa với việc hiểu về những điểm mạnh và hạn chế của mỗi công cụ. Quân đội được mong đợi sẽ đạt được những gì? Những chương trình phát sóng có mục đích có thể có tác dụng gì? Những chương trình trao đổi có thể làm được những gì? Hơn nữa, một chủ thể cần có khả năng nhận ra khi nào cần sử dụng loại quyền lực này thay vì loại khác để đạt được mục đích quốc gia, tùy hoàn  cảnh. Điều này liên quan đến sự khôn ngoan khi biết cách kết hợp những yếu tố của quyền lực cưỡng bức với quyền lực thuyết phục và truyền cảm hứng (nói cách khác là kết hợp quyền lực cứng và quyền lực mềm). Sẽ rất có ích nếu có hiểu biết về những trường hợp đã kết hợp hiệu quả giữa quyền lực cứng và mềm trong quá khứ, để từ đó làm định hướng cho hiện tại và tương lai.

Cuối cùng, cách tiếp cận quyền lực thông minh thực sự công phu cần đi cùng nhận thức rằng quyền lực cứng và mềm không chỉ đơn thuần tạo ra những “công cụ” trung tính phục vụ cho một lãnh đạo ý chí sáng suốt, thông thái và độc lập; mà bản thân các công cụ đó cũng tự tạo nên các thể chế riêng biệt và độc lập, kèm theo văn hóa của các thể chế này, tự chúng cũng có thể có những ảnh hưởng riêng mang tính quy phạm với các thành viên trong đó, mỗi cá thể lại có những quan điểm, động cơ và con đường sự nghiệp được tính trước.

Những thách thức về thể chế

Những thách thức chính trị

Kết luận

Download toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Quyen luc cung, quyen luc mem, quyen luc thong minh.pdf


[1] Dự án “Quyền lực cứng, Quyền lực mềm, Quyền lực thông minh” là một sáng kiến của Trung tâm Ngoại giao Công chúng tại Trường báo chí và Thông tin Annenberg, Đại học Nam California, thành phố Los Angeles. Mục đích của dự án là phát triển một cách tiếp cận tiên tiến về quyền lực quốc gia, cho phép các nhà hoạch định chính sách cấp cao có thể kết hợp tốt hơn các tài sản và công cụ quyền lực cưỡng chế (quyền lực cứng) như hành động quân sự với các nguồn lực của ngoại giao công chúng và truyền thống (quyền lực mềm). Dự án có một trang blog (www.smartpowerblog.org) và một chương trình nghiên cứu nhằm xây dựng một danh mục các thuật ngữ, tài liệu chuyên đề, và một hội thảo quần chúng. Giám đốc Dự án Quyền lực Thông minh chính là tác giả của bài viết này, dựa trên bài diễn văn phiên toàn thể của tác giả tại hội nghị quốc tế về Ngoại giao Công chúng, được tổ chức bởi Bộ Ngoại giao Anh tại Wilton Park năm 2006.

[2] Trong nghiên cứu gần đây của mình, Nye đã giới thiệu thuật ngữ “quyền lực thông minh”, nhưng phát biểu của ông khác với ý kiến được đề cập trong bài này. Trong phân tích chính sách, tôi tin rằng quyền lực thông minh nên là khái niệm khung trọng tâm mà theo đó, quyền lực cứng và quyền lực mềm được kết hợp với nhau. Tuy nhiên độc giả cũng nên tham khảo lại cách dùng thuật ngữ này của Nye, bao gồm cả nhóm “quyền lực thông minh” được tập hợp bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

[3] Tóm lại, những giả thuyết này nhấn mạnh vào tầm quan trọng của bối cảnh của quyền lực. “Thông minh” trong bối cảnh này có thể chưa hẳn là thông minh trong bối cảnh khác. Một chiến lược thông minh ở Afghanistan chưa chắc đã là một chiến lược thông minh ở Iraq. Một chiến lược thông minh trong tháng Tư khi sang tháng Năm có thể trở nên không thông minh nữa. Mỗi công cụ quyền lực có thời gian biểu riêng – quyền lực mềm thường mất nhiều năm mới phát huy tác dụng, trong khi một cuộc không kích quyền lực cứng có thể xảy ra gần như ngay tức khắc. Những nguyên tắc về thời gian và địa lý quyết định phần lớn việc một chiến lược có thông minh hay không. Kết hợp quyền lực cứng và quyền lực mềm một cách hiệu quả đồng nghĩa với việc công nhận những mối tương quan cũng như điểm khác biệt giữa chúng. Những ảnh hưởng này có thể đi theo hai hướng. Ví dụ, quyền lực cứng có khả năng và thường giúp khuếch trương quyền lực mềm. Người ta có xu hướng lắng nghe rất cẩn thận đối với những nước có vũ khí hạt nhân. Pakistan có xu hướng cẩn thận lắng nghe Ấn Độ, một nước láng giềng liền kề với quân đội hùng hậu và vũ khí hạt nhân đa dạng. Cùng lúc, vận dụng quyền lực mềm hiệu quả có thể khuếch trương quyền lực cứng. Quan hệ lâu bền giữa Pháp và các nước châu Phi nói tiếng Pháp từ nhiều thập kỉ nay được dựa trên việc sử dụng quyền lực mềm trong đời sống hàng ngày bao gồm ngôn ngữ, kết hợp với can thiệp quân sự khôn ngoan khi cần thiết để củng cố ảnh hưởng kinh tế và văn hóa.