#140 – Vấn đề kinh tế chính trị trong thương mại quốc tế

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Benjamin J.Cohen (1990). “Review: The Political Economy of International Trade”, International Organization, Vol. 44, No. 2, pp. 261-281.>>PDF

Biên dịch và Hiệu đính: Phan Thị Ngọc Mai

Đối với các nhà kinh tế được đào tạo theo hướng tân cổ điển truyền thống, chủ đề thương mại quốc tế thường gây nhiều thất vọng. Một mặt, chúng ta có những lý thuyết từ thời Adam Smith và David Ricardo, trong đó nhấn mạnh tất cả các lợi ích của việc mở cửa thị trường và trao đổi không giới hạn giữa các quốc gia dựa trên sự khác biệt về lợi thế so sánh. Mặt khác, chúng ta có thế giới thực, nơi các thế lực của chủ nghĩa trọng thương và bảo hộ luôn phổ biến nếu không muốn nói là hoàn toàn chiếm ưu thế. Trong các lĩnh vực kinh tế chúng ta hiếm khi gặp sự mâu thuẫn lớn đến vậy giữa những nguyên tắc được dạy và những điều quan sát được trong thực tế. Và dù chúng ta cố gắng tìm mọi lý do hợp lý có thể trong những nguyên tắc lý thuyết của ngành học của mình, cuối cùng chúng ta đơn giản phải thốt lên rằng: “Tất cả đều là chính trị!”

Rồi các nhà khoa học chính trị bước vào. Những học giả được đào tạo trong ngành nghiên cứu quan hệ quốc tế hay chính trị học so sánh sẽ ít gặp khó khăn hơn trong việc tìm ra những lý do logic cho những hành vi hay kết quả mà lý thuyết kinh tế truyền thống coi là bất hợp lý. Đối với họ, chính trị là tất cả – hoặc gần như thế. Các yếu tố trọng thương trong thương mại không phải là một biến ngoại sinh khác thường đáng bị lên án mà lại là một yếu tố nội sinh mang tính trung tâm và hệ thống cần được giải thích. Trong những năm gần đây, rất nhiều lý thuyết đã được các nhà khoa học chính trị đưa ra để khám phá vấn đề kinh tế chính trị trong thương mại quốc tế.

Các nhà kinh tế học có thể học hỏi điều gì từ tất cả các nghiên cứu này? Bài viết này sẽ giải quyết câu hỏi đó và xem xét một mẫu bao gồm năm công trình nghiên cứu mang tính đại diện trong lĩnh vực này, được xuất bản từ giữa những năm 1980.[1] Hai trong số các tác giả được xem xét, Robert Gilpin và Richard Resecrance, là các học giả nổi tiếng và được công nhận rộng rãi vì những công trình nghiên cứu chuyên nghiệp của họ. Trong khi cuốn sách của Gilpin mang tính toàn diện và đề cập nhiều vấn đề ngoài thương mại quốc tế, hướng tới đối tượng độc giả trong giới học thuật, thì sách của Rosecrance lại dành cho những người đọc phổ thông hơn.  Ba tác giả còn lại, John Conybeare, David Lake và Helen Milner, viết sách ở giai đoạn tương đối sớm trong sự nghiệp của họ và hướng đến đối tượng là các chuyên gia. Hai trong ba cuốn sách này bắt đầu từ các luận án tiến sĩ.

Bài đánh giá của tôi sẽ bắt đầu bằng việc đặt năm công trình này trong tổng thể bối cảnh học thuật của chúng. Các nghiên cứu về yếu tố chính trị trong thương mại là một phần không thể thiếu trong một lĩnh vực rộng hơn là Kinh tế chính trị quốc tế (KTCTQT); và giống như các công trình khác đang được thực hiện trong lĩnh vực KTCTQT về các khía cạnh khác trong mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia, các bài viết về yếu tố chính trị trong thương mại có xu hướng tập trung vào hai bộ câu hỏi trung tâm liên quan đến hành vi chủ thể và quản lý hệ thống. Lý do của một chương trình nghiên cứu như vậy sẽ được nói đến sau đây. Vấn đề trọng tâm đầu tiên của bài viết này là nhìn nhận cách năm tác giả nói về vấn đề hành vi chủ thể, đặc biệt tập trung vào các cấp độ phân tích và định nghĩa thích hợp về lợi ích của nhà nước có chủ quyền. Vấn đề trọng tâm thứ hai là phản ứng của các học giả trước câu hỏi về việc hệ thống quốc tế được hoặc nên được quản lý như thế nào nhằm hạn chế xung đột hay thúc đẩy hợp tác trong quan hệ thương mại.  Bài đánh giá sẽ kết thúc với một tóm tắt ngắn gọn về những ý kiến chính và đưa ra kết luận.

Các chương trình nghiên cứu về kinh tế chính trị quốc tế

Sự xuất hiện của KTCTQT như một lĩnh vực chuẩn hóa về nghiên cứu học thuật là một hiện tượng tương đối gần đây trong thế giới các nước nói tiếng Anh. Gần đây nhất là hai thập kỷ trước, các nhà kinh tế và các nhà khoa học chính trị tại Hoa Kỳ và các quốc gia tương tự hầu như không nói chuyện với nhau về các mối quan tâm chồng chéo của họ trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, thay vào đó thể hiện những gì Susan Strange gọi là một thứ “loạn thị học thuật”.[2]  Theo Joan Spero, sự chia rẽ sâu sắc giữa hai ngành học có thể một phần do những di sản triết học về chủ nghĩa tự do ở thế kỷ 19, với sự nhấn mạnh vào sự tồn tại song song của các trật tự kinh tế và chính trị, và một phần do những đòi hỏi về tính chuyên nghiệp của học thuật hiện đại , vốn có xu hướng đánh giá cao chuyên môn hóa hơn là nghiên cứu liên ngành.[3] Tất nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ nhưng chủ yếu là giữa các nhà bình luận về chủ nghĩa Mác hay những người bên ngoài dòng khoa học chính thống phương Tây. Trong giới học thuật chính thống, rất ít người thách thức hoặc thậm chí đặt câu hỏi về “tầm nhìn kiểu đường hầm của ngành học” (disciplinary tunnel-vision – tức chuyên sâu vào ngành mà không tiếp cận liên ngành – NBT)[4] vốn có xu hướng đặc trưng cho khoa học xã hội.

Chỉ đến cuối những năm 1960 mới có những nỗ lực nghiêm túc để thu hẹp khoảng cách giữa những đặc trưng của kinh tế quốc tế và chính trị thế giới, những nỗ lực trùng với sự tan băng của Chiến tranh Lạnh và các dấu hiệu đầu tiên của sự mục ruỗng trong các chế độ tiền tệ và thương mại được thành lập vào cuối Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Từ phía các nhà kinh tế đã có những nghiên cứu tiên phong như  Kinh tế học của sự phụ thuộc lẫn nhau (Economics of Interdependence) của Richard Cooper và Quyền lực và đồng tiền (Power and Money) của Charles Kindleberger, cũng như khám phá mới trong “ức mạnh quốc gia và Cấu trúc của Thương mại quốc tế (National Power and the Structure of Foreign Trade) của Albert Hirschman.[5] Từ phía khoa học chính trị là các công trình mang tính tiên phong và đổi mới của Robert Keohane và Joseph Nye, Robert Gilpin, Stephen Krasner, và Peter Katzenstein, cùng với những người khác.[6] Trong vòng một thập kỷ, KTCTQT đã được công nhận là một lĩnh vực thú vị và mới mẻ trong giới học thuật. Sau hai thập kỷ, KTCTQT hiện đã có chỗ đứng vững chắc, đặc biệt là với các nhà khoa học chính trị, như một chuyên ngành nghiên cứu hợp pháp theo đúng nghĩa của nó, trong đó nhấn mạnh việc kết hợp chính thức các phân tích về thị trường và chính trị trong nghiên cứu quan hệ quốc tế.

Các chương trình nghiên cứu của KTCTQT tập trung chủ yếu vào hai bộ câu hỏi lớn. Một bộ liên quan đến hành vi chủ thể, đặc biệt là hành vi của chính phủ, vì các đơn vị có thẩm quyền cơ bản trong hệ thống quốc tế vẫn là các quốc gia dân tộc có chủ quyền. Điều gì thúc đẩy hành vi của chính phủ trong quan hệ kinh tế đối ngoại, và làm thế nào để giải thích và phân tích một cách thấu đáo nhất? Bộ câu hỏi còn lại liên quan tới quản lý hệ thống để ứng phó với những hệ lụy của sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Làm thế nào mà lãnh đạo các nhà nước quản lý (hoặc không quản lý được) xung đột của họ, và những yếu tố nào quyết định  liệu họ có hợp tác với nhau để đạt được mục tiêu chung hay không? Phương pháp được sử dụng để tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên có khác nhau, tùy thuộc vào nguyên tắc của cá nhân các học giả và bản chất của lĩnh vực vấn đề cụ thể được xem xét. Tất nhiên thương mại quốc tế vẫn là một trong những trọng tâm của các vấn đề được khám phá trong các tài liệu của lĩnh vực KTCTQT.

Các nhà khoa học chính trị không đơn độc trong nghiên cứu vấn đề kinh tế chính trị của thương mại. Một số nhà kinh tế cũng bị cuốn hút bởi những thành tựu phát triển về học thuật trong thời gian gần đây và chú ý hơn đến các khía cạnh chính trị của thương mại. Nhưng phần lớn các học giả được đào tạo trong các ngành kinh tế đã chọn tập trung vào hai vấn đề hẹp hơn, cả hai đều liên quan đến hành vi chủ thể. Một câu hỏi, phản ánh sự mở rộng ra quốc tế của lý thuyết lựa chọn chính sách công trong nước, liên quan tới cấu trúc liên ngành trong bảo hộ ở mỗi nước. Trong lĩnh vực này, các nghiên cứu về cái đôi khi được gọi những chính sách thương mại “nội sinh” chủ yếu là thực nghiệm và định lượng, tìm cách giải thích sự khác biệt rõ rệt mà chúng ta quan sát được giữa các ngành trong cả mức độ bảo hộ nhập khẩu hay mức độ tự do hóa thương mại được thương lượng giữa các chính phủ.[7] Một câu hỏi khác, phản ánh một phần mở rộng mang tính quốc tế của lý thuyết tổ chức công nghiệp, được gọi là vấn đề chính sách thương mại “chiến lược”. Trong lĩnh vực này, các công trình được thực hiện chủ yếu theo hình thức lý thuyết trừu tượng, tập trung vào các hàm ý mà các yếu tố độc quyền trong thị trường quốc tế (ví dụ như tính hiệu quả của quy mô, khác biệt hóa sản phẩm, và tìm kiếm đặc lợi), vốn thường được được dùng để ủng hộ thương mại tự do, chủ yếu dựa trên các mô hình cạnh tranh hoàn hảo.[8] Các phát triển trong văn liệu nghiên cứu về chính sách thương mại chiến lược đã được điểm lại gần đây ở tạp chí này, trong  một bài viết của J.David Richardson.[9]

Ngược lại, sự đóng góp của các nhà khoa học chính trị có xu hướng đa dạng hơn, bao gồm một phạm vi rộng hơn của câu hỏi về cả hành vi chủ thể và quản lý hệ thống. Như đã nêu trên, các mẫu nghiên cứu được xem xét ở đây là mang tính đại diện. Trong khi hai cuốn sách của Lake và Milner chủ yếu liên quan đến việc xây dựng các chính sách thương mại của các chính phủ riêng lẻ, ba cuốn sách còn lại tập trung hơn vào các vấn đề mang tính hệ thống của xung đột và hợp tác. Mỗi công trình tập trung phân tích một khía cạnh riêng biệt.

Rosecrance có lẽ phân tích trên bình diện khái quát nhất: toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế. Theo quan điểm của Rosecrance, thế giới hiện nay ở trạng thái “giữa hai phương thức tổ chức cơ bản của quan hệ quốc tế: một hệ thống lãnh thổ … và một hệ thống đại dương hay thương mại”.[10] Hệ thống lãnh thổ bao gồm các quốc gia với mối bận tâm về tập trung quyền lực, được định nghĩa trên khía cạnh diện tích đất: “càng nhiều lãnh thổ, càng nhiều quyền lực”.[11] Hệ thống thương mại bao gồm các quốc gia với mối bận tâm về phát triển kinh tế, đánh giá trên phương diện nâng cao mức tiêu dùng và trong việc phân bổ nguồn lực sản xuất: “duy trì sự phát triển bằng các phương tiện của thương mại quốc tế”.[12] Luận điểm chính của cuốn sách, trên một quan điểm lịch sử lâu dài, đó là thắng lợi của hệ thống thương mại trong quan hệ quốc tế ngày nay sẽ là đảm bảo tốt nhất cho duy trì hòa bình thế giới trong tương lai.

Gilpin cũng nghiên cứu trên phạm vi rộng. Phân tích của ông về “sự phát triển của nền kinh tế chính trị quốc tế trong nhiều thập kỷ tiếp theo”[13] bao gồm tất cả các khía cạnh của mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia, mặc dù đặt trong một bối cảnh lý thuyết mang tính hàn lâm hơn là của Rosecrance. Với Gilpin, vấn đề trung tâm là sự suy giảm về vị trí lãnh đạo của kinh tế Mỹ trong trật tự hậu chiến: “Hoa Kỳ và quan niệm của mình về một trật tự tự do đã chiếm ưu thế trong thời kỳ hậu chiến, [nhưng] với sự suy giảm tương đối trong sức mạnh của Mỹ và sự nổi lên của những thế lực kinh tế có những quan niệm khác về tính chính đáng, tương lai của nền kinh tế thế giới tự do đã bị đe dọa nghiêm trọng.”[14] Trong quan hệ thương mại, điều này có nghĩa là sự xuất hiện của một chế độ “hỗn hợp”,  kết hợp chủ nghĩa đa phương với các yếu tố của chủ nghĩa dân tộc kinh tế và chủ nghĩa khu vực, điều “có thể có hoặc có thể không tỏ ra ổn định về lâu dài.”[15]

Mục tiêu của Conybeare là “đưa ra một góc nhìn về cuộc chiến tranh thương mại”[16] thông qua phát triển một mô hình lý thuyết dựa trên một vài cấu trúc trò chơi. Một loạt các giả thuyết về quá trình đàm phán và kết quả của nó đã được phát triển và sau đó áp dụng cho một mẫu bao gồm sáu trường hợp trong  lịch sử, từ các cuộc chiến tranh thương mại Anh – Liên minh Hanse (gồm thành phố Danzig và Lubeck  – NBT) cuối thời Trung cổ đến “chiến tranh gà” giữa Mỹ và Châu Âu những năm 1960. Các chủ đề chính của cuốn sách là sự cần thiết phải có một phân tích tổng hợp giúp giải thích “tại sao các cuộc xung đột thương mại (bao gồm cả các cuộc chiến tranh thương mại) xảy ra, chúng leo thang như thế nào, và các loại hành vi mặc cả mà người ta có thể mong đợi quan sát được khi chúng diễn ra”.[17]

Lake cũng cung cấp một phân tích tổng hợp, mặc dù trong trường hợp của ông, đối tượng của lời giải thích là các yếu tố quyết định chính sách trong nước chứ không phải sự phát triển của mối quan hệ giữa các quốc gia. Một “lý thuyết về chiến lược thương mại”, trong đó bảo hộ và thương mại tự do đều được coi như “công cụ hợp pháp và hiệu quả trong chính sách quốc gia”, được phát triển và sau đó được sử dụng để làm sáng tỏ sự phát triển trong chính sách thương mại của Mỹ từ năm 1887 đến năm 1939.[18] Theo quan điểm của Lake, lợi ích thương mại quốc gia và lựa chọn chính trị cuối cùng được hình thành và bị ảnh hưởng bởi những khó khăn và cơ hội từ cơ cấu kinh tế quốc tế. “Bảo hộ và thương mại tự do … không phải chỉ đơn giản là kết quả của áp lực chính trị trong nước mà còn từ phản ứng tư lợi của các quốc gia dân tộc đối với các cấu trúc quốc tế khác nhau”.[19]

Cuối cùng, giống như Lake, Milner tập trung đặc biệt vào việc xây dựng chính sách thương mại trong các quốc gia riêng biệt , nhưng với sự nhấn mạnh vào các áp lực chính trị trong nước mà phân tích của Lake không nói đến. Đặc biệt, Milner nhấn mạnh vai trò các ưu tiên thương mại của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi mức độ hội nhập kinh tế quốc tế theo thời gian, và bà so sánh thông tin về sự ưu tiên và hoạch định chính sách trong một số ngành công nghiệp khác nhau ở Hoa Kỳ trong thập niên 1920 và thập niên 1970 và ở Pháp trong suốt những năm 1970. Với Milner, “Hệ quả của phụ thuộc lẫn nhau là mang tính nội bộ với các quốc gia: chúng ảnh hưởng đến ưu tiên về chính sách của các chủ thể xã hội trong nước, chứ không phải các công cụ chính sách của nhà nước”.[20]

Trong khối lượng đồ sộ các công trình nghiên cứu, quả là không có gì ngạc nhiên khi thấy nhiều điểm tranh cãi cũng như các điểm tương đồng. Nhưng đối với các nhà kinh tế không quen với các cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học chính trị, tất cả có thể trở nên khá khó hiểu. Làm thế nào để chúng ta biết những gì được nhất trí giữa các nhà khoa học chính trị, vì (như trong bất kỳ ngành học nào) điều này thường không được nói ra? Làm thế nào để chúng ta đánh giá giữa các quan điểm khác nhau, vì (như trong tất cả các ngành khoa học xã hội) bằng chứng thực nghiệm thường rất khó xác định? Và trên tất cả, chúng ta thực sự học được bao nhiêu, khi một số quan điểm nhất định về kinh tế chính trị của thương mại đã có sẵn trong nghiên cứu của các nhà kinh tế đồng nghiệp? Cần thiết phải có một cái nhìn sâu hơn về các vấn đề phân tích chính mà các nghiên cứu này chia sẻ trước khi có được câu trả lời cho những câu hỏi này.

Các câu hỏi về hành vi của chủ thể

Hai vấn đề liên quan đến hành vi chủ thể tràn ngập trong các nghiên cứu của các nhà khoa học chính trị: vấn đề về việc làm thế nào để giải thích hay phân tích một cách tốt nhất hành vi của chính sách kinh tế đối ngoại của các chính phủ và điều gì thúc đẩy các quốc gia trong quan hệ kinh tế quốc tế. Đầu tiên là vấn đề về phương pháp luận liên quan đến vấn đề quen thuộc là lựa chọn áp dụng cấp độ phân tích nào. Điều thứ hai mang tính khái niệm hơn và liên quan đến việc tìm ra một định nghĩa phù hợp về lợi ích của nhà nước có chủ quyền. Cả hai vấn đề đều liên quan đến các đánh giá học thuật quan trọng và có thể ảnh hưởng đáng kể đến kết quả phân tích.

Lựa chọn cấp độ phân tích

Khi cố gắng để hiểu được hành vi chính sách kinh tế đối ngoại của các chính phủ, các nhà khoa học chính trị khác nhau tán thành ba “cấp độ” phân tích khác nhau, mỗi cấp độ tương ứng với một trong những “hình ảnh” (images) nổi tiếng của Kenneth Waltz về quan hệ quốc tế.[21] Có lẽ phổ biến nhất là cấp độ hệ thống (hoặc cấp độ cấu trúc) trong phân tích, tương tự như hình ảnh “thứ ba” của Waltz, tập trung vào các nước có chủ quyền vốn được coi là các chủ thể duy lý và đơn nhất, là đơn vị cơ bản của nghiên cứu. Giá trị phương pháp luận của phương pháp tiếp cận mang tính hệ thống này là nó coi ưu tiên của nhà nước là hằng số (ngoại sinh) hơn là các biến số (nội sinh) để phục vụ mục đích phân tích. Vì quan niệm tư lợi có thể được giả định là được cho sẵn và không thay đổi, thảo luận chỉ tập trung vào các hạn chế và động cơ thúc đẩy hành vi của chính phủ vốn xuất phát từ cấu trúc rộng hơn trong mối quan hệ giữa các nước. Hành vi, như Waltz đã mô tả gần đây, được nghiên cứu “từ ngoài vào trong”.[22]

Nhưng, tất nhiên, hành vi cũng có thể được nghiên cứu từ “trong ra ngoài”, tập trung vào các đặc điểm nội bộ của các quốc gia chứ không chỉ trên môi trường bên ngoài của họ. Đó là mục đích của cả hai loại phương pháp còn lại được tìm thấy trong các tài liệu KTCTQT. Được biết đến nhiều hơn là cấp độ phân tích đơn vị, tương tự như hình ảnh “thứ hai” của Waltz, tập trung sự chú ý vào sự tương tác chiến lược giữa tất cả các chủ thể trong nước, trong hay ngoài chính phủ, có ảnh hưởng thực tế hoặc tiềm năng tới quan hệ đối ngoại của nhà nước – nói một cách ngắn gọn là cơ sở chính trị và thể chế trong nước tác động lên các ưu tiên chính sách kinh tế ở nước ngoài. Ít được biết đến hơn, mặc dù không có nghĩa là ít quan trọng, là cấp độ phân tích nhận thức (hay cấp độ cá nhân – NBT), tương tự như hình ảnh “đầu tiên” của Waltz, bao gồm các cơ sở của kiến thức mang tính đồng thuận hay “văn hóa kinh tế” vốn hợp pháp hóa các hoạch định chính sách ở cấp đơn vị.[23]

Với hầu hết các mục đích, cả cách tiếp cận đơn vị và nhận thức có thể được xếp dưới một tiêu đề duy nhất là phân tích cấp độ trong nước, trái ngược với phân tích cấp độ hệ thống. Ưu điểm của một trong hai cấp độ phân tích trong nước hoặc hệ thống, từ quan điểm phương pháp luận đều rất rõ ràng. Nhưng một điều cũng không kém phần rõ ràng là không loại phân tích nào có khả năng chứng minh đầy đủ để giải thích tất cả các hành vi của nhà nước trong nền kinh tế chính trị quốc tế. Ngay cả khi thiên vị cấp này hay cấp khác, các nhà khoa học chính trị vẫn phải thừa nhận rằng đó chỉ là một phần trong một khuôn khổ phân tích chính thức.

Lấy ví dụ cả Coneybeare và Lake đều ưa chuộng cách phân tích hệ thống để phát triển mô hình lý thuyết của họ. Tuy nhiên, cả hai để phải kết hợp các yếu tố chính trị nội bộ và nhận thức như là các ảnh hưởng bổ sung tới hành vi. Ngược lại, Milner nhấn mạnh vai trò trung tâm của áp lực chính trị ở cấp độ trong nước tới việc xây dựng các chính sách thương mại với nước ngoài nhưng chính thức thừa nhận ảnh hưởng của cấp độ hệ thống thông qua vai trò của những thay đổi trong mức độ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế trong phân tích của mình, theo cách tương tự như “hình ảnh thứ hai đảo ngược” của Peter Gourevitch.[24] Vấn đề thực sự trong hoàn cảnh này không phải là cấp độ phân tích nào là hoàn thiện, vì rõ ràng cả hai đều có thiếu sót. Thay vào đó, vấn đề cần đề cập là tầm quan trọng tương đối gắn liền với các biến ở cả hai cấp độ trong nước và hệ thống cũng như cách thức mà các biến này có thể được coi là có liên quan và tương tác với nhau. Về vấn đề này, chưa có sự nhất trí nào để hướng dẫn các nhà kinh tế hoặc những người khác.

Với Gilpin và Rosecrance, vấn đề dường như không tồn tại. Mặc dù cả hai đều thi thoảng đề cập tới tầm quan trọng của chính trị trong nước hoặc “ý thức hệ”, mỗi người  đều cảm thấy  thoải mái nhất khi đơn giản coi quốc gia như một chủ thể đơn nhất. Với ba tác giả còn lại, vấn đề tồn tại nhưng được xử lý theo cách tương đối không chính quy và phi cấu trúc. Cả Conybeare và Lake chỉ khẳng định tính ưu việt của cấp độ phân tích hệ thống, chủ yếu dựa trên cơ sở sự đơn giản của nó, mà không chứng minh một cách thuyết phục lý do tại sao các yếu tố chính trị và nhận thức nội bộ nhất thiết phải được chuyển xuống một trạng thái có tầm quan trọng thứ cấp trong việc giải thích hành vi của nhà nước. Mỗi người đều dùng các biến cấp độ trong nước khác nhau, chẳng hạn như tìm kiếm đặc lợi (Conybeare) hoặc thương lượng trong nội bộ chính phủ (Lake), để giải thích cho sai lệch so với kỳ vọng thu được từ mô hình cấu trúc của mình. Nhưng không ai giải thích lý do tại sao nó lại không được thực hiện theo cách ngược lại (như nhiều nhà khoa học chính trị đã làm), nghĩa là bắt đầu với một mô hình hoàn toàn trong nước và sau đó thêm các biến cấp hệ thống khi cần thiết.[25] Ngược lại, Milner ủng hộ vai trò trung tâm của cấp độ phân tích trong nước nhưng không chính thức hóa mối liên hệ giữa ảnh hưởng trong và ngoài nước tới chính sách. Mối quan hệ giữa hai cấp độ phân tích trong cách tiếp cận của bà được xác định chỉ một cách tạm thời.

Điều cần có là một phương pháp xem xét cả các biến cấp độ hệ thống và trong nước cùng một lúc, chứ không phải tuần tự, và xác định bất cứ tương tác nào có thể có giữa tất cả các biến có liên quan theo một cách nghiêm ngặt. Trên thực tế, điều này có nghĩa là không chỉ cần các nỗ lực có hệ thống nhằm tạo ra các mô hình trừu tượng mà còn cần sử dụng nhiều hơn các kiểm tra thực nghiệm phù hợp, dưới dạng so sánh cẩn thận các trường hợp cụ thể hoặc một quy trình thống kê chính thức, để đánh giá các giả thiết khác nhau liên quan đến hành vi chính sách kinh tế đối ngoại của chính phủ. Chắc chắn có thể cần sử dụng nhiều hơn các kỹ thuật hồi quy đa biến tiêu chuẩn, mở rộng các công trình nghiên cứu đã được thực hiện về các vấn đề chính sách thương mại nội sinh trong những năm gần đây của các nhà kinh tế cũng như các nhà khoa học chính trị.[26]  Hoặc trong trường hợp việc áp dụng các kỹ thuật hồi quy bị hạn chế bởi vấn đề cố hữu trong một mô hình xác suất tuyến tính, có thể sử dụng phương pháp phức tạp hơn như các công cụ phân tích tách biệt (discriminant analysis), phân tích probit hoặc logit (probit or logit analysis), hoặc thậm chí mô phỏng thí nghiệm. Mặc dù những phương pháp này không thường được áp dụng cho các vấn đề của chính sách thương mại,[27] một vài trong số chúng đã được sử dụng thành công để giải thích sự lựa chọn tỷ giá hối đoái của các chính phủ khác nhau.[28] Về nguyên tắc, các phương pháp sẽ cho phép thử nghiệm hiệu quả giả thuyết đồng thời kết hợp các yếu tố ở cả cấp độ phân tích hệ thống và trong nước, ví dụ như bao gồm áp lực từ nhóm lợi ích được Milner nhấn mạnh cũng như mối quan tâm chiến lược quốc gia trong phân tích của Lake.

Phải thừa nhận rằng, có những khó khăn thực tế đáng kể trong việc áp dụng kiểm tra thực nghiệm, đặc biệt là các phương pháp kinh tế lượng –cho những câu hỏi dạng này. Vấn đề đặc biệt, như các nghiên cứu trước đây về chính sách thương mại nội sinh đã chứng minh, là nỗ lực để vận hành hợp lý nhiều biến số quan trọng xác định bởi lý thuyết diễn dịch. Trong trường hợp không có số liệu thống kê đầy đủ hay số liệu rời rạc, các nhà phân tích phải sử dụng các biện pháp trung gian thường có thể được giải thích là để hỗ trợ nhiều giả thuyết khác nhau. Tuy nhiên, có vẻ như có ít sự lựa chọn khác thay cho hướng này nếu các nhà phân tích có thể xác định được một cách hệ thống hơn về vai trò tương đối của các yếu tố ở từng cấp độ và bản chất của các mối quan hệ giữa chúng. Theo đó cuối cùng nó có thể dẫn đến các giải thích thỏa đáng hơn về hành vi của nhà nước.

Định nghĩa về lợi ích nhà nước

Liên quan chặt chẽ đến vấn đề cấp độ phân tích là vấn đề đưa ra một định nghĩa phù hợp cho khái niệm lợi ích của nhà nước. Điều gì về cơ bản thúc đẩy các chính phủ trong quan hệ kinh tế quốc tế của họ? Họ đang cố gắng để đạt được những gì? Nói một cách chính thức, những gì là thứ tự ưu tiên trong quyết định của nhà nước? Các lập luận về hàm số nhằm xác định lợi ích của nhà nước là gì?

Các câu hỏi trên rõ ràng liên quan đến vấn đề cấp độ phân tích, với ý nghĩa rằng sự lựa chọn phương pháp phân tích ít nhất quyết định trước một phần phạm vi của các mục tiêu mà chính phủ có thể xem là phù hợp. Một nhà nước được giả định là đáp lại các áp lực chính trị trong nước có thể sẽ có những ưu tiên trong quyết định khác hơn so với các quốc gia trung ương tập quyền. Tuy nhiên, hai vấn đề này là không giống nhau. Thậm chí các quốc gia được cho hoàn toàn là một thực thể đơn nhất vẫn có thể có khả năng phản ứng lại các khái niệm khác nhau về lợi ích. Định nghĩa lợi ích nhà nước không chỉ dừng lại ở vấn đề phương pháp, nó còn đi vào những điều cơ bản về các “quan tâm” của chính phủ.

Về vấn đề mang tính khái niệm nhiều hơn này, các nhà khoa học chính trị rõ ràng không có gì để dạy cho các nhà kinh tế. Các nhà kinh tế học, rốt cục vẫn có cách nhìn hẹp khi nói đến các vấn đề lợi ích, phản ánh những định kiến ​​truyền thống trong nghề nghiệp của họ. Đối với bất cứ ai được đào tạo theo các lý thuyết chính thống tân cổ điển, lợi ích được định nghĩa theo trực quan đơn giản là giá trị thực của phúc lợi kinh tế –  đồng nghĩa với số lượng hàng hóa và dịch vụ có sẵn để sử dụng – loại trừ tất cả các giá trị hoặc mục tiêu khác có thể.[29] Trong khi người tiêu dùng tìm kiếm cách tối đa hóa tiêu thụ thì các nhà sản xuất tìm cách tối đa hóa thu nhập ròng của họ để kiểm soát nhiều nhất có thể đối với hàng hoá và dịch vụ. Do đó, suy rộng ra, có vẻ như hợp lý khi giả định rằng các chính phủ cũng tìm cách tối đa hóa lợi ích kinh tế, mà trong trường hợp này là cho toàn bộ quốc gia. Mối quan tâm duy nhất của nhà nước là đạt được mức thu nhập lớn nhất có thể. Tất cả những điều khác, trong con mắt của các nhà kinh tế, đều là không hợp lý.[30]

Có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà kinh tế thấy chủ đề thương mại quốc tế là rất đáng thất vọng? Một loạt các hướng đi đã được nghiên cứu trong nỗ lực giải quyết sự khác biệt rõ ràng giữa các nguyên tắc và thực tiễn chính sách thương mại của các quốc gia. Một số nhà kinh tế đã tìm kiếm các lập luận về bảo hộ mà có thể được coi là tương thích một cách hợp lý với tối đa hóa thu nhập toàn cầu, chẳng hạn như là lập luận truyền thống về các ngành công nghiệp non trẻ, mà chủ trương hạn chế tạm thời thương mại được coi như một phương tiện để thúc đẩy năng lực sản xuất hiệu quả trên thế giới. Một số khác lại tập trung vào các quan điểm tương thích với tối đa hóa thu nhập cấp quốc gia, chẳng hạn như luận điểm nổi tiếng về thuế quan tối ưu, điều này cho thấy một quốc gia có sức mạnh độc quyền trong thị trường quốc tế có thể thay đổi các điểu kiện thương mại để hưởng lợi và do đó giành được một phần lớn hơn trong tổng thu nhập từ thương mại. Lý thuyết hiện đại về chính sách thương mại chiến lược cũng đi theo hướng tương tự, cho rằng trong sự hiện diện của thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, các chính phủ có thể sử dụng chính sách thương mại để chuyển lợi nhuận (lợi tức độc quyền) từ nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước và qua đó nâng cao vị thế cạnh tranh của các ngành công nghiệp quốc gia. Nhưng những người khác đã tìm cách giải thích theo hướng các nhóm cụ thể trong phạm vi quốc gia tìm cách tối đa hóa thu nhập, như trong các nghiên cứu về chính sách thương mại nội sinh. Nhưng  hiển nhiên không hướng đi nào là hoàn toàn thỏa đáng. Như Lake đã nhận xét một cách trần trụi, “Các nhà kinh tế đã đấu tranh để làm cho thế giới thực sự của chính sách thương mại phù hợp với mô hình của họ, nhưng không thành công”.[31]

Mặt khác, các nhà khoa học chính trị từ lâu đã nhận ra rằng các chính phủ không chỉ quan tâm đơn thuần tới tối đa hóa thu nhập. Ít nhất thì chính phủ cũng cũng quan tâm đến việc giữ vững chủ quyền chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, nói ngắn gọn là “an ninh quốc gia”. Ở mức tối đa, nó có thể bao gồm một loạt các giá trị bổ sung mà chính phủ theo đuổi, bao gồm tất cả mọi thứ từ mục tiêu phân phối của cải trong nước tới uy tín quốc tế về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc. Các nhà kinh tế đã gặp khó khăn đơn giản bởi vì mô hình tiêu chuẩn của họ đã loại trừ tất cả các động cơ “phi kinh tế”. Theo như Harry Johnson, người được biết đến trong thế hệ của mình như là một nhà kinh tế thuộc dạng thuần túy nhất, đã than thở một phần tư thế kỷ trước, rằng sự loại trừ này đã khiến kinh tế “không có một lý thuyết nào có khả năng giải thích được một loạt các hiện tượng quan trọng và có thể quan sát, chẳng hạn như bản chất của việc đàm phán thuế quan, các chính sách thương mại bởi các nước khác nhau, những điều kiện mà các nước sẵn sàng chấp nhận để tham gia vào liên minh thuế quan, các lập luận và cân nhắc có trọng lượng trong nước để thuyết phục các quốc gia thay đổi chính sách thương mại của họ”.[32] Nếu các nhà kinh tế có được một gợi ý từ các nhà khoa học chính trị và mở ra các phân tích về động cơ chính phủ bao gồm lợi ích phi kinh tế liên quan, thì điều này chắc chắn sẽ giúp thế giới thực phù hợp hơn với lý thuyết.

Tuy nhiên, có một vấn đề. Danh sách các lợi ích càng dài thì phân tích càng khó khăn. Tiêu chí sát với hiện thực đạt được nhưng phải hy sinh sự đơn giản và có thể là cả sự chặt chẽ (của lý thuyết). Phản ứng truyền thống của các nhà khoa học chính trị đối với vấn đề này là gom hầu hết hoặc tất cả các động cơ phi kinh tế dưới tiêu đề là chung là “quyền lực”, coi đó như là một phương tiện đơn nhất để đạt được các mục tiêu khác nhau. Quyền lực, hay khả năng ảnh hưởng đến kết quả, trở thành những gì các chính phủ quan tâm cùng với “sự giàu có”, thuật ngữ viết tắt được sử dụng cho khái niệm “tối đa hóa thu nhập”. Đây chính là những gì Gilpin đã suy nghĩ một thập kỷ rưỡi trước khi ông định nghĩa KTCTQT là “sự tương tác lẫn nhau và năng động trong quan hệ quốc tế giữa việc theo đuổi sự giàu có và sự mưu cầu quyền lực”.[33]  Chính mối quan tâm tới quyền lực, vốn là một vấn đề chính trị, là điều mà các nhà kinh tế đã bỏ qua quá lâu.

Nhưng quyền lực có tầm quan trọng như thế nào, liên quan thế nào đến lợi ích của nhà nước về sự giàu có, và chính xác làm thế nào mà hai động cơ liên quan và tương tác với nhau? Ở đây một lần nữa, có ít sự đồng thuận chung giữa các nhà khoa học chính trị để cung cấp sự hướng dẫn cho các nhà kinh tế hoặc những người khác. Có nhiều ý kiến ​​khác nhau về tỷ trọng ngầm được gắn liền với mỗi động cơ trong các hàm lợi ích của các quốc gia. Mối quan hệ giữa hai mục tiêu phần lớn có xu hướng được xử lý một cách không chính quy, nói nhẹ là không chính thức mà nặng hơn là một cách tạm bợ. Các nhà kinh tế học chắc chắn có thể được hưởng lợi từ việc quan tâm đến yếu tố chính trị. Nhưng ngoài những điều đó ra, vẫn chưa rõ ràng là họ thực sự học được điều gì hơn từ lời bình luận của các nhà khoa học chính trị, những người đi theo các hướng tiếp cận khác nhau.

Một cách tiếp cận, tiêu biểu là của Conybeare, đơn giản là bắt chước các nhà kinh tế học bằng cách xác định tối đa hóa thu nhập là mục tiêu duy nhất trong chính sách của chính phủ. Trong mô hình lý thuyết của Conybeare, quyền lực là hoàn toàn mang tính công cụ và không phải là một mục tiêu. Các quốc gia được coi là các chủ thể đơn nhất cơ bản tương đương với các công ty cá thể tìm cách tối đa hóa lợi nhuận theo như những phân tích kinh tế vi mô quen thuộc. Về mặt này, mô hình cấp độ hệ thống của ông không khác gì các mô hình chính sách thương mại chiến lược của các nhà kinh tế.

Một cách tiếp cận thứ hai, tiêu biểu là của Rosecrance, đơn giản hoá vấn đề bằng cách gắn một trong hai mục tiêu, quyền lực hoặc sự giàu có, cho các loại quốc gia riêng biệt: các quốc gia lãnh thổ (territorial states), những nước tìm kiếm quyền lực, và các quốc gia thương mại (trading states) – những nước tìm kiếm sự giàu có. Sự chia đôi này không phải là tuyệt đối, ông thừa nhận. Trong khi “quốc phòng và lãnh thổ không phải là mối quan tâm duy nhất của quốc gia”, ông lập luận, “không một quốc gia nào hoàn toàn không chú ý bảo vệ lãnh thổ của mình và phụ thuộc  hoàn toàn vào thương mại” và “tất cả các quốc gia đều đầu tư ít nhiều vào quốc phòng và tham gia mức độ nào đó vào thương mại”.[34] Nhưng sự khác biệt giữa các quốc gia trong thực tế rất mạnh mẽ đến mức tiêu chí phân biệt của Rosecrance trở nên vô nghĩa: “Các quốc gia ở tất cả các thời điểm và không gian đều quyết định tập trung vào một mục tiêu này hay mục tiêu khác… Sự khác biệt giữa các quốc gia nằm ở chỗ một số chủ yếu dựa vào lực lượng quân sự và chỉ tham gia vào thương mại một cách không chủ đích, một số khác làm giàu bằng thương mại và chỉ sử dụng các phương tiện bảo vệ nhằm chống lại các trường hợp xấu nhất … Một số nước chủ yếu là quốc gia buôn bán, [trong khi] một số khác muốn tối đa hoá quyền lực và lãnh thổ”.[35] Cách tiếp cận này là một cải tiến so với các mô hình chỉ nhấn mạnh việc theo đuổi sự giàu có và bỏ qua những mục tiêu của quyền lực, nhưng nó vẫn còn xa rời thế giới thực, trong đó mỗi nước có thể được coi là quan tâm đến cả hai.

Giải pháp tất nhiên là tìm cách kết hợp một cách rõ ràng cả hai mục tiêu vào các hàm lợi ích của các chính phủ riêng biệt và coi chúng gắn bó chặt chẽ với nhau. Đó là cách tiếp cận điển hình nhất trong số các nhà khoa học chính trị, được minh chứng bằng nghiên cứu của Gilpin và Lake, mỗi người nhấn mạnh mối quan tâm đồng thời của các quốc gia về sự giàu có và quyền lực.[36] Rất ít người nghiên cứu chính trị thương mại ngày nay có xu hướng theo chân Conybeare trong việc chỉ nhấn mạnh tối đa hóa thu nhập trong định nghĩa lợi ích nhà nước, một quan điểm phù hợp nhất với chủ nghĩa tự do truyền thống của kinh tế học tân cổ điển. Nhưng cũng không nhiều người hoàn toàn tập trung vào mối bận tâm đơn thuần về tích lũy quyền lực của chủ nghĩa hiện thực trong lý thuyết quan hệ quốc tế. Chủ nghĩa tự do có nghĩa là tất cả các nước đều giống như các quốc gia buôn bán của Rosecrance, chỉ quan tâm tới những lợi ích tuyệt đối từ thương mại và không quan tâm đến lợi ích đạt được bởi những nước khác khác. Chủ nghĩa hiện thực, ngược lại, cho rẳng tất cả các nước đều như các quốc gia lãnh thổ của Rosecrance, xác định lợi ích tương đối (lợi thế trong tương quan với các nước khác) cao hơn tất cả. Trên thực tế, rõ ràng, cả hai quan điểm là cần thiết, như Gilpin và Lake từng đúng nhấn mạnh. Chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa hiện thực –  lợi ích tuyệt đối và tương đối, có thể được giả định như một cuộc đua không ngừng nghỉ để giành được sự lựa chọn của các nhà hoạch định chính sách.

Nhưng giải pháp không chỉ là thừa nhận tầm quan trọng và sự liên kết của hai quan điểm mấu chốt này mà còn là giải thích rõ ràng và chính thức hóa mối quan hệ giữa chúng, từ đó đưa ra một cái nhìn rõ ràng, có hệ thống về cách mà chúng kết hợp với nhau trong việc xác định các ưu tiên của các chính phủ khác nhau. Một chính phủ nào đó quan tâm bao nhiêu tới lợi ích tuyệt đối so với tương đối, các lợi ích này được coi là thay thế hay bổ sung cho nhau tới mức độ nào, đâu là sự đánh đổi giữa chúng, và làm thế nào và tại sao những sự đánh đổi này thay đổi theo thời gian? Ở đây một lần nữa, một nỗ lực mang tính hệ thống hơn về mô hình trừu tượng cũng như việc sử dụng hiệu quả hơn các so sánh trường hợp nghiên cứu cụ thể, hoặc các quy trình thống kê chính thức hơn có thể hỗ trợ trong việc xây dựng và đánh giá các giả thiết thay thế. Nó không bao giờ có thể giải quyết dứt điểm các cuộc tranh cãi giữa chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa hiện thực, vốn bao gồm các vấn đề rộng hơn bên ngoài kinh tế chính trị của thương mại, và bản thân nó cũng thực sự lâu đời như chính các nghiên cứu về quan hệ quốc tế. Nhưng chắc chắn nhiệm vụ đặt ra cho các học giả trong lĩnh vực này là đưa càng nhiều cấu trúc chính thức vào các cuộc thảo luận của họ càng tốt nếu họ thực sự muốn làm tăng thêm sự hiểu biết của chúng ta về những động lực đằng sau chính sách thương mại.

Câu hỏi về quản lý hệ thống

Phân tích nhìn lên (upward-looking analysis)

Phân tích nhìn xuống (downward-looking analysis)

Kết luận

Download phần còn lại của nội dung văn bản tại đây: Kinh te chinh tri trong thuong mai quoc te.pdf

 


[1] Tập trung đánh giá vào chỉ năm cuốn sách này, tôi chắc chắn không có ý ám chỉ rằng mẫu này là đủ để nắm bắt hết sự phong phú đầy đủ và đa dạng các công trình khoa học chính trị về vấn đề chính trị của thương mại trong thời gian gần đây.  Không một mẫu hạn chế nào làm được điều này. Nhưng có những lý do hợp lý để tuyên bố rằng năm công trình được lựa chọn ở đây là khá đầy đủ trong dòng chính thống các công trình nghiên cứu gần đây và có thể coi là cơ sở hữu ích cho việc đánh giá nghiêm túc các chủ đề chính và những câu hỏi mà các học giả trong lĩnh vực này đặt ra.

[2] Xem trong Susan Strange, Sterling and British Policy: A Political Study of an International Currency in Decline (London: Oxford University Press, 1971), trang 3. Xem thêm bài viết của Susan Strange, “International Economics and International Relations: A case of mutual neglect” International Affairs 46 (April 1970), trang 304-15.

[3] Joan Edelman Spero, The Politics of International Economic Relations, 3d ed. (New York : St. Martin’s Press, 1985).

[4] Robert O.Keohane và  Joseph S.Nye, “World Politics and the International Economic System”, trong C.Fred Bergsten et al., eds., The Future of the International Economic Order: An Agenda for Research (Lexington, Mass.: D.C.Heath,1973), trang 115.

[5] Xem Richard N. Cooper, The Economics of Interdependence: Economic Policy in the Atlantic Community (New York: McGraw-Hill, 1968); Charles P.Kindleberger,  Power and Money: the Politics of International Economics and the Economics of International Politics (New York: Basic Books,1970); and Albert ). Hirschman, National Power and the Structure of Foreign Trade (Berkeley: University of California Press, 1945).

[6] Xem Robert O.Keohane và Joseph S.Nye, eds., Transnational Relations and World Politics (Cambridge, Mass.:Harvard University Press, 1972); Robert O.Keohane và  Joseph S. Nye, Power and Interdependece: World Politics in Transition (Boston: Little, Brown, 1977); Robert Gilpin, “Three Models of the Future”, trong C.Fred Bergsten and Lawrence B.Krause, eds., World Politics and International Economics (Washington, D.C.: Brookings Institution, 1975), trang 37-60; Robert Gilpin, U.S. Power and the Multinational Corporation: The Political Economy of Foreign Direct Investment (New York: Basic Books, 1975); Stephen D.Krasner, “State Power and the Structure of International Trade”, World Politics 28 (April 1976), trang 317-47; Stephen D.Krasner, Defending the National Interest: Raw Materials Investments and U.S. Foreign Policy (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1978); và Peter J. Katzenstein, ed., Between Power and Plenty: Foreign Economic Policies of Advanced Industrial States (Madison: University of Wisconsin Press, 1978).

[7] Xem, ví dụ, J.J. Pincus, “Pressure Groups and the Pattern of Tariffs,” Journal of Political Economy 83 (August 1975), trang 757-78; Richard E.Caves, “Economic Models of Political Choice: Canada’s Tariff Structure”, Canadian Journal of Economics 9 (May 1976), trang 278-300; Robert E.Baldwin, The Political Economy of U.S. Postwar Trade Policy (New York: New York University Graduate School of Business Administration, 1976); E.J. Ray, “Tariff and Nontariff Barriers in the United States and Abroad”, Review of Economics and Statistics 63 (May 1981), trang 161-68; R.P. Lavergne, The Political Economy of U.S.Tariffs: An Empirical Analysis (New York: Academic Press, 1983); và  Robert E. Baldwin, The Political Economy of U.S. Import Policy (Cambridge, Mass.:MIT Press, 1985). Để có cái nhìn tổng quát, dù ngắn gọn về các công trình này, xem Robert E.Baldwin, “Trade Policies in Developed Countries”,  Ronald W.Jones, ed., International Trade: Surveys of Theory and Policy (Amsterdam: North-Holland, 1986) trang 184-94.

[8] Để biết khảo sát văn liệu giai đoạn đầu, xem Gene M. Grossman và J. David Richardson, Strategic Trade Policy: A Survey of Issues and Early Analysis (Princeton, N.J.: International Fincance Section, 1985). Để xem các tóm tắt hữu ích, đọc Elhanan Helpman và Paul R. Krugman: Market Structure and Foreign Trade (Cambridge, Mass.: MIT Press, 1989). Về tập hợp các bài luận hữu ích, xem Paul R. Krugman, ed., Strategic Trade Policy and the New International Economics (Cambridge, Mass.: MIT Press, 1986);  và Robert M.Stern, ed., U.S. Trade Policies in a Changing World Economy (Cambridge, Mass.: MIT Press, 1987).

[9] Xem J. David Richardson, “The Political Economy of Strategic Trade Policy”, International Organization 44 (Winter 1990), trang 107-35. Một cách tiếp cận khác được nói đến trong Klaus Stegemann, “Policy Rivalry Among Industrial States: What Can We Learn from Models of Strategic Trade Policy?” International Organization 43 (Winter 1989), trang 73-100.

[10] Rosecrance, “The Rise of the Trading State”, trang 16.

[11] Như trên.

[12] Như trên., trang 13.

[13] Gilpin,”The Political Economy of International Relations”, trang 5.

[14] Như trên., trang 228.

[15] Như trên., trang 408.

[16] Conybeare, “Trade Wars”, trang ix.

[17] Như trên, trang 265.

[18] Lake, “Power, Protection, and Free Trade”, trang 2.

[19] Như trên, trang 3.

[20] Milner, “Resisting Protectionism”, trang 292; có một số điều nhấn mạnh.

[21] Kenneth N. Waltz, Man, the State and War (New York: Columbia University Press, 1959).

[22]Kenneth N. Waltz, Theory of World Politics (Reading, Mass.: Addison- Wesley, 1979), trang 63.

[23] Về cách tiếp cận nhận thức, xem Paul Egon Rorhlich, “Economic Culture and Foreign Policy: The Cognitive Analysis of Economic Policy Making”, International Organization 41 (Winter 1987), trang  61-92.

[24] Peter A. Gourevitch, “The Second Image Reversed”, International Organization 32 (Autumn 1978), trang  881-912.

[25] Cơ sở tương đối của hai phương pháp tiếp cận chắc chắn là chủ đề tranh cãi sôi nổi giữa các nhà khoa học chính trị. Ví dụ, xem các bình luận trái ngược của Katzenstein trong “Between Power and Plenty”  trang 12-15, và Robert O.Keohane trong After Hegemony: Cooperation and Discord in the World Political Economy (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1984), trang 25-26.

[26] Ví dụ xem trong John A.C. Conybeare, “Tariff Protection in Developed and Developing Countries: A Cross-Sectioanl and Longitudinal Analysis”, International Organization 37 (Summer 1983), trang 441-67.

[27] Một ngoại lệ là Baldwin’s “The Political Economy of U.S. Postwar Trsde Policy”, sử dụng tối đa các phân tích probit đa biến.

[28] Ví dụ xem trong H. Robert Heller, “Choosing an Exchange Rate System”, Finance and Development 14 (June 1977), trang 23-26; H. Robert Heller , “Determinants of Exchange Rate Practices”, Journal of Money, Credit and Banking 10 (August 1978), trang 308-21; Jacob Dreyer, “Determinants of Exchange Rate Regimes for Currencies of Developing Countries: Some Preliminary Results”, World Development 6 (April 1978), trang 437-45; và Gorgdon Weil, Exchange-Rate Regime Selection in Theory and Practice (New York: New York University Graduate School of Businees Administration, 1983).

[29] Từ khóa ở đây là “theo trực quan”. Không phải các nhà kinh tế học không nhận thức được tiềm năng của việc mở rộng công cụ nghiên cứu truyền thống trong phân tích lợi ích để kết hợp thêm các lợi ích hoặc mục tiêu có thể, chỉ là họ không có xu hướng làm như thế. Một lý do thường được đưa ra là sự khó khăn trong phân tích lượng hóa các giá trị ngoài thu nhập thực.

[30] Chắc chắn cũng có những ngoại lệ. Một ví dụ (không may mắn là nó thường không được chú ý tới), xem  Harry G. Johnson, “An Economic Theory of Protectionism, Tariff Bargaining, and the Formation of Customs Unions,” Journal of Political Economy 73 (June 1965), trang 256-83.

[31] Lake, “Power, Protection , and Free Trade”, trang  20-21.

[32] Johnson, “An Economic Theory of Protectionism”, trang 257.

[33] Gilpin, “U.S. Power and the Multinational Corporation”, trang 43.

[34] Rosecrance, “The Rise of the Trading State”, trang 9, 17, và 30.

[35] Như trên, trang 17, 30, và 62.

[36] Xem  Gilpin, “The Political Economy of International Relations”,  trang 32; và Lake, “Power, Protection, and Free Trade”,  trang 22. Jacob Viner’s “Power Versus Plenty as Objectives of Foreign Policy in the Seventeenth and Eighteenth Centuries,” World Politics 1, (October 1948), trang 1-29.