Luật quốc tế và chiến lược cho Việt Nam

Tác giả: Phạm Ngọc Minh Trang

Với một nước nhỏ, luật quốc tế là phương tiện tối ưu chống lại bá quyền. Thời đại hiện nay đã khác trước, ít nhất là luật lệ đã có những sức nặng riêng của nó mà không phải lúc nào nước lớn cũng có thể phớt lờ. Cái giá phải trả có thể sẽ rất lớn.

Khi Trung Quốc khước từ đàm phán

Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Công ước Luật biển 1982. Theo Công ước, biện pháp tiên quyết để giải quyết vấn đề tranh chấp của các thành viên được nêu rõ tại điều 279 là phải sử dụng các biện pháp hòa bình. Các biện pháp hòa bình này được quy định tại điều 33 Hiến chương Liên Hiệp Quốc từ việc đàm phán giữa các bên tranh chấp đến các biện pháp có sự can thiệp từ một bên thứ thứ là trọng tài quốc tế hay tòa án quốc tế.

Hiện giờ, bất chấp những hành động hung hăng của Trung Quốc, Việt Nam vẫn giữ thái độ bình tĩnh và thực hiện đúng tinh thần đã cam kết trong Công ước Luật biển 1982. Việt Nam đã tiến hành các biện pháp ngoại giao như trao đổi công hàm, đưa ra những tuyên bố về tình hình căng thẳng tại vùng Đặc quyền kinh tế của mình từ khi có sự xuất hiện của giàn khoan HD-981 của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc đưa giàn khoan ra khỏi vùng thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam và chủ động đề nghị đàm phán với nước này.

Tuy nhiên, nhìn chung, những biện pháp ngoại giao này tỏ ra không có tác dụng khi Trung Quốc hoàn toàn không có thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua con đường đàm phán. Cụ thể, Trung Quốc không những vẫn giữ nguyên giàn khoan HD-981 mà còn đưa tiếp những giàn khoan khác vào vùng Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gia tăng các hình thức quân sự như dùng tàu quân sự và máy bay quân sự để bảo vệ giàn khoan của mình.

Tòa án quốc tế là lựa chọn khả

Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của luật quốc tế là việc các quốc gia không được sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, trừ trường hợp tự vệ được quy định cụ thể tại điều 51 Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhưng đây là biện pháp hết sức bị động và không có lợi cho Việt Nam về nhiều mặt. Như vậy, khi các biện pháp ngoại giao chưa phát huy được tác dụng, để tránh việc rơi vào tình trạng bị động và hạn chế tối đa trường hợp xấu nhất là phải sử dụng đến vũ lực trong việc giải quyết tranh chấp tại vùng Đặc quyền kinh tế của mình, Việt Nam cần chủ động trong việc sử dụng các biện pháp có sự can thiệp của bên thứ ba là Tòa án quốc tế.

Cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế, mà đặc biệt là các tranh chấp về lãnh thổ, bằng Tòa án quốc tế luôn được đánh giá là một cơ chế hiệu quả. Phán quyết của Tòa án mang tính công bằng, khách quan và có giá trị pháp lý cao, đc biệt đối với Tòa án Công lý Quốc tế khi một bên trong vụ kiện không thực hiện phán quyết của Tòa án thì bên còn lại có thể yêu cầu sự can thiệp từ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Dù vậy, hạn chế của Tòa án Quốc tế là nếu một bên liên quan không chấp nhận giải quyết bằng hình thức này thì Tòa án không có thẩm quyền thụ lý. Năm 2013 khi Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa án Quốc tế, tuy Bắc Kinh không đồng ý tham gia vào vụ kiện, nhưng Philippines đã thành công trong việc tạo tiếng vang trong cộng đồng quốc tế và tranh thủ được sựủng hộ từ các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo Công ước Luật biển 1982, các quốc gia thành viên có thể sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc quy định tại Mục 2 phần XV. Theo đó, khi các biện pháp như đàm phán, hòa giải không thành công, một bên trong tranh chấp có quyền đưa ra các Tòa án quốc tế có thẩm quyền yêu cầu Tòa án thụ lý bất chấp sự có sự đồng thuận từ bên còn lại hay không.

Mặc dù vậy, cơ chế giải quyết tranh chấp này có những hạn chế nhất định. Các tranh chấp liên quan đến vấn đề lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là những ngoại lệ của cơ chế này. Như vậy, áp dụng vào trường hợp về giàn khoan HD-981 của Trung Quốc đặt tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong thời điểm hiện tại, biện pháp này có thể cũng sẽ bị Trung Quốc phản đối.

Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia, Việt Nam cũng nên đưa vụ việc ra giải quyết tại Tòa án quốc tế theo cơ chế này. Bởi vì, trong thẩm quyền của mình, Tòa án có thể đưa ra quyết định giàn khoan HD-981 đang được đặt trong một vùng biển tranh chấp và do đó yêu cầu các bên bảo tồn hiện trạng cho đến khi tranh chấp đã được giải quyết. Từ đó, Việt Nam có quyền yêu cầu Trung Quốc không thực hiện các hành vi khai thác kinh tế từ giàn khoan này. Ngày 23 tháng 6 vừa qua Việt Nam đã ký xác nhận tư cách pháp lý của Tòa trọng tài thường trực (Permanent Court of Arbitration, PCA) có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) được xem như là bước đầu tiên trong khâu chuẩn bị cho việc giải quyết các tranh chấp bằng con đường luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, Việt Nam còn có thể tận dụng một chức năng quan trọng của Tòa án công lý quốc tế, đó là chức năng tư vấn pháp lý. Theo điều 96 Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Đại hội đồng hay Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có quyền hỏi ý kiến của Tòa án Quốc tếvề mọi vấn đề pháp lý. Trong lịch sử hoạt động của mình, Tòa án đã từng tư vấn 15 trường hợp trong đó cũng có các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ (như trường hợp của Palestine và Kosovo).

Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nên khả năng Trung Quốc sẽ tận dụng quyền phủ quyết để phản đối việc lấy ý kiến tư vấn từ Tòa án Công lý Quốc tế là rất cao. Tuy nhiên, Hiến chương cũng trao quyền yêu cầu tư vấn của Tòa án cho Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và phiếu bầu phản đối của Trung Quốc sẽ không phát huy được tác dụng của nó như tại Hội đồng Bảo an.

Việt Nam có thể đi một bước lớn hơn, bước xa hơn ASEAN là đem vụ việc ra Liên Hiệp Quốc. Việc này sẽ mang đến hai cái lợi cho Việt Nam. Thứ nhất, đây là cơ hội để Việt Nam có thể trình bày quan điểm của mình, các lập luận và bằng chứng pháp lý một cách cụ thể và trực tiếp nhất cho thế giới. Từ đó, chính sách tranh thủ sựủng hộ của cộng đồng quốc tế của Việt Nam sẽ hoạt động một cách hiệu quả hơn về mặt phạm vi, từ khu vực ASEAN mở rộng ra đến Liên Hiệp Quốc.

Thứ hai, nếu các ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý có lợi cho Việt Nam (và khả năng này là rất cao) mặc dù chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng đây sẽ là một trong những bằng chứng pháp lý quan trọng phục vụ cho Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình trong tương lai khi áp dụng các biện pháp pháp lý khác.

Rõ ràng, Trung Quốc đã đi một bước quá xa và động chạm tới điều thiêng liêng nhất tồn tại trong mỗi người con nước Việt: đất nước. Việt Nam từ trước tới nay luôn nhún nhường và không muốn các tranh chấp bị đẩy lên quá giới hạn. Lằn ranh đỏ đã bị bước qua. Đã tới lúc Việt Nam cân nhắc một cách nghiêm túc việc khởi động mặt trận pháp lý vốn đã bị đặt qua một bên trong suốt quãng thời gian qua.

Với cường quốc, đo sức mạnh là điều không thể. Chỉ có lý lẽ, cộng với một sựủng hộ từ cả người dân trong nước và bạn bè quốc tế, mới đủ sức khiến Trung Quốc phải đánh giá lại sự cân bằng giữa lợi ích và chi phí phải bỏ ra.

Phạm Ngọc Minh Trang tốt nghiệp Thạc sĩ Luật Quốc tế tại Đại học Nottingham (Anh), hiện là Giảng viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TpHCM.