Tác giả: Lê Tuấn Huy*
Việc giàn khoan Haiyang Shiyou 981 được đưa vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy Hà Nội đã thất bại trong việc dùng “đồng chí” và “phi liên kết” làm đối sách cho sự bành trướng trên biển của Bắc Kinh.
Vài năm gần đây, Việt Nam đã chuyển bước nhất định để tạo vị thế mới. Tuy vậy, sau những thắng lợi ngoại giao từ ghế chủ tịch luân phiên ASEAN (2010), đến khi Hoa Kỳ xoay trục, được sự hỗ trợ của một số lập luận cũ và mới, Hà Nội chỉ duy trì đường hướng mới ở mức tối thiểu để “cân bằng” với các bên, và càng xác quyết con đường phi đồng minh.
Trước khi bàn đến các lập luận ấy, cần nhắc lại rằng lịch sử và thực tế đã cho thấy đồng minh là một nhu cầu và quan hệ khách quan ở mọi thời đại, mọi lãnh thổ, mọi chế độ xã hội. Nó có thể là một liên minh chính thức về nhiều mặt, theo mục tiêu chiến lược, mà cũng có thể chỉ là sự gắn kết không chính thức hoặc tùy vào mục tiêu tình thế, dựa trên những chia sẻ về giá trị, quyền lợi, hoặc chỉ là động thái sách lược, chiến thuật. Nó có thể là một liên minh chính trị, một khối quân sự, kinh tế, hay những dạng đồng minh về thể chế, văn hóa… Và quan hệ đồng chí cũng chỉ là một biến thể trong sự đa dạng đó.
Từ sau Thế chiến thứ II, ngoài con số rất hiếm hoi quốc gia được thừa nhận trung lập, còn lại, tùy tương quan và giai đoạn, không một không gian địa lý nào tránh khỏi thế liên kết ngoại biên, theo hình thức này hay hình thức khác.
Khi chưa có sự việc nghiêm trọng hiện nay tại Biển Đông, các ý kiến đứng trên cương vị chính thống đã không bác cách tiếp cận đồng chí. Ngược lại, có nhiều khẳng định, rằng Việt Nam không cần đến đồng minh, vì quyết định là ở nội lực.
1. Hiểu nội lực và ngoại lực như thế nào?
Phát triển nội lực để xây dựng một quốc gia thịnh vượng, đủ sức đối mặt với mọi thách thức, là quan điểm hoàn toàn đúng. Nhưng nói rộng ra, rằng phải tự lực chứ không cần đến ngoại lực, không cần đến đồng minh, là hoàn toàn sai.
Về nhận thức, lập luận mở rộng đó phản ánh một tư duy phi lịch sử và phi thực tế.
Về chiến lược, nó lấy cái dài hạn thay cho cái cấp bách, nhầm lẫn giữa tương quan kinh tế – xã hội với tương quan chính trị – quân sự, bởi nội lực là cái trường kỳ của mọi quốc gia, và khoảng cách giữa các nước về nguồn lực này không phải một sớm một chiều mà rút ngắn, trong khi vấn đề chủ quyền liên quan đến Trung Quốc lại rất cấp bách.
Về chiến thuật, chỉ nhắm đến nội lực (vốn rất thua kém) thì chẳng khác nào tự trói tay trước một đối thủ vừa vũ trang hiện đại đầy mình, vừa đủ thế và lực để phân hóa sự liên kết khả dĩ của đối phương.
Bên cạnh đó, nhấn mạnh nội lực để bác bỏ đồng minh, xem nó chỉ là ngoại lực, là cách hiểu siêu hình.
Lẽ nào trong hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, chỉ bằng nội lực riêng có mà Việt Nam đã thắng? Đương nhiên là không. Hậu thuẫn và viện trợ của các đồng minh Liên Xô, Đông Âu, Trung Quốc, nếu chỉ là ngoại lực thuần túy, tự nó sẽ chẳng mang ý nghĩa gì. Chỉ khi người Việtchuyển hóa thành cái của mình, không xem chúng là bất đắc dĩ hay thiếu hữu dụng, thì mới có được thành quả như đã thấy.
Tương tự, từ sau đổi mới, nếu xem đầu tư nước ngoài là như một ngoại lực chẳng đặng đừng (phải chấp nhận tư bản nước ngoài vào bóc lột), chứ không xem như một nguồn lực nội tại hóa, thì chắc chắn bộ mặt đất nước đã không như ngày nay.
Quan hệ đồng minh, khi xác lập đầy đủ và vận hành hiệu quả, sẽ trở thành một cấu thành của nguồn lực chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự của quốc gia. Vấn đề là, thay vì giữ nhận thức sai lầm khi tách bạch nội lực và ngoại lực, người làm chiến lược cần tính toán, vận dụng nguồn lực đặc biệt này sao cho tối ưu.
Nhưng không dừng ở vấn đề nội lực, có lập luận cho rằng sự liên kết vẫn không bảo đảm được cho đất nước khi gặp nguy, bởi đồng minh cũng chỉ nhắm đến quyền lợi của họ chứ không vì quyền lợi của ta. Hai dẫn chứng thuyết phục là hải chiến Hoàng Sa năm 1974 bị Hoa Kỳ làm ngơ, và chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 bị Liên Xô tảng lờ.
2. Đồng minh để làm gì và quyền lợi trong quan hệ đó ra sao?
Cho rằng xác lập đồng minh là để được lập tức can thiệp quân sự, như nhiệm vụ thường trực và bất biến của họ, là cách nghĩ thiếu trách nhiệm với chính mình và người khác.
Trừ khi chiến tranh đã là tất yếu và toàn cục vì một hay nhiều bên đã có chủ đích, không quốc gia nào lại muốn những xung đột nhất thời và cục bộ trở thành nguyên cớ để khơi mào một cuộc chiến diện rộng, có sự tham gia trực tiếp của các bên thứ ba. Với những chuyển biến của cục diện thế giới từ sau chiến tranh lạnh, người làm chiến lược có lý trí khó mà nghĩ rằng tạo quan hệ đồng minh là để đối tác tức thì tham chiến cho mình, bất kể nguyên nhân, thời cuộc và chiến cuộc.
Vậy, phải chăng có đồng minh cũng như không, nên không cần phải có? Không, mà chính liên kết ngoại biên là nhằm hạn chế nguy cơ chiến tranh, bởi quan hệ đồng minh là để gia tăng vị thế và giảm thiểu nguy cơ hay thiệt hại cho các quốc gia của liên minh, chứ không phải để can thiệp vô tội vạ, làm tăng nguy cơ cho nước khác và giảm đi cơ hội hòa hoãn.
Cho nên, đồng minh không phải là loại quan hệ đơn chiều, chỉ để hưởng sự bảo vệ ở quốc gia này và phải đi bảo vệ ở quốc gia khác. Mà, vì quyền lợi của chính mình, nhận định và xử trí chuẩn xác về chiến lược, sách lược và chiến thuật là điều trước tiên phải có của quốc gia liên hệ trong vụ việc; và cùng với nó, tương tác đồng minh là điều kiện không thể thiếu, vì đó không những là thế lực răn đe từ xa, hỗ trợ phòng vệ, mà còn là lực lượng trực tiếp hậu thuẫn về ngoại giao và quốc phòng, chính trị và kinh tế, khi lâm sự.
Đặt hai sự kiện Việt Nam bị đồng minh phớt lờ trong cách nhìn ấy, có lẽ sẽ phần nào khách quan hơn.
Đứng trên lập trường của người Việt, ta không thể không bất bình trước những gì đã diễn ra. Nhưng cũng cần nhìn rộng hơn, vào thời cuộc và vị thế của hai đồng minh đó, tại thời điểm của mỗi sự kiện.
Về vai trò của Hoa Kỳ trong hải chiến Hoàng Sa, đã có ý kiến cho rằng một mặt, sa lầy trong chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ ký Hiệp định Paris (27/01/1973) để chấm dứt sự tham chiến của mình; mặt khác, trước sự suy tàn kinh tế của khối Xô Viết và xu hướng tư bản hóa của Hoa Lục, nước Mỹ vừa chọn người đồng chí trở mặt của Liên Xô, vừa chấp nhận thua sách lược tại Việt Nam để sẽ thắng chiến lược trên thế giới, qua việc tập trung nguồn lực cho sự diệt vong khả dĩ của khối Đông Âu.
Chúng ta hiện không đủ dữ liệu để kết luận chắc chắn, nên vẫn không loại trừ việc Hoa Kỳ đã bỏ mặc Hoàng Sa chỉ vì sự tàn tạ của họ bởi chiến tranh, nhưng khả năng toàn cục như vừa nói cũng là một lý giải cần được nghiên cứu thấu đáo và có thể chấp nhận.
Khác với trường hợp Hoa Kỳ, nại Liên Xô ra để biện hộ cho quan điểm phi đồng minh, là vô lý và bất công. Họ không can thiệp trực tiếp nhưng vẫn hết lòng ủng hộ Việt Nam trong thời gian ấy. Bên cạnh đó, còn có những khía cạnh khác cần nhìn vào.
Không thể phủ nhận rằng cuộc chiến biên giới phía Bắc có liên hệ tới việc Việt Nam đưa quân vào Kampuchea, ít ra là nguyên cớ đối với Trung Quốc. Với người Việt, hành động của mình là hợp lý. Dù thế, thử hỏi, sau khi ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác với Liên Xô (08/11/1978), Hà Nội hành động quân sự nhưng có tham vấn trước với đồng minh không, hay chỉ nghĩ rằng ở tình huống nào cũng không thể bị Moscow bỏ mặc? Nếu đã tự mình đưa ra quyết sách, không tính đến tình thế của đồng minh, thì không thể trách cứ họ.
Xét trên toàn cục, đấy là thời kỳ mà các khó khăn đã tích tụ sâu rộng ở Liên Xô, và bản thân họ cũng đang trong tình trạng rất dễ bùng nổ tại biên giới với Trung Quốc. Vả lại, chỉ có dân chúng Việt Nam khi ấy không biết rằng một tháng là hạn định mà Đặng Tiểu Bình đã đặt ra cho vụ thử lửa này. Do vậy, xét mọi mặt, việc Liên Xô không can thiệp quân sự là xác đáng.
Nhìn hai sự kiện vừa nói theo kiểu một chiều để cho rằng đồng minh chỉ vì lợi ích của riêng họ mà thôi, thì cũng chính là đang xác tín rằngbản thân ta chỉ đứng trên lợi ích của riêng mình để phán xét.
Từ cổ chí kim, có nước nào không đứng trên lợi ích của chính mình và đặt nó lên hàng đầu không? Việt Nam không vì lợi ích của chính mình và không đặt nó lên hàng đầu chăng? Chỉ cần trả lời hai câu hỏi ấy, sẽ lập tức thấy rằng luận cứ đồng minh chỉ vì quyền lợi riêng của họ, ngay từ việc đặt thành vấn đề, đã là không đúng. Nó phản ánh cáitâm thức lấy mình làm trung tâm, đem quyền lợi của mình ra làm đơn vị đo lường cho người khác. Và đương nhiên, với thước đo ấy, sẽ không một quốc gia nào đáp ứng được.
Trong mọi sự vụ liên quốc gia, cái được xét để xác lập hoặc định hình quan hệ, là quyền lợi và mục tiêu chung. Nếu có thiện chí, các bên liên quan sẽ điều tiết để các quyền lợi trở nên hài hòa, bởi giữa các chủ thể khác nhau, không thể có quyền lợi nào trùng khít vào nhau, mà chỉ có sự đan xen, giao thoa với nhau. Do vậy, nếu đã nhìn nhận quyền lợi chung, vấn đề là cần chủ động thích ứng, vận dụng và mở rộng nó, thay vì cứ bất động mà đòi hỏi người khác phải vì quyền lợi của riêng mình.
Mặt khác, cùng một quốc gia sẽ có những quyền lợi chung khác nhau với những nước khác nhau, và chúng có thể xung khắc nhau. Nên, cùng lúc, sẽ có nhiều loại liên hệ đồng minh, tùy theo thực tế và nhu cầu. Từ đây, điều quan trọng là nhận thức về các quyền lợi ấy ra sao để xác định các nội dung, hình thức của liên kết, mà mấu chốt là xử trí tương quan giữa các liên hệ để xác định đâu là loại đồng minh có tính quyết định. Trừ thời kỳ đối lập toàn cầu giữa hai hệ thống xã hội, với sự thống lĩnh của quyền lợi chung về hệ tư tưởng, tự thân việc liên kết ngoại biên đã là và luôn là vấn đề về quyền lợi của quốc gia, dân tộc. Nên ngay trong giai đoạn phân cực đó, ta cũng thấy nổi bật những trường hợp trái khoáy làm nên lịch sử:
Liên bang Xô Viết có thể gia nhập khối Đồng minh của kẻ thù không đội trời chung về ý thức hệ khi bị nước Đức phát-xít tấn công. Tương ứng, để bảo vệ không gian tự do, phương Tây sẵn sàng là bạn chiến đấu của kẻ luôn muốn đào huyệt chôn mình.
Sau cuộc chiến tàn khốc, ở châu Á, Nhật đã nhanh chóng xóa đi mối thâm thù để xác lập đồng minh với chủ nhân hai quả bom nguyên tử ném xuống đất nước mình, bởi quốc gia ấy không những trợ giúp kiến thiết hậu chiến mà còn bảo đảm cho họ trước mọi đe dọa quân sự.
Còn Trung Hoa xã hội chủ nghĩa, đầu những năm 1970, đã đến với phương Tây như một đồng minh chính trị quyết định để chống lại Liên Xô, đồng thời cũng là đối tác hiệu năng cho nền kinh tế ọp ẹp của mình. Và cùng lúc, Hoa Kỳ phớt lờ quan hệ đồng minh thể chế với Đài Loan để chọn Hoa Lục làm “đối tác chiến lược toàn diện”.
Thế nhưng hòn đảo ấy không vì sự “phản bội” này mà mãi “tổn thương”, mãi “dự phòng” điều tương tự và cự tuyệt liên kết để khiến mình có thể cô độc. Họ không vì sự thay đổi nhất định của đồng minh trước tình thế chiến lược mới, không vì sự tương đồng văn hóa, lịch sử với Trung Quốc để bám lấy những cái chung thiếu thực chất so với nền tự do và ý tưởng độc lập mà họ theo đuổi. Từ khi Hoa Kỳ hậu thuẫn Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa giữ ghế tại Liên Hiệp quốc (1971) thay Trung Hoa Dân quốc, cùng với việc tăng cường nội lực từ nền kinh tế tự do và hoàn thiện nền chính trị dân chủ, Đài tiếp tục giữ vững thế liên minh vốn có. Điều đó đã giúp họ hùng mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự, là một trong bốn con rồng châu Á, và sớm trở thành thế lực hải quân trong vùng.
Những ví dụ gần gũi trên cho thấy cách xử trí kinh điển về đồng minh, bao gồm cả yếu tố “đồng chí” ở mỗi bên. Họ không lấy hệ tư tưởng làm tâm điểm, mà là tình thế và vị thế. Họ không lấy “anh em” hay “láng giềng” làm chuẩn, mà là quyền lợi thiết thực và sự bảo an. Họ không “ghi vào tâm khảm” một sự biến lịch sử để co thủ, mà nhanh chóng thích ứng với hiện thực để bảo đảm hữu hiệu cho mình.
Trong khi đó, ở Việt Nam, sự cố bị bỏ rơi và nỗi e ngại quyền lợi riêng của đồng minh cứ ám thị không ít người. Gần đây, từ khi Hoa Kỳ xoay trục, nỗi ám ảnh đó lại được bổ sung bằng việc cho rằng chúng ta là bên thứ ba của cuộc chơi nước lớn, phải tránh bị lôi kéo để không trở thành nạn nhân.
3. Xác lập vị thế bên thứ ba bằng mong muốn hay thực tế?
Ý kiến cho rằng Việt Nam là bên thứ ba xuất phát từ tầm toàn cầu của vấn đề, là cuộc đua ngôi vị bá chủ giữa Hoa Kỳ và Hoa Lục. Xét về quyền lợi của riêng họ trong vị thế đó, đúng là Việt Nam ở ngoài cuộc. Nhưng xét giữa ta với từng siêu cường, và giữa ta với tương quan chung, thì không hẳn như vậy.
Với kết thúc của chiến tranh lạnh và do tương quan cụ thể với đồng minh, Hoa Kỳ đã rời khỏi Đông Nam Á qua việc đóng cửa căn cứ không quân Clark (1991) và căn cứ hải quân Subic (1992) ở Philippines. Nga cũng hành động tương tự ở Cam Ranh (1993)[1]. Cơ may bình yên của vùng dường như tiến triển thêm sau khi Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại biển Nam Trung Hoa ra đời (2002).
Phần Việt Nam, sau khi rút khỏi Kampuchea (1989), đã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991) và Hoa Kỳ (1995), gia nhập ASEAN (1995), củng cố nền hòa bình qua Hiệp ước Biên giới trên đất liền (1999), Hiệp định Phân định vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác Nghề cá (2000) ký với Trung Quốc. Nhưng chính từ khi hai hiệp định sau có hiệu lực (2004), Hoa Lục khởi sự lối hành xử ngang tàng trên biển.
Ngày 08/01/2005, cảnh sát biển Trung Quốc xả súng vào tàu của ngư dân Thanh Hóa tại vùng đánh cá chung. Chín người chết, bảy người bị thương cùng tám người khác bị bắt về Hải Nam, mà theo họ, là kết quả từ hành động “ăn cướp có vũ trang nghiêm trọng trên biển” của ba tàu Việt Nam. Sự việc đã mở ra thời kỳ mới giữa hai nước: tranh chấp trên biển thay cho trên bộ.
Năm 2008, trong cuộc gặp vào những tháng đầu năm với Tư lệnh vùng Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Timothy Keating, giới chức tương nhiệm Hoa Lục đã bán chính thức đề nghị hai nước cùng chia đôi Thái Bình Dương[2].
Đến tháng Ba 2009, cục diện bắt đầu thay đổi từ sau vụ đối đầu Impeccable.
Tháng Năm 2009, Hoa Lục chính thức hóa trước thế giới về lãnh hải đường chín đoạn, bằng bản đồ đệ trình cho Liên hiệp quốc.
Tháng Ba 2010, Trung Quốc thông báo với Hoa Kỳ, xem “Nam Hải” là lợi ích cốt lõi. Đáp lại, tháng Bảy 2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton loan báo tại Đối thoại Sangri-La, xem hòa bình, ổn định và tự do đi lại ở Biển Đông là lợi ích quốc gia.
Năm sau, trong vùng biển Việt Nam, tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 (26/05/2011) và tàu Viking II (09/06/2011).
Tháng Tám 2011, Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell nói Hoa Kỳ cần chuyển hướng, từ các thách thức ngắn hạn ở Trung Đông sang các quan ngại lâu dài ở châu Á – Thái Bình Dương. Đến ngày 11/10/2011, Hillary Cliton công bố bài viết Thế kỷ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ(America’s Pacific Century).
Tháng Mười một 2011, Tổng thống Barak Obama khẳng định châu Á – Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu trong chính sách an ninh, cùng lúc với thỏa thuận triển khai 2.500 quân tại căn cứ Darwin, Australia.
Tháng Một 2012, Mỹ công bố chiến lược quốc phòng mới, giảm chi tiêu và chuyển hướng sang châu Á.
Tháng Sáu 2012, Việt Nam thông qua Luật Biển. Trung Quốc đáp lại bằng việc ồ ạt thực hiện các chương trình phát triển Tam Sa. Trước căng thẳng đó, tháng Bảy cùng năm, ASEAN bắt đầu “chính thức hóa” sự chia rẽ khi lần đầu tiên, hội nghị ngoại trưởng của khối không ra được tuyên bố chung do không thống nhất về vấn đề Biển Đông.
Trung tuần tháng Mười một 2012, Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định xây dựng một cường quốc biển. Ngày 30/11/2012, tàu Bình Minh 02 lại bị tàu Trung Quốc cắt cáp.
Tháng Một 2013, Tổng thống Obama ký đạo luật chi tiêu quốc phòng của năm, có điều khoản thể hiện việc Hoa Kỳ từ bỏ lập trường trung lập trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư tại Đông Bắc Á.
Ngày 22/01/2013, Philippines loan báo kiện Trung Quốc ra Trọng tài Liên hiệp quốc về tranh chấp biển. Trước đó, tháng Sáu 2012, bãi cạn Scarborough rơi vào tay nước lớn sau khi Philippines lỡ “mềm dẻo” mà tin vào kiểu đàm phán để áp đặt một chiều của Trung Quốc, tin vào lời hứa cùng rút lực lượng hai bên khỏi bãi, vốn đã căng thẳng từ khi họ đưa tàu vào hồi tháng Tư. Tháng Năm 2013, tiếp tục trả đủa vụ kiện, Trung Quốc đưa tàu chiến và hải giám vào bãi Second Thomas, nhưng chiếm đoạt bất thành.
Đầu tháng Sáu 2013, tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel loan báo chuyển sáu mươi phần trăm lực lượng hải quân và không quân về khu vực Thái Bình Dương. Hoa Kỳ căn bản hoàn chỉnh kế hoạch xoay trục.
Ngày 22/11/2013, Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông. Bốn ngày sau, Hoa Kỳ điều hai máy bay B52 xâm nhập vào đó.
Hạ tuần tháng Tư 2014, vài giờ trước khi Tổng thống Obama đặt chân đến Philippines (sau chặng dừng chân tại Nhật, Nam Hàn và Malaysia), quan chức Mỹ – Phi ký thỏa thuận an ninh mới, cho phép Mỹ sử dụng một số căn cứ quân sự hướng ra Biển Đông.
Obama vừa rời khỏi châu Á, với các vị trí liên minh tối thiểu dọc biển Hoa Đông và Biển Đông đã chính thức hóa (Nhật – Phi – Úc) mà không có một quốc gia chủ yếu trong tranh chấp, sự vụ giàn khoan 981 xảy đến cho chính nước đó.
Tiến trình trên cho thấy Hoa Kỳ không phải là người khơi mào cuộc đấu hiện nay ở châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài điểm nóng Bắc Hàn và trách nhiệm với nước Nhật chịu sự giải giáp, họ đã triệt thoát khỏi Đông Nam Á. Nếu không vì thách thức mới, không hẳn họ lại muốn tốn hao nguồn lực cho nó khi đã hao mòn bởi sự can thiệp vào Afghanistan và Iraq, bởi cuộc chiến chống khủng bố, và đặc biệt, khi địa vị kinh tế đã không còn như trước. Họ như một thế lực bên ngoàiphải trở thành người trong cuộc, mà mục đích can dự là để duy trì trật tự thế giới đã có.
Còn Việt Nam, trong các xung đột liên quốc gia có tầm khu vực suốt mấy mươi năm qua, đã và vẫn là một bên chủ yếu. Chúng ta là người trong cuộc tại chỗ, có quyền lợi trực tiếp trong tranh chấp, có mục tiêu đa dạng, cụ thể và thiết thân hơn các thế lực bên ngoài. Chủ quyền bị đe dọa, tài nguyên bị xâm phạm, môi trường sinh sống ngàn đời của người dân ven biển bị thu hẹp đáng kể…, liệu ta có thể trở thành “bên thứ ba” để một “bên thứ hai” khác đối diện mà xử trí?
Trừ khi không xem quốc gia-dân tộc là tiên quyết mà vẫn cho rằng Trung Quốc thắng thế sẽ giúp chủ nghĩa xã hội vững mạnh, thì ở tầm toàn cầu, ai lãnh đạo thế giới chăng nữa, Việt Nam cũng không liên can. Vì dù Hoa Kỳ hay Hoa Lục, với thực tế lịch sử đã trải qua, người Việt biết rằng nước nhỏ cần uyển chuyển trước nước lớn để bảo đảm cho môi trường phát triển của mình.
Thế nhưng, sẽ có sự khác biệt hết sức lớn đối với Việt Nam khi một trong hai quốc gia này chi phối trật tự thế giới. Phần Hoa Kỳ, với cựu thù, họ không đối nghịch về lãnh thổ hay chủ quyền biển. Phần Trung Hoa, với người bạn hữu hảo, ngoài vấn đề lãnh thổ trên bộ đã im ắng, nay họ đang manh tâm cướp đoạt biển đảo. Trừ khi từ bỏ ý đồ thống lĩnh hoặc chiếm lĩnh xa bờ, nhà Hán của thế kỷ XXI sẽ không bao giờ ngừng việc khuất phục đồng chí phương Nam, như là điều kiện tiên quyết để thực hiện chiến lược biển của mình. Như vậy, ngay từ những bước đầu tiên của cuộc tranh đua hải dương, biểu hiện quan trọng nhất của tranh đua toàn cầu Mỹ – Trung, liệu ta có thể là kẻ vô can không?
Nếu chặt khúc toàn cục để lấy cái ngọn, tức sự cạnh tranh ngôi vị toàn cầu, thì chúng ta là người bên ngoài. Nhưng khi xét trong tiến trình tổng thể, từ điểm xuất phát, thì rõ ràng ta đứng bên trong. Thậm chí, cho dù chỉ xét cái kết cục tận cùng, giả định rằng Hoa Lục sẽ bá chủ, thì trên con đường đi đến đó, chủ quyền của Việt Nam đã bị họ bước qua để đi tiếp. Và tại thời điểm lên ngôi của họ, Việt Nam hoặc phải tự tay dâng lấy toàn bộ biển đảo và độc lập của mình, chịu sự đồng hóa, hoặc phải đối diện với những “trừng phạt” trực tiếp và tàn khốc.
Nhưng dù chưa tính đến viễn cảnh đó, thì với tương quan Việt – Trung trong bối cảnh hải dương khu vực và thế giới, có đưa yếu tố Mỹ vào hay không cũng không thay đổi được thực tế là Việt Nam đương nhiên ở vào thế đối nghịch với Trung Quốc, trừ khi nước nhỏ có ý tưởng phục tùng.
Với tương quan Mỹ – Trung, trong cuộc đấu ngôi vị thế giới, có đưa yếu tố Việt vào hay không cũng thay đổi được thực tế là phương Nam nằm trong số những đối tượng chính yếu mà phương Bắc phải khuất phục để xác quyết vị thế toàn cầu mới.
Như thế, giống như trường hợp vai trò đúng của nội lực bị viện dẫn sai trong tương quan với ngoại lực, ý kiến về bên thứ ba xuất phát từ sự thật cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung để kết luận “giả tưởng” rằng chúng ta chỉ là người bên ngoài.
4. Các bên thứ ba tương tự giúp gì được cho bên thứ ba Việt Nam?
Sau khi Việt Nam và Indonesia nối tiếp nhau giữ ghế chủ tịch khối Đông Nam Á, Hoa Kỳ bắt đầu có những bước đi cụ thể nhằm chuyển hướng quân sự. Từ thời điểm đó, không hẹn mà gặp, các nước có chung nền “văn minh lúa nước” bèn quay về lo cho mảnh ruộng, ao làng bình yên của mình, thay vì cho biển lớn đang dậy sóng.
Kampuchea công khai ủng hộ Trung Quốc trong tranh chấp.
Lào chăm chút cho các đập thủy điện trên dòng Mekong, vốn có thể gây hại lớn nhất cho đồng minh truyền thống của mình.
Malaysia nay hòa hoãn hơn nhiều, thậm chí còn thẳng thừng “Kẻ thù của quý vị không có nghĩa là kẻ thù của chúng tôi”, trong khi trước đó còn kêu gọi ASEAN đoàn kết trong tranh chấp.
Singapore luôn kêu gọi Mỹ quay lại vùng nhưng tự mình không đóng vai trò tích cực hơn trong khối, thậm chí khó chịu với Philippines khi nước này kiện Trung Quốc ra toàn quốc tế.
Thailand và Myanmar không cần lo toan với vị trí cách xa Biển Đông. Brunei không phải toan tính với một mẩu biển lọt giữa Malaysia.
Indonesia là quốc gia biển không có mặt trong tranh chấp và giữ thế lớn nhất trong tiểu vùng, thì cần giữ thái độ không nghiêng về ai để còn làm trung gian giữa các bên.
Việt Nam, dù là một bên tranh chấp chính nhưng luôn kiên trì con đường riêng với bên kia.
Còn lại mỗi Philippines, không từ bỏ giải pháp chính trị nhưng tiến hành đồng thời cả biện pháp pháp lý lẫn xúc tiến liên minh quân sự.
Trước sự tích cực hơn của Mỹ, thay vì tiếp tục giữ thế tiến công ngoại giao trong hai năm 2010 và 2011 để hợp lực, hầu hết các nước ASEAN dường như đều “nhận ra” chỗ đứng bên ngoài của mình trong bàn cờ chiến lược Mỹ – Trung. Nhưng cách nghĩ đó là tiếp cận rất tai hại cho ASEAN, cho các nước trong tranh chấp Biển Đông và cho Việt Nam.
Việt Nam thấy rằng mình là bên thứ ba, muốn đứng ngoài những gì được cho là không liên quan đến lợi ích của mình, sao trách được Kampuchea khi họ hoàn toàn là người ngoài cuộc trong tranh chấp Việt – Trung, sao trách được họ đã chọn lấy nước lớn, vì với bên thứ ba, hà cớ gì phải chọn bên yếu hơn để mình mất đi lợi ích mà còn rước họa vào thân?
Việt Nam xem mình là bên thứ ba, sao tránh được Singapore, Malaysia, Indonesia sẽ là người ngoài cuộc khi mà tranh chấp ở bắc và trung phần Biển Đông là của người khác, còn mình đã ở vị trí luôn được đồng minh bảo đảm an ninh, nhờ tuyến lưu thông qua các eo Malacca, Sunda và Lombok.
Các nước ASEAN khác cũng có quyền lợi riêng tương tự, tùy vị thế của họ, mà với tư cách bên thứ ba, Việt Nam không thể trông mong nhiều.
Trong khi hối thúc Mỹ nhập cuộc thì trừ Philippines, các nước ASEAN, kể cả Việt Nam, lại từng bước biến mình thành người ngoài cuộc trước bối cảnh của khu vực và của chính mình, bằng những động thái thiếu thực chất. Trước vai trò không thể né tránh của cường quốc, họ nuôi hy vọng chuyển gánh nặng sang Hoa Kỳ, còn mình trở thành bên thứ ba, đi dây để hưởng lợi.
Nhưng, không giống các nước trong khu vực, Việt Nam vừa rất khác về quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, vừa sử dụng một chiến lược chú trọng chiều rộng ngoại giao, thiếu chiều sâu chính trị và quân sự trong tương quan với bên ngoài, nên khó mà hưởng lợi tương tự như họ.
Đối với Mỹ, nếu Việt Nam cho rằng mình đứng ngoài chuyển biến chiến lược chung, và cũng muốn họ thuần túy là bên thứ ba trong vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc để giữ sự hòa hiếu với phương Bắc, thì Hoa Kỳ sao phải cố xem mình như người trong cuộc? Và theo đó, họ đương nhiên chỉ cần can dự một cách tối thiểu về ngoại giao vì cho dù trên toàn cục, nhắm đến tự do hàng hải và kiềm chế đối thủ, thì với những tranh chấp cục bộ mà mình không có liên hệ đồng minh, họ cũng phải giữ sự hòa hoãn cho riêng mình khi còn có thể.
Thế giới ngày nay đầy những ràng buộc, và chúng đều tác động đến quyền lợi và an ninh của từng quốc gia liên quan, tùy theo mức độ liên hệ. Nên dù có cố dựa vào cái lợi ích và an ninh chung để thủ lợi cho mình, thì cũng sẽ chẳng ai hy sinh quyền lợi và an ninh của họ để nhập cuộc nếu bản thân người trong cuộc mà còn không dám vào cuộc.
Cái nhận thức kiểu trục lợi của nhiều nước ASEAN và Việt Nam là một vấn đề có hai khía cạnh. Một mặt, họ muốn biến nhân tố bên ngoài thành nhân tố bên trong nhưng lại chuyển nhân tố bên trong thành nhân tố bên ngoài. Điều đó hoàn toàn bất khả, vì vị thế trong hay ngoài, ngoài thế và lực, còn gắn liền với vị trí của mỗi đối tượng: cái có vị trí bên ngoài có thể mang vị thế bên trong, nhưng cái tại chỗ không thể dời khỏi vị trí ấy để thành cái bên ngoài. Mặt khác, dù muốn người ngoài cuộc giữ vị thế trong cuộc nhưng họ lại muốn kẻ đấy đứng ở bên ngoài chứ không có vị trí tại chỗ. Mà vị trí ấy, ngoài sự hiện diện về chính trị, kinh tế, còn phải đứng chân quân sự tại khu vực, tức có sựliên minh cơ hữu và hiện diện thường trực hay bán thường trực của đồng minh.
Như vậy, cũng giống trường hợp nội lực và ngoại lực, quan niệm rạch ròi về bên thứ ba nhằm tách khỏi thời cuộc mà mình vốn dĩ đã ít nhiều liên đới, là không thấy được sự hàm chứa vị trí của nhau giữa các bên trong từng quan hệ và tổng thể quan hệ, không thấy sự chuyển hóa giữa trong và ngoài, tại chỗ và từ xa, bên này và bên kia, để hợp lực và củng cố vị thế cho chính mình và cho các bên có cùng lợi ích.
Quan niệm đó không những làm giảm hiệu năng đương cự của cả các chủ thể trong khu vực lẫn từ bên ngoài, vừa có thể được vận dụng để thúc đẩy chủ trương song phương mà phương Bắc kiên trì với từng nước nhỏ phía nam.
Vì quyền lợi, các nước ít nhiều liên quan đều tìm cách xác lập vị trí bên thứ ba, xem như cách để bảo toàn và thăng tiến nó. Nhưng kỳ thực, vai trò ngoài cuộc ảo đó lại là yếu tố phá hoại chính quyền lợi mà họ muốn bảo vệ.
Nhưng dù sao, đến đây, lại liên quan đến quyền lợi, hẳn có người vẫn chưa dứt được boăn khoăn về nó trong quan hệ đồng minh.
5. Quyến lợi trong quan hệ đồng minh ra sao? (2)
Quyền lợi của mỗi quốc gia và liên quốc gia không phải là cái bất biến và phi thời gian. Tùy theo giai đoạn lịch sử, bối cảnh địa-chính trị và vị thế của mỗi nước mà các quyền lợi ấy sẽ biến chuyển. Do vậy, đồng minh là quan hệ luôn tồn tại cùng lịch sử loài người, nhưng các quan hệ đồng minh cụ thể lại là cái luôn thay đổi, dù ít hay nhiều, dù mau hay chậm, tạo nên sự đa dạng của loại liên hệ này.
Xem quyền lợi của mình nằm ngoài tổng thể quyền lợi chung của đồng minh (đã định hình hay tiềm tàng) đã là sai lầm. Lấy quyền lợi ấy làm cái bất di bất dịch mà các quốc gia đồng minh phải đáp ứng đầy đủ và dưới mọi hoàn cảnh, thì càng sai lầm hơn. Bởi, vấn đề không phải ở việc cố định một lần về quyền lợi và đồng minh, mà là hòa hợp các quyền lợi đó trong thế linh hoạt của mình trước các tình thế chiến lược ở mỗi thời đoạn lịch sử, để phục vụ cho một quyền lợi tối thượng, là sự tồn vong của dân tộc.
Các trường hợp trong thế chiến thứ II, trường hợp Trung Quốc trong tương quan với Liên Xô và Mỹ, trường hợp Đài Loan trong quan hệ với Hoa Lục và Hoa Kỳ, chính là sự hòa hợp và linh hoạt đó. Các trường hợp gần gũi khác cũng vậy.
Ở thế kỷ trước, trong bối cảnh “bóng ma cộng sản” đang lan tràn, các nước Đông Nam Á đã lập tức liên kết với nhau và liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ để ngăn chặn. Đến khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, họ lại công khai hất cẳng Mỹ khỏi khu vực. Thậm chí, khi nổi lên bốn con rồng châu Á, trên khắp Đông Nam và Đông Bắc Á đã xuất hiện tâm lý bài phương Tây, đề cao các giá trị châu Á với xu hướng gắn kết với Trung Hoa.
Cùng thời kỳ, ngay cả đối với nước Nhật, cũng đã có ý kiến cho rằng sẽ hình thành một khối liên kết với Trung Quốc để đối trọng với Mỹ và châu Âu. Trên thực tế, đã có những xê dịch đầu tiên cho điều ấy khi quốc gia Tây phương Đông Bắc Á này khởi động tiến trình thoát khỏi các căn cứ quân sự Mỹ, mà cho đến chính phủ tiền nhiệm của Shinzo Abe vẫn còn loay hoay toan tính.
Ấy thế mà, vào lúc này, Singapore, quốc gia Đông Nam Á từng ồn ào nhất về giá trị của châu lục và hô hào nhiều nhất cho một tiểu vùng không có Mỹ, lại là nước sớm nhất và không ngớt lời, không nhỏ lời kêu gọi “đế quốc” quay lại, đồng thời chấp nhận những đợt lưu trú không thường xuyên và bán chính thức của lực lượng Hoa Kỳ, để ngăn ngừa từ xa và từ sớm người bạn ít nhiều cùng chủng tộc và mới ngày nào còn cùng chung giá trị.
Phải chăng họ kêu gọi Hoa Kỳ quay lại mà không biết rằng sẽ có những tác động chính trị, xã hội cho đất nước mình? Phải chăng Nước Mỹ quay lại mà không biết rằng họ đã từng hất mình đi khi xong việc?
Rồi thêm, giới nắm quyền ở Phnom Penh hiện nay quay lưng lại đồng minh mà họ hàm ơn việc thoát khỏi nạn diệt chủng, để đi với đồng minh mới – vốn là kẻ đầu trò từng đẩy đất nước vào cảnh gần như diệt vong – chẳng phải là kẻ xa lạ hay các thế hệ sau, mà cũng chính là những con người của cuối thập niên 1970 nặng tình với Việt Nam.
Xung quanh là thế. Chỉ có Việt Nam, đứng trước kẻ đe dọa “trực tiếp và nguy hiểm nhất” đối với chủ quyền biển, trong tình thế cấp bách, là cứ mãi tính toán cho trọn vẹn, tròn trịa mọi thứ quyền lợi, kể cả những cái hoàn toàn nằm ngoài phạm trù quốc gia-dân tộc.
Khi đặt quyền lợi trong quan hệ đồng minh, mấu chốt không phải là tiêu chí về một sự bảo đảm hoàn hảo cho nó suốt cả quá khứ, hiện tại, tương lai, và bất biến trong mọi tình huống, là điều chỉ có trong bối cảnh tương tự như điều kiện lý tưởng của môi trường thực nghiệm khoa học tự nhiên; mà cốt yếu là quyền lợi đó như thế nào và được xét ra sao, trong từng bối cảnh lịch sử-cụ thể. Theo đó, có hai vấn đề cần giải quyết:
– Đâu là quyền lợi quyết định trong số những quyền lợi có chung với các bên tương tác, để từ đó xác định đồng minh: có xác lập đồng minh hay không và những đồng minh nào là khả dĩ, loại đồng minh nào đi với đối tác nào…
– Theo diễn biến lịch sử và chiến lược, quyền lợi riêng và quyền lợi chung sẽ biến chuyển như thế nào, từ đó mà thẩm định (các) liên hệ đồng minh đã có và hướng xử trí tiếp theo: tách đồng minh cũ, tạo đồng minh mới (hoặc không), hay thay đổi nội dung, hình thức của liên kết đã có và sẽ có.
Như vậy, ở tầm chiến lược, đối diện với bất kỳ quốc gia nào cũng không thể nhận thức quan hệ đối tác hay đồng minh bằng câu chữ tuyên truyền hoặc khái niệm đạo đức[3]. Cũng không phải tạo lập đồng minh là thụ động, để đồng minh quyết định thu nhận và sắp đặt quan hệ cho mình, càng không phải là dựa dẫm một chiều để phải nơm nớp lo đến ngày mình sẽ bị bỏ rơi hay bỏ rơi người khác. Ngược lại,chính mình phải chủ động xác lập và điều chỉnh các quan hệ đối tác và đồng minh trên cơ sở tương thích quyền lợi và điều kiện lịch sử. Do sự tương thích và điều kiện đó, nên đồng thời, liên hệ đồng minh cũng không phải là cái chủ quan, muốn có hay muốn không mà được, không phải là cái muốn đeo bám thì đeo, muốn bỏ rơi thì bỏ.
Một đồng minh trên cơ sở địa lý hay dân tộc, thể chế hay quân sự, một khi đã không muốn giữ tương tác như giữa các đối tác bình đẳng, mà chuyển thành quan hệ giữa người khuất phục và kẻ bị khuất phục, thì phía yếu hơn chỉ có một con đường để tránh họa nô lệ, là từ vị thế của mình mà xác lập các quan hệ ngoại biên khác nhằm đương cự lại, chứ không thể viện dẫn tình nghĩa quá khứ hay chính nghĩa cao đẹp mà giữ được độc lập và chủ quyền. Lịch sử các dân tộc không hề thiếu dẫn chứng về sự xoay chuyển này.
Đồng thời, một bên của liên minh cơ hữu hay đồng minh giá trị, khi vẫn có chung quyền lợi, chung các giá trị thực chất, và vẫn giữ vị thế mà tương tác chung cần đến, thì đối tác của nó, dù lớn mạnh hơn cũng không thể rời bỏ. Trở lại các ví dụ gần gũi, ta sẽ thấy.
So với tiềm năng khổng lồ của Hoa Lục, Đài Loan không là gì, vậy sao Hoa Kỳ không buông hẳn để đổi lấy niềm tin chiến lược của đối tác lớn về sự chân thành đối với chính sách một nước Trung Hoa? Vào năm 1979, khi căng thẳng chiến tranh lạnh lên cao do sự can dự của Liên Xô vào nội tình Afghanistan, trong hoàn cảnh cần định hình một mặt trận thống nhất giữa Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản và Trung Quốc để chống lại, nước Mỹ vẫn đi trước một bước để giữ vững cam kết đồng minh với Đài Loan. Tháng Tư 1979, Đạo luật Quan hệ với Đài Loan (Taiwan Relations Act) có hiệu lực, nhìn nhận quan hệ thực tế với Đài cùng với các điều khoản nhằm giúp nơi này tăng cường năng lực tự vệ, đồng thời cho phép can thiệp quân sự nếu hòn đảo bị tấn công.
So quan hệ tay ba Mỹ – Trung – Nhật trên bình diện chung hay trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, cũng tương tự như thế.
Cái mà Hoa Kỳ không thể buông rơi quan hệ đồng minh với Đài Loan và Nhật Bản không phải chỉ là vị trí địa lý của họ. Nhìn sang Myanmar để so thì điều đấy quá rõ. Nước này có vị trí quan trọng với cả Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ, lẫn với các nước Đông Nam Á giáp giới, nhưng không vì thế mà Mỹ muốn có họ bằng mọi giá. Chỉ sau khi Naypyidaw có những bước đi vững chắc từ bỏ nền độc tài quân sự, quan hệ thân thiện hơn mới được xác lập.
Từ đó có thể thấy, dù là nước nhỏ và yếu hơn trong quan hệ đồng minh hay trong thế trận chiến lược, thì vấn đề là ở chỗ nước đó như thế nào và có gì để đồng minh hay đối tác phải giữ lấy, chứ không phải chỉ tìm kiếm sự an toàn (đối với mối đe dọa và với nguy cơ bị bỏ rơi) bằng cách cho rằng mình có thể nằm ngoài quan hệ và thế trận ấy mà “khai thác” nó cho lợi ích riêng.
6. Tránh né quan hệ đồng minh, được gì?
Dù không muốn tạo quan hệ đồng minh, có đúng là Hà Nội chủ trương “trung lập” bằng chính sách “ba không”?
Không kể lịch sử từ năm 1954 đến khi khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, không kể Hội nghị Thành Đô năm 1990 mở ra một giai đoạn đồng minh mới với phương Bắc, Việt Nam hiện nay cũng chưa bao giờ ngừng theo đuổi chính sách liên kết, ngấm ngầm và có chọn lọc.
Trước đe dọa ẩn tàng về một vùng biển bị xâu xé khi các thế lực dồn về Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc, Hà Nội đã chủ động, đi trước, nhằm xoay chuyển chính tình thế đó theo hướng có lợi. Đồng thời với việc đẩy mạnh giao lưu với hải quân các nước tại các hải cảng của mình, Việt Nam cũng tăng cường chia sẻ nguồn lực biển với các quốc gia thân hữu để họ hiện diện tại Biển Đông. Đây là đối sách sáng tạo và đúng đắn, chỉ có điều, với mặt thứ nhất, đó chỉ là những liên hệ phi quân sự và thuần túy về chiều rộng; với mặt thứ hai, đã nhầm lẫn đối tượng để hướng đến, bởi vẫn đứng trên sự lựa chọn cảm tính.
Trọng tâm đầu tiên của Hà Nội là New Delhi, vốn là người bạn luôn dành ủng hộ cho Việt Nam trong thời chiến cũng như thời bình, và cũng là một bên xung khắc trên bộ với Trung Quốc, nay lại bị đe dọa lấn sân ở Ấn Độ Dương. Trong tương lai, việc Ấn Độ khai triển đối ứng tại vùng biển phía nam của Hoa Lục là khả dĩ. Và chính Việt Nam đã thúc đẩy điều đó bằng việc liên tục đưa ra các đề nghị thăm dò, khai thác dầu khí. Hà Nội muốn đặt quyền lợi kinh tế vào tay New Delhi để họ phải bảo vệ nó, qua đó mà can dự sâu hơn vào vùng biển này. Xa hơn một bước, Việt Nam đã mời hải quân Ấn “ướm chân” tại vịnh Nha Trang[4], nơi mà cho đến gần đây, không một tàu quân sự của quốc gia nào khác được tiếp cận[5].
Dù vậy, ngoài những tuyên bố mang tính ngoại giao như các đối tác khác về tự do hàng hải và an ninh khu vực, phía Ấn cũng công khai rõ về giới hạn vai trò của mình. Tại Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm Quan hệ Đối thoại ASEAN – Ấn Độ ở New Delhi (20-21/12/2012), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi nước chủ nhà hậu thuẫn ASEANtrong vấn đề Biển Đông, nhưng Ngoại trưởng Ấn Salman Khurshid lại cho rằng chủ quyền phải được giải quyết giữa các nước tranh chấp. Trước đó, trong cuộc họp báo vào tháng Tám 2012, Tư lệnh hải quân Ấn, Đô đốc Nirmal Verma cho biết, dù có sự tái cân bằng chiến lược của Hoa Kỳ cùng với việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh và quyết đoán hơn trên biển, lợi ích hải dương của Ấn Độ vẫn ở khu vực từ eo Malacca đến Vùng Vịnh, kéo dài xuống mũi Hảo Vọng. Ông nói thêm, Ấn sẽ không tích cực triển khai quân sự ở Biển Đông, đồng thời cho rằng dù có tranh cãi, các bên ở vùng biển này vẫn phải bảo đảm cho thông thương quốc tế.
Không phải New Delhi co thủ, mà là Hà Nội đã tính toán quá đà. Các nhà làm chiến lược của Việt Nam muốn “đi tắt đón đầu”, “đốt cháy giai đoạn” trong khi chưa phải lúc để Ấn Độ trực tiếp can thiệp ở vùng biển Đông Nam Á. Họ vẫn đang theo đúng “lịch trình” hữu dụng, là trước mắt, cần tập trung cho khu vực vịnh Bengal và biển Andamannhư là chiến lược hữu hiệu để chốt chặn một đầu Biển Đông, ở nơi vừa cách không xa Malacca, vừa trực diện với kênh Kra dự phóng. Đối sách này còn là sự phân bố lực lượng hợp lý khi mà ngoài 60 phần trăm hải quân Mỹ sẽ tập trung cho châu Á-Thái Bình Dương, vùng biển Đông Bắc Á và Đông Nam Á lại có một trục liên hoàn Nhật – Phi – Úc, trong khi tại Ấn Độ Dương, ngoài lực lượng Mỹ có thể sẽ giảm bớt, chỉ có hải quân Ấn thường trực.
Đối với Nga, Việt Nam cũng có sai lầm tương tự. Con át chủ bài Cam Ranh luôn được bắn tin là rộng cửa mở cho Nga. Sau khi thông qua Luật Biển (21/06/2012) và tình hình căng thẳng quanh “Tam Sa”, trong chuyến thăm đồng minh khắng khít một thời (26-30/07/2012), Chủ tịch Trương Tấn Sang đã mở lời về Cam Ranh, cùng với khẳng định thuận lợi của Tổng tham mưu trưởng Hải quân Nga. Tuy nhiên,Bộ Quốc phòng Nga đã lập tức bác bỏ khả năng này.
Nga đã giữ im lặng trong lúc Biển Đông sôi động nhiều năm qua. Lần đầu lên tiếng của họ lại là quan điểm có lợi cho sự tự tung tự tác của Trung Quốc dưới chiêu bài quen thuộc của giới ủng hộ sự độc tài quốc gia và quốc tế: chống can thiệp. Khi tình hình Scarborough đang căng thẳng, ngày 20/05/2012, Đại sứ Nga tại Philippines, Nikolay Kudashev, nói rằng lập trường chính thức của nước ông là phản đối can thiệp của nước ngoài vào Biển Đông, vì đó là chuyện nội bộ của các nước có tranh chấp mà cả Mỹ và Nga đều không liên quan. Lần thứ hai lên tiếng của họ là mới đây, sau khi Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines… đều ít nhiều chỉ trích Trung Quốc trong vụ đưa giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam, thì duy nhất một lần vào ngày 16/05/2014, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga mới cất tiếng, thể hiện thái độ tuyệt đối đứng ngoài, theo công thức ngắn gọn có sẵn, kêu gọi kiềm chế và hy vọng hai bên đàm phán hòa bình.
Khách quan mà nói, về mặt chiến lược và lợi ích quốc gia, Nga không sai, mà là Việt Nam đã lượng định không đúng. Trong khi điều tiên quyết đối với Moscow trước khi có thể chuyển hướng, là củng cố và giành lại không gian hậu Xô Viết trong chừng mực có thể, thì Hà Nội lại muốn họ quay về Đông Nam Á. Nước Nga thời Putin chỉ tận dụng thế mạnh dầu khí và vũ khí nhằm lấy lại vị thế về kinh tế và chính trị phục vụ cho mục tiêu vừa nói. Họ hiện là thế lực duy nhất trên thế giới vừa là “lái dầu” vừa là “lái súng” tầm cỡ. Với họ, Việt Nam cũng chỉ là một bên hợp tác về dầu khí và là khách hàng lớn về vũ khí, như mọi đối tác loại này của họ, kể cả Trung Quốc. Nên với hai bên tranh chấp, họ có thể hữu nghị và nhận tiền mua bán từ cả hai, mà không thể nào “thiên vị” cho một bên. Đó là chưa kể, Trung Quốc là đối tác có vị thế và tiềm lực mà họ cần đến, nhiều hơn là điều tương tự có ở đối tác nhỏ hơn[6]. Vậy mà nước Việt đương thời vẫn mãi lấy tiêu chí “thủy chung” để hy vọng vào một thế lực thân Việt Nam nhất hiện diện ở Biển Đông, vừa để kiềm chế Hoa Lục vừa để cân bằng với Hoa Kỳ[7].
Tất nhiên, về chiến thuật ngoại giao, Hà Nội nói rằng tàu của thân hữu vào Nha Trang hay Cam Ranh để thăm hữu nghị hay nhận dịch vụ hậu cần. Nhưng về toan tính chiến lược, khoảng cách giữa căn cứ sửa chữa quân sự và căn cứ quân sự chẳng có gì xa xôi, vấn đề chỉ là có đi đến nhất trí và đạt được thỏa thuận đằng sau những ngôn từ ngoại giao hay không. Với Ấn và Nga, lời đáp từ phía họ là không.
Việc nhắm đến Ấn và Nga không phải chỉ vì những tương đồng dễ thấy, mà còn bởi đây là những thay thế sáng giá nhất cho Nhật và Mỹ, là những đối tác sẵn lòng tạo thế liên minh hơn.
Đối với Nhật, truyền thống cương cường, sự hào phóng, nhanh nhạy, chủ động hỗ trợ nước nhỏ, cùng với vị trí địa lý rất thuận lợi khi cơ động vào vùng biển Đông Nam Á, chỉ thua Ấn ở mỗi nền quốc phòng còn bị ràng buộc bởi một hiến pháp thuần phòng vệ (mà thực tế đang tiến đến tháo gỡ), cũng không khiến Hà Nội đặt nặng hơn Ấn.
Khi so với Nga, Hoa Kỳ cũng tương tự vậy, trong khi đây là quốc gia duy nhất đủ sức và sẵn sàng đối trọng, điều phối các liên hệ đa quốc nhắm vào các thách thức quốc tế. Họ đương nhiên không phải là đối tác duy nhất trong chiến lược kiềm chế tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, nhưng là đối tác khả dụng nhất và quyết định nhất.
Lẩn tránh đồng minh khả thi để theo đuổi đồng minh bất khả thi là thực chất và đích đến của chiến lược phi liên kết của Việt Nam.
Chối bỏ quan hệ đồng minh trên lý thuyết nhưng thực tế lại huy động và trông chờ sự can dự rộng rãi, cũng như vận động sự hiện diện có chọn lọc của các thế lực khác, là đối sách mà Hà Nội cho là hữu hiệu nhất. Nó vừa tránh công khai liên kết để không kinh động đến Bắc Kinh, vừa bảo toàn được các quyền lợi “ý thức hệ”, vừa có được các liên hệ rộng cho sự ủng hộ ngoại giao, vừa tạo quan hệ thực chất với những đối tác đặc biệt riêng có để nhận sự hậu thuẫn chính trị và quân sự, vừa tranh thủ được thời gian để tăng cường thực lực.
Trong số đó, chỉ có mục tiêu về các quyền lợi phi quốc gia-dân tộc là đạt được. Ngoài ra, tất cả đều dừng lại ở mức chung chung (đối với bên ngoài) hoặc chưa thể đạt mức cần thiết (đối với thế và lực bên trong).
Mục tiêu kiềm chế Trung Quốc đã không đạt được, ngoài khoảng thời gian 2012-2013 có sự êm thắm tạm thời. Nhưng thật ra, đó cũng là hai năm mà Bắc Kinh triển khai thành công đối sách phân hóa ASEAN, và cũng thành công khi đẩy Hà Nội sâu vào thế tự tin, cả trong quan hệ với Trung Quốc[8] lẫn trong chính sách “phi liên kết”. Phần mình, họ không ngây thơ tin vào chủ trương “trung hòa” giữa các thế lực của Hà Nội.
Mục tiêu nhắm đến các quốc gia thân hữu đã không đạt được, ngoài sự lên tiếng hết sức chừng mực.
Mục tiêu đối với các đối tác chiến lược đủ loại khác cũng đã không đạt được, ngoài những tiếng nói ngoại giao đề cập đến khía cạnh có liên quan đến trật tự toàn cầu.
Kết quả:
– Đối với Việt Nam, khi vô sự là những giao dịch tiền bạc và ca tụng ngoại giao, khi hữu sự là sự cô độc về lực lượng và hành động.
– Các ngỏ quan trọng quanh rìa đông nam biển Đông Nam Á đã được “đón lỏng”, từ sự quyết đoán trong thế liên minh của các quốc gia. Ngoài Nhật Bản ở rìa cực bắc, quay mặt vào Biển Đông và dễ tiếp cận Hoàng Sa, Trường Sa là chuỗi các căn cứ hải quân và không quân tại Philippines, nay đã được trao quyền sử dụng cho Hoa Kỳ. Cực nam là các cơ sở quân sự tại Úc, đất nước đang ngày càng ra mặt ủng hộ đồng minh. Tây nam là eo Malacca mà cả Hoa Kỳ và Ấn Độ đều không bao giờ sao nhãng. Cực tây là chuỗi căn cứ của Ấn tại hai quần đảo Andaman và Nicobar.
– Không kể phần dọc theo Trung Quốc, rìa tây Biển Đông, đồng thời cũng là mạn đông kéo dài suốt Việt Nam, là vùng duy nhất hở sườn, mà Hải Dương 981 và Nam Hải 9 đang giúp phô bày.
– Mối liên kết đa quốc ở rìa đông nam Biển Đông vừa đủ khả năng tập hợp thêm lực lượng mà cũng đủ sức bảo vệ sự thông thương, khi cần. Sự phi liên kết ở rìa tây thì đang trực diện với nguy cơ bị cướp đoạt tài nguyên và ngư trường, mà chính quyền sở tại không thể bảo đảm điều tối thiểu là sự an toàn sinh kế của người dân nước mình.
Rõ ràng, trong đối sách với phương Bắc, thực tế đã hiển hiện: chần chừ chỉ có chết.
7. Chần chừ chỉ có chết: lời kết không cần đặt dấu hỏi
Tất nhiên, tới đây, Việt Nam vẫn cần thực hiện các đối sách một cách khôn khéo, nhưng điều đó không thể theo lối cũ được nữa.
Trong những ngày này, Hà Nội đã nhanh chóng thể hiện chiều hướng liên kết với Manila, cũng như có động thái mới với Washington. Nhưng định hướng ấy cần tiếp tục đi vào chiều sâu và thực tế, chứ không thể dừng lại ở mức dùng quan hệ với Hoa Kỳ và các quốc gia có thể liên minh khác như một phương tiện để giữ lấy quan hệ đồng chí với Hoa Lục.
Với nước lớn, không bao giờ muộn khi có thêm đồng minh. Nhưng với nước nhỏ, sẽ quá muộn khi các ưu thế tuột vào tay người khác, trong khi nó có thể đã là thế và lực mới của mình nếu không chần chừ.
Thời điểm mà Hà Nội không còn thể đi dây hữu hiệu nữa, nay đã đến.
Thời điểm của cục diện Philippines có thể sẽ đến khi họ nổi lên như tác nhân chính thay cho Việt Nam, bởi họ vừa là bên chủ động pháp lý kiện Trung Quốc, vừa là nhân tố quân sự tích cực trong kế hoạch cân bằng chiến lược, vừa là chủ thể chính trị đi đầu, dứt khoát và mạnh mẽ đấu tranh với các hành động thay đổi nguyên trạng Trường Sa từ phương Bắc. Với vai trò đó, sự hậu thuẫn của đồng minh và quốc tế sẽ tập trung cho họ.
Thời điểm mà Đài Loan xác quyết vị thế của mình trong tranh chấp có thể sẽ đến nếu họ được sự ủng hộ để trở thành một bên của tiến trình COC.
Thời điểm mà Hoàng Sa và Trường Sa, với tư cách yếu tố độc lập tương đối, chi phối lại các chủ thể tranh chấp cũng đang đến khi Trung Quốc đẩy mạnh phát triển “Tam Sa” và (có thể) hải đảo hóa những nơi đã cưỡng đoạt ở Trường Sa.
Trong viễn cảnh đó, nếu Việt Nam tiếp tục thụ động với những chủ trương như hiện nay, thì khả năng Biển Đông bị xâu xé cũng sẽ đến, vì thế giới sẽ không để Trung Quốc độc chiếm vùng biển này. Khi ấy, Hà Nội khó mà lại chuyển hung thành kiết được nữa. Một khi các liên minh trong vùng chính thức định hình và hiện diện đầy đủ ở những điểm xung yếu mà không có Việt Nam, với những trải nghiệm trong quan hệ với Hà Nội, có phần chắc các nước này cũng sẽ buông đầu dây phía họ, như Bắc Kinh đã vừa buông.
Trước việc Bắc Kinh dùng hệ thống giàn khoan làm công cụ xâm lược biển, duyên hải phía đông đang phơi ra như một khoảng trống quân sự mà Việt Nam sẽ không thể tự mình lấp đầy. Hà Nội không nên hy vọng rằng việc tập trung của các thế lực khác ở những nơi khác quanh Biển Đông sẽ khiến Hoa Lục quay sang đối phó, từ đó mà xuống thang với láng giềng phương Nam. Thực tế trước nay là, dù vẫn đối ứng với thế lực lớn, họ sẽ lấy những thế lực nhỏ, yếu làm mục tiêu hàng đầu.
Để hóa giải sự thất thế đó, kiện ra tòa án quốc tế, một khi Hoa Lục không thừa nhận, sẽ vô hiệu đối với họ. Nhưng cũng chính vì thế, giải pháp pháp lý này trở thành một giải pháp chính trị và ngoại giao hữu hiệu mà Hà Nội không nên chần chừ, thay vì việc chọn tâm điểm là sựvận động ngoại giao tràn lan, thiếu hiệu quả.
Giải pháp chính trị hàng đầu là bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông, thì đang bị Bắc Kinh hủy hoại ngay từ trong tiến trình ỳ ạch của nó, bằng cách trì hoãn và dùng sức mạnh tạo nên hiện trạng mới có lợi cho mình. Họ đang đi trước nhiều bước để một khi COC hình thành, sẽ phải ghi nhận sự xâm thực đó bằng tiêu chí giữ nguyên hiện trạng.
Cùng lúc, trung tâm chính trị hàng đầu cho việc xử lý tranh chấp, là ASEAN, cũng bị Hoa Lục phân hóa và tự phân hóa, bị trói tay và giảm hiệu năng bằng nguyên tắc đồng thuận cả khối.
Giải pháp kinh tế chống Trung Quốc, sẽ không ai tính đến chừng nào Hoa Lục còn chưa tấn công quân sự trên diện rộng nhắm vào đồng minh của các thế lực lớn.
Còn lại là giải pháp quân sự, cũng sẽ không ai tính đến với tư cách là hành động đối ứng cho sự xâm thực phi quân sự hoặc trấn áp cục bộ của Trung Quốc. Thế nhưng, nó luôn được tính đến với tư cách phòng vệ và răn đe từ xa, vừa để ngăn ngừa xung đột vừa tạo đủ lực cho xung đột, nếu buộc phải vậy. Sự răn đe đó, một nước nhỏ, yếu cả thế và lực không thể một mình mà làm được, không thể vài năm hay chục năm mà làm được, trong khi nguy cơ thì chực chờ ngay trước mắt.
Dù sao, với tất cả những điều trên, để giữ môi trường hòa bình của mỗi nước, của khu vực và thế giới, hướng chiến lược cần theo đuổi vẫn là ASEAN thực hiện vai trò trung tâm chính trị, kiên trì với COC, song hành cùng giải pháp pháp lý ở mỗi quốc gia và trong thế liên minh[9]. Đồng thời, tổ chức này cũng cần trở thành trung tâm quân sự của tiểu vùng để hoàn thiện vị thế của một bên đối tác, trực tiếp chịu trách nhiệm về an ninh của chính mình. Phần Hoa Kỳ, với vai trò của đồng minh trụ cột, là người điều phối về chính trị, ngoại giao, quân sự với các thế lực trong và ngoài vùng có can dự, và là lực lượng quân sự tối hậu làm rào chắn cuối cùng, mà các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc cần liên kết.
Việt Nam không thể nằm ngoài thế chiến lược chung đó mà nghĩ rằng vừa duy trì được mọi quan hệ tốt đẹp, vừa tự một mình bảo đảm được hòa bình, chủ quyền và an ninh, trong cái thế trọng sức mạnh mà Hoa Lục đã đặt mọi phía vào đó.
Ngoài nội lực cần một quyết tâm chính trị cao nhất mới có thể tạo đà phát triển trọn vẹn, không thể giữ được chủ quyền và nền độc lập bằng sự đơn thương độc mã của chính nghĩa suông và ngoại giao câu chữ. Nghĩ rằng có thể thắng Trung Quốc nhờ mặt trận lòng người mở ra bên trong nó và trong lòng nhân dân thế giới, như đã từng làm với nước Mỹ, là điều tuyệt đối không tưởng. Hoa Lục toàn trị của thế kỷ XXI không phải là Hoa Kỳ dân chủ của thế kỷ XX để mà phải chịu áp lực của công luận trong và ngoài nước và chịu sự phán xét trực tiếp của người dân nước mình.
Một khi nội lực chỉ là sự hô hào mà không được thực tế hóa bằng những chuyển biến triệt để và toàn diện, một khi chính nghĩa và ngoại giao còn chưa được vật chất hóa bằng sức mạnh của sự liên kết đúng đối tượng, thì chỉ là tự ta đang vô hiệu hóa mình bằng công cụ tuyên truyền.
15/05 – 30/06/2014
© 2014 Lê Tuấn Huy & pro&contra.
[1] Sau khi không thống nhất giá mới với Việt Nam, Nga không tiếp tục thuê Cam Ranh. Nhưng hai bên đồng ý để lưu trú lại một tổ thu thập tín hiệu vô tuyến hướng ra Biển Đông, chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, duy trì đến năm 2002.
[2] Hiện vẫn chưa có thông tin chính xác, nhưng qua đối chiếu, có thể đó là cuộc gặp được nhắc đến trong một bản tin của Viện Hải quân Hoa Kỳ vào tháng Hai 2008.
[3] Kiểu như “tình hữu nghị là tài sản quý báu”, “người bạn thủy chung”…
[4] Chuyến thăm Nha Trang và Hải Phòng của tàu INS Airavat (19-22/07/2011) là kết quả chuyến đi trước đó của Đô đốc hải quân Nguyễn Văn Hiến đến Ấn. Hải trình này đã khiến phương Bắc khó chịu và phản ứng theo kiểu của họ: trên đường về, ở Biển Đông, INS Airavat nhận được tín hiệu vô tuyến từ tàu không được nhận dạng của Trung Quốc, yêu cầu tàu Ấn xác định danh tính và lý do hiện diện trong vùng biển “của họ”.
[5] Cập nhật: Vừa mới đây, ngày 24/06/2014, tàu vận tải nặng USNS Cesar Chavez (T-AKE 14) của hải quân Hoa Kỳ đã từ Philippines vàoneo tại vịnh Nha Trang trong 15 ngày, để Công ty TNHH một thành viên nhà máy đóng tàu Cam Ranh bảo dưỡng.
[6] Cách đặt vấn đề tại sao Nga không ủng hộ Trung Quốc ở Biển Đông, là nhầm chủ thể. Mức độ xung khắc và xung đột giữa họ với nhau trong quá khứ khiến Kremlin thừa biết Trung Quốc là như thế nào. Mà các chiến lược gia Trung Nam Hải hẳn cũng đủ tầm để lượng định về các thế lực trên thế giới, và biết rằng họ không trông chờ sự hậu thuẫn của Nga. Câu hỏi “tại sao” ấy nên được đặt ra với Việt Nam thì đúng hơn.
[7] Cập nhật: Sau hợp đồng dầu khí 400 tỷ dollar Tổng thống Putin đạt được tại Bắc Kinh vào hạ tuần tháng Năm 2014, chỉ với việc ba tàu của Hạm đội Thái Bình Dương Nga sau hải trình công vụ ở Ấn Độ Dương trở về, ghé vào Cam Ranh ba ngày (17-20/06/2014) để nhận dịch vụ hậu cần, mà Đại sứ Việt Nam tại Nga đã lại lập tức lên tiếngmời Nga ưu tiên sử dụng Cam Ranh. Và chỉ vài ngày sau, Đặc sứ của Chính phủ được gửi sang để hội đàm với đại diện Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga, mở lời ủng hộ họ trong vai trò tại châu Á-Thái Bình Dương. Câu trả lời của họ vẫn là công thức về “nguyên tắc không can thiệp” và đàm phán hòa bình giữa các bên tranh chấp.
[8] Sự tự tin về sự gần gũi này vừa được thể hiện, vừa là kết quả từ các chuyến thăm liên tục của lãnh đạo hai nước: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc, 11-15/10/2011. Tổng Bí thư Tập Cận Bình thăm Việt Nam, 20-22/12/2011. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Trung Quốc, 19-21/06/2013. Thủ tướng Lý Khắc Cường thăm Việt Nam, 13-15/10/2013.
[9] Ý kiến về một liên minh pháp lý Việt Nam – Nhật Bản – Philippinesnên được chú ý thích đáng.
Nguồn: Pro&Contra (Tựa do Nghiencuuquocte.net đặt lại)