Việt Nam nên sử dụng Liên minh pháp lý như một phép thử?

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Trương Minh Huy Vũ & Lê Phương Cát Nhi

scarborough-china-vs-phil-International-Tribunal-on-the-Law-of-the-Sea-20130122

Những cẳng thẳng trên các khắp các vùng biển Thái Bình Dương, từ Hoa Đông đến Biển Đông, khơi dậy những thảo luận về khả năng một “liên minh pháp lý” đang hình thành giữa ba nước Nhật Bản, Philippines và Việt Nam. “Liên minh” này bao gồm những nước đang phải chịu đựng áp lực từ sức mạnh đang lên của Trung Quốc, và mong muốn giải quyết các tranh chấp thông qua con đường thương lượng ngoại giao và luật pháp quốc tế. Một sự phối hợp đang vừa là một câu hỏi, vừa là một nhu cầu.

Những động thái hàm ý

Những động thái ngoại giao gần đây cho thấy rõ xu hướng xích gần lại của ba nước. Trong khuôn khổ Hội nghị Shangri-la về an ninh Châu Á – Thái Bình Dương 2014, Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe đã đưa ra lời “tuyên chiến pháp lý” với Trung Quốc khi thách thức Trung Quốc nộp đơn khiếu nại lên toà án quốc tế.

Trước đó, đầu năm 2013, Philippines là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên yêu cầu Toà án Trọng tài Liên Hiệp Quốc (ITLOS) xem xét lại các căn cứ đòi chủ quyền của Trung Quốc trên phần lớn Biển Đông. Còn trong trường hợp của Việt Nam, theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng củng cố hồ sơ pháp lý, chuẩn bị trình Trung ương Đảng quyết định kiện việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép ở vùng biển Việt Nam.

Không chỉ các động thái riêng lẻ, những động thái phối hợp giữa các bên có vẻ như đang được kết nối ngày càng chặt chẽ. Theo tờ Nihon Keizai Shimbun, trong khuôn khổ cuộc họp tại thủ đô Manila đầu tháng 8, Ngoại trưởng Philippines và Phó thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại giao Việt Nam đã thảo luận về việc thiết lập khối đồng minh với Việt Nam và các nước thành viên ASEAN. Ngay sau đó, Thủ tướng Việt Nam cũng đã có cuộc hội đàm với phía Manila bàn về khả năng cùng hợp tác. Có thể thấy, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Philippines có một bước phát triển mới.

Trong chuyến công du đến Tokyo của Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 24/6 đến Nhật Bản, mong muốn thành lập một liên minh chống lại Trung Quốc ngày càng được thể hiện mạnh mẽ khi hai nhà lãnh đạo cùng nhấn mạnh tới sự cần thiết của luật pháp để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trong bối cảnh căng thẳng hiện nay.

Không biết rõ mong muốn này có được lập lại trong chuyến đi được đánh giá “tương đối bất ngờ” của Ngoại trưởng Philipines đến Việt Nam đầu tháng 7 này hay không. Chỉ biết Cổng thông tin Chính phủ đưa tin, hai bên đều đồng thuận với quan điểm rằng Trung Quốc đang bất chấp luật pháp quốc tế, có những hành vi vi phạm nghiêm trọng, nhất là việc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong buổi gặp mặt, Thủ tướng Việt Nam cũng đề nghị Bộ Ngoại giao hai nước phối hợp xây dựng lộ trình, nội hàm hướng tới quan hệ đối tác chiến lược.

Bốn động cơ

Một sự phối hợp giữa Việt Nam – Nhật Bản – Philippines trong mặt trận pháp lý có thể được thúc đẩy bởi bốn động cơ chính.

Thứ nhất, cả ba nước đều có chung một mối đe doạ chung là Trung Quốc. Từ 2011, tình hình biển Hoa Đông ở trong trạng thái căng thẳng thường trực với những sự kiện đụng chạm qua lại giữa Tokyo và Bắc Kinh. Với Philippines, tại bãi cạn Scarborough năm 2012, tranh chấp bùng nổ khi một máy bay tuần tra của hải quân Philippines vào ngày 8-4 đã phát hiện một nhóm gồm tám tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt. Những cuộc đụng độ giữa các tàu của hai chính phủ tại đây đưa hai nước bị mắc kẹt trong thế đối đầu nhau bằng quân sự. Gần đây nhất, Trung Quốc lại một lần nữa thể hiện mưu đồ bành trướng ngày một quyết liệt khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và liên tục đưa tàu chiến, máy bay quân sự, tàu hải cảnh vào gây hấn tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Không chỉ vậy, hình ảnh vệ tinh gần đây chỉ ra những động thái “quân sự hóa” của Trung Quốc tại bãi đá Gạc Ma và bãi đá Chữ Thập, với mục tiêu dựa vào đó mở rộng vùng EEZ và làm “bàn đạp quân sự” cho mục tiêu kiểm soát thực tế các vùng biển gần.

Thứ hai, cả ba nước đều không có lợi khi giải quyết tranh chấp bằng quân sự. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi gần đây nền kinh tế của Trung Quốc trở nên rất thịnh vượng, theo đó, sức mạnh chính trị và quân sự của Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ. Cái giá phải trả cho việc đụng độ như vậy là cao. Hơn thế nữa, việc cả ba nước đều có mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc về mặt kinh tế dẫn đến khả năng bị Trung Quốc sử dụng quan hệ kinh tế làm đòn bẩy chính trị. Đặc biệt, nếu Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế để tạo sức ép với các nước Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam tại Biển Đông thì hai nước này sẽ dễ phải chịu tổn thương.

Thứ ba, sự ra đời của một liên minh như đề cập giúp tăng lợi thế của mỗi nước so với việc từng quốc gia đứng ra kiện Trung Quốc một cách riêng lẻ. Đây có thể xem như một biện pháp “ngăn chặn pháp lý” đối đầu với chính sách mở rộng lãnh thổ bằng vũ lực từ phía Bắc Kinh. Nó chia cuộc tranh chấp ra thành hai phe không phải nhận dạng qua sự hơn thua sức mạnh hay quân sự, mà bằng “trình độ văn minh” trong việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề lãnh thổ-lãnh hải.

Quan trọng hơn, khi các bên đã đưa ra được cách diễn giải của mình về các vấn đề tranh cãi trong UNCLOS (chẳng hạn như về điều 121 khoản 3) Việt Nam và Philippines có thể liên hợp nhằm tạo ra được một sức nặng pháp lý phù hợp qua đó đảm bảo một phán quyết công bằng và đúng với bản chất của UNCLOS. Sự ra đời của hợp tác như vậy là bàn đạp hữu hiệu để kéo các nước ASEAN lại với nhau. Qua đó tăng cường cho một giải pháp nội khối cho tranh chấp Biển Đông mà một số học giả đang cổ xúy. Lợi ích từ sự thống nhất từ bên trong tạo nên một tiền lệ khá hiếm hoi nhưng lại rất quý giá cho các nước Đông Nam Á trong việc tìm kiếm một giải pháp nhằm giải quyết một cách dứt khoát các tranh chấp đã kéo dài trong suốt nhiều năm qua.

Thứ tư, một liên minh pháp lý có thể giúp tạo nên sự đồng thuận, qua đó thắt chặt quan hệ chính trị – ngoại giao giữa ba nước, là một cơ sở quan trọng để góp phần hình thành một khối liên minh “de facto” để chống lại mối đe dọa chung. Đây là một lợi ích chiến lược quan trọng mà cả ba nước cần hướng tới nếu muốn đối phó với sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc về lâu dài.

Tìm hậu thuẫn từ hành động

Có những đầu việc đang nằm trong danh sách “những việc cần làm ngay”.

Một khi khối liên minh pháp lý đã được hình thành, dù chính thức hay không chính thức, thì điểm đầu tiên để nó có thể hoạt động được đó là sự thống nhất về nền tảng pháp lý. Điều này có nghĩa là các bên tham gia phải chia sẽ cùng hiểu biết, cùng áp dụng và cùng giải quyết tranh chấp trên một cơ sở pháp lý như nhau. Trong các vấn đề Biển Đông, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam đều dùng chung một hệ quy chiếu đó là UNCLOS 1982.

Ngược lại với các hiểu, diễn dịch hay các áp dụng riêng biệt của Trung Quốc, không dựa trên các nguyên tắc hay chuẩn mực quốc tế được công nhận, có 5 điểm đóng vai trò quan trọng mà liên minh cần đồng thuận:

  1. phủ định sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp;
  2. ủng hộ các bên sử dụng  trọng tài quốc tế để giải quyết các bất đồng;
  3. về cách hiểu tự do hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, đặc biệt với các hoạt động của tàu quân sự;
  4. về cấu trúc tự nhiên của các đảo và đá tại vùng khu vực Hoàng Sa và Trường Sa;
  5. về việc các quốc gia phải đưa ra và giải thích quan điểm chủ quyền của mình dựa trên UNCLOS (đặc biệt nhấn mạnh yêu sách chủ quyền của bản đồ đường 9 đoạn của Trung Quốc); và
  6. về việc xây dựng một hệ thống giám sát đa phương tại khu vực Biển Đông. Hệ thống này hướng tới việc cung cấp hình ảnh một cách công khai và nhanh chóng nhất về các hoạt động hàng hải hay sự kiện diễn ra trên các vùng biển.

Thứ hai, đó là việc thực thi. Trong khối liên minh pháp lý cần có sự ràng buộc phản ứng lẫn nhau hay còn gọi là quy tắc về phản ứng. Điều này quy định việc thực thi pháp lý trong khối. Mỗi nước nên lên án hành động quân sự và đệ đơn riêng lẽ kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền? Hay cả ba (hay hai) cùng đệ đơn kiện? Trong thời điểm hiện tại, khi Philippines lên tiếng ra tòa, Trung Quốc từ chối tham gia, sự đuối lý của Trung Quốc trong tranh chấp với láng giềng chỉ giới hạn song phương với một nước. Nhưng nếu Việt Nam cũng đòi Trung Quốc giải quyết bất đồng bằng việc ra tòa thì quốc tế sẽ phải đặt nghi ngờ về những tuyên bố vô lý và thái độ bất tuân thủ luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Thứ ba, các bên trong khối liên minh pháp lý cần hỗ trợ nhau trong việc xây dựng và thực thi việc áp dụng luật. Mối quan hệ Nhật Bản – Philippines – Việt Nam nên là mối quan hệ hai chiều, có qua có lại.  Nếu các yếu tố cần và đủ để theo đuổi một vụ kiện đó là kinh phí và kinh nghiệm thưa kiện thì Nhật Bản có thể sẽ là quốc gia hỗ trợ về mặt chi phí và Philippines sẽ là nước hỗ trợ về kinh nghiệm. Nhật Bản – nền kinh tế thuộc hàng top đầu châu Á, với mức GDP hiện nay đứng thứ 3 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, hoàn toàn có thể hỗ trợ cho Việt Nam – Philippines chi phí thưa kiện. Là quốc gia đầu tiên trong khối ASEAN kiện Trung Quốc lên Toà án Quốc tế, Philippines là quốc gia có kinh nghiệm để có thể tư vấn thiết lập hành động pháp lý. Kinh nghiệm cho quá trình tiến hành tố tụng chính là một trong những yếu tố khách quan khiến cho Việt Nam vẫn còn e dè trong việc sử dụng các cơ quan tài phán trong việc xử lý tranh chấp của mình với Trung Quốc. Chính vì thế việc có thể chia sẽ lẫn nhau về kinh nghiệm và kiến thức sẽ giúp cho Việt Nam chuẩn bị tốt hơn, tìm hiểu lý lẽ của các bên tham gia để củng cố các lập luận và chứng cứ của mình, cũng như có thời gian quan sát và tìm hiểu cách đối phó cho thích hợp.

Cuối cùng là tìm hậu thuẫn từ các cường quốc bên ngoài, đặc biệt là Mỹ.  Hành động ngày càng hung hăng hơn của Trung Quốc tại Biển Đông đã dẫn đến một hệ lụy mà Bắc Kinh không lường trước được. Đó là việc Mỹ thay đổi một cách chậm rãi, nhưng chắc chắn cách tiếp cận của mình trong tranh chấp Biển Đông, từ “trung lập” sang “điều phối và can dự”. Tuy vậy, mục tiêu của Mỹ tại Biển Đông không phải là tìm kiếm “chiến thắng” hay tạo dựng một thế “kiểm soát các vùng biển” bằng biện pháp quân sự. Ngược lại Mỹ nhắm tới một mục tiêu là quản lý các vụ việc bằng luật hay thúc đẩy quá trình pháp lý giữa các nước liên quan đến tranh chấp. Đó là cách lựa chọn “ít tốn kém” trong bối cảnh siêu cường đang trong giai đoạn điểu chỉnh ngân sách quốc phòng. Phân tích chính sách Biển Đông của Mỹ từ 2009, và quan điểm của Nhà Trắng trong việc Philipines kiện Trung Quốc ra tòa Trọng tài cho thấy rõ điều này khi Washington ủng hộ nhiệt thành việc sử dụng các công cụ pháp lý quốc tế và việc nhấn mạnh các yêu sách trên biển cần xuất phát từ các thực thể trên đất liền theo UNCLOS.

Trong khi nguyên tắc “ba không” của Việt Nam vẫn đang là kim chỉ nam cho chính sách an ninh – quốc phòng thì một “liên minh quân sự” theo nghĩa truyền thống hoàn toàn không có đất dụng võ. Liên minh pháp lý là một giải pháp thay thế hay một phép thử trong bối cảnh các chính sách hiện nay của Việt Nam tại Biển Đông dường như đã đụng trần. Một “liên minh pháp lý” dựa trên nguyên tắc theo đuổi hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế là một vũ khí chiến lược để có thể giữ vững được chủ quyền trước một Trung Quốc hung hăng và ngang ngược. Nhưng quan trọng hơn, nó đưa ra chỉ dấu rõ ràng về một Việt Nam đang mong muốn “cùng chiều” với thế giới văn minh. Không chỉ qua lời nói, mà còn cả hành động và trong tư tưởng.

Trương Minh Huy Vũ đang hoàn tất luận án TS tại đại học Bonn (CHLB Đức), hiện là giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM.

Lê Phương Cát Nhi hiện là nghiên cứu viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế, trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia TpHCM. 

Bài cùng chủ đề: