Khó hi vọng về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Mark Valencia | Biên dịch: Thùy Anh

scs23

Indonesia kêu gọi tổ chức một cuộc họp đặc biệt của ASEAN về vấn đề Biển Đông nhằm duy trì đoàn kết cho tổ chức này, đồng thời thúc đẩy thỏa thuận COC. Tuy nhiên, trường hợp cuộc họp được triệu tập thì cũng chưa chắc đã đạt được tiến triển có ý nghĩa.

Gần đây, Indonesia đã kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiến hành một cuộc họp đặc biệt bàn về những căng thẳng hiện nay trên Biển Đông giữa Trung Quốc với một số nước thành viên ASEAN cũng như thúc đẩy việc cho ra đời một bộ quy tắc ứng xử liên quan đến những tranh chấp tại vùng biển trọng yếu này.

Cuộc họp Nhóm Công tác chung Trung Quốc/ASEAN gần đây ở Bali (Indonesia) về việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là một chỉ dấu tốt đẹp cho mọi việc diễn ra, nhưng đạt được rất ít tiến triển. Thật vậy, trong 12 năm kể từ khi đạt được thỏa thuận về DOC, các bên đến nay mới chỉ đang thảo luận về những nguyên tắc chung “chủ chốt” như tăng cường sự tin tưởng chính trị, cam kết đối với Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác 1976, và sự tôn trọng song phương đối với độc lập và chủ quyền của nhau. Những nguyên tắc này đã được khẳng định, đã bị phá vỡ hoặc bị phớt lờ nhiều lần trước đó.

Bản tuyên bố DOC năm 2002 chỉ là một thông báo chính trị không có tính ràng buộc và không có cơ chế giải quyết tranh chấp để làm sáng tỏ những điều khoản đầy tham vọng của nó. Nhiều nước thành viên coi các cuộc tập trận quân sự, hoạt động thăm dò dầu khí, khoan dầu, đánh bắt cá và nghiên cứu khoa học ở những vùng biển tranh chấp, cũng như hoạt động xây dựng ở các bãi đá ngầm và các hòn đảo tranh chấp, là “những sự vi phạm”. Tuy nhiên, tất cả đều có lỗi trong một hoặc nhiều hơn những lần vi phạm.

Bản tuyên bố DOC kêu gọi thương lượng về một bộ quy tắc ứng xử đối với các hoạt động ở những khu vực tranh chấp. Văn kiện này đã trở thành một “hạt đậu thần” ngoại giao ở khu vực Đông Nam Á và ngoài ra, cố gắng phấn đấu đạt được thứ mà dường như không bao giờ đạt được. Thật vậy, những trở ngại cơ bản khiến cho ASEAN và Trung Quốc chưa chắc sẽ nhất trí về một bộ quy tắc mạnh mẽ và mang tính ràng buộc. Ngay cả thỏa thuận về một phiên bản của COC cũng sẽ khó có thể đạt được, vì nhiều lý do.

Đầu tiên, ASEAN phải đoàn kết trong tham vọng của họ về một bộ quy tắc ứng xử cũng như cách diễn giải bộ quy tắc đó. Tuy nhiên, với những tuyên bố xung đột và những lập trường chính trị bất đồng giữa các nước thành viên ASEAN, một thỏa thuận về những vấn đề cụ thể là điều khó đạt được, bởi vì đa số thành viên hiệp hội có thể sẽ muốn có những điều khoản với “khoảng trống linh hoạt”.

Ngay cả trong trường hợp ASEAN đoàn kết về những gì họ muốn Trung Quốc phải nhất trí, thì Bắc Kinh cũng sẽ diễn giải cách tiếp cận một bộ quy tắc ứng xử theo cách thức rất khác với ASEAN. Mặc dù các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong khối ASEAN nói rằng họ muốn thực hiện DOC bằng việc thương lượng về một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh sẵn sàng xem xét một bộ quy tắc ứng xử lỏng lẻo nếu và khi nào các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông giảm bớt hoạt động trên vũ đài quốc tế trong vấn đề này và thương lượng trực tiếp với Trung Quốc về những tranh chấp. Do vậy, Trung Quốc và ASEAN đang nói chuyện với nhau nhưng không hiểu nhau.

Lời khuyên và những cảnh báo đối với Trung Quốc và các đồng minh của Washington là Australia và Nhật Bản đặc biệt khiến Bắc Kinh khó chịu và không có tác dụng thúc đẩy các cuộc thương lượng. Trong thực tế, những lời khuyên và cảnh báo đó có thể có tác dụng ngược lại.

Tệ hơn là những vấn đề đã được nêu chi tiết vẫn không được giải quyết – ví dụ như thỏa thuận về khu vực địa lý thuộc phạm vi ảnh hưởng của Bộ quy tắc ứng xử. Vào năm 2002, sự thiếu thỏa thuận về vấn đề này đã khiến cho nỗ lực nhằm thương lượng một bộ quy tắc ứng xử bị hạ cấp xuống chỉ là thỏa thuận về một tuyên bố không mang tính ràng buộc.

Mỹ và các nước khác đã đề xuất một thời kỳ tạm hoãn đối với các hoạt động đơn phương ở các khu vực tranh chấp, như các cuộc tập trận, hoạt động xây dựng trên các hòn đảo và bãi đá ngầm cũng như hoạt động khoan dầu, khí đốt. Tuy nhiên, đó là điều không có triển vọng thành công. Thật vậy, nhiều khả năng sẽ gia tăng các hoạt động như vậy như một động thái để đề phòng một thời kỳ tạm hoãn được nhất trí hoặc được áp đặt.

Tất cả mọi thứ đã được xem xét, triển vọng về một bộ quy tắc ứng xử – đặc biệt là một bộ quy tắc mạnh mẽ, mang tính ràng buộc – khá mờ nhạt. Trong tương lai, chúng ta có thể sẽ thấy sự gia tăng số lượng các cuộc tranh cãi giữa Trung Quốc và các bên có tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông, dẫn đến căng thẳng và các mối quan hệ xấu đi trong khu vực. Điều đó sẽ tạo ra một “cơ hội” để Mỹ cô lập Trung Quốc về mặt chính trị – nếu mọi việc vẫn diễn biến theo chiều hướng hiện nay.

Nguồn: South China Morning Post | Nghiên cứu Biển Đông