Nhật diễn dịch lại Hiến pháp: Một liều thuốc hai tác động

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Huỳnh Tâm Sáng

japan-navy-w-620x349

Sự kiện Liên minh cầm quyền Nhật Bản diễn dịch lại Hiến pháp Hòa bình vào đầu tháng 7 đã dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nổi bật trong số đó là những người ủng hộ một vị trí độc lập và chủ động hơn cho Nhật Bản. Số khác lại lo sợ một nguy cơ xung đột đang leo thang tại Đông Á. Thế nhưng, quyết định của Nhật là hoàn toàn có cơ sở. Tham vọng độc chiếm Biển Đông và quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đã buộc Nhật Bản phải quyết đoán hơn.

Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đã đi đến quyết định “cân bằng quyền lực” với Trung Quốc dựa trên việc tăng cường sức mạnh tổng hợp. Trong khi Mỹ quá xa Nhật Bản thì Nhật và Hàn Quốc vẫn chưa hợp tác chặt chẽ xuất phát từ những tranh chấp mà hai nước chưa thể giải quyết trọn vẹn. Việc giải thích lại điều 9 của Hiến pháp sẽ giúp Nhật tự tin thể hiện vai trò hỗ trợ các đồng minh trong lĩnh vực phòng vệ tập thể. Xa hơn, động thái này đã góp phần khẳng định cam kết về tính gắn bó trong liên minh Nhật – Mỹ.

Liệu “liều thuốc” của Nhật Bản có đang mang lại tương lai tươi sáng cho vấn đề Biển Đông? Hay “liều thuốc” này càng làm bong bóng xung đột Biển Đông có nguy cơ vỡ ra mà không kiểm soát được?

Kịch bản một: Bất ổn gia tăng

Nỗ lực cân bằng quyền lực của Nhật chính là liều thuốc để giảm căng thẳng tại Đông Á. Hàm ý cụ thể là góp phần “nhắc nhở” và xa hơn là “răn đe” tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc. Khi tình hình châu Á ngày càng bất ổn, Nhật Bản vẫn luôn khẳng định “tinh thần Samurai” – đi đầu và chứng tỏ trách nhiệm lớn hơn để bảo vệ an ninh khu vực. Hy vọng trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc đã buộc Nhật phải đóng vai trò lớn hơn.

Hành động của Nhật Bản có thể tạo nên hai kịch bản cho vấn đề an ninh khu vực. Trong đó, Biển Đông đã trở thành tâm điểm chú ý. Kịch bản đầu tiên là “tình hình ngày càng phức tạp” trên Biển Đông xuất phát từ “tình thế lưỡng nan an ninh”. Căn bản của tình thế tiêu cực này là do sự sợ hãi, bị làm trầm trọng hơn bởi yếu tố tâm lý và có nguy cơ thổi bùng lên ngọn lửa xung đột. Hành động quả quyết của Nhật sẽ tạo điều kiện cho nước này bảo vệ đồng minh trong trường hợp quốc gia đó bị tấn công. Rõ ràng, đối tượng mà Nhật hướng đến chính là Mỹ.

Lo ngại liên minh Mỹ – Nhật ngày càng thắt chặt sẽ đe dọa an ninh của Trung Quốc, và nước này đã lên tiếng phản đối. Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng phản pháo: “Bắc Kinh phản đối hành động Nhật Bản thổi phồng những mối đe dọa từ Trung Quốc”. Trong khi Nhật Bản lo ngại mối đe dọa Trung Quốc (China’s threat) thì Trung Quốc cũng lo ngại một Nhật Bản đang được tiếp thêm dũng khí từ việc tu chính điều 9 Hiến pháp. Sự sợ hãi đồng thời của Nhật và Trung Quốc đã tạo nên tâm lý cảnh giác cao độ từ Chính phủ hai nước.

Yếu tố tâm lý đã chi phối các chính sách và khiến cả hai cường quốc kinh tế bị cuốn vào vòng xoáy xung đột đang mở ra tại Đông Á. Trong bối cảnh Mỹ đang đẩy mạnh chính sách “tái cân bằng” (rebalancing) tại châu Á – Thái Bình Dương từ tháng 1/2012, Mỹ rất cần sự ủng hộ của các đồng minh trên khía cạnh thực tiễn. Rõ ràng, mục tiêu của chính sách “tái cân bằng” bắt nguồn một phần từ tham vọng vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông từ đầu thế kỷ XXI đến nay. Động thái này của Nhật thể hiện sự ủng hộ của Nhật đối với Mỹ.

Chính việc không biết rõ dự định của nhau sẽ khiến Bắc Kinh và Tokyo tăng cường quyền lực để phục vụ cho mục tiêu tồn tại (tối thượng). Tâm lý nghi ngại của Trung Quốc là dành cho cả Mỹ và Nhật Bản. Vì thế, Biển Đông sẽ ngày càng trở thành tâm điểm bất ổn trong tương lai.

Kịch bản mới cho Biển Đông: “Sự ổn định tương đối”?

Kịch bản thứ hai chính là “sự ổn định tương đối” cho Biển Đông. Ý nghĩa tích cực của tình thế này cũng xuất phát từ “tình trạng lưỡng nan an ninh”. Nội các Nhật Bản ủng hộ việc giải thích lại điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản sẽ mở đường cho việc thắt chặt liên minh Nhật – Mỹ. Từ “cân bằng nội lực” bằng cách gia tăng sức mạnh quốc gia, Nhật Bản đã khéo léo mở rộng thêm “căn bằng ngoại lực” bằng cách củng cố liên minh với Mỹ. Hình thái này sẽ tạo nên mức độ cân bằng (equilibrium level) bằng việc đảm bảo Trung Quốc không thể giữ quyền lực tuyệt đối.

Mối quan tâm của Nhật không chỉ dừng lại ở Biển Hoa Đông mà còn mở rộng sang cả Biển Đông. Theo nghiên cứu của tác giả Storey, hiện có khoảng 90% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Nhật Bản đang được vận chuyển qua tuyến đường này. Đảm bảo an ninh Biển Đông là cơ hội để Nhật Bản thể hiện một tầm vóc lớn hơn trong các vấn đề quan hệ quốc tế tại Đông Nam Á, giúp Tokyo đóng vai trò chủ đạo và giành được sự thừa nhận lẫn uy tín như một cường quốc. Lợi ích kinh tế gắn với việc bảo vệ các các hải trình trước sự gia tăng ảnh hưởng đáng kể của Trung Quốc đã tạo cho Tokyo động lực để đóng một vai trò lớn hơn trong vấn đề an ninh Biển Đông.

Những năm gần đây quan hệ Nhật Bản – Việt Nam và Nhật Bản – Philippines diễn ra khá tốt đẹp và ngày càng có nhiều triển vọng. Quan hệ đối tác chiến lược Philippines – Nhật Bản đã tạo điều kiện cho Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Aquino tăng cường các quan hệ song phương. Từ năm 2011, tàu tuần tra của Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản đã giúp Philippines huấn luyện lực lượng tuần duyên, nâng cao khả năng tác nghiệp của lực lượng này.

Trong khuôn khổ hội nghị cấp cao Nhật Bản – ASEAN tháng 12/2013, Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với nhau và nhất trí việc chính phủ hai nước bắt đầu xem xét việc Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho cảnh sát biển Việt Nam”. Trong chuyến thăm Việt Nam vào giữa tháng 1/2014, Bộ trưởng Nhật Bản Yamamoto Ichita đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác trên biển với Việt Nam.

Chính sự cân bằng trên thực tế này sẽ khiến Trung Quốc cảnh giác và thận trọng hơn rất nhiều. Tam giác Trung – Mỹ – Nhật đang có khuynh hướng trở thành tam giác cân với đỉnh là Mỹ. Trong thời gian tới, Trung Quốc có thể sẽ phải suy tính nhiều bước đi mới. Kết quả là tình hình Biển Đông có thể lắng xuống. Nếu vậy, đây sẽ là lời khẳng định khéo léo của Nhật rằng vấn đề Biển Đông vẫn không thể loại trừ nhân tố Nhật Bản.

Huỳnh Tâm Sáng tốt nghiệp cử nhân ngành Quan hệ Quốc tế, trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia TpHCM, hiện đang là nghiên cứu viên độc lập chuyên về chính sách an ninh-quốc phòng của Nhật Bản và Trung Quốc tại Đông Nam Á.