#186 – Các chủ thể phi quốc gia và thách thức đối với quản trị toàn cầu

Nguồn: Charles W. Kegley, JR. & Gregory A. Raymond, The Global Future: A Brief Introduction to World Politics (Chapter 6), (Boston, MA: Wadsworth, 2010).

Biên dịch: Hồ Hải Yến | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Bài liên quan: Các chương khác của cuốn The Global Future

Có một sự tái phân bổ quyền lực mới đang diễn ra giữa các nhà nước, thị trường và xã hội dân sự, kết thúc sự tích lũy quyền lực đều đặn trong tay của các nhà nước kể từ Hòa ước Westphalia năm 1648

Jessica T. Matthews – Chủ tịch Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế

Vào tháng 7 năm 2006, các chiến binh du kích của phong trào Hồi giáo Hezbollah của Libăng đã phục kích một đội tuần tra người Israel dọc biên giới, giết một số binh sĩ và giữ 2 con tin. Khi những người Israel lần theo nhóm này nhưng nỗ lực giải cứu không thành, họ còn mất thêm một vài binh sĩ nữa. Việc bắt cóc một hạ sĩ Israel của nhóm Hamas, nhóm Hồi giáo chính yếu trong các vùng lãnh thổ của Palestine, đã thúc đẩy thủ tướng Israel Ehud ra lệnh tấn công dữ dội bằng pháo kích và không kích vào các đơn vị đồn trú nghi ngờ là của Hezbollah ở Beirut và miền Nam Libăng, vốn là hành động mà những cố vấn quân sự của ông đã từ lâu ủng hộ. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Israel Amir Peretz, mục đích của việc này là làm cho Hezbollah bị “đánh bại một cách hoàn toàn sao cho không một người nào trong nhóm này không hối tiếc vì đã thực hiện hành động trên” (Time, 24/7/2006, trang 28).

Vì Israel phong tỏa Libăng và tấn công liên tục vào hạ tầng giao thông với mục đích cách ly binh lính Hezbollah, Hezbollah trả đũa bằng cách bắn một loạt tên lửa Katyusha vào Bắc Israel, làm tê liệt Haifa, thành phố lớn thứ 3 của nước này và cũng là một trong những hải cảng đông đúc nhất. “Nhà của chúng tôi không phải là những thứ duy nhất bị phá hủy”, lãnh đạo Hezbolla Sheikh Hassan Nasrallah tuyên bố. “Các người không biết là các người đang chống lại ai” (Newsweek, 24/7/2006, trang 24).

Hezbollah (hoặc “Đảng của chúa trời’) được thành lập vào năm 1982 sau khi Israel xâm lược Libăng để loại trừ Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), tổ chức vốn đã sử dụng Libăng làm căn cứ để quấy rối những khu định cư ở miền Bắc Israel với các vũ khí hạng nhẹ và súng cối. Là một tổ chức Hồi giáo cực đoan dòng Shiite có mối quan hệ mật thiết với Iran, các thành viên của Hezbollah đã được cho là phải chịu trách nhiệm đối với vụ tấn công bằng bom vào căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ tại Beirut năm 1983, vụ cướp máy bay TWA 847 năm 1985 và nhiều vụ bắt cóc khác. Hoạt động trong một quốc gia – dân tộc yếu và ương ngạnh, Hezbollah gần như hoàn toàn tự do kiểm soát một số vùng của Libăng.

Trong những năm 1990, Hezbollah đã mở rộng vượt khỏi hình thái của một tổ chức bán quân sự đơn thuần, phát triển các chương trình phúc lợi xã hội rộng khắp, bao gồm việc vận hành các trường học và các trung tâm y tế ở một số vùng của người Shiite của Libăng. Tổ chức này cũng bắt đầu tham gia vào các cuộc bầu cử của người Libăng, giành được 14 ghế trong số 128 ghế quốc hội năm 2005. Mặc dù có những thay đổi như trên, Hezbollah vẫn tiếp tục xem Israel như một thực thể bất hợp pháp và thề gây áp lực để Iseael thả tự do cho những người Libăng đang bị bắt giữ và rút lui khỏi vùng tranh chấp Shebaa.

Mối quan tâm hàng đầu của Israel về Hezbollah tập trung vào các kho vũ khí do Iran tài trợ ngày càng phát triển. Trong khi tên lửa Katyusha không được chính xác lắm và có tầm hoạt động từ 10 đến 20 dặm, thì người Israel lo rằng Iran đã cung cấp cho Hezbollah một lượng chưa biết các tên lửa tinh vi có thể nhắm vào tất cả mọi trung tâm dân cư Israel với đầu đạn có thể chứa các tác nhân hóa học hoặc sinh học. Mối lo ngại này càng tăng trong vài ngày và trở thành xung đột khi một tên lửa C-802 có radar dẫn đường phá hỏng một tàu chiến Israel ở ngoài khơi bờ biển Libăng. Sợ rằng Hezbollah cũng có thể sở hữu những tên lửa tầm xa Zelzal-2, Israel đã liên tục bắn phá Libăng bất chấp những lời kêu gọi ngừng bắn từ Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan. Tới lượt mình,  Hezbollah duy trì tấn công liên tục chống lại miền bắc Israel. Thương vong dân sự hết sức đáng lo ngại của cả hai bên đã khiến Thủ tướng Libăng Fouad Siniora than vãn rằng đất nước ông đang bị xé tan ra từng mảnh.

Trong những tuần sau đó, có ba cách giải thích lý do tại sao Hezbollah bắt đầu các hoạt động thù địch được lưu truyền trong giới nhà báo, ngoại giao, và các nhà lãnh đạo thế giới. Lý giải đầu tiên tuyên bố rằng cuộc tấn công ngày 12 tháng 7 là một tính toán sai lầm: Hezbollah đã tiến hành các cuộc tấn công xuyên biên giới tương tự trong những năm gần đây mà không gây ra một phản ứng lớn nào từ Israel, vì vậy thủ lĩnh Hezbollah có lẽ nghĩ rằng có thể làm điều đó một lần nữa mà không bị trừng phạt. Giải thích thứ hai cho rằng đó là trò đánh lạc hướng: Iran, quốc gia đã đào tạo và cung cấp vũ khí cho Hezbollah, được cho là khuyến khích các cuộc tấn công để thu hút sự chú ý của quốc tế ra khỏi chương trình vũ khí hạt nhân vừa manh nha của mình. Cuối cùng, giải thích thứ ba đề xuất rằng vụ tấn công là một sự khiêu khích: Sau khi Israel chấm dứt chiếm đóng ở miền Nam Libăng vào năm 2000, Hezbollah đã củng cố khu vực và có được hàng ngàn tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Với việc Hoa Kỳ sa lầy ở Iraq và Israel bận tâm với tình trạng bất ổn trong các vùng lãnh thổ Palestine, lãnh đạo của Hezbollah có thể kết luận rằng Israel dễ bị tổn thương; hành động táo bạo sẽ cho phép Hezbollah chứng minh sức mạnh quân sự của mình với thế giới Ả Rập khi giáng cho Israel một đòn tê liệt.

Mặc dù các nhà quan sát lâu năm của Trung Đông bất đồng về trọng lượng của từng giải thích nói trên, họ đồng tình rằng động lực chính trị của khu vực bao gồm không chỉ sự tương tác giữa các quốc gia – dân tộc. Bất kỳ phân tích nào tập trung vào Israel, Libăng, Iran, và các quốc gia khác mà bỏ qua Hezbollah, Hamas, PLO, và các chủ thể phi quốc gia khác đều thật đáng tiếc là sẽ không đầy đủ. Các thực thể phi quốc gia có nhiều dạng khác nhau, có thể từ các tổ chức liên chính phủ toàn cầu và khu vực (IGO) cho đến các tổ chức phi chính phủ dân tộc và tôn giáo (NGO), đây là những chủ thể quan trọng cần phải được chú ý khi xem xét nền chính trị thế giới. Thật vậy, như cuộc xung đột Libăng đã chứng minh, không thể nói đến các vấn đề quan hệ quốc tế đương đại mà không dành sự chú ý cho những chủ thể như vậy. Do mức độ quan trọng của những chủ thể này, mục tiêu của chương này là mô tả các loại chủ thể phi quốc gia khác nhau và giải thích khi nào và làm thế nào họ sử dụng ảnh hưởng của họ.

Các kiểu chủ thể phi quốc gia

Phần lớn lịch sử chính trị thế giới 350 năm qua là một biên niên sử của sự tương tác giữa các quốc gia chủ quyền có lãnh thổ. Tuy nhiên, ngày nay, các vấn đề thế giới cũng đang được hình thành bởi các tổ chức vượt khỏi biên giới quốc gia. Ngoài Liên Hiệp Quốc và các thực thể khu vực như Liên minh châu Âu, các vấn đề thế giới cũng đang bị ảnh hưởng bởi các nhóm người hợp nhất với nhau trên cơ sở dân tộc, tôn giáo chung hoặc các lý do khác. Đa dạng về quy mô và mục đích, các chủ thể phi quốc gia đã thúc đẩy những chương trình nghị sự của riêng mình và ngày càng phát huy ảnh hưởng quốc tế .

Có hai loại chủ thể phi quốc gia chính:  các tổ chức liên chính phủ (IGO),[1] với thành viên là các quốc gia và các tổ chức phi chính phủ (NGO),[2] với thành viên là cá nhân riêng biệt hoặc các nhóm. Liên minh các Tổ chức Quốc tế (UIO), nơi duy trì và cập nhật toàn diện thông tin về các tổ chức, ghi nhận lại rằng số lượng của các tổ chức này tăng mạnh trong thế kỷ 19 bởi sự phát triển của thương mại quốc tế và thông tin liên lạc cùng với công nghiệp hóa. Vào năm 1909, đã có 37 IGO và 176 NGO. Vào năm 1960 , đã có 154 IGO và 1.255 NGO, và đến năm 2007, những con số này đã tăng lên tương ứng thành 246 và 27.723 (xem Hình 6.1).

Các IGO được tạo ra bởi các quốc gia để giải quyết các vấn đề chung. Như được thể hiện trong Hình 6.1, chúng khác nhau về kích thước và mục đích.  Ví dụ như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chủ yếu là một liên minh quân sự, trong khi những tổ chức khác, ví dụ như Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ (OAS) lại thúc đẩy phát triển kinh tế. Hầu hết các IGO tập trung hoạt động vào các vấn đề kinh tế, xã hội chúng quan tâm đặc biệt, chẳng hạn như việc quản lý thương mại, hoặc quản lí giao thông vận tải.

Các tổ chức phi chính phủ cũng khác nhau rất nhiều. Chúng bao phủ hầu như mọi khía cạnh của hoạt động chính trị, xã hội và kinh tế, trong đó có khoa học, y tế, văn hóa, thần học, pháp luật, an ninh, quốc phòng. Vì là các tổ chức độc lập khỏi chính phủ, NGO liên kết mọi người từ các xã hội khác nhau trong mạng lưới xuyên quốc gia để vận động cho các chính sách cụ thể. Vì mục đích này, nhiều NGO tương tác một cách chính thức với các IGO. Hơn 1.000 NGO tích cực tham vấn với các cơ quan khác nhau của hệ thống Liên Hiệp Quốc, duy trì văn phòng tại hàng trăm thành phố và tổ chức hội nghị song song với các cuộc họp của IGO mà các quốc gia gửi đại diện đến tham dự. Quan hệ đối tác như vậy giữa các tổ chức NGO và IGO cho phép cả hai loại hình tổ chức này làm việc (và vận động hành lang) với nhau trong việc theo đuổi các chính sách và chương trình chung.

Bảng 6.1 Bảng phân loại đơn giản các IGO

Phạm vi lãnh thổ cho tư cách thành viên Phạm vi mục đích
Nhiều mục đích Một mục đích
Toàn cầu UN – Liên Hiệp Quốc

WTO – Tổ chức thương mại thế giới

UNESCO – TỔ chức văn hóa, khoa học và giáo dục LHQ

OIC – Tổ chức Hội nghị Hồi Giáo

WHO – Tổ chức y tế thế giới LHQ

ILO – Tổ chức lao động thế giới

IMF – Quỹ tiền tệ quốc tế

Liên minh bưu chính thế giới

Liên khu vực, khu vực, vùng phụ EU – Liên minh Châu Âu

OSCE – Tổ chức an ninh và hợp tác Châu Âu

OAS – Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ

OAU – Tổ chức Thống nhất Châu Phi

LAS – Liên đoàn các quốc gia Ả Rập

ASEAN – Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á

ESA – Cơ quan không gian Châu Âu

NC – Nhóm hợp tác Bắc Âu

NATO – Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương

IOOC – Hội đồng dầu Ô-liu quốc tế

INPCO – Tổ chức Cà Phê quốc tế Bắc Thái Bình Dương

AGC – Hội đồng đậu phộng châu Phi

 

Trong chương này, chúng tôi sẽ bắt đầu phân tích về các chủ thể phi quốc gia bằng cách thảo luận một số IGO nổi bật và mang tính đại diện, bao gồm cả Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU). Tiếp theo, chúng ta sẽ chuyển sự chú ý đến các tổ chức NGO, xem xét tác động của các nhóm dân tộc, phong trào tôn giáo, các tập đoàn đa quốc gia và các ngân hàng xuyên quốc gia, và các nhóm vận động cho các vấn đề. Cuối cùng, chúng tôi sẽ xem xét liệu hoạt động của các chủ thể phi chính phủ có đang làm xói mòn vị trí của các quốc gia dân tộc trong nền chính trị thế giới hay không.

Các tổ chức liên chính phủ toàn cầu

Liên Hiệp Quốc

Liên Hiệp Quốc là một tổ chức toàn cầu nổi tiếng nhất. Điều làm cho tổ chức này khác với các IGO khác chính là mối quan hệ thành viên gần như toàn cầu của nó, bao gồm 192 quốc gia độc lập đến từ tất cả các khu vực của thế giới (xem Hình 6.2). Sự gia tăng thành viên của nó tăng trưởng một cách ngoạn mục, gần gấp bốn lần kể từ khi 51 quốc gia gia nhập vào năm 1945, nhưng quá trình gia nhập ngay từ đầu đã bị chi phối bởi các xung đột chính trị, điều cho thấy mức độ mà tổ chức này phản ánh các mối quan hệ giữa 5 cường quốc định hình nên đường hướng của tổ chức thông qua quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an của 5 quốc gia này.

Mục đích và chương trình nghị sự. Ngoài việc sở hữu khối thành viên gần như toàn cầu, Liên Hiệp Quốc cũng là một tổ chức đa mục đích. Như Điều 1 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc khẳng định, mục tiêu của nó là:

  • Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
  • Phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia dựa trên sự tôn trọng các nguyên tắc về quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc. Đạt được hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế theo đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa, tính nhân đạo và trong việc thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người.
  • Có chức năng như một trung tâm phối hợp hài hòa hoạt động của các quốc gia để đạt được những mục đích chung.

Hòa bình và an ninh được hiển hiện nổi bật trong tư duy của những người chịu trách nhiệm tạo ra Liên Hiệp Quốc vào cuối Chiến tranh thế giới lần thứ hai để thay thế Hội Quốc Liên. Tuy nhiên, tham vọng của các thành viên sáng lập Liên Hiệp Quốc về việc thiết lập bộ máy an ninh đã nhanh chóng bị cản trở bởi cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Mặc dù không thể tạo nên sự tiến bộ trong các vấn đề an ninh, việc hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhân loại đã đưa Liên Hiệp Quốc đến gần như mọi ngõ ngách trên thế giới .

Lịch sử của Liên Hiệp Quốc phản ánh thực tế là cả các nước giàu và các nước đang phát triển đã sử dụng thành công tổ chức này để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình, và lịch sử này đã nuôi hy vọng trên toàn thế giới rằng Liên Hiệp Quốc có thể quản lý và phát triển một chương trình nghị sự luôn thay đổi của mình. Tuy nhiên, tham vọng dành cho Liên Hiệp Quốc có thể vượt quá các nguồn lực ít ỏi của nó. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, tổ chức đã được yêu cầu giải quyết một tập hợp mở rộng các vấn đề toàn cầu, bao gồm cả AIDS, phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu, tình trạng thiếu năng lượng, suy giảm nguồn cung cấp nước ngọt, vi phạm nhân quyền và tội phạm quốc tế có tổ chức. Để đáp ứng nhu cầu được đặt ra khi đó, Liên Hiệp Quốc đã phát triển một cơ cấu hành chính với các cơ quan không chỉ ở trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York mà còn tại các trung tâm lan rộng ra khắp thế giới (xem Bản đồ 6.1). Để đánh giá năng lực của Liên Hiệp Quốc trong việc gánh vác những gánh nặng lớn mà nó đã được yêu cầu thực hiện, chúng ta hãy xem xét cơ cấu mà nó được tổ chức.

Cơ cấu tổ chức. Hạn chế của Liên Hiệp Quốc có lẽ bắt nguồn từ cách nó được tổ chức cho các mục đích có phạm vi rộng lớn của nó. Theo Điều lệ, cơ cấu của Liên Hiệp Quốc có sáu cơ quan chính sau đây:

  • Đại hội đồng. Được thành lập như là cơ quan thảo luận chính của Liên Hiệp Quốc, tất cả các thành viên được đại diện bằng nhau theo công thức một phiếu bầu/một quốc gia. Các quyết định được đưa ra theo đa số phiếu đơn giản, ngoại trừ cái gọi là “những vấn đề quan trọng”, yêu cầu phải được thông qua bởi 2/3 đa số phiếu bầu. Tuy nhiên, các nghị quyết nó thông qua lại chỉ là các khuyến nghị.
  • Hội đồng Bảo an. Được Điều lệ giao trách nhiệm chính để đối phó với các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế, Hội đồng Bảo an bao gồm năm thành viên thường trực (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) có quyền phủ quyết các quyết định quan trọng, cùng với mười thành viên không thường trực do Đại hội đồng bầu với nhiệm kỳ hai năm.
  • Hội đồng Kinh tế Xã hội. Chịu trách nhiệm điều phối các chương trình xã hội và kinh tế, các ủy ban chức năng, các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc, năm mươi bốn thành viên được bầu bởi Đại hội đồng cho nhiệm kỳ luân phiên ba năm. Cơ quan này đã hoạt động đặc biệt năng động để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế và các vấn đề nhân quyền.
  • Hội đồng Ủy trị. Chịu trách nhiệm giám sát việc quản lý các vùng lãnh thổ đã chưa đạt được tự trị, Hội đồng Ủy trị ngừng hoạt động vào năm 1994, khi lãnh thổ ủy trị cuối cùng giành được độc lập.
  • Tòa án Công lý Quốc tế. Cơ quan tư pháp chính của Liên Hiệp Quốc, Tòa án Công lý quốc tế bao gồm 15 thẩm phán độc lập được bầu với nhiệm kỳ chín năm bởi Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an. Thẩm quyền của Tòa án chỉ liên quan đến vấn đề tranh chấp giữa các quốc gia, và quyền tài phán của Tòa được dựa trên sự đồng ý của các bên tranh chấp. Tòa án cũng có thể đưa ra ý kiến tư vấn không ràng buộc về vấn đề pháp lý cho Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, hoặc các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc.
  • Ban thư ký. Dẫn đầu là Tổng thư ký (hiện nay là Ban Ki-moon của Hàn Quốc), Ban Thư ký bao gồm các công chức quốc tế thực hiện các chức năng hành chính và thư ký của Liên Hiệp Quốc. Số lượng nhân viên vào khoảng hơn 8.000 người thuộc ngân sách chính, và gần như tất cả mọi người đều làm việc bằng nguồn quỹ đặc biệt.

Những người sáng lập của Liên Hiệp Quốc mong muốn Hội đồng Bảo an trở thành cơ quan chính của tổ chức, bởi vì nó được thiết kế để duy trì hòa bình và thành viên thường trực của nó là các cường quốc đồng minh chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Tuy nhiên, với việc khơi màn Chiến tranh Lạnh, việc thường xuyên sử dụng quyền phủ quyết – ban đầu là Liên Xô và sau đó là Hoa Kỳ – đã ngăn chặn Hội đồng hoạt động trên nhiều vấn đề an ninh, kết quả là Đại hội đồng dần dần đảm nhận trách nhiệm lớn hơn.

Ngoài sáu cơ quan chính, hệ thống Liên Hiệp Quốc cũng có nhiều chương trình và quỹ khác nhau, các viện nghiên cứu và đào tạo, và các ủy ban chức năng và ủy ban khu vực (xem hình 6.3). Ngoài ra, nó còn được liên kết với một loạt các cơ quan chuyên môn độc lập có điều lệ ngân sách, và nhân viên riêng. Chúng bao gồm các Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO ), Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học (UNESCO).

Liên Hiệp Quốc đã thay đổi theo nhiều cách không được hình dung ra bởi những người sáng lập ra nó, phát triển thành một mạng lưới cực kỳ phức tạp chồng chéo các tổ chức, một số trong đó (như Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc hoặc trường Đại học Liên Hiệp Quốc) hoàn thành nhiệm vụ của chúng thông qua các tổ chức NGO. Liên Hiệp Quốc cũng đang ngày càng dựa nhiều hơn vào các tổ chức phi chính phủ không thuộc thẩm quyền chính thức của nó. Sự hợp tác này làm mờ ranh giới giữa các chức năng chính phủ và phi chính phủ, nhưng sự hợp tác Liên Hiệp Quốc-NGO lại có lợi cho sứ mệnh của Liên Hiệp Quốc. Trong quá trình này, Liên Hiệp Quốc đã trở thành không phải chỉ là một tổ chức mà là một tập đoàn phân cấp với vô số hội đồng, cục, ban bệ, viện, ủy ban, trung tâm rải rác khắp thế giới, với mỗi hoạt động chuyên môn được quản lý từ các văn phòng tại các thành phố khác nhau.

Nhiều thay đổi của Liên Hiệp Quốc là để đáp ứng mối quan ngại mà các nước Phương Nam lên tiếng. Những quốc gia này nắm bắt lợi thế về số lượng ngày càng tăng của mình theo quy định một-quốc-gia/một-phiếu-bầu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để thúc đẩy Liên Hiệp Quốc theo những hướng mới. Ngày nay, một liên minh của 132 quốc gia Phương Nam bao gồm ba phần tư Liên Hiệp Quốc và được dẫn đầu bởi Nhóm G-77[3] vốn cố gắng lái các chương trình của Liên Hiệp Quốc tới các nhu cầu của các thành viên nghèo hơn trong nhóm.

Sự khác biệt của Bắc-Nam đối với các ưu tiên được thể hiện rõ ràng nhất trong cuộc tranh luận sôi nổi về ngân sách của Liên Hiệp Quốc. Tranh cãi này tập trung vào cách thức thành viên giải thích điều lệ của tổ chức, trong đó khẳng định rằng “Chi tiêu của Tổ chức nên được gánh vác bởi các thành viên theo phân bổ của Đại hội đồng.”

Ngân sách của Liên Hiệp Quốc bao gồm ba yếu tố riêng biệt: ngân sách cốt lõi, ngân sách gìn giữ hòa bình, và ngân sách cho các chương trình tự nguyện. Ngân sách cốt lõi là khoảng 1,9 tỉ USD mỗi năm, với tổng chi tiêu của tất cả các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, các hoạt động gìn giữ hòa bình, và các chương trình và quỹ tổng cộng khoảng 15 tỷ USD.

Các quốc gia đóng góp cho các chương trình tự nguyện và một số các hoạt động gìn giữ hòa bình mà họ thấy phù hợp. Ngân sách và các hoạt động gìn giữ hòa bình cốt lõi khác đều là tùy vào thuộc vào sự đánh giá.

Cơ chế chính xác để xác định sự đánh giá là khá phức tạp, nhưng trong quá khứ, các đánh giá được phân bổ theo năng lực quốc gia trong việc chi trả. Mặc dù công thức này đang bị công kích ở nhiều quốc gia giàu có, nó vẫn có tầm chi phối. Vì vậy Hoa Kỳ,  quốc gia có các nguồn tài nguyên lớn nhất, đóng góp 22 phần trăm cho ngân sách cốt lõi của Liên Hiệp Quốc (và cũng là quốc gia đóng góp chính cho các chương trình gìn giữ hòa bình và các chương trình tự nguyện của Liên Hiệp Quốc), trong khi quốc gia nghèo nhất trong 70% còn lại chỉ chi trả con số tối thiểu (0,01 phần trăm) và chỉ đóng góp 13,000 USD mỗi năm. Theo thỏa thuận này, các quốc gia giàu nhất đã phải chi trả hơn 4/5 cho ngân sách 2006-2007 của Liên Hiệp Quốc.

Luôn luôn hiện hữu những phản đối đối với công thức tài trợ ngân sách cho các hoạt động của Liên Hiệp Quốc với chiều hướng ngày càng tồi tệ hơn, phần lớn bởi vì Đại hội đồng phân chia chi phí theo nguyên tắc quyết định đa số. Vấn đề là những nước có số phiếu cao nhất (các nước Phương Nam) không có tiền, và những người giàu có nhất (các nước bán cầu Bắc) lại không có phiếu bầu. Sự chênh lệch rất lớn đã diễn ra, mười nước đóng góp lớn nhất vào Liên Hiệp Quốc chỉ có mười phiếu, nhưng phải trả 82 phần trăm chi phí. Hình ảnh ở phía đối diện là việc các thành viên nghèo nhất chỉ trả 18 phần trăm ngân sách Liên Hiệp Quốc nhưng nắm trong tay đến 182 phiếu bầu. Sự mất cân bằng nghiêm trọng này đã dẫn đến nhiều vụ tranh chấp khốc liệt đối với các loại vấn đề đòi hỏi tập trung sự chú ý và nguồn lực của Liên Hiệp Quốc. Các thành viên giàu có chỉ trích rằng các thủ tục ngân sách hiện tại thể chế hoá một hệ thống đóng góp ngân sách không có tính đại diện công bằng. Các nhà phê bình chống lại với lập luận rằng các thành viên là cường quốc nên chịu trách nhiệm tài chính tương xứng với sự giàu có và ảnh hưởng của họ.

Tất nhiên, vấn đề không chỉ đơn giản là tiền. Sự khác biệt trong ý niệm về việc xác định tính quan trọng của vấn đề và việc quốc gia nào nên có ảnh hưởng chính trị mới là những vấn đề thực sự. Các quốc gia nghèo cho rằng nhất thiết cần xác định mức chi tiêu. Các nước đóng góp lớn, vốn nhạy cảm với các mức tiền được yêu cầu và mục đích mà các quỹ được dùng, không muốn trả tiền cho các chương trình mà họ phản đối. Đặc biệt trong lịch sử, Mỹ là quốc gia lên tiếng nhiều nhất về sự không hài lòng của mình, và từ năm 2000, Mỹ đã có khoản tiền nợ trung bình hàng năm 1,35 tỉ đô la.

Để giải quyết vấn đề dai dẳng là dòng tiền và sự gia tăng các khiếu nại về việc quản lý không hiệu quả của Liên Hiệp Quốc, các cải cách táo bạo gọi là “Thiên niên kỷ +5” đã được thực hiện trong năm 2005 để củng cố các chương trình, giảm chi phí, loại bỏ lãng phí, và phân công lại trách nhiệm hành chính để làm cho Liên Hiệp Quốc trở nên hiệu quả hơn. Những cải cách lớn đã cắt giảm chi phí hành chính của Ban Thư ký một phần ba, từ 38% ngân sách cốt lõi xuống còn 25%, và đưa các khoản tiết kiệm được vào quỹ phát triển cho các nước nghèo. Việc đánh giá một số thành viên bán cầu Bắc cũng đã được điều chỉnh: vào năm 2008 Hoa Kỳ chỉ còn phải trả 22% ngân sách cốt lõi, và bốn thành viên thường trực khác của Hội đồng Bảo an đã được lên kế hoạch để trả tiền theo tỷ lệ ít hơn (Anh và Pháp 6,1%; Trung Quốc 2,1%; và Nga 1,1%). Công thức này dễ hiểu sẽ làm buồn lòng những quốc gia đóng góp lớn khác, những quốc gia trả một khoản tiền lớn nhưng vẫn không được tham gia vào Hội đồng Bảo an với tư cách các thành viên thường trực. Nếu như xem xét Nhật Bản, quốc gia phải trả 19,5% cho ngân sách cốt lõi (chỉ đứng sau Hoa Kỳ) nhưng có vai trò chủ chốt trong tổ chức thấp hơn nhiều so với các quốc gia đóng góp ít hơn khác. Thất vọng khi nhận thấy những đánh giá bất hợp lý của Liên Hiệp Quốc  và sau hơn một thập kỷ nỗ lực không thành công để có được một ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an, Nhật Bản đang xem xét cắt giảm các khoản đóng góp hàng năm cho các chương trình tự nguyện.

Mối quan tâm của Nhật Bản trong việc gia nhập Hội đồng Bảo an với tư cách thành viên thường trực cũng được chia sẻ bởi một số quốc gia khác, đáng chú ý là Đức, Ấn Độ và Brazil. Họ cho rằng cơ cấu hiện nay của Hội đồng không phản ánh những thay đổi chính trị và kinh tế đã xảy ra trên thế giới từ năm 1945. Những người phản đối việc thêm thành viên thường trực khẳng định rằng việc mở rộng sẽ làm cho hội đồng cồng kềnh thêm. Hoa Kỳ đã phản đối đề xuất mở rộng Hội đồng Bảo an vì họ cho rằng sẽ làm loãng ảnh hưởng của Mỹ trong Liên Hiệp Quốc, cần phải nói thêm rằng những quốc gia vận động giành ghế thường trực sẽ chỉ được Washington hỗ trợ nếu họ đồng ý không yêu cầu quyền phủ quyết. Hiện giờ, những cường quốc chiến thắng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai vẫn giữ vị trí đặc quyền trong tổ chức, tuy nhiên, cuộc tranh luận về mở rộng vẫn sẽ tiếp diễn bởi Nam Phi, Nigeria, và nhiều quốc gia Trung Đông cũng đã kêu gọi cải cách nhằm làm cho Hội đồng Bảo an có tính đại diện hơn về văn hóa và địa lý.

Hình thức và đường hướng tương lai của Liên Hiệp Quốc là không chắc chắn. Những mối lo lắng đối với tổ chức này đang ngày một nhiều hơn bởi một chuỗi các vụ bê bối, bao gồm những cáo buộc về quản lý yếu kém trong chương trình “đổi dầu lấy lương thực” ở Iraq những năm 1990, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc lạm dụng tình dục phụ nữ ở Congo, và việc không có hành động gì khi đối mặt với tội diệt chủng trong khu vực Darfur của Sudan. John Bolton, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, đại diện cho những người đang thất vọng với tổ chức khi ông đã có lần châm biếm rằng nếu mười tầng trên cùng của tòa nhà trụ sở Liên Hiệp Quốc bị phá hủy thì cũng chả tạo nên sự khác biệt gì.

Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ Liên Hiệp Quốc lại cảm thấy lạc quan về triển vọng lâu dài của tổ chức, bởi vì cuộc khủng hoảng vừa qua đã được khắc phục và những đóng góp trước đây của Liên Hiệp Quốc đối với hòa bình và phát triển trên thế giới đã giúp hầu hết các nước có một cơ sở để tồn tại. Vào năm 2005, Liên Hiệp Quốc đã tiến hành một loạt các cải cách để tăng cường trách nhiệm và hiệu quả quản lý. Những cải cách này bao gồm việc bảo vệ “những người thổi còi” (tức người tố cáo tiêu cực), một chính sách chống gian lận và tham nhũng, một tiêu chuẩn thống nhất về hành vi cho việc gìn giữ hòa bình , và việc mở rộng các yêu cầu công khai tài chính đối với quan chức cấp cao. Tuy nhiên, với số tiền ít hơn so với cả ngân sách hàng năm cho sở cảnh sát thành phố New York, Liên Hiệp Quốc sẽ gặp thử thách trong việc phục vụ nhu cầu của thế giới 6,7 tỷ người.

Cuối cùng, Liên Hiệp Quốc không là gì khác ngoài những nhiệm vụ và quyền lực mà các nước thành viên giao cho nó. Nhà thơ người Anh Alfred Tennyson đã “mơ ước về một quốc hội của loài người” và nhà bình luận Charles Krauthammer (2006, 39) đã nhận xét rằng thông qua Liên Hiệp Quốc “chúng ta đã hiện thực hóa ước mơ đó.” Nhưng bởi những gì mà các nhà hiện thực gọi là lợi ích và ưu tiên khác nhau của các cường quốc, ông bổ sung rằng Liên Hiệp Quốc “đã không hề hoạt động hiệu quả. Và sẽ không bao giờ hoạt động hiệu quả.” Là một trong những công chức cấp cao của Liên Hiệp Quốc, Brian Urquhart, mô tả tình trạng lưỡng nan của tổ chức: “Hoặc là Liên Hiệp Quốc có vai trò quan trọng cho một thế giới ổn định, công bằng hơn và nên được cung cấp các phương tiện để thực hiện công việc này, hoặc là các dân tộc và các chính phủ nên được khuyến khích tìm kiếm một giải pháp khác. Nhưng có thực sự có một giải pháp thay thế nào hay không?” Liên Hiệp Quốc có thể bị phê phán thường xuyên, nhưng theo các nhà tự do thì nó vẫn rất cần thiết. Jonathan Power kết luận (2004) Tổ chức này có thể là “cậu bé luôn bị mọi người đánh đòn, nhưng đó là nơi mà các cường đang gặp khủng hoảng có thể tới để giải quyết vấn đề … [sau khi họ] đã cãi vã hoặc bị ép vào góc tường.”

Các IGO toàn cầu nổi bật khác

Ngoài Liên Hiệp Quốc, hàng trăm IGO khác đang hoạt động trên thế giới. Dưới 14% trong số đó là thật sự có tính toàn cầu, bao gồm thành viên là tất cả các quốc gia độc lập. Để tìm hiểu về các IGO trên toàn cầu, chúng ta hãy xem một cách ngắn gọn ba tổ chức quan trọng nhất: Tổ chức Thương mại Thế giới, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Tổ chức Thương mại Thế giới. Hồi tưởng lại những khó khăn bị gây ra bởi cuộc Đại suy thoái năm 1929, Hoa Kỳ đã tìm cách tạo ra các tổ chức kinh tế quốc tế sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai có thể ngăn ngừa những suy thoái khác khác bằng cách tạo điều kiện cho việc mở rộng thương mại thế giới. Một tổ chức được đề xuất là Tổ chức Thương mại Quốc tế (ITO), đầu tiên hình thành như là một cơ quan đặc trách trong khuôn khổ tổng thể của Liên Hiệp Quốc. Trong khi các cuộc đàm phán thành lập ITO kéo dài, nhiều người kêu gọi hành động ngay lập tức. Sau cuộc họp tại Geneva vào năm 1947, 23 quốc gia đã đồng ý một số nhượng bộ thuế quan song phương và đi đến một thỏa thuận cuối cùng được gọi là Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) vốn ban đầu được coi như là một sự sắp xếp tạm thời cho đến khi ITO đi vào hoạt động.

Trong khi có vẻ khó đi đến một thỏa thuận cuối cùng về ITO, GATT đã đưa ra một cơ chế để tiếp tục các cuộc đàm phán đa phương về việc giảm thuế quan và các rào cản khác đối với thương mại. Trong nhiều thập kỷ tiếp theo, tám vòng đàm phán đã được tổ chức để tự do hóa thương mại. Theo nguyên tắc chống phân biệt đối xử, các thành viên GATT đối xử với các thành viên khác như là họ đối xử với các đối tác thương mại “ưu đãi nhất” của họ.

Ngày 1 tháng 1 năm 1995, GATT đã được thay thế bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mặc dù không giống hoàn toàn với ITO được dự kiến ra đời ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nó vẫn đại diện cho một cam kết tham vọng nhất từng được đề xuất để điều tiết thương mại thế giới. Không giống như GATT, có chức năng giống như một ban thư ký điều phối hơn, Tổ chức Thương mại Thế giới là một tổ chức liên chính phủ toàn diện có cấu trúc ra quyết định chính thức ở cấp bộ trưởng. Được ủy nhiệm quản lý xung đột thương mại giữa các thành viên, WTO đã được trao quyền để thực thi quy tắc thương mại và xét xử các tranh chấp thương mại giữa 152 thành viên của nó. Như năm 2007, trung bình gần ba mươi năm tranh chấp trên đã được đưa lên WTO để giải quyết.

Mục tiêu hiện tại của WTO là vượt qua các hình thái hiện tại của các thỏa thuận tự do thương mại giữa các cặp các quốc gia và trong các khu vực cụ thể hoặc các khối thương mại tự do, và thay thế chúng bằng một hệ thống hội nhập và toàn diện về mậu dịch tự do trên toàn thế giới. Chương trình nghị sự tự do chủ nghĩa này đặt ra một mối đe dọa cho một số quốc gia. Những sự phàn nàn tập trung vào lời cáo buộc rằng WTO sẽ phá hoại các quy tắc truyền thống về cấm can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia chủ quyền, bao gồm cả hoạt động quản lý kinh tế trong thẩm quyền lãnh thổ của các quốc gia. Tuy nhiên, nên luôn nhớ rằng WTO được hình thành như một kết quả của thỏa thuận mà qua đó các quốc gia tự nguyện từ bỏ một số quyền tự do liên quan đến những quyết định về mặt chủ quyền, theo một niềm tin rằng việc này sẽ tạo ra nhiều lợi ích hơn thiệt hại. Tuy nhiên, dường như WTO chắc chắn là một mục tiêu cho sự chỉ trích vì “có rất ít bằng chứng về dân chủ trong hoạt động của WTO” (Smith và Moran 2001). Nhiều chính sách của nó được dàn xếp bởi các thành viên mạnh nhất trong các cuộc họp không chính thức không bao gồm các thành viên đầy đủ của WTO.

Ngân hàng Thế giới. Ra đời vào tháng 7 năm 1944 tại Hội nghị tiền tệ và tài chính của Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Bretton Woods, New Hampshire, với sự tham dự của 44 quốc gia, Ngân hàng Thế giới (hoặc Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế) ban đầu được thành lập để hỗ trợ các nỗ lực tái thiết ở châu Âu sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Trong thập kỷ tiếp theo, Ngân hàng chuyển sự tập trung từ tái thiết sang hỗ trợ phát triển. Vì các quốc gia Phương Nam thường gặp khó khăn khi vay tiền để tài trợ cho các dự án nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nên Ngân hàng sẽ cung cấp phương án cho các quốc gia này vay với lãi suất thấp hơn và trả nợ lâu hơn họ thường có từ các ngân hàng thương mại. Đến năm 2008, Ngân hàng đã cho vay hơn $600 tỉ, biến nó thành “tổ chức chống đói nghèo lớn nhất và có ảnh hưởng nhất hoạt động ở các nước đang phát triển” (Pound & Knight 2006, 41).

Về mặt hành chính, thẩm quyền quyết định cuối cùng trong Ngân hàng Thế giới được trao cho hội đồng quản trị của các thống đốc, bao gồm một thống đốc và một người thay thế được chỉ định bởi 185 nước thành viên của Ngân hàng. Thống đốc thông thường là Bộ tài chính của mỗi nước thành viên, hoặc một quan chức tương đương. Hội đồng này họp hàng năm tại trụ sở Washington DC để thiết lập định hướng chính sách, và phân bổ trách nhiệm về hoạt động thường xuyên của Ngân hàng cho 24 giám đốc ban điều hành của nó. Năm quốc gia với số lượng cổ phiếu lớn nhất trong vốn cổ phần của Ngân hàng thế giới (Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp và Anh) sẽ bổ nhiệm giám đốc điều hành riêng của họ, các giám đốc điều hành còn lại hoặc là được chỉ định (Saudi Arabia), hay được các quốc gia của họ bầu lên (Trung Quốc, Nga và Thụy Sĩ), hoặc được một nhóm các quốc gia bầu. Phiếu bầu được kiểm theo một hệ thống với số phiếu bầu tỉ lệ thuận với mức góp vốn, mục đích là nhằm bảo vệ lợi ích của các cường quốc vốn có những đóng góp đáng kể nhất đối với các nguồn lực của Ngân hàng Thế giới. Kết quả là, chủ tịch của Ngân hàng luôn luôn là một người Mỹ, và Mỹ cùng với Tây Âu chiếm đa số áp đảo trong hội đồng quản trị của các thống đốc .

Qua nhiều năm, sự tự nhận thức bản thân và hoạt động của Ngân hàng Thế giới đã thay đổi – từ một IGO tập trung hoàn toàn về tài chính, phán quyết đơn xin vay vốn, nay đã trở thành một cơ quan phát triển có thêm việc hỗ trợ các quốc gia trong việc lập kế hoạch và đào tạo. Ngân hàng Thế giới cũng đã thúc đẩy quản trị dân chủ bằng việc yêu cầu cải cách chính trị như một điều kiện để được hỗ trợ kinh tế. Ngoài ra, với những cáo buộc hối lộ, lại quả, tham ô nhắm vào các dự án của Ngân hàng Thế giới từ xây dựng đường bộ ở Kenya đến xây dựng đập ở Lesotho, Ngân hàng cũng đang hết sức chú ý vào việc cải cách chống tham nhũng.

Chủ tịch của Ngân hàng, Robert Zoellick, đã đặt mục tiêu gây quỹ 33 tỉ đô la để hỗ trợ các dự án phát triển giữa năm 2011. Tuy nhiên, Ngân hàng đã bị chỉ trích vì tập trung vào các quốc gia thu nhập trung bình, với chỉ 7 phần trăm khoản vay dành cho các quốc gia không được xếp hạng tín dụng phù hợp cho đầu tư và không được tiếp xúc với nguồn vốn tư nhân (Economist, ngày 08/9/2007, 61; 20/10/2007, 97). Các nhà phê bình đã kêu gọi Ngân hàng tập trung chú ý vào các nước nghèo nhất thế giới, cung cấp cho họ những khoản trợ cấp hơn là các khoản vay.

Mặc dù các hoạt động đã được tăng cường, Ngân hàng Thế giới vẫn không bao giờ có thể đáp ứng được hết tất cả các nhu cầu hỗ trợ tài chính của các quốc gia đang phát triển. Việc phải trả nợ các khoản vay bằng các ngoại tệ cứng đã tạo ra những gánh nặng nghiêm trọng cho các quốc gia nghèo khó và vay nợ ở Phương Nam. Tuy nhiên, những thiếu sót của Ngân hàng Thế giới đã được bù đắp một phần bởi việc thành lập một IGO cho vay khác: Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, cộng đồng quốc tế thiếu một bộ máy thể chế để quản lý việc trao đổi tiền xuyên biên giới. Tại Hội nghị Bretton Woods năm 1944, Hoa Kỳ là quốc gia đi đầu trong việc tạo ra Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một tổ chức toàn cầu được thiết kế để duy trì sự ổn định của việc trao việc đổi tiền tệ bằng việc thúc đẩy hợp tác tiền tệ quốc tế và các thỏa thuận trao đổi có trật tự, và bằng cách hoạt động như một người cho vay cuối cùng đối với các nước đang trải qua khủng hoảng tài chính.

IMF hiện là một trong 16 cơ quan đặc trách trong hệ thống Liên Hiệp Quốc. Mỗi thành viên IMF đều có đại diện trong hội đồng quản trị của nó, gặp gỡ hàng năm để chỉnh sửa các chính sách chung. Việc hoạt động hằng ngày được tiến hành bởi một ban chấp hành hai mươi bốn thành viên điều hành bởi một giám đốc, cũng là người đứng đầu hành chính của đội ngũ khoảng 2.000 nhân viên.

IMF lấy kinh phí hoạt động từ 185 quốc gia thành viên. Đóng góp được dựa trên một hệ thống hạn ngạch quy định sẵn dựa theo thu nhập, dự trữ tiền tệ nhà nước của quốc gia và các yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng đóng góp của mỗi thành viên. Bằng cách này, IMF hoạt động như một công đoàn tín dụng, đòi hỏi quốc gia tham gia đóng góp vốn chung vào các quỹ mà có thể mượn khi cần. Hệ thống phiếu của IMF được đong đếm theo đóng góp tiền tệ của một quốc gia, quốc gia giàu có hơn sẽ có tiếng nói lớn hơn. Đáp lại những chỉ trích về hệ thống này, giám đốc mới của tổ chức, Dominique Strauss-Kahn, đã bắt đầu đàm phán lại về công thức phân bổ hạn ngạch đối với các khoản đóng góp và phiếu bầu.

Việc IMF gắn các điều kiện nghiêm ngặt vào các khoản cho vay của mình đã dẫn đến những lời chỉ trích đáng kể. Một số người cho rằng IMF đã áp đặt các biện pháp thắt lưng buộc bụng lên các quốc gia trong cuộc khủng hoảng tài chính, buộc họ phải cắt giảm chi tiêu của chính phủ về các chương trình xã hội khi họ đang cần nhất. Những người khác phàn nàn rằng IMF đưa ra các đòi hỏi chính trị liên quan đến dân chủ hóa và tư nhân hóa vượt quá nhiệm vụ ban đầu của tổ chức. Nhiều nhà lý luận từ các nhánh cấp tiến truyền thống xã hội chủ nghĩa cho rằng những điều kiện của IMF là công cụ để làm suy yếu các nhóm trong nước chống lại sự mở rộng của chủ nghĩa tư bản quốc tế. IMF đáp lại rằng họ chỉ đơn giản đang cố gắng để đảm bảo rằng những vấn đề tạo ra cuộc khủng hoảng được khắc phục, từ đó đầu tư nước ngoài có thể được rót vào các nước này.

Các tổ chức liên chính phủ khu vực

Liên minh châu Âu

Các IGO khu vực khác

Các tổ chức phi chính phủ 

Các phong trào chính trị dân tộc

Các phong trào tôn giáo

Tập đoàn đa quốc gia và Ngân hàng xuyên quốc gia

Các nhóm vận động vấn đề và xã hội công dân toàn cầu

Các chủ thể phi quốc gia và tương lai toàn cầu

Tóm tắt chương

Bài đọc gợi ý

Download toàn bộ văn bản tại đây: Chu the phi quoc gia va thach thuc doi voi quan tri toan cau.pdf

——-

[1] Intergovernmental organizations: là những thể chế được tạo ra và tham dự bởi chính phủ các quốc gia, chính điều này làm cho tổ chức có quyền hạn đưa ra những quyết định mang tính tập thể để giải quyết các vấn đề cụ thể trong chương trình nghị sự toàn cầu

[2] Nongovernmental organizations: là những tổ chức xuyên quốc gia của tư nhân trong đó bao gồm các quỹ, các hiệp hội nhà nghề, các tập đoàn đa quốc gia hay các nhóm ở các quốc gia khác nhau cùng nhau hợp sức trong những mối quan tâm chung

[3] Group 77: Một liên minh của những quốc gia nghèo trên thế giới được hình thành vào năm 1964 để  ép các quốc gia giàu có Phương Bắc nhượng bộ.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]