Tác giả: An Nhiên
Theo báo Tuổi Trẻ, từ chiều ngày 15-7, Trung Quốc đã giảm số lượng lớn các tàu, chỉ còn duy trì khoảng 70-75 tàu ở lại tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981. Đến 7h sáng ngày 16/7, giàn khoan Trung Quốc tiếp tục di chuyển so với vị trí ban đầu khoảng hơn 50 hải lý. Rạng sáng ngày 16/7, Tân Hoa Xã dẫn nguồn từ công ty TNHH Cổ phần Dịch vụ Dầu khí Hải dương Trung Quốc tuyên bố đã hoàn tất việc khoan và thăm dò dầu khí ở Biển Đông. Thêm vào đó, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ được di chuyển về đảo Hải Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi cũng đã chính thức lên tiếng khẳng định: “việc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Đảo Trung Kiến (Việt Nam gọi là Tri Tôn), thuộc Tây Sa (Hoàng Sa) bắt đầu từ ngày 2/5 đã kết thúc một cách thành công vào ngày 15/7 như dự kiến.
Kết hợp từ thông báo của phía Trung Quốc cũng như từ những quan sát trên thực địa cộng với dự báo thời tiết sắp có bão diễn ra trên Biển Đông, có vẻ như Trung Quốc đang thực sự rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam sau gần 75 ngày hoạt động. Không biết, sau đây Trung Quốc còn mưu đồ gây hấn nào hay không nhưng việc Trung Quốc thực sự chấm dứt việc hạ đặt giàn khoan ở đây có thể hạ nhiệt tạm thời cho khủng hoảng diễn ra trong hơn hai tháng vừa qua.
Mục tiêu đã hoàn thành?
Có nhiều nhận định cho rằng: việc hạ đặt giàn khoan của Trung Quốc không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn là một động thái chính trị, một phép thử cho tất cả các bên. Vậy thử hình dung ra tại sao, khi còn gần 1 tháng nữa mới đến thời hạn kết thúc khoan thăm dò mà Trung Quốc đã tuyên bố rút giàn khoan? Có thực sự vì lý do thời tiết hay những mục tiêu mà Trung Quốc đặt ra đã được hoàn thành?
Tân Hoa xã dẫn lời ông Khâu Trung Kiến, chuyên gia địa chất dầu khí thuộc Viện Kỹ thuật Trung Quốc, cho rằng sở dĩ Trung Quốc cho rút giàn khoan vì lý do an toàn, do tháng 7 là tháng bắt đầu của mùa mưa bão. Tuy nhiên, bản chất sự việc có lẽ không đơn giản như vậy. Trao đổi với phóng viên PetroTimes, Thiếu tướng Lê Mã Lương – Nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam khẳng định: Nếu Trung Quốc rút giàn khoan trước thời gian mà họ đã ngang ngược tuyên bố là 15/8 thì đó không phải là vì cơn bão. Bởi lẽ giàn khoan này đã được thiết kế để chịu đựng “siêu bão”. Cho nên cơn bão chỉ là cái cớ để họ nói với thiên hạ.
Thứ nhất, xét về mặt kinh tế và kỹ thuật đơn thuần, có khả năng là chi phí cho việc vận hành giàn khoan quá tốn kém, Trung Quốc đẩy nhanh việc tiến hành khảo sát và thăm dò để có thể rút giàn khoan trước thời điểm dự kiến và giảm bớt chi phí vận hành.
Thứ hai, so với các vụ việc căng thẳng xảy ra trước đây ở Biển Đông, có thể nói đây là lần đầu tiên, Việt Nam gây sự chú ý của cộng đồng quốc tế nhiều và mạnh như vậy. Hàng loạt các hội thảo, diễn đàn lớn đều đổ dồn lên án Trung Quốc: cấp cao ASEAN, Đối thoại Shangri-la, G7,… và mới đây nhất là hội thảo về Biển Đông do CSIS tổ chức tại Mỹ. Ngoài ra, còn có nhiều nước đơn lẻ lên tiếng quan ngại về căng thẳng trên Biển Đông. Sức ép quá lớn từ dư luận quốc tế cũng có thể là một phần nguyên nhân khiến Trung Quốc rút giàn khoan sớm hơn dự kiến.
Thứ ba, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở một vị trí chiến lược như vậy thực ra là một phép thử cho tất cả các bên. Trung Quốc muốn thử khả năng phản ứng của Việt Nam trên cả mặt trận quân sự, bán quân sự và ngoại giao. Trung Quốc muốn thử sự đoàn kết của ASEAN khi hành động diễn ra ngay trước thềm cấp cao ASEAN. Trung Quốc cũng muốn thử sự can dự cũng như sự quan tâm đến vấn đề Biển Đông của Mỹ, Nhật và các nước khác. Như vậy, có lẽ sau khi hoàn tất được báo cáo về mức độ phản ứng của các bên, Trung Quốc rút giàn khoan là điều hiển nhiên.
Không cần biết Trung Quốc đã đạt được các mục tiêu đề ra hay chưa, việc hùng hổ kéo giàn khoan vào, gây sự với nước nhỏ rồi bây giờ lại lặng lẽ xuống thang có lẽ khá mất mặt với một ông lớn như Trung Quốc. Do đó, phải thừa nhận rằng việc cơn bão Rammansun đổ vào Biển Đông là một cái cớ hoàn hảo cho Trung Quốc kéo giàn khoan ra khỏi vùng tranh chấp khi chưa đến thời hạn công bố lúc ban đầu.
Bài học từ khủng hoảng
Sau sự cố giàn khoan, có thể rút ra một số kết luận sau:
Thứ nhất, Việt Nam nên bình tĩnh nhìn nhận sự việc, đặt sự việc vào trong một bức tranh tổng thể hơn. Thực ra hành động đặt giàn khoan của Trung Quốc không có gì là quá mới. Và nó cũng nằm trong một chuỗi các sự việc từ năm 2012 đến nay như cắt cáp tàu Bình Minh 02 và tàu Viking, chiếm bãi cạn Scarborough; mời thầu trái phép 9 lô dầu khí; ngang nhiên thành lập cái gọi là Thành phố Tam Sa; cải tạo đảo Gạc Ma; thiết lập ADIZ ở Biển Hoa Đông,… Chuỗi hành động này chỉ nhằm đến 1 mục đích duy nhất là củng cố yêu sách trên biển, duy trì sự quản lý hiệu quả đối với các quần đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc còn thực hiện cái gọi là “chiến lược cắt lát salami”, từng đảo một, với từng nước một tại từng thời điểm. Từ sau các sự vụ 2012, Trung Quốc đã để cho Việt Nam một thời gian dài tương đối yên ổn để quay sang gây hấn với Philippines và Nhật Bản. Phải chăng Việt Nam đã quá chủ quan trước sự kiện giàn khoan? Do đó, Việt Nam nên theo đuổi một chiến luật lâu dài bảo vệ chủ quyền biển đảo chứ không phải là chiến thuật cho từng tình huống nhỏ. Luôn nâng cao thái độ cảnh giác, coi chừng, tinh thần phản ứng nhạy bén với một ông hàng xóm khó đoán như Trung Quốc.
Thứ hai, có thể nhận thấy rằng hành động lần này của Trung Quốc có một số cái mới mà phía Việt Nam có thể lưu tâm để chuẩn bị đối phó với những hành động về sau: (1) sự kết hợp các nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước (CNOOC), lực lượng hải quân và chấp pháp biển (2) lần đầu tiên có sự huy động lực lượng mạnh mẽ và nhiều đến vậy, ở quy mô lớn và chuẩn bị rất bài bản với ba vòng bảo vệ giàn khoan.
Thứ ba, nhìn nhận ở một góc độ tích cực hơn, sự kiện giàn khoan lần này là cơ hội quý để Việt Nam tranh thủ dư luận và bạn bè quốc tế. Mặc dù trung lập, không đứng về bên nào trong tranh chấp, nhưng thế giới đã biết và hiểu rõ hơn về hành động gây hấn của Trung Quốc ra sao, đã cùng nhau bày tỏ quan ngại và điều này thực sự có lợi cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành chủ quyền.
Hơn nữa, nhờ dịp này, không chỉ Trung Quốc mà Việt Nam cũng đã thử được phản ứng của các bên, đo mức độ can dự của Mỹ và Nhật đối với vấn đề Biển Đông thực sự đến đâu. Ngoài ra, các nỗ lực và phản ứng mạnh mẽ của giới lãnh đạo Việt Nam lần này đã phần nào xoa dịu được tâm lý đối với người dân trong nước như thái độ cứng rắn của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh trong cuộc tiếp Dương Khiết Trì hay tuyên bố sẵn sàng khởi kiện Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng,…
Nói chung, qua sự việc giàn khoan lần này, có thể rút ra bài học tương tự như từ câu chuyện cổ của người Trung Quốc “Tái ông thất mã”: theo đó hai điều họa phúc cứ xoay vần với nhau, khó biết được, không nên quá vui mừng hay đau khổ trước một sự việc bất ngờ xảy ra. Do đó đối với việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, Việt Nam biến nó từ thách thức thành cơ hội kêu gọi sự ủng hộ của cả thế giới. Còn hiện nay, cũng không nên quá vui mừng với sự kiện Trung Quốc rút giàn khoan hay nghĩ đó là một thắng lợi của ngoại giao mà nên giữ thái độ cẩn trọng, theo dõi sát diễn biến tiếp theo.