Tập Cận Bình thăm Hàn Quốc: Phần Lan hóa hay Crimea hóa?

_76019336_023004488-1

Tác giả: Sukjoon Yoon | Biên dịch: Phạm Trang Nhung

Chuyến thăm Seoul cấp nhà nước gần đây của Chủ tịch Trung Quốc có thể báo trước tình trạng “Phần Lan hóa” (trung lập hóa -NBT) mà theo đó Hàn Quốc có thể khôn ngoan duy trì một mức độ tự chủ nhất định thông qua việc cân bằng giữa các cường quốc; hoặc “Crimea hóa” khi mà lợi ích của Seoul ngày càng gắn chặt với ảnh hưởng địa chính trị ngày càng lớn của Trung Quốc.

Liệu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye có thể duy trì thế tự chủ chiến lược giữa hai cường quốc lớn trong khu vực là Mỹ và Trung Quốc không? Khi bà tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm chính thức Hàn Quốc vào ngày 3/7/2014, đã có hai cách nhìn hoàn toàn khác nhau về an ninh khu vực được đưa ra.

Cách nhìn thứ nhất là về việc Mỹ tái cân bằng sang châu Á, được Tổng thống Obama nhắc lại trong bài phát biểu tại lễ phát bằng của trường quân sự West Point ngày 28 tháng 5. Cách nhìn thứ hai là quan điểm của ông Tập về một “kiến trúc hợp tác an ninh khu vực mới” được đưa ra ngày 21/5/2014 tại Hội nghị về Tương tác và các Biện pháp Xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) – một tổ chức mà cả Mỹ và Nhật đều không phải là thành viên.

Thực tế nhãn tiền

Chuyến thăm của ông Tập được một số nhà quan sát ở Mỹ và Nhật xem là một nỗ lực rõ ràng để phá rối liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Hàn, với việc Bắc Kinh ngày càng thân cận với Seoul, và cả hai bên đều bày tỏ sự không hài lòng với việc Tokyo cho phép quân đội Nhật tham gia vào các hoạt động “phòng vệ tập thể” thông qua việc giải thích lại hiến pháp hòa bình của họ. Chuyến thăm cũng thể hiện sự coi thường đối với Bắc Triều Tiên, và việc dứt khoát cự tuyệt tham vọng chiến lược muốn được công nhận là một cường quốc hạt nhân của nước này.

Với môi trường chiến lược hiện tại trong khu vực, Trung Quốc và Hàn Quốc khá lạc quan về quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa hai bên, vốn đang tiếp tục phát triển sâu rộng hơn. “Sáng kiến Âu-Á” của bà Park nhằm tìm cách tăng cường quan hệ của Hàn Quốc với Nga, Trung Quốc và Trung Á, cũng rất phù hợp với khuôn khổ an ninh châu Á mới của ông Tập. Nhưng họ không nên quên thực tế nhãn tiền là nước Mỹ vẫn đang tăng cường xoay trục về châu Á. Vậy làm sao để Hàn Quốc và Trung Quốc có thể tránh được việc làm nước Mỹ lo ngại?

Giữa Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn còn tồn tại nhiều điểm khác biệt đáng kể. Đầu tiên, sau khi Triều Tiên sử dụng chính sách bên miệng hố chiến tranh về hạt nhân, có thể Trung Quốc sẽ ngừng ủng hộ chính trị, nhưng sẽ không cắt viện trợ kinh tế cho Bắc Triều Tiên để tránh việc thúc đẩy nước này sụp đổ và tái thống nhất (bán đảo Triều Tiên). Trong khi đó, Hàn Quốc vẫn tiếp tục dựa vào sự bảo vệ của Mỹ trước những cuộc tấn công hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Thứ hai, khi Hàn Quốc có bất hòa với Nhật Bản, Bắc Kinh và Washington lại lôi kéo Seoul theo hai hướng ngược nhau. Trung Quốc muốn cùng Hàn Quốc đưa ra phản ứng chung trước chủ nghĩa xét lại quân sự đang lên ở Nhật, và tha thiết muốn Hàn Quốc đóng vai trò lớn trong lễ kỉ niệm cuộc kháng chiến chống Nhật xâm lược trong Thế chiến thứ 2 vào năm sau tại Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ lại đang cố gắng thuyết phục Hàn Quốc hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản thông qua một cấu trúc an ninh ba bên mới nhưng vẫn chưa được định hình cùng Mỹ.

Thứ ba, Hàn Quốc sẽ chào đón việc Trung Quốc trở thành thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế với một khuôn khổ dựa trên luật lệ, nhưng “những lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, mà trước đây chỉ liên quan đến các vấn đề như Đài Loan và Tây Tạng thì nay đã được mở rộng ra bao gồm cả chủ quyền trên biển ở Biển Hoa Đông và Hoa Nam (Biển Đông).

Phần Lan hóa Hàn Quốc?

Kể từ khi Tổng thống Park và Chủ tịch Tập lên nắm quyền, hai nước đã tăng cường củng cố quan hệ đối tác toàn diện, dựa trên hợp tác kinh tế cũng như hợp tác về các vấn đề văn hóa, khoa học, kĩ thuật, và môi trường. Với Trung Quốc, như ông Tập đã nói rõ trong chuyến thăm tới Seoul, lựa chọn tốt nhất là chính sách một Hàn Quốc. Trong chuyến thăm Đức vào tháng 2, bà Park cũng đã cam kết hỗ trợ nhân đạo dành cho chế độ Bắc Triều Tiên và kêu gọi tăng cường tin cậy với Bình Nhưỡng. Hàn Quốc và Trung Quốc có lợi ích chung rõ rệt đối với hòa bình và thịnh vượng trong khu vực, do vậy có lẽ Seoul nên gạt bỏ vấn đề vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên sang một bên, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Từ quan điểm này, đây là lúc Hàn Quốc tiếp nhận một vị trí trung lập, và chuyến thăm của ông Tập là một dịp lý tưởng để tuyên bố rằng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Trung-Hàn cũng quan trong ngang ngửa với quan hệ đồng minh về an ninh và quân sự Mỹ-Hàn. Lợi ích của Hàn Quốc sẽ được đảm bảo tốt nhất bằng cách thẳng thừng từ chối việc phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ, dẫn đến một dạng “Phần Lan hóa” trên thực tế.

Theo một cuộc khảo sát gần đây do viện Nghiên cứu Chính sách ASAN thực hiện, người Hàn Quốc có quan điểm tích cực đến đáng ngạc nhiên về Trung Quốc, và quan điểm về Mỹ chỉ tích cực hơn chút xíu; và ở Hàn Quốc, Chủ tịch Tập là lãnh đạo nước ngoài được yêu thích thứ hai, sau Tổng thống Obama. Kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên, quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn đã luôn được xác định là, và chủ yếu giới hạn ở, một mối quan hệ từ trên xuống giữa hai nhà nước.

Hay Hàn Quốc Crimea hóa?

Ngược lại, việc Trung Quốc và Chủ tịch nước này được lòng người dân Hàn Quốc hiện nay phản ánh một sức mạnh từ dưới lên giúp củng cố mối quan hệ song phương. Quan hệ đồng minh về an ninh và quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc liên quan đến việc chia sẻ gánh nặng, nhưng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Hàn Quốc lại chẳng có gánh nặng chính trị nào.

Nhưng liệu việc nhấn mạnh sự gần gũi về văn hóa, ngôn ngữ và địa lý với Trung Quốc có dẫn tới nguy cơ Hàn Quốc có thể bị gắn chặt rồi trở thành một phần ngoại biên của Trung Quốc hay không?

Sự phụ thuộc vào thị trường và nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc có thể làm giảm ý chí phòng vệ cần thiết của Hàn Quốc. Kế hoạch Cải tổ Quốc phòng 2014-2030 mới được công bố gần đây đề xuất mức chi tiêu quân sự là 7% GDP để xây dựng một tư thế phòng thủ tự lực. Nhưng đây là điều không thể đạt được, nếu xét đến nhu cầu về phúc lợi xã hội tăng cao và nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho tái thống nhất.

Khuôn khổ an ninh châu Á mới của Tập Cận Bình, thông qua việc thành lập một dàn xếp mang tính thỏa hiệp cho phép phát triển các tương tác kinh tế và văn hóa, bất chấp vấn đề Bắc Triều Tiên, có thể khiến Hàn Quốc xem nhẹ những hệ quả lâu dài. Trong nhiều thế kỉ Trung Quốc đã là một cường quốc bá quyền, và nước này luôn mong muốn quay lại vị trí này lần nữa. Ai có thể ngăn cản việc Trung Quốc tiến hành thôn tính vùng biển Hoa Nam (Biển Đông), dù các nước láng giềng như Philippines hay Việt Nam có nói hay làm gì đi chăng nữa?

Nếu Hàn Quốc chỉ đơn giản theo đuổi việc kinh doanh như thông thường, và đặt các vấn đề an ninh khu vực sang một bên, có lẽ vào một ngày nào đó người dân Hàn Quốc sẽ tỉnh dậy và chợt nhận ra rằng họ đã trở thành một chư hầu của Trung Quốc.

Lý tưởng nhất là Hàn Quốc không nên chọn bên nào giữa “Phần Lan hóa” hay “Crimea hóa”, nhưng có lẽ đây là những lựa chọn duy nhất. Hàn Quốc và Trung Quốc đều được ngưỡng mộ vì những “kì tích” kinh tế, và các nước khác trong khu vực vốn có mong muốn mô phỏng thành công của họ nhưng phải đối mặt với một thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh tương tự như của Hàn Quốc sẽ chú ý sát sao tới cách hành xử của nước này.

Liệu Hàn Quốc có thể từ bỏ Mỹ một cách nhẹ nhà mà không làm Mỹ mất mặt hay không? Dù chuyện gì xảy ra, mối quan hệ vẫn đang tiếp tục biến đổi giữa Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ có những hệ lụy rộng khắp Đông Á.

Bản gốc tiếng Anh: RSIS Commentaries