Tác giả: Trương-Minh Vũ, Nguyễn Thế Phương
Kể từ khi căng thẳng leo thang tại biển Đông vào đầu năm 2014, việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử (COC) đã trở nên cấp bách. Các Bộ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc và ASEAN gặp nhau tại thủ đô Naypyitaw vào cuối tuần trước đã đồng ý đẩy nhanh việc đàm phán để xây dựng nên một COC mang tính ràng buộc pháp lý. Liệu có thể có một kết thúc khả quan cho COC?
Trong bình luận của mình trên RSIS vào ngày 2 tháng 6 năm 2014 với tựa đề A Tale of Three Fears: Why China Does Not Want to Be No 1 (Tạm dịch: Câu chuyện về ba nỗi sợ: Tại sao Trung Quốc không muốn đứng đầu), tác giả Kai He đã chỉ ra rằng làm thế nào mà việc ký kết một bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông có thể là bước đầu tiên để Trung Quốc trở thành một lãnh đạo toàn cầu. Chúng tôi tin rằng một COC ràng buộc là cần thiết để Trung Quốc có thể kiểm soát mối quan hệ của mình với các quốc gia nhỏ hơn với tư cách là một nhà lãnh đạo mới dựa trên luật lệ và quy tắc. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hoài nghi về triển vọng của một “cường quốc đang nổi lên có thể tự kiềm chế”.
Theo John Ikenberry, viết trên International Security, một quyết định đưa ra bởi một cường quốc thống trị chấp nhận các thể chế và tuân thủ theo luật pháp quốc tế được thúc đẩy bởi nhận thức của cường quốc đó cho rằng quyền lực của mình sẽ được bảo toàn. Dựa trên các lợi thế về quyền lực, các cường quốc thống trị cho rằng thể chế là một phương thức “đầu tư quyền lực”, và từ đó tạo ra các luật lệ và quy tắc giúp bảo đảm lợi ích của họ ngay cả khi quyền lực bị suy giảm một cách tương đối. Sử dụng sức mạnh cứng để bảo vệ lợi ích hay giải quyết tranh chấp có thể trở nên rất rủi ro và tốn nhiều chi phí. Thông qua thể chế, các quốc gia nhỏ hơn đến lượt họ sẽ sẵn sàng chấp nhận các quy tắc được đưa ra bởi các quốc gia lớn hơn do bị ép buộc hoặc để đổi lại một vài lợi ích nào đó.
Thế lưỡng nan của Trung Quốc và COC trong vai trò một công cụ quyền lực
Mối liên hệ giữa cường quốc và các chuẩn tắc quốc tế luôn được xem là phức tạp và đa chiều. Cường quốc thống trị có thể sử dụng luật pháp quốc tế như một công cụ, chối bỏ luật pháp hay biến đổi luật pháp quốc tế bằng luật của chính mình. Nói cách khác, trong mắt của các cường quốc thống trị, luật pháp quốc tế được cho là một loại công cụ quyền lực giúp đảm bảo các lợi ích ngắn hạn cũng như dài hạn.
Kể từ 2009, Trung Quốc đã đối mặt với thế lưỡng nan trong việc chọn lựa giữa một bên là sử dụng sức mạnh đang lên của mình, và một bên là trở thành hình mẫu của việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Với tư cách là một cường quốc đang nổi lên, Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề làm thế nào để có thể sử dụng các khả năng đang lớn mạnh của mình, và mở rộng lợi ích của quốc gia ra ngoài biên giới.
Chính vì thế, có ít nhất ba lý do lý giải vì sao quá trình đàm phán xây dựng Tuyên bố ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) trong quá khứ và COC ở hiện tại sẽ được sử dụng như một “công cụ quyền lực” chứ không phải là “đầu tư quyền lực”.
Đầu tiên, trong suốt quá trình đàm phán thiết lập COC từ năm 1998 tới nay, cách nhìn của Trung Quốc đối với COC là hoàn toàn khác biệt. Đối với ASEAN, việc ký kết COC sẽ mang lại những lợi ích to lớn, đặc biệt là lợi ích chính trị, thể hiện qua tiền lệ giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua đàm phán. Mặt khác, Trung Quốc cho thấy rằng nước này không quan tâm tới việc tham gia bất kỳ hiệp ước nào có khả năng giới hạn quyền lực của mình tại khu vực, và COC chỉ là một biểu tượng của “một phương thức xây dựng lòng tin”.
Thứ hai, quyền lực của Trung Quốc đang tăng lên một cách vững chắc. Bắc Kinh hiện tại không bị đặt dưới một yêu cầu quá cấp thiết phải tự kiềm chế cho đến khi Trung Quốc nhận ra rằng quyền lực của mình đang suy giảm hay chiến lược của mình đang không đi đúng hướng. Ở Naypyitaw cuối tuần trước, Trung Quốc đã nêu lên sự cần thiết phải kết thúc sớm đàm phán về COC, đúng với những gì mà ASEAN đã nêu lên. Điều này nhắc chúng ta nhớ lại khoảng thời gian đầu năm 2013 với một làn gió lạc quan theo sau sự chủ động của Trung Quốc trong việc theo đuổi đàm phán COC với các quốc gia ASEAN.
Câu hỏi chính yếu ở đây là khi nào các cuộc đàm phán sẽ kết thúc, và chúng có trùng với hạn chót mà ASEAN đã đề xuất hay không. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong chuyến thăm chính thức tới các nước ASEAN vào năm 2013, đã nói rằng ASEAN cần có “những mong đợi mang tính thực tế” và nên có “cách tiếp cận từ tốn để có thể tiến tới một đồng thuận về COC”.
Sử dụng việc đàm phán về COC như là một “biện pháp câu giờ”, Trung Quốc đang tạo nên một ảo giác rằng nước này đang đi đúng hướng trong việc giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế. Theo cách này, Trung Quốc có thể gia tăng uy tín của mình tại biển Đông và tiếp tục chính sách “phát triển hoà bình”.
Thứ ba, COC sẽ có vai trò như một món đồ trang trí hơn là thực tế. Liệu ASEAN có nên chấp nhận một COC yếu với những cam kết ít mang tính ràng buộc từ Trung Quốc xuất phát từ sự chia rẽ trong nội bộ khối? Những chia rẽ này, vốn đã xuất hiện trong lịch sử đàm phán COC, đã được Trung Quốc khai thác.
COC như là món đồ trang trí?
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những tranh cãi xung quanh việc đề cập tới các tranh chấp lãnh thổ trong COC, về giới hạn của các hành vi xây dựng mới cơ sở hạ tầng tại các khu vực tranh chấp, việc thực hiện các hành động quân sự tại vùng nước gần quần đảo Trường Sa, cũng như việc các tàu đánh cá ở vùng biển tranh chấp có nên bị bắt hay không.
Tháng 7 năm 2012 đánh dấu lần đầu tiên trong 45 năm lịch sử của mình các Ngoại trưởng ASEAN đã thất bại trong việc đưa ra một tuyên bố chung sau cuộc họp thường niên tại Phnom Penh. Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng mâu thuẫn nội bộ bên trong ASEAN chính là nguyên nhân chính dẫn tới thất bại này, đặc biệt là giữa Campuchia và Philippines.
Liệu chấp nhận một COC mang tính ràng buộc cao hơn có thể trở thành một bước đi vững chắc giúp khôi phục vị trí lãnh đạo của Trung Quốc tại biển Đông thông qua luật lệ và quy tắc? Chúng tôi cho rằng dự đoán này sẽ thành hiện thực nếu hai điều kiện sau được thực hiện.
Điều kiện đầu tiên yêu cầu giới lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng theo đuổi một chính sách dựa trên sức mạnh cứng có giới hạn của chính nó, và có khả năng lôi kéo Hoa Kỳ dính líu sâu hơn vào xung đột với Trung Quốc.
Hành động này sẽ tàn phá kinh tế Trung Quốc. Vì thế, một chính sách “thao quang dưỡng hối” phiên bản 2 nên được thực thi, qua đó Trung Quốc sẽ có nghĩa vụ tìm ra cách thức nhằm giải quyết xung đột với các nước láng giềng bằng cách chấp nhận các quy tắc và thể chế.
Trong bối cảnh Trung Quốc ít có khả năng phải đối đầu với một quốc gia mạnh hơn, và trong khi bất đối xứng về quyền lực vẫn hiện hữu trong tranh chấp biển Đông, một COC chỉ liên quan đến Trung Quốc và các quốc gia ASEAN nên được xem như một biện pháp tạm thời mà thôi.
Chỉ có một COC bao gồm tất cả các bên liên quan và có lợi ích trong tranh chấp biển Đông như Hoa Kỳ, Nhật Bản hay thậm chí là Ấn Độ – hay một hiệp định hàng hải cho cả khu vực – mới có thể trở thành một phương thức “đầu tư quyền lực” giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và thúc đẩy Trung Quốc trở thành một cường quốc có trách nhiệm.
Trương-Minh Vũ đang là NCS tại Đại học Bonn (CHLB Đức) và là giảng viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TpHCM. Nguyễn Thế Phương hiện là nghiên cứu viên tại Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, TpHCM.
Bản gốc tiếng Anh: RSIS Commentaries