Tác giả: Zachary Keck | Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Thế chiến I không phải là cuộc chiến tình cờ, mà là kết quả của chính sách nhà nước có chủ đích của Đế quốc Đức.
Tháng Tám này đánh dấu kỷ niệm 100 năm ngày bùng nổ Thế chiến I. Không có gì đáng ngạc nhiên khi điều này mang đến đủ các loại câu chuyện cũng như các bài xã luận về sự kiện thảm khốc vốn đã cướp đi sinh mạng 16 triệu người và làm bị thương 21 triệu người này.
Cho đến ngày nay, hầu hết các nhà quan sát đều tiếp tục cho rằng Thế chiến I là một cuộc chiến tình cờ: không nước nào, đặc biệt là những nước có liên quan muốn có chiến tranh, nhưng cuộc chiến vẫn xảy ra.
Một số cho rằng các chương trình vũ trang lớn cùng với các học thuyết quân sự mang tính tấn công của các nước châu Âu trong giai đoạn tiền chiến đã khiến Thế chiến I trở nên không thể tránh được. Một số khác cho rằng chính việc dân chúng mang trong mình chủ nghĩa dân tộc cực đoan là nguyên nhân của cuộc chiến. Một số khác tiếp tục đổ lỗi cho những khối liên minh chặt chẽ mà các nước châu Âu đã hình thành nên trong những năm trước Thế chiến I, dẫn đến tình cảnh mà việc Thái tử Franz Ferdinand bị ám sát bởi một kẻ vô chính phủ cũng có thể nhấn chìm cả lục địa trong một cuộc chiến đẫm máu. Cũng có một số đổ lỗi cho tình thế xung đột lợi ích không thể điều hòa giữa nước Đức đang lên và nước Anh đang suy yếu. Bất chấp những lời giải thích cụ thể được viện dẫn, hầu hết đều có vẻ đồng ý rằng cuộc chiến này chỉ là một tai nạn.
Đáng ngại hơn, những năm gần đây có thể thấy nhiều cá nhân bắt đầu có những so sánh giữa châu Âu đầu thế kỷ 20 với châu Á – Thái Bình Dương hiện nay. Có lẽ đáng nhớ nhất là tại Diễn đàn Kinh tế thế giới hồi đầu năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra một sự so sánh rằng sự đối đầu Trung – Nhật hiện nay tương đồng đáng kể với sự đối đầu Anh – Đức giai đoạn trước Thế chiến I. Trong dịp này, ông Abe đã cố gắng miêu tả việc Trung Quốc gây hấn và tăng cường quân sự là đẩy khu vực tới chiến tranh.
Những người khác cũng so sánh cuộc đối đầu Mỹ – Trung mới chớm hiện nay với cuộc đối đầu Anh – Đức không may mắn một thế kỷ trước. Ví dụ như trong tờ Boston Globe tuần này, chuyên gia ở College Station, Christopher Layne lập luận rằng nguyên nhân của Thế chiến I là do Anh từ chối thay đổi nguyên trạng lúc bấy giờ bất chấp sự trỗi dậy của Đức. Từ ví dụ này, Layne cảnh báo rằng Mỹ và Trung Quốc đang đi tới một cuộc chiến tranh, và chỉ Mỹ mới có thể ngăn chặn được điều này bằng việc “tiến hành một chính sách điều chỉnh chiến lược ở Đông Á” để dung nạp quyền lực và ảnh hưởng đang ngày một tăng của Trung Quốc.
Trong cả hai trường hợp, mục đích của việc so sánh là chỉ ra rằng nếu không có hành động mạnh mẽ nào được thực hiện, châu Á có thể sẽ vấp vào một cuộc chiến lớn không ai mong muốn, giống như châu Âu đã từng cách đây một thế kỷ.
May mắn thay, như triết gia Rob Farley từng lưu ý, “các cuộc chiến vô ý thường hiếm khi xảy ra” mà thay vào đó thường là kết quả của chính sách nhà nước có chủ đích. Và trong vấn đề này, Thế chiến I không phải là ngoại lệ, ít nhất là theo Dale C. Copeland.
Trong cuốn sách kinh điển của ông, Origins of Major Wars (Nguồn gốc của các cuộc đại chiến – ND), Copeland đưa ra một lý thuyết mà ông gọi là “lý thuyết về những sự khác biệt mang tính động lực” để giải thích nguyên nhân xung đột giữa các cường quốc. Nói một cách đơn giản, lý thuyết về những sự khác biệt mang tính động lực lập luận rằng các quốc gia đang suy yếu phát động chiến tranh khi họ rõ ràng vẫn đang giữ ưu thế quân sự rõ rệt nhưng tin rằng mình đang đi sâu vào con đường suy yếu không thể đảo ngược so với cường quốc đang lên.
Trong tình hình như vậy, những nhà lãnh đạo của các nước đang suy yếu sẽ xem chiến tranh là giải pháp duy nhất để ngăn các nước đang lên khỏi việc vượt mặt họ và trở thành quốc gia quyền lực nhất trong hệ thống, do đó trở thành mối đe dọa an ninh lớn. Lý thuyết về những sự khác biệt mang tính động lực thừa nhận rằng những lãnh đạo này có xu hướng phát động chiến tranh lớn hơn cả khi họ tin rằng họ đã tối đa hóa được sức mạnh tương đối của mình – tức là khi họ tin rằng sức mạnh quân sự tương đối của họ đã đạt đỉnh và trì hoãn chiến tranh chỉ khiến các quốc gia đang lên phát triển mạnh thêm.
Copeland kiểm tra lý thuyết này thông qua một số tình huống nghiên cứu xuất sắc mà tiêu biểu là Thế chiến I. Trong chương đầu tiên về Thế chiến I, Copeland đã chứng minh sự không phù hợp của tất cả các lý thuyết về nguyên nhân của Thế chiến I cũng như bao quát lại các cuộc khủng hoảng ở khu vực Ban-căng và châu Phi trong những năm trước chiến tranh. Trong chương sau đó, ông lần theo việc đưa ra các quyết định của Đức – đặc biệt là của Thủ tướng Theobald von Bethmann-Hollweg – từ cuộc khủng hoảng tháng Bảy đến khi bùng nổ Thế chiến I.
Trong tình huống nghiên cứu này, Copeland thuyết phục rằng quá trình dịch chuyển quyền lực giữa Đức và Nga – chứ không phải giữ Đức và Anh – là nguyên nhân thực sự của cuộc chiến. Cụ thể, ông chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo Đức từ lâu đã lo ngại đất đai, tài nguyên và dân số lớn hơn của Nga là mối đe dọa lâu dài cho sự tồn vong của nước Đức. Các nhà lãnh đạo Đức đánh giá mối nguy này sẽ thành hiện thực một khi Nga hoàn thành cuộc đại cách mạng công nghiệp và tăng cường quân sự vốn đã được Nga bắt đầu thực hiện nhiều năm trước khi Thế chiến I bùng nổ.
Do đó Đức cũng bắt đầu tăng cường quân sự (đặc biệt là đa dạng hóa lực lượng hải quân) với hi vọng nâng tối đa sức mạnh để chuẩn bị cho cuộc chiến mà các nhà lãnh đạo Đức ngày càng nhận ra là không thể tránh được. Trước khi sự tăng cường này hoàn thành, từ 1912 đến 1913 Béc-lin đã ngăn chặn thành công bốn cuộc khủng hoảng lớn ở khu vực Ban-căng để chúng không leo thang thành các cuộc chiến lớn, chủ yếu bằng cách kiềm chế nước đồng minh Áo để Áo không kích động Nga lâm chiến. Vì vậy, Copeland nói về một “chủ đề chung” của các cuộc khủng hoảng Ban-căng 1912-1913, đó là “khi Nga ít có khả năng sẽ can thiệp, Béc-lin cho phép Áo hành động cứng rắn; nhưng bất cứ khi nào Nga tỏ vẻ chắc chắn…sẽ phản đối hành động của Áo, Béc-lin sẽ ngừng hỗ trợ và tham mưu cho Viên duy trì ‘thái độ chờ đợi.’”
Các nhà lãnh đạo Đức cũng bắt đầu “giáo dục” cho công chúng về những lợi ích quốc gia của Đức để khi cuộc chiến bùng nổ, họ sẽ có động lực chiến đấu. Như Copeland giải thích, “Thay vì các nhà lãnh đạo hưởng ứng theo cảm xúc phẫn nộ của công chúng, họ cố ý tạo nên những cảm xúc mãnh liệt đó nhằm giúp họ chiến đấu hiệu quả hơn trong chiến tranh.”
Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tháng Bảy năm 1914 khi Thái tử Franz Ferdinand bị sát hại, Copeland lưu ý rằng Béc-lin đã thay đổi lập trường mạnh mẽ như thế nào. Lúc đó các nhà lãnh đạo Đức mà đứng đầu là thủ tướng quyết định rằng ở thời điểm này chiến tranh sẽ thuận lợi nhất đối với nước Đức. Một phần do hoàn cảnh lúc bấy giờ: Đức có khả năng đổ cho Nga là kẻ gây hấn trước. Điều này là cần thiết để đảm bảo những người Đức – đặc biệt là Đảng Dân chủ Xã hội Đức – trở lại cuộc chiến. Việc tuyên bố Nga là kẻ gây hấn trước cũng sẽ buộc Áo phải tham gia cuộc chiến, và có thể làm giảm sự hỗ trợ của Anh dành cho Pháp và Nga, ít nhất ở thời điểm ban đầu. Tuy nhiên, Copeland đã mạnh mẽ phản bác lại quan điểm của một số sử gia cho rằng các nhà lãnh đạo Đức tin rằng Anh sẽ giữ thái độ trung lập trong cuộc chiến. Dù có vẻ rất mong đợi một kết quả như vậy nhưng họ nhận ra rằng điều này là hoàn toàn khó xảy ra.
Nhưng lý do chính khiến các nhà lãnh đạo Đức ưu tiên chiến tranh năm 1914 là niềm tin vào việc sức mạnh Đức đang ở đỉnh cao. Béc-lin đã hoạch định việc tăng cường sức mạnh quân sự nhiều năm trước cuộc chiến. Quan trọng hơn, “các nhà lãnh đạo Đức tin rằng cuộc chiến tranh ở châu Âu hay chiến tranh thế giới phải được tiến hành trong năm 1914, do đến năm 1917 khi Nga hoàn thành cải cách quân sự và các tuyến đường sắt chiến lược, thì lúc đó Đức không thể nào đương đầu nổi với lực lượng quân sự tổng hợp của Nga, Pháp và Anh.”
Kết quả là các nhà lãnh đạo Đức đã lợi dụng điêu luyện hậu quả của cuộc khủng hoảng tháng Bảy nhằm đảm bảo cho một cuộc chiến tranh ở châu Âu mà trong đó Nga xuất hiện như một kẻ đi xâm lược bởi Nga đã thông báo huy động lực lượng quân đội. Do đó, Copeland lập luận “Đức tích cực theo đuổi chiến tranh hồi tháng Bảy năm 1914 và đến cuối tháng Bảy các nhà lãnh đạo Đức muốn một cuộc chiến tranh thế giới hơn là một hòa ước, thậm chí cả khi hòa ước đó đem lại cho Áo hầu hết những gì họ muốn. Do đó Béc-lin đã tiến hành mọi bước đi cần thiết để ngăn cản bất cứ giải pháp thương lượng nào, cùng lúc đảm bảo Nga sẽ bị đổ lỗi cho cuộc chiến.” Ngắn gọn hơn, Copeland viết: “được lựa chọn giữa một cuộc chiến tranh thế giới và một hòa ước, Đức đã ưu tiên giải pháp đầu tiên và không làm gì để thực hiện giải pháp thứ hai.” Trên thực tế, họ chủ động phá hoại giải pháp thứ hai bằng cách tuyên bố chiến tranh để tránh một “sự chấp nhận vào phút cuối của Nga đối với các yêu cầu của Áo.”
Việc Thế chiến I không phải là tai nạn, mà là kết quả của chính sách nhà nước có chủ đích của Đức là tin tốt cho những ai tin rằng châu Á hiện nay tương tự như châu Âu 100 năm trước. Do vậy, miễn là không quốc gia nào nhìn nhận chiến tranh là có lợi cho mình thì chiến tranh sẽ khó bùng nổ ngay cả khi những cuộc khủng hoảng như vụ ám sát thái tử trở thành hiện thực, một điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Hơn nữa, theo lý thuyết về những sự khác biệt mang tính động lực, hoặc Mỹ hoặc Nhật Bản sẽ trở thành kẻ đi xâm lược trong cuộc chiến. Như vậy, bài học của Thế chiến I là trừ khi Mỹ hay Nhật cho rằng chiến tranh là lợi ích trên hết của họ, châu Á sẽ vẫn hòa bình.
Đáng chú ý là chúng ta nhận thấy lý thuyết về những sự khác biệt mang tính động lực đang diễn ra trên thực tế, ngoại trừ việc chiến tranh chưa bùng nổ. Đáng chú ý nhất, Nhật Bản quốc hữu hóa Quần đảo Senkaku một phần là do họ nhận thấy khả năng bảo vệ quần đảo này của họ đang mất dần cùng với quá trình tăng cường quân sự của Trung Quốc. Nhiều nhà lãnh đạo quân sự Nhật Bản tôi có dịp nói chuyện trong hai năm gần đây đều bày tỏ thái độ tự tin rằng Tokyo có thể bảo vệ những quần đảo khỏi sự xâm lược của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại. Nhưng tất cả đều chắc chắn rằng điều này có thể không còn đúng trong năm năm hay mười năm tới. Trong bối cảnh này, việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo hiện nay là hợp lý để ngăn cản việc chúng sẽ rơi vào tay Trung Quốc sau này. Tuy thế, ngay cả việc này cũng được thực hiện để nhằm ngăn chặn chứ không kích động một cuộc chiến tranh khu vực.
Zachary Keck là biên tập viên của tạp chí The Diplomat.
Bản gốc tiếng Anh: The Diplomat