Tác giả: Christopher R. Hill | Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Thông báo gần đây của chính quyền Triều Tiên về việc sẽ không cho phép bất kỳ khách du lịch nước ngoài nào vào nước này để tự bảo vệ mình khỏi vi rút Ebola đã gợi lên những tiếng cười khúc khích trên toàn thế giới. “Biết điều thì vi-rút Ebola chớ nên tham quan nơi đó,” nhiều nhà quan sát châm biếm. Ngay cả khi thế giới đang phát triển với tốc độ chóng mặt, Triều Tiên dường như vẫn tiếp tục trì trệ trong một thế giới âm u của chủ nghĩa Stalin. Nhưng kho vũ khí hạt nhân ngày càng lớn của cái thế giới âm u đó không phải là chuyện đáng cười.
Sự trì trệ của đất nước Triều Tiên khiến cho bất cứ tiến triển khác thường nào đều thường báo trước một sự kiện lớn. Khi một tháng trôi qua mà không có cảnh quay mới nào về nhà lãnh đạo đất nước Kim Jong–un, các quan sát viên quốc tế háo hức suy đoán về tình hình sức khỏe, an ninh cá nhân, và khả năng nắm giữ quyền lực của ông. Bởi lẽ theo lí luận của họ thì Kim Jong–un sẽ không bỏ lỡ các sự kiện quan trọng, trong đó có buổi lễ tôn vinh cha và ông nội của ông là Kim Jong–il và Kim Il–Sung, trừ khi đã xảy ra điều gì đó nghiêm trọng.
Không lâu sau khi Kim Jong–un trở lại ánh đèn sân khấu, khập khiễng với một cây gậy trong tay, chế độ này lại làm dậy lên làn sóng đồn đoán mới bởi việc thả tự do cho Jeffrey Fowle, một người Mỹ 56 tuổi đã bị bắt giữ trong nhiều tháng chỉ vì để lại một quyển Kinh Thánh trong phòng một khách sạn. Bị những đồng minh ít ỏi bỏ rơi trong những năm gần đây, nhiều ý kiến bên ngoài cho rằng Triều Tiên đang có cảm giác bị cô lập hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh này, việc thả tự do cho Fowle mà dường như không kèm theo bất kỳ sự trao đổi nào được xem như một dấu hiệu cho thấy chế độ này đã sẵn sàng bắt đầu cuộc đối thoại vốn đã được mong đợi từ lâu với Hoa Kỳ.
Nhưng bất kỳ nhận xét nào về chủ ý của Triều Tiên vào thời điểm này cũng chỉ là phỏng đoán, và việc phóng thích một tù nhân không phải là bằng chứng thuyết phục. Duy có điều chắc chắn là việc không có bất cứ cuộc đối thoại bền bỉ đáng kể nào với Triều Tiên là một mối quan ngại nghiêm trọng.
Giới lãnh đạo Hàn Quốc, những người hiểu hơn ai hết sự nguy hiểm mà Triều Tiên gây ra, từ lâu đã thừa nhận một cuộc đối thoại như vậy là cần thiết. Thật vậy, bất chấp việc Triều Tiên từ chối đưa ra bất kỳ nhượng bộ thực sự nào về các vấn đề liên quan đến nhân quyền và các cuộc đoàn tụ gia đình, và chắc chắn không có nhượng bộ nào của nước này về quan điểm quân sự, Hàn Quốc vẫn thường xuyên tìm cách thiết lập một tiến trình cho các cuộc thảo luận về các vấn đề kể trên.
Thách thức đối với Mỹ là làm sao hỗ trợ cho những nỗ lực của Hàn Quốc mà vẫn giữ nguyên yêu sách của mình về việc Triều Tiên phải tham gia vào một vòng đàm phán hạt nhân mới, dựa trên các điều khoản mà nước này đã đồng ý trước đó. Những người phản đối hướng tiếp cận này nhấn mạnh rằng không có chỗ cho những “điều kiện tiên quyết” như vậy trong một cuộc đối thoại đúng nghĩa mà trong đó các bên liên quan chỉ nên trao đổi các quan điểm với nhau.
Nhưng việc Triều Tiên từ chối công nhận cam kết của nước này vào năm 2005 về việc sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân đã khiến cho viễn cảnh về các cuộc đàm phám trở thành một chủ đề gây tranh cãi. Dù sao thì một trong những mục đích cơ bản của việc khởi động các cuộc đàm phán chính là nhằm đẩy lùi chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này.
Mục tiêu đó là động lực đằng sau các cuộc đàm phán sáu bên – giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Bắc và Nam Triều Tiên, Nga, và Mỹ – trong hơn một thập kỷ, trong đó tất cả các nước tham gia đều đã đưa ra những nhượng bộ quan trọng về viện trợ kinh tế và năng lượng, đảm bảo an ninh, và công nhận ngoại giao. Sau nhiều năm chờ đợi thấp thỏm, vào năm 2007 Triều Tiên đã bắt đầu thực hiện những động thái được coi như một “sự thỏa hiệp lớn.” Nhưng sau đó nước này đã cản trở các cơ chế thanh tra – một phần quan trọng của bất kỳ thỏa thuận nào như vậy – và tiếp đó đã không thực hiện các nghĩa vụ của mình.
Không rõ nhà lãnh đạo khi đó là Kim Jong–il đã bao giờ có ý định thực hiện những nghĩa vụ này không. Nhưng có bằng chứng cho thấy khả năng đó. Đáng chú ý nhất, Triều Tiên đã đóng cửa một lò phản ứng hạt nhân, lò phản ứng này đã sản xuất đủ nguyên liệu hạt nhân cho vài quả bom và có thể sản xuất được nhiều hơn nữa. (Những tuyên bố cho rằng lò phản ứng này vốn gần như đã không thể hoạt động được nữa không có bất kỳ cơ sở hợp lý nào, vì tất cả máy móc ở Triều Tiên đều trông có vẻ như vậy.)
Dù sao, Kim Jong–il ít nhất cũng tỏ ý quan tâm đến các thỏa thuận, dù đó chỉ là để duy trì mối quan hệ của Triều Tiên với Trung Quốc. Người con trai kế nhiệm của ông lại không như vậy, những hành động của ông ta thậm chí không thể hiện một tí quan tâm nào về việc phi hạt nhân hóa. Trong cả lời nói và hành động, Kim Jong–un dường như có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân để nâng cao vị thế toàn cầu của Triều Tiên.
Thời gian có thể chưa hết, nhưng nó cũng không đứng yên. Như Đại tướng Curtis Scaparrotti, chỉ huy cấp cao của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, gần đây đã cảnh báo, thông qua Iran và Pakistan, Triều Tiên đã có thể tiếp cận trình độ chuyên môn cần thiết để thu nhỏ một thiết bị hạt nhân và gắn nó trên tên lửa. Nếu hiện tại vẫn chưa thì trong tương lai gần nó cũng sẽ làm được điều đó. Hơn nữa, với việc Triều Tiên đầu tư củng cố lực lượng thông thường[1] và việc phần lớn dân số Hàn Quốc nằm gần biên giới, miền Bắc có thể tập trung vào việc phát triển vũ khí hạt nhân chiến đấu – thêm một chiều hướng đáng sợ cho bất kỳ cuộc xung đột nào trên bán đảo Triều Tiên.
Với việc còn hai năm nữa mới tới kỳ bầu cử (Tổng thống) ở Mỹ vào năm 2016, có lẽ vẫn đủ thời gian để một lần nữa thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân thực chất với Triều Tiên. Xét lý lịch đàm phán của đất nước, một nỗ lực như vậy sẽ phụ thuộc vào chiến thắng của hi vọng trước kinh nghiệm;[2] nhưng nó cũng đáng để thử bởi không còn lựa chọn nào khác.
Thật vậy, thách thức không chỉ là thuyết phục Triều Tiên tham gia. Mỹ không thể hi vọng thực hiện được bất kỳ bước tiến nào nếu không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc và các nước khác, bao gồm cả Nga, hay nếu tất cả các nước không cùng chung tay góp sức. Nga không thể mãi mãi duy trì một chính sách ngoại giao dựa trên thù hận.
Một cộng đồng quốc tế bị chia rẽ và mâu thuẫn như hiện nay có thể tìm thấy điểm chung trong việc nhận ra mối đe dọa mà chế độ bí ẩn và khó lường của Bắc Triều Tiên gây ra, và hợp tác để giảm thiểu nó. Bước đầu tiên trong quá trình đó phải là đối thoại trên nền tảng các cam kết đã được thực hiện. Một cuộc đối thoại với người điếc có thể khó khăn; nhưng một cuộc đối thoại với người mất trí nhớ có thể sẽ chỉ là “đàn gảy tai trâu”.
Christopher R. Hill là cựu Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách khu vực Đông Á, Đại sứ Mỹ tại Iraq, Hàn Quốc, Macedonia, và Ba Lan, đặc phái viên Mỹ ở Kosovo, đàm phán viên Hiệp định Dayton, và là trưởng đoàn đàm phán Mỹ với Triều Tiên giai đoạn 2005-2009. Ông hiện là Hiệu trưởng của trường Nghiên cứu Quốc tế Korbel, Đại học Denver, và là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản có tựa đề “Outpost.”
Biên tập: Lê Xuân Hùng | Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate
————-
[1] Tức lực lượng sử dụng các loại vũ khí quân dụng thông thường, không phải vũ khí hóa học, sinh học hay hạt nhân – ND.
[2] Tác giả so sánh theo câu nói nổi tiếng (và hài hước) của Oscar Wilde, “Marriage is the triumph of imagination over intelligence. Second marriage is the triumph of hope over experience.” (Hôn nhân là chiến thắng của trí tưởng tượng trước trí thông minh. Tái hôn là chiến thắng của hi vọng trước kinh nghiệm.) – ND