Chống thao túng tiền tệ: Phần còn thiếu của TPP

yuan_dollar001_16x9

Tác giả: Simon Johnson | Biên dịch: Nguyễn Quang Dũng

Nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tìm cách thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do khu vực quy mô lớn với tên gọi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, liệu nước Mỹ có đang đi đúng hướng trong quá trình này hay không?

Phạm vi ban đầu của TPP khá khiêm tốn, bao gồm Mỹ và một số đối tác thương mại (Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, và Việt Nam). Nhưng nay Nhật Bản đã tham gia và Hàn Quốc cũng đang theo dõi rất sát hiệp định. Có khả năng Trung Quốc cũng sẽ can dự thông qua hiệp định này hoặc một khuôn khổ tương tự trong tương lai không xa.

Khi muốn hoàn tất một hiệp định nhằm giảm các rào cản thương mại trong lúc vẫn bảo vệ được người lao động và các tiêu chuẩn về môi trường, hướng đi thường thấy là đòi hỏi ít (cam kết) hơn từ những đối tác bên kia bàn đàm phán. Tuy nhiên vào giai đoạn này, xác suất thành công của TPP sẽ lớn hơn nếu Hoa Kỳ đưa thêm vào yêu cầu buộc các bên tham gia không được thao túng đồng tiền của họ.

Một trong những thiếu sót lớn của hệ thống thương mại toàn cầu trong vài thập kỷ qua là sự thiếu vắng một ràng buộc hiệu quả đối với các quốc gia vốn can thiệp mạnh tay nhằm giữ giá đồng tiền của họ ở mức thấp. Một đồng tiền được định giá quá thấp đồng nghĩa với  khả năng nước đó có được thặng dư thương mại lớn.

Thông thường, việc xuất siêu lớn gây áp lực tăng giá đối với đồng tiền một quốc gia, làm cho những sản phẩm xuất khẩu kém cạnh tranh và đẩy nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu lên cao. Tuy nhiên, chính phủ một quốc gia có thể ngăn cản sự tăng giá của đồng tiền trong một thời gian dài bằng cách thu mua ngoại tệ.

Cách can thiệp đó làm tăng nguồn dự trữ ngoại tệ của một quốc gia mà chủ yếu nằm dưới dạng trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ. Trên một góc độ nào đó, cách làm này làm lợi cho nước Mỹ vì giúp giữ lãi suất ngân hàng tại Mỹ thấp hơn bình thường. Nhưng việc thao túng đồng tiền cũng giúp các quốc gia tạo lợi thế kinh doanh bất bình đẳng, gây tác động xấu cho các đối tác thương mại của họ.

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) được thành lập một phần cũng để ngăn chặn chính kiểu chiến lược kinh tế “tốt mình hại người” vốn đã gây ra hiện tượng “phá giá cạnh tranh” xảy ra trong suốt thập niên 1930 này. Đáng tiếc là những năm gần đây IMF đã không thể hoặc không muốn tiếp tục ngăn chặn hiện tượng này.

Tương tự như vậy, Bộ Tài chính Hoa Kỳ có trách nhiệm pháp lý phải xác định xem liệu một quốc gia có đang can thiệp (vào tỉ giá hối đoái) đến mức vô lý và bất bình đẳng hay không. Tuy nhiên trên thực tế, những báo cáo của Bộ Tài chính về vấn đề này thường không đi kèm biện pháp xử lý nên không có hiệu quả thực sự.

Fred Bergsten và Joseph Gagnon, đồng nghiệp của tôi tại Viện Peterson, đã đề nghị thêm một điều khoản về tiền tệ vào hiệp định TPP. Về căn bản, điều khoản sẽ buộc các bên tham gia hiệp định không được thao túng nội tệ. Một điều khoản như vậy có thể có hoặc không đi kèm những biện pháp thi hành mạnh. Điều quan trọng là nó sẽ làm thay đổi các chuẩn tắc và kỳ vọng.

Một vài quan chức Hoa Kỳ đã ủng hộ hướng đi này, những người khác thì không. Nhưng những người hoài nghi về đề nghị này nên nghĩ đến thái độ của quốc hội Hoa Kỳ khi bỏ phiếu về hiệp định TPP. Có sự ủng hộ rất lớn tại Capitol Hill, từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà, về việc tìm cách hạn chế tình trạng thao túng tiền tệ. Thậm chí những người rất ủng hộ tự do thương mại hay ít nhất các dạng hiệp định kiểu TPP như Bergsten và Gagnon cũng đồng ý rằng nhiều quốc gia châu Á đã đi quá giới hạn hành vi hợp lý.

Do mức độ can thiệp (vào đồng nội tệ) của những quốc gia lớn hiện tại đang ở mức thấp (như Trung Quốc) hoặc không có (như Nhật Bản), nên đây là thời điểm tốt nhất để thêm một điều khoản về tiền tệ vào TPP vì hầu hết các quốc gia sẽ ít chống đối điều này. Những nước tham gia TPP có thể thả nổi đồng tiền của họ, hoặc áp dụng một tỉ giá hối đoái cố định. Tuy nhiên, trong trường hợp thứ hai, họ sẽ phải cam kết không có thặng dư tài khoản vãng lai lớn và không tích lũy dự trữ ngoại hối quá nhiều. Bất cứ vi phạm cố tình hay lặp lại nào sẽ và nên bị trừng phạt bằng việc tước các đặc quyền có được theo TPP.

Tất nhiên, việc đề xuất này xảy ra như thế nào còn tuỳ thuộc vào kết quả bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 11 cũng như việc các nhân vật chủ chốt định vị lập trường của mình như thế nào để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016. Tuy nhiên, cả hai đảng nhìn chung đều ủng hộ tự do thương mại đi cùng với khuôn khổ trách nhiệm và thừa nhận những lo ngại có cơ sở.

Trong những năm qua, vấn đề thao túng tiền tệ đã trở nên quá tồi tệ, tạo ra những hiệu ứng xấu cho nhiều thành phần kinh tế và cộng đồng tại Hoa Kỳ, buộc các nghị sĩ dân cử không thể phớt lờ. Chúng ta hy vọng rằng các quốc gia tham gia TPP khác sẽ hiểu rằng hiệp định sẽ có nhiều khả năng thành công hơn nếu nó ngăn chặn được tình trạng thao túng tiền tệ.

Simon Johnson, nguyên kinh tế trưởng tại IMF, là giáo sư tại Trường Quản trị Sloan (MIT), nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế, và là đồng sáng lập của blog kinh tế học hàng đầu mang tên The Baseline Scenario. Ông là đồng tác giả với James Kwak cuốn White House Burning: The Founding Fathers, Our National Debt, and Why It Matters to You.

Biên tập: Lê Hồng Hiệp | Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate