Những rủi ro địa chính trị ở châu Á

Print Friendly, PDF & Email

0,,16169685_303,00

Tác giả: Nouriel Roubini | Biên dịch: Phạm Thị Huyền Trang

Bài liên quan: Quan hệ Trung-Nhật 120 năm sau cuộc chiến

Rủi ro địa chính trị lớn nhất trong thời đại của chúng ta không phải là cuộc xung đột giữa Israel và Iran về vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân, hay nguy cơ bất ổn kéo dài từ Maghreb (Ả-rập Bắc Phi) cho tới tận Hindu Kush (dãy núi nằm giữa Afghanistan và Pakistan). Thậm chí, đó cũng không phải là nguy cơ có thể xảy ra Chiến tranh Lạnh thứ Hai giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine.

Đương nhiên, tất cả những rủi ro kể trên đều rất nghiêm trọng, nhưng không rủi ro nào nghiêm trọng bằng thách thức duy trì sự trỗi dậy của Trung Quốc trong hòa bình. Đó là lý do tại sao việc các quan chức và các nhà phân tích Nhật Bản và Trung Quốc so sánh mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia này như mối quan hệ giữa Anh và Đức trong đêm trước Thế Chiến I lại đặc biệt đáng lo ngại đến thế.

Các tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng về các đảo và tuyên bố chủ quyền trên biển (tiêu biểu là mâu thuẫn với Nhật Bản) chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trở thành một cường quốc kinh tế lớn đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào các tuyến đường vận chuyển phục vụ nhập khẩu năng lượng, hàng hóa và nguyên liệu đầu vào khác. Điều này ngụ ý sự cần thiết phải xây dựng một lực lượng hải quân trên biển để đảm bảo rằng nền kinh tế của Trung Quốc sẽ không bị kìm hãm trong trường hợp xảy ra phong tỏa hàng hải.

Nhưng nếu như Trung Quốc coi đây là một điều thiết yếu mang tính phòng thủ, thì các nước láng giềng và Hoa Kỳ lại cho rằng đó là biểu hiện của sự hung hăng và chủ nghĩa bành trướng. Và nếu như Hoa Kỳ cùng các đồng minh châu Á coi việc nâng cao năng lực quân sự trong khu vực để quản lý sự trỗi dậy của Trung Quốc là một điều thiết yếu mang tính phòng thủ, thì đối với Trung Quốc đây lại là một nỗ lực hiếu chiến nhằm kiềm chế quốc gia này.

Lịch sử từng chứng kiến những cuộc xung đột quân sự diễn ra khi một cường quốc mới xuất hiện và phải đối mặt với cường quốc hiện hữu. Ví dụ, việc không thể thích nghi với sự trỗi dậy của Đức đã dẫn tới hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20, hay việc Nhật Bản đối đầu với một cường quốc Thái Bình Dương khác – Hoa Kỳ – đã khiến châu Á chìm trong Thế Chiến II.

Tất nhiên, đây không phải là quy luật tất yếu của lịch sử: Trung Quốc và các quốc gia đối thoại không nhất thiết phải lặp lại quá khứ. Các biện pháp thương mại, đầu tư và ngoại giao có thể xoa dịu những căng thẳng đang ngày một gia tăng. Nhưng liệu các quốc gia này có chịu thực hiện các biện pháp đó hay không?

Rốt cuộc, các cường quốc châu Âu cũng chán ngấy việc cạnh tranh lẫn nhau. Đối mặt với một mối đe dọa chung từ khối Xô-viết và sự thúc giục từ Mỹ, các nước châu Âu đã tạo ra các thể chế thúc đẩy hòa bình và hợp tác, dẫn đến sự ra đời của liên minh kinh tế và tiền tệ – ngày nay là liên minh ngân hàng – và có thể tạo ra một liên minh tài khóa và chính trị trong tương lai.

Tuy nhiên, ở châu Á – nơi mà từ lâu những bất đồng lịch sử giữa Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác vẫn còn là những vết thương hở – lại không hề tồn tại một tổ chức nào tương tự như vậy. Ngay cả hai đồng minh quan trọng nhất của Hoa Kỳ – Nhật Bản và Hàn Quốc – cũng đang tranh cãi về vấn đề những phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm “phụ nữ giải khuây” trong các nhà thổ quân đội Nhật Bản trước và trong Thế Chiến II, mặc dù Nhật Bản đã chính thức lên tiếng xin lỗi Hàn Quốc từ 20 năm trước.

Tại sao những căng thẳng này giữa các cường quốc của châu Á lại ngày càng trở nên nghiêm trọng, và tại sao những căng thẳng đó lại xảy ra vào lúc này?

Trước hết, các cường quốc châu Á đã, đang hoặc chuẩn bị bầu ra các nhà lãnh đạo có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa hơn so với những người tiền nhiệm. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun–hye và Narendra Modi – người có khả năng trở thành tân thủ tướng của Ấn Độ[1]– đều là những người theo chủ nghĩa dân tộc.

Thứ hai, tất cả các nhà cầm quyền đều đang phải đối mặt với những thách thức lớn xuất phát từ nhu cầu cải cách cơ cấu để duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan trong bối cảnh các lực lượng kinh tế toàn cầu đang tìm cách phá vỡ mô hình cũ. Các hình thức cải cách cơ cấu khác nhau là hết sức quan trọng ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Indonesia. Nếu các nhà lãnh đạo của một hoặc nhiều trong số các nước này thất bại trên mặt trận kinh tế, họ có thể có động lực chính trị để đổ lỗi cho các “kẻ thù” bên ngoài.

Thứ ba, nhiều đồng minh của Hoa Kỳ ở châu Á (và các nơi khác) đang đặt nghi vấn liệu việc “xoay trục” chiến lược của Hoa Kỳ sang châu Á có đáng tin hay không. Việc Hoa Kỳ phản ứng yếu ớt trước các cuộc khủng hoảng ở Syria, Ukraine và các điểm nóng địa chính trị khác đã cho thấy tấm chăn an ninh của Hoa Kỳ tại châu Á đang ngày càng bị chia năm xẻ bảy. Trung Quốc hiện đang thử nghiệm mức độ khả tín của Hoa Kỳ trong vấn đề đảm bảo an ninh, khiến ngày càng có triển vọng rằng các nước bạn bè và đồng minh của Hoa Kỳ – bắt đầu từ Nhật Bản – có thể sẽ phải tự giải quyết nhu cầu an ninh của quốc gia mình.

Cuối cùng, nếu như ở châu Âu, Đức chấp nhận trách nhiệm về những nỗi kinh hoàng trong Thế Chiến II và chung sức dẫn dắt một nỗ lực kéo dài nhiều thập kỷ nhằm xây dựng Liên minh châu Âu như ngày nay, thì không có thỏa thuận lịch sử nào như vậy tồn tại giữa các nước châu Á. Kết quả là, tình cảm sô–vanh (dân tộc chủ nghĩa) đã thấm nhuần trong những thế hệ (ngày nay) vốn không biết tới những kinh hoàng của các cuộc chiến tranh trong quá khứ, trong khi các tổ chức có khả năng thúc đẩy hợp tác kinh tế và chính trị vẫn còn trong giai đoạn trứng nước.

Các lý do trên đây tạo ra một tập hợp nguy hiểm bao gồm nhiều nhân tố vốn rốt cuộc có thể dẫn tới xung đột quân sự tại một khu vực quan trọng của nền kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ sẽ phải làm sao để xoay trục sang châu Á một cách khả tín, vừa không để Trung Quốc cảm nhận đó là một nỗ lực ngăn chặn, vừa tránh việc các đồng minh coi đây là sự xoa dịu đối với Trung Quốc?

Trung Quốc sẽ phải làm gì để xây dựng một khả năng quân sự phòng thủ hợp pháp mà một cường quốc cần có và xứng đáng phải có, đồng thời không khiến các nước láng giềng và Hoa Kỳ lo ngại rằng nó sẽ sử dụng khả năng quân sự này vào mục đích chiếm giữ lãnh thổ tranh chấp và hiện thực hóa khát vọng nắm quyền bá chủ chiến lược ở châu Á? Và các cường quốc khác của châu Á sẽ phải làm gì để tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ vấn đề an ninh hợp pháp của các quốc gia này, chứ không phải là để mặc họ trước tình trạng Phần Lan hóa (nhu nhược hóa) dưới sự thống trị của Trung Quốc?

Các nhà lãnh đạo trong khu vực – và cả ở Mỹ – sẽ phải nỗ lực khôn cùng để tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho vô số những căng thẳng địa chính trị và địa kinh tế của châu Á. Trong trường hợp vắng bóng các các tổ chức hỗ trợ của khu vực, rất khó đảm bảo rằng ước vọng hòa bình và thịnh vượng sẽ chiếm ưu thế trước những tình thế có xu hướng xảy ra xung đột và chiến tranh như hiện nay.

Nouriel Roubini là giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, chủ tịch của Roubini Global Economics. Ông từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, và Ngân hàng Thế giới.

Biên tập: Lê Hồng Hiệp | Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate

————–

[1] Vào thời điểm này ông đã trở thành Thủ tướng Ấn Độ – NBT.