#228 – Chiến lược sinh tồn của các nước nhỏ

david-goliath

Nguồn: James E. Goodby (2014). “The Survival Strategies of Small Nations”, Survival: Global Politics and Strategy, Vol. 56, No. 5, pp. 31-39.

Biên dịch & Hiệu đính: Trần Tuấn Minh

Bài liên quan: Cuộc đối thoại ở Melos

Tác giả người Czech Milan Kundera đã từng cho rằng sự khác biệt cơ bản giữa nước lớn và nước nhỏ là ở chỗ nước nhỏ không thể tự đảm bảo sự sinh tồn của mình. Ông viết:

Nước nhỏ là một nước mà sự tồn tại của nó có thể gặp nhiều rủi ro; một nước nhỏ có thể biến mất và họ biết rõ về điều đó. Một người Pháp, Nga, và Anh thường không nghi ngờ về sự tồn tại của quốc gia mình. Trong lời quốc ca của họ chỉ tồn tại những ca từ nói về sự vĩ đại và vĩnh cửu. Tuy nhiên, lời quốc ca của Ba Lan, như chúng ta có thể thấy, được bắt đầu với câu: Ba Lan vẫn chưa suy vong…”[1]

Tương tự như vậy, ông Lý Quang Diệu, cha đẻ của đất nước Singapore nhỏ bé, đã từng nói:

Để hiểu được đất nước Singapore…trước hết bạn phải bắt đầu bằng một suy nghĩ khó chịu: đất nước này không nên tồn tại. Những gì bạn nhìn thấy ngày hôm nay – kiến trúc thượng tầng của thành phố hiện đại này … có thể dễ dàng bị tan rã.[2]

Không phải tất cả các nước nhỏ đều có quan điểm cực đoan như vậy về vị trí của họ trên thế giới này, nhưng hầu hết họ đều có những kinh nghiệm lịch sử chứng minh cho mối lo sợ về sự sinh tồn của mình. Sau tất cả, tính dễ bị tổn thương của những quốc gia nhỏ này đã được chứng minh hàng vạn lần qua xuyên suốt chiều dài lịch sử của nhân loại. Chúng ta đều biết Thucydides ghi chép lại số phận của đảo Melos trong cuộc chiến tranh Peloponnesse giữa Athens và Sparta vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Một đoạn trong ghi chép này, thường được gọi dưới cái tên “Cuộc đối thoại ở Melos”, mô tả về cách mà những nhà lãnh đạo Athens đã quyết định biến Melos (đồng minh của Sparta) thành một phần đế chế của họ.

Theo đó, họ buộc Melos phải đầu hàng nếu không muốn một cuộc chiến tranh tổng lực. Phản ứng trước phương thức ngoại giao cưỡng ép này, người Melos hỏi người Athens liệu có thể chấp nhận và bảo hộ để họ trở thành một nước trung lập và thân thiện với Athens được không. Tuy nhiên, Athens đã từ chối lời đề nghị bằng cách viện dẫn ý kiến của người dân rằng: “dân tộc chúng tôi xem đó như là một biểu hiện của sự yếu đuối”. Tiếp đó, người Melos cho rằng, kẻ yếu không phải luôn luôn thất bại trước kẻ mạnh: “trong chiến tranh, sự may mắn thường làm cho xác suất chiến thắng trở nên cân bằng hơn so với những gì người ta nghĩ nếu nhìn vào sự chênh lệch lực lượng”. Việc đề cập tới phương cách chiến tranh bất cân xứng này không làm người Athens thay đổi, và vì thế người Melos chuyển qua phương thức răng đe và nói rằng, “do chúng tôi yếu, chúng tôi tin rằng việc liên minh với Sparta sẽ bù đắp lại khuyết điểm này. Họ bị ràng buộc… và sẽ đến giúp chúng tôi”. Những người Athens bác bỏ khả năng này và cho rằng người Sparta sẽ không đặt đất nước mình vào hiểm nguy để giúp Melos: “khi người ta quan tâm đến lợi ích của họ, họ sẽ muốn đảm bảo an toàn cho bản thân trước tiên… Và hiển nhiên, người Sparta sẽ không quá liều lĩnh”.

Thương thuyết bất thành, người Melos phải ngoan cường đấu tranh để bảo vệ bản thân trước sự vây ráp của Athens trong một thời gian dài, nhưng cuối cùng cũng phải khuất phục do có sự phản bội từ bên trong. Và theo thông lệ, tất cả đàn ông đều bị tàn sát còn trẻ em và phụ nữ thì bị bán làm nô lệ. Đó chính là số phận ngàn đời của những nước nhỏ. Thucydides viết, “kẻ mạnh làm bất cứ những gì mình có thể và kẻ yếu luôn phải chấp nhận những gì mà họ phải chịu”.[3]

Trong một nỗ lực nhằm thay đổi kết cục thường là tất yếu này, sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, dưới dự lãnh đạo của tổng thống Woodrow Wilson, tư tưởng về quyền ‘tự quyết’ được hình thành và nó đã dẫn đến nền độc lập cho các dân tộc ở Đông Âu, những dân tộc đã từng là một phần lãnh thổ của đế chế Áo-Hung và đế chế Ottoman. Tuy nhiên, mọi chuyện trở lại như trước khi vào năm 1940, Bộ trưởng Ngoại giao của Stalin là V.M. Molotov tuyên bố rằng ‘kỷ nguyên của những nước nhỏ đã qua’.[4] Tuyên bố này được đưa ra trong một cuộc đàm luận giữa ông với Ngoại trưởng Litva không lâu sau khi Liên Xô và  Đức Quốc xã chia nhau bản đồ châu Âu.

Mô hình Phần Lan

Mặc cho những hạn chế hiển hiện đó, rất nhiều những nước nhỏ vẫn thành công trong việc bảo tồn bản sắc dân tộc riêng của mình qua hàng ngàn năm. Những nước này có một số yếu tố chung như sau: thứ nhất, đó là xu hướng hình thành một bản sắc mạnh mẽ trong vai trò một dân tộc riêng biệt với ngôn ngữ riêng và văn hóa riêng. Bản sắc đó đã chứng tỏ sự bền bỉ lớn hơn nhiều so với bất kỳ kiến trúc thượng tầng chính trị nào mà con người đã từng trải qua. Các đế chế có lúc hùng mạnh có lúc suy tàn; tuy nhiên, bản sắc của một dân tộc thì luôn luôn tồn tại. Nó giống như lời xướng ca “Chúng ta là một dân tộc – Wir sind ein Volk” của người Đức khi họ phá đổ bức tường Berlin. Tuy nhiên, một vài đế chế đã nhận thức được rằng, việc dung nạp một dân tộc nào đó sẽ dễ hơn là cố gắng hủy diệt ngôn ngữ và văn hóa của họ. Đây là điều mà các nước nhỏ đã có thể tận dụng bằng cách nhấn mạnh các đặc điểm riêng của mình. Đây là mô hình dưới thời đế chế Ottoman. Ngược lại, đế quốc Nhật đã tìm cách ngăn chặn việc sử dụng ngôn ngữ Triều Tiên trong suốt 35 năm trị vì đất nước này, điều đó dẫn đến sự thù hằn dai dẳng của người dân Triều Tiên đối với Nhật Bản, và nó kéo dài hơn 70 năm sau khi kết thúc sự cai trị của Đế quốc Nhật.

Một yếu tố khác của những nước nhỏ nhưng ngoan cường đó là mong muốn tột độ được làm chủ đất nước chứ không phải bị đô hộ bởi thế lực bên ngoài. Họ có thể chấp nhận sự cai trị của một đế quốc trong một khoảng thời gian nhất định khi sự cai trị này tạm thời tốt hơn những gì trước đó. Tuy nhiên, cuối cùng thì sự cai trị đó cũng sẽ dẫn đến sự căm phẫn và sẽ bị lật đổ. Thêm vào đó, lãnh đạo của những nước nhỏ biết rằng bám vào truyền thống cũng như văn hóa bản địa sẽ giúp họ có được tính hợp pháp trong mắt người dân của mình. Và do đó, có những lợi ích to lớn buộc tầng lớp lãnh đạo chính trị phải duy trì bản sắc văn hóa đặc thù của quốc gia. Cuối cùng, thực tế cho thấy những quốc gia nhỏ nào thành công trước những người láng giềng hùng mạnh đều xuất phát từ việc coi trọng giáo dục – một công cụ quan trọng để nâng cao sự tự nhận thức và khuyến khích quyền tự chủ.

Đất nước Phần Lan là một minh chứng hoàn hảo cho những yếu tố này. Mặc dù Phần Lan không được xếp vào dạng quá dân tộc chủ nghĩa, nhưng bản sắc dân tộc lại là một điều quan trọng đối với người dân Phần Lan, nhất là những khi họ bị đe dọa. Văn hóa, được hiểu bao gồm những yếu tố như thiết kế, âm nhạc, và kiến trúc, là một phần quan trọng trong sự nhận thức về bản thân của người Phần Lan. Đất nước này sùng bái sự cố kết dân tộc (mới chỉ đạt được gần đây trong lịch sử thông qua việc nhấn mạnh ngôn ngữ và văn hóa Phần Lan), niềm tự hào dân tộc, kỹ năng điều hành đất nước, sức mạnh kinh tế, và sự quan tâm đối với giáo dục gần giống như tư tưởng của Nho giáo.

Trong quá trình cộng tác lâu dài của tôi với những người Phần Lan (bao gồm một nhiệm kỳ làm đại sứ Hoa Kỳ tại Phần Lan những năm 1980-1981), tôi đã chú ý thấy một vài nét văn hóa Phần Lan mà tôi tin rằng xuất phát từ vị thế của một nước nhỏ dễ bị tổn thương khi sát cạnh biên giới là, theo cách nói của họ, một gã “hàng xóm khổng lồ”.

Trước hết, đó là sự bảo vệ kiên cường các lập trường quốc gia. Thứ hai, đó là sự sẵn sàng thỏa hiệp đối với những chuyện nhỏ. Khi chúng ta đặt hai đặc điểm này lại với nhau, bạn sẽ hiểu những gì mà các nhà quan sát vẫn thường gọi một cách thiển cận là “Phần Lan hóa” (Finlandisation). Thuật ngữ này ngụ ý nói đến sự nhu nhược của Phần Lan trước Liên Xô. Tuy nhiên, sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Phần Lan đã thể hiện một sự tự kiềm chế nhất định trong giai đoạn Chiến tranh lạnh nhằm tránh kích động Moscow. Chiến lược này có thể bị phê phán và nhiều người Phần Lan cũng lên án nó. Mặc dù vậy, cùng lúc đó, khối tư nhân ở Phần Lan vẫn nhanh chóng xây dựng những cơ sở hạ tầng và các hoạt động đặc thù của một nền kinh tế thị trường tự do tư bản chủ nghĩa.

Tôi trình quốc thư lên tổng thống Phần Lan vào mùa Xuân năm 1980 chỉ một vài tháng sau cuộc xâm lược của Liên Xô ở Afghanistan. Trong thời gian này, nhiều người vẫn đồn ở Washington rằng cuộc xâm lược của Liên Xô đã thực sự mở ra một chương mới trong lịch sử của nó: rằng Moscow đã bành trướng đế chế của họ ra bên ngoài lãnh thổ mà nó đã chiếm trước đây vào giai đoạn cuối của Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Lời đồn này còn cho rằng, Moscow đã có được sự tự tin từ vũ khí hạt nhân mà họ đang sở hữu, và do đó, giờ đây Moscow đã sẵn sàng sử dụng lực lượng quân đội để đạt được tất những gì phục vụ cho lợi ích địa chính trị của họ. Nhiều người tin rằng Phần Lan (trước đây là một phần của đế quốc Nga) sẽ là đối tượng tiếp theo dù cho nước này nằm ở vị trí phía bên kia của lục địa châu Á đối diện với Afghanistan.

Đáng chú ý là suy nghĩ này rất phổ biến ở Washington. Ở Phần Lan, hầu như không ai buồn nói đến nó. Như tất cả những quốc gia nhỏ khác, người dân Phần Lan luôn tự hào với bản sắc riêng của dân tộc mình và sự tự tin được hình thành từ đó. Milan Kundera đã viết về hiện tượng này ở những quốc gia nhỏ nói chung. Trong một phần bài viết của mình, ông đã trích lời của Franz Kafka đại ý rằng hiện tượng này “rõ ràng là một yếu tố sống còn”.[5] Thường những nước lớn lại không quan tâm đến kiểu tự tin như vậy và bị cuốn theo cách hiểu của riêng họ.

Thế thì nhận thức về bản thân của người Phần Lan ảnh hưởng đến hành vi đàm phán của họ trong giai đoạn Chiến tranh lạnh như thế nào? Tổng thống lâu năm của Phần Lan, ông Urho Kekkonen, đã phải cố gắng hết sức để gây dựng niềm tin đối với Liên Xô. Người dân Phần Lan đã trao thưởng cho ông bằng cách âm thầm hỗ trợ ông trong những chiến dịch tranh cử. Một trong những câu khẩu hiệu của ông ấy là, “chúng ta càng gần gũi với phương Đông thì chúng ta càng dễ dàng đến với phương Tây”.

Sự trung lập là chiến lược xuyên suốt trong chính sách của ông. (Điều này được Washington đánh giá rất cao khi Helsinki, không giống với Stokholm, đã kiềm chế không phê phán Mỹ trong chiến tranh Việt Nam). Ở hậu trường, tôi nghe những nhà ngoại giao Liên Xô nói rằng Phần Lan rất kiên quyết trong việc bảo vệ những lợi ích cơ bản của họ trong quan hệ với Moscow. Họ nói rằng, từ “Mutta” (nghĩa là “nhưng”) là từ mà họ nghe thường xuyên nhất ở người Phần Lan. Bên cạnh nhiều thứ khác, trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, Phần Lan đã thành công trong việc buộc Liên Xô phải di dời căn cứ hải quân ra khỏi lãnh thổ của Phần Lan. Căn cứ đó là một tàn dư của việc Phần Lan bị “bại trận” trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai mà tới lúc đó vẫn còn gây nhức nhối.

Giải thích hành vi của các nước nhỏ

Tính bất đối xứng trong quan hệ quốc tế

Download phần còn lại của văn bản tại đây: Chien luoc sinh ton cua cac nuoc nho.pdf

———————

[1] Milan Kundera, ‘The Tragedy of Central Europe’, New York Review of Books, vol. 31, no. 7, 26 April 1984, p.8. Trích dẫn này giúp chúng ta liên tưởng đến Max Jakobson, một chính khách người Phần Lan trước đây, đã đề cập đến vấn đề này trong những bài viết của ông. Ví dụ như bài viết, Finland Survived: An Account of the Finnish–Soviet Winter War, 1939–1940 (Helsinki: Otava Publishing, 1984) và Finland in the New Europe (Santa Barbara, CA: Praeger, 1998).

[2] Được trích dẫn trong tác phẩm của Seth Mydans và Wayne Arnold, ‘Modern Singapore’s Creator is Alert to Perils’, New York Times, 2 September 2007, http://www.nytimes.com/2007/09/02/world/asia/02singapore.

[3] Đọc Thucydides (Rex Warner, trans.),The Peloponnesian War, Book 5, Chapter 7, ‘Sixteenth Year of the War. The Melian Debate’ (New York: The Penguin Classics, 1954), pp. 358–66

[4] Được trích trong tác phẩm của Jakobson, Finland in theNew Europe, p. 4.

[5] Milan Kundera, The Curtain (New York: Harper Perennial, 2005), pp.37–45.