#7 – Cuộc đối thoại ở Melos

Print Friendly, PDF & Email

Discurso_funebre_pericles-2

Nguồn: Thucydides, “The Melian Dialogue”, History of the Peloponnesian War (Harmondsworth: Penguin Classics, 1954), pp. 400-408.

Biên dịch và Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Lời giới thiệu: Cuốn sách Lịch sử cuộc Chiến tranh Peloponnesse của Thucydides miêu tả lại cuộc xung đột giữa thành Athens và thành Sparta diễn ra từ năm 431 đến năm 404 TCN, liên quan đến phần lớn các thành bang của Hy Lạp ở phía bên này hay bên kia cuộc chiến. Melos, một hòn đảo nhỏ nằm ở ngoài khơi bờ biển phía đông nam của Hy Lạp, cố gắng giữ độc lập và trung lập nên đã chống lại nỗ lực của Athens trong việc biến họ thành một nước chư hầu triều cống. Athens sau đó cử một đội quân viễn chinh tới chinh phạt hòn đảo, hay ít nhất buộc nó tham gia vào liên minh với mình. Trước khi ra lệnh tấn công, các tướng lĩnh Athens đã cử người tới thương lượng với người Melos. Trong cuộc thương lượng đó, câu nói “kẻ mạnh làm bất cứ những gì mình có thể, còn kẻ yếu thì phải chấp nhận những gì họ phải chấp nhận” của người Athens đã trở thành một ví dụ kinh điển cho chủ nghĩa hiện thực trong quan hệ quốc tế. Dù đã diễn ra từ hơn 2.000 năm trước, những luận điểm của người Athens và người Melos trong cuộc đối thoại về mối quan hệ giữa nước mạnh và nước yếu, giữa chiến tranh và hòa bình, giữa lựa chọn đồng minh và kẻ thù… vẫn còn hết sức tương thích với hiện thực chính trị quốc tế ngày nay. Ban Biên tập Nghiencuuquocte.net xin trân trọng giới thiệu với các bạn bản dịch của văn bản quan trọng này.

Mùa hè năm sau người Athens đã tiến hành một cuộc viễn chinh chống lại đảo Melos. Melos là một xứ thuộc địa của Sparta nhưng không chịu thuần phục trước người Athens như dân các đảo khác và ban đầu giữ trung lập không tham gia vào bên nào của cuộc chiến, nhưng sau đó, trước việc người Athens dùng vũ lực cướp phá mảnh đất của mình, đã tỏ thái độ thù địch công khai. Các tướng lĩnh của Athens đưa quân tới đóng trại trên đảo Melos, nhưng trước khi tàn phá mảnh đất đó, đã cử người tới để thương lượng. Người Melos không đưa các sứ giả này tới nói chuyện trước toàn dân đảo mà yêu cầu họ trình bày mục đích sứ mệnh của mình trước hội đồng thành phố. Các sứ giả của Athens nói:

Người Athens: Vì chúng  tôi không được nói chuyện với người dân, vì các người sợ rằng nếu chúng tôi diễn thuyết liên tục mà không bị gián đoạn chúng tôi có thể đánh lừa họ bằng các lập luận hấp dẫn của mình mà các người không có cơ hội đáp lại – chúng tôi nhận thấy rằng đây chính là ý định của các người khi đưa chúng tôi tới đây chỉ để nói chuyện trước Hội đồng – vì vậy chúng tôi nghĩ rằng các người ngồi đây nên đảm bảo gấp đôi cho ý định an ninh của mình. Chúng tôi cũng đề nghị các người cũng không nên phát biểu dài dòng, mà hãy đề cập từng điểm một, và khi chúng tôi nói điều gì các người không đồng ý thì các người hãy ngắt lời ngay lập tức, và phản bác nó.

Người Melos: Chúng tôi không có gì phản đối đối với đề nghị hợp lý của các ông rằng chúng ta nên trình bày quan điểm của mỗi bên một cách hòa nhã, nhưng sự chuẩn bị về quân sự mà các ông đã thực hiện có vẻ như không nhất quán với điều này. Chúng tôi thấy rằng các ông tới đây với tâm thế định sẵn là người phán xét cuộc tranh luận, và rằng kết cục tự nhiên cho chúng tôi sẽ là làm nô lệ nếu các ông thuyết phục được chúng tôi, và gánh chịu chiến tranh nếu lập luận của chúng tôi thuyết phục hơn và không chịu khuất phục trước các ông.

Người Athens: Nếu các người gặp chúng tôi chỉ để đoán định về tương lai, hay vì mục đích nào khác mà không chịu nhìn thẳng vào thực tế và trên cơ sở đó thảo luận về sự an nguy của thành bang các ngươi, thì chúng tôi sẽ chấp dứt cuộc thương lượng. Ngược lại, chúng tôi sẵn sàng nói chuyện.

Người Melos: Ở địa vị chúng tôi, thật tự nhiên và chấp nhận được nếu chúng tôi tìm hiểu nhiều ý tưởng và lập luận khác nhau. Nhưng vấn đề khiến chúng ta gặp nhau tại đây là sự an nguy của chúng tôi, vì vậy, nếu các ông thấy vừa lòng, thì hãy để cuộc nói chuyện diễn ra theo cách các ông đã đề xuất.

Người Athens: Vậy thì chúng tôi sẽ không phát biểu dài dòng, thiếu thuyết phục, hay đầy những lời hoa mỹ, chỉ để chứng minh rằng chiến thắng trước Ba Tư đã biện minh cho đế chế của chúng tôi, và rằng chúng tôi giờ đây đang tấn công các người vì các người đã đối xử sai trái với chúng tôi. Và chúng tôi cũng đề nghị các người không mong chờ thuyết phục chúng  tôi bằng cách nói rằng các người chưa làm gì tổn hại tới chúng tôi, hay rằng, dù là một thuộc địa của Sparta, các người vẫn không tham gia liên minh với họ. Mỗi bên chúng ta hãy nói lên những suy nghĩ thực sự của chúng ta và hướng tới một thỏa thuận thực tế. Các người và chúng tôi, là những người thực tế, đều biết rằng vấn đề công lý chỉ tồn tại giữa những bên ngang bằng nhau về sức mạnh, và rằng kẻ mạnh làm bất cứ những gì mình có thể, còn kẻ yếu thì phải chấp nhận những gì họ phải chấp nhận.

Người Melos: Vì các ông tảng lờ công lý và đưa lợi ích riêng làm cơ sở cho cuộc tranh luận, chúng tôi cũng phải lấy lập trường như vậy, và chúng tôi nói rằng theo quan điểm của chúng tôi, việc duy trì một nguyên tắc có lợi cho tất cả chính là lợi ích của các ông, rằng bất cứ ai đang gặp nguy hiểm nên cần được đối xử một cách công bằng và bình đẳng, và được hưởng những lợi thế, dù đáng lẽ ra anh ta không được hưởng, nếu anh ta có thể giành được nó thông qua những lập luận thuyết phục. Đây là lợi ích của các ông cũng như của chúng tôi, vì sự thất bại của các ông sẽ khiến các ông bị trả thù một cách tàn bạo và đó sẽ là một bài học cho toàn thế giới.

Người Athens: Chúng tôi không e ngại gì về vận mệnh của đế chế chúng tôi nếu nó thực sự sụp đổ; những người thống trị các dân tộc khác, như người Sparta, không quá khủng khiếp đối với một kẻ thù bị đánh bại. Và người Sparta, những người mà chúng tôi đang xung đột, cũng không e ngại về điều đó, về mối nguy hiểm từ các thần dân vốn có thể quay lại tấn công và chinh phục những kẻ đã cai trị họ. Nhưng hãy để mối nguy hiểm đó cho chúng tôi tự xử lý. Hiện tại chúng tôi sẽ chứng minh rằng chúng tôi đến đây là vì lợi ích của đế chế chúng tôi, và rằng những gì chúng tôi nói là nhằm đảm bảo an toàn cho thành bang của các người, vì chúng tôi muốn các người trở thành thần dân của chúng tôi với ít rắc rối nhất, và chúng tôi muốn các người được sống sót phù hợp với lợi ích của chúng tôi cũng như chính các người.

Người Melos: Có thể lợi ích của các ông là làm ông chủ, nhưng tại sao trở thành nô lệ của các ông lại là lợi ích của chúng tôi?

Người Athens: Bằng cách đầu hàng các người sẽ tránh được một số phận khủng khiếp, và chúng tôi cũng sẽ hưởng lợi bằng cách không phải hủy diệt các người.

Người Melos: Các ông không đồng ý với một dàn xếp mà theo đó chúng tôi đứng ngoài cuộc chiến, trở thành bạn hữu của các ông chứ không phải kẻ thù của các ông, nhưng giữ trung lập sao?

Người Athens: Không. Sự thù địch của các người còn ít gây tổn thương cho chúng ta hơn là sự thân thiện. Đối với thần dân của chúng tôi, điều đó (sự thân thiện – ND) là một biểu hiện cho sự yếu đuối, còn sự thù hận của các người chứng tỏ sức mạnh của chúng tôi.

Người Melos: Đây có phải là ý tưởng của các thần dân của các ông? Chẳng lẽ họ không phân biệt giữa những thành bang không liên quan gì tới các ông, và những thành bang là thuộc địa của các ông hay quân phản loạn đã bị các ông chinh phạt?

Người Athens: Họ nghĩ rằng cả hai không có gì khác nhau, nhưng một số thành bang vẫn còn độc lập vì họ mạnh và chúng tôi e ngại tấn công họ. Vì vậy, ngoài việc giúp chúng tôi mở mang đế chế, việc các người đầu hàng cũng mang lại cho chúng tôi an ninh: và việc các người là dân đảo (và yếu hơn các đảo khác) càng làm cho việc các người không thể trốn thoát khỏi chúng tôi càng quan trọng hơn khi chúng tôi là những người thống lĩnh mặt biển.

Người Melos: Nhưng các ông không thấy an toàn khi chúng tôi trung lập sao? Các ông từ chối đòi hỏi công lý của chúng tôi và buộc chúng tôi đầu hàng, vì vậy chúng tôi cũng phải nói lên suy nghĩ của chúng tôi, và tìm cách thuyết phục các ông, nếu cả hai điều đó vô tình là một. Các ông sẽ không chuốc lấy thêm kẻ thù từ những thành bang trung lập khi họ thấy hành xử của các ông và nghĩ rằng một ngày nào đó các ông cũng sẽ tấn công họ sao? Hành động của các ông sẽ củng cố thêm sức mạnh của các đối thủ, và buộc những dân tộc khác nếu không vì như vậy mà trở thành kẻ thù của các ông, trái với mong muốn của họ, đúng vậy không?

Người Athens: Không. Các thành bang trên lục địa đang được hưởng tự do và sẽ còn lâu mới áp dụng các biện pháp phòng vệ với chúng tôi, và chúng tôi cũng không coi họ nguy hiểm bằng các thành bang độc lập trên đảo như các người, hay những thành bang đang bất mãn dưới sự cai trị của chúng tôi. Đây là những thành bang dễ hành động liều lĩnh và gây nguy hiểm cho chính họ cũng như chúng tôi nhất.

Người Melos: Vậy thì chắc chắn rằng, nếu các ông bằng mọi giá duy trì đế chế của mình, trong khi các dân tộc nô lệ tìm cách thoát ra khỏi nó, thì chúng tôi, một thành bang còn đang tự do, sẽ thật đớn hèn nếu như chúng tôi không thử làm mọi cách ngoài việc chấp nhận thân phận nô lệ, đúng vậy không?

Người Athens: Không. Nếu các người suy nghĩ bình tĩnh. Đây không phải là cuộc tranh giành vì danh dự giữa hai bên ngang bằng nhau, mà là vấn đề bảo toàn sinh mệnh cho các người, cứu các người khỏi một cuộc chiến với một cường quốc mạnh hơn nhiều lần.

Người Melos: Nhưng chúng ta đều biết rằng trong chiến tranh sự may mắn thường công bằng hơn những gì người ta nghĩ nếu nhìn vào sự chênh lệch con số lực lượng. Nếu chúng tôi đầu hàng ngay lập tức, chúng tôi sẽ không còn hi vọng gì; còn nếu chúng tôi chống trả thì vẫn còn một hi vọng là chúng tôi sẽ đứng vững.

Người Athens: Hi vọng khiến người ta chấp nhận rủi ro; nhưng những người ở thế mạnh mới có thể theo đuổi hi vọng mà không bị thất bại, dù có thể có thiệt hại. Nhưng khi họ đánh cược tới đồng xu cuối cùng cho hi vọng (vì nó rất đắt đỏ), niềm hi vọng đó sẽ bộc lộ rõ bản chất trong những phút giây thất bại, và khi niềm hi vọng đã bộc lộ rõ bản chất thì nó sẽ từ bỏ họ mà họ không còn gì để tự bảo vệ mình. Các người là nước yếu, và vận mệnh của các người chông chênh như trên mảnh cân, các người nên tránh sai lầm mà đa phần người ta mắc phải, những người đáng ra có thể tự cứu mình bằng những cách thực tế, và rồi, khi những hi vọng rõ ràng đã từ bỏ họ thì trong bế tắc họ lại quay sang những thứ vô hình – như những lời tiên tri hay sấm truyền, cùng những thứ khác như vậy – vốn huyễn hoặc con người bằng hi vọng khiến họ tự hủy hoại mình.

Người Melos: Các ông cũng biết chắc rằng chúng tôi nhận ra khó khăn khi chống trả lại sức mạnh của các ông và thần may mắn nếu như thần may mắn không công bằng. Tuy nhiên chúng tôi vẫn tin rằng Thượng đế sẽ ban may mắn cho chúng tôi một cách công bằng, vì trong cuộc tranh luận này chúng tôi đã đúng và các ông đã sai. Ngoài ra, chúng tôi cũng tin tưởng rằng khiếm khuyết về sức mạnh của chúng tôi sẽ được bù đắp bởi người Sparta, bởi Sparta sẽ giúp đỡ những người anh em chúng tôi, vì danh dự nếu không vì lý do nào khác. Vì vậy sự tự tin của chúng tôi không phải hoàn toàn vô căn cứ như các ông nghĩ.

…..

Download phần còn lại của văn bản tại đây: The Melian dialogue.pdf