Tác giả: Nguyễn Thành Trung
Hegemonia (bá quyền), theo nghĩa gốc tiếng Hy Lạp, là “lãnh đạo”, được dùng để miêu tả mối quan hệ giữa các thành bang thời Hy Lạp cổ đại. Bá quyền trong quan hệ quốc tế thường được định nghĩa là sự lãnh đạo hay sự thống trị của một cường quốc đối với một nhóm các quốc gia khác, thường là trong một khu vực. Nhưng “nhóm các quốc gia” có những giả định trước về mối quan hệ giữa chúng. Thực tế cho thấy khái niệm “lãnh đạo” mang hàm ý một mức độ nào đó về trật tự xã hội và tổ chức tập thể. Các quốc gia là những cá thể, bao gồm cả quốc gia bá quyền, vốn là quốc gia có sức mạnh áp đảo nhất trong trật tự xã hội đó. Do đó, rõ ràng khái niệm bá quyền gắn liền với khái niệm về hệ thống quốc tế. Bá quyền không tồn tại đơn độc, mà là một hiện tượng chính trị đặc biệt tồn tại trong một hệ thống quốc tế nào đó, mà chính hệ thống này là sản phẩm của các hoàn cảnh chính trị và lịch sử cụ thể.
Bá quyền bao gồm sở hữu và quản lý một tập hợp các tài nguyên quyền lực đa dạng. Quan trọng hơn, tất cả các quốc gia bá quyền đều có một đặc điểm chung: họ thích “quyền lực cấu trúc”, tức khả năng tạo lập các “luật chơi” chung cho các thành viên của hệ thống. Chính quyền lực cấu trúc này cho phép quốc gia bá quyền chiếm vị trí trung tâm và giữ vai trò lãnh đạo trong hệ thống nếu muốn. Thực sự, khả năng tác động tới việc hình thành lựa chọn và lợi ích của các quốc gia khác cũng quan trọng không kém khả năng của quốc gia bá quyền trong việc quản lí quyền lực, vì việc sử dụng quyền lực cấu trúc giúp cho quốc gia bá quyền ít phải huy động các nguồn lực của mình một cách trực tiếp và mang tính cưỡng ép đối với các quốc gia khác. Đó chính là lí do tại sao chỉ có một số quốc gia, với nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân lực phong phú, mới có tiềm năng trở thành quốc gia bá quyền.
Bá quyền, dù trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải được hậu thuẫn bởi sự vượt trội về quyền lực vật chất. Thêm vào đó nó còn có thể được duy trì thông qua một nền văn hóa xuyên quốc gia mang tính bá quyền giúp tạo tính chính đáng cho những quy định và chuẩn tắc của một hệ thống xuyên quốc gia mang tính thứ bậc mà nó lãnh đạo.
Trong thế kỷ 20, khái niệm bá quyền được mở rộng so với ban đầu. Hiện nay nó không những được áp dụng trong ngành quan hệ quốc tế, nơi nó hàm nghĩa thống trị, mà còn biểu thị nguyên tắc tổ chức của một xã hội mà ở đó giai cấp này thống trị giai cấp khác không chỉ bằng vũ lực mà còn bằng cách duy trì sự trung thành của quần chúng. Sự mở rộng ý nghĩa của khái niệm bá quyền này chủ yếu liên quan tới ảnh hưởng của nhà tư tưởng Mácxít người Ý Antonio Gramsci, người đã giúp phát triển khái niệm này một cách rõ rệt trong giai đoạn 1929-1935.
Tác phẩm của Gramsci ảnh hưởng nhiều tới cách mà một số học giả (đặc biệt là những lý thuyết gia phê phán) áp dụng khái niệm bá quyền. Gramsci cho rằng, trong những tác phẩm được viết vào những năm 1930, Karl Marx lập luận một cách chính xác rằng “nền tảng kinh tế” thiết lập những điều kiện giới hạn cho chính trị, tư tưởng và nhà nước. Nhưng lập luận sâu xa trong tác phẩm của Gramsci là nhằm tạo sự khác biệt với những lập luận đơn giản hóa về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị. Gramsci tập trung đề cập đến bản chất phức tạp trong mối quan hệ giữa hạ tầng cơ sở và và thượng tầng kiến trúc. Trong đó, theo ông, thượng tầng kiến trúc không thể được đơn giản hóa cho là một hình thức phản chiếu của những điều kiện kinh tế được giải thích một cách hạn hẹp. Tính độc đáo trong lý thuyết của Gramsci liên quan tới một loạt các ý tưởng mới mẻ mà ông sử dụng để mở rộng và làm thay đổi hiểu biết của chúng ta về chính trị.
Gramsci hết sức quan tâm tới bản chất của mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội dân sự phổ biến trong các xã hội tương đối hiện đại, đặc biệt các nền dân chủ tư bản. Ông thách thức khái niệm đơn giản hóa về nhà nước cho rằng nhà nước chỉ là một nhà nước giai cấp, trong đó giai cấp thống trị sử dụng nhà nước thuần túy như một công cụ thống trị và cưỡng bức đối với các giai cấp khác. Gramsci nhấn mạnh vai trò giáo dục của nhà nước, tầm quan trọng của nhà nước trong việc xây dựng các liên minh giúp giành được sự ủng hộ từ các giai tầng xã hội khác nhau, cũng như vai trò của nhà nước trong việc cung cấp sự lãnh đạo về văn hóa và tinh thần. Mặc dù cấu trúc kinh tế rốt cuộc vẫn mang ý nghĩa quyết định, nhưng Gramsci vẫn nhấn mạnh vai trò của những hành vi thực tế trong cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo xã hội, trên một mặt trận rộng lớn và liên quan đến nhiều “địa điểm” và thể chế khác nhau.
Ông lập luận rằng vai trò của đảng cộng sản là can dự và lãnh đạo một cuộc đấu tranh rộng lớn để giành bá quyền với nhà nước tư bản. Một sự chuyển dịch trong chiến lược chính trị mang tính xã hội chủ nghĩa là cần thiết, bên cạnh việc tấn công đối với nhà nước tư bản nhằm giành được các vị trí chiến lược trên một số mặt trận. Cuộc đấu tranh xã hội chủ nghĩa trước hết phải được coi như một “cuộc chiến giành vị trí” chống lại các lực lượng của bá quyền tư bản chủ nghĩa trong nền văn hóa và xã hội dân sự.
Do đó bá quyền ở mức độ toàn cầu không cần thiết phải đồng nghĩa với sự thống trị về mặt vật chất hay quân sự (như lập luận của chủ nghĩa hiện thực, đặc biệt theo cách một số nhà hiện thực giải thích thuyết ổn định nhờ bá quyền (hegemonic stability theory); nó cũng không cần thiết phải được xem như một thứ hàng hóa công (public good) cần thiết (như lập luận của chủ nghĩa tự do).
Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp, Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (Hà Nội, NXB Chính trị Quốc gia: 2018).