Bức tường Berlin (Berlin Wall)

berlin_wall

Tác giả: Nguyễn Hồng Bảo Thi

Bức tường Berlin được hình thành từ ngày 13 tháng 8 năm 1961 và tồn tại đến ngày 9 tháng 11 năm 1989 trước khi bị phá bỏ. Bức tường là ranh giới chia cắt giữa phần Tây Berlin với phần phía đông của thành phố và với lãnh thổ của nước Cộng hòa Dân chủ Đức bao bọc chung quanh Tây Berlin. Nó từng được chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức gọi là “bức tường thành bảo vệ chống Phát xít” và cũng đã từng bị người dân Cộng hòa Liên bang Đức gọi là “bức tường ô nhục”.

Xét về phương diện địa lý thì đây đơn thuần chỉ là cuộc chia cắt về địa lý, nhưng nếu xét về phương diện chính trị thì đây lại là một biểu tượng của sự đối đầu Đông – Tây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nó không chỉ đơn thuần là đường biên giới giữa hai phần nước Đức mà còn là biên giới giữa Hội đồng Tương trợ Kinh tế (SEV) với Cộng đồng Châu Âu (EC), giữa khối NATO và khối Vacsava, giữa phe tư bản chủ nghĩa và phe xã hội chủ nghĩa.

Sau Hội nghị Yalta, một trật tự thế giới mới – trật tự lưỡng cực – đã được hình thành, với hai hệ thống chính trị – xã hội đối lập nhau: Tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Nước Đức bị chia làm hai và hình thành hai nhà nước với hai chế độ chính trị khác nhau: Cộng hòa Liên bang Đức ở phía Tây (Tây Đức) và Cộng hòa Dân chủ Đức ở phía Đông (Đông Đức). Đông Đức theo đường hướng xã hội chủ nghĩa, cùng các nước xã hội chủ nghĩa khác đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế với nhau nhưng khép kín với thế giới bên ngoài, thực hiện một nền kinh tế chỉ huy, mang tính bao cấp. Trong khi đó, phục hồi nhờ Kế hoạch Marshall, Tây Đức đã lựa chọn chiến lược phát triển kinh tế theo mô hình thị trường tự do, giúp cho nền kinh tế ổn định và phát triển nhanh chóng. Với chiến lược này, nền kinh tế Tây Đức đã phát triển vượt bậc và vượt xa nền kinh tế Đông Đức.

Từ hệ quả trên đã xuất hiện làn sóng cư dân Đông Đức tìm cách trốn sang Tây Đức. Thống kê cho thấy từ 1949 cho đến 1961 đã có khoảng 2,6 triệu người chạy từ Đông Đức sang Tây Đức, trong đó chỉ riêng trong hai tuần đầu của tháng 8 năm 1961 đã có tới 47.433 người chạy trốn. Do những người chạy trốn sang Tây Đức thường là những thanh niên được đào tạo tốt nên tình trạng này đe dọa làm suy yếu nền kinh tế, đồng thời ảnh hưởng tới anh ninh quốc gia Đông Đức. Để ngăn cản tình trạng “chảy máu” quá mức như vậy, chính quyền Đông Đức đã quyết định lựa chọn một biện pháp cứng rắn là xây dựng Bức tường Berlin.

Trong đêm ngày 12 rạng sáng 13 tháng 8 năm 1961, quân đội Đông Đức đã bao quanh Tây Berlin bằng các công sự tạm thời và nhanh chóng thay thế bằng một bức tường bê tông cao 4m và dài 166 km, trong đó có 45 km nằm giữa hai phần Đông và Tây của Berlin. Bức tường chỉ có hai điểm kiểm soát duy nhất cho phép người qua lại giữa hai phần nước Đức. Việc kiểm soát Bức tường được thực hiện hết sức nghiêm ngặt, và các lực lượng biên phòng Đông Đức được phép nổ súng vào những người tìm cách vượt qua bức tường để trốn sang Tây Đức một cách trái phép.

berlin02_v1

Trên thực tế, từ năm 1961 đến 1989, khoảng 5.000 người đã tìm cách vượt qua bức tường để sang Tây Đức. Số người bị thiệt mạng khi vượt tường vẫn còn gây tranh cãi, nhưng nằm trong khoảng từ 86 đến 200 người. Đến mùa hè năm 1989, Bức tường Berlin đã không còn phù hợp với mục đích ban đầu nữa khi Hungary cho phép người dân Đông Đức được quá cảnh để đi sang Áo hoặc Tây Đức. Cho đến mùa thu, chính quyền Đông Đức đã nằm bên bờ vực sụp đổ.

Vào ngày 9 tháng 11 năm 1989, người dân đã bắt đầu phá bỏ từng phần bức tường mà không gặp phải sự can thiệp của chính quyền. Sự sụp đổ của Bức tường Berlin đã dẫn tới sự thống nhất hai phần nước Đức vào năm 1990, dưới tên gọi Cộng hòa Liên bang Đức và trở thành một biểu tượng cho sự chấm dứt cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài hơn bốn thập kỷ.

Bức tường Berlin: Những sự kiện chính

    • Tháng 5/1945: Hồng quân Liên Xô giành được Berlin từ tay phát xít Đức. Hiệp ước Postdam chia thành phố và cả nước Đức làm hai phần: Phía Đông do quân đội Liên Xô kiểm soát, phía Tây là của quân Đồng minh (Mỹ, Anh, Pháp).
    • Ngày 12/5/1949: Mỹ, Anh và Pháp thành lập Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức). Ngày 24/5, Liên Xô thành lập Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức).
    • Ngày 13/8/1961: Biên giới giữa Đông và Tây Đức bị đóng cửa. 2h sáng ngày 13/8, quân đội Đông Đức bắt đầu đổ bê tông xây dựng bức tường Berlin để làm “tường thành chống phát xít”.
    • Thập niên 70-80: Người dân Đông và Tây Đức chung sống với bức tường Berlin. Đã xảy ra hàng nghìn vụ “vượt rào” từ Đông sang Tây.
    • 1973: Hai nước Đức chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
    • Ngày 4/10/1989: Chính quyền Đông Đức sụp đổ trước phong trào đấu tranh đòi dân chủ của hơn 1 triệu dân chúng.
    • Ngày 9/11/1989: Hàng nghìn người Đông Đức tiến đến vùng biên giới đòi vượt qua rào cản đã tồn tại suốt 28 năm. Đội ngũ lính gác bức tường Berlin buộc phải lùi bước trước một làn sóng hơn 10.000 người tràn vào Tây Berlin. Bức tường đã bị xâm phạm và người ta bắt đầu phá bỏ nó. Từng mảnh tường bị đem ra bán làm vật kỷ niệm một thời chia cắt.
    • Ngày 3/10/1990: Hai nước Đức chính thức hợp nhất. Tường Berlin chỉ còn đọng lại trong tâm trí người dân về những năm tháng chia cắt của Chiến tranh lạnh.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (Hà Nội: NXB Chính trị Quốc gia, 2018).