Phòng thủ một Iraq bị chia cắt

_77504246_e2c8ca6b-4f7e-4b14-b0cc-0d9a84ac3fa5

Tác giả: Monica Duffy Toft | Biên dịch: Phạm Thị Huyền Trang

Hoa Kỳ và các nước đồng minh đang phải đối mặt với một thách thức chính sách lớn ở Iraq. Các cuộc không kích nhằm vào Nhà nước Hồi giáo (IS) có thể đánh đuổi các chiến binh Hồi giáo tại những khu vực trọng yếu; nhưng, trong hoàn cảnh hiện nay, cần phải có các binh sĩ để nắm giữ và quản lý những vùng lãnh thổ đã được giải phóng.

Do đó, việc đảm bảo an ninh cho Iraq đòi hỏi phải triển khai một lực lượng hùng mạnh, đó là lý do tại sao Tổng thống Mỹ Barack Obama lại đưa việc tái thiết quân đội Iraq vào chiến lược của mình. Nhưng để đạt được điều này cần phải vượt qua ba trở ngại liên quan nhau: thực trạng thiếu kinh nghiệm quân sự của các lãnh đạo Iraq; tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu; và mức độ hỗ trợ bên ngoài còn chưa rõ ràng.

Khi các nhà nước sụp đổ, đôi khi các bộ phận cấu thành của chúng kế thừa lực lượng vũ trang đủ mạnh để duy trì nhiệm vụ cai quản ở mức tối thiểu. Trường hợp này thường xảy ra hơn khi một nhà nước tan rã do xung đột vũ trang, trong đó mức độ ổn định phụ thuộc vào việc liệu các chỉ huy quân sự tài ba nhất có được phép giữ nguyên vị trí hay không.

Nhưng thông thường, các nhà nước sụp đổ do các hậu quả không được lường trước từ sự hiện diện của một lực lượng hỗ trợ bên ngoài. Ví dụ, sau thất bại của Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954, Việt Nam bị chia cắt, và Ngô Đình Diệm, vị tổng thống phi Cộng sản tại (Nam) Việt Nam, đã quay sang cầu viện hỗ trợ quân sự từ Mỹ. Thế nhưng, mức độ tham nhũng đáng kinh ngạc dưới thời Diệm và những người kế nhiệm ông ta được Mỹ hậu thuẫn, cùng với việc thay thế những chỉ huy quân sự tài giỏi nhất bằng tay chân của Diệm, cuối cùng đã dẫn đến sự thất bại của quân đội Nam Việt Nam.

Một tình huống tương tự cũng đang hiện rõ tại Iraq ngày nay. Bị chia rẽ bởi chủ nghĩa bè phái, lực lượng vũ trang Iraq đã không thể và cũng không muốn chiến đấu. Hai năm sau khi Mỹ rút quân, Thủ tướng Nouri al-Maliki đã củng cố quyền lực chính trị thông qua con đường bảo trợ thân hữu, cũng như Diệm bốn thập kỷ trước đó. Al-Maliki đã tìm cách bảo vệ lợi ích của người Shia trên đất Iraq bằng cách hy sinh lợi ích của các công dân Sunni. Cụ thể, ông bổ nhiệm lãnh đạo quân sự dựa trên tiêu chí bộ tộc và giáo phái chứ không dựa trên công lao của họ.

Khi một nhà lãnh đạo phải đối mặt với sự chống đối vũ trang nội bộ, người ta thường kỳ vọng vị lãnh đạo này sẽ tránh những hành động sơ suất có thể làm suy yếu quân đội. Nhưng có vẻ như ông al-Maliki lại cho rằng các lực lượng bên ngoài sẽ chỉ đơn thuần tới trợ giúp ông khi ông gặp rắc rối. Vì không am hiểu quân sự, ông ta dường như không hiểu được rằng các lực lượng bên ngoài cần phải làm việc chặt chẽ với quân đội trong nước, và rằng cần phải có một mạng lưới hỗ trợ tinh vi để tránh sự gián đoạn hậu cần do hành động của kẻ địch hoặc tham nhũng gây ra.

Nhìn nhận vấn đề từ tình hình thực tế – điều cần thiết trong trường hợp muốn khôi phục an ninh và phục hồi kinh tế – lực lượng dân quân địa phương phải có khả năng tự vệ trước các đối thủ hoặc băng nhóm tội phạm. Điều này có nghĩa là chính quyền trung ương cần có vai trò trong việc cung cấp các biện pháp an ninh cao hơn như chi viện không quân cố định hoặc luân phiên, tình báo cũng như hỗ trợ hậu cần và thông tin liên lạc.

Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu đối với các nhà lãnh đạo tại một đất nước bị chia rẽ là phải nắm giữ và củng cố vị thế độc quyền trong việc sử dụng lực lượng vũ trang một cách hợp pháp. Và các quốc gia viện trợ có xu hướng ủng hộ người lãnh đạo, bởi đây là cách thức giúp họ chuẩn hóa và đơn giản hóa viện trợ. Thật không may, phương pháp này ít khi có hiệu quả.

Thay vào đó, các chuyên gia an ninh nên cân nhắc làm thế nào để kiểm soát tốt nhất khả năng xảy ra bạo lực giữa và trong các phe phái đang tranh giành quyền kiểm soát trong nước. Đáng chú ý, việc tái thiết các lực lượng an ninh thường bị bỏ qua trong các dàn xếp chính trị hậu chiến (mặc dù điều này đang dần thay đổi kể từ khi Iraq sụp đổ).

Thật vậy, mặc dù các nhóm sắc tộc có thể làm suy yếu sự gắn kết quân sự, việc coi trọng họ một cách đầy đủ có thể tạo ra một môi trường an ninh vững chắc và ổn định hơn. Ví dụ, người Kurd thuộc khu vực người Kurd tự trị tại Iraq chắc chắn sẽ cảm thấy an toàn hơn khi có đội quân riêng của mình (gọi là lực lượng Peshmerga) và kết quả đã chứng minh họ là một lực lượng thiện chiến hơn. Ngược lại, người ta cho rằng chính việc tuân thủ mệnh lệnh của người Shia đa số đã làm suy yếu các lực lượng phòng vệ quốc gia Iraq.

Các nhà nước tranh chấp tan vỡ sẽ tạo ra các vấn đề chính sách khó giải quyết, và không thể có được các kết quả lý tưởng. Nhưng nếu các cường quốc nước ngoài muốn tham gia một cách xây dựng, họ phải am hiểu chính trị nội bộ và tình hình nhân khẩu học của quốc gia đó, đồng thời phải giải quyết các vấn đề an ninh của tất cả các nhóm bị ảnh hưởng một cách công bằng và bình đẳng. Nếu không làm như vậy, tất cả sẽ trở nên yếu đuối và dễ bị tổn thương.

Monica Duffy Toft, Giáo sư giảng dạy bộ môn Quản trị Chính quyền và Chính sách Công tại Trường Blavatnik School of Government, Đại học Oxford, là tác giả của sáu cuốn sách, trong đó có cuốn Securing the Peace: The Durable Settlement of Civil Wars, Princeton University Press, 2009.

Biên tập: Bùi Thu Thảo | Bản gốc tiếng Anh: Project Syndicate