Nguồn: Shashi Tharoor, “The Politics of UN Leadership“, Project Syndicate, 13/11/2014.
Biên dịch: Phạm Hồng Anh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Trên thế giới, các vòng (hay chiến dịch) bầu cử đang ngày càng kéo dài hơn. Chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, các chính trị gia tham vọng đã bắt đầu chiến dịch vận động ráo riết tại các bang chủ chốt cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Tuy nhiên một số cuộc tranh cử – ví dụ như cuộc đua cho vị trí Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tiếp theo cũng được tổ chức vào năm 2016 – thì vẫn im lìm. Điều này cần phải thay đổi.
Cuộc chạy đua đến vị trí Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc vốn thường diễn ra lặng lẽ đến mức có cảm tưởng đây là một bí mật. Cuộc tranh đua này hầu như chẳng có nét nào giống với sự phô trương của một chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.
Điều này có thể được lý giải qua thực tế quá trình ra quyết định chỉ gói gọn giữa 15 thành viên của Hội đồng Bảo an, ứng cử viên được chọn lựa bởi Hội đồng trước khi được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đóng dấu thông qua (cho đến nay mọi trường hợp đều diễn ra theo tiến trình này). Điều quan trọng là 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (P5) – Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, và Mỹ – đều có quyền phủ quyết (veto), bởi vậy đa số cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu một trong số họ phản đối.
Quá trình chọn lựa còn bị cản trở bởi một sự đồng thuận không chính thức, nhưng thực tế lại là một điều kiện tất yếu trong suốt 43 năm qua: xoay vòng khu vực sau mỗi hai nhiệm kỳ. (Ngoại lệ duy nhất là Tổng Thư ký vô cùng nổi tiếng và được coi trọng, Kofi Annan. Ông được lựa chọn trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, bất chấp việc đã kế nhiệm một người châu Phi khác trước đó). Kể từ năm 1971, vị trí này được luân chuyển qua các Tổng Thư ký đến từ Tây Âu, Mỹ Latinh, châu Phi, và châu Á – Tổng Thư ký đương nhiệm Ban Ki-moon (đang trong nhiệm kỳ thứ hai) đến từ Hàn Quốc. Chỉ có duy nhất một khu vực chưa hề góp mặt đại diện nào: Đông Âu.
Trên thực tế, số lượng ứng cử viên tiềm năng đến từ Đông Âu đã tăng lên, thậm chí còn có thông tin một số người đã bắt đầu kêu gọi sự ủng hộ. Cựu Tổng thống Slovenia Danilo Türk, từng là Trợ lý Tổng Thư ký về các vấn đề chính trị dưới thời Annan, là một ứng cử viên triển vọng. Một số người cho rằng Tổng Giám đốc UNESCO hiện nay, bà Irina Bokova người Bulgary, và hai người Slovakia – Bộ trưởng Ngoại giao Miroslav Lajčák và người tiền nhiệm của ông, Jan Kubiš, đều tham gia tranh cử. Ứng cử viên cuối cùng là cựu Ngoại trưởng Rumani Mircea Geoana, người được chính phủ các nước P5 đánh giá khá cao.
Cả năm ứng cử viên này đều là những gương mặt quen thuộc trong giới ngoại giao, trong đó có bốn người có kinh nghiệp làm việc trực tiếp tại Liên Hiệp Quốc. Thực tế này phủ nhận một lời đồn đại từ lâu rằng Đông Âu không có ứng cử viên sáng giá nào để tranh cử. (Bật mí: cả năm người này đều là bạn tôi, và tôi thấy họ đủ khả năng và hoàn toàn phù hợp với vị trí này).
Nhưng có một vướng mắc ở đây: Đông Âu phải tránh được quyền phủ quyết của Nga. Thật thế, đó có thể là yếu tố chính phá hỏng triển vọng của cựu Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski. Nhiều người lo ngại rằng nếu điện Kremlin bỏ phiếu chống với mọi ứng viên đến từ Đông Âu, cơ hội sẽ thuộc về một đại diện đến từ Tây Âu và các khu vực khác, như cựu Thủ tướng New Zealand và phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đương nhiệm Helen Clark, đặc biệt là nếu xét đến tính hấp dẫn của sự kiện người phụ nữ đầu tiên giữ chức Tổng Thư ký.
Liệu công chúng trên thế giới có thể được theo dõi cuộc tranh cử? Trong cuộc bầu cử năm 2006, khi tôi kết thúc ở vị trí thứ hai trên tổng số bảy ứng viên, người ta chứng kiến một sự công khai dư luận ở mức chưa từng có, thông tin về hoạt động của các ứng cử viên được cập nhật khi họ họp với các nhóm khu vực, phát biểu tại hội nghị cấp cao hàng năm của Liên minh châu Phi, và cả khi họ tham gia tranh luận trên đài BBC. Nhiều trang web mọc lên chỉ với mục đích duy nhất là phân tích cuộc đua.
Tất cả những điều này thể hiện một bước tiến quan trọng. Bởi tầm nhìn của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc là rất quan trọng, các ứng cử viên cần có cơ hội để công khai chia sẻ ý tưởng và mục tiêu của họ, như tôi đã cam kết thực hiện.
Tuy nhiên, rốt cuộc chiến dịch vận động quần chúng lại tác động rất ít đến kết quả cuối cùng, điển hình như việc ông Ban không tham gia các cuộc tranh luận trên BBC. Dù những nỗ lực chia sẻ tầm nhìn của một ứng cử viên có thể giúp người đó giành được sự ủng hộ rộng rãi, nhưng chúng cũng có thể có tác động tương tự đối với đối thủ của anh ta – và trong cuộc bầu cử Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, các thành viên Hội đồng Bảo an có thể tùy ý bỏ phiếu cho bất cứ ứng cử viên nào họ thích.
Cũng không thể nói rằng cuộc đua tranh không ảnh hưởng gì đến kết quả. Năm 2006, Hàn Quốc phát động một chiến dịch vận động được tài trợ đầy đủ và kéo dài suốt năm nhắm đến cả 15 thành viên Hội đồng Bảo an, bao gồm các chuyến thăm chính thức đến thủ đô các nước này. Chiến dịch quy mô như vậy thường đem lại những lợi ích hợp tác song phương đáng kể, thứ mà không phải ứng viên nào cũng có thời gian hoặc nguồn lực để theo đuổi. Trên thực tế, Hàn Quốc là nước thành viên Hội đồng Bảo an duy nhất tiến hành một chiến dịch như vậy.
Rõ ràng có thể kết luận rằng cuộc đua tới chức Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc không hề xét đến tầm nhìn hay bản lý lịch đẹp nhất, kĩ năng ngoại ngữ, năng lực điều hành tốt nhất, hay thậm chí cả uy tín cá nhân. Nó là một quyết định mang tính chính trị, chủ yếu do các nước P5 thỏa hiệp. (Suy cho cùng, một khi đã dành được sự ủng hộ của P5 thì ứng cử viên đó khó có thể thất bại trong việc giành đa số phiếu bầu ở Hội đồng Bảo an, bởi các nước có quyền bỏ phiếu không giới hạn).
Kết quả là ứng viên “ít bị chối bỏ nhất” sẽ chiến thắng. Và trong hoàn cảnh hiện tại, chẳng có lý do gì để tin rằng sự ra đời của truyền thông xã hội, phủ sóng truyền hình vệ tinh, hay một nền báo chí dấn thân sâu sát hơn có thể thay đổi được thực trạng căn bản này.
Năm 2016, nhiều khả năng nhất sẽ là một ứng cử viên đến từ Đông Âu mà các nước P5, đặc biệt là Nga cho là chấp nhận được. Thỏa thuận lựa chọn ứng cử viên như thế nào vẫn còn là một ẩn số. Điều rõ ràng ở đây là bất cứ người tranh cử nào không phù hợp với tiêu chuẩn đó sẽ bước vào cuộc đua với một bất lợi đáng kể, dù không hẳn là không thể khắc phục được.
Shashi Tharoor, cựu Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, cựu Bộ trưởng Bộ Phát triển nguồn nhân lực và Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại vụ của Ấn Độ, hiện là Nghị sĩ của Đảng Quốc Đại Ấn Độ, và là Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội về Đối ngoại. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề: “Ấn Độ và Thế giới trong thế kỷ 21” (India and the World of the 21st Century).