Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương (23/12/2014)

Print Friendly, PDF & Email

china-nuclear-fooprint-1024x682

Tác giả: Nguyễn Thế Phương

Những diễn biến chính của chuyển động quốc phòng khu vực trong tuần vừa qua tập trung chủ yếu xung quanh các quốc gia tại biển Đông.

Theo tờ Telegraph của Anh, Trung Quốc đã phát triển thành công một loại súng có khả năng bắn tia vi-ba (microwave) có khả năng được biên chế lắp đặt trên các tàu chiến hoặc tàu tuần tra của nước này. Nguyên lý hoạt động của loại vũ khí này là làm nóng các phân tử nước ở dưới da, làm cho đối tượng bị bỏng và gây đau đớn dữ dội. Với tên gọi là Poly WB-1, loại súng bắn tia vi-ba này dựa trên nguyên tắc không gây chết người và có ưu điểm là không tạo ra thương tích lộ rõ ra bên ngoài, hạn chế những hình ảnh gây sốc nếu nó được sử dụng. Poly WB-1 tương tự như hệ thống chống tiếp cận của Hoa Kỳ (Active Denial System – ADS) vốn hoạt động với các nguyên lý tương tự. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã ngừng sử dụng ADS do các lý do về an toàn và kỹ thuật, và bên cạnh đó là lý do nhân đạo.

Bên cạnh thông tin về hệ thống Poly WB-1, vào tuần trước, Trung Quốc cũng đã thử nghiệm toàn diện tên lửa liên lục địa mới nhất của nước này với tên gọi DF-41, vốn có khả năng bắn tới bất cứ đâu trên đất Mỹ. Cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã coi đây là một bước tiến lớn trong công nghệ vũ khí hạt nhân chiến lược của Trung Quốc, và có thể ảnh hưởng đến khả năng cân bằng chiến lược của khu vực. Thậm chí, theo một số chuyên gia quốc phòng, nỗ lực này của Bắc Kinh có thể khiến Hoa Kỳ phải xem xét lại khả năng cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân trong biên chế. Theo Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ gửi Quốc hội nước này thì DF-41 có thể mang 10 đầu đạn hạt nhân với tầm bắn hơn 10.000 km, đủ sức bao phủ toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ và có triển vọng đạt khả năng chiến đầu vào năm 2015. Bên cạnh DF-41, Bắc Kinh còn sở hữu các loại tên lựa liên lục địa khác là DF-5 và DF-31A. Sự phát triển không ngừng và có phần thiếu minh bạch của lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc sẽ khiến cho tốc độ chạy đua vũ trang và công nghệ giữa hai cường quốc Mỹ-Trung phát triển khó lường hơn.

Đề cập tới công nghệ rô-bốt quân sự, Hoa Kỳ vẫn là cường quốc dẫn đầu. Theo tờ Daily Mail của Anh, Hải quân nước này đã thử nghiệm một loại rô-bốt gián điệp mang hình dáng của một con cá ngừ, với tên gọi là GhostSwimmer thuộc dự án Silent Nemo. Với chiều dài 1,5 m, nặng gần 45 kg và khả năng lặn sâu tối đa là 92 m, cá rô-bốt này sẽ giúp Hải quân Hoa Kỳ thực hiện các sứ mạng do thám trong khi vẫn bảo đảm an toàn cho thuỷ thủ và thợ lặn. GhostSwimmer sẽ là một công cụ nổi bật làm tăng thêm tính hiệu quả cùng khả năng tác chiến cho các đơn vị hải quân với hai chế độ vận hành tự động hay được điều khiển bằng tay. Theo dự đoán, các loại rô-bốt và các thiết bị không người lái sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tác chiến hải dương tại một tương lai không xa.

Tại biển Đông, với việc Việt Nam sắp đón nhận chiếc tàu ngầm thứ ba, Philippines cũng vừa mới thành lập Văn phòng tàu ngầm trực thuộc Bộ Quốc phòng nhằm nghiên cứu và chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như con người cho khả năng mua sắm tàu ngầm trong tương lai. Theo chuẩn đô đốc Caesar Taccad, Philippines cần ít nhất 3 tàu ngầm và quá trình từ khi lập kế hoạch tới khi tiếp nhận cần 10 năm. Philippines bị đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm lực quốc phòng yếu kém nhất Đông Nam Á, với lực lương không quân và hải quân đã lỗi thời và không có khả năng triển khai dài ngày trên biển. Sự kiện Scaborough đã cho thấy rõ những yếu kém này, khiến Tổng thống Aquino đã phải đề ra một chương trình hiện đại hoá quân đội trị giá hàng tỷ USD nhằm cải thiện khả năng bảo vệ đất nước của quân đội Philippines.

Quá trình hiện đại hoá cấp tập cho thấy rõ được mức độ căng thẳng của các tranh chấp tại khu vực, khi mà nhiều nhà phân tích cho rằng khu vực đang tồn tại một cuộc chạy đua vũ trang thầm lặng nhưng quyết liệt. Có thể thấy rõ hệ quả của quá trình này khi Hội đồng Chính sách đối ngoại Hoa Kỳ (CFR) đã đưa tranh chấp biển Đông trở thành một trong 10 ưu tiên can thiệp của Washington trong năm 2015, với khả năng xung đột xảy ra giữa 2 trong các bên tranh chấp là 50-50. Tranh chấp biển Đông cũng được Bloomberg đưa vào danh sách những điểm nóng xung đột nguy hiểm nhất trong năm tới.