Tại sao cần đạt được thỏa thuận hạt nhân với Iran?

Print Friendly, PDF & Email

missile_2353892b

Nguồn: Michel Rocard, “Iran in the Middle”, Project Syndicate, 10/12/2014.

Biên dịch: Hoàng Thị Phương Thảo | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Các cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran, bằng hình thức này hay hình thức khác, diễn ra đến nay đã hơn một thập niên. Vậy nên sẽ chẳng có gì là ngạc nhiên khi thời hạn chót cho thỏa thuận cuối cùng một lần nữa lại được gia hạn. Iran và các nước đối thoại – năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức (nhóm P5+1) – giờ đây cần đạt được một sự đồng thuận từ nay đến hết tháng 6.

Đó là một diễn tiến gây nản chí, và có thể dễ dàng nói rằng quá trình này tất yếu sẽ thất bại. Nhưng vẫn có lý do để hy vọng. Trong các vòng đang diễn ra của cuộc đàm phán, hai thành viên chủ chốt, Iran và Hoa Kỳ, có vẻ đã sẵn sàng – nếu không nói là quyết tâm – đưa các cuộc đàm phán đến một kết thúc thành công.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đều được lợi từ một thỏa thuận. Các biện pháp trừng phạt đối với Iran đã bắt đầu đè nặng lên nền kinh tế nước này và giải quyết tranh chấp là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ nỗ lực nào từ hai quốc gia để hợp tác về một thỏa thuận hòa bình ở Syria hoặc để giải quyết những mối đe dọa đến từ Nhà nước Hồi giáo (IS).

Iran chỉ vừa mới thoát khỏi một thách thức chính trị nội bộ kéo dài 3 năm. Quân đội và những giáo sĩ Hồi giáo theo đường lối cứng rắn, những người tin rằng Iran nên sản xuất vũ khí hạt nhân, phải đối mặt với phần lớn cộng đồng doanh nghiệp và các giáo sĩ theo đường lối cải cách do Rouhani và cựu Tổng thống Mohammad Khatami dẫn đầu, những người cho rằng Iran không nên sản xuất vũ khí hạt nhân. Kết quả vẫn chưa ngã ngũ cho đến khi nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei nhắc lại một fatwa (quan điểm pháp lý, hay đơn giản là phán quyết được đưa ra dựa trên luật Hồi giáo, hay Shariah – NBT) cấm vũ khí hạt nhân.

Chừng nào vấn đề còn chưa được giải quyết, phái đoàn đàm phán Iran còn chưa thể đồng ý với một kết quả được mong đợi. Minh chứng là trong những trường hợp khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế được quyền tiếp cận các cơ sở (hạt nhân) bị nghi ngờ trong suốt cuộc đàm phán thì thanh sát viên của họ lại bị các chỉ huy tại chỗ yêu cầu phải rời đi khi họ tới làm việc. (Chắc chắn là thành phần phái đoàn Hoa Kỳ đôi khi cũng xuất hiện một cách không phù hợp, thường bao gồm các quan chức kịch liệt thù địch với Iran, bên cạnh các nhà ngoại giao làm việc theo kỷ luật đang tìm cách đạt được một thỏa thuận theo yêu cầu của Tổng thống Obama).

Ngoài ra còn có một lý do cơ bản hơn để hy vọng. Trung Đông đang trải qua một sự thay đổi lớn – sự thức tỉnh của người Shia (Shia awakening). Cũng như chuyển động chậm rãi, chắc chắn của các phiến đá trong lòng đất, sự biến đổi ngầm và sâu rộng này đang tự nó làm nên những đợt phun trào hủy diệt trong khu vực.

Khi cuộc chiến tranh sai lầm của Mỹ ở Iraq hạ bệ Saddam Hussein năm 2003, nó cũng làm đảo lộn sự cân bằng hài hòa vốn có. Saddam là kẻ vụ lợi và tàn nhẫn, nhưng chế độ của ông ta chủ yếu là thế tục. Còn lâu mới dám chứa chấp vũ khí hủy diệt hàng loạt, ông ta chỉ muốn tập trung vào việc duy trì quyền lực của mình. Rút ra được bài học trong suốt cuộc chiến tranh tàn bạo và tốn kém của Iraq với Iran trong những năm 1980, Saddam đã cẩn trọng để không đụng chạm đến cán cân địa chính trị trong khu vực.

Trong hơn một ngàn năm, thế giới Hồi giáo bị xung đột giữa dòng Sunni và dòng Shia chia rẽ. Trước cuộc xâm lược của Mỹ, Iran, cùng với chế độ Alawite của Syria, là những đất nước duy nhất nơi mà người Shia kiểm soát nhà nước. Khoảng 70% dân số của thế giới Ả rập là người Sunni, và người Shia là nhóm người thiểu số trong hầu hết các quốc gia Ả rập, ngoại trừ Iraq và Bahrain. Sự sụp đổ của Saddam cho phép người Shia chiếm đa số ở Iraq lên nắm chính quyền thông qua bầu cử. Nhưng nó cũng gây ra nội chiến và bất ổn trong khu vực (bao gồm cả các cuộc biểu tình của người Shia đang diễn ra ở Bahrain).

Ở Syria, tình hình gần như tương tự. Đất nước này là bức khảm tạo nên bởi các tộc người Druze, người Kurd, người Cơ đốc giáo, một vài người Do Thái, nhiều người Shia, và đa số là người Sunni. Giống như Saddam, Tổng thống Bashar al-Assad dẫn dắt một chế độ thế tục cai trị bằng sự đàn áp dã man. Nhóm người đa số Sunni đã nhận thấy quyết tâm hạ bệ ông dưới danh nghĩa nhân quyền và dân chủ của phương Tây là một cơ hội để lật đổ kẻ áp bức họ.

Thật không may, những người Sunni ôn hòa ở Syria đã bị tấn công từ 2 phía: chính phủ của Assad và những tín đồ cực đoan của dòng Wahhabi, trường phái tư tưởng ít khoan dung nhất của Hồi giáo. Kết quả chính là sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo, cùng với đó là mối đe dọa tuyệt diệt những dân tộc thiểu số nước này, bao gồm người Cơ đốc giáo và người Alawite.

Những biến động tại hai quốc gia láng giềng này đã định hình lại địa chính trị khu vực. Cùng với Iran, Nga – nước luôn tìm cách hạn chế ảnh hưởng của Mỹ và Anh ở Trung Đông – đã ủng hộ sự nổi lên của người Shia; trong khi nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ thống trị bởi người Sunni, cường quốc quân sự lớn mạnh nhất trong khu vực và là thành viên của NATO, đã ít che giấu sự cảm thông của mình đối với Nhà nước Hồi giáo. Ví dụ, gần đây Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm những người Kurd của nước này giúp đỡ những người cùng sắc tộc của họ ở Iraq và Syria, những người bị IS nhắm đến để tiêu diệt.

Iran và chế độ tàn bạo của Assad đã trở thành những tác nhân chủ chốt trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo. Bởi thế, việc phá bỏ sự bế tắc trong các cuộc đàm phán hạt nhân giữa các nước P5+1 và Iran là rất cần thiết. Bằng cách làm tan băng hiện trạng khu vực, thỏa thuận cuối cùng có thể dẫn đến một sự thay đổi liên minh, với những hệ quả sâu rộng. Quả thật, có lẽ lý do thuyết phục nhất để hy vọng rằng các nhà đàm phán sẽ nhanh chóng tiến tới một thỏa thuận chính là nỗi lo sợ của các chính phủ của họ về các viễn cảnh thay thế.

Michel Rocard, nguyên Bí thư thứ nhất Đảng Xã hội Pháp và nghị sĩ Nghị viện châu Âu trong 15 năm, là Thủ tướng Pháp từ năm 1988 đến năm 1991.