Nguồn: Maria O’Sullivan, “Why is the Australian government sending refugees to Cambodia?”, East Asia Forum, 28/11/2014.
Biên dịch: Phạm Thị Huyền Trang | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Gần đây, một thỏa thuận tái định cư cho người tị nạn được ký giữa Úc và Campuchia đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong chính sách dành cho người xin tị nạn của Úc. Thỏa thuận đưa ra các điều kiện, theo đó, những người được giới chức tại Nauru (nằm trong chế độ phân loại người tị nạn từ xa của Úc – offshore processing regime) công nhận là người tị nạn sẽ được tái định cư tự nguyện ở Campuchia.
Chính phủ đã lên tiếng biện minh rằng thỏa thuận với Campuchia là một phần trong việc xây dựng một khuôn khổ tái định cư trong khu vực. Thực tế, đây một sản phẩm phụ của chính sách cấm các thuyền nhân tái định cư tại Úc. Bởi Úc không còn cho phép những thuyền nhân tị nạn đến định cư tại quốc gia này, trong khi đó năng lực tiếp nhận người tị nạn tái định cư của Nauru và Papua New Guinea lại rất hạn chế, Úc phải tìm kiếm các quốc gia khác trong khu vực sẵn sàng (và có thể) chấp nhận những người tị nạn này.
Các học giả và các tổ chức nhân quyền đã công khai chỉ trích thỏa thuận này. Họ lập luận rằng Campuchia là một quốc gia còn tồn đọng nhiều vấn đề về nhân quyền và có các thể chế pháp luật yếu kém. Cũng có những ý kiến không đồng tình với quan điểm rằng nước Úc có thể “thuê” một đất nước đang phát triển thực hiện các nghĩa vụ luật tị nạn của mình.
Thỏa thuận này cũng là chủ đề đang được quan tâm ở Campuchia như được minh chứng bằng các cuộc biểu tình gần đây của người dân Campuchia. Mặc dù mức độ không hài lòng với kế hoạch lan rộng tới đâu trong xã hội Campuchia là không rõ ràng, nhưng nó đã nêu lên những nghi vấn về tính bền vững của thỏa thuận tái định cư này, bởi nó cho thấy bất kỳ người tị nạn tái định cư nào thuộc thỏa thuận này đều có khả năng không được chào đón bởi ít nhất một bộ phận người dân Campuchia.
Có vẻ như mối quan tâm chính của người dân Campuchia là việc chính phủ nước này đã đồng ý tiếp nhận và chăm sóc những người tị nạn do Úc gửi tới, trong khi đó lại không thể hỗ trợ cho chính công dân nước mình. Không có gì khó hiểu khi người ta nghĩ rằng những người tị nạn nên được tái định cư tại một quốc gia có nhiều khả năng chu cấp cho họ hơn, chẳng hạn như nước Úc. Tờ Guardian đưa tin những người Campuchia phản đối thỏa thuận này lo ngại rằng Campuchia không có đầy đủ điều kiện để đáp ứng cho những người tị nạn[1]. Một báo cáo khác dẫn lời những người ủng hộ người tị nạn tại nước này nói rằng họ ‘lo ngại người dân địa phương sẽ bất mãn nếu người tị nạn được nhận tiền trợ cấp và được coi là sung túc hơn so với những người dân khác trong cộng đồng’.
Thỏa thuận này đi kèm với một gói viện trợ lớn từ Úc trị giá 40 triệu đô-la Úc (35 triệu đô-la Mỹ) trong vòng bốn năm tới. Cho tới nay người ta vẫn chưa rõ mục đích sử dụng của những nguồn hỗ trợ này cũng như lợi ích mà nó sẽ đem lại cho cộng đồng người dân Campuchia tới đâu. Nếu được triển khai hiệu quả, các chúng có thể giảm bớt một số các vấn đề kinh tế trong nước, trong đó có nghèo đói, an ninh lương thực, nạn mù chữ và thất nghiệp.
Tuy nhiên, một điều được thừa nhận rộng rãi là tình trạng tham nhũng đang lan rộng trong chính phủ Campuchia: năm 2013, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã xếp hạng Campuchia đứng thứ 160/177 nước về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng. Như vậy, rất ít khả năng tất cả các nguồn viện trợ này sẽ được sử dụng cho các dự án được dự tính. Năm 2011, nhật báo Washington Post đã nêu lên quan ngại về vấn đề này, đưa tin rằng sau khi các nhà tài trợ cam kết vốn cho Campuchia, ‘các quan chức đã bòn rút các tài khoản viện trợ nước ngoài và xây cho mình những căn biệt thự có diện tích bằng một khách sạn nhỏ’. Bài báo cũng ghi nhận rằng tình trạng của người dân Campuchia – những người đáng ra được hưởng lợi từ viện trợ – hầu như không có sự cải thiện, với gần 80 phần trăm người dân Campuchia sống ở nông thôn không có điện, nước sạch hay nhà vệ sinh.
Cũng có ý kiến cho rằng việc cung cấp một khoản viện trợ lớn cho chính phủ Campuchia có thể góp phần vào các vấn đề chính trị có tính hệ thống của đất nước này. Một tác giả chuyên nghiên cứu về sự phụ thuộc vào viện trợ của Campuchia, Sophal Ear, ghi nhận rằng từ năm 2002 đến năm 2010, Campuchia đã nhận được 5 tỷ đô-la Mỹ viện trợ (chiếm gần 95 phần trăm tổng chi tiêu của chính phủ). Ear cho rằng đây là vấn đề quan trọng bởi vì các nhà tài trợ tạo điều kiện cho chính phủ hoạt động mà không cần phải kiếm đủ nguồn thu ngân sách thông qua thuế, và điều này, đến lượt nó, sẽ làm giảm trách nhiệm giải trình của chính phủ trước cử tri.
Ngoài gói viện trợ 40 triệu đô-la Úc, những người tị nạn mới được định cư sẽ được hỗ trợ tài chính trong vòng 12 tháng đầu tiên tại nơi cư trú ở Campuchia (bao gồm hỗ trợ khởi nghiệp). Chính sách này nảy sinh hai vấn đề chính. Đầu tiên, nó có thể gây ra sự đối kháng từ những bộ phận người dân Campuchia nhất định nếu họ cho rằng những người tị nạn đang được ‘đối xử đặc biệt’ (nhất là trong bối cảnh mà nhiều người Campuchia đang gặp khó khăn về kinh tế). Thứ hai, chính sách này không chỉ rõ những người tị nạn tái định cư sẽ đối phó như thế nào khi chính phủ ngừng viện trợ. Thông tin quốc gia từ báo cáo năm 2014 của Tổ chức Giám sát Nhân Quyền cho thấy: khi những người tị nạn tái định cư không thể tự duy trì tài chính, họ có thể gặp nguy hiểm và sẽ trở thành người vô gia cư.
Các nước trong khu vực Đông Nam Á cần phải được hỗ trợ để nâng cao năng lực bảo vệ người tị nạn như là một phần khuôn khổ khu vực về người xin tị nạn và cơ chế ‘chia sẻ gánh nặng’ người xin tị nạn. Có nhiều lo ngại chính đáng về kế hoạch tái định cư người tị nạn ở Campuchia. Do đó, tốt hơn hết chính phủ Úc nên đảm bảo khả năng bảo vệ người tị nạn của Campuchia được phát triển đầy đủ trước khi đưa người tị nạn sang tái định cư tại quốc gia này.
Maria O’Sullivan là Giảng viên khoa Luật tại Đại học Monash và Cộng tác viên tại Trung tâm Luật Nhân quyền Castan.